Chuyến đi thực tế ở rừng về, tự dưng tôi như một kẻ dở hơi. Ban ngày thì cáu gắt vô cớ. Ðêm đến, buồn tan nát tới mức không ngủ được.
Hôm ở Hạt Kiểm lâm, lang thang trong rừng rồi bơi thuyền bồng bềnh trên một hồ rộng hơn hai ngàn héc ta với những chàng lính trẻ, kỷ niệm những năm tháng mở đường ở rừng sâu bỗng tràn về, bâng khuâng với bao chuyện cũ. Sang buổi chiều ngày thứ hai, tôi nhìn kỹ người đàn bà đầu quấn chiếc khăn đen chỉ hở đôi mắt có phần mệt mỏi, tôi đã ngờ ngợ từ chiều đầu tiên bưng cơm lên phòng khách. Giữa lúc ấy, Hạt trưởng Kiểm lâm gọi to:
- Chị Thuần ơi! Cho chúng tôi thêm chai rượu. Trộn nhiều mật ong vào, lâu ngày anh em gặp nhau, vui mà…
Thuần bước vào, đôi mắt cô có phần thảng thốt làm ly rượu trên tay tôi rơi xuống nền gạch hoa, cái ly thủy tinh vỡ giòn tan. Không nén được, tôi hỏi Hạt trưởng:
- Cô ta là ai đấy?
- Người rừng, người rừng đấy mà… - Hạt trưởng có vẻ ngấm rượu hoặc chạnh buồn khi thốt ra lời ấy.
- Sao? Người rừng thật sao? - Tôi hỏi như đứt hơi.
- Ôi! Ðời người. Kiếp người… Chị ấy hiền lắm… Anh không thấy sao. Nhưng dân vùng này vẫn gọi chị ấy là người rừng… Mà tôi cũng không biết được nữa. Người rừng.
Ðúng là Thuần rồi. Ðôi mắt ấy làm sao tôi quên được. Chúng tôi chia tay nhau, nói đúng hơn là chia ly nhau đã hai mươi năm có lẻ. Quả thật, suốt cuộc đời lang bạc kỳ hồ cùng trời cuối đất, tôi chưa say đắm một người đàn bà nào dai dẳng và chịu nhiều đau khổ như Thuần.
Ngày ấy, tôi làm đội trưởng một đơn vị thanh niên xung phong mở con đường trên biên giới Việt - Lào. Tôi gặp Thuần lúc cô xấp xỉ tuổi ba mươi nhưng vẫn duyên dáng tới mức hơn bốn ngàn cô gái trẻ trên công trường, không ai dám sánh với nhan sắc của em. Thuần lên dạy bổ túc văn hóa cho thanh niên xung phong. Hết nhiệm vụ đợt đầu, cô tự nguyện ở thêm một nhiệm kỳ nữa. Năm 1974, Thuần được điều về dạy học ở đơn vị tôi phụ trách. Nhiều lúc nghĩ, thượng đế công bằng đã đẩy Thuần đến cạnh để bù đắp những riêng tư đau buồn tôi từng gánh chịu. Một cô giáo Thuần nết na, dịu dàng, cương trực và thẳng thắn. Tuy lúc ấy đã có vợ con, tôi cứ vơ vẩn nghĩ rằng nếu không lấy được em thì sống để làm gì. Nhưng phàm ở đời, mấy ai dám bỏ cái ghế danh vọng để đạt được chuyện riêng về đàn bà mà không mất gì. Tôi có hoàn cảnh riêng khác đặc biệt. Cái làng biển của tôi như cái lá khô nằm cheo veo bên mép sóng. Con trai làng sinh ra thường được bế đi dạm vợ vào ngày đầy cữ. Năm mười một tuổi, tôi đã được bố mẹ cưới cho người vợ hơn bốn tuổi. Ai tin rằng mối tình sắp đặt ấy đã đẩy tôi vào bao hiểm họa khôn lường gần hết kiếp người.
Chiều nay, cô văn thư đưa cái phong bì dày cộp, tôi cho vào túi sách vì ngỡ bản thảo của một người nào gửi. Mãi tới khuya bóc ra thì chao ôi! Chuyện bất ngờ tới mức không thể tin vào mắt mình được. Nhưng khoan xin bạn đọc hãy nán lòng tới cuối câu chuyện, tôi sẽ chép nguyên vẹn bức thư ấy.
Bây giờ đã hơn ba giờ khuya. Ðêm đầu thu, trời se lạnh. Lớp sương bụi mỏng tang như một tấm khăn voan trắng nhẹ phủ hờ lên thành phố. Từ lúc đọc xong bức thư, tôi đã uống quá nhiều rượu, khốn thay vẫn là bình rượu hàng ngày sao đêm nay nó nhạt nhèo, mặn chát. Hình như có lúc rượu không chảy vào gan ruột mà cứ trào ngược lên mắt rồi trào xuống mặt, xuống cằm. Càng uống tôi càng thấy tỉnh táo hơn. Bao chuyện xa gần trong bức thư cứ hiện lên rành rẽ như một cuộn băng hình.
… Một sáng chủ nhật, Thuần rủ tôi vào rừng hái nấm. Thuần đeo sọt đi trước. Em nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển qua nhiều hòn đá mồ côi đầy rêu xanh trên suối cạn. Chính lúc ấy chúng tôi gặp một bầy bướm nhiều màu sắc sặc sỡ xếp thành một khối hình như một bức tranh khổng lồ trải rộng trên mặt suối và bìa rừng. Tôi nhặt sỏi định ném vào bầy bướm thì Thuần nói vội:
- Không qua được đâu. Nó bay ào cả lên, bụi sẽ kín rừng thì chết ngạt đấy. Quay lại, rẽ đường mòn vào thung lũng tiện hơn…
Trong giọng Thuần nghe như thảng thốt và buồn vời vợi.
- Em làm sao thế? - Tôi hỏi.
Thuần nói xa xăm như tự vấn:
- Sống ở rừng đến bầy bướm cũng sợ cô đơn.
Khi hái đầy sọt nấm, tôi vội quay về thì em nói trong hơi thở:
- Mệt quá, nghỉ một lúc đã… anh…
Tôi đưa tay lên vuốt nhẹ mái tóc dài óng ả của em, Thuần ngước mắt nhìn rồi gục vào ngực tôi. Cứ thế em ngả người dần vào tôi và lôi tôi nằm dài trên thảm cỏ. Rừng vắng lặng và bình yên quá nhưng sao lòng tôi như có lửa đốt. Thuần quờ tay ghì mặt tôi vào ngực em. Chao ôi. Hai bầu vú căng tròn và nóng ấm làm sao. Tôi gục hẳn mặt vào khe lõm giữa hai bầu vú ấy mà không hay biết gì nữa. Thuần như điên dại, cắn vào môi, vào má tôi. Giữa lúc đê mê ấy, ma quỷ đã ập đến đẩy tôi ngồi bật dậy và nói dứt khoát:
- Không! Em điên à. Anh xin… Nhỡ ra… Mà anh là…
Thuần cũng vùng dậy cài vội ngực áo. Ðến khi tàn hơi tôi cũng không thể nào quên ánh mắt của em lúc đó:
- Là cái thứ hèn. Trời ơi! Tôi nhầm, tôi nhầm.
Em hét lên và cứ nhìn xoáy vào mắt tôi như tôi là một con thú không bằng. Em bước lùi, bước lùi từng bước rất xa tôi. Em hét lên một lời gì đó nữa rồi quay ngoắt người, chạy thục mạng về hướng doanh trại.
Từ hôm đó, hàng tháng ròng, Thuần né tránh gặp tôi như một kẻ bệnh hoạn. Ðúng như Thuần nói - tôi chỉ là một thằng hèn. Nào mơ tưởng chức quyền. Nào sợ chi bộ kiểm thảo, kỷ luật vì tội bỏ vợ đành rằng sau này cũng tan nát, cũng trả giá đủ đường. Nói tóm lại, tôi chỉ là một thằng vừa tham vừa hèn, chỉ muốn được tất cả chứ không dám mất đi.
Sau đó không lâu, chúng tôi đã bắt đầu trò chuyện và quên dần chuyện cũ. Một hôm, tôi đem chuyện riêng tư kể thật với Thuần và xin em hiểu cho sự giữ gìn của tôi. Thuần cười mỉa mai rồi bảo:
- Không bao giờ em quên sáng ấy. Anh phải yêu một người có lý tưởng, đứng đắn, vững vàng lập trường chứ…
Năm 1975, mùa mưa đến sớm, mới đầu tháng ba mưa lũ đã rung chuyển núi rừng. Mưa thối đất, thối cây, khổ nhất vẫn là nạn chuột và kiến ùn ùn kéo vào choán chỗ trong lán nứa. Suốt ngày quần quật với đất đá mở đường. Ðêm đến phải vật lộn với bầy chuột và kiến để giành lại chỗ nằm. Cuối tháng ba, Thuần có điện mẹ ốm nên vội về xuôi. Mẹ Thuần sinh được hai chị em. Thằng Tĩnh kém cô ba tuổi, đi lính từ năm sáu bảy nhưng vẫn biệt tin. Cha mất năm Thuần lên sáu tuổi vì một trận lũ xé nát bè gỗ trên sông. Thuần về phép rồi, lũ vẫn triền miên. Nhiều đoạn ta luy đường cao sáu bảy chục mét vẫn bị sụt lở. Hàng cây số đường bị tắc. Hết gạo rồi hết muối. Chiếc đài ôriôngtông duy nhất của đơn vị cũng không còn pin để nghe tin tức. Hai tháng liền mọi mối liên lạc với công trường Bộ bị gián đoạn, mất liên lạc hoàn toàn. Khốn khổ trăm đường tôi có thể vượt qua nhưng nỗi nhớ Thuần xen nỗi ân hận cứ trỗi lên làm tôi kiệt quệ. Em về xuôi lâu quá. Nhiều lúc nỗi nhớ cứ vón cục quặn thắt trong gan ruột. Hơn hai tháng sau, vào một buổi trưa Thuần và mấy cô gái về phép cắt qua rừng trở lại đơn vị. Vừa bước vào cổng doanh trại Thuần đã hỏi:
- Ta không kéo cờ ăn mừng à? Miền Nam giải phóng hơn một tháng rồi. Dưới xuôi ăn mừng vui lắm.
Tin miền Nam giải phóng làm cả đơn vị reo hò thỏa thích rồi bỏ bữa cơm chiều mặc dù đã hơn một tháng. Tự dưng nước mắt tôi cũng trào ra, không rõ vì mừng vui hay buồn tủi. Ngày hôm sau các tiểu đội thay nhau cắt rừng, đóng bè vượt suối về công trường bộ cõng gạo và muối lên ăn. Ba ngày đầu vui quá. Nhưng người vui sướng nhất có lẽ là tôi. Thuần quay về đơn vị làm tôi như một cây sắp chết khô bỗng dưng gặp mưa rào.
Nhưng ngày vui quá ngắn. Ðến giờ nghĩ lại cứ ngỡ mình sống trong mơ. Chiều ngày thứ năm, từ hôm trở lại đơn vị, tự dưng Thuần nói giọng xa xăm buồn buồn:
- Tối nay anh ra tảng đá đầu lán ngồi chơi. Em có chuyện muốn nói…
Linh tính mách bảo tôi có điều gì khác. Nhưng mọi điều dự đoán thấp thỏm ấy đều tan biến như một đám mây giữa chiều giông. Ðêm ấy, trăng mờ và sương lành lạnh. Con suối đầu nhà vẫn vang lên bản nhạc muôn thuở của rừng. Thỉnh thoảng đâu đó, một tiếng hoắng sủa trăng vu vơ dội lạnh lòng thung. Nhưng đêm ấy, cái đêm mùng tám tháng sáu năm bảy lăm ấy đã quật tôi gục ngã sau những lời lẽ vừa ngọt ngào vừa quả quyết của Thuần…
- Vâng! Em đã gặp một người anh họ của cô bạn học. Anh ấy ở Hà Nội về thăm quê. Em và anh ấy đã yêu nhau. Anh ấy hơn em một giáp. Em nghĩ, tuổi tác chẳng nghĩa lý gì khi gặp một tình yêu đồng cảm phải không anh. Ðiều em hơi ngần ngại là anh ấy cao sang quá. Vợ chồng anh ấy công tác ở Viện Khoa học nhưng hai người không hợp nhau nên đã ra tòa ly hôn. Anh ấy đưa em đi biển chơi, vui lắm. Thật lòng, em không thể xa anh ấy được nữa. Nếu không lấy được nhau, dù có làm con ăn, đứa ở cho anh ấy, em vẫn thanh thản. Anh hãy tha lỗi cho em, cho hoàn cảnh của chúng ta. Em ở rừng lâu rồi. Mai em xin anh về công trường Bộ để chuyển công tác ra Hà Nội. Anh ấy mua nhà riêng cho em ngay mà…
Minh họa: Lê Hải Anh
Hôm sau, Thuần ra đi thật. Tôi như một cây gỗ dựa vào vách nứa đứng nhìn theo cho tới lúc bóng em chỉ còn một chấm sáng nhập nhòe trên đỉnh đèo Nà Thuông thì tự nhiên tôi sụp đổ xuống. Rồi tôi ốm, sốt liên miên và rụng gần hết tóc. Nhưng cái gì cũng qua thôi. Nỗi đau, nỗi ân hận lớn quá, ngột ngạt quá. Và nỗi đau cũng như bát nước nguội dần. Hai tháng sau tôi gượng dậy được với đồng đội của mình. Tôi biết mình không có lý do gì và tại sao phải giữ Thuần ở lại rừng. Mình tôi chịu còn chưa đủ sao. Em đáng được về xuôi, đáng được hưởng hạnh phúc lắm chứ.
Từ ấy, tôi vẫn tin là Thuần đang sống yên vui bên một nhà khoa học tài ba nào đó mà em đã hết lời khen. Nhiều lúc đau buồn tôi thoáng nhớ đến Thuần. Tôi mừng vì em hạnh phúc. Nếu tôi và em chung sống thì biết đâu em khốn khổ suốt một kiếp người. Nhưng cái con quay cuộc đời tàn nhẫn đến quái lạ. Hai mươi năm biệt tin, cô giáo Thuần kiều diễm ngày nào tàn tạ, rệu rã đến mức không thể nào tin là thật.
Suốt ba ngày ở bên Hạt Kiểm lâm, Thuần cố tình tránh gặp tôi. Cô cáo ốm nằm biệt trong căn nhà đầu khu tập thể.
Tôi hỏi Hạt trưởng Kiểm lâm thì chỉ được trả lời:
- Nghe nói ngày trước chị ấy đi dạy học, sau đó làm công nhân ở lâm trường. Khi lâm trường tan nát chị ấy trốn biệt trong một cái lán cho đến lúc như một người rừng hoang dã thì lính kiểm lâm bắt về đây… Ở đây người ta gọi là “người rừng” rồi thành quen.
Mất mấy ngày quanh quẩn rồi đêm cuối ở rừng tôi cũng trò chuyện được với Thuần.
“… Anh! Ðừng nhắc chuyện Hà Nội, cũng đừng hỏi con người cao sang ở Viện Khoa học ngày ấy nữa. Em không ân hận, không oán trách. Tất cả chỉ tại em…
Hồi ấy, em ảo tưởng viễn vông quá. Ngày chia tay nhau ở rừng, mọi việc vỡ lở, em long đong gần ba năm. Cũng may đầu năm bảy tám, gặp một chị bạn có chồng làm Trưởng ty xin hộ em lên lâm trường này làm việc.
Hơn mười năm đầu, công việc làm ăn trôi chảy. Ðó là quãng đời thanh thản hơn tất cả đối với em. Rất đơn giản thế này ạ! Bảy mươi ba chị em độc thân được lâm trường sắp xếp thành một đội khai thác củi. Mỗi công lao động phải chặt và vác xếp đống trên trục đường lô được sáu mét khối củi tươi. Hết giờ trở về lán, nghe kẻng, xách bát đi ăn. Tối chùi chân lên lán nứa ngủ. Ðúng, được mười năm thanh thản như thế. Chị em thương nhau như ruột thịt. Thật ra, cũng chẳng có gì để ganh tị nhau. Một đọt măng, một nắm lá rừng luộc lên cũng ăn chung. Năm thì mười họa mới gặp vài người đàn ông xuống làm việc một vài buổi rồi họ lại về lâm trường Bộ. Mười năm ấy em đã sống và làm việc hết mình. Em đã được kết nạp vào Ðảng từ nơi heo hút này”.
Thuần bỗng im bặt, cái yên lặng đến ngột ngạt. Gió vẫn mơn trớn trên cành cây ngọn rừng. Suối vẫn ròng rã thả bản nhạc vừa gần vừa xa. Chính lúc ấy, tôi hiểu lòng Thuần đang có trận lũ cuồng xoáy.
Lại một lần nữa, tôi nhỡ lời với Thuần:
- Vì sao em không sống ở Hà Nội. Vì sao em lại bỏ nghề dạy học? Tại sao?
Thuần bật cười, tiếng cười man dại. Hai mươi năm mới được nghe em cười nhưng không phải là tiếng cười phụ nữ. Tiếng cười như bật ra từ nỗi đau cùng đường đã chất chứa mấy vạn năm. Không hiểu vì sự im bặt hay vì sương rừng nhả lạnh mà toàn thân tôi như tê dại. Thuần rủ rỉ một mạch đại loại thế này:
“… Anh đừng hỏi, cũng đừng quên là em tốt nghiệp khoa Văn - Ðại học Sư phạm Vinh hai mươi lăm năm trước. Ðêm nay em chỉ kể mấy chuyện ở lâm trường. Giữa lúc đang yên ổn làm ăn thì nhà nước chuyển đổi cơ chế, xóa bao cấp hoàn toàn. Hai năm đầu lao đao lắm. Ðường hỏng không có vốn sửa chữa. Ô tô không vào mua củi nữa. Củi chất xếp như núi, mục dần. Ðến một hôm, cả đội em đang xếp củi thì ông giám đốc lâm trường bị công an còng số tám dắt qua. Hóa ra túng rồi tính quẩn, giám đốc đã quyết định bán gần hai tấn thuốc nổ với mấy vạn kíp mìn nhưng lại bán cho tư nhân. Hồ sông Ðen rộng mấy ngàn héc ta, cá nhiều vô kể. Ðùng một cái, mìn nổ diệt cá suốt ngày đêm.
Từ đó, lâm trường rệu rã. Ðội em tan nhanh nhất. Những đứa có gia đình ở quê thì xin nghỉ không lương ra về nhưng không đứa nào trở lại. Ðó là những ngày khủng khiếp. Em làm Bí thư chi bộ sáu năm liền. Ðầu năm 1990, đội chỉ còn trơ lại bảy chị em, cả bảy đứa đều không chồng con, nhà cửa. Cha mẹ, anh em ruột rà không còn. Em lớn tuổi nhất nhưng tất cả đều là đảng viên nên bàn nhau sống chết cũng bám rừng, quyết không rời tổ chức. Thật ra, nói vậy chứ tất thảy đều hiểu mình không biết đi đâu, về đâu nữa. Bảy chị em, dồn vào cái lán ở gần ngã ba Lúng Túng sát chân dốc Thất Tình. Mấy cái tên ngã ba và dốc toàn do công nhân lâm trường bịa ra, lâu ngày gọi thành quen. Rồi tìm được một cách làm ăn mới. Từ lán ra sông Hồ Ðen chỉ có năm sáu cây số. Chị em thống nhất cử con Mai về xuôi mua vải màn lên làm vó te kéo tôm tép ven hồ.
Cứ bốn giờ sáng, năm đứa gánh vó ra hồ đặt kéo. Khoảng 9 giờ sáng, hai đứa gánh tôm tép vào chòm bản đổi gạo và muối. Trưa, một đứa trông lán còn một đứa gánh cơm ra hiện trường cùng ăn. Ba giờ chiều, hai đứa gánh tôm tép đi đổi, lại gánh gạo muối về. Chập tối dồn tôm tép về làm thức ăn, còn thừa phơi khô dự trữ. Bọn em đan những cái bồ nứa to đựng gạo, muối và tôm tép khô.
Cuộc sống đang bình yên, của ăn của để đã có và không lo đói thì xảy ra một việc khủng khiếp.
Một buổi tối, bảy chị em họp trong lán. Nói là họp chi bộ cũng được vì lâu ngày thành quen. Mai vẫn mở cuốn sổ dày cộp ra ghi từng việc như là ghi biên bản. Mai là đứa trẻ nhất, từ quân đội chuyển về. Không hiểu sao em lại lên giọng:
- Các đồng chí phải kiên định lập trường, tin vào cấp trên. Thế nào lâm trường sẽ được củng cố lại. Tôi thấy gần đây, một vài đồng chí lơ là ý thức tổ chức, bỏ vào bản chơi buổi tối. Như đồng chí Mai, tối qua quét hồ vào vó, vội đi chơi bỏ vó dưới đất. Chuột khoét thủng gần hai chục cái, lấy vó đâu ra. Bảy chị em, còn ba cái màn một chẳng nhẽ xé nốt làm vó hay sao?
Em vừa nói thế, con Mai cắm phập bút xuống sạp rồi hét:
- Bảy bà cô độc thân mà hôm nào cũng hành hạ nhau. Họp cái nỗi gì. Màn không có, dép không còn, đến một tí xà phòng làm vệ sinh cũng không kiếm được. Họp này, biên bản này. - Chao ôi! Nó xé nát cuốn sổ duy nhất vứt tung tóe, cứ thế nhảy như điên và hét. La hét chê chán, nó òa khóc, rồi không ai nhìn ai tất cả đều khóc…
Sáng hôm sau, em và Mai trực ở nhà cho năm đứa đi vào hồ kéo tép. Mặt trời vừa chui khỏi lớp sương bạc uể oải thả ánh nắng xuống sân thì Mai nói ngập ngừng:
- Chị ở nhà. Em vào rừng đào mấy củ măng về xào với tép khô.
Vừa nói, nó vừa vội chạy về phía ngã ba Lúng Túng. Chờ mãi không thấy, ruột gan em như có lửa đốt. Rừng dạo này nhiều cọp và lợn lòi xuống phá rẫy. Trời mưa sụt sùi mãi mới tạnh được vài ngày chắc là thú rừng đói lắm. Lo quá em vác dao vào rừng tìm nó. Ðến cây lát ở chân dốc Thất Tình thì nghe tiếng phụ nữ cười, cười giòn lắm. Em rón rén vào thì trời đất, ông bà ơi! Con Mai và gã xe trâu đang trần truồng quằn quại với nhau trên thảm cỏ xanh bên hông núi. Chắc lâu nên những cây hoa dại bông đỏ cạnh đó nát nhừ cả ra. Khiếp quá, em nhắm nghiền mắt lại như muốn ngất đi. Trời đất ơi! Con Mai trắng nõn nà còn gã kia thì đen như đít chảo, ngày nào gã cũng ngất ngưởng trên chiếc xe trâu qua cổng lán để vào rừng chặt trộm gỗ. Hoảng quá, em chạy một mạch về lán, toàn thân cứ run lên chứ không thể khóc được.
Phải gần một giờ sau, Mai nói oang oang ngoài cổng:
- Chị Thuần ơi! Măng củ to và mập thế này kia mà. Thích lắm.
Nói thế, nó nhào vào ôm chầm lấy em, nó ghé sát môi vào mặt em, miệng lắp bắp:
- Ðời người có là cái gì đâu. Vinh quang, đớn hèn, cao thượng, lọc lừa, giận dỗi, yêu thương cuối cùng cũng được chia phần một mét vuông đất. Chị làm sao thế? Chị giận em à?…
Trong giọng nó vừa quen vừa lạ, nhưng em biết nó đang mãn nguyện lắm. Tự dưng em òa khóc và nó cũng khóc theo. Nhưng em khóc vì tủi phận còn nó khóc có lẽ vì sung sướng. Nó nấc lên rồi ôm em chặt hơn rồi rủ rỉ:
- Dẫu có phải chết sông, chết suối thì ở thế gian này, em là người thương chị nhất, chị Thuần ơi!
Rồi nó ôm quần áo trốn đi thật. Mấy đứa bảo nó cùng gã xe trâu dựng lán ở ven suối, thuê người chặt trộm gỗ quý xẻ thành ván chở đi bán…”.
Một mảnh sao trên nền trời phía Tây vỡ vụn ra như lao hẳn xuống tảng đá tôi và Thuần đang ngồi. Con chim lạc bạn giữa trời khuya thả xuống rừng một tiếng kêu điên loạn. Hình như trời sắp sáng, nên con chim Phượng gọi con Hoàng đến thất thanh. Chắc vợ chồng Phượng Hoàng gọi rủ nhau đi thăm bạn ở bên kia núi.
Không kìm nổi, tôi choàng tay định ôm Thuần vào lòng như năm xưa em đã ôm tôi trên trảng cỏ giữa rừng xa, Thuần gỡ tay tôi giọng quả quyết:
- Anh nhầm, ở tuổi chúng ta chỉ còn sống bằng cái đã qua. Mà cái đã qua thì em tự chôn vùi mục mại lâu rồi. Anh ngồi thẳng người lên, em kể tiếp.
“… Con Mai bỏ đi hai ngày, cái lán giữa rừng trống vắng hẳn. Hai đứa nữa bỏ đi theo bọn lâm tặc. Ngày thì chúng giặt giũ nấu nướng hầu hạ, đêm thì làm trò vui…
Rồi bọn chúng đua nhau bỏ đi hết cả…”. Nói tới đó Thuần nấc lên từng chập trong cổ họng. Không hiểu sao một lần nữa tôi lại mắc sai lầm. Tôi nhào đến ôm chầm lấy Thuần nhưng cô đẩy bật tôi, đầy vẻ gìn giữ, cô nói rít từng tiếng:
- Anh vẫn hèn như xưa.
Cô chạy như một cơn lốc trong đêm vào khoảng mù sương của cánh rừng già đen bạc.
Tôi nán lại Hạt Kiểm lâm thêm ba ngày đêm nữa, cả đơn vị tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Thuần ở đâu. Vì công việc, tôi phải quay về thành phố với bao day dứt. Nếu Thuần có mệnh hệ gì thì tội phạm chính là tôi.
Bấy giờ tôi xin thực hiện lời hứa ban đầu là chép nguyên vẹn bức thư của Thuần mà chiều nay cô văn thư đưa cho tôi.
Anh!
Rừng lại mưa tầm tã hai ngày đêm rồi, nước suối dâng cao tắc cả đoạn đường vào hạt. Em viết những trang giấy này cho anh tuyệt nhiên không phải là lời thanh minh, càng không phải vì ân hận.
Ðúng! Những ngày qua gặp lại nhau, em đã lẩn tránh anh như hai chục năm em lẩn tránh cuộc đời này.
Bây giờ chúng ta đã vào tuổi chiều tà. Phụ nữ như em, vào tuổi này đã chập choạng tối, đúng hơn là chiều tà phải không anh. Hai mươi năm qua, em đã dõi theo từng bước anh đi mà anh không hề biết nhưng em hiểu anh cũng tan nát trăm bề. Có lúc em định nhảy ra, nhảy đến ngay khi anh đang hoạn nạn nhưng em không đủ can đảm vì tự biết mình không còn xứng đáng với anh. Những lần ấy, em tự an ủi rằng tại số phận. Số phận không cho chúng ta được ở bên nhau. Ðúng là số phận mà anh.
Em nhớ mãi lời cuối cùng của con Mai:
- Ðời người là cái gì đâu. Vinh quang, đớn hèn, cao thượng, lọc lừa rồi cuối cùng đều được chia phần một mét vuông đất.
Có lẽ vì thế mà đêm nay em sẽ nói hết với anh.
Lần về phép vì cái điện mẹ ốm, em đã gặp người đàn ông, thời bấy giờ em cho là cao thượng và sang trọng nhất trần gian. Con người ấy làm nát nhừ cả cuộc đời em. Nhưng em không hề ân hận.
Vừa quen biết nhau ở nhà bạn gái em, anh ấy rủ em đi chơi biển. Thời đó trông thấy xe ô tô con là cả một thiên đường. Biển đã vào thu, thoảng buồn và vắng. Xe đến chân dốc một núi đá cao thì dừng lại. Anh ấy bảo:
- Xe này không leo dốc được. Ta đi bộ lên chùa thắp hương đi em.
Chao ôi! Lần đầu tiên em đến biển. Nhìn những ngọn sóng bạc xóa tràn vào giỡn đùa với những tảng đá đầy rêu dưới chân núi, lòng em xốn xang kỳ lạ. Leo mãi tới một ngôi chùa nho nhỏ, xinh xinh nằm cheo veo một bên là núi còn phía bên kia là biển xanh sâu thẳm. Sóng trắng thi nhau vỗ ì oạp vào hông núi chân chùa. Hình như cả thế gian lúc bấy giờ chỉ còn em và anh ấy. Vắng lặng trùm lên ngôi chùa không hương khói, không sư sãi. Tiếng sóng rung làm lòng em lây sóng cứ cồn lên từng chặp một. Anh ấy thắp hương ngay gian chính rồi đi sâu vào hậu cung. Nhìn các tượng Phật uy nghi, em sờ sợ nên nép vào lòng anh ấy. Hình như tay em có vòng qua lưng anh ấy thật. Rồi hai người hôn nhau, uống trong nhau từng hơi thở lần đầu em gặp và em cứ đinh ninh rằng cả thế gian này không sức mạnh có thể kéo hai người rời nhau ra được.
Chính cái giây phút ấy, hình bóng anh thoáng hiện lên nhưng bị xám mờ ngay. Giữa cánh rừng hoang vắng trên một trảng cỏ xanh non, em khát anh như cây khô khát nước, vậy mà anh đã đẩy em ra. Bát nước ngọt vừa bưng lên bị anh lôi khỏi miệng khi em đang khát. Còn, giữa lúc đang buồn tủi, giận hờn và đau đớn cùng đường thì lại gặp một người đàn ông cao sang, quyền quý. Anh ấy bế bổng em, đặt em nằm trên tảng đá mát lạnh ngay trong hậu cung của ngôi chùa hoang vắng. Giây phút hạnh phúc đầu tiên, mối tình đầu tiên đến với người đàn bà sắp vào tuổi ba mươi là như thế. Cuộc tình kéo dài hàng giờ đồng hồ ngay trong nơi thâm nghiêm và huyền bí nhất. Ngày ấy em có hiểu biết gì về chùa chiền và sự linh thiêng đâu. Ðịa ngục hay thiên đàng em cần biết làm gì. Em chỉ cần có một người đàn ông, rất đàn ông yêu em say đắm. Em thật sự mãn nguyện và anh ấy cũng hứa đủ điều. Ngay buổi chiều về thị xã thăm nhà em, anh ấy tỏ ra đồng cảm với cảnh nghèo hèn của mẹ con em. Em như kẻ chết đuối vớ được cọc. Em tin yêu anh ấy nhưng điều cốt lõi vẫn là nỗi đau khi bị anh từ chối. Hồi đó, em hiểu là anh sợ chi bộ kỷ luật, anh sợ mất chức. Cái nấc thang công danh hão huyền mà anh đã tưởng tượng ra nó làm em mất anh. Thú thật, không chỉ giận mà em còn khinh thường anh. Chính lẽ ấy đã đẩy bật em dễ dàng ngả vào lòng người đàn ông mà em vừa quen biết. Hạnh phúc đến dồn dập. Anh ấy hẹn là về Hà Nội, mười ngày sau sẽ đón em ra chơi để gặp gỡ anh em trong cơ quan. Em không mừng, không tin sao được. Hạnh phúc đầu tiên, một ngày tràn ngập hạnh phúc trong cuộc đời một người đàn bà mà anh. Rồi sáng hôm sau, tin miền Nam hoàn toàn giải phóng được lan truyền. Một ngày mà cả dân tộc Việt Nam chỉ muốn ôm nhau khóc vì sung sướng, anh và đồng đội trong rừng không ai hay biết. Em sống thêm mười ngày hạnh phúc bên mẹ, mười ngày thắc thỏm chờ đợi mối tình đầu đầy hứa hẹn. Và xe con vào đón em ra Hà Nội thật. Người lái xe thì bảo: Thủ trưởng bận lắm đang chờ chị ở cơ quan mà.
Chiều xe tới thủ đô. Lại cũng lần đầu tiên em biết Hà Nội. Mấy năm học ở Sư phạm Vinh em vẫn ao ước được biết thủ đô nhưng không có dịp đến Hà Nội, người lái xe lại bảo:
- Tôi đưa cô tạm đến thăm nhà thủ trưởng nhưng cô phải nói là bạn thân của tôi, tôi chưa có vợ mà. Thủ trưởng dặn là vì tòa xử ly hôn nhưng chưa cấp giấy chính thức nên phải cẩn thận kẻo chị ấy biết…
Anh ơi! Giờ phút đó, dù anh ấy có bảo uống thuốc chuột em vẫn hạnh phúc kia mà. Khi đến nhà anh ấy thì khác. Một gia đình quyền quý, sang trọng. Ba người con trai giống anh ấy như những giọt nước. Bước vào căn nhà lầu, em thấy mình lạc lõng quá. Nhưng vì sung sướng nên em có để ý gì đâu. Quả thật, nếu ở lại để hầu hạ, quét nhà, rửa bát cho gia đình ấy, em vẫn thấy hạnh phúc. Có đêm em nghĩ, dù phải hóa đá để chờ anh ấy em cũng sẽ sẵn sàng. Người lái xe thận trọng chào hỏi vợ anh ấy và tự giới thiệu:
- Thưa chị, đây là cô Thuần, bạn thân của em từ trong quê mới ra ạ!
Chị ấy vồn vã, săn đón và bảo:
- Chị mừng cho chú, mừng cho hạnh phúc của các em…
Chỉ ở lại mấy phút, anh ấy nghiêm mặt bảo người lái xe:
- Cậu đưa cô ấy về rồi đến đón tôi ngay, có việc gấp lắm…
Xe đưa em đến một căn phòng sang trọng mà mãi sau này em mới hiểu là khách sạn. Người lái xe dặn:
- Cô chờ ở đây, tôi về đón thủ trưởng. Rồi anh ấy ở bên em suốt cả chiều và thâu đêm. Ðó là ngày mà em chẳng thể nào quên được. Thanh thản và mãn nguyện. Hạnh phúc và sung sướng, nghĩa là không còn ngôn ngữ nào để nói về hạnh phúc cái đêm bên anh ấy ở thủ đô.
Sáng hôm sau, người lái xe gõ cửa rất sớm. Hai người trao đổi điều gì hệ trọng lắm nên mặt anh ấy thất sắc rất nhanh. Anh ấy vội vàng bảo:
- Anh có việc gấp lắm. Xe ra ga cho kịp tàu vào, anh sẽ đón em ra làm việc và sống bên anh. Em đừng lên rừng làm gì nữa nhé.
Khi chia tay, anh ấy dúi vào tay em hai mươi lăm đồng bạc. Còn người lái xe nói nhỏ với em lúc tàu sắp chuyển bánh:
- Chiều qua đi làm về, chị ấy bị tai nạn xe máy đang nằm viện…
Tàu chạy, ruột gan em như có lửa đốt. Em không biết mình nằm hay ngồi, thức hay ngủ nữa. Rồi như cha ông dạy “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Về tới cổng thì trong nhà em người ra vào tấp nập. Em nhào vào, mẹ em mê man bất tỉnh. Nhưng sao ông Chủ tịch xã, ông chủ nhiệm ngồi ở đây. Và ngay lúc ấy mẹ em vừa khóc vừa nắm tay em la hét:
- Thằng Tĩnh chết rồi con ơi! Người ta đặt ảnh thằng Tĩnh lên bàn để hương khói. Người ta treo bằng Tổ quốc ghi công. Người ta kể lể chiến công to lớn của thằng em trai duy nhất. Người em lạnh lùng trống vắng, nhà em trống vắng từ đó mặc dù đã lâu, từ tám năm trước vẫn vắng thằng Tĩnh.
Gần một tháng sau, em quyết định trở lại công trường, xin giấy chuyển công tác. Em giấu anh, không cho anh hay tin thằng Tĩnh đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Em giấu vì em đang xốn xang với hạnh phúc mới.
Trở về bên mẹ, bên bao đau buồn, thương cảm và trống vắng, em sống những ngày dài lê thê vì chờ đợi. Em chỉ nhớ anh ấy bảo ở Viện Khoa học. Chắc là anh ấy làm to lắm nên lúc nào cũng có xe riêng. Cả số nhà và tên phố của anh ấy em cũng không nhớ. Hàng năm ròng chờ đợi, thư em viết cho anh ấy nếu xếp lại phải cao bằng người mà vẫn không có hồi âm. Chờ đợi, hy vọng và sau cùng là vô vọng. Rồi mẹ em đau buồn vì thằng Tĩnh nên lâm bệnh, cụ ra đi nhưng mắt vẫn không nhắm được có lẽ vì thương em bơ vơ.
Em bơ vơ thật. Bơ vơ gần ba năm trời mới nhờ chị bạn xin lên chặt củi ở lâm trường. Chắc anh muốn biết tin anh ấy. Ðúng, em cũng mới biết gần đây thôi. Ngoài sáu mươi tuổi nhưng anh ấy vẫn còn làm việc. Có điều người ta bảo lính gác quân canh đông lắm, khó vào lắm…
Em biết anh buồn khổ quá nhiều nhưng em cũng có sung sướng gì cho cam. Số phận cả mà anh. Bây giờ, em tin là Đức Phật Tổ nhìn thấy hết chín phương trời mười phương đất nên ngài đã trừng phạt em vì tội làm ô uế cửa thiền. Quả thật, em không chủ thế nên em không ân hận. Cái giá phải trả kéo dài hai mươi năm ròng rã. Em không oán trách anh ấy. Người đàn ông đầu tiên và cũng là người đàn ông cuối cùng của đời em. Em hiểu cái ghế danh vọng cao sang của anh ấy không thể đem đánh đổi lấy một thứ đàn bà như em. Ngay cả anh, cái ghế con con, đội trưởng một đội làm đường trong rừng sâu anh cũng không dám đánh đổi nữa là cái ghế danh vọng của anh ấy giữa thủ đô. Những người đàn bà cả tin như em thì ai đánh đổi làm gì. Phải thế không anh?
Hai mươi năm, trời Phật cho ta gặp lại nhau nhưng vẫn ở giữa rừng. Còn đêm nay, em muốn thức với anh, mình em thức bên trang giấy này chứ không hề có văn vẻ gì. Hai mươi năm, em quên văn chương, quên anh, quên cả chính mình vì em biết mình trọng tội làm ô uế cửa thiền. Những ngày cuối ở rừng, ngày mà bọn ấy bỏ đi hết, em sống một mình, quần áo rách bươm. Những ngày ấy, em đã lấy những cái vó bằng vải màn rách để bện lại che thân. Nhiều người dân vùng này đã gặp em, họ gọi em là “người rừng”. Ðúng, hơn một năm ấy. Em rất sợ gặp con người. Bọn chúng bỏ em đi hết, cũng may mà các anh kiểm lâm vào bắt em về đây, nhốt em ở đây. Bây giờ em hiểu rằng các anh ấy đã cứu em. Mấy tháng trước, em nhờ các anh ấy mua một bọc quần áo trẻ con định đi tìm Mai để làm quà cho các con nó. Nhưng hỏi thăm, tìm kiếm mãi thì mới hay, cái gã xe trâu chuyên chặt trộm gỗ xẻ ván bán hồi ấy, bây giờ nhiều tiền lắm nên đã đưa Mai về thành phố. Họ có biệt thự riêng và nghe nói bây giờ gã ta cũng làm chức gì đó to lắm.
Hai mươi năm gặp lại anh, em không cần gì để cậy nhờ, để cầu xin. Em chỉ mong và cầu xin anh một điều là anh hãy đốt những trang viết này ngay sau khi anh đọc xong. Hai lần cầu xin anh đấy. Lần đầu tiên giữa trảng cỏ non ven suối giữa rừng vắng thì anh đã cự tuyệt rồi. Còn lời cầu xin lần này của em, chắc anh không nỡ từ chối.
Một lần nữa, cầu Đức Phật từ bi phù hộ độ trì cho anh yên ấm.
Lâu rồi em chỉ quen cầu nguyện như thế.
Vĩnh biệt anh!
Thuần
Không! Lần này tôi cũng không thể thực hiện được lời cầu xin của Thuần.
Trời ơi! Tại tôi tất cả. Tôi hèn, tại tôi hèn… Tôi xóa làm sao nổi cho em cái vỏ người rừng để em trở lại thành cô giáo Thuần nhí nhảnh, đắm say và rất đáng yêu của ngày xưa.
Tháng 9 năm 1995
KIỀU VƯỢNG