1. Từ ngày vua Thuận Tông nhường ngôi cho thái tử Án để dành thời gian tu tiên, hoàng hậu Thánh Ngãng được tôn phong làm thái hậu nương nương khi tuổi chưa đầy “nhị thập nhất tuế” (hai mươi mốt tuổi).
Dù biết, cựu hoàng Thuận Tông tu tiên tại cung Bảo Thanh, phía Nam núi Đại Lại, xứ Thanh Hoa và sau đó, chuyển ra quán Ngọc Thanh ở thôn Đạm Thủy, vùng Yên Bang, Đông Triều đã gần một năm, song, thái hậu vẫn chưa một lần xa giá thăm chồng; ấu chúa Trần Án cũng chưa khi nào được đi vấn an cha, bởi triều đình đã quy định nghiêm khắc, phải để cho vị thái thượng hoàng hai mươi hai tuổi này trọn chí dưỡng tâm, mẫn trí trên đường tu tiên, đắc đạo…
Cho đến một ngày, chỉ trong vài thời khắc, thái hậu Thánh Ngãng nhận được ba bốn tin hung, rằng Thuận Tông đã bị giết thảm. Nương nương thất kinh đến mức hét lên một tiếng, máu trào đầy mồm rồi đổ vật xuống, ngất đi.
Khi được cứu tỉnh, thái hậu dường như đã bị hóa dại, hết cười nói nhăn nhở lại la thét kêu khóc, đòi mạng cho chồng, réo tên ấu chúa Trần Án, rằng con trai bà đang ở đâu? Án, mới có ba tuổi đầu thì khai trào trước bá quan văn võ thế nào? Án, mỗi đêm còn vài lần tè dầm ra long sàng thì phán quyết việc quốc kế dân sinh của Đại Việt thế nào?…
Tuy tiếng kêu van thảm thương, uất nghẹn là vậy nhưng không có một ai đáp lại nương nương, dù chỉ nửa lời an ủi. Xung quanh thái hậu, ngoái đi ngoảnh lại chỉ có vài ba thị tì lầm lũi hầu hạ trong nỗi kinh hãi thất thần mỗi khi có bóng thái giám vãng qua, dò xét.
Thêm ít ngày sau đó, thấy thái hậu bỏ ăn, nằm bẹp chỉ còn thoi thóp thở thì lũ thị tì phải vội bí mật cấp báo cho công chúa Huy Ninh, mẹ ruột của nương nương. Khi bà này đến, thật lạ, Thánh Ngãng, hồn vía đang lìm lịm như sắp lìa thân xác, bỗng mở bừng mắt, thét vào mặt mẹ đẻ: “Các người đã giết vua! Các người đã giết chồng tôi! Quân ác thú”. Hét xong, thái hậu lại ngất đi…
Công chúa Huy Ninh vội tự tay sơ cứu cho con gái và sai người đi gọi thái y gấp.
2. Chừng mười năm trước, ngày mồng ba tết Nguyên đán Kỷ Tỵ (1389), công chúa Huy Ninh, em gái của thượng hoàng Trần Nghệ Tông (Nghệ Hoàng), vợ của bình chương quân quốc trọng sự (tể tướng) Hồ Quý Ly, đưa tiểu thư Thánh Ngãng đến chúc thọ Nghệ Hoàng và mừng quan gia (vua) Thuận Tông tròn một năm trị vì Đại Việt tại tẩm cung Diên Khánh, cạnh đại điện Thiên An.
Từ ngày nhường ngôi cho con trai út là Trần Thuận Tông, Nghệ Hoàng không về cung thái thượng hoàng ở Thiên Trường như các bậc tiền bối Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông… mà ở lại Thăng Long, vì vua Thuận Tông còn quá trẻ, chỉ mới mười tuổi. Thêm nữa, triều đình, sau sự đầu hàng Chiêm Thành của thân vương Trần Nguyên Diệu, em của phế đế Trần Hiện, đã phân lìa thành phe này, cánh khác, đang đe dọa đến sự tồn vong của triều Trần. Thế nên, ở đại điện Thiên An cũng như ở cung Diên Khánh, bên cạnh ngai của Nghệ Hoàng, bao giờ cũng đặt một ngai cho Thuận Tông. Ngai thượng hoàng cao rộng hơn ngai vua, hai tấc mốt.
Là tiểu thư con quan tể tướng lá ngọc cành vàng, lại có mẫu thân là em gái Nghệ Hoàng nên khi được theo mẹ vào tẩm cung Diên Khánh, vừa trông thấy Thuận Tông, Thánh Ngãng liền bỏ hết cả nghi lễ, ào đến réo tên húy của nhà vua trẻ:
- Anh Ngung! Sao lâu không thấy anh đến chơi nhà em? Anh Ngung quên em Ngãng rồi à?
Câu réo của cô bé chưa đến tuổi thành niên này khiến công chúa Huy Ninh vô cùng sợ hãi, vì con gái bà đã phạm tội khi quân, một tội có thể bị diệt tộc đến ba họ.
Vì thế, bà vội bịt mồm Thánh Ngãng lại và kéo cô bé cùng quỳ mọp xuống, lạy Nghệ Hoàng và Thuận Tông:
- Vạn tuế thượng hoàng! Vạn tuế quan gia, xin nhị đức cửu trùng hải hà xá tội bất kính cho kẻ thơ dại thất lễ!
Nghệ Hoàng chưa kịp đáp lời thì tiểu thư Thánh Ngãng lại nghển cổ lên, trách móc Thuận Tông:
- Anh Ngung trả lời em đi chứ!
Công chúa Huy Ninh vội dìm đầu con xuống, còn vua Thuận Tông thì lấm lét nhìn Nghệ Hoàng, lúng túng nói:
- Vì... vì... anh bận,… bận ận… làm vua!
Nghệ Hoàng cả cười:
- Hay quá! Quan gia biết bận làm vua là có chí hướng rồi đấy! Ta miễn lễ! Em gái và cháu ta bình thân đi!
Công chúa Huy Ninh vẫn còn chưa dám tin ở tai mình thì Nghệ Hoàng nhắc tiếp câu: “Miễn lễ, miễn lễ!” mà ngài vừa ân ban.
Công chúa vội tạ:
- Vạn tuế! Long ân trời biển của thượng hoàng, mẹ con em dù muôn chết cũng chưa báo đền được…
Để cho cuộc chúc tết đầu năm nhuận đượm tình huynh đệ, vua tôi, Nghệ Hoàng bảo với mẹ con cô em gái Huy Ninh hãy an lòng rằng, phép nước bao giờ cũng rất trọng nhưng người trong nhà đến với nhau thì phải luôn lấy điều thể tất, thân thiện, giống như tấm khăn điều phủ trên giá gương, thứ này tôn đỡ thứ kia, thế mới gọi là nghĩa cốt nhục, tình huyết hệ thủ túc tâm phúc.
Chỉ dụ xong, Nghệ Hoàng đưa tay hướng tới chỗ bàn khách rồi ngài rời ngai cùng công chúa Huy Ninh đến đó, chia ngôi thứ cùng ngồi. Bọn tả hữu hầu cận lễ phép dâng trà.
Ở chỗ Thuận Tông, đôi trẻ còn nán lại. Cô bé Thánh Ngãng tranh chỗ ngồi chen ở cái ngai rộng thênh mà vị quan gia tuổi còn thiếu niên chỉ mới tọa được hơn một nửa.
Từ chỗ ngự trà, công chúa Huy Ninh nhìn cảnh đó có ý mừng thầm nhưng để giấu đi sự hân hỉ trong lòng, bà chỉ lặng lẽ nhìn Nghệ Hoàng vẻ thăm dò. Thấy anh trai nhìn về phía Thuận Tông, tủm tỉm cười, bà liền quỳ xuống dâng lễ vật:
- Muôn tâu thượng hoàng! Ngày xuân ấm áp, chúng thần đến kính lễ…
Nghệ Hoàng vui mừng:
- Ta cảm ơn em gái và cháu! Bình thân đi!
Nhận được lời ân huệ của Nghệ Hoàng, công chúa Huy Ninh liền đứng lên, gọi Thánh Ngãng lại. Cô bé hồn nhiên kéo cả Thuận Tông đi cùng.
Công chúa ôm vai con gái về phía mình rồi cả hai cùng quỳ xuống, dâng lên cái hộp sơn son thiếp vàng.
Nghệ Hoàng lại phải bảo họ ngồi dậy “bình thân” và ngài tự tay mở hộp quà ra xem.
Trong hộp quà là một bức gấm thêu sáu chữ: Phù Quốc - Tề Gia - Thánh Đế.
Nghệ Hoàng xem “quà” một cách chăm chú.
Bỗng cô bé Thánh Ngãng nôn nóng hỏi:
- Vạn tuế! Thượng hoàng, bác thấy đẹp chứ ạ?
Nghệ Hoàng khẽ cười ngẩng nhìn mẹ con cô bé, khen:
- Một trứ tác.
Công chúa Huy Ninh mừng mừng khoe:
- Của con gái em thêu đấy.
Nghệ Hoàng tiếp tục khen:
- Chà! Cháu gái của bác thật công dung ngôn hạnh vẹn toàn.
Thánh Ngãng nét mặt rạng ngời, liền thưa:
- Cháu tạ ân bác thượng hoàng ạ. Bác ban phép cho cháu được tặng quà tết anh Ngung, bác nhé?
Công chúa Huy Ninh liền nhắc nhở:
- Con phải bẩm là “Vạn tuế quan gia” chứ không được gọi tên húy là “anh Ngung”. Mẹ đã dặn kỹ thế, sao vội quên?
Thánh Ngãng cự cãi:
- Mẹ ơi! Bác thượng hoàng đã miễn lễ rồi mà!
Nghệ Hoàng lại cười khẳng định:
- Miễn lễ, miễn lễ!
Thánh Ngãng liền trao cái hộp khá to buộc dải lụa màu xanh cho Thuận Tông rồi cả hai cùng mở, xem. Đó là một đôi diều hình chim phượng hoàng, một bằng gấm đỏ, một bằng gấm xanh.
Thuận Tông xem xong thích lắm. Đôi trẻ ríu rít xin phép Nghệ Hoàng và công chúa Huy Ninh mang “quà” chạy chơi trong cung Diên Khánh như họ từng với lũ mục đồng cùng thả diều ở bãi sông Thiên Trường, trong một lần về thăm quý hương năm trước…
Bên chén trà hương cúc thơm đằm đặm, sau khi đuổi hết hầu cận ra ngoài, Nghệ Hoàng bỗng nhỏ giọng hỏi cô em gái tin cẩn nhất của mình:
- Ta muốn cho cháu Thánh Ngãng làm hoàng hậu quan gia, ý em thế nào?
Công chúa Huy Ninh liền làm vẻ tái mặt, ngạc nhiên thưa lại:
- Vạn tuế thượng hoàng! Quan gia và cháu Ngãng là con cậu, con cô với nhau, e rằng không hợp đạo nhân luân.
Nghệ Hoàng ra chiều nghĩ ngợi rồi phải mất một lúc sau, ngài mới nói bằng thứ giọng đều đều:
- Ta hiểu, em gái ta đang lấn bấn về đạo nhân luân trong Trần tộc, từng đã bị không ít tai tiếng từ thời đức Thái Tông mở triều nhưng dù sao thì dòng dõi Đông A vẫn phò rập lẫn nhau, đời đời sinh ra được những đấng thánh đế oai linh như Thánh Tông, Nhân Tông…, những vị lương tướng có tài kinh bang tế thế như Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, Quốc công Thái úy Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật… Như vậy, tiền nhân của chúng ta đã lựa chiều mà khu xử để bảo trọng dòng tộc khỏi bị ngoại thích chen vào, cướp ngôi. Gần đây, sau khi gian tử Dương Nhật Lễ đoạt tông miếu xã tắc, triều đình điêu đứng tan tác, suýt làm cho dòng dõi Đông A suy đổ, điều đó càng thấy tiền bối của chúng ta đã nhìn xa trông rộng. Em nghĩ mà xem, chỉ trong mười năm lại đây, triều ta đã thay đổi đến ba bốn vua, kẻ chết trận người bị phế, bị giết. Nghiệp chướng đó khiến ta lúc nào cũng canh cánh bên lòng. Hiện tại, quan gia tuổi còn thơ dại mà ta thì sắp thất thập rồi. Ta nghĩ, Hồ Quý Ly, chồng em là quan đầu triều, là em rể ta, nay cháu Thánh Ngãng làm hoàng hậu, làm dâu ta; quan gia làm rể quan tể tướng, dưới một người trên muôn người thì ngôi vua nhà Trần sẽ vững như bàn thạch. Mấy lời gan ruột, ta đã nói hết cả rồi. Em hãy vì sự nghiệp của tổ tông hơn một trăm năm mươi năm gây dựng mà tác thành cho mối lương duyên này để anh em ta cùng xúm nhau, sắp đặt lại kỷ cương triều đình, bảo trọng giường mối thuận hòa nơi hậu cung. Được như thế, ta và quan gia sẽ yên tâm chăm lo đại sự của triều đình và bách tính!
Nghệ Hoàng dứt lời đã một lúc rồi mà công chúa Huy Ninh vẫn ngồi im. Sự im lặng này không phải vì bà quá bấn cợn về đạo nhân luân như đã giả bộ thưa với Nghệ Hoàng. Bà im lặng để làm một phép thử, xem anh trai bà có thực lòng hay không thôi, chứ thực ra từ lúc nghe được phân nửa “chỉ dụ” của vị thượng hoàng già, trong lòng bà như đã có trống giong cờ mở. Vì rằng, trong buổi đi mừng thọ đầu năm, công chúa Huy Ninh đã được ông chồng, tể tướng Hồ Quý Ly, giao cho trọng nhiệm, thiết kế bằng được cuộc hôn nhân Trần Ngung - Hồ Thánh Ngãng. Ai ngờ bà chưa phải lạy bẩm, nỉ non điều gì thì Nghệ Hoàng đã nói ra tâm ý tác thành cho đôi trẻ…
Thấy công chúa Huy Ninh cứ vẫn ngồi im, Nghệ Hoàng bèn hỏi:
- Hình như em vẫn còn lấn cấn?
Công chúa Huy Ninh vội đáp như người sực tỉnh cơn mê:
- Thượng hoàng dạy thế là rất phải! Em xem ra quan gia và con gái em cũng quý nhau.
- Đúng rồi, từ lâu chúng đã rất quấn quýt, gần đây anh thấy hai đứa lớn nhanh như thổi.
Nói xong, Nghệ Hoàng liền gọi con trai và cháu gái đang đuổi nhau vui chơi với hai cánh diều ở góc trái điện Diên Khánh lại chỗ ngự trà.
Vua Thuận Tông một tay cầm đôi diều, một tay cầm tay tiểu thư Thánh Ngãng hớn hở chạy đến.
Khi đôi trẻ đã ngồi vào hai bên Nghệ Hoàng, ngài ôm con trai và cháu gái hỏi:
- Lâu nay là anh em trong nhà, bây giờ là vua tôi, vì tổ tông dòng dõi Đông A, ta sẽ chọn ngày sóc tốt lành để xuống chiếu cho cháu Thánh Ngãng làm hoàng hậu của quan gia đấy!
Thánh Ngãng liền giãy nảy:
- Cháu với anh Ngung là anh em, sao lại lấy nhau, bác? Cháu mới chưa đầy mười tuổi mà làm hoàng hậu ư?
Nghệ Hoàng vẫn giữ nụ cười đôn hậu:
- Cháu gái bác bình thân đã nào! Khó như làm vua mà quan gia vẫn làm được đấy. À, bác dặn, từ nay, cháu chỉ được gọi nhà vua là “quan gia” hoặc “bệ hạ”, chứ không được gọi là “anh Ngung” nữa nhé!
Thánh Ngãng vẫn có ý vùng vằng:
- Vạn tuế! Không ạ, đang là anh em lại thành vợ chồng, xấu hổ lắm, cháu không dám!
Công chúa Huy Ninh vội nhìn Thánh Ngãng, lo lắng nói:
- Con quỳ xuống tiếp chỉ thượng hoàng đi!
Thánh Ngãng vẫn còn đang lúng túng thì bỗng vọng vào tiếng truyền rằng, có tể tướng Hồ Quý Ly, xin yết kiến thượng hoàng và quan gia.
Nghệ Hoàng cho vời vào. Hồ Quý Ly quỳ thưa:
- Vạn tuế thượng hoàng! Vạn tuế quan gia! Khắp kinh thành đang náo nức tiến lễ khai hạ! Kính mời nhị đức cửu trùng xa giá để khuyến dụ trăm họ…
Nghệ Hoàng tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Sao năm nay kinh thành tiến tết Khai hạ sớm thế? Hôm nay mới mồng ba tết!
Hồ Quý Ly liền thưa:
- Vạn tuế, bởi hôm nay là ngày tốt nhất trong tháng Giêng, nhờ long ân thượng hoàng và quan gia, nắng đẹp, trời trong, gió xuân hây hẩy, bách tính lấy làm nức lòng nên khai hội sớm và sẽ kéo dài đến tận tết khai hạ, mồng bảy ạ.
Nghệ Hoàng chuẩn lời tâu của Hồ Quý Ly và chỉ hơn một khắc sau đó, ngài cùng vua Thuận Tông xa giá tiền hô hậu ủng từ cửa Dương Minh trẩy ra. Công chúa Huy Ninh và tiểu thư Thánh Ngãng cũng được mưa móc long ân ban phép cho theo xe vua, tháp tùng…
Từ hôm được nấp oai rồng của Nghệ Hoàng và quan gia vi hành trên các phố hoa lệ kinh kỳ ngày xuân, tiểu thư Thánh Ngã bỗng thấy rất thích được làm hoàng hậu. Nàng nhí luôn nhớ lại các cảnh bách tính kính cẩn bái lạy tung hô “vạn tuế”, hướng về phía thượng hoàng và quan gia. Cái “anh Ngung” trước đó còn tranh nhau chơi diều trong cung Diên Khánh với cô như đám trẻ trâu làng Thiên Trường, bỗng hiện diện trên xa giá uy nghi, trang trọng trước bao là mệnh quan, tướng súy và nam thanh nữ tú kinh thành. Có vài người còn vào chỉ nàng nhí, reo lên: “Hoàng hậu thiên tuế!”, “Mẫu nghi thiên hạ thiên tuế”. Nàng nhí chưa hiểu “thiên tuế” là gì, hỏi mẹ thì được công chúa Huy Ninh bảo rằng, thượng hoàng, quan gia là “vạn tuế”, hoàng hậu là “thiên tuế”, nếu làm ngôi hoàng hậu, nàng chỉ kém quan gia có một bậc. Nghe thế, bằng cảm nhận non tơ như nụ đào hé nở, và sự sáng trong, chân thành tựa bát nước giếng xuân vừa mới vục đầy, Thánh Ngãng thấy danh phận tương lai của mình, mới đáng vinh hiển, mới đáng tự hào làm sao!
Thế nên, sau khi rời đoàn xe vua vi hành về đến dinh tể tướng, công chúa Huy Ninh chưa kịp hỏi, cảm nhận của nàng nhí về buổi được vịn vây rồng, du xuân ngày đầu năm hiếm có, Thánh Ngãng đã tự hoan hỉ nói ra rằng, làm thượng hoàng, làm quan gia sướng thật. Thánh Ngãng còn kể thêm, lúc được đi cạnh quan gia, nàng đã được một vị đại thần, mặc áo tía, đội mũ đồng cân như trạng nguyên, thám hoa vái lạy…
Đọc được vị của con gái, công chúa Huy Ninh liền cười nói:
- Con mà làm hoàng hậu thì đến mẹ cũng sẽ phải lạy con mỗi khi phải tâu bày bất kể điều gì đấy!
Thánh Ngãng ngạc nhiên:
- Có chuyện đó ư?
Công chúa Huy Ninh nhẹ nhàng nói:
- Làm hoàng hậu, không chỉ là vợ vua mà còn có quyền coi sóc cả ba cung sáu viện. Sắp xếp mọi nội tình yên ấm để quan gia bằng an, tập trung toàn tâm trí giữ nghiệp nhà Trần và trị vì Đại Việt, quốc thái dân an như thượng hoàng chí tôn đã thánh dụ.
Thánh Ngãng hồn nhiên giục:
- Vâng, vậy xin mẹ hãy bẩm ngay với bác thượng hoàng cho con làm hoàng hậu đi, mẹ.
Công chúa Huy Ninh xoa đầu con gái:
- Thượng hoàng đã có thánh dụ phải chọn ngày lành tháng tốt mới tiến hành đại sự được. Đây là việc quốc gia rất trọng, cơm chưa ăn gạo còn đó, không nên vội vàng.
Thánh Ngãng phụng phịu:
- Nhỡ bác thượng hoàng nhiều việc quên mất thì sao?
Công chúa Huy Ninh vội nói:
- Con lại nói năng phạm thượng rồi. Đấng chí tôn không bao giờ biết đơn sai, nhất là những lời vàng đá…
Sợ mẹ còn giữ ý tứ gì đó nên Thánh Ngãng đã lén thưa thêm với cha nàng, tể tướng Hồ Quý Ly. Vị mệnh quan đầu triều chỉ nheo nheo ánh mắt cười nhìn con gái và nói ra cái ý giống hệt vợ ông đã nói:
- Đại sự lập hoàng hậu rất trọng, chỉ đứng sau việc quan gia lên ngôi thôi! Thượng hoàng và triều đình đã có chủ trương rồi, không nôn nóng vội vàng được.
Tuy song thân có thận trọng khuyên phải biết đợi thời, nhưng nàng nhí cũng chẳng phải chờ lâu gì mấy. Giữa tháng Giêng năm ấy, tiểu thư Hồ Thánh Ngãng đã được lập hoàng hậu của Thuận Tông. Đám cưới được cho là sang trọng nhất, đông khách mời nhất trong tông tổ vương gia nhà Trần từ buổi lập triều. Không sang, không đông sao được khi đương kim hoàng đế, con út của thượng hoàng kết duyên với con gái quan tể tướng, bình chương quân quốc trọng sự, người có hai bà cô lấy vua Trần Minh Tông và đang là em rể của thượng hoàng Trần Nghệ Tông?
“Ma chê cưới trách”, dù mối lương duyên được cho là nhất đẳng ấy cũng khiến cho trong triều đình lẫn ngoài bách tính không ít chê bôi, thêm thắt rằng, nhà Trần vẫn ngựa quen đường cũ, anh em trong nhà vẫn cứ tiếp tục làm bại phong hóa. Trước đây Thái Tông đã cướp lấy vợ đang mang thai của anh cả, Yên Sinh vương Trần Liễu, còn gần đây thì vua Dụ Tông thông dâm với chị ruột là Thiên Ninh công chúa để chữa bệnh liệt dương…
Những chuyện đó, tai mắt triều đình luôn cố bưng bít nhưng rồi cũng vọng đến tai Nghệ Hoàng. Ngài đã không nổi giận lôi đình, kíp sai bọn côn quang đi tầm nã lũ cong môi uốn lưỡi đâm ba chè củ bỉ báng, ngài cũng không ban chỉ dụ để bạch hóa rằng, Thánh Ngãng họ Hồ, có can hệ gì đến huyết hệ chính thống họ Trần đâu. Chuyện huynh đệ của công chúa Huy Ninh với Nghệ Hoàng, tính đến đời Thuận Tông và Thánh Ngãng cũng qua ba đời rồi.
Cách xử sự của Nghệ Hoàng đã khiến cho lũ tiểu nhân buôn tin đơm chuyện nói mãi cũng chán, trong khi đó thì ngài trực tiếp dạy dỗ hoàng hậu Thánh Ngãng về các điển lễ trong tứ thư ngũ kinh.
Là người sáng dạ, chỉ trong trăm ngày ngồi vào ngôi “mẫu nghi thiên hạ”, hoàng hậu nhí Thánh Ngãng đã có thể thưa bẩm rành rẽ trước bố chồng - thái thượng hoàng những cách thức cai quản tam cung lục viện. Nghệ Hoàng có chút hoài nghi, hỏi công chúa Huy Ninh xem bà - em gái ngài có bí mật truyền dạy gì cho tân hoàng hậu hay không thì công chúa nói là: “Vạn tuế thượng hoàng! Em có biết gì chuyện trong tam cung lục viện đâu mà bí truyền?”.
Được lời em gái, Nghệ Hoàng càng gia công, tích sức chỉ bảo cho hoàng hậu Thánh Ngãng từng li từng từng tí trong ngôi nội tướng của quan gia. Ngài mỗi ngày một thêm quý mến nàng nhí còn hơn cả các công chúa của ngài.
Duy chỉ một điều là ngài chưa chịu ban long ân cho quan gia và hoàng hậu nhí chuyện động phòng. Việc này được tuyệt đối bí mật giao cho chính công chúa Huy Ninh quản lĩnh. Theo đó, đêm đêm quan gia và hoàng hậu cùng ngự trên long sàng nhưng mẹ vợ/ cô ruột vua nằm giữa.
Cũng từ ngày tấn ngôi hoàng hậu, Thánh Ngãng phải dậy từ cuối canh tư lo “nâng khăn sửa túi” hoàng bào, mũ miện, cân đai… để kịp đầu canh năm, quan gia sang đại điện Thiên An khai trào. Công chúa Huy Ninh nhìn “hai đứa trẻ mười, mười một tuổi” vừa ngủ gà ngủ gật, vừa mặc áo đội mũ đi khai trào mà thương đến thắt ruột. Chưa hết, sau khi quan gia lên điện Thiên An, hoàng hậu Thánh Ngãng không được ngủ tiếp mà phải cùng các thị tì và thái giám đi đến từng nơi trong cung cấm, xem xét mọi sự và khuyến dụ công việc.
Nghệ Hoàng mừng lắm, ngài yên tâm rằng, nhà Trần rất có cơ trung hưng khi Thuận Tông có được một hiền thê - quốc mẫu như Thánh Ngãng…
Cho đến một đêm trong lúc bất ngờ tỉnh giấc, công chúa Huy Ninh bỗng phải nằm im đến cứng hết cả người, vì quan gia và hoàng hậu đang lâm hạnh bằng sức lực và ham háo của tuổi dậy thì trên thảm gấm hoa dưới nền cung cấm.
Sáng dậy, bà giữ ý tứ, coi như không biết chuyện đã xảy ra mà chỉ một mực giúp hoàng hậu chuẩn bị mọi thứ long bào, mũ miện… cho quan gia đi khai trào…
Chờ đến đầu giờ Tỵ, bà đến cung thượng hoàng bẩm với anh trai, chuyện bà đã không trọn lời ủy thác…
Nghe xong, thượng hoàng bỗng mừng rỡ thốt lên:
- Hồng phúc! Hồng phúc!
Rồi ngài hạ giọng, chỉ dụ những lời tâm tình với công chúa Huy Ninh:
- Em ạ! Hóa ra chúng nó lớn cả rồi! Quan gia, thân đã cao bảy thước, mặt rồng mày phượng, tướng mạo chả mấy khác một chân mệnh đế vương. Đã thế lại được cái đức, tan triều là đến kinh diên (viện sách hoàng gia) nghe giảng kinh nghĩa, đọc sách thánh hiền; cuối ngày ra trường giảng vũ học võ nghệ. Con gái em, từ khi lên ngôi hoàng hậu đã coi sóc tam cung chu đáo nền nếp không để xảy ra tắc trách gì. Đó là phúc phần của Linh Từ Quốc mẫu đấy(*). Bấy lâu nay, em đã giúp anh làm được cái việc chưa từng có để bảo trọng hôn nhân của quan gia, anh phải tạ ân em nhưng vẫn còn một việc nữa, anh đang rất trăn trở. Gần đây, thấy trong người không còn được khỏe, việc đó càng làm anh nghĩ ngợi rất lung…
Nghệ Hoàng dừng lời nhìn công chúa Huy Ninh.
Công chúa vội thưa theo lễ vua tôi:
- Thượng hoàng muôn tuổi, ngài có ký thác điều gì thì xin cứ chỉ dụ ạ.
Nghệ Hoàng cho đuổi hết hầu cận ra rồi nói nhỏ, rằng trước khi mất không lâu quan tư đồ Trần Nguyên Đán, vị vương gia thức giả cao nghiêm nhất đương triều, chắt của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải đã gửi cho ngài một bài thơ trong đó có câu: “Nhất ngôn ký gửi dữ lão nha/ Bất thức lão nha liên ái phầu (Gửi con cho lão quạ già/ Biết là lão quạ thương là mấy thương). Cứ thế mà suy ra thì mai này, việc trị vì của Thuận Tông sẽ bấp bênh lắm. Vì vậy, công chúa Huy Ninh rất cần phải hết lòng can ngăn chồng bà, giữ đạo trung trinh với nhà Trần, đó cũng là phúc phần phụ tử mà Hồ Quý Ly dành cho con gái mình là hoàng hậu Thánh Ngãng.
Bà công chúa thề thốt hết lời giúp rập nhà Trần với Nghệ Hoàng nhưng khi về nhà thì bà ta lại học theo lối của Tôn phu nhân nước Ngô, rằng mất lòng anh nhưng được bụng chồng. Bà ta đã kể bằng hết mọi sự hoài nghi của Nghệ Hoàng với Hồ Quý Ly. Nghe xong, viên tể tướng chỉ vuốt vuốt râu cười khà, vô vi, vô sự.
Thế nhưng sau đó, ông ta liền cấp tốc đến cung Diên Khánh, quỳ trước mặt Nghệ Hoàng và quan gia, gác roi lên sau gáy mà thề rằng: “Nếu thần không biết dốc lòng trung trinh, hết sức giúp rập quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần, đất không có chỗ chôn thần”.
Là người cả tin, Nghệ Hoàng đã hết mọi trăn trở trước khi băng hà vào ngày 6 tháng Giêng, năm Ất Hợi (1395)…
3. Sau khi được cứu tỉnh lại, thái hậu Thánh Ngãng đòi mẹ phải cho nương nương gặp thiếu đế Trần Án bằng được để hai mẹ con cùng mặc đồ tang, làm lễ tế vọng vua Thuận Tông.
Công chúa Huy Ninh vừa nói, phép của triều đình chưa ban về việc đó thì thái hậu Thánh Ngãng liền lấy hết sức bình sinh lao vào tường cung điện đập đầu tự tử. Nương nương được kịp thời ngăn lại nhưng từ đó, quyết không ăn uống gì.
Công chúa Huy Ninh phải về bẩm với Hồ Quý Ly, lúc này đã là phụ chính thái sư của quan gia Trần Án. Ông ta nghĩ ra một kế, bảo vợ cách như thế này…, như thế này… Theo các cách đó, tự công chúa cho con gái biết, việc tang tế vọng Thuận Tông sẽ được triều đình tiến hành sớm, trước mắt thái hậu phải chịu ăn uống trở lại, không được làm trái danh phận “mẫu nghi thiên hạ”, không được la hét kêu oan…
Phải mất đến ba hôm, thái hậu mới đồng ý nhưng có thêm yêu cầu, ngoài thời gian thiếu đế Trần Án khai trào và học nghi lễ, nhà vua tuổi lên ba này phải do tự tay nương nương chăm sóc. Long sàng của nhà vua nhí phải được đặt trong cung thái hậu.
Được nghe tâu lại nguyện vọng mẫu tử tình thâm của thái hậu, Hồ Quý Ly nghiến răng trợn mắt quát lên:
- Nghịch tử! Chắc có đứa mưu phản nào khơi mào cho nó! Nó muốn chết, cho chết luôn.
Tuy nhiên công chúa Huy Ninh vẫn dùng lời hơn lẽ thiệt thuyết phục chồng, rằng Thánh Ngãng có là thế nào thì cũng là đứa con ngoan hiền, xinh đẹp nhất nhà; phải thấu cảm với nỗi đau mẹ góa con côi của một người nữ mới hơn hai mươi tuổi.
Quý Ly nghe xong quẳng gươm xuống đất nói:
- Ta đến mất mặt với đứa nghịch tử này thôi.
4. Từ ngày được gặp lại con trai như hồi thiếu đế chưa làm vua, thái hậu Thánh Ngãng sắm bộ đồ tang, sáng sáng cho con trai mặc vào, làm lễ cúng tuần bốn chín ngày cho vua Thuận Tông như tục lệ ở chốn nhân gian. Nương nương tìm mọi cách từ chối vai trò mẫu nghi thiên hạ trong cung cũng như không bao giờ ra khỏi cung cấm.
Cho đến ngày cúng cuối cùng tiết thất tuần, bỗng Thánh Ngãng bế Trần thiếu đế xông thẳng vào phủ thái sư Hồ Quý Ly mà không ai có thể cản nổi.
Vị thái sư quyền lực như trời đất thất kinh nhưng là người mưu lược từng trải, ông ta cho đuổi hết tả hữu ra ngoài và chủ động đến bên bậc “mẫu nghi thiên hạ”, chính là con gái mình cùng với lời chia sẻ, thăm hỏi.
Thái hậu Thánh Ngãng không cho ông ta nói nhiều mà tức tưởi gào lên:
- Thái sư! Ngài muốn thay nhà Trần làm vua thì cứ việc ngự lên ngai vàng, cớ chi còn bày ra trò sát phu, phù tử tàn độc để gây ra kiếp nạn mẹ góa con côi, cha chết một nơi, con cúng một nẻo thế này?
Hồ Quý Ly không làm ra vẻ giận mà từ tốn nói:
- Thái hậu Thánh Ngãng! Điện hạ là Quốc mẫu của Đại Việt, trong điện bệ cũng như ngoài bách tính ai ai cũng mỏi mắt trông mong, sao lại nói năng thiếu chính đính với cha đẻ của mình, với thái sư quốc tổ phụ chính quan gia làm vậy?
Thái hậu tỏ vẻ tức giận:
- Vâng! Thái sư! Bố thằng bé mới ba, bốn tuổi đầu này có tội gì mà ngài hết vu cho điên khùng và ép buộc đi tu rồi giết?
Hồ Quý Ly tiếp tục:
- Nương nương, hãy nghe đây, làm thái hậu quản ba cung sáu viện danh giá hơn hay làm vợ một hôn quân bệnh hoạn sướng hơn?
Thái hậu đau đớn:
- Con chỉ cần một gia đình, con không muốn làm thái hậu. Cha trả lời đi, vua Thuận Tông chưa từng làm điều gì ác, sao cha giết?
Hồ Quý Ly liền gầm lên:
- Hôn quân Trần Ngung tụ tập Trần tộc mưu giết cả ba họ nhà ta nên ta phải sớm trừ đi.
Thái hậu gào lên:
- Vua Thuận Tông không phải hôn quân! Cha vu ra thế để kiếm cớ giết! Cha gian hùng lắm!
Hồ Quy Ly liền tuốt gươm, quát tiếp:
- Nghịch tử! Mi dám lăng mạ cha đẻ của mi thế à? Loại này để làm gì?
Ấu chúa Trần Án khóc thét lên níu lấy cổ mẹ, run đến mức bật cả đại tiện, tiểu tiện ra áo tang…
“Ối trời trời! Sao thế này?” - Tiếng kêu của công chúa Huy Ninh khiến thái sư Hồ Quý Ly thỏng tay, thanh gươm quay thế chống mũi xuống nền điện.
Nhân thời khắc đó, bà đến đứng chắn trước mũi gươm đã chúc, nhìn chồng nói:
- Sao thái sư nỡ bức con cháu như thế?
Hồ Quý Ly dộng mũi gươm xuống nền tóe lửa:
- Nó vu ta là gian hùng, phu nhân tránh ra để ta xử!
Thái hậu thét lên đau đớn:
- Vậy cha là ai? Ai đã giết vua Thuận Tông? Ai?
Công chúa Huy Ninh phải vừa cảnh giác lưỡi gươm của chồng, vừa bế lấy cháu ngoại Trần Án, và đẩy thái hậu Thánh Ngãng đi vào.
Hai thị tì theo hầu cũng được kêu, sấn vào giúp. Thánh Ngãng cứ một mực như choi choi nói tướng lên:
- Quốc tổ nhiếp chính Hồ Quý Ly đã giết vua! Mẹ góa con côi này sẽ kêu thấu trời xanh, thâ… ấu trời xanh… anh!”.
Công chúa Huy Ninh phải bịt miệng con gái lại còn ấu chúa Trần Án thì tiếp tục khóc thét lên…
5. Thái hậu Thánh Ngãng đã không thể trở lại phủ của quốc tổ nhiếp chính Hồ Quý Ly để kêu oan “thấu trời xanh” cho chồng. Chính sử chỉ có một vài dòng chép về thiếu đế Trần Án rằng, do là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết, chỉ bị giáng xuống làm Bảo Ninh vương, còn chẳng có dòng nào nói về thân phận góa bụa của thái hậu Thánh Ngãng. Tuy nhiên, tại vùng Thiên Trường rộng lớn, dân gian có truyền lại rằng, vào một đêm giông gió đầy trời, cựu thái hậu Thánh Ngãng được sự phò giúp của một nhũ mẫu từ tâm, đã bế Bảo Ninh vương Trần Án bí mật rời khỏi kinh thành đến lánh ở một làng biển, cuối miền Sơn Nam hạ. Tại đó, mẹ con nương nương đã thay tên đổi họ, làm nghề trồng dâu đánh cá, hòa vào nhân gian bách tính trùng điệp của Đại Việt. Nhờ thế mà không bị lưỡi gươm truy sát trừ hậu họa của Hồ Quý Ly. Và, cũng nhờ thế mà không bị bắt sang Tàu, khi quân Minh chiếm Đại Việt, bắt hết gia tộc nhà Hồ và các tôn thất nhà Trần còn sót lại đưa về Trung Quốc. May mắn thay!
LÊ NGỌC MINH
(*) Tức Trần Thị Dung, vợ Trần Thủ Độ, được nhà Trần phong làm Linh Từ Quốc mẫu vì bà đã có công tổ chức hậu phương an toàn, đóng góp cho ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thành công của Đại Việt.