Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Mối tình chàng Lung mù
Mối tình chàng Lung mù

Minh họa: Bùi Quang Đức

Kể từ khi rời quân ngũ, tôi trở về với nghề đường sắt, phụ trách toa xe của mình; cái nghề vất vả đêm ngày theo những đoàn tàu “xuyên Việt”. Tôi gặp gỡ bao người với bấy nhiêu tâm trạng, buồn vui...
Con tàu xập xình, lắc lư, hành khách lắc lư, tiếng ồn ã dội vào lòng đêm sâu thẳm. Tưởng chai lì vì những chuyến ra đi, nhưng bao giờ cũng gặp những điều mới lạ. Tâm sự của mảng đời chợt lóe lên rồi vụt tắt, quên đi trong những chặng đường dài hàng ngàn cây số. Có lúc, tôi ngẫm mình như một bác sĩ gặp lắm con bệnh, có lắm sự trò chuyện niềm nở hay cáu gắt. Tốt hơn hết là tạo cho mình một bộ mặt lãnh đạm vừa phải không đến mức “đâm lê”. Làm sao cho những chuyến ra đi được trót lọt, trở về với ga xuất phát, hít thở sự mát rượi của hơi nước xả ra mù mịt.
Sân ga, chiều về ánh hoàng hôn gần tắt, bóng điện cao áp phụ họa cho sự hư thực. Người nằm, người ngồi, người chạy, kẻ gánh người gồng, người ốm nói mê, lồng gà lồng vịt, người bước khoan thai trên nền ga rải đá trông cũ kỹ, xa xôi như một bộ sưu tập cổ.
Chà! Lại chàng Lung đây rồi. Con đi trước bố theo sau tay vịn lên vai, tay ôm đàn nhị thập thững trên sân ga. Chắc các nước ở trên trái đất đều có người hát rong. Họ có thể bị mù lòa, nay đây mai đó hát bài ca rẻ tiền cũ kỹ hoặc tự đặt ra lời cho đủ loại người nghe. Họ cúi đầu, ngả mũ hoặc nón mê ra:
- Xin quý ngài,... quý bà, quý ông, quý anh, quý chị... đồng loại thương tình...
Người ít lòng nhiều, kẻ hảo tâm hay keo kiệt tung ra tờ bạc lẻ. Có kẻ nghe cả buổi mà chẳng cho xu nào, có bận bàn tay người hát rong sờ vét nón mà chẳng thấy gì, lại trương cổ lên hát...
Gặp những nghệ sĩ loại này tôi cứ để mặc họ đi lại trên toa. Dù sao họ cũng làm cho toa xe vui lên trong cuộc hành trình. Nhưng đây là Lung mù bạn của tôi cùng đứa con đang dắt nhau đi. Tôi không thể nén được, hỏi dăm câu chiếu lệ, mà phần lớn người có chức trách như tôi họ thường lẩn tránh.
- Anh Lung, đến đã lâu chưa?
- A! Chào anh Bùi, may quá tàu của anh đấy à!
- Nghe nói Lung về làng đan thuyền nan bán kiếm sống rồi cơ mà!
- À, vì nhớ những chuyến đi xa... - Lung nói như hát. Chuyển tay từ vai đứa con trai sang vịn lấy vai tôi. Miệng không ngớt kể chuyện về làng quê mấy tháng qua. Nào là Sinh Râu mới vừa cưới cô vợ hai bằng tuổi đứa con gái đầu, tay Lật “Chí Phèo” đào vàng trúng quả đậm... Hẳn khách hành trình đều thấy lạ, sẽ tự hỏi, anh ta là ai, quan hệ với tôi ra sao. Điều này tôi sẽ kể. Nhưng thật ra, đó là một người xa lạ, chẳng phải bà con ruột thịt của tôi. Anh ta là “Lung mù” mà mọi người đều biết, đi hát rong trên những chuyến tàu “xuyên Việt”.
*
Năm 1975, từ chiến trường miền Nam ra Bắc, tôi gặp Lung đi hát rong trên tàu. Một bàn tay đặt trên vai đứa bé trai chừng 5 tuổi, tay kia ôm đàn, chiếc nhị được khoác chéo trên vai y hệt người đeo súng. Một chiếc túi phòng hóa đeo trễ bên hông. Lúc ấy, người ta ưa mốt dùng túi phòng hóa. Lung đeo chiếc kính râm, nên tôi chưa nhận ra anh. Hơn nữa sau những ngày đêm ngồi tàu xe vất vả tôi cũng chả thiết xem người hát rong. Nhưng tôi không thể làm ngơ trước cái miệng nhễu ra, méo xệch nhưng từ đó lại tuôn ra những lời tròn trịa, ngọt ngào: Thì... người ơi... chứ người ở... đừng về... ì.
Dạo ở trận địa pháo Hàm Rồng, tôi và Lung từng thức cả buổi trưa trong cái miếu của anh để tập hát. Tập đi tập lại chẳng tài nào cho đúng nhịp, có lúc Lung đã phát bẳn chê tôi:
- Trời ơi! Tôi mà được cái miệng tròn như anh nhỉ. Tại sao anh có cái miệng duyên mà hát ngán vậy?
Tôi làm sao mà chịu trách nhiệm trước cái giọng khê nồng của mình. Không hề tự ái, tôi say sưa tập theo sự hướng dẫn của Lung. Rồi mỗi lần liên hoan văn nghệ, hát mừng chiến thắng, tôi ưỡn ngực đứng trên sân khấu hát toáng lên đủ bài. Lung đệm đàn, cố nhiên là anh phải phụ họa lấn lướt đi cái giọng chói tai của tôi. Có lúc tôi cứ như người cầm rào mà chạy, anh phải bấm vào chân tôi ra hiệu cho hãm phanh lại.
Tôi quý Lung không phải chuyện cùng một lứa tuổi, hay mê thích văn nghệ mà chính cuộc đời éo le của anh. Nhà cửa ngay trận bom dội đầu tiên đã tan nát cả. Bố mẹ anh chết từ đời nào chẳng rõ, không còn ai là ruột thịt để nương nhờ. Anh ra trại chăn nuôi hợp tác ở, nhưng trại chăn nuôi lợn cũng bị bom phá nốt. Thôi, nhờ ai được trong lúc bom đạn này, anh ra ngay miếu thờ cạnh hang đá để trú ngụ. Anh nói với mọi người:
- Tiếc nhất cái đàn bị vỡ... Đời thật chán bỏ xừ đi!
Anh có cái buồn mà mới gặp làm sao ta hiểu được. Dáng hình dị dạng, bàn tay ác độc của tạo hóa đã bóp méo cả con người. Mắt mù, ngồi bất động lắng nghe màn đêm dài triền miên trôi đi. Không ai nhớ đến có anh ở trên đời này. Sau vài lần vui đàn hát với cánh lính, tôi đã đến gian miếu nhỏ của anh. Lung tâm sự: “Cái đời chán bỏ mẹ đi. Người ta có mắt đi đánh giặc, có mắt, làm cái quái gì cũng được cho nó phỉ chí làm trai. Thà cứ mất quách đi một tay hoặc một chân mà có mắt để nhìn đời nhỉ? Vị trí nào cho mình đánh giặc, có vị trí nào cho người mù hở ông?”. Tôi biết giải thích bằng cách nào cho anh vơi đi nỗi buồn bất tận ấy?
Một lần, tôi xuống giếng cạnh hang đá anh ở để tắm. Bắt gặp anh đang đứng trên mỏm núi đá ngửa mặt lên trời. Trên bầu trời máy bay hàng đàn đang bổ nhào, bay lượn loạn xạ. Ở hai hố mắt của anh ứa đầy nước... tôi không dám gọi, nhìn anh ái ngại.
Một lần khác, tôi lại vào làng đi tắm, thấy Lung treo một quả bom nhỏ trên cành cây ở mỏm núi đá hôm nọ anh đứng, miệng dõng dạc hô như một chỉ huy cao xạ kỳ cựu:
- Bổ nhào, nằm xuống!
- Bay ra... ngồi dậy?
- Bay vào...
Tôi không thấy ai làm theo khẩu lệnh của anh cả. Cánh đồng trưa đầy hố bom, hoang vắng một màu trắng bạc.
Rồi Lung cũng kiếm ra việc làm. Anh làm người đánh kẻng cho bà con vào hang đá trú ẩn máy bay. Không hiểu ai đặt cho cái miếu anh ở cái tên “Sào huyệt Lung mù” - là nơi đi lại, chuyện vãn của bộ đội, thanh niên xung phong và dân làng.
Ai qua cũng hỏi chõ vào mấy câu:
- Anh Lung ơi? Có nhà không?
- Ai đấy? Lung có nhà đây?
- Cơm chưa, anh Lung ơi?
- Rồi, từ chiều kia! - Nói là từ chiều cho nó oai, chứ Lung ăn uống thất thường, một nồi cơm ăn hai buổi. Tiện thể, có ai mời cũng lùa vài bát cho qua chuyện.
Tôi hỏi Lung, làm sao anh biết được máy bay bổ nhào, máy bay bay ra. Lung cười cái miệng méo xệch:
- Mình thấy quái gì đâu, do người khác nhìn thấy nói với nhau mà mình nhớ. Có khi lại chính xác hơn người có mắt ông ạ.
Một lần sau buổi liên hoan mừng bắn rơi máy bay giặc Mỹ. Lung nắm lấy cánh tay tôi như người cầu cứu, với giọng tin cậy: “Mình không vác được đạn, không bắn được súng, nhưng hát với cây đàn “nhà quê” cũng là đánh Mỹ phải không ông?”. Thật buồn, khi nghĩ lại, sau mỗi lần hoan hỉ mừng chiến thắng, chẳng ai nhớ ghi tên anh vào danh sách những người có công trạng. Lung chẳng bao giờ có ý nghĩ ấy, cái miệng méo xệch do cố tật, cây đàn vẫn buông ra những lời ngọt ngào. Tiếng hát ấy tưởng như từ nơi miệng và lồng ngực của người khác.
Hôm gặp Lung sau năm năm xa cách, tôi mừng rơn. Định đến ôm chầm lấy bạn nhưng đã kịp nén lại. Tôi len qua người xem hát, cố tình đưa cái lưng áo có mùi chua khét bởi cuộc hành trình vào mũi Lung xem sao. Lung túm lấy vai tôi, cặp mắt trống trơ, cái miệng méo xệch chực quát:
- Ôi trời… cái ông? - Cặp mắt chực chỉ dừng lại - Bùi hả Bùi? Chúng tôi ôm lấy nhau trước sự kinh ngạc của mọi người. Lung vơ bạc cho vào túi phòng hóa rồi đến ngồi cùng tôi. Anh bảo hòa bình rồi, đi thăm đất nước cho nó sướng. Bây giờ có phải chỉ một mình đâu, còn con nữa...
- Lung lấy vợ từ bao giờ! - Tôi hỏi.
- Sau khi các ông kéo pháo vào Nam.
- Vợ ông là ai thế?
- Toàn!... có nhớ Toàn thanh niên xung phong - “Hoa khôi” ấy mà!
- Toàn!... Tôi run lên không thốt ra được lời nào. Miệng đắng lại. Toàn, cô gái xinh đẹp, tôi từng theo đuổi.
Chúng tôi im lặng, không ai muốn nhắc đến chuyện Toàn.
Sau này mặc dù gặp Lung trên tuyến đường Bắc - Nam tôi cũng chẳng bao giờ đả động đến. Tôi vẫn nghe Lung hát. Được anh đãi bát bún, tôi mời anh tô phở rất sòng phẳng kẻo anh lại phát khùng lên nói dỗi:
- Ông sợ tôi không có tiền à? Ông khinh tôi mù lòa phải không?
Đêm nay, sau phận sự của công việc, khác với lệ thường, Lung đến ngồi cùng tôi ở toa dành cho trưởng xe. Khác với mấy lần trước tôi cố mời anh cứ từ chối. Mình ngồi chỗ nào chả được. Ai lại làm phiền đến ông. Đã không mua vé lại còn... Mình đi hát phục vụ mọi người, ai cho cái gì cũng nhận để sống và nuôi con. Chỉ thương con, nó thất học, nay đây mai đó học làm sao được. Dừng lại một lúc, Lung nói thêm: Vả lại mình đâu biết chữ mà dạy.
Chiều ý Lung, tôi cũng làm một ly rượu. Lung bảo: “Mình định không kể với cậu, đem chuyện vợ con xuống dưới mồ. Nhưng lại thương thằng cháu Cường - tên của cháu do Toàn đặt đấy? Bùi có hiểu không?”. Vẫn cái miệng méo xệch như nét chấm phá vội vàng của nhà điêu khắc chán đời, vẫn con mắt nhìn người khác như thôi miên mà chẳng thấy gì. Giọng Lung ngùi ngùi...
*
Ngày ấy, mình ở trong hang đá. Ở cách miếu, có giếng nước chảy trong vắt. Dân làng, bộ đội, thanh niên xung phong vẫn ra lấy nước ăn và tắm giặt. Mình không biết tìm nơi nào ngoài gian miếu nhỏ này. Chả hiểu ai đặt cho cái tên “Sào huyệt Lung mù” nghe cũng hay hay. Người làng sơ tán vào núi đá ở xa để tránh bom đạn. Mình ở cạnh đây còn lên trận địa, gặp gỡ bộ đội vui hát hò cùng họ. Lúc gặp bom đạn, thì có ngay hang đá cạnh miếu để trú ẩn. Mù lòa, mình có phàn nàn cùng ai đâu, phỏng có ích gì. Lấy chuyện đàn hát, văn nghệ cho nó khuây khỏa nỗi buồn. Ngoài bộ đội ra, còn có các đơn vị thanh niên xung phong, họ vẫn hay qua “Sào huyệt Lung mù”. Họ ra cầu, ra đường san lấp hố bom, hễ ngớt tiếng bom là họ ra đi. Có khi họ thức suốt đêm để hàn đường. Lúc về, họ dội nước ào ào để tắm, cười như phá trời trêu nhau. Dĩ nhiên là mình không ngủ được có ngủ họ cũng kéo dậy.
- Anh Lung tắt đèn rồi à, còn thức không anh?
- Ai gọi đấy?
- Có nhận ra em không?
- Hằng phải không?
- Còn ai nữa nào?
- Lam phải không?
- Phải rồi, còn ai đang hỏi anh nữa?
- Toàn - “Danh ca”, có đúng không nào?
- Ôi! Anh Lung giỏi quá - Các cô gái cười, làm xao động cả lòng đêm. Chợt nghĩ ra điều gì, họ lại cười ré lên trêu.
- Anh Lung ơi!
- Gì thế Lam?
- Cái Toàn nó cứ nhắc anh luôn, nó bảo anh đệm đàn cực kỳ. Nó mê anh lắm đấy. Các cô gái đấm lưng nhau cười.
Biết là họ đùa, nhưng nghe nói Toàn nhắc đến tên mình, làm mình hồi hộp làm sao. Ông có bao giờ thế không? Khi người ta đánh thức lòng trắc ẩn của mình dậy. Mỗi lần có cô gái làng dẫn lên trận địa, đặt tay trên vai họ mình không hề xúc động. Nhưng mỗi lần đàn cho Toàn hát, bàn tay em đặt trên vai mình, làm cho mình run lên. Từ nơi bàn tay của Toàn có cái gì đó lạ lắm. Ở nơi Toàn tỏa ra một hương vị đặc biệt. Mình nhận biết được là khi Toàn từ nơi giếng tắm ào vào gian miếu của mình. Ông biết không, khi các cô gái này từ giếng vào, miệng thì chào “Anh Lung” nhưng thay quần áo tự nhiên như không. Họ thừa biết là mình chẳng nhìn thấy gì nên chẳng hề e thẹn. Họ tin cậy vào sự mất mát đôi mắt của mình mà không gìn giữ như đối với người đời. Trời lại phú cho mình nhận ra được hương vị đặc biệt của mỗi người. Buồn cười, sau khi họ tắm giặt xong thường vào miếu yêu cầu mình đệm đàn để hát. Hò hát chán, bày trò đoán tay, không phải là xem tướng số đâu. Họ đưa tay cho mình cầm, rồi hỏi xem bàn tay của ai... Những lần ấy mình muốn cầm lâu hơn bàn tay của Toàn, vì nó ấm áp quá... Mỗi lần chạm vào bàn tay em mình trở nên luống cuống, một tâm trạng khó tả lan tỏa khắp người. Mình biết, làm sao Toàn có thể yêu một người tật nguyền như mình, trong khi có biết bao chàng trai giỏi giang dập dìu quanh nàng. Thôi, hãy ngồi mà gẩy cây đàn “nhà quê” cùng nỗi lòng tan nát vì nhớ nhung.
Có lần đang ngồi đàn, mình nhận ra có người lẻn vào miếu. Một “hương vị” của ai đó, nói ông không tin đâu. Đó là Toàn lẻn vào, ngồi lặng yên không nói gì. Cánh lính của ông đi tắm bình luận về vẻ đẹp “mê hồn” của Toàn. Nào là phoóc cân đối, màu da trắng mịn, đôi môi đỏ như quét son, nụ cười tươi, gợi cảm... Mình đâu có nhìn thấy gì, cảm giác về vẻ đẹp được biết qua hương vị từ Toàn tỏa ra. Nếu tạo hóa mà lấy nốt đi của mình khả năng ấy, có lẽ mình không thể sống nổi. Mình biết có Toàn ngồi nghe, mình vẫn cứ đàn nhưng đôi tay rã rời. Trái tim của mình đập mạnh tưởng chừng muốn vỡ ra như chơi. Cả hai ngồi bất động. Mình hít thở không khí mát lành mà tạo hóa cho được tận hưởng. Dường như không chịu nổi sự im lặng hóa đá đó, Toàn cười giòn tan, lên tiếng trước:
- Kìa anh Lung, sao không đàn nữa đi?
- Ô kìa! Ai thế nhỉ? - Mình vờ vịt như không biết.
- Toàn, em đây mà! - Toàn khẽ nói, lời rắc ra từ tiếng cười.
- Rứa? Em đến khi mô?
- Đố anh Lung, nào?
Đôi tay mình như có ma lực, nhảy múa trên phím đàn. Mình ước gì có sự linh nghiệm của thần linh, làm cho mắt mình sáng lên, dù chỉ một lần để được nhìn thấy em...
Tôi thật không tài nào hiểu nổi tình yêu đi bằng ngõ ngách nào, cách cảm nhận của phụ nữ ra sao. Chỉ biết ngày ấy tôi cũng yêu Toàn đắm say. Ngoài lòng ham mê chiến đấu của tuổi trẻ ra tôi chờ đợi lúc gặp Toàn để thổ lộ trái tim yêu thương của mình. Tôi khao khát có Toàn lên cùng tiểu đội. Đồng chí Ngà, tiểu đội trưởng, cũng đoán được tâm trạng ấy nên thường hay tạo điều kiện cho tôi gặp Toàn. Có lần, Toàn lên chơi khuya quá chẳng dám về, tôi được Ngà cử đưa em xuống núi. Đoạn đường hai cây số mà tôi chẳng nói được câu gì cho ra hồn. Có lúc tôi muốn cầm lấy tay em mà nói: “Toàn ơi, anh yêu em. Anh yêu thật đấy mà...”. Nhưng chẳng nói được ra lời. Đã thế lúc về trận địa tụi lính trong khẩu đội lại xúm lại trêu:
- Nào, thử ngửi miệng xem có mùi vị gì khác không.
Tôi nào biết được Toàn lại yêu Lung, tình yêu có lẽ cũng có sự mù lòa chăng?
- Mình yêu Toàn thật rồi? Lung kể tiếp. Đêm vào sâu, con tàu ngặt ngừ như buồn ngủ. Tiếng chuyện trò chỉ còn một giai điệu rì rầm xa xôi. Lung vẫn tỉnh như sáo, cặp mắt trống trải ngơ ngác. Một đường ngôi rẽ giữa đỉnh đầu xuống vầng trán gồ ghề. Cái miệng méo xệch như đang hát một bài ca xa xăm đầy khó nhọc. Trên mép đã lún phún mọc một hàng râu xanh mượt làm cho bộ mặt thật ngộ nghĩnh. Bộ quần áo gụ sạch sẽ, khác với người đi ăn xin. Chiếc đàn bóng mịn như hộp ngực do sự đánh bóng của áo quần và mồ hôi.
“Mình yêu Toàn thật rồi...”. Nghe Lung nhắc lại mà lòng tôi xót xa, bởi tôi cũng đeo đẳng Toàn mà chẳng được em đền đáp lại. Tôi viết thư, lại còn thức cả trưa trên pháo làm thơ tặng em, mà em chẳng chấp thuận. Khổ đời tụi lính cứ khen tôi có thế đẹp trai, thế mà chẳng ăn nhằm gì. Có lẽ tình yêu có một ngõ ngách nào khác chăng.
- Mình muốn nói với em bao điều... vẫn lời Lung kể - Muốn bộc lộ tình yêu tha thiết của mình. Nhưng một tiếng nói từ đáy lòng mình, làm mình chột dạ. Lung ơi! Làm sao mày có thể đáp lại tình yêu của Toàn. Mày đâu có “danh mục” ở trên đời này. Mày lấy gì để nuôi con cái... Mặc kệ, tình yêu bao giờ cũng mạo hiểm. Nếu được trả lời trắng ra được chấp nhận ngay còn có gì thú vị nữa. Anh đuổi bắt vờn theo, mê muội và thành kính. Lung dừng lại hồi lâu khi tôi mồi cho anh điếu thuốc, anh rít lấy những hơi dài, đầy thú vị đoạn kể tiếp. Mình đàn khi nhớ Toàn, khi Toàn ra mặt đường san lấp hố bom. Toàn lẻn vào miếu ngồi nghe như một sự thỏa thuận ngầm. Mình muốn kéo dài phút giây xúc động của lòng mình, gửi gắm tiếng đàn cho Toàn. Có lúc, bom bỏ ngay ở gần cửa miếu mà mình và Toàn chẳng hề vào hang đá ẩn nấp. Mình tưởng tượng ra gian miếu của mình bay lên một hành tinh nào khác lạ.
Có một lần mình đã buông cây đàn, đến nắm lấy bàn tay Toàn, Toàn cũng run rẩy trong bàn tay run rẩy của mình.
- Toàn ơi? Anh yêu em... - Mình quỳ xuống - Có ai bảo rằng anh không được yêu em.
- Anh Lung ơi? Em biết, em biết... Toàn kéo mình đứng lên, ôm lấy mình. Đặt nụ hôn trên môi mình ướt đẫm nước mắt. Đến chết mình cũng không quên được cái hôn thơm phức của em...
Một năm sau Toàn sinh cu Cường. Lúc đó các cậu đã kéo pháo vào phía Nam. Mình vẫn ở gian miếu nhỏ ấy. Nhưng giờ nó trống trải làm sao. Đơn vị thanh niên xung phong của Toàn cũng chuyển ra núi Nhồi. Thời gian này Toàn biết bao khổ đau, dằn vặt. Người đi qua, “Sào huyệt Lung mù” hỏi chõ vào mấy câu:
- Chàng Lung ơi? Còn thức không?
- Ai đấy, còn đây mà? - Mình vui lên khi có ai gọi, tưởng là gặp bạn bè cũ.
- Sao không ra mà nhận con đi, Toàn nó nhắn đấy?
- Thật khổ cho cái Toàn, đẹp là thế, giỏi giang là vậy lỡ với ai chứ Lung mù có người nói vậy. Mình nghe mà xót xa.
Con tàu rùng mình rồi dừng lại đột ngột. Đứa con của Lung lồm ngồm ngồi dậy, nó nép vào ngực Lung gọi “Bố ơi”. Lung khẽ xoa đầu con như dỗ dành trẻ nhỏ: Ngủ đi con, đường còn xa lắm!
Con tàu hốt hoảng lao đi trong đêm sâu thẳm. Tiếng hú dài như lời than vãn vào xa xăm.
*
Đó là những ngày khổ đau của đời mình - Vẫn Lung kể. Mình với cây đàn ngồi tụng kinh. Mình nhớ Toàn xiết bao, làm sao ra được nơi em, nghe em nói, được trái tim em ủ ấm... Đêm đã về khuya rồi. Có tiếng ô tô tắt máy đỗ xịch ngay trước miếu. Tiếng gọi thất thanh:
- Anh Lung ơi, còn thức không? - Qua tiếng nấc Hằng và Lam bảo Toàn bị thương nặng gọi mình đến? Ô tô lao trong đêm, mình chẳng biết là đi đâu. Chừng hai tiếng sau thì đến nơi. Họ dẫn mình vào một hang đá ẩm ướt. Mùi thuốc tiêm, mùi cồn xông lên nồng nặc, tạo ra một cảm giác khó thở. Mình loạng choạng khi cầm được bàn tay của Toàn. Bàn tay em ấm áp là thế mà nay lạnh lẽo. Nước mắt, nước mắt của mình hay của Toàn mình chẳng biết nữa. Toàn kéo đầu mình xuống ấp vào mặt thều thào, không ra lời:
- Anh ơi? Em không thể sống để nuôi con. Anh tha thứ cho em. Chiến tranh không thể gửi con cho ai được, bạn bè còn lo nhiệm vụ, biết nơi nào an toàn hở anh. Bố nó hy sinh rồi? - Mình khóc thương cho thân phận của Toàn và của mình. Ngừng một lúc Toàn nói như nghẹn trong cổ - Thôi, trời và anh thương mẹ con em?!
Con tàu kéo một hồi còi dội vào lòng đêm sâu thẳm... Tu... tu... tu... uuu...
Tôi buột miệng hỏi một câu vụng về: Thế bố của cháu Cường là ai?
Lung không trả lời câu hỏi mà kể tiếp: Cái đêm mình ngỏ lời cùng Toàn ấy, Toàn nước mắt giàn giụa nắm lấy tay mình. Em biết tấm lòng của anh nhưng em đã yêu rồi. Anh tha thứ cho em, nghe anh. Anh Ngà và em đã... yêu nhau lâu rồi... Mình nhớ ra cái đêm Ngà tiểu đội trưởng của cậu và Toàn ngồi ở miếu tâm sự. Mình ngồi trên mỏm đá đánh đàn, tiếng đàn cũng hoang vắng như lòng mình.
Còn tôi, tôi đã kể cùng Ngà rằng mình yêu Toàn. Anh đã động viên tôi cứ đến với Toàn. Mỗi lần tôi ra đi gặp Toàn, bây giờ tôi mới nhận ra nỗi oằn đau, nén chịu trong anh. Trước lúc hy sinh anh cầm lấy tay tôi như muốn nói điều gì mà chẳng nói được nên lời.
Phần đêm còn lại cả tôi và Lung không tài nào ngủ được. Con tàu, sau một chặng đường dài, mệt mỏi đỗ xịch ở một ga hẻo lánh miền Trung. Tiếng rao, tiếng mời chào không làm nguôi ngoai trong tôi.
Mình còn đi! Đi tìm quê của cháu. Nuôi cháu thì được thôi. Nhưng mình sợ nó thất học. Tiếng Lung âm trầm thốt ra từ cái miệng méo xệch.
Tôi xoa đầu cậu bé, muốn nói một điều gì mà chẳng ra lời.
Cường ngước mắt nhìn tôi. Ôi! Tôi không nhầm đâu, có lẽ cái nhìn của Toàn.
Bình minh chiếu trên sân ga. Bóng Lung và đứa con như bị dán vào nền trời.
            

T.N.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 104
 Hôm nay: 6882
 Tổng số truy cập: 9252793
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa