Xường Cài hoa của người dân tộc Mường - Vương Anh
I. Xường Mường
Xường, tiếng Mường là Xướng - Có nghĩa là Lời thương. Tùy thổ âm, có nơi gọi là Xlướng, thướng (Xlường, thường). ở các vùng mường Thanh Hóa như: Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Lang Chánh có các mường lớn: Mường ống, Mường Ai, Mường Phấm, Mường Khô, Mường Dồ, Mường Deng, Mường Rặc, Mường Yến, Mường ứn, Mường Bằng... Người ta hay gọi là Xướng (Xường) hơn là thường (thướng).
Xường các vùng nêu trên là Xường Mường trong. Mường ngoài được nói đến các huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) và tất cả các Mường của tỉnh Hòa Bình đều gọi là Thướng (thường).
Xường được gọi riêng là Xường (Xướng), và gọi cặp đôi với Rang (đang), có người cho hai thức này là một: Vé xướng, tèng rang Dịch là: Nói Xường, hát rang, hoặc: Trẩy xướng pơn ngáy/ Khuảy rang pơn hôm... Dịch là: Hát Xường ban ngày/ Quãy rang ban đêm...
Đó là cách gọi ở Mường trong, còn ở Mường ngoài: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động, Mường Khến, Mường Khang... thì có câu: Đọc thướng, rướng rang, vang xiểng/ Iểng thướng, puôn rang, mểch cloóng... Dịch là: Săn thường, khiểng rang, mang tiếng/ Nhòm thường, buôn bán rang, mất lòng...
Xường được diễn xướng, dùng chủ yếu trong việc ca ngợi, tôn vinh, nhằm phản ánh những nguyện vọng lạc quan, yêu đời, phấn chấn, nhắn nhủ, gửi gắm, ước hẹn, mơ ước của quần chúng lao động. Ngoài ra, Xường không những có mặt ngợi ca, có hát mừng, hát chúc, hát đùa, hát vui, hát ướm, hát kể nhân tình thế thái, hoặc răn dạy, khuyên nhủ... mà nó còn bao gồm cả một hệ thống Xường lên ngôi: Xường trữ tình, sử dụng trong các đám hát trao đổi, tìm hiểu, gắn bó, mai mối giữa trai gái - gọi là Xường trai gái. Nhóm xường này không những là hàng chuỗi những lời ca thống thiết, ân tình mà cũng còn là không ít những tiếng nấc, tiếng thở than, khi mà họ: “Chơi không nên cửa, nhởi không nên nhà”, do đẳng cấp cách biệt, hay do “Bố mẹ tham trâu chật ngõ, bò chật chuồng, bạc vàng đầy mâm son - chú bác, họ hàng tham ăn, tục uống...” Đã có Xường chác, Xường vạc, Xường khùng bởi đã cho kẻ giàu có hơn họ được “Tháng một đặt buồng cau áp, tháng chạp mang buồng cau tơ...” đuổi bắt lấy người con gái phải bỏ lìa người bạn tình vốn đã say, đã bén Xường tình, Xường ước từ lâu mà phải làm vợ với một kẻ không ngãi, không tình.
Bởi vậy, về danh nghĩa và luật chơi hát xường: Người ta cấm kỵ, kiêng đánh (Tèng) Xường (Xướng) khi trong cửa, trong nhà, trong họ hàng, làng xóm có người ốm nặng, tang ma, hoặc một điều gì bất hạnh khác: hổ vồ, gấu xé, lợn rừng vặc, trâu húc... Nhưng Xường ở Thanh Hóa lại lánh xa với những bài trách oan cho cảnh cô gái đẹp đi làm dâu khổ cực, cảnh tan đàn, xẻ nghé, cảnh chạy lũ lụt, chay loạn, cảnh đói nghèo, hoặc nhiều điều ai oán, không may khác.
II. Về xường Cài hoa
Xường Cài hoa, tiếng Mường gọi là Xướng cái va, có nơi gộp cả vào Xường bông (còn gọi là Pồn Pôông). Tuy nhiên, Xường Cài hoa nó có khu biệt riêng để: “dẫn đường, dắt mối” cho nghệ nhân Xường cài hoa trổ tài ứng vận, đối đáp, đua tài. Xường Cài hoa ứng vận trong đêm hội pồn pôông và ứng vận nhiều nhất là hát Xường cài va tự do trên nương, trên cánh đồng, đi chăn thả trâu bò, đi hội lễ, v.v...
Tiếng Mường: Va tức là hoa (từ cổ), Pôông (bông) từ Việt hóa. Cài hoa, hay gài hoa cùng chung một động thái: dùng ý tứ ngôn lừ rút ruột được cái hay, cái đẹp cái tôn trọng của một loài hoa đem khoe ra, phô diễn, phô bày bằng vần thơ, nhịp điệu Xường cài: Em đi chìn lôồng, mưới láng/ Pôổc xướng cho xéng trăng xuồng ngò/ Pôổc xò cho khầm lôống khàng pa/ Eng đi vé xướng cái va cho tủa cần hài... Dịch: Anh đi chín bản, mười làng/ Thức Xường cho trăng trong xuống ngó/ Lay gió cho sấm động tháng ba/ Anh đi hát Xường cài hoa để kịp mùa cấy gặt...
Xường Cài hoa trong sinh hoạt đời thường: Diễn ra bất cứ khi nào có dịp đi nương, rẫy, đi cấy cày gặt hái, đi be bờ tát cá bên suối, đi trồng cây, đi hái măng, đi tìm ong mật, đi đuổi muông thú, chim chóc... Họ có thể cất lên Xường Cài hoa một mình, hoặc hai ba người đối đáp. Bất kể người già, người trẻ, thanh niên nam nữ, người có vợ có chồng... vẫn là các đối tượng được khen ngợi, thách thức trong cách vận các lời Xường Cài hoa.
Tục lệ hát Xường Cài hoa theo mùa: Xuân, hạ, thu, đông hoặc theo mùa nở của từng loài cây hoa. Hát Xường cài hoa theo bốn mùa là lẽ thường tình. Mùa nào thức hoa ấy, thấy mầu sắc sặc sỡ quyến rũ của hoa là lời xường cài cất lên. Anh hát với ả, chị hát với anh, chú hát thăm bác, bác hát nhắn cháu; Ông hát gửi cuộc đời, bà hát tặng con cái, bà con xóm giềng.
Ngoài không gian rộng lớn, cánh đồng bậc thang xếp như mâm chồng lên nhau, có thác suối, có đèo heo hút, có cánh mương xanh, có võng núi nhấp nha, nhấp nhô, cưỡi lên bè luồng, bè gỗ, bè nứa xuôi dòng sông con, sông cái... còn có cả nơi chốn nhà sàn thanh bình, ngồi hóng gió ở cửa sổ tôông, ngồi đan chài, đan lưới, vót nan, chẻ lạt, thưng rổ, rá, ớp, gión; đẽo nắp dao, làm thân nõ, đục đẽo cột nhà.. Tất cả những vị trí, địa điểm trong sinh hoạt đời thường thì người con trai tức cảnh hát Xường Cài hoa.
Với phụ nữ: Thường là các địa điểm diễn ra hát Xường Cài hoa cũng đa dạng: khi ngồi khung cửi dệt vải, quay xa kéo sợi, tuốt lá dâu trên nương, ngoài bãi; đi gặt hái ngoài ruộng, nương, đi chợ xa, đi be suối tát cá, đi hái lá, tìm rau trong rừng, đi đến xem hội lễ.v.v... Các thiếu nữ, các bà, các mẹ đều có thể phấn khích hát vài bài Xường Cài hoa để “làm bạn đường”. Bởi vậy các hình thức diễn hát sẽ rất tự nhiên:
1. Xường Cài hoa một mình
Ở tất cả các địa điểm như trên, Xường Cài hoa phần hát một mình vẫn có vai trò chủ đạo trong đời sống người Mường. Đó cũng là cốt cách người Mường giao hòa với thiên nhiên, thử tài vận lời thành vần điệu - mà nay ta gọi là sáng tác. Đối tượng vận lời Xường là các loài cây, loài hoa vốn sẵn có trong thảm thực vật: trong vườn nhà, bờ nương rẫy, trên đồi, núi, trong thung lũng và đại ngàn...
Người độc thoại xường trong cảnh mênh mang ấy: Lấy tên hoa, dựa vào sắc mầu, nhìn ngắm cánh hoa, nụ hoa; đến từng bông, từng nụ, từng nhánh, từng chùm: ... Nói điều xường bông thùa lùa một bữa/ Cây thùa lùa khoe giữa đồi bái/ Cây đứng đợi giữa bờ đường/ Cây giàn hàng ở quanh bờ rẫy/ Loài này là cây thùa lùa vàng/ Cây xum xuê là thùa lùa bạc (Bông thùa lùa).
2. Xường cài hoa có đôi
Có thể coi như sân chơi của “Xường trai gái”. Cũng diễn ra trên một không gian hài hòa: núi non, suối, rẫy nương, trên bãi thả trâu bò, trong chòi canh nương, trong đám hội (mà đôi trai gái thách thức nhau vận ý, vận lời về hoa), trong tiệc mừng... Xem ra Xường Cài hoa, cài bông rất trong sáng, tự tin, tự nguyện, công bằng, công khai, không giấu giếm.
Đây là lời ướm gần gần, xa xa: ... áo nào áo chẳng chùng/ Từ cái thuở cây dâu múa lá/ Từ cái hoa cây dâu níu kéo/ Bông nở, hoa nẹn, bông thương, bông mến/ ... Bông dâu nào rộng mở/ Xin dâu nào chẳng rằng/ Đời bông dâu cặp cặp, kè kè/ Còn gì nữa mà thăm chơi hái lá! (Bông dâu).
3. Xường cài hoa trong lễ pồn pôông
Xường cài hoa trong lễ Pồn Pôông (Vờn múa quanh cây hoa). Cây hoa tạo nên từ gỗ cây Cháng páng (Chạng bạng), chọn cành vừa lóng nứa, tước vỏ ngoài để lộ phần gỗ trắng, mềm; dùng dao cau sắc ngọt, gọt lựa thành những bông hoa đồng tiền, đem nhuộm tô nhiều mầu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng... rất tươi đẹp. Kết thành từng chùm, mỗi chùm vài chục cái. cắm vào cây trụ bằng luồng đã được đục khắc. Mỗi khấc cắm một chùm gọi là một xớng (một tầng). Cây hoa có lừ 3 tầng đến 13 hoặc 15 và nhiều tầng theo mỗi mùa lễ hội. Cứ mỗi năm là cắm thêm một tầng hoa. Người chủ đám thường đốm mùa màng tươi vui, được mùa theo tầng cây hoa năm ấy. Đêm hội mở ra lừ mội đến vài đêm. Các nam thanh nữ tú mọi vùng Mường, làng bản kéo đến. Có người ở xa vài chục cây số vẫn nhớ ngày hội Pồn Pôông mà tìm về. Có người bà con ở mường này, mường khác; ở Hoà Bình, Nghĩa Lộ, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình... Đã có dịp về thăm và dự một hội lễ Pồn Pôông nào cũng rất nhớ và mong đến ngày hội là đi ô tô, xe máy, xe đạp, đi bộ về thật đúng hẹn.
4. Xường Cài hoa trong cúng vía thương tho:
Đó là trường hợp trong lễ cúng vía “Kèo khi kèo kheng” dịch là: Kéo cành si, kéo cây sanh, liếng Mường còn bao hàm cầu mong sự trường tồn, sự vĩnh cửu của tuổi tác, sự ước mong dẫu chưa biết thành bại đến mức độ nào, nhưng trong lễ làm vía “Kèo khi, kèo kheng” ai cũng ao ước cho người già được an bình, trường thọ. Người dám làm, đòi làm cái việc “làm ma” trước cho mình. Lễ vía “Kèo khi, kèo kheng” của người Mường na ná giống lễ cầu thượng thọ của dân tộc Kinh. Tuy nhiên lễ cúng vía của người Mường còn một chương khúc lời cúng bằng lời hát Xường Cài hoa khi linh hồn người đến cõi trời trung (người Mường xếp cái tầng trời: Trời thấp, trời trung, trời cao), đến đây - tại nhà Keo Reng: linh hồn còn được chơi tung còn, Xường Cài hoa, pồn pôông lần cuối rồi hồn siêu thoát. Lời Xường nhắn nhớ, nhắc đến những loài hoa trong núi, trong rừng, trong vườn, rẫy nương. Hoa của thiên nhiên, hoa của con người trồng trọt, các loài cây ăn quả, các loài hoa cỏ dại đều là đối tượng nghệ nhân bắt vận nên bài Xường bông, Xường Cài hoa. Ví như các loài hoa: Bân bấn, tóc tiên, lòm tom, chanh, quế, quít, vừng, dứa gai, cỏ, mát, môn, mít,...
Ở giao điểm cuộc làm người và thần chết, con người vẫn gọi tên các loài cây, các loài hoa như là nhắn nhủ người ở lại: Hãy chăm nom giống loài. Hãy biết nhận mặt loài hoa nào tốt xấu. Loài cho quả ăn no, ăn ngon, ăn để sống, loài nào có hoa, cho trái độc... Tất cả đều là bài học kinh nghiệm truyền đời mà bảo ban nhau. Hồn vía là cái cớ để tâm đức con người thông qua lễ cẩu vía thượng thọ “Kèo khi, kèo kheng” có chỗ để giãi bày.
5. Xường Cài hoa trong truyện thơ
Hai thể loại có thể cùng cài vào trong kể chuyện thơ của người Mường, đó là Rang (đang) và Xướng (Xường hoặc Thường, Thướng). Xường Cài hoa hay vận vào lời ca đối đáp các chàng, nàng trong truyện thơ: Nàng Nga - Hai Mối, Nàng ờm - chàng Bông Hương, út Trót - Hồ Liêu...
Xường Cài hoa góp cho việc tự sự trong truyện thơ sống động, có kịch tính, có giải lý, có vặn hỏi, có ngoa từ, ngoa ngữ.
III. Nghệ thuật Xường Cài hoa
1. Ngôn ngữ đầu đời và phép biến
Dân ca Mường nói chung, Xường và Xường Cài hoa nói riêng có lợi thế biến tấu từ “Oa oa” của ngôn ngữ đầu đời của một hài nhi sinh ra. Nhịp điệu của các âm tấu cho phép kéo giãn liếng “oa, oa” thành “uơ ơih, uâhuâ, huơ ơ, dơ mơi (Thái), Rí rơnh, xươn ơim (Mường), Guơ, guầ, gòm (Gòm ơi gòm - Dao)”... Đó là ngôn từ mở đầu cho bài hát ru con, ru em, cho bài Xường Mường, cho lời mời rượu của người Thái.
Ngôn từ đầu đời luôn đi theo cuộc sống của con người. Nó đã nhập vào các làn điệu dân ca. Nó mở đầu cho một tâm trạng, tâm thế, tâm nguyện. Đến các lời ca của sáng lạo hiện đại vẫn còn sử dụng ngôn từ đầu đời: ơ, ơi, hời, hỡi, này, hữ, huầy, dô tà... đã được cách điệu hoặc biến tấu.
Xường Cài hoa thường mở đầu bằng những câu thơ trùng lặp, điệp từ như, rí rơn, rí ren, thương nồng, thương ơi… Chẳng hạn: Thương nồng, thương ơi, dạ dạ !/ Thương nồng, thương ơi, dạ hời! (Ru ru à ời).
Ở những câu, từ mở đầu tiên, cái cảm là là điểm nhấn là vốn trực tiếp dẫn lối cho sự bắt vần các câu sau nó. Lời xường và độ dài ngắn phụ thuộc nội dung từ câu thứ hai, thứ ba sẽ nói lên điều gì:
- Rí rơn cho lòng lí rơn
Bẻ lấy cành dâu non thộn kén?..
- Rí rơn, thương nồng rí rơn
Nhà dột nát phải cơn mưa bão lớn...
- Thương thiệt, thường nồng
Thương nồng, thương ơi!
Bông vú vặn mười đời, trăm năm.
Các sự việc, sự vật được gọi đến và mở ra cho lời Xường Cài hoa được phát triển: tự sự, kể chuyện, diễn tả... tuỳ ý mà lời xường tạo tình huống. Bởi vậy, vai trò của ngôn ngữ đầu đời được biến tấu hợp nhẽ và là cầu nối cho mọi “hoạt động” của vô vàn âm ngữ, nhịp điệu sống động của lời ca, bài xường cài hoa bay bổng...
2. Lối diễn đạt tạo tình huống, tạo cớ để bộc lộ tình cảm
Bất kể một lời ca Xường Cài hoa nào cũng đều có lối diễn đạt thường tìm cách đưa đẩy, tạo tình huống, cơ hội để đẩy tính kịch phát triển trong đối thoại. Khác với Xường trai gái, có đôi, hai bên đối đáp, đối chứng và vặn hết ý, hết lời rằng họ nói “không thành có”, nói “có thành không” thật sự đây là một cảnh diễn trên một sân khấu ước lệ, họ có lối diễn đạt khéo léo; đưa đẩy, rào đón, khôn và khéo, đáng tôn vinh chứ không phải có rắp tâm, giăng bẫy, là sự lừa gạt, hay xô ngã, hắt hủi nhau. Đó là sự biểu cảm hài hòa trong tạo tình huống - bởi người con gái rất muốn níu giữ bạn trai mình đã thầm chọn, vừa ý, ưng lòng để cùng hát, đối xường tình, nhưng trong ứng xử tức thì, trong ngôn từ đối thoại lại tỏ ra chênh vênh, hờ hững, thả nổi, hoặc bâng quơ... Ngược lại, người con trai trong Xường trai gái cũng khống hề muốn bỏ cuộc, lui binh, ra về; ấy vậy lại oái oăm chàng lại cứ thôi miên cất lên lời xường “Chào về”, hẹn hò “đến hẹn lại lên” thành thử vẫn xường qua, xường lại dùng dá dùng dằng, thế mới là nên chuyện.
Ngược lại, với Xường Cài hoa: Người cất lên câu xường thứ nhất, thì câu thứ hai đã phải buộc ràng, đột kích, đấu lý, đáp lễ, hoặc đối lại, không để ai phải phiền lòng, làm chứng.
Hãy nghe sự “ăn miếng, trả miếng” trong tình huống: ... Bông quít nẫu để măng gì cũng không mọc/ Cây cau không thể sống để nhú mo ne/ Người Mường nào hay khoe chuyện tình trai gái/ Ve vãn nào có trái /Bông quít nẫu cả mùa... (Bông quýt nẫu).
Hoặc tình huống nhỏ nhẹ như lời gửi thác, tiếng lòng, lời răn dặn thường nhật: … Đội nón cho đầu khỏi nắng/ Chửi mắng nhau làm chi cho sầu/ Làm lụng siêng năng cho giàu/ Để còn khôn thiêng dòng họ... (Bông vùng).
Thường gặp cốt cách nửa hài, nửa đời thường, nửa thử thách trong cách tạo ra tình huống để lối diễn đạt có hồn, để Xường cài hoa có chỗ riêng trong hệ thống xường (Thường, rang) của dân tộc Mường.
3. Hình ảnh trong Xường Cài hoa
Xường cài hoa sử dụng khá nhuần khiết, chủ định những hình ảnh trong cuộc sống đời thường. Những hình ảnh đậm nét so sánh, tương phản, tương ứng; nó lấp lánh, dễ hiểu, dễ nhận biết tính chân thực của người và cảnh, người và hình đang nhảy múa cùng nhau: ... Để bông vừng được biến/ Một cơn mưa làm sạch, làm quang/ Một cơn gió hanh làm bạn quen/ Trời mưa phùn, bông vừng trải chiếu... (Bông vừng đòi).
Vừng trải chiếu đổ mất mùa, mưa to, gió lớn là cái cớ đổ lời Xường Cài hoa nhắn nhủ con người hãy chăm chỉ làm ăn. Đời sẽ trả cho mùa vừng bội thu. Lại còn cay nghiệt hơn khi lời Xường Cài hoa nổi đóa: ... Sao ở đời lại có người nốc mắm?/ Phun phù vào vạt áo người nhà?/ Sao ở đời lại có người bụng dạ mọc chông/ Để bông mát độc mọc trong gan ruột?... (Bông mát).
Cây mát: cái tên lành mà chất hạt lại độc. Người ta giã hạt mát đem sú cá, cá ngậm phải, cá chết nổi lên măt suối, mặt ao. Rồi đến cây ngón - lá ngón cũng ẩn chứa nhiều độc tố. Người ăn phải lá ngón cũng lăn đùng. Lời Xường cài hoa đã lùa đi, xua đuổi loài bông ngón: ... Lùa cho bông ngón đứt cành mập/ Lùa cho bóp má, nhăn mày/ Lùa cho đứt quai nắp dao/ Lùa phải quay lơ, chỏng gọng/ Lùa cho đứt quai mõ trâu/ Lùa cho gộc củi hóa ra con gà/ Lùa cho bông ngón hớt ha, hớt hải... (Lùa bông ngón).
Xường Cài hoa đã sử dụng tổng lực những vật thể xung quanh con người. Những thứ giản dị thường thấy, thường dùng, thường gặp, thường va chạm, thường làm nên nó, khi hiện diện trong Xường Cài hoa thì chúng trở nên có hồn. Nó gắn kết thân phận, bộc bạch tâm trạng, nói hộ lòng người. Chính bởi lẽ đó: Xường Cài hoa nó có chỗ đứng riêng trong hệ thống Xường Mường. Nó đã tự thân vận hành những bài ca có âm điệu riêng: Lúc xường một mình, khi xường có đôi, khi nữa vào đám hội hò... Đâu đó, Xường Cài hoa vẫn có lối đi: Tự do, tự phát, tự bạch, tự trường tồn.
Mường ống - Mường Ai, 8-2016
V.A