Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Xóm trọ (Truyện ngắn)
Xóm trọ (Truyện ngắn)

NGUYỄN CẨM HƯƠNG  

Vừa mới ở được hai ngày Ngân đã muốn chuyển đi, không phải vì căn phòng sát nhà vệ sinh công cộng, cũng không phải gần bể nước suốt ngày ẩm ướt, mà vì cái cách dân ở đây sống không giống ai. Ai đời nửa đêm đi làm về còn hát ông ổng rồi lại ra bể nước dội ào ào cứ như chốn không người. Song, bực thì nghĩ vậy chứ Ngân vẫn dùng dằng không dám quyết, chung quy cũng chỉ vì ngân khố eo hẹp, nếu không Ngân đã không phải tìm đến khu trọ này. Một khu nhà trọ cổ lỗ sĩ theo mô típ của thế kỷ trước còn sót lại. Hai dãy nhà cấp bốn lợp tôn đối mặt nhau, ở giữa có một đường đi rộng chừng hơn hai mét, mỗi bên bốn phòng trọ vuông vức như cái hộp diêm không bếp núc, không nhà vệ sinh. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải tập trung ở khu bể nước và hai nhà vệ sinh công cộng. Nghe nói vài chục năm trước, nó cũng là nhà trọ của sinh viên một trường đại học, nhưng từ khi trường chuyển đi nơi khác, khu trọ bỏ trống một thời gian, sau đó lại có người thuê, chủ yếu là số công nhân công ty môi trường, bởi nó gần khu tập kết rác. Chủ nhà đã rời đi nơi khác, nhưng hàng tháng vẫn đến để thu tiền nhà và tiền điện nước. Đã mấy lần chủ muốn đập đi để xây một công trình khác nhưng do khu này đang nằm trong quy hoạch chưa ngã ngũ, với lại đám công nhân nài nỉ ông chủ cứ để nguyên thế cho họ ở một thời gian nữa, vì giá cả ở đây rất bèo. Giá bèo thì cũng phải chấp nhận ở chả khác gì bèo bọt, mặc nó trôi nổi thế nào thì trôi. Mùa đông còn tạm chứ mùa hè thì như cái lò luyện đan. Cửa nhả thì xộc xệch, có đóng cũng như không, nhưng may phía ngoài khu có một cái cổng sắt to đùng chắc chắn, mỗi người một chìa, tối khóa lại. Thực ra cũng chả cần thiết vì trộm nó thừa biết khu này chả có gì ngoài mấy cái xe máy rách, lấy được chưa chắc đã đi được. 
Cả khu trọ có tám phòng nhưng chỉ có bốn phòng có người ở, Ngân đến là thành năm, phòng sát nhà vệ sinh giá rẻ nhất, Ngân chọn. Dẫu sao thì cũng hợp túi tiền, vả lại nhìn căn phòng mà chủ cũ đã ở cũng khá sạch sẽ, xem ra đây là một cô gái đồng bóng, trên tường dán đầy ảnh các sao, chưa kể chỗ nào hở ra thì lại có những bông hoa giấy cắt dán rất khéo, trông cứ như một lớp học mầm non. Chiếc giường đôi cũ kỹ kiểu như tấm phản, chắc là tài sản cố định của chủ nhà, vì phòng nào cũng như phòng nào.
Ngân luôn phải đóng cửa chính, chỉ còn chút ánh sáng ban ngày bằng ô cửa sổ mà cánh cửa đã bị long bản lề, không tài nào khép kín được, bởi thế không kiềm chế được những ánh mắt tò mò liếc ngang mỗi khi đi qua vào nhà vệ sinh. Cả khu có hai nhà vệ sinh, một nam một nữ nhưng vì nam ít nên nhà vệ sinh coi như chung, cửa nào mở thì cứ việc vào, mà nhà vệ sinh kèm nhà tắm nên hầu như đám phụ nữ thường xuyên chiếm lĩnh. 
- Cô gì ơi.
- Có việc gì đó chị?
Ngân đứng dậy mở cửa, một chị vẫn bận nguyên bộ đồ công nhân môi trường hiện ra ngay giữa cửa. 
- Cô mới dọn đến à, nhớ cuối tuần này là dọn vệ sinh khu trọ nhá. Tuần này là đến lượt cô đấy. Hàng ngày ai ở nhà nào thì tự làm vệ sinh nhà đó, chỉ cuối tuần mới phải dọn nhà tắm, cọ sân bể nước, thông cống rãnh. À cô tên gì nhỉ? 
- Dạ em tên Ngân. 
- Còn tôi là Cần, cứ gọi là Cần rác.  
Ngân cười: 
- Em biết các chị đều là công nhân công ty môi trường rồi mà. 
- Không, vì ở đây có hai Cần, Cần nam là lái xe gọi là Cần xe. Tôi với cô Thêm, chú Cần là cùng chung một tổ rác, còn Hợi và Xoan là ở bên cây xanh. 
Gớm nghe mấy cái tên là biết xuất xứ rồi - Ngân nghĩ.
Chồng hồ sơ cứ mỗi ngày lại vơi dần đi, mà chưa có một hồi âm gì từ nơi Ngân nộp. Sáng nào cũng vậy, Ngân tút tát nhan sắc một cách kỹ càng, không diện nhưng ăn mặc cũng tươm tất hơn so với ở nhà với vài bộ váy mồi, thay đi đổi lại. Tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nghe thì có vẻ oai mà thành ra đó là một khoa chết, vì hầu như sinh viên ra trường không xin được việc làm cho đúng với ngành nghề mình đã học. Dần dần Ngân bỏ những hồ sơ có phô tô bằng đại học mà chỉ phô tô bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và một số thông tin cần thiết mà thôi. Ngân đi khắp thành phố tìm đến các cửa hàng có thông báo tuyển nhân viên, sẵn sàng làm bất cứ việc gì cũng được, vậy mà người ta vẫn không gọi, không hiểu họ chê Ngân điểm gì. Cả ngày lượn lang thang ngoài đường, bữa ăn khi thì cái bánh mì, khi nắm xôi, tối về lại bát mì tôm. Bố mẹ Ngân ở quê cũng sốt ruột, cứ thỉnh thoảng lại gọi: “Thôi về nhà giúp mẹ chăm con lợn con gà, có gì ăn nấy rồi kiếm thằng chồng ở quê là xong”. Ngân không chê nhà quê, nhưng cô tiếc cho bốn năm đèn sách, tốn bao nhiêu tiền của của bố mẹ đã dành dụm, chắt chiu cho cô ăn học. Đến người anh trai cũng phải bỏ suất đi học nghề để ở nhà làm anh nông dân chân lấm tay bùn. Cô tiếc cho những gì mình đã học, tiếc cái kiến thức cô đã trau dồi để ẵm cái bằng tốt nghiệp loại giỏi khiến bố mẹ được một phen ưỡn ngực khoe với làng xóm. Chính vì thế mà cô phải lên thành phố, cũng là kỳ vọng của bố mong cho con gái được đổi đời. Nhiều hôm quá mệt mỏi Ngân muốn tạt vào một quán ăn nào đó xin làm chân bưng bê hay rửa bát để có hai bữa cơm qua ngày, nhưng cái tính sĩ diện lại khiến cô quay đi.
Quá trưa, khu trọ vắng lặng, người thì đi làm chưa về, người đang ngủ vùi. Ngân về định ăn bát mì rồi nằm nghỉ chiều đi tiếp, lần này Ngân quyết sẽ xin một công việc thật tầm thường nhất, cốt để lấp những ngày uể oải, nhàm chán này. “Soi bóng đời bằng gương vỡ nát/ Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt/ Đoạn buồn xa ta đã đi qua/ Ngày vui tới ta vẫn chờ”(1). Lại vẫn cái giọng ca khô khan nhưng rền rĩ của người đàn ông duy nhất trong xóm trọ. Tiếng dép lê loẹt quẹt đến bên bể nước, tiếng nước chảy xòe xòe, và tiếng vỗ quần áo bì bạch. Đấy, giữa trưa mà ầm ĩ như vậy hỏi ai ngủ được cơ chứ, đúng là một gã lập dị. Ngân đã đôi ba lần phải bịt tai vì tiếng ghi ta bập bùng và cái giọng khàn đặc gào lên như bị ai bóp cổ mỗi khi lên cơn đồng rock “Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá á á…”(2), cùng với âm thanh là sự hành xác cơ thể với cái đầu vật vã tóc tai quăng quật. Nhưng đó chỉ là mấy bữa đầu thôi, chứ giờ Ngân cũng quen tai rồi. Ngân mở cửa mang bát ra rửa. 
- Ơ, cô Ngân hôm nay không đi làm à? 
- Vâng, à em chưa làm ở đâu anh ạ. Anh Cần văn nghệ nhỉ, đàn hay hát giỏi. 
- Đàn hay gì đâu cô, có cây ghi ta nát, thỉnh thoảng đập cho đỡ buồn đời thôi. 
Ngân đã được nghe chị Cần kể anh Cần trước cũng là sinh viên trường kiến trúc, nhưng đến năm thứ ba, chẳng biết nghe ai rủ rê mà đi đánh hàng tận biên giới Trung Quốc, bỏ học cả tuần. Bị đuổi học, Cần về quê tiếp tục đi buôn hàng Trung Quốc, nghe bảo giàu lên ghê lắm, rồi lấy vợ, rồi ăn chơi khét tiếng, rồi lâm vào cờ bạc đến nỗi mất sạch sành sanh, thế là vợ bỏ, đến quyền nuôi con cũng không được, sống vất vưởng một thời gian dài, chán đời đến nỗi định tự tử, may có ông chú nghe đâu cũng làm to ở tỉnh nhà nên xin cho Cần chân lái xe rác ở công ty môi trường đô thị này. Giờ cũng có tiền dư dật rồi, được cái từ hồi làm ở đây cũng tu tỉnh lắm, vẫn hàng tháng gửi tiền về cho con ở quê đấy.
Cả xóm trọ chỉ còn mỗi chị Thêm là Ngân chưa một lần bắt chuyện, chị ở đầu dãy nhà, nhưng không phải vì thế mà vì chị rất ít khi có mặt ở nhà, nếu khi nào ở nhà thì cũng đóng cửa im ỉm không giao lưu, trò chuyện với ai. Chị sống khép kín, nhưng có lẽ còn có điều gì đó nữa mà mọi người ở khu trọ có vẻ không ưa lắm. Chị Cần bảo: “Nó sống chảnh lắm, cũng dân làm rác cả mà chẳng mấy khi trò chuyện với chị, đi làm về một cái là diện quần là áo lượt, đi mất hút con mẹ hàng lươn đến tận đêm mới về. Nó chỉ về nhà để ngủ và sáng sớm dậy đi làm thôi”. 
Ngân đành chấp nhận làm nhân viên bán quần áo ở một cửa hàng thời trang. Thôi tạm vậy, không thực hiện được ước mơ của bố thì phải nuôi đủ cái thân đã, cô đành giấu nhẹm công việc cụ thể chỉ nhắn về là con đã tìm được việc làm rồi, lương không cao nhưng ổn định, nghe giọng bố mẹ có vẻ phấn khởi lắm, chắc chỉ đến mai là cả làng biết cô đã làm việc trên thành phố. 
- Em ơi kéo hộ chị cái khóa cái. 
Ngân chạy vào phòng thử đồ giúp người phụ nữ eo bánh mì đang đánh vật với cái khóa lưng chiếc váy, cô đang mắm môi kéo cái khóa qua đoạn eo ngồn ngộn phù sa, thì nghe tiếng chị chủ gọi: “Ngân ơi có khách kìa”.  Ngân bỏ đó chạy ra, ngoài cửa là một cặp tình nhân, chắc là vậy chứ nhất định không phải vợ chồng. Người đàn bà đang tươi cười níu vào cánh tay người đàn ông ăn mặc lịch lãm, nhưng không còn trẻ, Ngân đang định chạy ra chào mời thì chị chủ đã đứng phắt dậy miệng cười đon đả: 
- A Thơm à, hôm nay có hàng mới về đấy, có mấy cái váy hợp với em lắm, em vào chọn đi.
 Nói rồi chị chủ lại quay ra xoắn xít với người đàn ông: 
- Ông anh mà thấy em của em mặc mấy cái váy này thì đảm bảo choáng luôn, em Thơm dáng hơi bị chuẩn hoa hậu đấy. 
Người đàn ông cười tít đôi mắt vốn đã híp tịt, nhưng vẫn giả vờ lơ đãng ngắm đám quần áo và chỉ trỏ với người đàn bà. Ngân bỗng ngờ ngợ như đã từng gặp người đàn bà này.
Chị eo bánh mì gọi Ngân để đổi size khác. 
- Loại này không còn size nào rộng hơn chị ạ! 
- Thế thôi vậy.
Ngân định nài chị ta chọn cái váy khác, nhưng eo bánh mì đã dứt khoát bước ra, thì cũng vừa lúc người đàn bà eo thon bước vào phòng thử đồ, trên tay khoác mấy chiếc váy, cặp mắt chị ta bỗng dừng lại khi chạm mắt Ngân. Đúng đôi mắt này rồi, một đôi mắt đen sâu hoang hoải buồn, mọi khi Ngân chỉ được nhìn thấy chị không ngoài đôi mắt trên chiếc khăn bịt mặt to đùng, nhưng hôm nay nó hơi khác chút bởi có nét chì đen và hàng mi giả nhưng vẫn cái nhìn ấy, cái nhìn như chứa đựng bao nỗi niềm. Gặp Ngân, đôi mắt như ngại ngùng, hoảng hốt xen lẫn bực bội đến khó hiểu. Ngân định lên tiếng chào nhưng người đàn bà đã quay đi. Hôm nay chị ta ăn mặc khác quá, chiếc váy ngắn bó chẽn lấy thân hình mỏng mảnh, hơi gầy nhưng bù lại có cái eo hút hồn trên cặp mông tròn trịa. Mọi khi Ngân chỉ thấy chị lùng thùng trong chiếc áo bảo hộ lao động, không rõ chị béo hay gầy nữa, còn bây giờ chị như biến thành một người khác, duy chỉ có đôi mắt là Ngân nhận ra, đôi mắt không thể là ai khác được. Ngân đứng bên ngoài phòng thay đồ nói vọng vào: “Có cần em giúp gì không ạ?”. Hình như chị ta chỉ vào phòng cho có chứ không thay đồ, nhoáng cái đã bước ra, tiến lại quầy chị chủ. 
- Em thử rồi, ưng cả ba cái này.
Chị chủ sốt sắng gói hàng nhưng như có ý chờ, mắt đánh về phía người đàn ông.
- Sao em không mặc ra đây cho anh ấy ngắm tí.
- Thôi trước sau gì anh ấy cũng được ngắm mà. 
Cả hai cùng liếc nhanh về phía người đàn ông. 
- Bao nhiêu hả chị em gửi tiền? 
Người đàn bà từ tốn thọc tay vào chiếc xắc tay, thì người đàn ông vội vàng chạy lại nhanh chóng rút ví. 
- Đây đây để anh, bao nhiêu nhỉ?
 - Dạ là ba triệu hai nhưng là chỗ khách quen em chỉ lấy cô ấy tròn ba triệu thôi.
Khi cả hai đã hớn hở bước ra chiếc ô tô màu trắng bóng loáng đỗ trước cửa, Ngân hỏi chị chủ: 
- Khách quen à chị, sộp nhỉ? Hôm nay ai mở hàng mà may thế. 
- May gì, đến mai là nó lại mang nguyên xi đến trả, chứ có phải bán được đâu. 
- Ô sao lại thế?
Thì con này nó là cave mà, mỗi lần đi đến đây là đi với một người đàn ông khác nhau, cave dạng cặp bồ thôi, hình như nó vẫn đang đi làm ở đâu ấy. Vào mua quần áo là để các đại gia trả tiền, nó làm giá trước với chị rồi, chị cứ nói vống giá lên tùy ý rồi sau đó nó trả chị chỉ lấy giá gốc. 
Ngân cứ há hốc mồm không thể tin được, chị Thêm, chị công nhân quét rác hiền lành sống lặng lẽ, là cư dân xóm trọ, lại là người đàn bà đỏm dáng, ăn mặc sexy và lắm mưu mẹo kiếm tiền đến thế sao. Ngân định nói chị ấy là… nhưng cô kịp chững lại, im lặng.
Ngân đi làm về dắt xe vào đến sân bỗng nghe thấy tiếng chổi kè quét xoèn xoẹt ở sân bể nước, rồi một giọng phụ nữ lạ hoắc làm Ngân thoáng ngỡ ngàng: 
- Cô Ngân đi làm về đấy à? 
- Dạ chị là...
- Tôi là Phơ mới chuyển đến đây.
Chị hất mặt về phía căn nhà đang sáng đèn giáp với nhà Cần xe. Té ra khu trọ cũ rích này cũng vẫn có người đến thuê cơ đấy. 
- Chị ơi chị không phải quét đâu, hàng tuần vẫn phân công người dọn vệ sinh mà. 
- Ôi dào việc gì phải phân công, tôi rỗi việc, dọn ào tý là xong, sân bể nước không cọ hàng ngày có mà trơn chết. 
Ngân vào nhà bật điện rồi mang quần áo ra giặt tiện thể hỏi chuyện chị mới đến. 
- Chị ở một mình à?
- Không, cả hai vợ chồng. Anh nhà tôi làm công nhân bên xây dựng, tôi ở nhà làm ruộng nhưng lo anh ấy trên này vất vưởng, cơm đường cháo chợ, nhỡ ốm một cái thì khốn. Tôi lên đây cũng đi nhặt đồng nát kiếm thêm đồng ra đồng vào, đỡ đần anh ấy. Ở nhà ruộng vườn giao cho thằng cả nó lo tất. - Chị vẫn thao thao bất tuyệt, có vẻ cũng mau mồm mau miệng. 
- Tôi dọn đến từ trưa gặp có mỗi cô Cần, chú Cần, cô Hợi, cô Xoan, giờ là cô, còn cô Thêm tôi chưa gặp. - Té ra chị ấy đã biết hết cư dân ở đây. 
Một người đàn ông trung niên bước ra từ nhà Cần xe, dáng vẻ như vừa qua một cuộc nhậu, vậy là Cần xe đã có bạn, ít ra cũng là bạn trà bạn rượu. Chị mới đến nhìn theo rồi giới thiệu: 
- Ông nhà tôi đấy, hai anh em vừa có tý ra mắt, cả khu có hai mống đàn ông nên gặp nhau là như bắt được của, tôi bảo uống ít thôi để chú Cần còn đi làm ca đêm. Mà nghe nói cả khu trọ này có mỗi cô là không làm ở công ty môi trường thôi nhỉ, nghe cô Cần kể cô là sinh viên mới ra trường đang đi tìm việc phải không, vất vả quá. Đấy học hành tử tế rồi mà cũng có việc làm cho tử tế đâu, thế nên thằng con đầu tôi, học xong tôi bảo ở nhà làm ruộng, có kiến thức thì ở đâu cũng kiếm được tiền.  
Có tiếng lịch kịch mở cổng, Ngân biết chắc là chị Thêm, chị hay về vào tầm này hoặc muộn hơn. Mùi nước hoa nồng nặc bay đến tận bể nước, khiến chị Phơ khịt mũi rồi ngấm ngẳn: “Hừ làm quét rác mà cũng bày đặt”. Ngân không nói gì chỉ quay ra phía dây phơi trước hiên nhà, mặc kệ chị Phơ còn lẩm bẩm gì đó.
Có đến mấy hôm Ngân không thấy chị Thêm đến trả váy, Ngân hỏi chị chủ, chị bảo, cũng thấy lạ, chẳng lẽ nó định mặc mấy cái váy đó, Ngân sợ có thể chị Thêm ngại Ngân biết mánh khóe làm ăn của chị nên tránh. Nhưng cũng đã mấy hôm hình như chị Thêm không đi làm vì cửa luôn cài trong. Ngân về muộn nên khi về chỉ thấy phòng chị đã tắt đèn. Hỏi chị Cần, chị bảo: “Thêm nó bị ốm, ốm gì thì không rõ, nhưng thoáng thấy mặt mũi nó thâm tím cả. Mà chị hỏi nó có cần gì để giúp không, nhưng nó bảo không cần gì, cơm nước nó vẫn tự lo được”.
Khu trọ lại có cư dân mới, Ngân nghĩ vậy khi dừng xe trước cổng, đã trông thấy một bé gái chừng bốn tuổi đang chạy lăng xăng giữa sân, thấy Ngân, nó quay ra nhìn chăm chú, rồi bất giác khoanh tay: 
- Cháu chào cô. 
- Ô, cô chào cháu, cháu mới đến đây à, con nhà ai đấy? 
- Cháu con mẹ Thêm, nói rồi con bé chạy vụt vào nhà. 
Một người đàn bà đã qua tuổi trung niên bước ra, Ngân cất tiếng chào: 
- Chào bác, bác mới ra chơi ạ. 
- Vâng chào cô, tôi đưa cháu ra thăm mẹ cháu, mẹ nó bị mệt lại nhớ con. 
- Bác ra chăm chị ở chơi lâu lâu cho mẹ con chị ấy đỡ buồn. 
- Mai tôi phải về rồi cô ạ, ở nhà cũng bận lắm, ông nhà tôi lại đang ốm, tôi gửi em nó với cháu ở đây nhờ các bác, các cô trông nom giúp. Hôm sau mẹ nó khỏe tôi lại ra đón cháu về cho mẹ nó đi làm.
Mới sáng bảnh đã nghe tiếng chị Phơ léo nhéo ở bể nước: 
- Lại đây bác rửa mặt cho nào, eo ơi rửa mặt như mèo kìa. Tý nữa sang bác, bác nấu mì cho mà ăn nhé! Mì tôm của bác có trứng, có hành hoa này, thơm lắm.
- Nhưng mì của mẹ cháu có xúc xích cơ.
- Vậy mai bác mua xúc xích cho Thơm ăn nhé. 
Vậy ra con bé tên Thơm, thảo nào. Xóm trọ từ khi có bé Thơm có vẻ nhộn nhịp hẳn lên. Mẹ cô bé đã trở lại đi làm, chị định đưa con về quê, nhưng mọi người can bảo cứ để nó ở đây cho vui, có phải ai cũng đi làm cả ngày đâu. Bác Phơ hôm nào đi làm về cũng kiếm được một món quà gì đấy trong đám đồng nát của bác cho nó, khi thì cái túi xách be bé xinh xinh đã đứt quai, khi thì con búp bê bị mất tay… Nhưng con bé thích nhất vẫn là sang chơi với chú Cần, vì chú dạy nó tập vẽ, chú đánh đàn cho nó nghe. Lắm hôm chú Cần còn đưa con bé đi chơi công viên. Sau những giờ làm ca kíp thì hình như niềm vui với cư dân xóm trọ là chơi với bé Thơm…
Cái xóm trọ ở tít ngoại thành, quanh năm chỉ nghe có tiếng xe rác lăn bánh ì ì vào bãi rác và đêm đến là tiếng ếch nhái ì uôm, vậy mà bỗng nhiên xuất hiện một chiếc xe hiệu mercedes đen bóng lượn đi lượn lại trên con đường bụi mù để tìm đến khu trọ bình dân mạt hạng này. Đang giữa trưa, mọi nhà đang bận cơm nước, hôm đó Ngân đi làm ca chiều nên đang ăn cơm vội để đi làm. Bỗng phía cổng sắt có tiếng ồn ào. Mấy thanh niên mặt mày bặm trợn cùng một người đàn bà phốp pháp, mặt đầy phấn son như diễn viên tuồng bước ra từ chiếc xe đậu phía ngoài cổng xồng xộc đi vào đứng giữa sân chống nạnh và lớn tiếng gọi: “Con Thơm đâu, ra đây tao nói chuyện”. Mấy thanh niên cũng hùa theo giọng đe dọa: “Có ra đây không, không ra thì đừng có trách”. Mọi người đều dừng việc ngó ra. “Mày không ra tao lật tung cả khu này đấy”. Con bé Thơm đang chơi ở nhà bác Phơ bỗng khóc ré lên ôm chặt lấy bác Phơ. “Này các người ở đâu đến đây mà làm ầm ĩ lên thế, ở đây không có ai là Thơm cả nhá, nhầm nhà rồi”. Người đàn bà mặt phấn trừng mắt nhìn về phía chị Phơ: “Không nhầm được, chúng tao đã theo dõi kỹ rồi, nó vẫn đi về lối này”. Ngân liếc về phía nhà chị Thêm, thấy cánh cửa đã từ từ khép lại. Người đàn bà mặt phấn sau một hồi kêu gọi nữa nhưng không có ai phản ứng gì thì liền khoát tay đám đệ tử: “Tụi bay xông vào từng nhà xem nó ở đâu lôi cổ nó ra cho tao”. Rất không may là căn nhà chị Thêm lại ở ngay đầu dãy, thế là một thằng đệ tử tiến đến đập cửa, nhưng cánh cửa đã cài trong, khiến nó càng nghi ngờ, cùng lúc mấy thằng cũng xông đến đập cửa và đạp dữ dội. Con bé Thơm tuột khỏi vòng tay bác Phơ lao thẳng về nhà khóc váng lên và gọi mẹ ầm ĩ. Đúng nó ở trong này rồi, cả bọn nhao nhao càng đạp hăng. Cần xe từ trong nhà lao ra xông thẳng vào giữa cửa hai tay dang ra như che chắn: “Này, chúng mày không được phá hoại nhà người ta như thế, tao báo công an cho chúng mày rũ tù hết”. Có vẻ lũ lâu la không thèm chấp cái thân hình cò lả của Cần xe nên vẫn cứ ra sức đấm đạp. Thế là cuộc vật lộn không cân sức diễn ra, ba sức voi chỉ cần phẩy tay một cái là Cần xe bị đá văng ra khỏi chiến trường đến mấy mét đầu đập vào thành bể nước. Nhưng Cần xe vẫn còn hăng máu lắm, lại nhổm dậy tiếp tục xông vào ngăn cản đám lâu la quá khích. Nhưng cả bọn bỗng chùn tay khi nhìn thấy một dòng máu đỏ lừ đang ròng ròng chảy từ trên đầu xuống mặt và cổ của Cần xe. Mụ bự phấn ra hiệu cho đám đệ tử dừng tay, mụ tiến lại phía Cần vẫn đang dang tay che chắn cánh cửa đã bị long ra phân nửa. “Xin lỗi chú, chúng tôi không có ý làm phiền chú, nhưng chú nhìn này”, mụ lôi từ trong chiếc xắc tay ra một tệp ảnh xòe cho Cần xem: “Nó đây, nó đi cướp chồng người khác đây này, đây là cảnh nó với chồng tôi đã hú hý với nhau ở rất nhiều nơi rồi. Tôi đã cảnh báo nhiều lần nhưng chúng nó nào có nghe, nên tôi phải tìm đến đây để nói chuyện với nó cho ra nhẽ. Tại nó cứ cố tình trốn tránh đấy chứ”. Nói rồi mụ quay ra phân trần với những người trong xóm trọ, lúc này đã túa ra và sẵn sàng quyết đấu. Chị Phơ, chị Cần thì gào lên rằng sẽ gọi công an phường vì đã hành hung, đánh người gây thương tích. Xem chừng mụ bự phấn cũng hoảng nên vứt toẹt mớ ảnh xuống đất cùng lời đe dọa rồi khoát tay kéo đám đệ tử cuốn xéo ra khỏi cổng. Ngay lập tức cánh cửa phòng chị Thêm bật mở, chị cầm trên tay mảnh khăn đã được xé ra từ một cái khăn choàng rồi quấn vội lên đầu Cần xe. Mọi người cùng xúm xít lo cho vết thương của Cần xe. Chị Phơ lôi bánh thuốc lào của chồng rút một nắm nhỏ rịt vào vết thương, Hợi và Xoan cũng vội chạy về đem ra một lọ cồn, Chị Cần thì mang ra vỉ thuốc kháng sinh đã uống dở vài viên, rồi giục: “Chú phải uống ngay kẻo nhiễm trùng thì chết”. Ngân ôm chặt bé Thơm dỗ dành, con bé vẫn run như cầy sấy, nước mắt, nước mũi giàn giụa. Chốc lát khu trọ đã trở lại yên bình, ai vào việc nấy, Ngân vội đi làm, qua phòng Cần xe, thấy chị Thêm đang khuấy bát cháo, miệng thổi phù phù, Cần xe nằm trên giường mắt lim dim như ngủ.
Sắp đến rằm trung thu, xóm trọ cũng rục rịch chuẩn bị đón rằm. Người lo gửi tiền về nhà, người nhắc nhớ con. Chập tối chị Cần ghé vào phòng Ngân, tay cầm quyển sổ: “Cô Ngân ơi, đóng góp năm mươi ngàn tiền trung thu nhé, năm nay có cháu bé nên xóm trọ ta tổ chức liên hoan trung thu cho cháu Thơm”. Ngân hồ hởi: “Em đi làm có tiền rồi, em xung phong nộp một trăm ngàn. Còn quà cho bé Thơm hôm đó em sẽ tặng cháu”. “Thế thì tốt quá, năm nay trung thu có khi lại vui ra phết đấy”.
Ngân cứ tưởng mỗi mình cô có quà, đó là một chiếc váy xinh xinh, Ngân mua ở hàng giảm giá, ai ngờ chị Phơ cũng tặng bé Thơm hẳn một con gấu bông to đùng trắng muốt. Chị khoe, chị dọn nhà cho một gia đình giàu, thấy có con gấu bông rất đẹp nhưng lại vứt trong gian đồ cũ, thấy chị vừa dọn vừa vuốt ve con gấu bông, cô bé chủ nhà nói cháu không chơi với nó từ lâu rồi, vậy là chị Phơ xin cô bé con gấu bông bảo đem về cho con gái, thế là cô bé đồng ý ngay. Lại còn cho chị một cái túi ni lông to đùng đựng con gấu nữa chứ. Chú Cần thì có hẳn một tấm hình vẽ bé Thơm rất xinh xẻo bằng bút chì màu mà chú đã mua tặng bé. 
Bữa tiệc trung thu được dọn ra giữa sân, cũng đơn giản, không hoa, không bàn ghế, chỉ có hai chiếc chiếu trải ra và đĩa hoa quả cùng với mấy cái bánh trung thu đã được cắt nhỏ. Riêng bé Thơm có thêm chai nước ngọt, và không thể thiếu lon bia cho hai đấng mày râu. Cần xe mang chiếc đàn ghi ta ngồi sẵn ở chiếu so dây phập phừng, đợi đám đàn bà rửa hoa quả và cắt bánh trái. Trăng mới lấp ló sau những ngọn cây, nhưng không gian đã tràn trề sáng vì ánh đèn và thêm chiếc đèn lồng mà Cần xe đã tự tay làm cả mấy hôm nay. Mọi người ngồi quây quần, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện ở quê nhà, chỉ riêng chị Thêm im lặng, mắt lấp lánh chứ không còn hoang hoải nữa, thỉnh thoảng lại ngước lên trời như ngóng trăng. Cần xe cúi rạp vào cây đàn, chìm đắm vào những nốt nhạc và lời ca da diết: “Rượu trần ai gội niềm cay đắng/ Những suy tư in đậm đường hành/ Mình còn ai đâu để vui…”(3). Chị Cần bóc múi bưởi đưa cho Cần xe: “Thôi ăn đi, cứ hát mãi khan cả cổ rồi, mà kiếm cô nào để còn lo cơm nước đi chứ, cứ mì tôm mãi là có ngày chết đấy”. Chị Phơ cũng e hèm rồi lên tiếng: “Việc gì phải tìm đâu xa, chú Cần nhỉ”. Cần buông đàn, cho cả miếng bưởi vào miệng nhai ngốn ngấu như để lấp liếm câu trả lời, nhưng hết miếng bưởi mọi người vẫn chờ, Cần đành thoái thác: “Em thì… có ai thèm lấy đâu chị, phải không anh”, Cần cầm lon bia cụng vào lon của anh chồng chị Phơ “Uống đi anh, anh em mình toàn trên răng dưới cát tút rồi, chỉ có ai biết thông cảm mới chấp nhận được thôi”. “Chú nói thế là không đúng rồi, tại chú cứ kén chứ, anh chú đây khi lấy tôi còn chưa có việc làm nữa là”.
Bữa tiệc trung thu cũng kết thúc nhanh chóng vì Cần xe còn phải đi làm ca lúc mười giờ đêm. Ngân nằm trên giường rồi mà sao cứ thao thức mãi không ngủ được. Cô dậy bật đèn uống nước, thì nghe tiếng chị Cần thì thào ngoài cửa sổ: 
- Cô Ngân chưa ngủ à, tôi nhờ tý này, sáng mai cô chạy sang nhà tôi nom con bé tý nhá. Tôi đi làm sớm sợ nó dậy không thấy ai lại khóc toáng lên. 
- Ơ thế chị Thêm đi đâu ạ. 
- Nó đi làm tăng ca rồi, ca đêm và ca sáng sớm. 
- Vâng thế để em bế cháu sang đây ngủ với em, em đi làm chiều, buổi sáng tha hồ dậy muộn.
Hôm nay Ngân về sớm hơn mọi hôm vì shop vắng khách, vậy mà xóm trọ có vẻ như đã đi ngủ cả, im ắng lạ, nhất là không nghe thấy tiếng ríu ran của bé Thơm như mọi khi. Hai căn nhà đầu dãy tối om, cửa khóa im ỉm, đi qua nhà chị Cần thấy chị ngồi bần thần bên mâm cơm, cầm bát mà không ăn. 
- Chị Cần ơi, chị Thêm đi đâu giờ chưa về, mà bé Thơm đâu ạ. 
Chị Cần bỏ bát cơm xuống mâm, chạy ra thì thào: 
- Cô chưa biết gì à, bố cái Thêm mất rồi. Ông ấy bị bệnh mấy năm nay. Cái Thêm nó vừa đi làm vừa phải gửi tiền về nuôi con chăm bố đấy, rõ khổ. Chị em xóm trọ cũng quyên góp được ít tiền gọi là phúng viếng để nó về lo tang ma cho bố, mẹ con nó cũng vừa mới đi thôi. 
- Chết thật tối tăm thế này, chị ấy về liệu có còn xe không?
- À có chú Cần đưa mẹ con nó về rồi, nó mượn xe công ty, lại còn vay tôi nửa tháng lương nữa, chắc đưa cho con Thêm. Khổ, thế là lương tháng sau lại không còn để gửi về cho con nữa rồi.
            

N.C.H

(1), (3) Lời trong bài hát Thói đời của Trúc Phương.
(2) Lời trong bài hát Tâm hồn của đá của Trần Lập.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 71
 Hôm nay: 150
 Tổng số truy cập: 9266686
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa