Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Bông hồng trong mơ (Truyện ngắn)
Bông hồng trong mơ (Truyện ngắn)

Nó quyết định bỏ đi từ cái buổi chiều hôm ấy. Nó bỏ đi mà chưa biết phải đi đâu. Trên người nó là bộ áo quần đã quá cũ. Và trong cái túi xách nó mang theo cũng chẳng có gì khác ngoài hai bộ áo quần cũng đã cũ. Nó đi. Đi mãi. Thất thểu và đói khát. Tiết trời đã vào lúc giao mùa, hè qua thu tới, mà nắng vẫn như thiêu như đốt. Nó cảm thấy ngột ngạt, bứt rứt khó chịu như cái lúc ông chủ nằm đè lên người nó. Rồi nó bỗng thấy người nó hầm hập nóng. Sờ vào đâu cũng thấy nóng. Nhưng nó vẫn cứ đều đặn bước đi, đi mãi. Dù chưa biết nơi nó đến sẽ là đâu. 
Nó nhớ và thương hai đứa em của nó. Không biết bây giờ các em nó ra sao? Ngày mẹ nó còn sống, ba chị em nó lúc nào cũng quây quần bên mẹ. Mẹ thương chúng nó lắm! Nhà thì nghèo mà chẳng bao giờ mẹ để cho chúng phải nhịn đói một bữa hay thiếu bộ áo quần mới trong ba ngày tết. Quanh năm mẹ cùng bố vất vả ngoài đồng. Mẹ làm việc chăm chỉ, chả mấy khi nghỉ ngơi. Vãn việc ngoài đồng thì mẹ làm việc trong nhà. Mẹ đầu tắt mặt tối, thức khuya dậy sớm, quần quật cả ngày. Mùa hè một cánh áo nâu. Mùa đông cũng một cánh áo nâu. Có khác chăng, mùa đông mẹ khoác thêm một lần áo bên ngoài. Người mẹ gầy. Hai chân mẹ nứt nẻ vì lội bùn trong giá rét. Nhưng lúc nào về nhà nhìn thấy các con là mẹ lại cười. Nụ cười của mẹ hiền và đẹp như bông hoa nở muộn trong chiều đông. Vui nhất là những lần mẹ đi chợ về. Ba chị em nó lần nào cũng ra đón mẹ tận ngoài chân đê. Mẹ lục thúng lấy ra những gói bánh bột lọc trắng tinh, nhìn thấy cả nhân tôm đỏ lừ bên trong. Rồi cả những cái bánh tráng đã nướng giòn tan. Mẹ bẻ bánh tráng ra, cho bánh bột lọc vào giữa, rồi kẹp lại. Mỗi lần nhai, âm thanh từ những cái miệng lại phát ra nghe rụm rạo, rụm rạo thật vui tai. Thằng cu út bao giờ cũng được mẹ chia nhiều quà nhất. Rồi đến cái Tý. Còn nó, mẹ bảo: 
- Mày là chị, mày lớn rồi, phải nhường cho hai em!
Nói thế, nhưng lần nào đi chợ về, mẹ cũng mua quà riêng cho nó. Khi cái gương soi, khi cái lược nhựa, khi cái khăn mùi xoa. Và có lần mẹ còn mua cho nó cả những thứ mà tuổi con gái như nó phải dùng. Mẹ nói với nó:
- Tâm à, con đã bước vào tuổi dậy thì rồi đấy, từ nay trở đi, con phải kín đáo, e dè, phải ra dáng một thiếu nữ; từ cái ăn, cái mặc, đi đứng, nói năng… con phải chững chạc lên.
Rồi đêm đến, bốn mẹ con cuộn tròn trong chăn trên một cái giường gỗ. Nó cảm thấy ấm áp, yên bình, sung sướng làm sao khi được bên mẹ. Được mẹ ôm vào lòng. Được ngửi thấy mùi thơm của hương bưởi từ tóc mẹ. Được hơi ấm từ người mẹ truyền sang.
Bây giờ thì những hình ảnh thân thương ấy không bao giờ còn nữa. Tất cả đã vĩnh viễn mất đi rồi. Nó không sao quên được cái đêm giữa mùa đông năm ấy. Một đêm mùa đông thật lạnh lẽo. Gió cứ thông thốc như muốn trút tất cả cái lạnh vào nhà. Mẹ nó nằm đó, gầy gò, khẳng khiu, người khô đét như chỉ còn da bọc xương sau một trận ốm dài ngày. Và mẹ nó đã mất ngay trong cái đêm u ám, lạnh lẽo đó. Cả ba chị em nó gào khóc thảm thiết. Khóc cho mãi đến cả tháng sau vẫn còn khóc. Đi đâu, làm gì, không nghĩ đến mẹ thì thôi, chứ đã nghĩ đến là nó lại khóc. Khóc đến húp cả mắt. Khóc đến khản cả cổ. Khóc đến cạn khô nước mắt. Nó thương mẹ, nhớ mẹ, và cả thương cho mình từ nay không còn mẹ nữa.
Đang học lớp mười một thì nó phải bỏ học, lo cho hai em. Vì nhà khó khăn hơn. Vì bố nó lấy vợ khác ngay sau khi mẹ nó mất chưa đầy năm. Chị em nó khổ hơn rất nhiều từ ngày bố lấy vợ. Bà dì ghẻ thì chỉ được cái ngọt ngào, dễ dãi vài ba tháng đầu. Chứ càng ngày bà càng quá quắt. Còn bố thì từ ngày có vợ mới bên cạnh đâm ra chiều chuộng quá mức. Cái gì, dù phải trái đúng sai, đều đứng về phía vợ, quát nạt con cái. Bố không còn chăm chỉ làm ăn như ngày mẹ còn sống nữa. Không những lười nhác, bố còn đề đóm, cờ bạc. Rồi lúc nào cũng kè kè bên cạnh vợ mới. Được đồng nào dư ra thì sắm hết cái này đến cái kia cho vợ. Con cái bỏ mặc không đoái hoài, đếm xỉa. Không muốn hai em phải bỏ học như mình, nó quyết định đi làm. Và nó đã ra đi.

Minh họa: Kù Kao Khải


Ban đầu nó đi nấu ăn cho một tốp thợ xây. Nhưng chẳng được mấy bữa thì tốp thợ hết việc, chẳng cần tới nó nữa. Nó lại đi phụ bán cà phê cho một nhà hàng. Ở đây, công việc chủ yếu là làm vào lúc chập tối và khi sáng ra. Mỗi tháng, chủ quán trả cho nó sáu trăm ngàn đồng. Số tiền ấy, dù đã tiết kiệm hết sức, nó vẫn không đủ sống, chứ mong gì dư thừa mà gửi về giúp hai em. Thế là nó đành xin nghỉ việc, chuyển sang nhận một chân rửa bát cho quán ăn. Nhưng cũng như quán cà phê nọ, tiền công cũng chả hơn gì. Được cái, ở đây, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, mà không phải trả tiền trọ, nên nó an tâm ở lại làm việc. Dù rằng, mỗi tháng nó cũng chỉ tằn tiện gửi về nhà được vài trăm.
Rồi nó được người quen giới thiệu vào làm giúp việc cho một nhà giàu trên phố huyện. Nhà này là đại lý mua bán vật liệu xây dựng lớn nhất trong vùng. Biệt thự ba tầng, đầy đủ tiện nghi, có cả ô tô mấy chiếc. Bà vợ to béo, phốp pháp giống như bà Phó Đoan mà nó đã học. Nhưng bà phúc đức, nhân hậu, rất quý nó. Nghe bố nó bảo, bà có họ hàng xa với nhà nó. Còn ông chồng, người to cao, ria mép rậm, hai mắt lúc nào cũng đỏ kè vì bia rượu. Công việc của nó hàng ngày không đến nỗi vất vả, nhưng lúc nào cũng phải có mặt tại quầy vật liệu để ghi lại những gì đã xuất ra hoặc nhập vào. Chỉ đêm đến, khi công việc đã chu tất, nó mới được nghỉ ngơi. Nhìn những đồng tiền hàng tháng gửi về giúp hai em ăn học, nó mừng lắm, và thầm cảm ơn vợ chồng bà chủ.
Ông chủ nhìn bề ngoài râu ria thế thôi, chứ cũng hào phóng lắm! Ông lại vui tính, hay cười, có vẻ dễ gần. Nhưng nó vẫn ngại ông, nhất là mỗi khi nó bắt gặp ông nhìn trộm nó. Từ đấy, nó hay để ý và thường tránh xa ông. Bất đắc dĩ lắm nó mới phải tiếp xúc với ông. Nhưng gần đây nó thường thấy ông thỉnh thoảng đến quầy vật liệu. Ông mon men lại gần cái bàn ghi chép của nó, rồi giở giở sổ sách, như muốn kiểm tra xem nó làm việc thế nào. Giở xem chán, ông gật gật cái đầu ra vẻ hài lòng. Có lần, ông ấp úng nói với nó:
- Tâm à, con làm việc khá lắm, để rồi chú thưởng cho con, con cần gì cứ nói. Mà chú nghe nói ở nhà bố và hai em con vất vả, thiếu thốn lắm phải không?
Lần ấy nó để ý thấy ông nhìn nó không chớp mắt. Hàng ria màu tim tím trên môi ông giật giật và trong mắt ông vằn lên những tia máu. Nó sợ hết hồn, đứng khép nép, không dám động đậy. Nó không dám trả lời, chỉ lí nhí trong miệng và khe khẽ gật đầu. 
Mấy hôm sau ông chủ lại đến. Ông đưa cho nó một bọc nilon và bảo nó:
- Tâm à, chú mua cho con mấy mét vải lụa, con may lấy bộ áo quần mà mặc, lỡ có đi đâu, con ăn mặc vậy khó coi lắm! Rồi chú sẽ mua cho con cái điện thoại, cái đồng hồ đeo tay nữa.
Mặt nó tái đi, và người nó run lên khi nghe ông chủ nói. Phải cố gắng lắm nó mới đẩy được cái túi nilon về phía ông và kêu lên khe khẽ:
- Con không dám nhận đâu, con làm cho cô chú thì đã được cô chú trả lương rồi, vả lại, con có đi đâu mà phải áo này quần nọ.
Ông lừ mắt nhìn nó, cười khẩy, rồi đẩy bọc nilon về phía nó:
- Con cứ cầm đi, khéo cô nhìn thấy, chú về đây…
Không biết làm sao, nó đành giấu cái bọc nilon ấy đi, để rồi tìm cách trả lại cho ông chủ, chứ nhất định không nhận.
Nó luôn trong tình trạng bất an mỗi khi nghĩ về ông chủ. Và nhất là mỗi khi thấy ông một mình đi ra quầy vật liệu. Những lúc như thế người nó cứ run lên bần bật. Thiệt tội! 
Hôm ấy là ngày lễ Vu Lan, mới sáng sớm bà đã đi chùa lễ phật, còn mỗi mình ông chủ và nó ở nhà. Ngày lễ nên khách hàng cũng thưa hơn mọi ngày. Trong lúc nó đang chăm chăm vào cuốn sổ thì bất ngờ ông chủ đến. Không còn nói cười như những lần trước, lần này vừa đến là ông đã sà vào ôm chặt lấy nó, rồi kéo nó vào trong nhà. Nó vùng vẫy, kêu lên, liền bị ông dùng tay bịt chặt miệng. Nhưng nó vẫn cố vùng vẫy mong sao thoát ra. Hai tay nó đấm vào ngực ông, cào vào mặt ông. Còn ông thì vẫn cố tỏ ra mềm mỏng với nó:
- Tâm à, nghe lời chú, chiều chú đi, chú sẽ cho con thật nhiều tiền, muốn bao nhiêu chú cho bấy nhiều. Năm triệu hay mười triệu chú cũng không tiếc. Hay con cần vàng, chú cũng cho. Cái dây chuyền nhé! Cái lắc nhé! Hay cái nhẫn mặt ngọc? Con chiều chú một lần này thôi, con sẽ sướng cả đời…
Trong khi ông chủ cứ lải nhải như thế, thì nó vẫn không ngớt vùng vẫy. Nhưng sức lực nó sao khỏe bằng ông chủ được. Hai tay ông thì như hai gọng kìm. Còn nó lẻo khoẻo lèo khoèo, ốm nheo ốm nhách. Không làm gì được ông, nó cảm thấy bất lực, nước mắt bỗng ứa ra.
- Con xin chú, chú đừng làm vậy… - Nó vừa khóc vừa nói. Và vẫn cố giãy giụa. 
Ông chủ vác nó lên vai chạy về góc phòng. Đến nơi, ông dằn ngửa nó ra. Hai tay ông sờ nắn khắp người nó. Rồi ông nằm đè lên người nó, tay ông lần mở từng cái cúc áo. Cặp mắt ông cháy lên cái nhìn thèm khát. Cổ họng ông giật giật và hàng ria con kiến thì vểnh lên. Ông thở phì phò như con trâu kéo chiếc xe lên dốc. Còn nó thì cảm thấy như cả một sức nặng khủng khiếp đang đè lên người nó. Nó cảm thấy khó thở khi cái miệng sặc mùi bia rượu của ông lướt khắp mặt nó. Thấy mấy cái vỏ bia lăn lóc bên cạnh, nó quờ tay tóm được một cái. Rồi lấy hết sức bình sinh, nó nghiến chặt hai hàm răng, vung cái vỏ bia lên, nhằm thái dương ông chủ, nện xuống. Hình như có bao nhiêu sức lực nó dồn cả cho đôi tay mảnh khảnh, yếu ớt của nó. Phụp! Cái đuôi vỏ bia đập mạnh vào mặt trái ông chủ. Chỉ nghe ông chủ hét lên một tiếng thất thanh, hai tay buông nó ra, ôm lấy mặt. Nó lồm cồm ngồi dậy, nhặt vội cái túi xách, rồi chạy nhanh ra phía cửa. Ông chủ bị đòn đau đến méo mặt, vẫn gắng gượng vùng dậy đuổi theo. Thấy nó, ông ngoắc ngoắc tay, vừa thở vừa nói:
- Tâm à, con… con không bằng… bằng lòng thì thôi, cứ… cứ ở lại làm việc, đừng… đừng đi…
Nhưng nó đã lao nhanh ra đường.
Nó bước đi như người mộng du, cảm thấy trong người bứt rứt khó chịu. Đầu và hai trán nó nóng như lửa. Cổ họng thì khô đắng như nuốt phải mật. Cả người nó hâm hẩm sốt. Mệt mỏi quá, nó lần đến chiếc ghế đá dưới gốc cây ngồi lại. Hai mắt nó thờ thẫn nhìn những dòng người ngược xuôi, qua lại. Hôm nay không biết người ta đi đâu mà đông vui quá! Đàn ông có. Phụ nữ có. Ai cũng là lượt, tha thướt trong những bộ áo quần rất mới và đẹp. Trên ngực ai cũng cài những bông hoa rực rỡ sắc màu. Những bông hoa màu hồng có, màu trắng có. Và nét mặt ai cũng trang nghiêm, xúc động. Họ cứ bình thản diễu qua trước mặt nó. Hết đoàn này đến đoàn khác. Họ đi đâu vậy nhỉ? Nó tự hỏi và chợt nhớ ra, à, hôm nay là ngày lễ Vu Lan báo hiếu, tri ân người đã khuất. Nó chỉ nhớ được như vậy rồi lịm đi. Đầu nó ngoẹo về một bên, ngả vào gốc cây. Trong giấc ngủ mơ màng, nó chợt thấy mẹ nó hiện về. Mẹ nó ôm nó vào lòng, rồi âu yếm hôn lên khắp khuôn mặt của nó. Nó thút thít khóc, kể với mẹ những gì xảy ra kể từ bữa mẹ ra đi đến nay. Mẹ nó cũng khóc. Rồi an ủi, vỗ về nó. Một lát, nó thấy mẹ lấy ra một bông hoa cẩn thận cài lên ngực áo nó. Đó là một bông hoa hồng có màu trắng như tuyết. Nó nhìn kỹ và nhận ra trên những cánh hoa vẫn còn nguyên những giọt sương long lanh. Tiếng mẹ như thì thầm bên tai: “Bông hoa này sẽ giúp con lúc nào cũng nhớ đến mẹ, và mẹ cũng nhớ con. Bông hoa sẽ đem lại cho con mọi điều may mắn, cuộc đời con sẽ bớt đi những thương đau, vất vả. Hãy mạnh mẽ lên con. Hãy đi về phía trước, hạnh phúc đang chờ con”. 
Nó giật mình choàng dậy, người toát mồ hôi. Bàng hoàng, nó ngơ ngác đưa mắt nhìn quanh, nhưng không thấy ai cả. Cả mẹ nó cũng không. Cả bông hoa hồng màu trắng mẹ cài trên ngực áo cũng không thấy đâu. Tất cả đã biến đâu mất. Nhớ lại giấc mơ vừa thoáng qua, nó vững tin đứng dậy, hòa vào dòng người tiếp tục bước đi, hướng về phía trước. Dòng người vẫn tấp nập ngược xuôi. Những bông hoa trên áo họ vẫn rực rỡ sắc màu. Và cả những vẻ mặt trang nghiêm, những nụ cười hạnh phúc…
          

 NGUYỄN NGỌC CHIẾN  


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 289
 Hôm nay: 2703
 Tổng số truy cập: 9244870
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa