Giữa thu, gió heo may thổi se se trên cánh đồng tràn trề hy vọng. Làng đói đã mấy tuần nay, từng đôi mắt háo hức hướng ra cánh đồng mờ mịt trong sương. Thoắt cái lúa đã chuyển sang màu vàng chanh. Cả làng ào ra đồng, hối hả dưới cái nắng dịu nhẹ chưa đủ để làm chín già những ruộng lúa xác xơ. Dé lúa lép kẹp nằm lọt thỏm trong tấm thân gầy còm, lơ thơ vài mảnh lá sâu sia. Mồ hôi từng dòng nặng nề bò trên gương mặt nhăn nheo của người già. Thanh niên cũng chẳng muốn trêu chọc nhau nữa, tất tả, ủ rũ, thở dài thõng thượt. Cô tôi nén tiếng thở dài trong lồng ngực hóp heo, nhẫn nại như chiếc máy khâu nhịp những nhịp đều đặn xuống mặt ruộng, đặt về phía sau từng đon, gốc lúa nặng trịch mà đầu bông tun ngủn, loe hoe. Mỗi lần vươn dậy cho khỏi mỏi, tôi thấy xương sống cô kêu rắc một tiếng, tưởng chừng lìa ra. Rồi cô lại cắm cúi, nhấp nhô trên lúa, lúa còm không cao hơn nổi thân người chia đôi.
Những con chim cuổng, chim én mất tổ dáo dác bay lên đen trời, như tàn tro hóa vàng ngày rằm tháng bảy. Vài đứa trẻ nhảy loi choi khi vớ được ổ trứng nằm gọn trong lúa vàng ươm, hò hét nhau đã đánh thức lũ chim. Bất chấp những cái vợt giơ lên, chúng điên cuồng lao xuống lũ trẻ hòng giằng lại ổ trứng, miệng phát ra những tiếng kêu kinh hoàng. Cuộc hỗn chiến xảy ra, đến lúc ấy cánh đồng mới có chút âm thanh náo động. Tôi lầm lũi đi sau cô. Gom những đon lúa lại, cẩn thận sẽ sàng kẻo rụng mất những hạt quý báu, bó lại thành từng ôm to để lên bờ ruộng, thèm thuồng nhìn lũ trẻ vô tư đùa nghịch chạy khắp cánh đồng.
Quết trầu trên môi bà khô lại, thâm xịt. Mình bà cong gập xuống ruộng như một dấu hỏi dường đã tuyệt vọng. Theo bước chân thoăn thoắt của cô, gánh lúa cao lút đầu người nhún nhảy về làng, không ít trai làng và cả các bà già trông theo ao ước, giá như cô là người nhà họ. Cô tôi hai mấy tuổi rồi tôi chưa đếm nổi, mà cô cũng chẳng cần biết, vì một vài năm sau khi quá tuổi lấy chồng, chẳng ai hơi đâu mà đếm tuổi mình nữa. Những lúc thấy cô nép vào bụi cúc tần tần ngần nhìn đám cưới nhà ai đi qua ngõ, thương cô đến thắt lòng.
Hai đon lúa to, xâu vào hai đầu đòn xóc, tôi phải gánh oằn lưng mà đập ra chỉ được vài đấu. Cô tôi đội thúng thóc lên đầu, từ từ nghiêng miệng thúng, lúa từ trên tuôn xuống vù vù, bay lả tả, hết cả buổi chiều mà đống tụ lại chỉ bằng nửa đống văng ra nhưng cô dường như không để ý. Đôi lúc mái tóc dài mượt của cô sổ tung, óng ánh trong nắng, bay quấn quýt cả vào những hạt thóc vàng chanh. Ánh mắt cô nhìn xa hun hút, sẫm màu sim chín. Rồi cô ngồi bệt xuống giữa sân, tẩn mẩn bóc những thân lúa vàng ươm, bóc những bầu đòng còn sót lại, tẩn mẩn tách ra từng tí một xem cây lúa chửa như thế nào. Bóc chán, cô nhấm nhẳn nhằn những dóng lúa ngòn ngọt, thấy tôi, cô chìa ra một nắm. Tôi lắc đầu, cô cắp cái thúng con con chạy vụt đi.
Đồng làng mê mải nắng, đám trẻ con gáy cháy khét đang tranh nhau chí chóe vạt thóc rụng góc ruộng. Khắp cánh đồng trẻ con vừa mót thóc vừa đùa nghịch túm tụm, bóng xeo xéo gẫy khúc dài nghêu trên san sát gốc rạ, cô tôi cứ lủi thủi một mình, chỗ nào chúng mót chán rồi mới lê la đến, cắm cúi như con chim sẻ nhẫn nại, thi thoảng bị lũ kiến lửa đốt nhói tay. “Tao mà giàu, tao sẽ nuôi chúng mày bằng cả một nhà thóc”... Đàn kiến vẫn lầm lũi theo nhau ngoằn ngoèo, li ri, moi móc rồi hỉ hả lôi lên những hạt lọt sâu trong khe rãnh. “Lép cả thôi, chúng mày ăn thế nào được mà cứ cố?”. Cô vừa lẩn mẩn nói chuyện với lũ kiến, vừa hát lên những câu hát gì không rõ. Chỉ nghe một giai điệu miên man, da diết như cứa buốt ruột gan. Tôi không dám lại gần cô những lúc ấy. Sau này lớn lên, tôi mới biết rằng mình hoàn toàn có lý. Khi được lặn sâu vào trong nỗi đau, người ta sẽ thấy mình vẫn còn niềm tin rằng những gì đã qua chẳng thấm tháp vào đâu để tiếp tục chịu đựng thêm những gì sẽ đến. Cô tôi cứ ngồi thế cho đến khi hoàng hôn đã phủ sẫm đồng, những đống rấm cháy ngun ngún, khói lênh loang mờ ảo. Cái thúng con con chơ chỏng vài hạt lót đáy. Hơi lạnh miên man trải khắp cánh đồng sương buồn hiu hắt.
Chú Hiệp cụt uống hết hai lần ấm chè xanh rồi lệch thệch cái nạng gỗ ra tận hàng rào cúc tần ngóng cô. Bà tôi thương hại bảo chú vào nhà cho khỏi muỗi đốt. Chú cười hề hề, vỗ vỗ vào hai cái chân gỗ: “Có giỏi muỗi đốt vào đây, cong vòi. Bà cứ mặc con”. Bà lắc đầu, toan nói gì đó lại thôi. Cô tôi về, người ngai ngái mùi khói. Chú Hiệp le te lấy nước, cầm quạt quạt lấy quạt để. Cô chả nói gì, ngồi vào bếp ăn cơm. Cô lấy một cái bát tô to, xới lổn nhổn những khoai độn, chan canh, và húp sùm sụp. Chú Hiệp vẫn ngồi bên cạnh, vừa quạt vừa cười âu yếm, xót xa. Ăn xong, cô xỉa răng, súc miệng òng ọc. Rồi cô ra giếng. Trăng lên lấp lóa sau những tán lá bưởi, lá mít. Chú Hiệp nháy nháy mắt với tôi, lộc cộc chống nạng theo cô. Chiếc dây chuyền vàng trên cổ áo được mở rộng của chú bắt trăng sáng lấp lánh, lấp lánh. Cô tôi cúi xuống múc nước, chú Hiệp nhìn hút vào tấm lưng và đường cong lượn tròn ôm lấy thành giếng, nuốt nước bọt. Đột ngột, cô giơ gầu nước dội từ đỉnh đầu xuống. Tóc cô sổ tung, nước bắn tung tóe. Chú Hiệp nhảy lùi ra, sững sờ. Nước bết dính áo vào khuôn người cô, ánh trăng tràn vào, đẹp ngời ngợi. Cô cứ múc nước, cứ dội. Chú Hiệp dùng dằng rồi cũng phải đánh tiếng chào bà tôi, ra về.
Nửa đêm tỉnh dậy, tôi nghe tiếng bà thủ thỉ: “Nó đồng ý ở rể, còn chê nỗi gì?”. Tiếng cô tôi thút thít hồi lâu, rồi nghẹn ngào: “Đã lỡ thì lỡ cho luôn. Đèo bòng làm sao được hai cái chân gỗ hả bu?”. Bà tôi khuyên nhủ: “Nhà nó có của ăn, của để. Mày vất vả gần nửa đời rồi”. Cô tôi bật khóc tức tưởi: “Chân người ta bị què là do đào vàng sập hầm, u biết không?”.
Những ngày sau, cô tôi tối nào cũng ở ngoài đồng, ngoài bãi rất muộn để tránh phải gặp chú Hiệp. Tôi cũng không thiết tha với những cái bánh khảo, kẹo bột hay cái súng cao su làm từ chạc cây ổi nhẵn bóng mà chú dúi cho nữa. Chú lại rủ tôi tối tối sang nhà Tiến Chính xem video. Toàn phim chưởng Hồng Kông, đấm đá tít mù, yêu đương tay ba tay tư, không phải làm mà vẫn có tiền phiêu bạt khắp giang hồ, ăn ngon mặc đẹp, đúng là sở thích của tôi. Giá vé mỗi lần xem là một trăm đồng, tôi thèm lắm nhưng đào đâu ra, nên toàn chờ chiếu được nửa buổi, chủ nhà phải vào sân để quản lý cái rạp chiếu tại gia, bảo quản cái tivi to đại đặt giữa sân và đầu băng không bị bọn trẻ con mải chơi, tuột khỏi tay người lớn chạy lên quấy phá, lúc ấy tôi mới trèo tường vào. Chắc có lần nhìn thấy tôi nhảy tường xuống ngã tập tễnh nên chú Hiệp cứ ăn cơm xong là sang nhà tôi chờ. Chú chả vội. Tôi có ăn cơm muộn, tắm muộn, chú càng mừng. Vừa chờ vừa tranh thủ kể những chuyến đi đường xa, thu được tiền thế nào, chuẩn bị mua sắm cái gì bằng chất giọng với cao đến căng cuống họng để cô tôi dù đang giặt quần áo ngoài giếng hay cho lợn ăn phía sau nhà cũng phải nghe thấy. Vài lần cô cố tình sai tôi làm việc này, việc kia để chú sốt ruột mà đi xem trước. Nhưng sau thấy như thế càng có lợi cho chú nên cô phải gọi tôi ra nói thẳng:
- Đừng bán rẻ cô lấy mấy buổi xem phim nhé.
Tôi lặng lẽ gật đầu. Cô thở dài, xoa xoa đầu tôi, dịu giọng:
- Tranh thủ ôn lại bài vở đi. Lên cấp ba mà học dốt thì lớn rồi cô vẫn nọc ra đánh đít.
Vậy là ý cô đã quyết. Tôi vẫn ngán học hơn cả đi hót phân trâu. Ngồi trong lớp, chân tay thì tù túng, đầu óc cứ phải căng ra. Tôi thích được chạy nhảy tung tăng ngoài đồng, được tắm sông cùng trâu, được hò hét cho căng lồng ngực. Mắt thì nhìn trân trân lên bảng, nhưng đầu tôi lẩn vẩn những tính toán chiều nay sẽ đánh trận giả với bọn thằng Tong xóm Bến ra sao. Lần trước bên tôi thua to, chỉ tại bọn chúng chọn được chiến lũy là dãy núi đất, nơi có nhiều hầm hào lô cốt thực dân Pháp còn bỏ lại. Lần này, nếu chúng tôi chiếm lĩnh rồi cố thủ ở đấy trước thì chúng cũng đã biết hết mọi ngõ ngách để tấn công. Lại còn cuộc đua trâu ngày kia, cuộc thi bắn chim sẻ ngoài đồng cói ngày kìa... Cứ thế, tôi được lên lớp là may. Nên khi hết cấp hai, tôi nằn nì cô cho đi học lái máy cày, vừa được suốt ngày ngoài đồng, lại có tiền đỡ bà, đỡ cô. Cô tôi không nói gì, quằn lưng gánh nốt gánh thóc cuối cùng trong chum, đi nửa ngày trời lên chợ huyện bán được giá hơn chợ quê mới đủ mua cho tôi bộ quần áo kẻ sọc, vài quyển vở, một chiếc bút kim tinh và hai quyển sách. Tôi lại lấy cớ, từ nhà lên trường huyện những mười lăm cây số, dù tôi không muốn cũng phải nghỉ học thôi. Đi bộ làm sao ròng rã ngày hai buổi suốt ba năm trời. Đến nước ấy thì cô có vẻ đầu hàng thực sự. Cô ngồi xoài xuống phản. Chỉ chờ có thế, tôi nhảy tót ra đồng. Đến khi tôi về, trời đã tối sẫm, cô tôi mới uể oải đứng dậy nổi lửa, khua nồi.
Mấy hôm nay nhà tôi đã phải ăn cháo độn sắn. Nuốt không trôi nhưng tôi vẫn không dám kêu ca. Tuổi ăn tuổi lớn, tôi ăn như hùm đơm đó, vì thế, có ăn cho đầy bụng là may. Khi lang thang ngoài đồng bãi hoặc tạt vào bờ rào hàng xóm kiểu gì tôi cũng sẽ vớ được cái gì đó cho vào mồm. Một đống cuống rạ đốt khói mù mịt, vài con chuột đồng, sẻ đồng hay củ khoai mót nướng lên thơm lừng hay quả ổi, quả sim hay bất cứ thứ hoa trái gì vớ được ở ruộng đồng hoặc dãy núi đất là đủ cho những trò đùa nghịch từ nửa chiều cho đến tối. Cái chính là tôi thương cô, thương bà. Dường như trời phú cho những đứa trẻ mồ côi và nhà nghèo sự mẫn cảm trước tuổi. Có lẽ suốt đời tôi sẽ phải khổ vì điều đó, nhưng ngay lúc này đây thì tôi lại cảm ơn sự mẫn cảm của mình. Nếu tôi kêu nửa lời, có lẽ bà sẽ phải làm việc bằng hai, bằng ba bây giờ. Và còn cô tôi, hoặc cô sẽ suốt đời không lấy chồng, hoặc sẽ phải lấy đại một người nào đó như chú Hiệp để làm cho tôi đầy cái bụng.
Nhưng đi học là đi học. Mười lăm cây số, không thể vừa vắt chân lên cổ vừa mắt trước mắt sau kiếm hoa quả dại bỏ bụng. Tôi nhắc lại:
- Những mười lăm cây số, cháu không đi bộ được suốt ba năm đâu. Cô cho cháu ở nhà đi làm.
Cô lại nhìn tôi, hai chân mày cau lại, ánh mắt đầy uy lực. Bà bảo, cô và bố tôi giống nhau như đúc, suốt ngày chả nói câu nào, nhưng đã mở miệng thì chẳng ai nói lại được. Tôi không còn bố để mà so sánh. Nhưng tôi chắc, ánh mắt kia, nếu là của bố tôi, thì ngay lập tức tôi đã phải tự mang roi lên đặt trên mông mình rồi.
Bỗng dưng tối ấy, thấy chú Hiệp đến nhà rõ sớm, ăn mặc bảnh bao, đầu chải mượt, nháy nháy mắt nhìn tôi, rồi đưa cho tôi gói kẹo lạc rõ ngon. Cô tôi đưa cho tôi một trăm, bảo đi xem phim. Bà thì đã đi hội kể hạnh với các cụ trong xóm. Tôi thấy nghi nghi, không đi xem phim nữa mà lén rình ở hàng rào cúc tần. Chỉ thấy chú Hiệp đưa ra một gói giấy báo, cô tôi cầm lấy cất vào buồng. Chú Hiệp đi theo, định ôm choàng lấy cô, bị cô đẩy ra ngã chỏng gọng, mãi mới lê được đôi chân gỗ để đứng dậy. Cô khẽ nói câu gì đó không rõ, nhưng tôi thấy chú ra về, miệng huýt sáo vang lừng.
Hôm sau tôi đã có chiếc xe đạp Thống Nhất nữ, tuy bong tróc hết sơn nhưng vẫn còn khá bắt mắt. Tôi bắt đầu tập xe quanh sân vì không dám ra ngoài đường, sợ bọn cùng xóm chê cười hoặc bu vào đòi đi thử thì hỏng hết cả xe. Cô cũng không biết đi, chỉ biết gồng tay giữ cho tôi, hai chân líu ríu chạy theo, vừa thở hổn hển cô vừa luôn miệng nói cô thấy ngoài huyện người ta đạp thế này, chống chân thế kia. Rồi tôi cũng mắm môi mắm lợi đạp được những vòng đầu tiên trước ánh mắt thán phục của cô tôi. Thêm năm vết bầm dập tóe máu ở đầu gối nữa thì tôi đã đi vững. Tôi guồng chân đạp như bay, chở theo cô tôi mắt nhắm tịt, mặt rạng ngời hạnh phúc lướt qua trước mắt bọn thằng Tong, con Mẹt và kết thúc chuyến du hí đầy tiếng cười của hai cô cháu ở chân đống rơm. Cô tôi cũng bị một cái u ở đầu gối, vì thế mà chú Hiệp càng được thể tối nào cũng mang sang cho mượn lọ dầu Thái Dương chú mua tận ngoài tỉnh.
Có xe, tôi đi học chăm chỉ, nhưng cũng không giỏi hơn là bao. Tôi đi tối ngày, thậm chí, chỉ ra đầu ngõ mua mấy trăm nước mắm cũng vác xe đi, đâm phải con trâu, nước mắm đổ, bát cũng rơi vỡ mất. Cô không mắng, bà cũng không có thời gian để mắng. Bà xin vào một cơ sở đan lát rổ rá dần sàng tư nhân, ngày làm không hết việc thì đêm về chong đèn đan tiếp. Còn cô tôi, ngày nào cũng theo đò vượt sông sang làng bên đóng gạch, gánh gạch oằn vai. Đêm nào cô cũng bóp dầu vào vai rồi vỗ bồm bộp, bẻ lưng kêu lục khục. Nghe tiếng cô ngáy, tôi khe khẽ tắt điện, lên giường. Nhưng chỉ năm phút sau, tôi đã thấy cô đến bên, túm dậy, ấn đầu vào quyển sách.
Thấm thoắt lại đến vụ chiêm. Năm nay cả làng như vào hội. Lúa được mùa cứ trĩu cả lưng gánh mà lòng vui phơi phới. Tôi vẫn thấy bà buồn, cô buồn. Mấy tuần nay, không biết ở đâu ra tin đồn chú Hiệp sắp cưới cô tôi. Lễ đã sắm đủ, ngày cũng đã chọn, chỉ chờ gặt xong là rước dâu. Thậm chí, tôi còn nhìn thấy giữa quán rượu, chú Hiệp ngồi dương dương tự đắc, khoe đã tắm sông cùng cô trước gần chục đôi mắt hau háu của trai làng. Tôi phóng xe đâm rầm vào cửa quán, chú ngừng bặt, nhưng lại vẫy tôi đến cho gói lạc rang làm bọn trai làng cười ầm lên. Tôi cáu tiết vờ như không nghe thấy, vội vàng lao đi, tiếng cười ô ố vẫn đuổi theo sau lưng. Ngày thường, đi làm từ sáng đến tối, cô không phải nghe ai hỏi han. Giờ cả làng tập trung ra đồng, tránh không được, trả lời mãi không ai tin, cô bực mình sắp giờ gặt vào sáng sớm và đêm khuya cho khỏi nghe tiếng eo sèo.
Mải vồ chuột, tôi còn nghe tiếng cô khẽ nói với bà bằng cái giọng ưu tư:
- Bán đi một nửa lúa vẫn chưa đủ.
Bà ngập ngừng:
- Hay là bán đi cả, rồi có đồng ra đồng vào thì đong gạo của hàng xáo ăn sau?
- Không được. Thằng bé đang tuổi ăn tuổi học, “ăn vóc học hay, ăn mày học dốt”. Thôi con sẽ có cách bu ạ.
Túm được con chuột đồng béo mẫm, quay lại vẫn thấy cô lấy nón quạt cho bà, hai mắt nhìn về đâu xa xăm lắm, chợt nhớ ra, tôi hớn hở:
- Năm nay cháu được học sinh tiên tiến đấy. Gặt xong là cháu đi nhận phần thưởng.
- Thật không?
Tôi thấy bà cười, những nếp nhăn giãn ra trên gương mặt nhăn nheo. Tôi thấy cô đi đi lại lại bên đống lúa vừa gặt xong, chân tay múa lên cùng chiếc nón. Tim tôi cũng đập rộn lên như muốn vọt ra ngoài lồng ngực để guồng chân đi khắp cánh đồng.
Thức trắng đêm đập lúa, ai cũng mong có bữa cơm gạo mới vì đã phải ăn khoai sắn quá lâu. Nhìn thấy đống thóc ít ỏi nhà tôi, chú Hiệp có vẻ mừng. Trăng sáng vằng vặc, mồ hôi trên trán cô long lanh, vài sợi tóc bết lại, loăn quăn phủ trên gáy càng làm cô trở nên đẹp huyền ảo, mơ màng. Chú Hiệp ngây ngất. Chú lâng lâng tiến lại, như muốn ôm ngay cô vào lòng. Cô trừng mắt:
- Anh Hiệp, nốt vụ này là tôi có thể trả hết tiền anh.
Chú Hiệp khựng lại, vò vò hai tay đầy bối rối:
- Cô hiểu lầm tôi rồi, tôi không sang để đòi tiền cô. Số tiền ấy có đáng là bao. Cô cho tôi giúp là tôi mừng rồi. Cô cho tôi đi lại thường xuyên cho... tình cảm.
- Mẹ con bà cháu tôi đội ơn anh - Cô tôi bình thản - Nhưng cái gì phải ra cái nấy. Khi nào có, tôi sẽ mang sang tận nhà anh trả để khỏi phiền anh sang đây, hàng xóm dị nghị.
Rơm phơi vàng ươm khắp làng cũng là lúc mùa lũ tràn về. Dòng sông như con ngựa bất kham lồng phăng phăng từ thượng nguồn, bao nhiêu gỗ, thân cây rừng, và cả những xác người trương to như con bò mộng theo dòng lũ ầm ào về xuôi, chỉ còn củi dều dạt lại bến sông cùng bọt trắng xóa. Năm trước bao nhiêu củi vớt được cả làng đều phơi ngay tại chỗ, mối xông lên mất gần hết. Mùa đông cả làng xo xoe. Thỉnh thoảng bà trở dậy, cặm cụi vét đáy bao góc nhà được một nắm vụn bỏ vào cái thau đồng đặt dưới gầm giường. Khói vẩn quanh nhà, ho sặc sụa. Nhưng rồi củi sưởi cũng hết. Chẳng nhà nào còn để vay. Cái rét làm héo mặt cả làng. Năm nay lũ về, nhà tôi đập lúa xong sớm, tranh thủ ào ra vớt trước. Vật lộn cả ngày với sóng nước, bù lại từng súc gỗ rừng to cứ chất lên như núi. Cô hăm hở cướp từ sóng những gốc cây to bằng nửa chiếc chiếu, gò mình quyết liệt như mang sức lực điền. Cô chắc mẩm, cố thêm hai ngày nữa, bán chỗ gỗ đi cầm chắc có món tiền để trả nợ. Nhanh tay vớt trước khi làng ào ra thì cả mùa đông cũng không lo đói, lo rét. Nhưng trời chẳng chiều lòng người, được một ngày suôn sẻ, ngày sau bão đã rầm rập kéo về. Tôi đi bế giảng, nhận phần thưởng, dặn đi dặn lại cô và bà đừng cố, chờ bão tan hãy ra vớt tiếp. Cô vừa cười vừa nói tưng bừng:
- Đi đi, đi về cho cô xem cái phần thưởng học sinh tiên tiến trường huyện thế nào.
Nếu không vì cô, không vì bà, có lẽ tôi đã bỏ dở chừng quãng đường mười lăm cây số gió táp phần phật. Nhận phần thưởng xong, bọc kĩ càng năm quyển vở và tờ giấy khen vào tấm nilon, tôi đội mưa đạp như bay. Về làng vẫn muộn. Sông chưa kịp mang đến trọn vẹn niềm vui thoát món nợ nặng nề thì đã cuốn cô đi cùng với hi vọng của cô trong sóng dữ đục ngầu.
Hai ngày sau, người làng dưới vớt được cô nhờ mái tóc dài nổi lập lềnh. Đám ma cô, không ai trong làng thiếu. Đoàn người lặng lẽ bên nhau trong cái nắng hè chói chang sau bão, những vòng hoa trắng rưng rưng trên tay trai làng. Chú Hiệp xin bà vành khăn, bà lưỡng lự mãi rồi khẽ khàng:
- Tôi không muốn anh buồn, nhưng anh không đeo thì hơn. Cho con tôi nó được nhẹ lòng.
Chú Hiệp đấm ngực thùm thụp. Chú bám theo quan tài, vừa khóc vừa kể lể thê thiết. “Chú Hiệp ơi, day dứt mà làm gì. Có nợ thì phải trả, cô tôi mất đi là số không may, chứ đâu phải do chú dồn ép. Chẳng có duyên, lại không có phận, chú tha thiết với cô tôi như thế cũng khiến người chết ngậm cười rồi”. Tôi vừa đốt giấy khen, mấy quyển vở phần thưởng để cô được nhìn thấy, được vui nốt niềm vui cuối cùng vừa bảo với chú Hiệp như vậy. Chú lặng yên được một lúc rồi lại bưng mặt, rưng rức.
Vậy là cũng xong một kiếp người, cô mất mà chưa kịp ăn cơm gạo mới. Bữa cơm gạo mới năm ấy làng chẳng còn mấy hào hứng. Mấy năm sau, bà khuất núi. Chú Hiệp trọn đời chẳng lấy ai, tháng đôi lần lê đôi chân gỗ thắp hương mộ bà rồi ngồi cả buổi bên mộ cô. Còn tôi, từ đó trên bước đường đời lầm lụi của mình, năm nào cũng phải cố mua được một vài bữa cơm gạo đầu mùa, lạ kì, năm nào cơm mới cũng rưng rưng mang vị mặn mòi của nỗi nhớ quê nghèo, nhớ tuổi thơ lam lũ, nhớ cả những người đã khuất hay còn đang nghỉ ngơi sau mùa lúa nhọc nhằn.
HƯƠNG THỊ