LÊ NGỌC SƠN
Tôi tới với thành phố Sheffield của nước Anh vào một chiều muộn cuối hè đầu thu. Gió lạnh thổi thốc từng cơn nơi con phố chạy dài và dốc xiên làm tôi lạnh cóng. Tôi chưa thể quen ngay được với cái lạnh của xứ sở này khi mà mới chưa đầy hai tư giờ trước đó trời còn nóng như chảy mỡ dù Hà Nội đã bước sang những ngày đầu tháng chín.
Lỉnh kỉnh đồ đạc đứng trước khu cư xá, tôi đợi bạn xuống mở cổng. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Quỳnh. Quỳnh đã sang đây từ trước ba tháng để học tiếng trước khi bước vào kỳ học chính thức vào mùa thu. Quỳnh người Hà Nội, bố mẹ đều là sếp lớn của một ngân hàng thương mại. Quỳnh sang đây học thạc sỹ ngành Tài chính và dự định sau khi học xong sẽ về nước làm việc cho ngân hàng nơi bố mẹ đang công tác. Đó là chuyện của hai năm sau nữa, chứ bây giờ ấn tượng của tôi về Quỳnh là đôi mắt sáng rạng, có duyên, nụ cười thân thiện và cởi mở. Quỳnh xách giúp đồ đạc và dẫn tôi vào nhà, giới thiệu cho tôi các căn phòng, chỗ giặt đồ. Quỳnh hẹn tôi lên nhận phòng rồi sẽ dẫn đi siêu thị mua chăn ga, gối đệm và đồ đạc khác.
Dù chưa nhập học nhưng tôi đã thấy những khác biệt rõ rệt của một cuộc sống mới sắp tới với mình. Khác biệt từ nơi ăn chốn ở, thời tiết và cả cuộc sống xung quanh. Nói đâu cho xa, chỉ cái cổng nhà thôi sao cũng khác ở quê nhà quá. Phải có thẻ từ dí vào cái “mắt thần” nào đó trước cổng thì nó mới mở ra. Cửa không có khóa dây, xích sắt gì cả. Hầu hết nhà nào dọc dãy phố cũng dùng loại cửa khóa từ này. Cửa cao tới tận tường trên nên không thể trèo vào được. Rồi bất chợt tôi nhớ tới làng xóm ở quê tôi, khi có việc gì cần chỉ cần bước qua cổng nhà mà vào tận nơi gọi nhau. Chỉ có mấy con chó sủa inh ỏi một chút khi gặp người lạ, nhưng suỵt một cái nó đã chạy bay biến ngay. Cũng có khi chỉ là gọi với nhau qua hàng rào, rồi vội vã đi cho kịp công chuyện. Nhưng ở xứ sở này, tịnh không có chuyện gọi nhau í ới rồi tự nhiên đi vào nhà. Mà phải đăng ký cư trú và được phát thẻ. Nói dại, chẳng may lúc đói, lúc không còn gì cả, muốn tìm cái gì để ăn, muốn vào nhà ai đó vay mượn chút gì, thì làm gì có cách. Thế nên ở đất lạ xứ người, cứ phải nắm chắc cái thẻ ngân hàng và cái hộ chiếu, chứ không gặp bất trắc, đâu còn “đường về quê mẹ”.
Tôi đã thuê một phòng ở căn cư xá này từ trước khi sang đây. Căn phòng ở trên tầng cao nhất. Mỗi dãy tầng có một bếp ăn dùng chung. Bếp ăn có hai chiếc tủ lạnh, một chiếc bếp điện và một bộ bàn ghế sofa êm ái. Điều tôi thích nhất là gian bếp lắp cửa kính nên không gian như mở rộng ra. Từ cửa kính trên tầng cao tôi nhìn xuống con đường ở phía dưới, những hàng cây và một sân chơi rộng rãi. Những giờ không lên giảng đường, tôi thích được thảnh thơi pha một ly trà nóng, ngồi ở ghế sofa trong bếp rồi tư lự nhìn qua lớp cửa kính ngắm hàng cây đang rụng những chiếc lá vàng mùa thu, ngắm tuyết phủ kín đường mùa đông, và ngắm những cơn mưa bất chợt mùa hạ với hạt mưa li ti cố bám đậu nhưng rồi vẫn trượt dài trên cửa kính.
Căn phòng tôi ở nhỏ xíu như một chiếc hộp diêm. Tôi chỉ nhún một chút rồi với tay mà đã chạm được vào trần nhà. Căn phòng có một chiếc lò sưởi luôn được bật để chống đỡ với thời tiết rét mướt quanh năm của xứ sở sương mù. Đúng là rét mướt quanh năm chứ tôi chẳng nói sai chút nào. Dù rằng mùa hè ở đây có tí xíu nắng, nhưng ra đường dù quàng khăn kín cổ vẫn thấy lạnh tê tái. Có lẽ chàng trai nhiệt đới là tôi chưa thể thích nghi được với cái lạnh quanh năm nơi đây. Tôi chỉ ước một lần được mặc quần đùi, áo cộc chạy nhảy cho thỏa những ngày hè như ở quê, mà sao khó. Nhưng trong nhà thì khỏi lo, ấm quanh năm vì có lò sưởi. Phòng nhỏ có cái lợi thế của nó, tường lại được cách nhiệt tốt bằng gỗ ép, nên chỉ cần vặn nhỏ cái lò sưởi là tôi chẳng sợ gì mùa đông khắc nghiệt nơi đây.
Quỳnh dẫn tôi đi siêu thị để mua đồ. Siêu thị cách nhà chừng hơn hai cây số. Quỳnh đi bên cạnh tôi, kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện mà cô biết được sau ba tháng sang đây. Vui vẻ chuyện trò nên chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã tới nơi. Đúng là siêu thị lớn, cái gì cũng có, mà cái gì tôi cũng thiếu. Tôi phải sắm khá nhiều đồ đạc. Trên đường về, trời lạnh mà phải xách đồ nặng, nên đôi tay ai cũng đỏ ửng lên rồi tím tái. Chúng tôi phải nghỉ chặng thở dốc mấy lần mới về được tới nhà.
Vậy là tạm ổn các đồ đạc thiết yếu cho cuộc sống của một sinh viên du học xa nhà. Đồ ăn thì vẫn chưa tới lúc phải lo vì tôi mang sang đây rất nhiều mỳ gói, ruốc bông, muối lạc, tôm khô… ăn dè ăn sẻn thì cũng phải được cả tháng. Sau khi đã giúp tôi ổn định chỗ ở và mua sắm đồ đạc, Quỳnh hẹn tôi sáng mai cùng lên trường để làm thủ tục nhập học. Khoa Kỹ thuật tôi học gần với khoa Tài chính của Quỳnh. Tôi gật đầu ngay vì còn đang lạ nước lạ cái. Có Quỳnh dẫn đường đi thì còn gì tiện hơn nữa.
Ngôi trường của chúng tôi học nằm trên đỉnh ngọn đồi phía sau khu cư xá. Sheffield là thành phố của những ngọn đồi, các tòa nhà của các khoa, viện, ngành học nằm rải rác ở những ngọn đồi liên tiếp nhau đó. Đường đi dốc lên dốc xuống nên nếu ai đó chưa quen leo dốc sẽ mệt bở hơi tai, chân chùng gối mỏi. Đường tới trường là bước lên những bậc thang ngay phía trái của căn cư xá, leo lên tới đỉnh đồi rồi băng qua nhà thờ nhỏ nằm ở một góc phố. Rẽ vào con đường Orchard thì tới tòa nhà của khoa Kỹ thuật. Quỳnh dẫn tôi vào văn phòng tuyển sinh của khoa để nộp giấy tờ. Chúng tôi đứng nối vào hàng của các bạn đã xếp sẵn trước đó. Ngôi trường quốc tế, các bạn học tới từ khắp nơi trên thế giới, Âu, Á, Phi đủ cả.
Sau khi hoàn thành thủ tục nhập học, tôi cùng Quỳnh sang văn phòng khoa Tài chính. Do đã học khóa dự bị ở trường nên Quỳnh rành rẽ các thủ tục, hồ sơ nhập học đã hoàn thành trước đó. Quỳnh chỉ cho tôi lớp học ở đâu, thư viện góc nào, có thể rảnh thì sang học nhóm cùng với Quỳnh. Phải nói rằng ở đây thư viện là một điều gì đó khác biệt, mỗi góc thư viện đều có các bạn tự học một cách nghiêm túc. Và tự học là yếu tố chính cho việc thu nhặt kiến thức chuyên môn. Sau này tôi quen dần với chương trình học thì mới thấy thư viện là ngôi trường học lớn nhất, và người thầy lớn nhất lại là những quyển sách trên thư viện, và đòi hỏi rất cao là ý thức tự giác học tập của mỗi người. Còn trên giảng đường thì chủ yếu là nơi các giảng viên trao đổi những phần khúc mắc với sinh viên, các bạn sinh viên rất tự nhiên đặt ra các câu hỏi và giảng viên khuyến khích các câu hỏi, khuyến khích cách học chủ động. Chủ động học tập nên kiến thức học tập cũng được tiếp thu một cách có chất lượng và sau này sẽ hữu ích cho công việc chuyên môn.
Sau vài ba tháng, sau những buổi học nhóm của hai đứa trên thư viện và sau những lần giúp đỡ lẫn nhau, thì tình bạn của tôi và Quỳnh đã trở nên thân thiết hơn, và chớm nở sang một tình yêu. Nơi trời Âu lạnh lẽo, lại đồng cảnh học xa nhà, nên những bờ vai dễ dàng tìm tới những bờ vai hơn. Ít lâu sau thì tôi xuống nấu ăn cơm cùng Quỳnh. Quỳnh nấu ăn khá ngon, biết nấu các món ăn Việt Nam truyền thống, làm cho cảm giác xa nhà của tôi không còn nữa, bởi các món ăn cũng không khác gì ở nhà. Gạo thì có thể mua được ở cửa hàng bán đồ Trung Quốc, còn có cả nước mắm, muối đủ cả, giá cả lại phải chăng. Sau mỗi bữa ăn tôi luôn tranh phần rửa bát, còn Quỳnh pha hai cốc trà nóng để cả hai ngồi trên ghế sofa nhấm nháp, trò chuyện. Tôi thích nhìn Quỳnh nói, nét miệng, ánh mắt như luôn cười. Quỳnh nói chuyện có duyên, chuyện trường lớp, rồi chuyện bố mẹ ở nhà gọi sang dặn dò gì con gái. Quỳnh còn rủ tôi sang hè đi du lịch châu Âu, sang Pháp, Ý, Tây Ban Nha rồi Thụy Sỹ. Tôi nghe háo hức lắm, cũng muốn một lần được đi du lịch ở những xứ ấy, vì biết đâu lần sau khi nào mới sang lại được châu Âu.
Rồi đi học cùng, học nhóm cùng, ăn cùng, yêu nhau rồi tới chuyện ở cùng cách nhau không bao xa. Tôi chuyển hẳn xuống ở với Quỳnh. Căn phòng phía trên tôi trả lại cho chủ nhà. Tính ra tiết kiệm được một khoản không nhỏ, gần 300 Bảng Anh cho một tháng tiền nhà. Quỳnh vun vén cho cuộc sống chung của hai đứa. Tôi thì không dư dả gì nhưng được cái ngoại ngữ tốt, nên bài vở có thể giúp đỡ Quỳnh ít nhiều. Chỉ có một điều chúng tôi tự hiểu với nhau rằng, ai cũng có người yêu ở quê nhà, sống với nhau thế này cũng như một bản giao ước có thời hạn. Khi trở về nước, cuộc sống của ai người đó sống, không còn liên quan gì với nhau cả. Ở nơi cách xa trăm nghìn cây số, lối nghĩ của chúng tôi như được mở lồng khỏi xiềng xích Á Đông, sống cởi mở hơn, và cũng muốn tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời ngắn ngủi này. Tôi và Quỳnh tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau, nhưng cũng hết mình cho những giây phút bên nhau. Cuộc sống như xẻ đôi ra với mỗi đứa vậy.
Mùa hè năm đó cũng tới. Tôi và Quỳnh có chuyến du lịch châu Âu trước khi lao vào làm đồ án tốt nghiệp và trở về nước. Chúng tôi hiểu đó là chuyến đi cuối cùng với nhau. Hai đứa làm Visa Schengen nên có thể đi khắp các nước trong cộng đồng chung châu Âu. Với tôi và Quỳnh, mùa hè đó thật đẹp. Ban ngày chúng tôi đi thăm thú các nơi, chụp ảnh dưới những giỏ hoa khoe sắc, với những con sông phẳng lặng, với những rừng cây tươi tắn trong nắng vàng. Buổi tối chúng tôi ăn tối ở những nhà hàng với ngọn nên lung linh, rồi chúng tôi trở về phòng, và làm tình. Chúng tôi quấn lấy nhau vì biết thời khắc chia xa sắp đến. Chúng tôi hối hả sống, nồng nàn và cháy bỏng.
Những ngày cuối cùng của chúng tôi trên xứ sở sương mù như một thước phim tua nhanh với bao cảnh chuyển tiếp và bao cảm xúc lẫn lộn. Cả tôi và Quỳnh đều bận rộn ở trên thư viện để hoàn thành đồ án môn học, cố gắng tốt nghiệp với điểm số cao nhất. Bài vở ngập đầu khiến thời gian chúng tôi dành cho nhau ít dần đi. Thế nhưng thời gian buổi tối ngắn ngủi thì luôn bên nhau và cố gắng sống chậm nhất có thể. Những ngày đó Quỳnh lặng lẽ hơn, ít nói cười như mọi khi. Nhiều đêm tôi ôm Quỳnh vào lòng, cả hai chưa ngủ, nhưng chẳng nói chuyện gì, hai ý nghĩ hướng về hai nơi và đều biết rằng ngày chia xa sắp tới.
Ngày trở về, đón tôi ở sân bay là bố mẹ, bạn bè và bạn gái bé nhỏ. Đón bó hoa hồng đỏ thắm từ người yêu, tôi liếc nhìn sang bên cạnh. Quỳnh đi cùng chuyến bay và cũng đang nhận được sự đón chào ngày trở về từ người thân và bạn bè. Hai gia đình đứng không cách xa nhau là bao. Nhưng chỉ có hai nhân vật chính trong buổi chiều hôm ấy hiểu những gì đã xảy ra, và chỉ dám đưa mắt nhìn lướt qua nhau thật nhanh.
Quỳnh về nước chưa được một tháng thì vào làm việc tại ngân hàng mà bố mẹ là sếp lớn ở đó. Bạn trai của Quỳnh cũng là một trưởng phòng của ngân hàng. Mùa thu năm đó Quỳnh lấy chồng, một đám cưới xa hoa và lộng lẫy ở giữa đất thủ đô phồn hoa đô thị. Tôi không được mời dự đám cưới, chỉ thấy ảnh cô dâu tươi cười và hạnh phúc qua facebook bạn bè. Tôi sau khi về nước thì vào Sài Gòn làm việc theo lời mời của một tập đoàn Anh Quốc có văn phòng tại Việt Nam cho dự án cấp cao, làm việc ở mảng chuyên gia của mảng bảo mật thông tin mạng theo đúng chuyên môn đào tạo. Chuyện tình của tôi và người yêu cũng dần phai nhạt. Ngày tôi vào Nam cũng là ngày tôi chia tay mối tình thời sinh viên của mình. Dù day dứt, nhưng chúng tôi hiểu, yêu xa là điều khó khăn, nhất khi trong tôi vẫn còn thoáng hơi thở của mối tình nơi trời Âu lạnh giá. Tôi chưa thể xóa hết được hình ảnh của Quỳnh.
Tối hôm qua sau giờ tan làm, tôi trở về căn phòng trên tầng cao của khu chung cư nhìn xuống sông Sài Gòn. Vừa thả mình xuống ghế sofa sau một ngày làm việc khá căng thẳng thì chợt nghe tiếng chuông cửa. Thường giờ này không có ai tới phòng tôi. Mở cửa ra, tôi như đứng hình. Là Quỳnh. Sao nàng lại biết tôi ở phòng này nhỉ. Đã hai năm nay chúng tôi không có liên lạc gì với nhau. Chúng tôi đã cắt hoàn toàn liên lạc từ ngày xuống sân bay trở về nước. Có lẽ Quỳnh hỏi được địa chỉ của tôi qua một người bạn nào đó. Trông Quỳnh khá mệt mỏi, đôi mắt đỏ ngầu như vừa mới khóc. Quỳnh vào Sài Gòn làm gì nhỉ? Tôi cứ nghĩ cuộc sống của nàng đã được an bài chu đáo ở Hà Nội. Mời Quỳnh ngồi vào ghế, tôi rót cốc nước lọc đưa cho nàng uống. Sau phút ban đầu bất ngờ, tôi cũng bình tĩnh ngồi ghế bên cạnh nói nhỏ: “Lâu rồi không gặp em”.
Cuộc sống không đẹp như những giấc mơ. Cuộc sống cũng khó tròn đầy như những bàn tay sắp xếp cố gắng nhào nặn. Cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, Quỳnh lấy chồng nhưng sau mấy năm chẳng có con. Chồng Quỳnh sa vào cá độ bóng đá và lô đề nên nợ một khoản tiền lớn. Bố mẹ vợ phải đứng ra dàn xếp nhưng nợ nần xã hội đen như muối bỏ bể. Vợ chồng Quỳnh ly dị ít lâu sau đó. Cũng may không có con cái, của cải chung cũng không còn, nên không có gì để mà chia chác. Quỳnh một mình vào Sài Gòn đã mấy tháng nay, làm cho một ngân hàng thương mại. Có lẽ Quỳnh đi thật xa để quên đi đau khổ, tránh xa tai tiếng, dị nghị của cuộc hôn nhân đổ bể. Thế nhưng Quỳnh không đến gặp tôi. Vẫn hàng ngày lặng lẽ đi làm, rồi về căn phòng một mình. Tôi cầm tay rồi hỏi Quỳnh: “Sao vào đây rồi mà không tìm tới gặp anh?”. Quỳnh không nói gì, mặt buồn nhìn xa xăm.
Tối đó tôi dẫn Quỳnh tới một nhà hàng ven sông Sài Gòn. Gọi chút rượu vang gọi là uống mừng ngày gặp mặt. Nước sông lên cao, lững lờ trôi kéo theo những đám lục bình xanh biếc. Ánh đèn loang loáng chiếu xuống dòng sông như tạo thành ngàn vì sao lấp lánh. Uống cạn ly rượu vang, Quỳnh mới bảo: “Không biết gặp anh có tiện không. Nhưng lòng em lúc này mềm yếu quá. Lúc nhá nhem chập choạng tối, em nhớ nhà khôn nguôi, nhưng chẳng có đủ dũng khí để trở về. Và bước chân em như đưa lối dù trong đầu đã cưỡng lại ước muốn đi gặp anh. Em quá ích kỷ rồi”. Tôi nhìn Quỳnh và nói: “Dọn đến ở với anh nhé! Căn phòng ngày xưa chật chội mà vẫn đủ cho hai người. Giờ phòng rộng quá mà anh lại không biết nấu ăn”. Quỳnh cười: “Thế là giấc mơ tuyết trắng lại có thật ở miền nhiệt đới phải không anh?”.
Trên thế giới có nhiều tỷ người. Trên đất nước Việt Nam có muôn triệu người. Giữa Sài Gòn tấp nập có hơn chín triệu người. Nhưng cơ duyên để gặp một người mà mình sống cùng, nếu nói cho đúng, tôi nghĩ là do hai chữ “duyên phận”. Cứ vậy, tôi và Quỳnh lặng lẽ sống với nhau giữa đất Sài Gòn tấp nập, ồn ào. Bản ước hẹn có thời hạn nơi trời Âu giờ lại được như nới thêm ra. Mùa xuân năm ấy, tôi ngỏ lời với Quỳnh. Và thật nhẹ nhàng, Quỳnh mỉm cười hạnh phúc và gật đầu đồng ý. Tôi và Quỳnh mang theo hai cành mai vàng về với đất Bắc. Một cành mai tôi mang tới nhà bố mẹ Quỳnh để thưa chuyện. Một cành mai để Quỳnh về ra mắt bố mẹ tôi. Mùa thu năm ấy, chúng tôi cưới nhau bằng một đám cưới giản dị, chỉ có người thân và bạn bè hai đứa. Tuần trăng mật, tôi đưa Quỳnh trở lại thành phố Sheffield. Chúng tôi ghé thăm trường xưa, ghé thăm căn cư xá, ghé thăm thư viện những ngày chụm mái đầu học bài cùng nhau.
Kể cũng lạ, tôi và Quỳnh như đi hết hai nửa của một vòng tròn. Gặp nhau ở điểm bắt đầu, rồi chia xa hai ngả, rồi lại gặp lại nhau ở điểm bắt đầu ấy. Giờ đây, sau những đổ vỡ, chúng tôi không toan tính cho tương lai, mà chúng tôi lấy điểm tựa quá khứ mà sống trọn vẹn cho những tháng ngày hiện tại. Từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, từng hơi thở…
L.N.S