Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Đảo mồ côi (Truyện ngắn)
Đảo mồ côi (Truyện ngắn)

Những con tàu ăm ắp cá vừa cập bến, mọi người đã hối hả xuống tàu vận chuyển cá lên bờ. Thanh niên nước da ngăm đen, mình trần vạm vỡ phăm phăm đội những thúng cá từ tàu lên bờ cho thương lái chờ mua. Thùy cũng có mặt dưới tàu ngay khi nó vừa cập bến. Cô nghiêng người, thò đôi tay đã được bao kín bởi găng tay vào khoang cá, nhặt những con cá cỡ vừa xếp vào thúng để các anh chỉ việc đội lên đầu. Chưa có nắng nên Thùy không đội nón và quấn khăn che kín mặt như các chị theo nghề biển vẫn làm mà chỉ đeo chiếc khẩu trang ngăn mùi tanh của cá. Tuy làm như không để ý nhưng cô biết Mạnh vừa làm thi thoảng còn nhìn trộm mình. Khi Mạnh đội thúng cá đi, Thùy mới quay ra, lén nhìn anh rồi khẽ mỉm cười một mình. 
- Con Thùy tập trung làm đi, nhìn ngó cái gì. Không nhanh là nắng lên giờ. 
Tiếng quát của mẹ làm Thùy giật mình. Thùy quay lại nhìn mẹ. Mẹ đứng trên tàu, chắp hai tay sau lưng, cái mặt nhăn nhó nhìn Thùy khó chịu. Cùng lúc ấy, phía trên bờ, cô em Nhung đang há miệng ngáp ngắn, ngáp dài, hùa theo mẹ nói Thùy. Nói xong, Nhung quay về nhà ngủ tiếp. Bởi đã quen với những việc ấy nên Thùy không phản ứng lại, chỉ buồn buồn, lặng lẽ cúi xuống tiếp tục lựa cá biển. 
Thùy đã hai mươi tuổi. Nếu không có di chứng sốt bại liệt lúc ba tuổi để lại thì cô đúng là một nàng công chúa lưu lạc đến hòn đảo này. Căn bệnh ấy đã làm một bên chân của Thùy teo lại, khiến cô phải đi tập tễnh những bước cao, thấp. Mặc cảm khiến Thùy sống khép mình, khó cởi mở với mọi người, ngay cả người thân trong gia đình cô. Thùy vui buồn thế nào cũng một mình, cùng lắm chỉ có cây dương già và biển xanh có thể chia sẻ những tâm sự chẳng biết nói cùng ai ấy.
Năm con người trong gia đình Thùy sống cùng nhau trong một ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa rừng dương xanh biếc. Rừng dương che chở cho gần hai trăm nóc nhà lúp xúp. Bao nhiêu năm nay nhà cửa vẫn thế, vẫn là nhà xây từ gạch ba banh nén từ xỉ than với vôi hoặc xi măng, không cần nung như gạch đỏ. Mái nhà lợp bờ rô xi măng, bên trên phủ những lớp lá dừa bện lại. Tấm cửa được đóng bằng cót ép viền khung tre. Mỗi khi mở ra, đóng vào cái cửa ấy đều phát ra những tiếng kêu cót két. Cuộc sống chật vật đã tạo nên tính cáu bẳn nơi mẹ. Không khí gia đình luôn ngột ngạt bởi những lo toan chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Anh Kỳ hay bỏ nhà vào thị trấn chơi. Nhiều lúc mẹ và Nhung đều xơi xơi mắng Thùy dù cô chẳng mắc lỗi gì đáng kể.
Thùy biết mình không phải là con đẻ của bố mẹ. Ngày Thùy mở mắt chào đời cũng là ngày cô bị bỏ lại trên hành lang trạm xá xã biển hiu hắt, nằm khuất sau những rặng dương xanh ngút. Cũng trong ngày ấy, mẹ Lành trở dạ sinh ra Nhung. Người phát hiện ra hài nhi tím tái đang cựa mình động đậy là bố. Bố đã mang đứa bé ấy về nhà chăm sóc, đặt tên là Thùy. Và cũng chỉ có bố là gần gũi với Thùy. Ông hay kể chuyện cổ tích, chuyện những năm tháng ở chiến trường của ông cho cô nghe. Ông còn kể chuyện truyền thuyết về hòn đảo mà cả gia đình Thùy đang sinh sống. Theo lời ông kể thì ngày xưa chưa có hòn đảo này. Nơi đây chỉ có mênh mông trời, non, nước. Nước biển xanh biếc lạ kỳ chẳng khác nào màu xanh ngọc quý. Lại có cả những dáng núi xám, nghiêng mình soi bóng dưới làn nước xanh ngắt. Cảnh đẹp mê hồn ấy đã lọt vào tầm ngắm của các nàng tiên chốn cung mây. Một ngày kia, bầy tiên rủ nhau xuống hạ giới chơi, khi về có ghé vào biển tắm. Mải mê vẫy vùng, khỏa nước chẳng nàng nào nhớ đến việc phải về trời. Khi một cô chị phát hiện ra thì đã khá muộn. Các nàng mê mải mặc xiêm y rồi bay vút về trời. Do sơ ý, nàng tiên nhỏ tuổi nhất đã đánh rơi một chiếc guốc xuống giữa biển. Chỗ ấy hình thành nên một hòn đảo. Sau này, người ta kéo đến đây sinh sống và đặt tên là đảo Guốc dựa theo sự tích truyền lại. 
Đảo Guốc được bao bọc bởi đại dương xanh biếc. Bao năm qua vẫn chỉ mình nó trơ trọi với biển cả. Có người còn gọi nó là đảo mồ côi. Khi mặt trời vọt lên trên những hàng dương xanh biếc cũng là lúc các tàu đánh cá đêm lũ lượt cập bến. Bãi biển đông kín người. Cánh đàn ông quen “ăn sóng nói gió” khuân cá lên bãi. Đàn bà kéo ra mua bán. Mùi cá, mùi biển tanh nồng hòa với mùi khen khét của mồ hôi người. Tiếng gọi nhau, tiếng mặc cả xoe xóe át luôn cả tiếng sóng biển. 
Thùy lớn lên trong sự lạnh nhạt của bà Lành. Nhiều khi cô hay nguyền rủa số phận đã sinh ra cô trên đời, để cô rơi vào tay bà mẹ lắm điều kia. Ngay cả bố cũng thường bị mẹ la mắng. Suốt ngày mẹ kêu ca chuyện tiền nong. Không khí gia đình luôn căng thẳng. Mẹ mắng bố là người vô tích sự, không biết làm gì để vợ con có lấy một ngày sung sướng. Bố đã từng là người lính, tính lại hiền lành nên không chấp nhặt mẹ. Ông chẳng muốn không khí gia đình lúc nào cũng căng như sợi dây diều mà ông vẫn buộc trên bãi cát trước nhà để ngày đêm nghe tiếng sáo vi vu. Dẫu biết chẳng ai có thể thờ ơ trước tiền bạc nhất là khi cuộc sống có bao điều đang dồn đuổi phía sau lưng. Nhưng nếu chỉ vin vào lý do đó để đánh mất đi nhân cách của mình thì quả là điều không thể thanh minh. 
Anh Kỳ đã đến tuổi lập gia đình mà vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai. Chẳng phải anh không biết yêu. Có lẽ con gái làng chài chưa cô nào lọt nổi vào mắt anh thì phải. Nhìn thân hình cao lớn với những bắp gân nổi cuồn cuộn như những múi dây căng buồm ấy cô gái nào chẳng mê. Nhưng anh không động lòng. Hình như anh đang tìm một cái gì đó khác hẳn nơi anh sinh ra và lớn lên. Thùy biết. Người ta nói lại với Thùy chuyện anh hay vào thị trấn tìm gái. Đó là nhu cầu sinh lý bình thường của đàn ông. Gần 30 tuổi rồi cũng phải biết thế nào là mùi đàn bà chứ. Thùy không trách anh mà chỉ tiếc là anh không sớm cưới lấy một cô vợ để khỏi phải tốn tiền vào khoản trăng hoa ấy. Mấy năm nay có một số lượng lớn khách du lịch ùn ùn kéo đến đảo. Khách sạn mọc lên san sát. Gái nhà hàng mắt xanh, môi đỏ từ các thành phố lớn kéo về rất đông. Đám thanh niên trong làng kháo nhau râm ran. Anh không tìm đến đó mới là lạ.
Tối nay anh Kỳ không đi đâu mà trở về nhà, nằm gác tay lên trán. Anh than vãn về sức khỏe. Đầu nhức như có ai cầm búa bổ vào hệt như những lần đi biển gặp mưa lớn nằm trong cabin thuyền chòng chành, đẩy đầu va vào vách thuyền chan chát. Mẹ bước vào, lấy làm lạ thấy anh Kỳ như vậy. Anh vùng dậy, tuyên bố: 
- Sắp tới tôi sẽ đưa người phụ nữ của tôi về nhà sống cùng. Cô ấy đã có thai một tháng rồi. 
Mẹ quá đỗi ngạc nhiên: 
- Mày yêu đứa nào? Tao có thấy mày gần gũi đứa con gái làng biển nào đâu? 
- Cô ấy không phải người ở đây. 
Bố chêm vào:  
- Tao biết rồi. Nó ngủ với tỷ thằng. Cái bầu nó mang biết đâu là con ai. 
- Tôi thích nó. Bố mẹ không ngăn cản tôi được đâu. Tôi sẽ chăm đi biển hơn. Khi nào có đủ tiền, tôi sẽ làm đám cưới thật to. To nhất xứ đảo này. Rồi tôi sẽ cất nhà mới, sẽ ra ở riêng. 
Bố trợn mắt: 
- Mày cố tình cưới nó thì đừng coi tao là cha mày nữa. Chết đâu thì chết, đừng có vác xác về nhà này nữa!
Anh Kỳ tức tối lao ra ngoài cửa. Mẹ lắc đầu, chép miệng rồi cũng chui vào chiếc chõng tre đã giăng sẵn màn. Bố vẫn ngồi tư lự dưới ánh điện vàng ệch phát ra từ cái bóng đèn tròn lơ lửng trên trần nhà. Chai rượu trắng đã cạn dần. Thùy nằm thao thức trong chiếc võng bện bằng vỏ cây đay, trân trân nhìn lên nóc nhà. Qua mấy lỗ thủng trên đó đủ để biết trăng bên ngoài rất sáng và trời đã khuya lắm.
Một trận bão lớn quét qua vùng biển. Mấy hôm trước nghe đài báo bão đã chuyển hướng. Ai ngờ nó quay trở lại. Trớ trêu thay hôm ấy có nhiều tàu ra khơi đánh cá. Cả anh Kỳ cũng có mặt trong đội hình ấy. Khi cơn bão tan, cánh đàn ông hò nhau ra biển kéo xác tàu, tìm kiếm xác người. Miệng hò hét, tay ra hết lực nhưng bụng dạ thì như nước vỡ bờ, tim đập thình thịch như trống trận. Cái lo toan giấu trong bụng người này, lại lén lút men theo những thớ gỗ lần đến tay rồi chui vào tim người kia. Kín đáo và âm ỉ... 
Bốn người còn lại trong gia đình Thùy cũng có mặt từ sớm. Ba người phụ nữ và một ông già thắt hết cả ruột lại khi xác những người đi biển được kéo vào bờ. Không khí đậm mùi tang tóc. Tiếng khóc than rên rỉ vang khắp bãi biển rộng. 
Đã mấy ngày trôi qua mà xác anh Kỳ vẫn chưa được tìm thấy. Có lẽ xương thịt anh đã tan vào lòng đại dương bao la. Mẹ chẳng thiết ăn uống gì. Bà đi dọc bờ biển, mang bảy nắm cơm ném xuống lòng đại dương chao “vía” cho anh. Thùy cũng lẽo đẽo theo sau bà. Đến lúc mệt, bà nằm vật trên bãi cát hết khóc lại hờ lên những tiếng não lòng. Không đau sao được bởi anh là cậu con trai bà rất yêu chiều. Thuỷ triều lên, những con sóng mạnh tới tấp, dồn đuổi nhau vào bờ. Từng làn sóng biển tấp lên người mẹ ướt hết cả đầu tóc, quần áo. Thùy cũng ngồi xuống cạnh mẹ để mặc cho nước biển táp lên mặt, vào mắt, miệng mặn chát. 
Những ngày sau đó là quãng thời gian cả nhà chìm trong im lặng, không ai nói với ai chuyện gì. Bố thì uống nhiều rượu và trầm tư hơn. Còn Thùy hay tìm ra gốc dương già, ngồi lặng lẽ nhìn ra khơi xa. Giờ Thùy mới thấm thía những lời anh Kỳ nói về nghề biển truyền đời, truyền kiếp của dân vạn chài. Cái nghề phải bỏ bao sức lực, đổ bao mồ hôi, xé phăng cơ bắp để mưu sinh. Dẫu biết đi biển là một nghề vô cùng nguy hiểm nhưng vẫn phải lăn mình vào đó, bán sức lực, mồ hôi và cả đớn đau để đổi lấy những đồng tiền ám mùi cá biển. Làm quần quật mà tiền chẳng dư chút nào. Cuộc sống nghèo khó vẫn bủa vây, bám riết hết đời này qua đời khác…
Bố ốm nặng. Cơ thể suy sụp. Suốt thời gian qua bố không rên rỉ, khóc lóc như mẹ thế mà đùng một cái lăn ra ốm. Người ta bảo nước mắt đàn ông chảy ngược đâu có sai. Dường như ông đang hối hận về những lời đã chửi anh Kỳ. Ông nằm đấy, trên chiếc giường gỗ mọt lỗ chỗ, mắt mở to, chiếu cái nhìn đờ đẫn lên trần nhà. Đôi mắt chỉ độc một màu trắng dã. Tiếng thở gấp liên tiếp bật ra từ cổ họng, thoát ra khỏi khuôn miệng há hoác với đôi bờ môi khô nẻ. Trên ban thờ, tấm ảnh anh Kỳ mờ nhạt sau làn khói nhang đang tủa ra như những con rắn, bò loang khắp khoảng không. Nụ cười trên di ảnh không thể xua đi nỗi sợ hãi mơ hồ đang đọng trên gương mặt những người phụ nữ của gia đình này. 
Bác sĩ đến nhà khám cho bố. Khám xong, ông ta quay lại nhìn mẹ, lắc đầu: 
- Tôi chịu thôi! Không tìm ra bệnh. 
Giọng mẹ run run: 
- Thế có còn hy vọng không? 
- Khó! Chẳng kéo dài lâu nữa đâu. Thể trạng ông ấy đã yếu đến thế kia mà.
Nghe những câu nói ấy, nước mắt Thùy trào ra, ấm ấm hai gò má. Bố từ từ nhắm mắt. Những ngón tay động đậy. Miệng mấp máy hình như gọi tên ai. Mãi sau mới nghe rõ trong tiếng thều thào: 
- T...h...ù...y... Th…ù... y... 
Thùy vồ lấy tay ông, áp vào má:
- Con đây! Bố của con can đảm lắm mà. 
Mẹ trợn mắt, quát: 
- Đồ ngu! Ai gọi mày. Lão lúc nào cũng chỉ tơ tưởng đến con đàn bà ấy. Chồng với chả con. 
Nhung lừ mắt:
 - Mẹ lắm chuyện! Đến giờ phút này mà còn ghen tuông ầm ĩ. 
- Tao phải nói để mọi người biết bụng dạ ông ta thế nào. Ai đời yêu nhau không lấy được nhau lại lấy tên nó đặt cho con gái. Suốt ngày gọi tên nó. Đủ biết nó quan trọng với ông ta thế nào. Còn bà già này sống bao năm bên cạnh ông ta cũng chỉ là cái xác khô. 
Bà thở hắt ra rồi tiếp tục gào lên: 
- Cứ mỗi lần nghe thấy ông ta gọi tên con bé đó mà tức lộn ruột. 
Thùy điếng người. Cô lao ra cửa, gắng bước những bước thật nhanh ra phía rừng dương, tìm tới gốc dương già…
- Hóa ra là vậy! Vì thế mà mẹ luôn khắt khe với mình. 
Nước mắt như mưa tuôn ràn rạt khắp mặt Thùy. Cô đã hiểu được lí do mà mình phải chịu ấm ức suốt bao năm qua. Mạnh tới, khẽ an ủi: 
- Em đừng quá xúc động! Chuyện đã thế rồi. Em có khóc mãi cũng không thay đổi được gì. Trước mắt là bố em đang bệnh nặng. Em phải cứng rắn lên nhé! 
- Khóc mới giúp em giải tỏa tâm trạng lúc này. 
Nước mắt Thùy vẫn ào ào tuôn ra. Mạnh ngả đầu Thùy vào vai anh. Nước mắt thấm ướt làn áo mỏng trên vai Mạnh. Tấm thân Thùy run rẩy nép sát vào anh. 
Mạnh quàng tay ôm lấy Thùy, áp ngực mình vào khuôn ngực hai mươi căng tròn, cảm nhận từng tiếng đập rộn nơi trái tim cô. Trong anh chợt dâng lên một tình cảm lạ kỳ trước đây chưa từng có. Anh muốn là bờ vai, là chỗ dựa cho Thùy suốt quãng đời còn lại. Anh sẽ yêu thương, chăm sóc Thùy, sẽ bù đắp cho cô những thiệt thòi về mặt tình cảm. Bao ý nghĩ nhảy nhót trong đầu Mạnh như nhắc nhở, tiếp thêm sức cho Mạnh. Thế rồi Mạnh cầm tay Thùy, dắt cô vào nhà. 
Ông bác sĩ đang tiêm cho bố Thùy. Bố cô “ậc” lên một tiếng nấc nghẹn. Hai giọt nước trắng đục từ đuôi mắt bò lan xuống hai bên mang tai. Rồi ông nhắm mắt, nhịp thở đều đều. 
- Vẫn còn hy vọng!
Vị bác sĩ reo lên. Những khuôn mặt u ám bỗng rạng rỡ hẳn lên. Anh Mạnh khẽ bấm vào vai Thùy ý chừng bảo vẫn ổn. Ông bác sĩ gỡ cặp kính cận dày cộp, gần trễ xuống tận mũi, quay sang mẹ dặn dò: 
- Từ giờ chị đừng nhắc lại chuyện cũ nữa. Hãy để ông ấy được nói ra hết những dồn nén trong mấy chục năm qua. Thôi tôi về đây!  
Ông bác sĩ và Mạnh đi khỏi, căn nhà trở nên yên ắng. Mỗi người đều truy đuổi những ý nghĩ không gọi thành tên. Mẹ mở chiếc hòm gỗ cũ kỹ, lôi từ dưới đáy lên mấy tờ giấy đã nhàu nát, đưa cho Thùy xem. Những lá thư đề tên người gửi là Nguyễn Diệu Thùy ở Sài Gòn. Theo lời mẹ thì bố và người có tên là Diệu Thùy yêu nhau hồi bố đi B. Trong đợt Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 hai người bị mất liên lạc. Chiến tranh kết thúc bố đi tìm cô nhưng không có tin tức gì. Bố trở lại làng biển quê nhà. Ông bà nội đã dàn xếp cho bố cưới mẹ - một người phụ nữ cùng làng, phốp pháp, nhan sắc bình thường. Bố chần chừ để tìm Diệu Thùy nhưng mãi không thấy. Bị ông bà thúc ép ghê quá nên đành phải nghe theo. 
Đám cưới bố mẹ diễn ra trong sự bỡ ngỡ, lạ lẫm của cả cô dâu và chú rể. Một thời gian dài sau Diệu Thùy có gửi thư về theo địa chỉ nhà ông bà nội. Mẹ đã thấy thư nhưng không cho bố biết mà lặng lẽ giấu đi. Còn bố thì đinh ninh là Diệu Thùy đã hy sinh. Để luôn nhớ về cô người yêu cũ mà bố đã đặt cho cô con nuôi tên của người con gái ấy. Về phần mẹ, mẹ biết mình quá đáng nhưng cũng không muốn làm khác đi. Lòng ghen tuông của đàn bà nhiều khi như đám giông lốc đen kịt che mờ mắt, cuốn phăng đi chút ít bản chất tốt đẹp mà họ từng có. Thùy đã hiểu hết nguyên cớ của nỗi bất hạnh cô đã phải chịu suốt bao năm qua…
Mẹ gầy sọp đi. Đôi mắt đờ dại vì thiếu ngủ. Những trăn trở, lo toan đang rút dần sinh lực trong con người bà. Thùy biết mẹ đã khổ sở, dằn vặt nhiều lắm. Bao năm qua bố mẹ sống với nhau cũng chỉ vì nghĩa vụ và bổn phận với các con. Mẹ đã cay đắng nhận ra mình cứ mãi đi tìm một điều không bao giờ có với mình. Tình yêu là thứ không thể ép buộc.
Bố lại rên hừ hừ kèm theo tiếng thở kiệt lực. 
- Chưa chết được đâu. 
Mụ thầy cúng đã phán như thế. Mấy gương mặt lấm lét xung quanh, nhìn như dán vào người nằm rồi lại chuyển sang mụ. Thùy đã mời bà ta về cúng lễ với hy vọng vào một phép nhiệm mầu nào đó sẽ cứu được bố. Còn nước còn tát! Người khỏe mạnh sẽ làm tất cả những gì có thể làm được cho người đang bệnh nằm kia.
Mắt mụ thầy cúng sáng rực lên như vừa phát hiện ra một điều gì mới. Mụ thì thào vào tai mẹ: 
- Phải làm lễ trừ tà càng sớm càng tốt. 
Mẹ gắt lên: 
- Nhảm nhí! Tà nào? 
Mụ thầy cúng lim dim mắt: 
- Ta chỉ làm phúc giúp đời thôi. Nhà ngươi không tin thì ta cũng không còn cách nào khác. 
Thùy can: 
- Mẹ cứ để bà ấy làm. Người ta vẫn bảo “có bệnh thì vái tứ phương” đấy thôi. 
Ánh mắt mẹ đầy ngờ vực. Bà nhìn Thùy rồi bỏ ra phía ngoài.
Chiếc bàn con để đồ lễ được đặt giữa sân. Xung quanh bày hài, ngựa, xe, áo, mũ, tiền bằng giấy. Đàn tràng được lập. Ánh chiều đã ngả, hắt những tia nắng vàng vọt xuống mặt Thùy và Nhung. Chưa bao giờ Nhung có thái độ thân thiện với Thùy như lúc này. Hai đứa chốc chốc lại đưa mắt nhìn nhau như từ trước đã yêu thương nhau lắm. Tiếng mõ nổi lên. Mụ thầy cúng lên đồng. Thân hình béo tròn, uốn lượn như con trăn đang múa. Miệng lầm rầm những lời không ai đoán được. Rồi mụ cầm cả bó nhang, châm lửa. Đôi bàn tay với những cái móng được sơn đỏ ngoáy tít nắm nhang trong không trung. Lửa tắt, mụ há miệng rú lên một tiếng. Khiếp đảm, hai cô gái trẻ quay mặt đi, sợ hãi. Người ốm nằm trong giường bỗng mở mắt, gắng đưa tay vẫy vẫy, rồi buông lơi cánh tay, đôi mắt từ từ khép lại. Mụ thầy cúng thôi nhảy múa, gật gật đầu, mắt lim dim: “Họ đã tìm thấy nhau!”. Mẹ lao từ trong nhà ra, giọng giật méo đi: “Hai đứa kia nhanh chân lên vào đây! Còn đứng đờ ra đấy à”. Thùy và Nhung vội chạy vào nhà. Nhung có đôi chân lành nên chạy nhanh. Còn Thùy chậm chạp với những bước nhảy tập tễnh.
Cả nhà năm người giờ chỉ còn lại ba người phụ nữ. Không ai nghĩ đến chuyện ăn uống. Mẹ nằm dài trên chiếc chõng tre, trân trân mắt nhìn lên trần nhà. Nhung và Thùy ngồi bó gối nhìn ra khoảng không phía trước. Biển đêm mênh mang ẩn chứa trong lòng bao điều bí ẩn và những bất trắc không ai có thể lường trước được. Phía khơi xa, mảnh trăng cong cong như cánh diều vàng gắn trên nền nhung đen, điểm xuyết vô số hạt cườm là những ngôi sao lấp lánh sáng. Trăng đang run rẩy trong mắt Thùy...
Nhung bỏ nhà đi theo lời dụ dỗ của một gã đàn ông đến đảo du lịch. Gã hào phóng và có vẻ giàu có. Nhung đã bỏ đi tìm một cuộc sống khác ở nơi không có biển, không còn những lo toan chuyện cơm áo. Căn nhà mỏng manh, vật vờ trong gió. Hai con người, một già một trẻ cả ngày ra vào nhìn nhau mà chẳng ai nói một lời. Đêm đến, trong giấc mơ, Thùy mơ thấy một nàng tiên xinh đẹp phẩy chiếc đũa, đôi guốc xỏ vào chân Thùy. Lạ thay bên chân dị tật bỗng to ra, giống hệt như chân kia. Nàng tiên mỉm cười. Thùy cũng cười, tung tăng chạy nhảy khắp bờ biển. Để rồi sáng ra, mở mắt, sờ xuống chân lại thấy như cũ. Cô biết giấc mơ xa xỉ ấy mãi chỉ là câu chuyện cổ tích giữa cuộc sống đời thường.
Mẹ gọi Thùy vào căn buồng chật chỉ có độc một vuông cửa sổ bằng hai bàn tay. Gương mặt hốc hác của mẹ trũng xuống. Mẹ bảo có chuyện cần phải nói với Thùy. Dường như mẹ đã chuẩn bị cho cuộc nói chuyện này từ lâu lắm rồi. Tiếng mẹ run run: “Mẹ đẻ của con từ Mỹ đã trở về nước tìm con. Bà ấy rất giàu có. Đứa con trai với người chồng ngoại quốc đã chết trong một vụ tai nạn máy bay. Đi với bà ấy con sẽ có một cuộc sống sung sướng. Biết đâu đôi chân của con sẽ chữa được. Con sẽ không phải tập tễnh nữa”. Nói xong câu ấy hình như mẹ sắp khóc. 
Lâu lắm Thùy mới thấy bà như thế. Lần đầu tiên cô nghe được một chút thông tin về mẹ đẻ. Đến bây giờ bà ta mới trở lại tìm Thùy ư? Chỉ khi mất đi đứa con lai kia bà ấy mới nhớ đến đứa con gái mình đã đang tâm bỏ lại quê nhà. Thật ích kỉ. Bà ta có biết Thùy đã phải lớn lên trong cuộc sống thiếu thốn thế nào không? 
- Không, con không đi đâu hết! - Tiếng nói uất nghẹn từ cổ Thùy bật ra kèm theo những giọt nước mắt tức tưởi. 
Mẹ nhìn Thùy, nhỏ nhẹ:
 - Con hãy tha thứ cho mẹ đẻ ra con. Ngày ấy cũng chỉ vì chuyến tàu đi nước ngoài chuẩn bị rời bến và cũng lo cho sự sống của một hài nhi sơ sinh nên mẹ con mới phải làm thế. Giờ đây mẹ con đang rất ân hận...
 Thùy gạt đi: 
- Mẹ đừng cố thanh minh hộ bà ta nữa. 
- Ai cũng từng có những việc làm dại dột, những suy nghĩ bồng bột, con à! 
- Không, mẹ đừng nói gì nữa. Con không chấp nhận đâu. 
Trong ý niệm của mình, Thùy vẫn cho rằng: Người mẹ được tạo hóa ban cho thiên chức cao quý. Vì thế những sai lầm của họ không dễ tha thứ. 
- Đây là số điện thoại của mẹ con. Con hãy suy nghĩ kỹ để có sự lựa chọn đúng đắn. Mẹ xin lỗi khi đã có lúc không muốn nói cho con biết chuyện này. - Mẹ đưa mảnh giấy cho Thùy. 
- Con sẽ không đi đâu cả. Nếu bà ấy đến, mẹ hãy nói lại cho bà ấy biết rằng bãi biển này, ngôi nhà này và cả mẹ đã trở thành một phần máu thịt của con rồi. 
Thùy nói trong nước mắt rồi xô cánh cửa, tập tễnh bước cao, bước thấp ra phía biển, tìm đến gốc dương già.
Thùy mang những chiếc vòng cổ, lắc tay bằng đá, vỏ ốc bán dạo cho khách du lịch. Một bé gái chừng năm tuổi đang rỏ cát xây lâu đài thấy Thùy liền chạy tới xem hàng. Cô bé đang thích thú trước những xâu vòng ốc xinh xắn thì người mẹ đi tới giọng đầy hốt hoảng: 
- Con đừng chạy lung tung như thế. Chẳng may lạc mất con thì mẹ sống sao?
- Mẹ mua vòng ốc cho con đi. Đẹp quá!
Bé giơ chiếc vòng cho mẹ xem. Người mẹ khẽ gật đầu, mỉm cười đầy trìu mến. Nhìn cảnh này Thùy bỗng chạnh  lòng. Thùy cũng có mẹ mà. Người mẹ đã mang nặng đẻ đau mà Thùy chưa từng biết mặt. Không rõ khuôn mặt mẹ thế nào? Mẹ béo hay gầy? Da mẹ chắc là trắng lắm... Tiếng người mẹ hỏi giá tiền chiếc vòng cổ bằng ốc đã cắt ngang suy nghĩ của Thùy. Cô trả tiền thừa cho khách rồi đi ra phía xa, vắng người. Thùy ngồi lên một hòn đá to, mắt hướng ra ngoài khơi xa. Những lớp sóng táp vào bờ, liếm lên cả những hòn đá thấp. Ngoài khơi xa ẩn hiện những cánh buồm bàng bạc trong mây trời. Gió tạt qua, xổ tung mái tóc dài đen nhức của Thùy. Một dòng nước âm ấm từ khóe mắt lăn xuống má, xuống miệng Thùy mằn mặn…
Anh Mạnh vác bó lưới mới mua về nhà. Ngang qua nhà Thùy, thấy cô đang chăm chú lật mặt những con cá phơi trên nong, anh liền đặt bó lưới xuống, giọng nghiêm chỉnh: “Anh đã nghe bác gái nói chuyện về mẹ đẻ của em. Rất vui là bà ấy đã trở lại tìm em. Em về với mẹ của mình sẽ không phải sống khổ nữa”. 
Thùy gắt lên: 
- Giàu làm gì? Em không cần thứ ấy. Bao năm qua không có tiền em vẫn sống tốt đấy thôi!
Mạnh nhìn thẳng vào mắt Thùy, hạ thấp giọng như thủ thỉ vào tai cô:
 - Bà ấy là mẹ đẻ ra em, phải có nghĩa vụ chăm lo cho em. Anh đang ước điều đó cũng đến với mình nhưng chẳng được. Anh mồ côi từ bé, đã thấm thía sự thiếu thốn tình cảm máu mủ ruột già. Nhiều lúc cô đơn, tủi cực không biết bấu víu vào đâu.
- Em có mẹ ở đây rồi đấy thôi. 
- Hãy nghe anh. Mẹ em đang rất nóng lòng đón em về. Với lại về với bà ấy đôi chân của em sẽ được chữa trị, sẽ trở nên tốt hơn. Chẳng lẽ em không muốn thế? - Mạnh cố gắng khuyên Thùy, hy vọng cô sẽ nghe lời anh.
Thùy lặng người. Từng làn sóng biển tràn lên bờ cát, mơn man đôi bàn chân trần. Những câu nói yêu thương của người mẹ trẻ ban nãy lại vang lên trong tâm trí cô. Đột nhiên Thùy khát thèm một vòng tay âu yếm của người mẹ, một cái hôn nhẹ lên mắt, lên má của bà. Thùy quay lại bắt được ánh nhìn chân tình của Mạnh. Thoáng chút bối rối, Thùy mạnh dạn: 
- Thế còn anh thì sao? 
- Anh còn có những chuyến ra khơi đánh cá nên chẳng có thời gian buồn lâu đâu. 
Thùy khẽ gật đầu, nhìn anh cười. Cô thò tay vào túi quần, móc ra mảnh giấy ghi số điện thoại của mẹ dứ dứ trước mắt Mạnh. Mẩu giấy đã nhàu nhưng những chữ số vẫn còn nguyên vẹn: “Em nghĩ rồi, em sẽ ở đây với mẹ Lành. Tuổi thơ em ở đây, đã gắn bó với nơi này. Em cũng không nỡ rời xa mẹ Lành khi bây giờ mẹ đã mất bố, mất anh Kỳ và Nhung lại bỏ đi biệt tích. Em sẽ ở lại chăm sóc mẹ. Anh đừng thuyết phục em thêm nữa”. Thùy đưa tay xé nát mẩu giấy ghi số điện thoại rồi tung vào không gian. Những mẩu giấy bị gió thổi bay tứ tung. Nét mặt Mạnh thoáng buồn. Thùy nắm tay Mạnh, khẽ kéo anh đi. Hai người đi vào khu nghĩa địa vẫn trong địa bàn sinh sôi của rừng dương. Thật chẳng có cây gì gắn bó hơn những cây dương với con người trên hòn đảo này. Sinh và tử, sống và chết đan xen nhau trong từng mét vuông đất có màu xanh của dương bao phủ. Dương xanh lá, tốt cành, chứng giám cho một con người ra đời và cũng chính dương lại mở vòng tay đón họ trở về đất mẹ. Cô quỳ xuống ngôi mộ của bố, khẽ chắp tay khấn. Đôi vai gầy mỏng nhẹ khẽ rung lên khi cơn gió lướt qua. Thùy đứng dậy, bước ra phía bờ biển, đăm đắm dõi mắt phía khơi xa. Thùy như thấy bóng dáng người bố trên chiếc tàu đang căng buồm vượt đại dương, hướng vào bờ. Ngoài kia biển vẫn ầm ào sóng vỗ...
                

 THANH THUẬN  


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 276
 Hôm nay: 2444
 Tổng số truy cập: 9244611
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa