Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Chuyện một nhà thơ (Truyện ngắn)
Chuyện một nhà thơ (Truyện ngắn)

Hai mươi năm trôi qua, y vẫn còn nhớ như in cái ngày chị nhân viên bưu điện mang đến cho y tờ báo biếu thơm nức mùi giấy mới và món nhuận mười nghìn đồng. Mười nghìn đồng thời đó, đối với y, một cậu bé mười ba tuổi, là cả một khối tài sản không hề nhỏ. Nếu làm một phép quy đổi đơn giản, mười nghìn đồng, đem mua kem thì được hai mươi que, đem mua bút thì được mười chiếc, đem mua vở thì được năm cuốn, đem mua dép thì được hai đôi. Tuy vậy, y đã dùng món tiền vào một mục đích vô cùng nhân đạo: mua một con mèo về nuôi. Nhà y neo người quá, bố mẹ lại thường đi làm về muộn. Từ khi bầu bạn với con mèo, y thấy nguồn cảm hứng dâng trào trong tim như con sông mùa nước nổi. Cứ làm bài tập về nhà xong, y lại tranh thủ viết. Chỉ tính riêng về đề tài con mèo của y, con mèo trắng có đôi mắt màu xanh ngọc bích ẩn sau bờ mi cong mềm mại thì y đã viết được tổng cộng ba mươi bảy bài thơ hoàn chỉnh, chưa kể những bài viết nửa chừng thì vo vào sọt rác. Tờ báo thiếu nhi nọ tiếp tục làm bà đỡ mát tay cho những sáng tác của y. Tất nhiên, một tờ báo sẽ chẳng thể đăng liền tù tì chừng ấy bài thơ về con mèo trong một khoảng thời gian sít sìn sịt được. Một hôm, con mèo bị ngộ độc chết, y viết bài thơ cuối cùng về nó, bài thơ số ba mươi tám. Thật bất ngờ, bài thơ với tựa đề “Vĩnh biệt con mèo ngoan” ấy chính là tác phẩm xuất thần đưa tên tuổi của y lên tầm tài năng văn học nhí với những lời khen ngợi giòn giã từ giới chuyên môn khó tính cũng như độc giả không chuyên. Bạn bè nhỏ tuổi khắp ba miền nườm nượp gửi thư về làm quen với tác giả nhiều như cánh mối sau mưa. Thời gian đọc thư còn nhiều hơn đọc sách. Đôi khi y nghĩ, dù ý nghĩ ấy hơi nhẫn tâm một chút rằng giả sử con mèo không bị chết oan, y có bịa ra được một bài thơ xuất sắc như vậy ở độ tuổi này không? Y không biết nữa. Để an ủi vong hồn con mèo nơi chín suối, y tự nhủ phải cố gắng theo đuổi con đường văn chương một cách nghiêm túc.
Lại nói về sự nghiêm túc, y có những suy nghĩ già dặn trước tuổi tất cả là nhờ người ông khó tính, thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và rất thích làm thơ. Ngày xưa, ông thường hay nắm tay dắt y tham gia câu lạc bộ thơ cấp xóm mỗi tuần họp hai lần. Câu lạc bộ gồm các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, tạm gọi chung là những người cao tuổi, nên y toàn được các ông, các bà dạy cho bao điều hay, lẽ phải bằng những câu lục bát gieo vần chuẩn mực. Tình yêu thi ca, cái chất nghệ sỹ, theo một cách tự nhiên và gần gũi nhất, đã thấm sâu vào từng mao mạch y từ những ngày ấu thơ xa xôi ấy. Y viết thơ còn nhanh hơn làm một phép cộng ba chữ số. Thơ y được các thành viên trong câu lạc bộ khen khô nước bọt. Thảo nào bài thơ đầu tay của y đã dễ dàng vượt qua khâu kiểm duyệt của biên tập viên để xuất hiện kiêu hãnh trên một trang báo được trang trí màu hồng bắt mắt. Chính nó là tấm vé thông hành đưa y vào con đường sáng tác mà các bậc tiền bối bảo rằng rất lắm truân chuyên mà y vẫn thấy vô cùng phẳng bằng, êm dịu. Ông y, người ì ạch nửa năm viết được vài bài thơ để chia sẻ với bằng hữu mà chưa bao giờ gửi in báo, ông dặn y: Thơ là giọt nước mắt của trái tim, nên phải biết chắt chiu, dụm dành từng chữ. Y không đồng tình với quan điểm đó, song chẳng dám hé răng cãi lại. Y cho rằng, thơ là kết quả trò chơi xếp chữ, vần nối vần ắt tạo thành thơ. 
Chính quan niệm văn chương ấy là chiếc la bàn tinh thần định hướng cho hoạt động sáng tác của y. Số giấy và mực cho y làm thơ còn nhiều hơn số giấy và mực cần dùng cho y học tập trên lớp. Tốc độ kỷ lục của y là viết mười bài thơ ngắn trong vòng nửa tiếng. Trung bình mỗi ngày, y viết được hai bài thơ. Y viết đủ thể loại, từ lục bát, tự do, bốn chữ đến haiku, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, song thất lục bát Đường luật. Gia tài của y chẳng có gì ngoài thơ. Một phần trong số đó được các báo lớn nhỏ chọn in. Có cầu ắt có cung. Mặc dù đôi khi cung vượt quá cầu. Đôi lúc y ước, giá mảnh đất dành cho chuyên mục văn hóa - văn nghệ rộng hơn một chút thì thơ y sẽ chẳng phải lo bị ế. Thế kỷ trước, cụ Tản Đà từng than vãn “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Khách quan mà nói, văn chương bây giờ còn rẻ hơn bèo. Hoa bèo tây đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng sang trọng ở thủ đô với con số đỉnh điểm lên tới nửa triệu đồng. Chứ sách thơ giờ bán không mấy ai mua, tặng thì nể mặt lắm người ta mới nhận nhưng mang về xếp xó. Độc giả đỏng đảnh vô cùng. Họ thiên vị cho tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn. Tác giả thì mù quáng đến ngốc nghếch. Họ vẫn tin thơ sinh ra là để cứu rỗi cuộc đời. May mà thơ y ít ra còn được vài tạp chí trả lẹt phẹt mấy chục ngàn, hiếm hoi lắm thì chạm mốc vài trăm vào dịp báo xuân, báo tết. Thôi thì vì nhà y không có ao, hồ, sông, ruộng trồng bèo nên đành mót chữ làm thơ mua đôi gói thuốc lá.
Sự nghiệp của y như đám bèo trên dòng sông rộng, êm đềm trôi băng băng. Y đỗ ngành sáng tác văn học với ngôi vị thủ khoa, môn năng khiếu đạt điểm mười tuyệt đối. Y là niềm tự hào của cả dòng họ. Cái dòng họ xưa nay cần cù, chăm chỉ nhưng không phát về đường công danh. Chả nói đâu xa, ông nội y đầy một bụng chữ cũng ba lần ngậm ngùi trượt trên vỏ chuối. Ấy vậy mà thằng cháu đích tôn suốt ngày chúi đầu thơ thơ thẩn thẩn này đã giải cái dớp và làm nên kỳ tích. Vào học trong một môi trường đào tạo người viết chuyên nghiệp, y tiếp thu được nhiều điều. Hóa ra, thơ đâu chỉ là trò chơi xếp chữ. Thơ như tấm mạng nhện đọng sương, nhìn mong manh mà rối rắm quá chừng, trông lóng lánh nhưng lại là cạm bẫy. Đáng nhẽ, càng học sẽ càng thông. Đằng này, càng thẩm thấu nhiều lý luận về thơ, y càng viết ít đi. Có khi cả tháng, y chỉ rặn được một bài thơ con con, song chẳng buồn gửi đăng đâu cả dù thi thoảng các tòa soạn vẫn hay nhắc khéo. Y đem cái sự phản ứng ngược ấy hỏi một nhà thơ thỉnh giảng thì nhận được câu trả lời: “Ấy chính là dấu hiệu đáng mừng. Ông cha có câu: “Sông càng sâu càng tĩnh lặng, lúa càng chín càng cúi đầu”. Sáng tác thơ không phải là công việc dành cho người nóng vội”.
Viết ít dẫn tới thơ đăng báo ít. Thơ đăng báo ít dẫn tới nhuận bút ít. Nhuận bút ít dẫn tới chi tiêu ít. Những cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả ấy cứ kéo dài ra, dài mãi. Dù cuộc sống có chật vật đến đâu, thơ vẫn luôn là niềm đam mê lớn nhất của y. Khổ nỗi, y không thể đổ nước vào đam mê mà nấu chín như cơm hay mì được. Vì thế, tốt nghiệp đại học, y xin vào làm phóng viên cho một tòa soạn báo. Y tính toán, làm báo là sự lựa chọn toàn vẹn nhất để nuôi thơ. Y như diễn viên đóng hai bộ phim. Ban ngày, y ăn mặc bụi bặm, dong xe khắp nơi săn tin viết bài. Ban đêm, y trùm chăn chong đèn nhập tâm sáng tác. Mỗi giai đoạn, người ta lại có một cách đánh giá về thơ y. Nếu trước đây, khi viết bằng bản năng, thơ y được nhận xét là mộc mạc song giản đơn thì bây giờ, khi có nhiều kỹ xảo, thơ y được bình luận rằng mới mẻ nhưng khô khan, rườm rà, khó hiểu. Rồi đến một giai đoạn, đằng sau dấu hai chấm của một câu liệt kê trong những bài viết về diện mạo văn chương, tên y hình như đã chìm vào dấu ba chấm miên man.  Y buồn. Y đau. Y nhói. Thơ ơi là thơ! Tình trạng nhà thơ tự phong ùn ùn mọc lên như cây bật gốc sau bão khiến bạn đọc không còn phân biệt được thật - giả, đồng - thau. Nhà thơ cấp xóm. Nhà thơ cấp làng. Nhà thơ cấp thôn. Nhà thơ cấp tổ liên gia, khu phố. Ở đâu có người biết chữ, ở đó có thơ. Không tránh khỏi số phận, thơ y cũng làng nhàng chìm nổi trong muôn vàn thi phẩm khác. Chẳng biết nên vui hay nên buồn nữa, với mười mấy năm cầm bút, điều mà người yêu thơ loáng thoáng nhớ nhất ở y vẫn chỉ vài câu thơ xúc động trong bài thơ y viết năm mười ba tuổi - “Vĩnh biệt con mèo ngoan”. 
Y vẫn đau đáu nghĩ về thơ mọi lúc, mọi nơi như người mẹ nghèo nghĩ về manh áo mới cho đàn con nhỏ khi cánh én chở nắng về ngang ngõ. Một hôm đi trên đường từ cơ quan về nhà trọ, y nhìn thấy một con chuột chết bị vứt ra đường, xe cộ đi qua cán cho bẹp dính. Từ bé đến giờ, y cứ thích viết về cái chết. Cái chết của con người: người thân, bạn bè, ông hàng xóm, bà láng giềng, chú thợ xây, cô bán bánh… Cái chết của con vật: mèo, gà, chó, lợn, giun, dế… Có những cái chết ám ảnh ngay trước mắt. Có những cái chết y gắng tưởng tượng ra. Y viết nhiều vô kể. Lần này cũng thế, một tứ thơ hay nảy mầm trong đầu. Y vừa vặn ga, vừa mơ mơ màng màng. Phải bắt đầu như thế nào cho thật mới mẻ, cá tính lại rất đỗi gũi gần, chân thật? Có tứ thơ mà không biết triển khai bằng ngôn từ thì chả khác nào có bột mà không biết làm bánh. Như nén hương trên bãi tha ma, những câu thơ lập lòe hiện ra rồi tắt phụt. Y cố nắm bắt: “Con chuột chết không ai mai táng/ Xác ép khô dưới lốp kẻ đi đường”. Tầm thường quá! Thơ thế ai chả làm được. Y lại tiếp tục nghĩ về con chuột chết với bộ lông màu tro và đôi mắt lồi ra đầy oán trách. Những câu thơ khác lại phọt ra trong đầu. Thơ vào, thơ ra, tay vẫn đều đều vặn ga cho đến lúc đâm phằm vào cột điện, máu ở đầu lai láng hơn thơ. Khi đó, y chỉ mới làm xong hai phần ba bài thơ.
Vết thương khá nặng. Bác sỹ bảo phải mất một thời gian khá lâu, đầu y mới hoàn toàn hồi phục. Lâu cũng được, miễn sao có hy vọng hồi phục là phúc ba đời rồi. Tại thơ mà y ra nông nỗi này. Nhưng y chẳng trách thơ. Bởi thơ chẳng bao giờ bỏ mặc y. Như lúc này đây, khi y nằm liệt giường, liệt chiếu, có ai tận tình chăm sóc y đâu? Đồng nghiệp họ cũng có vợ, có chồng, có con của họ. Họ đến mang theo túi cam, hộp sữa, hỏi thăm vài ba câu đãi môi trau chuốt rồi chóng vánh đi ngay. Chỉ có thơ luôn luôn bên cạnh. Đang thấy đơn côi thì bà của y gọi điện cho y hỏi thăm tình hình sức khỏe và báo rằng ông y vừa đoạt giải nhì (không có giải nhất) một cuộc thi thơ dành cho các cây bút trẻ ở độ tuổi dưới ba mươi của một tờ báo lớn. Bà dọn rác, thấy thơ ông vo tròn một cục vứt trong sọt thì nhặt lên, chép lại rồi gửi đi dự thi theo sự mách nước của đứa em y. Bà vẫn lấy đúng tên ông, đúng địa chỉ, nhưng phần giới thiệu tác giả, bà khai man ông hai mươi tuổi. Khi hay tin giải, ông rất giận bà. Ông bảo, bà làm thế là một hành vi gian lận. Ông gọi điện đến tòa soạn, xin rút giải, bà tiếc hùi hụi món tiền thưởng mười lăm triệu đồng. Một bài thơ trị giá mười lăm triệu đồng? Y giật mình, giật mình không phải vì cơ cấu giải thưởng, mà giật mình vì bài thơ ẵm giải là thứ ông xem như đồ bỏ đi và đã chủ tâm vứt vào sọt rác.
Thơ y dù hay hay dở, y không đành lòng ném vào mục Recycle Bin trong máy tính mà luôn cố gắng mail hết tòa soạn này tới tòa soạn kia theo kiểu thử vận may. Có bài gửi đi mười nơi mới có một nơi nhận. Gửi nhiều không phải vì tham nhuận bút, bởi nhuận mười bài thơ chưa bằng một bài phóng sự. Gửi nhiều là vì lòng tự trọng bị đụng chạm khi bị một vài biên tập viên chê eo chê ỏng. Y nghĩ, thơ được đăng, đồng nghĩa với việc nó không đến nỗi tệ. Y nào biết người ta đăng thơ y là để lấy lòng, giữ chân y cộng tác thêm cho mảng báo chí khó nhằn vốn chẳng phải ngồi một chỗ mà bịa ra như thơ được. Cuộc gọi của bà vừa rồi làm y nhớ câu nói của ông: “Thơ là nước mắt của trái tim”. Trước hình ảnh con chuột chết hôm nào, trái tim đã rung động rồi sao không thể khóc thành thơ cơ chứ? Tim không khóc được thì để não thay ca. Não dùng thủ thuật xếp chữ một hồi, một phần ba bài thơ còn lại đã hiện hình trọn vẹn. Y lưu vào mục tin nhắn chiếc cục gạch đen trắng.
Đợi khi trong phòng bệnh không có ai, y đọc to thành lời. Rồi y gật gù thỏa mãn. Y online Facebook, gửi thơ cho mười người hâm mộ y đọc thử. Vài người khen: “Cũng hay đấy”. Cái từ “cũng” vốn đã chứa đựng sự chiếu lệ theo kiểu nể nang và khách sáo. Nhiều người khác thẳng thắn bày tỏ, nó là phiên bản fake của bài thơ “Vĩnh biệt con mèo ngoan”. Y giận tím gan nhưng không biểu hiện ra bên ngoài. Nghệ sỹ trong giới showbiz có cả triệu fan chứ y là một tay thơ quèn, gom góp nửa đời người mới được mấy chục fan, lỡ làm fan phật ý thì thơ viết ra cho ai đọc? Y bình tâm đặt hai bài thơ cạnh nhau, chậm rãi lẩm nhẩm. Ừ nhỉ, bình mới mà rượu vẫn cũ. Độc giả tinh tường thật! Y buồn quá. Sao càng viết càng thấy thụt lùi? Càng nhiều chữ lại càng bí bách? Càng làm màu lại càng mờ nhạt? Càng lớn lên lại càng thấy nhỏ nhoi? Phải làm sao bây giờ? Y trầy trượt bao năm không thể vượt qua cái bóng của chính mình trong hình hài đứa trẻ mười ba năm ấy hay sao? Đầu y o o u u dữ dội như có cái máy xay gạo hoạt động bên trong. Nghĩ đến hành động vo thơ ném vào sọt rác của ông, y dũng cảm nhắm mắt đưa ngón trỏ nhấn phím backspace, xóa sạch sành sanh. Y sẽ viết lại một bài thơ khác. Bài thơ sẽ giúp y tìm lại hào quang tại một cuộc thi.
Sau khi xuất viện, để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên, Tổng Biên tập điều chuyển y về phụ trách mảng thơ cho trang báo cuối tuần. Tại đây, y nếm thơ đến mức bội thực tinh thần. Viết thế này mà cũng gọi là thơ sao? Thơ gì nham nham nhở nhở như chó nhai giẻ rách. Có những bài thơ khiến y bực mình muốn lôi cổ kẻ làm thơ ra mà sa sả mắng cho một trận: “Đã nghèo vốn chữ thì đừng cố buôn thơ!”. Thơ ơi là thơ! Thơ thâm hiểm thế? Sao thơ cứ tỏ vẻ dễ dãi, buông lơi cho bao kẻ ngu muội khát thèm? Một trang báo mỗi số cuối tuần cần đăng năm bài thơ. Thơ, y nhận được hàng tuần không dưới trăm bài. Trong trăm bài dở, lọc vài ba bài tàm tạm khó như mò kim đáy bể. Bài cái tứ mới thì diễn đạt vụng về. Bài hài hòa thanh điệu thì ngôn từ sáo rỗng. Muôn hình, vạn vẻ, trăm ngàn kiểu. Biên tập viên ngộ độc chữ, căng não, nhói đầu. Bất đắc dĩ, y phải chêm thơ y vào cho đủ. Y chuẩn bị cả chục cái bút danh. Có khi trang báo năm bài ngót bốn bài là của y. Toàn những bài thơ cũ mèm thời xa lơ, xa lắc. Ai bảo thiên hạ làm thơ kém cỏi!
Phàm là người trần, mắt thịt, mấy ai không ham danh tiếng? Sống trong cái thời đại thật - ảo đan xen này, y cũng cần một chút tiếng tăm để tỏa sáng trên văn đàn cho bằng bè, bằng bạn. Đợt này, một tờ báo chuyên về văn nghệ đang tổ chức cuộc thi thơ. Giật giải ở cuộc thi này, coi như sự nghiệp thơ ca chắc chắn sẽ bước sang một trang mới. Thằng bạn y trước nay làm thơ phọt phà phọt phẹt như gà ỉa sân phơi. Vậy mà từ ngày nó đoạt giải nhất cuộc thi này năm ngoái, giới phê bình chõ bút ngợi khen không tiếc mực. Nào là một sự đột phá về hình thức. Nào là tiếng nói bênh vực nữ quyền. Bài thơ ngắn cũn cỡn mười hai câu mà phân tích ra được chục trang giấy. Thầm nghĩ, lúc viết ra thi phẩm đình đám ấy, tư tưởng thi sĩ có bay bổng xa vời thế không? Năm nay, y sẽ đem tiếng nói bảo vệ động vật đến với cuộc thi. Tứ thơ về con chuột chết hãy còn dang dở. Mà lũ chuột hôi hám chuyên phá phách đồ đạc kia có xứng đáng được bảo vệ không nhỉ? Y phân vân quá. Y nghĩ ngợi mông lung. Từ ngày bị chấn thương đầu, quả não y cứ nghĩ nhiều lại thấy đau râm ran. Suốt nhiều ngày liền, chữ vẫn đóng băng trong ngòi bút, chẳng chảy ra được.
Khi cuộc thi thơ gần đến thời hạn chót cũng là lúc hộp thư tòa soạn nhận được một bài thơ hay về cái chết con dế mèn của một tác giả nữ với cái tên lạ hoắc lạ huơ tự giới thiệu đang học lớp mười một. Y đọc đi đọc lại năm lần. Trời đất, mới mười sáu, mười bảy tuổi mà làm được bài thơ sống động quá. Trùng hợp thay, cái lối viết của cô cũng là điều mà y trăn trở bao lâu nay. Chỉ cần thay tên “con chuột”  vào những chỗ “con dế” rồi uốn uốn, nắn nắn một đôi chỗ thì thành một thi phẩm tuyệt hảo của y. Ý tưởng đạo thơ trong y ngùn ngụt cháy lên như lửa bén lá khô. Đạo thơ là việc làm ô nhục nhất của những kẻ vỗ ngực xưng danh thi sĩ. Nhưng cần một giải thưởng làm bàn đạp tiến xa trên con đường danh vọng. Mỗi lần ngồi lật giở phần bìa gập những cuốn sách bạn bè văn chương tặng, nhìn họ xun xoe đoạt giải A cuộc thi này, giải B cuộc thi nọ, y cũng thấy không kém phần nhục nhã. Hay cứ liều một phen? Y rút một bông hoa hướng dương nhỏ cắm trong chiếc bình gốm trưng bên bàn làm việc, ngắt từng chiếc cánh mỏng manh: “Đạo! Không đạo! Đạo! Không đạo!... Đạo!”. Cánh hoa cuối cùng rụng xuống sọt rác, y run run viết thư hồi âm cho cô tác giả kia: “Thơ cháu viết vụng về quá. Cháu gửi chú một chùm thơ mới xem có triển vọng hơn không nhé”.
Bài thơ về con chuột chết đoạt giải nhì. Một kết quả không tồi. Thật bất ngờ, người giành ngôi vị quán quân không ai khác chính là ông nội y. Cảm xúc trong y như vỡ òa. Bạn bè, đồng nghiệp ồ ạt nhắn tin chúc mừng. Giới phê bình đổ dồn ngòi bút nhọn hoắt so sánh hai bài thơ của quán quân và á quân. Họ đồ rằng, ban giám khảo đã ưu ái cho ông nội y có lẽ bởi vì độ tuổi của ông bằng với số năm kỷ niệm ngày thành lập tờ báo đó. Họ không quên dành những lời tiếc rẻ, giá bài thơ không viết về con chuột mà viết về con vật khác, có lẽ giải nhất chẳng thể nào tuột khỏi tay y. Chính những quan điểm đả kích đó đã làm bùng nổ một trận bút chiến giữa vài người làm phê bình với ban tổ chức cuộc thi. Lời qua tiếng lại trên các mặt báo lùm tùm beng như vỡ chợ. Ông y gọi điện cho y bảo ông muốn từ chối nhận giải, văn chương nói chung và thi ca nói riêng mà vướng vào những thị phi thì thật kệch cỡm. Y đáp, cãi nhau là việc của người ta, liên quan gì đến ông cháu mình. Họ càng cãi nhau, ông cháu mình càng nổi tiếng. Ông cứ yên tâm chờ ngày nhận giải.
Dặn ông yên tâm thế thôi chứ mấy ngày nay ruột gan y nóng như lửa đốt. Y vừa sung sướng, vừa cắn dứt lương tâm. Ba mươi mấy tuổi rồi còn đi ăn cắp thơ của một đứa nhỏ. Nếu thời gian quay ngược trở lại, y có làm thế không? Lỡ chuyện đạo thơ vỡ ra, y sẽ phải đối mặt ra sao? Sự âu lo của y không phải là thừa. Biết đâu, cô bé sẽ vô tình đọc được những bài báo viết về cuộc bút chiến kia và bí mật sẽ bị bại lộ? Đúng là kim loại còn không bọc được lửa, huống gì giấy. Một buổi sáng tháng ba, cô bé học lớp mười một và mẹ tìm đến tòa soạn gặp y để làm cho rõ môn ra môn, khoai ra khoai. Y không dám cãi lại nửa lời. Cổ họng y cứng đờ. Mặt y đỏ bừng như mặt gà chọi. Bà mẹ dằn giọng, nếu y không biết điều, bà sẽ gửi đơn kiện. Đến nước này, cuống tim y lủng lẳng như sắp đứt. Chuyện này mà lọt ra ngoài, y sẽ mất việc, mất fan, mất bạn, mất tất. “Anh tính thế nào?”, câu hỏi của người mẹ lặp đi lặp lại như bức cung. Bên cạnh, tác giả bài thơ khóc rưng rức. Làm sai thì phải sửa. Y chắp tay xin mẹ con tác giả bình tĩnh chuyện trò thương lượng. Kết cục, y phải bồi thường cho mẹ con tác giả số tiền gấp mười lần tiền thưởng y sắp nhận được thì họ sẽ tuyệt đối dán mồm, dán miệng. Khi họ đi rồi, y hất hàm, ha ha, số tiền đó y cày cuốc dăm tháng là hồi lại, chứ giải nhì này, nhiều người mất cả đời bắc thang cũng không với tới. Vậy y lãi rồi!
Lễ trao giải được tổ chức với quy mô rất hoành tráng. Quan khách, báo chí kéo về tấp nập. Y đến trước, ngồi ngay ngắn trên hàng ghế danh dự. Ông y đến sau, trên tay cầm một cuốn báo học trò cũ mèm. Ông chọn chỗ ngồi cạnh y, giở cuốn báo ra rồi ôn tồn nói:
- Cháu lặp lại chính mình rồi. Đây này, bài thơ cháu viết về cái chết của con dế ngày xưa với bài thơ về cái chết của con chuột ngày nay giống nhau như anh em song sinh. Mười mấy năm, cháu vẫn giậm chân tại chỗ.
Thời gian làm lớp báo phai màu nhưng cái bút danh y in đậm đề dưới chân bài thơ vẫn còn rõ nét. Đúng lúc ấy, tên y được MC xướng lên. Máy ảnh thi nhau liên hồi chớp chớp...
            

 PHAN ĐỨC LỘC 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 262
 Hôm nay: 2346
 Tổng số truy cập: 8937963
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa