Toạ đàm giới thiệu cuốn sách “Hoạ sỹ Đỗ Chung”
Sáng ngày 16 tháng 10 năm 2024, tại Hội trường Hội VHNT Thanh Hóa, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách “Hoạ sỹ Đỗ Chung”. Đến dự và chúc mừng tác giả có họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam. Nhà LLPB Thy Lan - Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, Tổng biên tập Tạp chí xứ Thanh; đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa; phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh cùng đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, đến dự và chúc mừng hoạ sỹ Đỗ Chung.
Hoạ sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam phát biểu ý kiến
Tiến sĩ, họa sĩ Đỗ Chung, sinh năm 1947 tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Từ nhỏ ông đã mê vẽ và vẫn miệt mài đến hiện tại. Đỗ Chung từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ông thực hiện thành công Luận án Tiến sĩ nghệ thuật học với đề tài hoa văn trống đồng Đông Sơn. Cách đây gần 25 năm, hoạ sĩ từng được Trung tâm Văn hóa Pháp Việt mời sang tổ chức triển lãm tranh và nghiên cứu mỹ thuật thế giới trong 2 năm (1996 -1997) tại thủ đô Paris.
Cuốn sách “Hoạ sỹ Đỗ Chung” dày 251 trang, khổ 25x35cm, gồm gần 300 tác phẩm trừu tượng, được trình bày 3 ngôn ngữ: Việt - Anh – Pháp. Cuốn sách giới thiệu tới độc giả là tập hợp tác phẩm trừu tượng của chính tác giả trong nhiều năm qua bằng chất liệu sơn dầu. Các tác phẩm đã được bày trong những cuộc triển lãm cá nhân của hoạ sỹ Đỗ Chung và cuốn hút người xem, có nhiều kích thước đa dạng về chủ đề, tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên, mọi khía cạnh của cuộc sống. Phong cách của ông phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, cuộc đua với thời tiết luôn là một thách thức không dễ dàng. Những tác phẩm trừu tượng của ông không giới hạn trong việc hiển thị hình ảnh cụ thể mà mở cửa tâm hồn cho người xem. Ngoài ra cuốn sách đưa nhiều hình ảnh của chính tác giả với người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
Hoạ sỹ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu: Nét vẽ, tác phẩm của họa sĩ Đỗ Chung đầy bí ẩn. Ở Đỗ Chung có sự sáng tạo sung mãn, bất chấp tuổi già, sức yếu. Tranh của Đỗ Chung như nói thay nỗi lòng phụ nữ, động viên họ hướng đến những giá trị mà mình luôn tìm kiếm. Chúng ta cũng không nên giải thích có kết cấu này trong tranh của Đỗ Chung. Với xu thế của nghệ thuật đương đại Việt Nam, việc xuất hiện thế hệ cao niên cũng là trao lại tình yêu cho thế hệ sau, theo đuổi đam mê mà thế hệ trước có thể chưa kịp hoàn tất.
Hoạ sỹ Đỗ Chung trao tặng sách cho bạn bè, đồng nghiệp tại buổi tọa đàm
Nhà LLPB Thy Lan - Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa cho rằng: Với những năm tháng rèn giũa, tôi luyện ở trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam và những chuyến lưu trú, vẽ tranh, triển lãm, học tập… ở nước ngoài, Đỗ Chung đã tiếp thu vào mình tinh hoa hội họa của các nước, hòa trộn cùng hồn cốt Việt Nam làm nên bản sắc riêng mang hơi ấm Đỗ Chung. Hoạ sỹ Đỗ Chung đã tiếp cận và đam mê với một loại hình có cá tính riêng biệt, thuộc về thế giới tiêm thức muôn màu, lối vẽ nay tự do đến mức cho phép họ nhạy cảm sâu sắc với sự phiêu lãng, mơ mộng, xê dịch … của mình để thể hiện bản thân. Tranh trừu tượng của Đỗ Chung kết hợp giữa hình học và trữ tình. Có thể khẳng định tranh trừu tượng mà không xa rời cuôc đời, có chất phương Tây mà vẫn rất Việt Nam. Phải chăng đó cũng là cách mà Đỗ Chung đã đến gần và chạm được trái tim của khán giả khi dấn thân với một trương phái tranh khó cảm nhận.
Ngoài ra buổi toạ đàm có thêm 9 ý kiến đóng góp giàu tâm huyết cho mỹ thuật Việt Nam nói chung, mỹ thuật Thanh Hóa nói riêng. Buổi toạ đàm là dịp để nhìn nhận, đánh giá, học hỏi chuyên môn giữa các hoạ sỹ, từ riêng tư mà đi đến nhân loại. Các hoạ sỹ đồng hành và từ buổi ra mắt sách bắt đầu cho một hành trình mới cùng hoạ sỹ Đỗ Chung.
L.T