Những thang âm cơ bản và diễn tấu một số bài bản cải lương trên đàn bầu - Phạm Ngọc Đỉnh
Nam bộ là vùng đất mới của đất nước với cư dân từ phía Bắc và đặc biệt là từ miền Trung vào khai phá. Theo GS Vũ Nhật Thăng thì nguồn gốc của tài tử cải lương, hay nói cách khác là âm nhạc Nam Bộ “Có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc Bộ” [4]. Vào tới miền Trung tiếp thu nhiều yếu tố mới rồi sau đó lan tỏa vào vùng đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu... Quá trình lan truyền cùng với sự mở rộng đất đai về phương Nam.
Âm nhạc Cải Lương có nguồn gốc từ nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trong đó, mắt xích trực tiếp và mang tính quyết định là phong trào đờn ca tài tử nam bộ. Về sau, trong quá trình phát triển, âm nhạc Cải Lương còn tiếp nhận thêm những giai điệu mới cho phù hợp với những tình tiết trong kịch bản. Vì thế mà lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật Cải Lương luôn gắn liền với những trào lưu âm nhạc dân tộc.
Những thang âm cơ bản trong âm nhạc Cải Lương
Âm nhạc trong Cải Lương là những bài bản có sẵn. Những bài bản ấy được lấy từ trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam. Do đó, nghiên cứu về giai điệu của âm nhạc Cải Lương cũng chính là nghiên cứu về giai điệu của nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Trong lãnh vực chuyên môn, các nhà nghiên cứu âm nhạc cho chúng ta biết rằng, những giai điệu truyền thống ấy được xây dựng trên nền tảng của ba thang âm chính: thang âm Bắc, thang âm Nam và thang âm Oán. Đây chính là nền tảng cơ bản của âm nhạc Cải Lương.
Âm nhạc tài tử cải lương có hai hệ thống điệu thức tương ứng với hai hệ thống bài bản là: Hệ thống thang âm Bắc và hệ thống thang âm Nam. Mỗi hệ thống, điệu thức lại có các hơi khác nhau, nhằm biểu hiện tốt hơn một tính chất nào đó.
Thang âm Bắc
Về mặt cấu trúc, thang âm Bắc gồm những âm: Hò (Lìu)-Xừ-Xang-Xê-Cống-Líu. Những âm này ứng với những nốt nhạc sau đây của hệ thống âm nhạc tây phương:
Dựa vào hệ thống âm nhạc tây phương, chúng ta có thể tính ra khoảng cách giữa các âm trong thang âm Bắc như sau:
Hò - Xừ = một quãng 2 trưởng = 1 cung;
Xừ - Xang = một quãng 3 thứ = 1 cung + 1 nửa cung;
Xang - Xê = một quãng 2 trưởng = 1 cung;
Xê - Cống = một quãng 2 trưởng = 1 cung;
Cống - Líu = một quãng 3 thứ = 1 cung + 1 nửa cung.
Như vậy, về mặt quãng âm, thang âm Bắc được mã hoá theo công thức:
q2T - q3t - q2T - q2T - q3t

Nếu ta chia thang âm này thành hai nửa: Hò-Xừ-Xang và Xê-Cống-Líu, ta sẽ thấy cả hai nửa ấy đều có cùng một công thức quãng âm là: q2T - q3t và ta ký hiệu chúng bằng chữ B như trong hình trên. Cách làm này, giúp ta dễ dàng hơn trong việc so sánh với những thang âm khác.
Với cách bố trí các âm như thế trong thang âm Bắc đã làm cho thang âm Bắc nghe rất trong sáng, khoẻ mạnh và vui tươi. Vì thế, trong nghệ thuật Cải Lương, những bài viết trên nền thang âm Bắc là những bài có giai điệu trong sáng, vui tươi, được dùng để diễn tả trạng thái tâm lý vui mừng, hân hoan của nhân vật; hoặc để diễn tả cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp.
Thang âm Nam
Thang âm Nam là thang âm của người Việt Nam. Sau khi thang âm Bắc được du nhập vào Việt Nam, trong quá trình sáng tạo, các nghệ sĩ nhạc lễ đã phối hợp nó với những làn điệu dân ca có sẵn trong nước để tạo ra thang âm Nam.
Về mặt cấu trúc, thang âm Nam có những âm sau:
Hò (Lìu)-Xư-Xang-Xê-Phan (Oan)-Líu, tương ứng với những nốt nhạc tây phương như trên. Khoảng cách giữa các âm trong thang âm Nam như sau:
Hò - Xừ = một quãng 3 thứ = 1 cung + 1 nửa cung;
Xừ - Xang = một quãng 2 trưởng = 1 cung;
Xang - Xê = một quãng 2 trưởng = 1 cung;
Xê - Phan = một quãng 3 thứ = 1 cung + 1 nửa cung;
Phan - Líu = một quãng 2 trưởng = 1 cung.

Như vậy, công thức quãng âm của thang âm Nam sẽ là: q3t - q2T - q2T - q3t - q2T. Mỗi nửa của thang âm này có công thức quãng âm là: q3t - q2T, và ta ký hiệu là N.
Khi so sánh thang âm Nam với thang âm Bắc, ta thấy cấu trúc quãng âm của thang âm Nam ngược với cấu trúc quãng âm của thang âm Bắc. Hai nửa của thang âm Bắc được sắp xếp theo thứ tự: q2T - q3t; trong khi hai nửa của thang âm Nam được sắp xếp theo thứ tự ngược lại: q3t - q2T. Điều này tạo nên tính chất đặt biệt cho thang âm Nam, một thang âm mang tính trang nghiêm và hào hùng.
Qua hai thang âm cơ bản của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ngoài những thang âm này, trong nhạc truyền thống, cũng như nhạc tài tử và sau này là nghệ thuật Cải Lương, chúng ta còn nghe nói đến những giai điệu mới như: Hơi Bắc, Nam Xuân và Nam Ai. Đó chính là những thang âm mới, được các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Việt Nam tạo ra bằng cách kết hợp hai thang âm Bắc - Nam lại với nhau, hoặc bằng cách dịch chuyển các âm trong những thang âm đó.
Một số bài bản cải lương diễn tấu trên đàn Bầu
Thang âm Bắc gồm 4 hơi
Thứ nhất là hơi Bắc gồm 6 bài: Phú lục, Xuân tình, Lưu thủy trường, Bình bán trấn, Cổ bản, Tây Thi. Các bài bản thuộc hơi Bắc có tính chất vui vẻ, lạc quan.
Thứ hai là hơi Lễ gồm 7 bài: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Xàng xê. Các bài bản hơi Lễ trước đây được dùng trong các nghi thức tế lễ nên có tính chất trang nghiêm, trang trọng.
Thứ ba là hơi Quảng gồm các bài: Xang xừ líu, Khốc hoàng thiên, Sương chiều, Tú anh, Bài tạ, Ngũ điếm, ú líu ú sáng, Liễu thuận nương. Các bài bản thuộc hơi Quảng có xuất xứ từ Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam, có tính chất giai điệu vui tươi, hào hứng.
Thứ tư là hơi Đảo: chỉ có duy nhất một bài Đảo ngũ cung hay còn gọi là Nam đảo. Sở dĩ là Đảo ngũ cung vì trong bản nhạc này có nhiều chỗ chuyển cung nghe rất linh hoạt và rộn ràng.
Ví dụ : bài Nam đảo [1]

Sử dụng thang âm 5 âm (C-D-F-G-A). Tính chất nhanh gọn, khỏe, nghiêm trang. Rung nhanh vào âm sol (G) và la (A). Nẩy vào âm rê (D) lên fa (F).
Các bài bản thuộc điệu Bắc đều có tiết tấu nhanh, tươi tắn, tính chất âm nhạc thường trong sáng, lạc quan, vui vẻ. Sử dụng điệu thức 5 âm (C-D-F-G-A).Vì thế khi diễn tấu các bài bản thuộc điệu Bắc, tay phải gảy vang, khỏe, sáng tiếng đàn, tay trái rung vào các âm rê (D) - la (A), láy âm pha (F) - si giáng (Bb), vỗ âm đô (C) - sol (G). Tùy theo tính chất, nhịp độ của tùng hơi, từng bài bản mà sẽ có sự điều chỉnh nhịp rung, vỗ, láy ở tay trái cho phù hợp. Riêng hơi Quảng lại rung chậm vừa âm đô (C) - pha (F) - sol (G), láy âm rê (D) - la (A).
Ví dụ : bài Tây Thi [1]

+ Thang âm Nam: Các bài bản trong điệu Nam có nhịp độ chậm, tính chất giai điệu buồn bã, bi thương.
Điệu Nam gồm có 3 hơi
Thứ nhất là hơi Ai gồm các bài như: Lý con sáo, Lý ngựa ô Nam, lớp “Song cước” trong Đảo ngũ cung, Nam ai... với tính chất buồn thương, than trách.
Ví dụ : bài Nam ai [1]

Trong bài Nam ai được sử dụng điệu thức 5 âm (C-Eb-F-G-Bb). Sử dụng kỹ thuật láy mềm vào âm sol (G) đô (C), vuốt chậm từ âm la (A) xuống âm sol (G). Đặc biệt âm la (A) trong bài đều cao hơn La giáng (Ab) và thấp hơn La bình (A).
Thứ hai là hơi Oán có số lượng bài bản khá lớn như: Tứ đại oán, Giang nam, Phụng cầu, Phụng hoàng, Bình sa lạc nhạn, Chiêu quân, Trường tương tư, Văn thiên tường... với tính chất bi thương, oán trách.
Ví dụ : bài Văn thiên tường [1]

Trong bài Văn thiên tường được sử dụng điệu thức 7 âm (C-D-Eb-F-G-Ab-Bb). Tay trái rung đậm âm fa (F) xi giáng (Bb), láy âm đô (C), vuốt âm sol (G), luyến nẩy âm đô (C) lên âm mi giáng (Eb) từ bậc V (đó là âm đặc trưng của hơi oán).
Thứ ba là hơi Xuân, chỉ có duy nhất 1 bài là Nam Xuân, nhịp độ vừa phải, tính chất giai điệu nhẹ nhàng, khoan thai, sảng khoái...
Ví dụ : bài Nam xuân [1]

Sử dụng điệu thức 5 âm (C-D-F-G-A). Tay trái rung vừa vào âm rê(D) la (A), láy âm fa (F) đô (C).
Khi diễn tấu các bài bản trong điệu Nam cần lưu ý: Tay phải gảy vang, rõ nốt, tay trái rung chậm, biên độ rộng ở âm pha (F) - si (B) , láy âm mi (E), các âm tô điểm chậm. Riêng hơi Xuân được xếp vào điệu Nam, nhưng tính chất và cách diễn tấu có khác so với hơi Ai và hơi Oán vì nhịp độ cũng như tính chất giai điệu. Khi diễn tấu các bài hơi Xuân, tay phải gảy vang, âm thanh nhẹ nhàng, thư thái, rung nhanh các âm rê (D) - la (A) - mi giáng (Eb).
Ví dụ: Bài Trường tương tư [1]

+ Vọng cổ: Xuất phát từ bản Dạ cổ hoài lang do cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu sáng tác tại Bạc Liêu vào năm 1918-1919. Bản gốc gồm 20 câu nhịp sau đó phát triển thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và đến nhịp 32 trở thành bản chủ lực của Cải lương. Nó khác với giai điệu khác chỉ một mình nó đứng riêng lẻ cũng có thể diễn tả được mọi hoàn cảnh tính cách (Hỷ - Nộ - ái - ố). Chính vì thế mà nửa thế kỷ trôi qua chưa có một làn điệu nào thay thế được vị trí của bản vọng cổ trên sân khấu Cải lương. Ngôn ngữ âm nhạc của bài vọng cổ có tính khái quát rất cao, nó là sự kết hợp tinh tế các điệu thức dân gian như : Hò, lý, nói thơ... Để tạo nên một điệu thức thống nhất có cấu trúc về tiết tấu trường độ cũng như sự triển khai của các âm hình một cách độc đáo, sáng tạo không thể lẫn với các bài khác.
Vọng cổ là hơi Oán, đôi chỗ phảng phất hơi Xuân.
Ví dụ: Dạo vọng cổ (Nhạc tài tử cải lương) [1]

Kỹ thuật sử dụng trong vọng cổ tay trái láy vào âm sol (G), rung nhanh vừa. êm vào âm fa (F) si giáng (Bb). Tay phải tô điểm âm đô (C), nẩy vào âm xi giáng (Bb) từ bậc II âm mi (E) từ bậc I. Đặc biệt trong bài âm la (A) thấp hơn la giáng (Ab) và âm mi (E) cao hơn mi giáng (Eb) (La non - Mi già).
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cả dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là gạch nối giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian, giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu cần thiết, đa dạng của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.
P.N.Đ
Tài liệu tham khảo:
[1]. Thanh Tâm (tài liệu viết tay), Giáo trình giảng dạy đàn Bầu tại Nhạc viện Hà Nội ở 3 cấp: Sơ cấp, trung cấp, đại học.
[2]. Đắc Nhẫn - Ngọc Thới “Bài bản cải lương” nxb Văn hóa.
[3]. Vũ Nhật Quang - “Một cách hiểu về điệu và hơi trong nhạc Tài tử - Cải lương” - Tập chí âm nhạc số 3 - 1993.
[4]. Vũ Nhật Thăng “Thang âm nhạc Cải lương - Tài tử” nxb ÂAm nhạc - Viện âm nhạc Hà Nội 1998.