Anh Thụ gọi điện cho tôi rất sớm. Tôi cầm điện thoại lên chưa kịp nói gì anh đã nói ngay:
- Chú lên có việc anh cần gặp.
- Vâng ạ. - Tôi vội nói.
Biết tác phong quân sự của anh, tôi không hỏi gì thêm, vội mặc quần áo, lấy chiếc xe máy phóng đi trong gió lạnh của buổi sáng sớm. Trên đường đi gió quất vào mặt, trong lòng tôi băn khoăn không biết anh có việc gì, tốt hay xấu?
Tôi nhớ chuyện anh đã kể:
Khi Thụ mở mắt thấy mình nằm trong một căn hầm bí mật, ngồi bên cạnh là cô gái trẻ. Thụ hoảng hốt hỏi: “Sao tôi lại ở đây? Đồng đội tôi đâu?...”. Thấy anh tỉnh dậy cô gái rất mừng, cô nói rõ cho Thụ biết đây là hầm bí mật của đội du kích. Thụ cảm thấy yên tâm.
Đêm mấy hôm trước trời trăng sáng vằng vặc, gió đồng mát rượi, nhiều chú cuốc kêu gọi bạn. Thụ là tiểu đội trưởng cùng bốn chiến sĩ đặc công ngâm mình bơi hai ngày giữa Đồng Tháp Mười mênh mông nước, để tiếp cận trinh sát một đồn Mỹ chuẩn bị cho bộ đội chủ lực tấn công. Khi tiểu đội bò vào cắt được tới hàng rào thứ ba thì vướng mìn sáng. Địch phát hiện bắn như vãi đạn. Thụ phải ở lại yểm trợ cho tiểu đội rút chạy. Thụ bị thương vào sườn rất đau, máu ra nhiều, cố bò lết gần sáng mới ra được cánh đồng rồi ngất lịm. Sáng hôm sau cô du kích trẻ Út Lan được đội du kích phân công giả vờ đi vớt lờ cá, hái bông súng và điên điển để dò la tình hình. Sau nhiều giờ tìm kiếm cô tìm thấy Thụ mặc độc cái quần xà lỏn, máu me bùn đất bê bết, đỉa bám đầy người thoi thóp ngất lịm ở cồn đất giữa đồng. Út Lan biết ngay đây chính là người bộ đội trinh sát đồn Mỹ tối qua, cô đưa anh lên thuyền chất lờ cá và bông súng chung quanh bí mật chở về căn cứ.
Út Lan kém anh bốn tuổi, có thân hình thon thả, mái tóc xanh cắt ngang vai, đôi má lúm đồng tiền và đôi mắt luôn biết nói, cô hồn nhiên tươi trẻ như bông hoa súng buổi sáng giữa đồng. Út Lan được đội du kích giao nhiệm vụ chăm sóc Thụ, anh dần dần khỏe lại, cô như được tiếp thêm một nguồn sinh lực mới.
Đêm ấy trăng sáng như mật trải trên mặt nước, hai người chèo thuyền, Thụ kể cho Út Lan nghe: Chảy qua làng Thụ có con sông Mã, mỗi mùa lũ về nước cuồn cuộn đỏ ngầu phù sa, tung sóng đỏ như bờm những con ngựa hồng phi nước đại. Thụ kể về mảnh đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh, những làng mạc ven sông trù phú, nơi sinh ra và nuôi dưỡng những anh hùng áo vải. Thụ kể về chiếc cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã đang ngày đêm vùi thây hàng trăm Thần sấm, Con ma của giặc Mỹ, về những nữ dân quân anh hùng, những cụ già rất bình dị đã bắn rơi máy bay… Đêm trước khi trở về căn cứ, dưới ánh trăng Thụ ngỏ lời yêu thương với Út Lan, hai người ôm nhau, trao cho nhau những nụ hôn đầu nồng cháy giữa cánh đồng lộng gió đầy hương hoa súng. Và Út đã tặng Thụ bông súng trắng. Về rừng hai người báo cáo việc riêng với tổ chức, rồi hẹn ngày thống nhất sẽ làm đám cưới. Thời gian sau đó Út Lan thường được các cô chú chỉ huy du kích bố trí cùng đi tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược cho quân chủ lực để Út Lan có điều kiện gặp Thụ. Những lần hai người gặp nhau trao gửi tình yêu lại càng có thêm nhiều kỷ niệm và thêm nhiều nhung nhớ. Những năm đầu thập niên bảy mươi, chiến trường thêm khốc liệt, bẵng đi gần hai năm Thụ và Út Lan không gặp được nhau. Thụ viết nhiều thư cho Út Lan, cố dò hỏi tình hình của người yêu nhưng đều bặt vô âm tín. Anh chỉ nghe phong thanh tin đội du kích của Út Lan bị quân Mỹ càn nhiều lần, hy sinh gần hết. Thụ nghe tin vô cùng đau đớn, anh dồn hết tâm lực vào các trận đánh nhằm trả thù cho Út Lan và đồng đội của cô.
Theo phân công lần này Thụ làm tiểu đội trưởng tiểu đội trinh sát đặc công tăng cường cho tiểu đoàn thuộc quân chủ lực miền Tây Nam Bộ tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ, còn gọi là chiến dịch Mùa hè dậy lửa. Rạng sáng hôm ấy gió từ sông thổi vào mặt cứ mơn man mát lạnh, ẩn trong màn sương đoàn thuyền gần năm mươi chiếc chở tiểu đoàn xuất quân chuẩn bị cho trận đánh mới. Mỗi xuồng đều được ngụy trang kỹ lưỡng, nhẹ nhàng lướt trên đồng đầy hoa súng và những vạt lúa. Mấy con chim cuốc và bầy két bay loạn xạ khi những chiếc xuồng tới gần. Có con còn dẫn cả bầy con bơi ngang thuyền như trêu chọc các chiến sĩ. Bầy cá thác lác, cá linh, cá rô bơi tung tăng quanh mạn thuyền. Vợ chồng nhà cá quả dẫn đàn con đi ăn, nổi những đám đỏ tía. Những vạt lúa trời chín vàng hoe, hoa súng tím, hoa súng trắng, hoa điên điển vàng như níu kéo. Thuyền của Thụ đi trước trinh sát, các thuyền nối đuôi đi sau, hậu cần y tế đi sau cùng, tổng đoàn hành quân hơn hai trăm người. Mấy o du kích trẻ má ửng đỏ khoác khăn rằn chèo thuyền nhẹ như bơi trong mây. Bỗng một chiếc thuyền từ khu hậu cần băng lên ngang với thuyền của Thụ. Thụ thoáng nghĩ, sao lại có sự vô kỷ luật trong hành quân chiến đấu? Thụ nhìn sang định quát “Đi chậm lại”, thật bất ngờ Thụ nhìn thấy Út Lan đang tươi cười chèo tới. Thụ bàng hoàng sung sướng. Út Lan bỏ xuồng nhảy xuống. Thụ cũng nhảy xuống nước, hai người ôm nhau trong sự ngỡ ngàng của đồng đội. Quá bất ngờ, Thụ chỉ nói: “Em về chèo thuyền đi, xong trận đánh chúng mình gặp nhau”. Út không muốn rời, cứ ghì ôm Thụ thật chặt. Thụ sợ kỷ luật hành quân, nói nhỏ vào tai Út Lan: “Anh thương em quá”, cố gỡ tay Út Lan rồi quay lại thuyền mà lòng cứ lâng lâng. Hai thuyền đi song song, Thụ và Út Lan nhìn nhau đắm đuối. Út Lan má đỏ ửng nói: “Sao anh về mà không nói chi với em? Lần này về em hổng cho anh đi nữa đâu!”. “Anh mới về tăng cường nên chưa kịp nói, gặp được em anh vui quá, xong trận này anh xin ba má đón em về rừng nhé”. “Ứ đâu, phải hòa bình cơ!”… Rồi thuyền của Út Lan từ từ đi chậm theo kỷ luật hành quân.
Đi thêm được vài cây số trời sáng rõ, chỉ dăm phút nữa cả đoàn quân sẽ mất hút trong rừng. Liền lúc đó nghe tiếng máy bay trực thăng. Mọi người lập tức nhẹ nhàng rời thuyền, nhanh chóng nghiêng cho nước vào thuyền, nhanh tay vớt cỏ, bông súng ngụy trang rồi nhẹ nhàng ngâm mình dưới nước để máy bay không phát hiện. Chiếc trực thăng AH1 bay qua một quãng xa đột ngột quay lại. Nó bay sát mặt nước, cỏ lác, bông súng, lúa trời bị gió cuốn bay tứ tung. Nó đã phát hiện một chiếc xuồng của bộ phận hậu cần khi lúa và bông súng bị gió cánh quạt dạt ra. Nó bay vọt lên lượn vòng. Lệnh chỉ huy chưa được bắn, toàn đơn vị cố giữ bí mật để đảm bảo cho trận đánh phía trước. Chỉ khoảng gần mười phút sau từ phía sân bay Mỹ Tho hơn chục chiếc máy bay trực thăng ào tới, chúng bắn như vãi đạn trên cánh đồng nơi chiếc thuyền bị lộ, chỗ ẩn nấp của đoàn quân. Loa trên máy bay ra rả yêu cầu cộng sản đầu hàng. Phía bên trái có tiếng súng AK, một máy bay UH1 lảo đảo đâm sầm xuống bên cạnh thuyền của Thụ, anh nhanh tay bóp cò, mấy thằng lính Mỹ trên máy bay chưa hoàn hồn đã ngã gục. Thấy đồng bọn bị bắn rơi mấy cái máy bay còn lại bay vọt lên bắn như vãi trấu, Thụ bị hất tung từ bên này xuồng sang bên kia xuồng, phía sau có nhiều tiếng súng của ta, hai máy bay nữa rơi, bọn giặc càng lồng lộn gọi thêm máy bay thi nhau ném bom vãi đạn, cánh đồng như đảo lộn. Tiếng gầm rú của hàng chục máy bay, tiếng bom đạn nổ inh tai, tiếng loa chiêu hồi nát óc. Tiếng súng của các chiến sĩ đanh gọn đáp trả. Thụ rất lo cho Út Lan. Cuộc đấu súng kéo dài hơn ba tiếng, quân ta yếu thế chỉ đánh trả thêm một số loạt đạn rồi im bặt, cả một vùng thuyền ghe cỏ cây tan tác. Một chiếc UH1 đã nhìn thấy Thụ nằm vắt người trên mép xuồng, chúng vòng lại kêu gọi đầu hàng, bay lượn mấy vòng rồi thả thang dây lơ lửng định xuống bắt sống anh. Thụ tụt xuống nước lặn một hơi sang phía bên kia xuồng. Một thằng lính dù tụt xuống lưng chừng ngó ngơ không thấy bóng anh đâu nữa nó lại leo lên máy bay. Không thấy động chúng lượn hai vòng ném hai quả lựu đạn, bắn mấy loạt 12 ly 7 rồi ngoi lên. Phía bên kia bọn chúng thả thang dây xuống bắt mấy chiến sĩ bị thương trong đó có anh Quách Hồng Tâm người Hà Tĩnh bị thương vỡ bụng. Bọn chúng đưa các chiến sĩ về gò Măng Đa định băng bó cho anh Tâm nhằm khai thác tin tức. Tâm đang nằm phắt đứng dậy thò tay vốc mớ ruột trong bụng be bét máu, phân và bùn đất ném vào mặt tên sĩ quan Mỹ rồi anh đổ gục xuống, mắt còn đầy căm giận. Khoảng hơn một tiếng sau, cánh đồng im ắng, gió phía Tây mát rượi lại về, mang theo mùi thuốc súng, mùi tanh của máu trộn bùn. Thụ rờ nắn, quanh mình đau ê ẩm vì sức ép, tai ù đặc nhưng không thấy mình bị thương. Thụ nghĩ đến Út Lan, thương người yêu vô cùng, không biết em bị vùi lấp ở đâu. Lòng Thụ trống trải, ngực Thụ đau thắt, nước mắt Thụ cứ trào ra. Anh gọi to: “Út Lan ơi, em ở đâu?”... Thụ gọi mãi không lời đáp, anh vô cùng đau xót. Anh bơi ngó xung quanh cố tìm đồng đội nào còn sống. Một lúc sau Thụ thấy cạnh chiếc xuồng vỡ nát có người còn cử động, anh liền bơi lại, bới cỏ lác, bông súng, khoát mấy vốc nước vào mặt lấm đầy bùn, đỉa bám đầy mắt mũi, bê bết máu, anh nhận ra đó là Khoa cùng tiểu đội trinh sát tăng cường. Thụ bơi dìu Khoa trên cánh đồng nước mênh mông, hai anh không còn súng đạn, trên mình chỉ còn mảnh quần xà lỏn. Hai người phải ăn rau muống dại, nhiều lúc móc cá lóc trong lờ của dân ăn sống. Tối ngày thứ bảy Khoa và Thụ mò được lên gò đất, tình cờ gặp hai chiến sĩ của đơn vị khác đang bị lạc đơn vị, trên mình mỗi người họ cũng chỉ có một chiếc quần đùi, một khẩu AK cùng ít viên đạn. Bốn người tìm được bụi chuối quật ăn, mệt ngủ đến gần sáng có một chiếc ghe đi bắt cá bơi qua, Thụ gọi: “Vào đây”. Người đàn ông ghé ghe vào sợ hãi mặt không còn hạt máu. Thụ hỏi, người đó nói: “Ba má tôi cũng theo cách mạng bị bọn Mỹ ngụy bắt tù đày. Tôi hiện đã có gia đình, đang phải ở trong ấp cách đây không xa, nếu mấy chú giải phóng đói tôi về lấy đồ ăn ra cho”. Khoảng dăm chục phút có tiếng ghe trở lại. Anh thanh niên cho một xoong cơm to, cùng mấy khúc cá kho tộ, canh chua và ba bao thuốc lá Rubi.
Ăn xong bốn người tiếp tục bơi khoảng dăm cây số nữa, đến bờ kênh thì giật mình nghe tiếng hô: “Giơ tay lên!”. Mọi người bụng bảo dạ, thôi gặp thám báo rồi, đời đi tong. Cả bốn chưa kịp phản ứng gì, liền lúc ấy mấy người trong bụi ùa ra gọi: “Vào đây, quân ta rồi!”. Đó là một đơn vị nhỏ chủ lực có năm, sáu chiến sĩ đang mất liên lạc. Thụ và anh em gặp nhau như cá gặp nước, toàn bộ các chiến sĩ thống nhất định cướp thuyền máy lớn chạy nhưng khi mò lên thuyền gặp đúng cơ sở cách mạng, rất may chưa giết chủ thuyền. Các chiến sĩ được hai du kích thiếu niên tên Hồng và Sản dẫn đường ngược sông sang đất Campuchia thoát khỏi vùng địch tìm được về đơn vị. Tổ chức lại giao cho Thụ trở lại cùng du kích địa phương tìm cách chôn cất các liệt sĩ trong trận đánh không cân sức giữa mênh mông nước mấy hôm trước. Thụ trở lại trong niềm tiếc thương người yêu và đồng đội. Anh liên lạc với cơ sở bí mật về việc chôn cất các liệt sĩ. Sau trận ấy bọn Mỹ ngụy ngăn cản không cho nhân dân chôn cất, chúng chất các thi thể lên thuyền vỡ đẩy ra sông lớn, còn một ít thi thể sót lại dân bí mật gom chôn trên cồn bãi của cánh đồng. Trong cuộc đời binh nghiệp đánh hàng trăm trận, cũng nhiều thất bại hy sinh nhưng trận đánh ở đồng Tháp Mười hôm ấy là nỗi đau thương bi đát nhất với Thụ, một tiểu đoàn chỉ còn lại hai người và đau hơn cả trong trận ấy Thụ mất người con gái yêu thương nhất của mình. Hai người gặp nhau chưa nói được điều gì sau gần hai năm bặt vô âm tín. Trước đó Thụ cứ tin là Út Lan đã hy sinh trong những trận càn khốc liệt của Mỹ. Út Lan chết trái tim Thụ như đóng băng lại, khi hình bóng, tiếng nói và hơi thở ấm áp của Út Lan ùa về ngực anh lại đau thắt. Về sau mỗi khi đánh trận công đồn Thụ dần nguôi ngoai nỗi đau, chỉ còn căm thù dồn lên nòng súng. Khi bình lặng Thụ lại nhớ Út Lan, nhớ những đêm trăng chèo thuyền cùng em trên cánh đồng bát ngát, nhớ mỗi lần Út Lan vào rừng, hai người lại bên nhau thức trắng đêm trao cho nhau những gì yêu thương nhất và nhớ khôn cùng cái ôm em lần cuối giữa đồng nước mênh mông ngập tràn hoa súng, trong ánh mắt ngỡ ngàng của đồng đội để rồi mãi mãi xa em.
*
Tiếp bốn năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, anh giải ngũ. Về phục viên, theo sự phân công anh lại đảm nhiệm chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế phía Tây. Nhiều cô em thanh niên xung phong xinh đẹp cũng có tình ý sẵn sàng trao gửi trái tim cho Tiểu đoàn trưởng cương nghị điển trai nhưng anh vẫn dửng dưng. Sau hai năm hoàn thành nhiệm vụ anh về phụ trách kinh tế tại ủy ban thị xã, mấy năm sau anh mới xây dựng gia đình, tám năm sau anh có một đàn bướm xinh năm đóa, mọi người cứ đùa anh đẹp trai nhất nhà. Nhiều người trong gia đình vận động anh cố đẻ để có con trai nối dõi, có người còn xui anh lấy vợ bé vì anh là con đầu cần có người “chống gậy”, anh vẫn lặng thinh. Anh mở quán cháo bình dân, vẫn lầm lũi lao động giúp vợ chăm con. Anh vẫn ở ba gian nhà đơn sơ từ thời ông bà để lại. Hàng xóm láng giềng có việc gì anh cũng giúp đỡ nhất là lúc tắt lửa tối đèn. Anh sống như cây rừng không gió bão. Thời gian trôi anh càng trăn trở với việc đi tìm hài cốt đồng đội và mong mỏi nhất là tìm được hài cốt người con gái thương yêu. Mỗi năm ít nhất một lần Thụ về lại Mỹ Tho, Đồng Tháp. Mỗi lần đến Thụ cố đứng nán lại quay mặt về hướng gió của cánh đồng mênh mông sóng nước, hương bông súng, phù sa thơm nhẹ, Thụ nghe như đâu đây mùi hương thân thể cùng hơi thở và tiếng nói dịu êm ngày nào của Út Lan: “Anh về Bắc cho em về cùng ngắm sông Mã, cầu Hàm Rồng và Kinh thành Tây Đô…”. Nỗi đau cùng thời gian ngày càng lớn dần và nhói sâu trong anh, mỗi lần chia tay với mảnh đất ngập tràn hoa súng, lòng anh càng thêm trống trải, trán thêm nhiều nếp nhăn, tóc ngày một thưa, mắt anh lại thêm buồn.
Khó khăn thời kinh tế thị trường, mấy đồng lương thương tật của anh không đủ chi phí cho anh đi tìm đồng đội, anh thế chấp mảnh đất với căn nhà cấp bốn cho ngân hàng lấy tiền chi phí cho những chuyến đi. Anh cùng đồng đội đã tìm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ trong các chiến trường miền Nam và biên giới phía Bắc nơi anh đã từng chiến đấu. Khó khăn vất vả nhưng vợ anh thức khuya dậy sớm cùng chồng không bao giờ than vãn. Hôm gần Tết anh gọi tôi: “Hữu ơi, vợ anh bỏ đi rồi, không biết đi đâu, chỉ viết lại cho anh mấy chữ”. Tôi vội lên nhà anh, nhìn mảnh giấy thấm nhòe nước mắt của chị viết để lại cho anh chỉ vẻn vẹn: “Em đi làm kiếm tiền nuôi con và trả nợ, anh ở nhà với các con! Vợ của anh...”. Vắng chị anh lại ngồi như mỗi lần đi không tìm thấy đồng đội, anh im lặng, trầm ngâm không thể hiện gì ngoài con mắt nhìn xa xăm và những nếp nhăn thêm hằn sâu. Mãi anh mới nói: “Vất chú ạ, bây giờ bệnh tật, vợ yếu con nhỏ không công ăn việc làm, ruộng nương chẳng có, năm hết Tết đến nợ nần thúc ép, cô ấy khổ quá không chịu nổi bỏ lại bốn đứa con cho anh. Thôi! Số thế phải chịu thế chú ạ, anh không trách ai đâu, được thế này là quý rồi, tuy khó khăn nhưng mình còn sống về được với gia đình, có vợ, có con, có bạn bè! Anh chỉ thương đồng đội mười chín, đôi mươi không nhà không cửa, không chăn không đệm, bao năm rồi mãi nằm phơi gió phơi sương heo hút ở sông sâu núi thẳm!”. Anh nói nghèn nghẹn, tôi chưa bao giờ thấy mắt anh ngấn nước, khuôn mặt anh méo mó, đau đớn đến như thế.
*
Tôi lại nghĩ, hay bệnh của anh nặng thêm? Tháng trước đồng đội mất vì tái phát vết thương, anh đi viếng, chôn cất xong những vết thương cũ của anh lại thức dậy. Vào bệnh viện bác sĩ kiểm tra sức khỏe phát hiện thêm căn bệnh ung thư quái ác đã đến độ ba trong hệ tiết niệu của anh. May có chú em ở Hà Nội đưa anh đi bệnh viện Việt Đức phẫu thuật, hiện đang xạ trị. Chiến trận hơn 13 năm anh như con sóc vô hình bom đạn sắt thép đất đá quăng quật dập vùi, rồi hàng chục năm ăn sương nằm đất đi tìm đồng đội, mà anh chẳng hề hấn gì. Liệu lần này ở tuổi “thất thập cổ lai hy” anh có chiến thắng được kẻ thù âm thầm, những tế bào bất hảo không?
Vừa xuống xe bước chân vào cổng, anh rạng rỡ ra đón, tôi ngạc nhiên không biết có việc gì mà hôm nay anh phấn khởi thế. Anh tươi cười bảo: “Chú ngồi đây uống nước”. Tôi ngồi xuống ghế, đối diện là đôi nam nữ ăn mặc lịch sự, chào tôi với giọng Sài Gòn, chàng trai độ tuổi ngoài ba mươi đẹp trai có khuôn mặt giống anh như đúc. Tôi không nhớ hết mười một người em ruột của anh nên buột miệng hỏi: “Chú em là thứ mấy trong nhà?”. Chàng trai: “Dạ…”. Anh đỡ lời: “Đây là chú Hữu bạn của ba, còn đây là vợ chồng cháu Thanh con trai của anh chú ạ”. Tôi tròn mắt, vô cùng ngạc nhiên, sao anh tự nứt đâu đứa con trai lớn thế? Một lúc định thần tôi mới hỏi: “Anh nói em chưa hiểu?…”. Anh chậm rãi nói: “Khi má nó mang thai rồi sinh nó anh có biết mô, Thanh nói chú nghe con!”. Thanh từ tốn nói: “Dạ, con thưa chú! Má và ba con ngày xưa yêu nhau trong chiến trường, chưa làm đám cưới nhưng gia đình và tổ chức đều đồng ý chờ ngày thống nhất. Chiến tranh không may má con hy sinh khi con mới 8 tháng tuổi. Sau giải phóng con theo ngoại về trên Sài Gòn, thông tin của ba con cũng bị thất lạc, cả nhà nghĩ ba đã hy sinh. Gần đây bên ngoại con tình cờ tìm lại được những bức thư ba con gửi cho má, nên con mới tìm được địa chỉ của ba qua Bộ Quốc phòng và Tỉnh đội Thanh Hóa. Hiện con đã có gia đình và có một con trai, một con gái, các cháu đang chơi ngoài sân với các cô đấy. Vợ con đây! Vợ con làm Giám đốc một công ty du lịch, còn con là Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Thanh An ở Gò Vấp chú ạ. Để ba và các cô chú bất ngờ, con không báo trước, con cùng vợ và hai cháu nhỏ xuống sân bay Thọ Xuân về đây tối qua”. Tôi nghe, tai không thể tin nổi, đầu tôi và đất dưới chân đang nóng nở dần ra. Hay anh đùa tôi đây? Tôi ngồi im trấn tĩnh, mình đang thức hay mơ? Thanh lấy ra trong cặp và giới thiệu cho tôi: một chứng minh thư tên Phạm Đức Thanh sinh 12 tháng 2 năm 1972; một tệp gần chục lá thư viết tay đã ố sờn. Thanh nói: “Đây là thư của ba con gửi má con”; một tấm ảnh đen trắng đã ngả màu, “đây là ảnh ba má con ngày trong chiến trường”. Trong ảnh, anh Thụ mặc quân phục, đội mũ tai bèo và bên một người con gái trẻ rất xinh mặc áo bà ba cũng đội mũ tai bèo, khoác khăn rằn, tóc ngắn ngang vai, hai người cùng ngồi trên một chiếc võng dưới tán cây rừng, bên cạnh võng treo khẩu súng AK. Tôi cầm một lá thư viết trên giấy nâu, loại giấy bình dân, thấy nét chữ quen thuộc cứng cáp của anh, mép giấy đã sờn, nét chữ mờ nhiều. Dòng trên cùng bức thư ghi: “Phạm Đức Thụ, ngày 23 tháng 1 năm 1972, chiến trường miền Tây Nam Bộ, Gửi Út Lan thương yêu của anh!”. Tay tôi run lên. Tôi đọc nhanh những lá thư. Trong thư anh viết cho chị với tinh thần lạc quan, cháy bỏng một tình yêu đôi lứa và đầy ắp tình yêu quê hương đất nước. Trong thư có đoạn anh viết dặn chị: “… Sau này chúng mình có con đầu, nếu con trai sẽ đặt tên là Phạm Đức Thanh (Thanh Hóa), nếu con gái đặt tên là Phạm Thanh Mỹ (Thanh Hóa - Mỹ Tho)”.
Tôi chưa bao giờ thấy vợ chồng anh vui như sáng nay. Anh cứ ôm vào lòng hai đứa cháu từ miền Nam ra như sợ nó biến mất. Tôi dang tay ôm muốn nhấc bổng cả ba ông cháu lên. Nước mắt anh và tôi cứ trào ra vì hạnh phúc.
Bùi Hữu Thược