LÊ ĐÌNH TRUNG
Bản Mây lọt thỏm giữa lòng thung bao bọc tứ bề là đá núi, những ngọn núi nhấp nhô nối đuôi nhau trập trùng như những con sóng đại dương rì rào xô bờ cát trắng. Từ đỉnh núi một dòng thác bạc đêm ngày ầm ầm đổ vào suối Hát, con suối hiền hòa nước trong xanh uốn lượn quanh bản trước khi chảy ra sông. Từ trên cao nhìn xuống suối Hát như dải lụa trắng của nàng tiên để quên lại giữa núi rừng chốn nhân gian, trong một lần mải miết rong chơi ngắm cảnh sắc đại ngàn. Cả bản Mây chỉ hơn ba chục nóc nhà quần tụ với nhau, họ sống như cỏ cây mạnh mẽ mà khiêm nhường bên núi rừng, sông suối qua những mùa trăng đầy khuyết. Con suối nhỏ chảy qua bản tưới tắm cho những cánh đồng xanh rì rào mùa ngô sắn, vàng rực mùa lúa chín. Nhờ suối Hát mà người bản Mây bám trụ được giữa thiên nhiên đại ngàn khốc liệt, ấy vậy mà con suối bình yên cũng có lúc trở mình giận dữ.
*
Mùa hè năm đó dường như nắng nóng hơn bình thường, trời lúc nào cũng hầm hập như có lửa, tôi khi ấy bảy tuổi còn anh trai tôi lên mười tuổi. Anh trai tôi học rất giỏi, thành tích trên lớp lúc nào cũng xếp hạng đầu, giấy khen của anh treo chật kín cả bức tường trong nhà. Trái ngược với anh trai, tôi học hành lẹt đẹt lúc nào cũng nằm lưng chừng của lớp. Mỗi lần mẹ đi họp phụ huynh về là y rằng tôi bị một trận đòn no, vì cái tội đã học kém còn hay quậy phá, đánh nhau, nói chuyện riêng trong lớp học. Trong mắt hàng xóm, tôi là một đứa trẻ hư còn anh trai tôi đích thị là con nhà người ta khi suốt ngày được nhắc đến như tấm gương sáng trong học tập. Thế nhưng đó chỉ là bề nổi mà người ngoài nhìn thấy, ít ai biết được ẩn chứa sau vẻ ngoài ngoan hiền ấy, anh trai tôi cũng là chúa nghịch ngợm. Bố mẹ tôi vẫn đánh đòn anh đều đều cùng với tôi, chỉ là tôi có phần được “ưu ái” nhiều hơn anh. Chúng tôi tị nạnh nhau đủ thứ, từ rửa bát, quét nhà đến nấu cơm. Dù mẹ đã phân công việc rõ ràng ai làm việc nấy thế nhưng hai đứa vẫn suốt ngày chí chóe, đến cả ăn cơm chúng tôi cũng không để bố mẹ được yên. Mẹ ngày nào cũng phải quát hai đứa và hầu như ngày nào tôi cũng gào mồm ra khóc vì bị anh đánh.
Một buổi chiều nào đó trong mùa hè năm ấy, anh tôi đi chơi về với một bên má sưng u lên một cục, mặt hầm hầm đầy tức tối. Mẹ kêu tôi lấy cây roi, tôi hí hửng chọn lấy cây roi to nhất trong số mấy cây roi tre mẹ để sẵn góc nhà để đưa cho mẹ. Anh đã chứng kiến tôi bị mẹ đánh nhiều lần rồi, nếu có lần nào anh bị đánh thì mẹ cũng đánh đòn cả hai anh em, nay mới có dịp tôi được chứng kiến anh bị ăn roi. Mẹ vụt roi vào mông anh, chiếc roi kêu vun vút trong gió nghe rờn rợn, roi tre tuy nhỏ nhưng đau lắm, vậy mà anh kiên quyết trả lời là bị ngã, mẹ đành vứt cái roi xuống đất bực mình bỏ đi. Tôi nép bên cánh cửa thấy vậy chạy ra nhặt nhanh chiếc roi, không quên bồi thêm một câu “đồ lì lợm” trước khi vọt biến mất sau lưng mẹ một cách đầy hả hê.
Trời nắng như đổ lửa nhưng chẳng nề hà gì với lũ trẻ con chúng tôi, mùa hạ vẫn là thiên đường của lũ trẻ trong làng với vô số những trò chơi trong đó yêu thích nhất là được ngụp lặn trong dòng nước mát để bơi. Làng tôi có một cái ao hợp tác xã rộng lắm, vào mùa hè đây là địa điểm tụ tập của lũ trẻ con trong làng. Chiều chiều chúng tôi kéo nhau ra tắm, hò hét ầm ĩ. Làng không có sông nên nhờ cái ao này mà bao nhiêu trẻ con trong làng biết bơi, đứa lớn dạy đứa bé cứ thế mà thành thạo như trẻ em vùng sông nước. Mùa hè của những đứa trẻ con luôn rộn ràng như vậy, thế nhưng kể từ mùa hạ năm đó thiên đường của tôi đã mãi mãi vắng những tiếng cười trong trẻo mà chỉ còn lại những tiếc nuối khôn nguôi.
*
Trời như bị thủng, mưa suốt mấy ngày không ngớt, cả bản Mây ngụp trong làn mưa đổ, con trâu già không ra đồng bị cột dưới gầm nhà sàn, buồn chân gõ móng cồm cộp, hết đứng lại nằm nhai đi nhai lại mớ rơm vàng ruộm, khô giòn còn thơm mùi nắng mới. Đàn gà con kêu chíp chíp loanh quanh chạy theo mẹ bới tìm trong đất những hạt thóc còn sót lại sau mùa gặt. Khăm cùng em nô đùa bên bếp lửa cho ấm chốc chốc lại cười lên khanh khách. Trời mưa chẳng thể lên nương hay đi rừng, bố Khăm ở nhà sửa lại mấy cái cày, tra lại cái cán cuốc chuẩn bị cho vụ lúa tiếp. Mẹ Khăm tranh thủ lôi lanh ra dệt để mang đi bán trong phiên chợ tới. Vừa dệt mẹ Khăm vừa ngân nga câu hát mừng một mùa bội thu, vui những cái bắp căng mẩy hạt đã treo đầy gác bếp, lúa đã chất đầy bồ: “Kháu dú nà, pa dú nặm/ Chăm chắng đáy kín, non nghin tai giác” (Lúa dưới ruộng, cá dưới nước/ Khéo làm có ăn, siêng nằm chết đói). Khăm nghe tiếng mẹ hát trong như tiếng suối Hát những ngày trời có nắng, róc rách và tươi vui, còn con suối Hát giờ này thì ầm ào như sóng cuộn, nước đục ngầu chảy xiết. Tiếng hát của mẹ tựa lời ru làm Khăm chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay, khi giật mình tỉnh dậy đã thấy xung quanh toàn nước. Lẫn trong làn nước đục ngầu là tiếng người kêu cứu, tiếng trâu, bò, lợn, gà kêu la thảm thiết, chới với giữa dòng lũ dữ. Khăm chỉ kịp bám vào chiếc xà nhà rồi chẳng nhớ được gì sau đó nữa.
Tiếng khóc của ai đó làm Khăm tỉnh giấc, nó ngơ ngác nhìn xung quanh những người đàn ông, đàn bà đang quỳ mọp về phía núi cầu xin thần núi rộng lòng thương xót. Mãi sau Khăm mới biết mọi người thấy nó nằm trôi trên một khúc gỗ nên tìm cách vớt lên, tưởng đâu nó đã chết nhưng may nó vẫn thở nên để nó nằm trên đất nghỉ ngơi. Khăm hỏi: “Thế bố mẹ và em cháu đâu?”. Đáp lại câu hỏi của nó chỉ là những đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ và những cái lắc đầu bất lực.
*
Cơn bão số ba đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn, cả đơn vị chúng tôi phải ở lại trực chiến để sẵn sàng ứng phó với lụt bão. Mười hai giờ trưa trời vần vũ và tối om như ban đêm, mưa vẫn không ngừng rơi, mâm cơm vừa được dọn ra còn chưa ai kịp ăn thì nghe tiếng kẻng báo động. Tin báo về cho chúng tôi biết tại địa bàn bản Mây xuất hiện tình trạng lũ quét làm cuốn trôi nhiều người và tài sản. Cả đội vội vàng ra xe thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Xe chúng tôi xuất phát từ thành phố sau hơn bốn tiếng đồng hồ mới đến được địa bàn xã nơi có lũ quét. Vì bản Mây nằm sâu trong rừng và đang bị chia cắt bởi dòng nước lũ nên để vào trong bản chỉ có cách vượt dòng nước lớn. Mưa vẫn không ngừng tuôn, những giọt nước sắc lẹm như roi mây quất vào mặt đau rát. Con đường đất ngày thường vốn gập ghềnh sỏi đá, nước mưa nhão nhoẹt theo từng nhịp chân bước. Tôi phải sục mũi giày sâu xuống bùn gắng ghì bàn chân để có thể đi mà không ngã. Đoàn cứu hộ hơn chục người trên vai lỉnh kỉnh đủ thứ đồ cứ thế nhích từng bước vào bản, cứ vài phút lại có người ngã dúi dụi xuống bùn. Dưới lớp lá ẩm những con vắt tua tủa như những chiếc kim thấy hơi người vươn mình bật tanh tách dù quần áo, mũ, ủng bọc kín toàn thân thế mà khi đến mép bờ nước lũ kiểm tra lại người tôi vẫn thấy vài con vắt hút no máu to như con đỉa trâu đang bám trên chân mình.
Khó khăn nhất vẫn là tiểu đội phụ trách mang ca nô vào điểm tập kết. Cứu hộ sông nước nếu không có ca nô thì gần như chẳng thể làm được gì. Ca nô bình thường được di chuyển bằng xe kéo cũng chẳng dễ dàng bởi nó rất nặng huống hồ đường núi dốc, đá gập ghềnh. Chặng đường chỉ chừng vài ba cây số mà phải hơn một tiếng chiếc ca nô mới vào được đến nơi, trên chiếc ca nô dính đầy đất hình như có cả những vệt máu in hình bàn tay, nhưng tuyệt nhiên tôi chẳng nghe thấy một lời ca thán nào của tiểu đội vận chuyển.
Mưa chưa có dấu hiệu ngớt, mực nước lũ vẫn không ngừng lên cao. Các nhóm được chia ra thực hiện nhiệm vụ, nhóm tiến sâu vào tìm kiếm và đưa những người còn đang bị mắc kẹt ra ngoài. Nhóm chịu trách nhiệm cứu vớt những tài sản còn lại của người dân đến nơi an toàn. Tôi mặc áo phao lên ca nô cứu hộ vượt qua dòng lũ tiếp cận bản Mây. Nước sông chảy xiết, lái ca nô phải cẩn thận và cứng tay, điều khiển sao cho ca nô chạy nghiêng so với dòng chảy, nếu chạy xuôi theo dòng sẽ bị nước cuốn trôi, hoặc nếu chạy vuông góc sẽ bị đánh lật. Tôi ngồi đằng sau cũng phải rướn cả người lên để cân bằng, không giống như trên đường bộ khi ngồi trên xe máy ở mỗi khúc cua theo quán tính thường cong người theo xe, khi ở dưới nước mỗi lần ca nô nghiêng sang một bên thì người ngồi sau phải nghiêng sang phía còn lại để cân bằng ca nô. Khoảng hơn ba mươi phút vật lộn ở dòng lũ chúng tôi mới tiếp cận được những hộ đầu tiên của bản. Người đầu tiên tôi cứu được là một người đàn ông đang ngồi co ro trên mái nhà vì lạnh. Thấy chúng tôi đến người đàn ông bắt đầu mếu máo:
- Trôi hết rồi, vợ con đã trôi về phía đằng kia rồi. Không kịp, kéo mà không kịp, lũ nhanh quá.
Những vết nhăn trên khuôn mặt người đàn ông khắc khổ xô lại với nhau ép cho những giọt nước mắt thi nhau rơi. Một người con của núi rừng tưởng chừng như chẳng thứ gì có thể đánh gục, vậy mà người đàn ông đứng trước tôi đây đang khóc như một đứa trẻ chỉ vì bão lũ đau thương.
Sau khi đã tập trung hết mọi người đến khu vực an toàn, trưởng bản thống kê có mười ba nóc nhà và mười lăm người bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Sự bàng hoàng vẫn còn vẹn nguyên trên khuôn mặt khắc khổ của những người dân bản. Ngày thứ hai, những cơn mưa thưa dần, mực nước lũ đang dần rút nhưng vẫn còn chảy xiết, cả bản vẫn hoang hoải trong biển nước. Công tác tìm kiếm vẫn được triển khai dọc dòng sông về phía hạ lưu để tìm kiếm người mất tích. Những người đầu tiên được tìm thấy, người bị nước cuốn trôi vào bờ, mắc vào trong khe đá, người vướng vào cành cây, người trôi dạt vào bờ. Chưa bao giờ tôi chứng kiến nhiều xác người đến như vậy, những cái xác ngâm trong nước trắng ởn, bụng bắt đầu trương lên.
Mưa ròng rã suốt ba ngày đến ngày thứ tư thì tạnh, trời bắt đầu hửng nắng sau nhiều ngày âm u, nước lũ cũng rút dần, dòng suối Hát đã thôi không gầm rú như con hổ dữ. Một số hộ ở khu đất cao bắt đầu rút về nhà để tìm kiếm lại xem trong đống đổ nát có còn thứ gì giá trị. Nhà cửa sập đổ, rác, cây gỗ nằm ngổn ngang. Bản Mây sau cơn lũ trở thành một bình địa hoang tàn, không khí tang thương bao trùm, tiếng khóc lóc bi ai tiễn đưa những người xấu số và cầu mong cho những người chưa tìm thấy sớm về. Cả bản vang lên tiếng đục đẽo, người ta đang làm sẵn những chiếc hòm gỗ chờ khi tìm được xác những người mất tích sẽ đặt vào mang đi chôn.
Xác trâu, bò, lợn, gà nằm ngổn ngang bốc mùi, đi qua thấy lợm lợm ở cổ. Những con ruồi bu đen trên xác những con vật xấu số. Nước rút đi để lộ ra những thi thể người bị vùi sâu trong lòng nước lũ. Đất vùi lên người họ, phải tinh ý mới nhận ra mớ tóc hay bàn tay nhô lên giữa đống sình lầy, mọi người tập trung đào bới, dội nước xối xả mới mang được thi thể của họ lên. Những tử thi ngâm trong nước đã bắt đầu phân hủy, mùi bốc lên nồng nặc. Làm công tác cứu nạn, cứu hộ nhiều năm, tôi chẳng nhớ mình đã làm bao nhiêu vụ liên quan đến xác người, tình trạng, tư thế nào cũng có nhưng vụ việc ở bản Mây vẫn khiến tôi không thể nào kìm lòng được. Mùi tử thi khiến tôi phải cố bịt mồm ngăn cơn buồn nôn kéo đến, gai ốc nổi lên khắp người, dù rất sợ phải chạm vào những cái xác trắng ởn, lớp da dinh dính, những cặp mắt trợn trừng do chết tức tưởi nhưng tay chân vẫn nhịp nhàng từng động tác không dám chậm trễ vì tôi biết người nhà họ đang khắc khoải chờ, ngóng trông từng tin tức về họ.
Mỗi một xác chết được bàn giao là mỗi lần tôi chứng kiến cảnh gào khóc của người thân. Họ đã khóc suốt từ ngày hay tin người nhà mất tích, khóc rả rích như những cơn mưa. Dù biết khả năng sống của những người bị lũ cuốn là vô cùng mong manh, nhưng họ vẫn không ngừng nuôi một hy vọng nhỏ nhoi. Chúng tôi đã tìm thấy được mười ba trên tổng số mười lăm người mất tích, cả đội tiếp tục triển khai tìm kiếm để đưa nốt hai người còn lại về với gia đình. Chờ đợi và hy vọng là cảm giác chẳng hề dễ chịu gì hệt như năm ấy khi tôi gào thét gọi tên anh trai giữa trưa nắng hạ.
*
Anh trai tôi đã biết bơi từ năm lớp ba, còn tôi mỗi độ mùa hè đều ra ao tập nhưng tập mãi vẫn chẳng thể bơi. Mỗi lần dạy tôi bơi là anh lại nạt nộ, chửi tôi vì cái tội chân không chịu duỗi thẳng ra để đạp. Anh càng quát tôi lại càng lúng túng nên tay chân quờ quạng loạn cả lên. Bực mình anh cốc tôi một cú vào đầu và để mặc tôi ở đó, bơi ra phía lũ bạn. Nhìn mấy đứa bạn có anh trai nhẹ nhàng chỉ bảo từng động tác, tôi tủi thân và ao ước mình có một người anh như vậy. Tôi vừa khóc vừa la lên về phía anh: “Em ghét anh, em không cần anh nữa”. Rồi bỏ lên bờ chạy về nhà.
Buổi sáng hôm sau đi học tôi mang câu chuyện tập bơi kể cho bạn. Đứa bạn nghe tôi nói vậy thì cười khà khà và nói cho tôi biết bí mật về cách nó biết bơi. Trưa hôm đó nhân lúc cả nhà đang ngủ, tôi len lén trốn ra khỏi nhà đi về phía ao làng. Bình thường chỉ buổi chiều khi có người lớn đứng trông thì trẻ con mới được phép xuống tắm, nên giữa trưa xung quanh vắng lặng không một bóng người. Tôi cởi chuồng ném quần áo ở bờ rồi từ từ lội xuống ao, trời nóng nực, bước xuống nước mát làm tôi thấy thích thú vô cùng. Tôi nhích từng bước, từng bước một ra xa hơn, dù tin tưởng mình đã biết bơi sau khi thực hiện bí kíp mà thằng bạn chỉ nhưng tôi vẫn có cảm giác sờ sợ. Nước lút đến tận cổ, tôi vẫn tiếp tục nhích từng tí, khi chân đang dò dẫm từng bước thì bất ngờ tôi thụp xuống một cái hố nước. Tôi vùng vẫy bơi để người nổi lên, thế nhưng cả người vẫn cứ chìm nghỉm như lúc tập cùng anh trai. Con chuồn chuồn ớt mà tôi khó nhọc bắt được và chịu đau đớn để nó cắn rốn đã chẳng thể khiến tôi biết bơi như lời thằng bạn. Tôi bắt đầu chới với và hoảng loạn, nước ồng ộc chui vào miệng, nước tràn vào mũi. Tôi tiếp tục quẫy đạp hết trồi lên rồi lặn xuống, người lả dần đi và bắt đầu chìm xuống.
Giữa cơn mê man có ai đó túm lấy tay tôi. Theo bản năng của mình tôi bám lấy người đó, tìm cách ngoi lên để đớp lấy từng ngụm không khí. Hai anh em tôi ngụp lặn giữa ao, phải khó nhọc lắm anh mới đẩy được tôi vào bờ. Tôi thở hổn hển, người tái đi, môi thâm sì, run cầm cập leo lên bờ. Quay đầu lại không thấy anh đâu, tôi la lên gọi tên anh, nhưng không thấy anh trả lời. Tôi chạy về làng gọi người tới giúp, tiếng kêu cứu làm náo động cả buổi trưa vùng quê. Người lớn lao xuống, ngụp lặn một lúc mới vớt được anh lên, người anh đã tái nhợt, người ta dốc ngược hai chân anh lên chạy vào trạm xá, tôi thấy thấp thoáng trong đám đông ai đó đang ép tim, hô hấp nhân tạo cho anh, họ ấn rồi thổi lâu lắm. Bác sĩ bảo chân anh bị chuột rút, cơ quắp lại chắc không kịp khởi động.
Tôi ngồi thu lu bên cạnh chiếc quan tài nơi anh nằm trong đó. Mẹ tôi đã phải đi cấp cứu ngay khi nhìn thấy đứa con trai lớn nằm bất động trong giường trạm xá. Bố tôi - người đàn ông bốn mươi tuổi sau một đêm gầy sọp như đã ngoài sáu mươi, đôi mắt ông sâu hoắm như vực thẳm hun hút những nỗi buồn.
Tôi lí nhí bên quan tài anh: “Anh ơi, anh dậy đi, anh dậy chơi với em, em nhường bánh cho anh này, anh dậy đi, em rửa bát, nấu cơm, việc nhà em làm hết cho anh. Anh không phải làm gì hết, chỉ việc dậy với em thôi. Anh đi rồi ai dạy em học, ai dạy em bơi anh ơi. Em không ghét anh đâu, em thương anh nhiều lắm mà anh”. Đáp lại những lời nói của tôi chỉ là sự im lặng.
Hôm sau bạn tôi tới thắp hương cho anh tôi kể, hôm trước nó thấy anh đánh nhau với mấy đứa bên cạnh lớp tôi. Nghe đâu chúng định kéo đến đánh tôi vì tôi đã đánh nhau với một thằng lớp nó. Đến tận lúc đó tôi mới biết anh thương tôi đến nhường nào. Nhưng khi tôi biết anh thương tôi và tôi thương anh thì đã quá muộn rồi, anh đã bỏ lại tôi một mình với khoảng trống không gì có thể bù đắp.
Hình ảnh anh tôi ngày hôm ấy ám ảnh tôi suốt cả tuổi thơ. Biết bao đêm tôi chợt giật mình tỉnh giấc vì xung quanh ngập ngụa nước, nước tràn vào mũi và miệng khiến tôi không thở được. Đêm thu lu trong căn phòng tối tôi lại khóc. Giá như tôi biết bơi, giá như tôi biết cách cứu người bị đuối nước. Những điều tiếc nuối cứ dằn vặt tôi mãi để rồi đưa tôi đến quyết định trở thành người lính cứu nạn, cứu hộ.
*
Khăm ngồi bên hai chiếc hòm được người lớn đóng sẵn, nó vẫn chờ chúng tôi mang bố và em nó về. Thằng bé đen nhẻm, ngồi như tượng không nói không khóc, nó chỉ ngồi lặng im hướng ánh mắt vô hồn nhìn về dòng suối Hát và khoảng đất trống nơi trước kia từng là nhà của nó. Mẹ nó bị vùi lấp trong lớp bùn đất đã được đưa về và đem đi chôn ngày hôm qua.
Xuôi theo dòng sông về phía hạ lưu nhiều lần chúng tôi vẫn không tìm thấy dấu vết của hai người, dân trong bản cũng túa ra đi tìm dọc hai bên bờ sông xem họ có bị trôi dạt vào không. Tìm từ khi trời sáng đến tận khi gần tối vẫn không thấy, chúng tôi tính quay về đợi đến ngày mai nước rút thêm sẽ tìm kiếm tiếp. Trên ca nô ngược dòng về lại bản, phía đằng Tây hoàng hôn đỏ ối như màu máu, đáng lẽ ở bản giờ này những làn khói bếp của bữa cơm chiều đã nghi ngút từ những mái nhà nhẹ nhàng thả vào tầng không. Thế nhưng bản làng giờ đây xơ xác, căn bếp lạnh ngắt như chưa bao giờ được nếm qua hơi ấm ngọn lửa. Chúng tôi lặng người, chẳng ai nói với nhau câu nào, mỗi người chìm trong những suy tư của riêng mình. Ca nô đi thật chậm để tìm kiếm xung quanh một lần nữa. Bất ngờ tôi nhìn thấy trong khe đá gần đó có vật gì như cánh tay người đang lững lờ trôi theo dòng nước. Áp sát vào kiểm tra thì đúng là người, một bàn tay nhỏ xíu của con nít.
Trong số mười lăm người bị cuốn trôi có ba trẻ em, hai em trước đã được đồng đội tôi tìm thấy và bàn giao cho người nhà ngày hôm qua. Đây có lẽ là đứa trẻ còn lại, là cái xác trẻ em đầu tiên tôi trục vớt, cả người tôi run lên khi tiếp cận lại gần thi thể em. Mọi người đã tập trung hết lại khe đá để cùng đưa thi thể của em ra, thế nhưng khi nhảy xuống nước chúng tôi mới phát hiện, bên dưới em còn một xác người lớn. Hai xác dính vào nhau bị mắc kẹt trong cùng một khe đá. Mọi người cùng thắc mắc làm thế nào mà hai xác chết có thể trùng hợp bị dòng chảy cuốn về một vị trí được. Mãi đến khi đưa được cả hai lên bờ, không ai có thể kìm được nước mắt, người bố khi thấy cơn lũ đang cuồn cuộn kéo về đã dùng dây thừng buộc con vào người mình. Thế nhưng dòng nước hung ác đã cuốn trôi cả hai người. Xác người bố bị va đập vào đá khiến khắp người là những vết rách, thâm bầm tím, xác con trai vẫn vẹn nguyên trong vòng tay bố, em nhắm mắt như đang ngủ trong lòng bố. Bố đang rủ em chìm vào giấc ngủ bình yên.
Khăm ngồi như tượng trên bờ lúc này đã chạy ào đến bên bố và em, thằng bé vật vã bên hai cái xác, những người xung quanh phải ngăn nó lại. Nhìn thằng bé tôi nhớ về mình mùa hè năm ấy đã cướp đi anh trai của tôi. Hàng xóm tách hai cái xác ra, phải xoa rượu nắn tay hồi lâu, khó khăn lắm họ mới gỡ được cánh tay người bố như vòng kiềng ôm lấy con trai. Đặt họ vào những chiếc hòm đã được làm sẵn. Thằng bé ngồi giữa một bên và xác bố, một bên là xác em trai. Nó đã thôi khóc, đôi mắt của đứa trẻ mới tám tuổi trũng sâu, hun hút, mặt nó cúi gằm.
*
Cơn lũ qua đi, đội chúng tôi ở lại cùng bà con tiếp tục dọn dẹp đống ngổn ngang còn sót lại. Mãi đến tận lúc chia tay bản ra về, ánh mắt đáng thương của thằng bé vẫn làm tôi khắc khoải mãi không thôi. Tối hôm trước ngày đoàn rời đi tôi cố tìm gặp Khăm. Từ ngày chôn bố và em trai xong người ta cũng ít thấy nó trong bản, nó hay quanh quẩn trong nghĩa địa nơi bố mẹ và em trai nó đang nằm.
Thằng bé thấy tôi đến hơi giật mình nhưng không nói gì, tôi ngồi xuống cạnh thằng bé và bắt đầu kể cho nó nghe về câu chuyện mùa hè của đứa trẻ lên bảy tuổi cùng anh trai mười tuổi. Tôi nói với thằng bé cuộc sống có thể chẳng bao giờ dễ dàng với chúng ta khi liên tục mang đến những khó khăn, thử thách nhưng chọn sống và vượt qua như thế nào đó là lựa chọn của chúng ta. Người anh trai đó chưa bao giờ rời xa cậu em trai của mình, anh vẫn cạnh bên và động viên cậu cố gắng cứu người trong mỗi lần làm nhiệm vụ.
Thằng bé lặng im nghe câu chuyện, mặt cúi gằm khi rời đi, hình như tôi thấy dưới chân thằng bé có những giọt sương long lanh như pha lê còn đọng lại trên đám cỏ đang lên xanh. Xe của chúng tôi đi được một đoạn thì thấy dáng thằng bé chạy theo, nó vẫy tay và nói gì đó như là cảm ơn nhưng vì xa quá chúng tôi chẳng thể nghe rõ. Những đau thương rồi sẽ nằm lại dưới lòng đất, dù phải rất lâu nữa người ta mới quên được những nỗi đau, sự ra đi, tan hoang, mất mát của cơn lũ lịch sử này gây ra, nhưng ngày mai luôn là ngày mới và mặt trời sẽ lại chiếu rọi như cuộc đời của tôi, của Khăm.
L.Đ.T