Di sản văn hóa vùng đất cổ làng Xuân Phả - Nguyễn Văn Minh
Làng Xuân Phả thuộc xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia làng Xuân Phả là một dải đất hẹp có tên là Một Cốt, nhô lên giữa vùng đất trũng quanh năm ngập nước có tên gọi là “Đinh Mùi Khố” (túi đựng nước). Đặc biệt, làng Xuân Phả còn chứa đựng các giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất và con người nơi đây qua hàng ngàn năm. Làng Xuân Phả gắn liền với mọi biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc và vùng đất Thọ Xuân xưa. Từ buổi đầu trên dải đất Một Cốt là nơi cư trú của cư dân người Việt (người Kinh) sống bằng nghề nông nghiệp trồng lúa nước.
Đến thời Lý, nhóm cư dân ở Láng Trung. Thời Trần, do việc đắp con đê ngăn nước lũ sông Chu, cư dân ở xứ Đồng Chấp lại dời về khu đất phía trong bờ đê, có tên gọi là Mã Cư. Từ đó Mã Cư là địa bàn cư trú của cư dân làng Xuân Phả cho đến ngày nay và vùng đất hình thành 12 xứ Láng, trong đó có Láng Trang. Thế kỷ XV, Láng Trang đổi thành Xuân Phổ trang thuộc huyện Lôi Dương. Sang thế kỷ XVII, Xuân Phổ trang đổi thành Xuân Phả. Cùng với nhân dân các dân tộc vùng đất Thọ Xuân xưa, làng Xuân Phả có nhiều đóng góp tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418) do Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh và giành thắng lợi.
Bên cạnh những giá trị lịch sử, làng Xuân Phả vẫn bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể như: đền, đài, miếu, chùa, các di tích lịch sử - văn hóa và các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, trò chơi, trò diễn, văn nghệ mang đậm yếu tố văn hóa dân gian. Tiêu biểu có các di tích lịch sử - văn hóa như: Nghè Đệ Nhất, đền Đệ Nhị, đền Đệ Tam, chùa Tạu.
Nghè Đệ Nhất: Nơi thờ Thành hoàng làng Xuân Phả là thần “Đại Hải Long Vương” (thiên thần). Sách “Thanh Hóa chư thần lục” thời Nguyễn ghi về sự tích thần như sau: “Triều nhà Đinh, vào năm Mậu Thân (968) một hôm nhân dân bỗng nghe ngoài sông lớn sóng gió nổi lên dữ dội và nghe giữa sông có tiếng huyên náo. Dân xã bèn ra xem thì thấy bãi đất bằng ở cạnh sông bỗng thành một vực lớn mầu nước lặng trong, có một con rắn lớn nổi lên ở mặt nước, và rồi bỗng biến thành một tòa miếu, tường ngói nguy nga. Nhân dân hai xã sợ hãi bèn sắm lễ vật tế cáo, được thần báo cho tên hiệu trên và lập đền thờ. Các triều đại đều có phong tặng”. Quy mô kiến trúc ngôi nghè gồm: tiền đường (5 gian), chính tẩm (3 gian), có tả vu, hữu vu, nghinh môn kiến trúc theo kiểu chồng diêm 3 tầng. Có bái đường rộng. Nghè là nơi tổ chức hội làng.
Đền Đệ Nhị: Được xây dựng trên mô đất cao ở cuối làng. Đền thờ một vị thần đã có công giúp Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn thoát khỏi vây bắt của quân Minh ở vùng bến sông Lương. Trong sắc phong vị thần này có hiệu là “Cao Minh Linh Quang”.
Đền Đệ Tam: Ngôi đền thờ những người dân trong làng đã tham gia trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bị hy sinh, sau đó được Lê Lợi ban sắc phong thần hiệu là “Thái Thịnh hiển ứng”.
Chùa Tạu: Tên chữ “Hồi Long tự” là nơi thờ Phật. Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và đế quốc Mỹ, ngôi chùa đã bị bom đạn chiến tranh phá hủy không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, chùa Tạu vẫn hiện diện trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân làng Xuân Phả.
Ngoài những di tích lịch sử - văn hóa trên, làng Xuân Phả còn một số dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, các công trình thời triều Lê như: di tích Rọc Duyệt, nhà Bia cánh đồng Hồ Nhi.
Di tích Dọc Ruyệt: Đây là mảnh đất bằng phẳng, rộng lớn. Tương truyền khi Trịnh Quý Thuật về đóng quân ở đây, bãi đất này được quân lính phát dọn cây cối và san thành mặt bằng để làm bãi tập cho nghĩa quân. Năm 1456, Lê Nhân tông về yết Lam Kinh và cũng lần đầu tiên cho múa các điệu Chư hầu lai triều và Bình Ngô phá trận thì nơi này trở thành bãi tập duyệt các điệu múa.
Di tích cánh đồng Hồ Nhi: Trong dòng dõi công thần Trịnh Khả, có 2 người con gái tên là Hoàng Hoa và Ngọc Dung đã dũng cảm theo cha tham gia nghĩa quân Lam Sơn. Cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi. Trịnh Quý Thuật đã đem gia đình về ở tại làng Xuân Phả. Với những đóng góp công lao tham gia cuộc kháng chiến chống quân Minh, hai cô con gái của ông được nhà vua cấp điền thổ. Sau đó, với tấm lòng nhân ái, thương người, hai cô gái đó đã nhường số đất được cấp cho nhân dân trong làng để trồng trọt, chăn nuôi giúp đỡ các cô nhi quả phụ.
Cùng với giá trị di sản văn hóa vật thể, làng Xuân Phả còn lưu giữ các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.Tiêu biểu phải kể đến là Trò diễn Xuân Phả.
Tương truyền, vào thời nhà Đinh, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì trời tối và gặp mưa to, gió lớn. Sứ thần cùng đoàn tùy tùng phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ ở ven sông. Đêm đến, thần Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng bày cách đánh giặc, nhà vua lập tức thân hành cùng quan quân lên đường và quả nhiên nhà vua chiến thắng trở về.
Đất nước trở lại yên bình, nhà vua mở hội mừng công. Nhớ ơn vị Thành hoàng làng Xuân Phả có công lớn với đất nước, nhà vua đã ban đạo sắc phong hiệu cho Thành hoàng làng Xuân Phả là “Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân”. Từ đời này qua đời khác, hằng năm người dân làng Xuân Phả vẫn tổ chức lễ hội trò Xuân Phả để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng.
Từ xa xưa, Trò làng Xuân Phả đã nổi tiếng khắp vùng xứ Thanh, bởi lễ hội múa hát trò Xuân Phả (trước kia gọi là Trò làng Láng). Trong văn hóa dân gian đã có câu ca dao ca ngợi: “Ăn bánh với giò không bằng xem Trò làng Láng”. Trò diễn Xuân Phả là 1 điệu múa hát riêng của làng Xuân Phả, được duy trì diễn ra vào ngày 10, 11 tháng 2 âm lịch, trong dịp tế lễ Thành hoàng làng.
Trò Xuân Phả là các trò diễn dân gian mô tả cảnh năm phương đến chầu, đem những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia họ để chúc mừng Hoàng đế nước Việt xưa. Trò Xuân Phả được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm để trở thành một tổ hợp múa dân gian đặc sắc, độc nhất vô nhị. Trò Xuân Phả gồm có 5 điệu múa rất đặc biệt với tên gọi Hoa Lang, Tú Huần (Lục Hồn Nhung), Ai Lao, Ngô Quốc và Xiêm Thành (Chiêm Thành).
Hiện nay, vùng đất làng Xuân Phả vẫn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đặc biệt, trò diễn Xuân Phả là một nét riêng trong sinh hoạt văn hóa dân gian, góp phần tạo nên giá trị đặc trưng tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh nói riêng và cả quốc gia Việt Nam.
N.V.M