Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Bên rào tầm xuân
Bên rào tầm xuân

Nắng choàng một lớp voan mỏng lên cây rơm bên chái bếp. Những đám mây trắng là đà trôi trên nền trời xanh thăm thẳm cùng tiếng chim én rộn rã vui vầy. Bà tôi ngồi nơi bậu cửa, đều tay sàng sảy mớ gạo nếp trắng tinh tươm mới xay chuẩn bị gói bánh chưng. Mấy con bồ câu trắng nhà hàng xóm thấy thế rủ nhau đập cánh bay sang, lúc túc nhặt lấy những hạt tấm li ti rơi vãi. Với lấy cán chổi đót, bà ra sức khua đuổi chúng. Đàn bồ câu cứng đầu vừa dáo dác bay lên đã lại lạch tạch sà xuống. Bà tôi bỉ bai: “Chủ sao, vật vậy. Một lũ mặt dày!”. Bê cốc nước chè ra mời bà, tôi cười nhẹ:
- Gà nhà mình bị dịch cảm chết hết rồi. Cho lũ bồ câu ăn có sao đâu, bà?
Bà tôi nhấp một ngụm nước, chì chiết:
- Thà đổ đi còn hơn cho chim nhà đấy!
Ấy là đang lúc bực bội thì bà tôi nói vậy thôi chứ bình thường, bà thơm thảo lắm. Vườn bà trồng rất nhiều rau. Mùa nào thức nấy, màu xanh mướt mát quanh năm phủ trùm trên những luống đất xốp tơi, màu mỡ. Số rau, củ, quả đấy đem bán chắc cũng được một khoản kha khá. Nhưng bà chọn cách để dành chia sẻ dần cho hàng xóm xung quanh. Bà bảo: “Giàu thì đã giàu rồi. Toàn những người thân quen cả. Có thiệt vào đâu mà sợ”. Phải nói ở xóm này, người ta nể trọng bà một phép. Lời nói của bà luôn có sức nặng và độ sâu triết lý. Bà sống thuận hòa êm thấm với tất thảy mọi người, ngoại trừ ông cụ nhà láng giềng...
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày tất niên, ông cụ nhà láng giềng lại mang lá quốc kỳ ra treo lên cái cột tre cao nghễu nghện chôn chân ngay đầu cổng. Nhìn cái cách ông ôm ấp, nâng niu lá cờ và tỉ mẩn vót nhẵn từng cái mắt tre thôi cũng đủ hiểu việc làm đó đối với ông thiêng liêng đến nhường nào! Mỗi lần như thế, bà nội tôi thường nguýt dài thườn thượt: “Rõ vẽ chuyện đây mà. Việt gian còn giả đò yêu nước!”. Tự đời nảo, đời nao, tôi vẫn nghe bà tôi và cả những người già khác trong xóm gọi ông cụ là Việt gian. Mãi tận sau này, khi học đến lớp tám, tôi mới biết cụm từ ấy mang hàm nghĩa miệt thị những người Việt phản quốc. 
Hai nhà cách nhau một hàng tầm xuân. Thời gian trôi đi, những cành nhánh tua tủa sum suê của loài cây quê mùa ấy vươn dài ra, xoắn xuýt lấy nhau như lũy thành cách ngăn kiên cố. Bà tôi còn bẻ thêm những que củi bồ kết nhiều gai nhọn, rào vây bịt kín những cái lỗ hổng nhỏ. Đến cả con gà nhép còi cọc cũng đừng hòng chui lọt. Sát bờ tầm xuân có một cây bưởi. Cây bưởi chùng chình tỏa bóng mát rượi. Những trưa hè, chúng tôi thường ra đó ngồi chơi bắn bi rộn rã. Rồi sau đó, một dạo, hễ nhánh bưởi nào sập xệ vắt sang bên nhà tôi, bà liền lấy con dao quắm phạt đứt. Và có lẽ ức quá, ông cụ đã lầm lũi chặt luôn cây bưởi. Thế là, chúng tôi hết chỗ trịn trượt, nô đùa.
Tựa một lời nguyền, hồi chúng tôi còn tấm bé, bà cấm đàn cháu lân la sang nhà ông cụ ấy chơi với câu đe nẹt rùng rợn: “Ông ta là phù thủy chuyên bắt cóc trẻ con! Nếu không muốn bị nấu cao thì đừng bén mảng gần lão”. Những trái cây mọng mẩy trĩu cành ở mảnh vườn nhà ông cụ cứ đung đưa như mời gọi. Có lần, không kìm nén nổi sự thèm thuồng dâng lên trong cuống họng, tôi lén lút trèo sang nhà ông cụ hái trộm một quả táo cắn ngay rôm rốp mà quên mất rằng trong câu chuyện cổ tích bà mới kể, mụ phù thủy đã lừa nàng Bạch Tuyết ăn một quả táo tẩm độc. Báo hại hôm đó, tôi sợ quá nên nôn thốc nôn tháo, song chẳng thoát được một trận đòn roi thâm thịt nhớ đời của bà tôi. 
Lên lớp chín, tôi vinh dự được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử. Thế là đêm đêm nằm cạnh bà, tôi lại được nghe bà kể chi tiết chuyện làng đánh Pháp, đuổi Mỹ tự những ngày xưa rất đỗi vẻ vang với một chất giọng dõng dạc dù bà đã ngoài tám mươi. Không trực tiếp ra chiến trận nhưng bà luôn là hậu phương vững chắc để ông tôi rồi đến hai người bác song sinh của tôi yên tâm nối bước nhau hành quân ra tiền tuyến đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhắc đến ông, nhắc đến những người con đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bà lại nhòa nhện nước mắt. Bà tôi là một Bà mẹ Việt Nam anh hùng!
Bà kể cho tôi rất nhiều chuyện. Nhớ đến đâu bà kể đến đấy. Lâu lâu, bà lại gãi gãi tóc ngứa như thể tạo quãng nghỉ để phục hồi trí nhớ. Theo lời kể của bà, quá khứ chầm chậm hiện về trong sự tưởng tượng non nớt của tôi, gần gũi, chân thật và sống động đến từng chi tiết nhỏ. Bà dặn tôi phải khắc cốt ghi tâm rồi mai này kể lại cho các em tôi, con tôi, thậm chí là cháu tôi. Tôi bật cười bảo bà lo xa xôi quá. Bà tôi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa giảng giải, thời gian có đợi một ai, chớp mắt đã thành ông già, bà lão. Tôi còn trẻ mà trí nhớ chập chờn hơn bà, chẳng mấy mà rơi rớt bớt. Bao nhiêu chuyện hay từng được nghe qua, tôi chỉ nhớ rõ nhất là câu chuyện liên quan đến ông cụ hàng xóm từ hơn nửa thế kỷ trước. 
Ông cụ vốn là một đảng viên gương mẫu, hăng hái. Nhưng chẳng hiểu sao, khi làng đang sục sôi khí thế đánh giặc, ông lại đột nhiên đi nuôi một tên lính Pháp... Năm đó, giặc bất thình lình ập tới, làng phải hứng chịu nhiều thương vong. Những người còn sống đồn thổi rằng vì ông cụ tiết lộ bí mật cho tên lính Pháp kia mà gây nên hậu quả khôn lường này. Tiếc là không ai bắt được quả tang, nên ông cụ vẫn nhởn nhơ đạp lên những lời gièm pha của thiên hạ mà sống. Song cái giá phải trả cho một kiếp đơn thân mà ông cụ đang hứng chịu chưa đủ làm lòng bà tôi nguôi nỗi hận thù: 
- Đồ Việt gian bán nước! Người thân của chúng ta vì lão mà phải chết oan đấy, cháu ạ. Thế mà có lần ông nội mày còn chằm chặp bênh ông ta!
- Ai chẳng có lần lầm lỡ ạ bà... - Tôi bùi ngùi - Mọi chuyện cũng qua rồi...
- Có những lỗi lầm không thể nào tha thứ - Bà tôi cương nghị - Một mình ông ta đã hãm hại bao nhiêu cuộc đời?
Lúc ấy, tôi biết rằng tôi chỉ cần tranh luận thêm một câu nữa về chủ đề này, thể nào cũng bị nghe một trận mắng xối xả của bà. Thế nên, tôi nhanh trí đánh trống lảng, hỏi bà những chuyện đâu đâu. Kỳ thi học sinh giỏi năm đó, đề bài có câu: “Thuyết minh về một nhân vật lịch sử”. Chẳng hiểu tại sao, tôi lại đặt bút viết về ông cụ hàng xóm khi mà trong sách giáo khoa có biết bao nhân vật nổi tiếng khác. Nhặt nhạnh, chắp vá những sự kiện bà kể và bằng cách cảm nhận của riêng mình, tôi viết một mạch liền hai trang giấy. Kết bài, tôi đặt ra một câu hỏi tu từ: “Ông cụ ấy đáng thương hay đáng trách?”. 
Chưa biết ông cụ ấy đáng thương hay đáng trách, nhưng tôi thì thực sự là cậu học trò đáng thương khi thiếu đúng 0,25 điểm để chạm tay vào giải Khuyến khích, đã thế còn bị bà tôi trách: “Giám khảo có bị mù mới cho mày đỗ. Thiếu người hay sao mà mày viết về lão? Cháu ơi là cháu! Nuôi mày chỉ tổ tốn cơm”. Lần đầu tiên, bà nhiếc móc tôi thậm tệ vậy. Bà từng đặt nhiều niềm tin ở tôi. Thế mà tôi đã làm bà thất vọng ở phút cuối cùng. Những ngày sau đó, tôi không dám nhìn thẳng vào mắt bà. Bà vẫn còn giận tôi. Và tôi thì cảm giác mình là đứa cháu tội đồ!
Tôi đã đủ lớn để hiểu rằng ông cụ hàng xóm không phải là phù thủy. Nhà cụ giờ như cô đảo giữa biển người ồn ã, xô bồ. Tôi thấy thương ông cụ. Thời tiểu học, tôi bị cô giáo và các bạn nghi ngờ ăn cắp cuốn truyện tranh của bạn gái ngồi bên cạnh. Dù tôi khóc lóc thanh minh rằng tôi cũng có cuốn truyện đó thì vẫn bằng thừa. Suốt một ngày ròng, tôi bị phạt ngồi riêng dưới góc lớp. Các bạn gọi tôi bằng những từ “tội phạm”, “kẻ cắp”, “lưu manh”, “ôn dịch”...  Hôm ấy dài lê thê như thể trái đất quên chuyển động. Tôi đơn độc và lạnh lẽo chẳng khác nào đang lạc vào một khu rừng hoang tuyết phủ. Sáng mai đến lớp, cô bạn gái thông báo đã tìm thấy cuốn truyện trong ngăn cặp... của chị gái. Vì cặp của hai chị em giống y hệt nhau nên khi ngái ngủ, cô bạn đã bỏ nhầm. Liệu ông cụ có bị oan ức tương tự tôi? 
Những lần ngồi bên hiên đọc sách, tôi thường lén ngắm ông cụ cuốc tơi doi đất bên mảnh vườn nhỏ bốn mùa tốt tươi rau trái, hoa màu hay đưa tay rắc từng đợt tấm gạo vụn nát cho lũ bồ câu trắng nghịch ngợm, háu đói. Ông cụ sống một mình, việc gì phải bươn bả làm lụng vất vả đến vậy? Ông cụ chắc trạc tuổi bà nội tôi. Đã tuột xuống cái dốc bên kia của cuộc đời, ông cụ vẫn cất cao bài ca lao động. Một con người như thế cũng có lúc sai lầm trầm trọng đến mức trọn kiếp phải đeo lên tấm lưng còng bia miệng nhân gian? Chắc ông cụ đang cố tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan? Nhà tù lương tâm luôn là nơi ngột ngạt nhất...

Minh họa: Trương Đình Dung


*
Chiếc radio rỉ sét của ông cụ đang phát những ca khúc cách mạng hào hùng. Khi nhìn thấy ông cụ hàng xóm đang vừa ngắm nghía không rời mắt, vừa vuốt ve ngôi sao vàng năm cánh rực rỡ đính trên nền đỏ huy hoàng của lá cờ Tổ quốc, tôi cảm nhận được trọn vẹn hình dáng và sắc màu của Tết. Một tuần không gặp, nom ông cụ tiều tụy đi nhiều. Râu cụ dài và bạc hơn. Mặt chằng chịt vết nhăn. Mắt hõm sâu hoăm hoắm. So với bà nội tôi bây giờ, ông cụ trông già hơn cả chục tuổi. Đáng lẽ ông cụ phải được cháu con chăm sóc để an dưỡng tuổi già. Đằng này, suốt ngày ông cụ lúi ha lúi húi luôn tay làm lụng đủ thứ việc...
Ngày cuối cùng của năm, nắng ấm về như hong khô cả tháng Chạp. Tôi thấy ông cụ lòm khòm quét sạch vuông sân gạch rồi loay hoay vót đẽo một cây tre suôn dài làm cột cờ thì phải? Cứ thế, tôi đứng bên cửa sổ âm thầm quan sát. Bỗng nhiên, cái lưỡi dao sắc lẹm vô tình phập vào ngón tay ông cụ, máu ri rỉ phun ra. Ông cụ ngồi thụp xuống, đưa ngón tay vào miệng. Vội vàng mở ngăn kéo lấy lọ oxy già, hộp bông và băng gạc, tôi chạy ra cổng rồi nhảy tắt qua hàng tầm xuân, sang hỏi thăm ông cụ: 
- Ông có bị làm sao không ạ?
Thoáng chút ngạc nhiên, ông cụ ngước mắt lên: 
- Ừ, tôi không sao, chỉ như kiến cắn thôi mà! 
Vết thương khá sâu, máu không đông lại được. Tôi nhỏ một ít oxy già sát trùng và dùng bông chùi sạch rồi cẩn thận băng bó cho ông. Ông cụ trìu mến nhìn tôi, cảm động: 
- Cảm ơn cậu.
Tôi nắn bóp cổ tay da nhăn nheo và sẹo lâm thâm của ông cụ:
- Ông đang làm cột cờ phải không ạ?
- Ừ, tôi già quá rồi...
- Cháu sẽ giúp ông - Tôi tiếp lời ông cụ.
 Với sức trẻ thanh niên, tôi gồng cơ một chút đã dựng được cột cờ lên. Tiếng radio vẫn rất tưng bừng. Và trong khoảnh khắc, lá cờ đỏ thắm đã bắt nhịp gió xuân bay phấp phới trên khung trời dập dờn mây trôi và đượm đằm nắng ấm. Đưa cặp mắt rưng rưng nhìn lá cờ, rồi quay lại nhìn tôi, ông cụ giọng run run chực vỡ òa: “Cậu quả là một chàng trai tốt”. 
Tôi được ông cụ mời vào nhà chơi. Căn nhà lụp xụp, ẩm thấp nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Không gian cổ điển, thanh tịnh, thâm trầm như thể đã xuất hiện trong một tác phẩm văn chương nào đó tôi đã đọc từ lâu. Bên trái của căn phòng là một chiếc tủ gỗ dáng vẻ ọp ẹp đựng đầy sách báo ố vàng, một cây đèn dầu ám tụ khói đen và một bức ảnh đen trắng lờ mờ với dòng chữ hình như viết bằng tiếng Pháp. Tôi bỗng chột dạ nhớ đến câu chuyện bà nội kể những đêm ôn thi học sinh giỏi huyện...
Rót trà hoa tầm xuân vào cái bát sứ vẽ vân xanh lỗi thời, mời tôi uống, ông cụ ái ngại giải thích: 
- Nhà tôi lâu lắm rồi không có ai ghé đến. Thành thử cái bát này vừa để ăn cơm vừa để uống nước.
Sự thật thà của ông cụ làm lòng tôi thắt lại.
- Vâng ạ... Ông cứ để cháu tự nhiên...
Ngồi cạnh ông cụ, tôi chẳng biết nói chuyện gì. Hết ngước lên trần nhà nhìn những giọt hoa nắng bung biêng rơi từ kẽ nứt viên ngói vỡ, lại ngó qua ô cửa sổ ngắm rào tầm xuân đương bung xòe những đóa hoa màu hồng phớt. Nơi góc vườn có một nấm mộ nhỏ xanh rờn cỏ rau má nằm lặng lẽ dưới bụi chuối um tùm. Một làn gió dịu dàng từ ngoài sân ùa vào làm căn phòng bớt ngột ngạt hơn và thổi phăng mấy cọng tóc bạc dài lòa xòa để lộ một vết sẹo lớn, hình tròn tròn trên vành tai ông cụ. Mắt tôi chăm chắm dừng lại tại đó một hồi khá lâu. Như nhìn thấu dấu chấm hỏi in đậm trong đầu tôi, ông cụ từ tốn nói: 
- Đó là dấu vết viên đạn mà tôi đã đỡ cho một người bạn... 
Đỡ đạn cho bạn? Cảnh ấy, tôi chỉ gặp trong truyện và thấy trên tivi thôi. Tôi òa lên:
- Ông thật là dũng cảm...
- Không hẳn thế đâu cậu ạ...
Những trang quá khứ chầm chậm ùa về trong ông cụ...
Tuổi hai mươi, tôi có quyền tự hào về mình lắm chứ: đỗ tú tài, thông thạo tiếng Pháp và đặc biệt là người duy nhất của xã này được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản. Còn người bạn thân nhất của tôi, ông nội cậu, lại phải bỏ học giữa chừng từ hồi lớp bảy vì gia cảnh quá nghèo khó. Ông nội cậu lấy vợ sớm, hai năm sinh liền tù tì ba thằng cu kháu khỉnh. Năm đó, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, tôi và ông nội cậu cùng hăng hái tình nguyện viết đơn xin gia nhập quân ngũ. Và kết quả, ông cậu trúng tuyển, còn tôi thì bị loại vì không đủ điều kiện sức khỏe. 
Khi trai tráng trong làng đều được ra chiến trận góp sức bảo vệ Tổ quốc, còn bản thân thì thui thủi ở nhà, tôi thấy mình vô dụng như con cá bị nhốt trong chậu nước tù đọng. Ba đêm liền, tôi thơ thẩn ngồi nơi xó nhà khóc ròng đến sưng mọng mí mắt. Tưởng đến cảnh cả đoàn binh nối bước chân nhau hành quân ra trận, lòng tôi vừa rộn rực niềm ước ao, vừa day dứt nỗi buồn.
Một lần, vào tinh mơ sáng, tôi đi chở gạo lên huyện về thì bắt gặp dân làng kẻ gậy, người gộc đang túm tụm đánh đập một tên giặc Pháp túi bụi. Anh ta luôn miệng kêu lên bằng tiếng mẹ đẻ: “Xin đừng đánh tôi! Tôi muốn tiết lộ một bí mật! Tôi muốn tiết lộ một bí mật!” cho đến khi ngừng thở. Sẵn có chiếc xe bò, mọi người sai tôi chở anh ta đem vứt ra bãi tha ma. Dọc đường đi nhấp nhổm ổ gà, đá nhọn, xe bò xóc lên xóc xuống. Chợt, anh ta bật hắt tiếng ho. Anh ta chưa chết! Miệng đang nhoe nhoét máu, anh ta vẫn cố lài nhài:
- Tôi muốn tiết lộ một bí mật!
Bằng vốn tiếng Pháp khá nhuần nhuyễn, tôi động lòng, hỏi:
- Bí mật gì?
Tìm thấy người hiểu và nói sõi tiếng Pháp, mắt anh ta sáng lên như tìm thấy sự đồng cảm. Anh ta dồn sức nói được một câu: “Ba ngày nữa, một toán lính Pháp sẽ tới đây” rồi ngất lịm. Điều anh ta vừa nói là sự thật? Thông tin này làm tôi vô cùng sửng sốt. Ngôi làng yên bình này lẽ nào đã nằm trong tầm ngắm của giặc? Trước mắt phải cứu sống anh ta để khai thác thêm những thông tin khác. Tôi vơ lá khô quanh đó, tấp lên người anh ta rồi len lén chở về nhà. Đang cứu người mà tim tôi đập thình thịch như vừa phạm tội giết người. Tôi phải liên tục đảo mắt nhìn trước, nhìn sau, nhìn phải, nhìn trái để đảm bảo không bị ai phát hiện. Nhỡ đâu cái tin kia không đúng, tôi chắc chắn sẽ tự chuốc họa vào thân. 
Nửa ngày sau, anh ta tỉnh lại. Tôi làm quen:
- Anh tên gì?
- Paix.
- Sao anh lại đến đất nước tôi để gây chiến tranh? - Tôi nhìn vào mắt Paix, thẳng thắn nói.
- Tôi chỉ là một tên lính đánh thuê - Giọng Paix chùng xuống - Tôi rất hối hận khi cùng quân đội Pháp nhúng tay gây ra những tội ác không thể nào tha thứ được ở Việt Nam. Tôi đã bị những hồn ma ám ảnh trong từng giấc mơ. Tôi thực sự đã mắc chứng rối loạn tâm lý trầm trọng. Vì vậy, tôi tự ý trốn đơn vị tìm đến đây để báo với các bạn một tin rằng: Ba ngày nữa, một toán lính Pháp sẽ tới tàn phá nơi đây.
Liệu đây có phải là một âm mưu sâu xa gì đó nằm trong kế hoạch tác chiến của quân đội Pháp?, tôi đa nghi nghĩ. Và tôi hỏi vặn Paix:
- Lấy căn cứ gì để tôi tin anh đây?
- Ồ, anh có thể trói tôi - Paix đặt tay lên ngực trái - Nếu ba ngày nữa, điều đó không xảy ra, anh hãy giết tôi.
Câu nói và hành động của Paix đã chiếm được một phần niềm tin trong tôi. Tôi đã hỏi dò được thêm nhiều thông tin quan trọng khác. Ngay lập tức, tôi viết thư gửi cho ông nội cậu và định đi loan báo thông tin cho dân làng biết thì giặc Pháp đột ngột tràn vào không kịp trở tay, ngay trong chiều tối hôm ấy. Chúng ngang nhiên đốt làng, cướp bóc lương thực, xả súng càn quét, tiêu diệt những người chống đối. Những trận mưa đạn vùn vụt bay vào nhà tôi. Tôi nghe có giọng nói rất đanh bằng tiếng Pháp:
- Báo cáo Đại úy, tôi đã dùng ống nhòm theo dõi từ xa, thằng Paix trốn trong này.
Sau câu nói ấy, đạn lại vù vù nhằm thẳng hướng nhà tôi mà lao vào. Paix bị đau chân nên không chạy được. Tôi cuống quýt dìu Paix tháo chạy cửa sau và đỡ được cho anh ta một viên đạn. Nhưng một viên khác trong loạt đạn liên thanh đã nhắm trúng vào chính giữa trán anh ta. Lần đó, tôi nhanh tay bẻ ống đu đủ ngậm vào mồm rồi nhảy xuống giếng núp mới thoát nạn. 
Giặc Pháp lùng sục chán rồi bỏ đi. Tôi lên bờ, nhìn vào khuôn mặt bị bắn đến nát tươm của Paix mà lòng đau như cứa. Vục mặt vào ngực Paix, tôi khóc:
- Paix ơi, tỉnh lại đi nào. Tôi tin anh! Tôi tin anh!
Paix đã vĩnh viễn ra đi! Tôi đào huyệt chôn Paix ở góc vườn nhà. Đã chẳng dám đắp cho anh một nấm mồ, tôi còn phải san đất cho phẳng rồi rải một lớp lá khô lên che phủ để đảm bảo không bị lộ tẩy. Tôi xót xa cho Paix đến nỗi quên rằng vành tai mình đang bị thương khá nặng. Hai sự mất mát cùng diễn ra một lúc...
Những tưởng mọi chuyện chỉ dừng lại tại đó. Nào ngờ, cái chiều giặc tràn vào, bà nội cậu ôm lũ con ẩn nấp trong bụi tầm xuân đã trông thấy cảnh tượng tôi dìu Paix. Giặc đi một lát, nhá nhem tối, bà ấy liền báo tin cho dân làng kéo sang nhà tôi làm rõ thực hư. Họ tìm kiếm, lục lọi khắp nơi nhưng không thấy “thằng lính Tây mũi lõ, tóc vàng, da trắng” như lời bà cậu miêu tả mà chỉ tìm ra một đôi giày kiểu Pháp dưới gầm giường tôi. Một người đàn ông bóp họng tôi:
- Mày là Việt gian phải không?
- Giả sử tôi là Việt gian thì tại sao nhà tôi bị tàn phá nhiều nhất? - Tôi thanh minh - Bản thân tôi thì bị đạn bắn xượt vành tai suýt mất mạng!
- Mày và đồng bọn đừng hòng dùng kế đấy để đánh lạc hướng dư luận?
- Tôi chưa bị điên! - Tôi đanh giọng.
Lúc ấy, nếu tôi cố kể toàn bộ sự việc đã diễn ra, ai sẽ tin tôi? Tất nhiên, một đôi giày chưa đủ chứng cứ để kết tội tôi có là Việt gian hay không. Cứ thế, tôi vẫn gửi lá thư cho ông nội cậu với hy vọng sự cống hiến âm thầm của tôi một ngày nào đó sẽ được ghi nhận. 
Một tháng sau, ông nội cậu viết thư hồi âm cho tôi có bảo rằng những thông tin tôi cung cấp đã giúp lực lượng ta xác định được chiến lược lâu dài của địch để làm tốt công tác phòng ngự. Tôi rất vui. Mặc kệ thiên hạ gièm pha, tôi luôn âm thầm động viên bản thân khi ông nội cậu về, tôi sẽ được minh oan! Đâu ngờ, đó chính là lá thư cuối cùng...
Thêm lần nữa, tôi được trở về thời chiến tranh bằng câu chuyện của một bậc cao niên trong làng. Người già thường lẩm cẩm quên đi nhiều thứ, song ký ức về những năm tháng nhuốm màu bão đạn, mưa bom ấy vẫn luôn hằn sâu trong tâm khảm như mới hôm qua thôi, nhói nhức, tái tê, khắc khoải. Mọi thứ đã xa rồi, nhưng hãy còn đó những sự hiểu nhầm, những mối hận thù chưa được hóa giải. Tôi khẽ đặt bàn tay lên vai ông cụ: 
- Cháu hiểu lòng ông... Cháu biết đây là những điều ông đã dồn nén trong lòng rất nhiều năm qua. 
Ông cụ tiếp tục giãi bày: 
- Tôi nuôi nhiều bồ câu trắng bởi trong tiếng Pháp, từ “Paix” có nghĩa là hòa bình, chàng trai ạ... 
Một giọt nước mắt đặc quánh màu trắng đục lăn dọc bên sống mũi ông cụ. Tôi chẳng biết an ủi như thế nào cho tinh tế, nên lúng túng:
- Giá mà ngày xưa người dân chịu lắng nghe ông, ông nhỉ?
- Cũng không trách họ được - Ông cụ trầm ngâm một lát rồi nói - Những điều tôi làm, chỉ có trời biết, đất biết, Paix và ông nội cậu biết thôi mà.
- Vâng...
Rồi ông cụ với tay lên giá sách lấy xuống cuốn “Chiến tranh và hòa bình”. Trong ấy có kẹp tờ giấy màu vàng hoen ố gấp làm tư. Chìa nó về phía tôi, ông cụ nhã nhặn:
- Lá thư cuối cùng ông nội cậu gửi tôi đấy. Cậu có thể đọc...
- Cháu xin phép ông nhé.
Những nét chữ của ông nội tôi nhỏ và sắc. Tôi bị cuốn vào ngay từ dòng đầu tiên cho đến những câu chân thành sau cuối: “Mày làm tốt lắm. Mày cố gắng thu thập thêm thông tin từ cái cậu lính Tây kia nhé. Trận đánh này là trận “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhỡ tao có mệnh hệ gì, mày có thể thay tao làm chỗ dựa cho vợ con tao được chứ?”.
- Sao ông không lấy lá thư làm chứng cứ gỡ tội cho mình? 
- Rồi mọi người sẽ lại bảo lá thư kia là giả mạo thôi... Vả lại, tôi sẵn sàng nhận phần thiệt thòi, mất mát về mình để làm những điều dù bé nhỏ thôi nhưng thực sự có một chút ý nghĩa cho Tổ quốc.
Trùng hợp là đúng khi ấy, chiếc radio phát đoạn nhạc: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Tôi giật mình đứng giữa ranh giới của quá khứ và hiện tại. Thời trẻ của ông cụ khác xa thời trẻ của tôi quá. Khi mới mười tám, đôi mươi ông cụ đã suy nghĩ và hành động chín chắn như vậy. Còn tôi bây giờ, cũng gần trạc tuổi ông cụ ngày xưa mà vẫn ngây ngô.
*
Tôi tường thuật lại toàn bộ diễn biến câu chuyện ông cụ hàng xóm kể hôm qua rồi đưa lá thư cho bà:
- Lá thư ấy đây, bà đọc xem ạ.
Bà tôi đeo kính đọc xong thì khóc dấm dứt:
- Đúng chữ ông nội mày đây. Trời ơi, thế mà bao năm nay bà đã trách nhầm ông ấy... Thảo nào trong lá thư cuối cùng viết vội gửi cho bà năm đó, ông nội mày viết ông cụ hàng xóm ấy là người tốt. Nhưng đoạn thư sau bị mưa làm ướt nhòe, bà không đọc được hết...
Tôi vỗ về: 
- Bà đừng khóc nữa... Ông cụ bao dung sẽ không để bụng đâu. 
- Bà làm hại cả cuộc đời ông ấy rồi!
- Bà ơi, bà không làm hại ai cả. Ông cụ rất hài lòng với cuộc sống của mình. Hôm nay là tất niên, bà cháu mình cùng soạn cỗ cúng ông nội và các bác, bà nhỉ?
Rồi bà bảo rằng, bà sẽ đích thân xuống bếp làm thật nhiều món ngon để còn mời ông cụ hàng xóm sang chung vui và cùng ôn lại những chặng đường lịch sử. Trước khoảnh sân nhỏ, nắng mới trải vàng như mật ong pha loãng. Hai lá cờ đỏ sao vàng trước cổng hai nhà đồng loạt tung bay rạo rực. Mấy con chim bồ câu trắng dạn dĩ lượn sang nhà tôi nhặt nhạnh chỗ cơm nguội phơi trên chiếc nong tròn vành vạnh. Đâu đó, bên rào tầm xuân trổ hoa rạng ngời, có tiếng ông cụ hàng xóm gọi tôi. Ông nói với tôi mà như muốn nhắn nhủ với bà nội đang lục rục nhóm lửa trong chái bếp nhỏ tỏa khói lam bảng lảng: 
- Lát sang nhà tôi lấy mấy nải chuối cau về cúng ông nội cậu nhé!
 

Phan Đức Lộc


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 181
 Hôm nay: 3688
 Tổng số truy cập: 9249599
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa