Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Người con gái Bến Tre (Truyện ngắn)
Người con gái Bến Tre (Truyện ngắn)

 LÊ NGỌC SƠN  

Năm tôi học năm cuối đại học, ông nội tôi ốm nặng và có ý gọi tôi về. Trong hơn mười đứa cháu nội, tôi là đứa cháu ông thương và tự hào nhất. Có lẽ bởi vì tôi học giỏi và trông giống ông. Ông có lần khuyên tôi nên theo nghề giáo. Ông bảo người thầy ở xã hội nào cũng được nể trọng. Nhưng tôi thấy mười mấy năm trời đã đi học, ra trường lại làm thầy của học trò nữa thì ngao ngán quá. Tôi theo học kỹ thuật. Ông không phật ý với lựa chọn của tôi, nhưng vẫn có phần luyến tiếc.
Khi tôi về thăm thì ông đã yếu lắm rồi. Ông bảo ông mệt, xương đau nhức như muốn gãy vụn ra. Tối đó tôi nằm ngủ với ông như bao lần ông cháu ngủ với nhau từ hồi tôi còn là thằng bé con. Tối đó lần đầu tiên ông kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời ông. Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép dần vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh. Và ở cái tuổi gần đất xa trời, mảnh ghép của thời trai trẻ vẫn làm ông trăn trở không thôi. Ông mệt, giọng ông nói nhỏ đứt quãng, nhưng tôi nghe không dứt ra được. Miên man bao cảm xúc, câu chuyện ông kể kết thúc khi đêm đã khuya muộn ngày mới vừa sang.
Một tháng sau đó, vào đúng ngày cuối cùng của năm cũ, ông nội tôi mất. Trong chiếc cặp da sờn màu ông để lại, tôi tìm thấy những chiếc huân chương kháng chiến với ngôi sao màu vàng gắn dưới dải ruy băng đỏ đựng trong chiếc hộp nhựa. Cạnh đó là những bức ảnh cũ của ông thời còn trai trẻ. Nhìn ảnh tôi mới hiểu tại sao mấy bà dì, bà o ai cũng bảo tôi giống ông nội hồi trẻ như đúc. Ở ngăn trong cùng có khóa kéo của chiếc cặp, có một tập thư tay được buộc bằng dây gai cẩn thận cùng một cuốn sổ cũ bìa da màu nâu, dường như là cuốn nhật ký ngày xưa của ông. Kẹp giữa cuốn sổ là một bức ảnh đen trắng ông chụp cùng một người con gái rất đẹp. Phía sau bức ảnh có ghi dòng chữ nghiêng nét mảnh màu mực tím đã phai nhưng vẫn còn có thể đọc rõ: Kỷ niệm Sài Gòn 04-1976. Tôi cũng tìm thấy một chiếc túi vải nhỏ. Tôi mở ra và bất ngờ khi thấy trong đó là hai đầu đạn bằng đồng. Lật giở từng trang nhật ký và đọc các bức thư, tôi dần hiểu một phần quãng đời thời trai trẻ của ông. Câu chuyện mà tới tận lúc cuối đời ông mới kể cho tôi nghe.
Làng tôi nằm ở ven biển tận cuối cùng phía Nam của mảnh đất xứ Thanh. Những ngày trời yên biển lặng, từ góc làng nơi sát rặng phi lao phía bờ cát, có thể nhìn rõ chuỗi mười tám hòn đảo lớn bé, gọi là Thập Bát Mã Sơn, bởi chúng trông giống như một đàn ngựa đang thong dong gặm cỏ giữa thảo nguyên bao la. Hòn đảo lớn nhất trong chuỗi đảo đó là Hòn Mê. Trong những năm Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Hòn Mê là căn cứ địa quân sự phòng thủ bờ biển quan trọng. Bộ đội trên đảo đã lập nhiều chiến công bắn rơi, bắn cháy máy bay và tàu chiến Mỹ. Nhưng cũng bởi vậy mà làng tôi phải hứng chịu một lượng lớn bom đạn Mỹ trút xuống. Người làng tới bây giờ còn kể lại nhiều cái chết thương tâm vì bom rơi đạn lạc. Năm 1967, ông nội tôi, khi đó đang học năm cuối phổ thông, đã viết đơn tình nguyện bằng máu xin được nhập ngũ. Năm ấy, hầu như thanh niên trai tráng của làng đều lên đường đi bộ đội. Người làng chỉ còn ông bà già, phụ nữ và trẻ con. Bóng đàn ông vắng hẳn.
Trong quân ngũ, ông tôi được phân về trung đoàn pháo binh cơ giới. Sau bốn tháng huấn luyện, đơn vị của ông lên đường vào chiến trường. Ông tôi chinh chiến chủ yếu ở vùng hậu cứ chiến trường Campuchia. Từ Mậu Thân 1968 tới tận trước Hiệp định Paris 1973, chiến trường mặt trận phía Nam lúc nào cũng rất khốc liệt. Ông tôi bảo người làng đi bộ đội thì hầu hết đều nằm lại ở chiến trường B. Ông may mắn là lính pháo binh nên vẫn còn giữ được mạng sống. Nhưng đó cũng vừa là may mắn vừa là định mệnh. Có lần khẩu đội pháo bốn người của ông đang chiến đấu thì một tên lính ngụy luồn sâu ném lựu đạn từ phía sau chỉ cách khẩu đội pháo chừng mươi mét. Lựu đạn nổ, một đồng đội hi sinh tại chỗ, hai người bị thương nặng, còn ông tôi mảy may không bị thương gì. Mùa Xuân 1975, trung đoàn pháo binh của ông theo bước hành tiến như thác lũ của năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Chàng thanh niên trẻ vùng quê nghèo Bắc Trung bộ, trong những năm đánh Mỹ chiến đấu ở vùng rừng núi biên giới Tây Nam, lần đầu tiên bắt gặp một thành phố hoa lệ đẹp nhất một góc địa cầu thời đó thì không khỏi choáng ngợp. Sài Gòn đẹp quá.
Sau ngày giải phóng, bao đồng đội được trở về quê cũ, nhưng ông nội tôi nhận nhiệm vụ ở lại tham gia công tác huấn luyện pháo binh cho Quân khu 9. Dù đã giải phóng nhưng đất nước vẫn chưa hoàn toàn im tiếng súng. Mối nguy chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào ở vùng biên giới Tây Nam và khắp dải biên cương phía Bắc. Các đơn vị quân đội phải đảm bảo huấn luyện và thường trực chiến đấu, không được lơ là chủ quan. Đơn vị pháo binh của ông đóng doanh trại tại thị xã Bến Tre. Dự kiến công tác huấn luyện kéo dài trong hai năm rồi ông sẽ được điều động trở ra Bắc để tiếp tục học lên đại học. Những ngày đầu sau giải phóng, cơ sở vật chất của đơn vị pháo binh hầu hết là tiếp quản lại của Quân đội Sài Gòn cũ. Những doanh trại gần như còn nguyên vẹn nên thuận lợi cho việc huấn luyện và ăn ở của chiến sỹ. Công tác huấn luyện trên thao trường có phần vất vả nhưng không là gì so với những ngày gian nan trong chiến đấu.
Thế nhưng hai tháng sau đó, sau một ngày trở về từ thao trường, ông tôi thấy người mệt lả rồi lên cơn nóng lạnh liên tục, người vã mồ hôi như tắm mà lại rét run cầm cập, đầu đau như búa bổ. Bác sỹ đơn vị tới thăm khám và yêu cầu ông nhập viện ngay lập tức. Ở bệnh viện các bác sỹ chẩn đoán ông bị thương hàn. Bao năm vất vả chiến đấu khắp các miền núi rừng vùng biên giới Tây Nam rồi tiến về Sài Gòn không quật ngã được chàng thanh niên vùng biển, nhưng khi hòa bình lập lại chưa lâu thì cơn bạo bệnh ập tới. May sao sức thanh niên nên được thuốc men và chăm sóc của y bác sỹ, ông tôi cũng dần hồi phục. Chỉ là lúc ốm đau này ông mới thấy tủi thân khi không có người thân nào ở kề bên chăm sóc. Những năm kháng chiến luôn sát cánh cùng đồng đội, nỗi nhớ nhà vì vậy mà có phần vơi bớt. Nay đồng đội người còn, người mất. Người còn đã trở về quê cũ mỗi người một nơi. Một mình nằm trong bệnh viện ở một nơi xa quê nhà tới cả ngàn cây số, ông tự thấy thương mình mà ứa nước mắt.
Thế nhưng duyên phận lại đến từ nỗi buồn đó. Nỗi buồn của chàng trai Bắc Kỳ lọt vào ánh mắt của cô gái đất Đồng Khởi, một lần cô vào viện chăm cha bị bệnh và nằm cùng buồng với ông tôi. Cô thấy anh bộ đội Bắc Kỳ nằm một mình mặt buồn rười rượi. Cô thấy thương anh bộ đội tới bữa ngồi nhai cơm trệu trạo ở một góc giường. Cô mạnh dạn tới gần hỏi chuyện. Thấy chàng bộ đội ăn uống cực quá, cơm gì toàn cá khô, rau muống với nước mắm. Ăn uống thế này thì làm sao nhanh hồi phục được. Cô mang đồ ăn cho cha nhiều và có ý muốn san bớt đồ ăn nhưng ông tôi ngần ngại và từ chối. Thế nhưng cũng từ đó hai người có cơ hội trò chuyện và dần cởi mở với nhau hơn. Vậy là lần đầu tiên gặp gỡ của ông và người con gái sau này ông đem lòng yêu thương lại ở một nơi thật đặc biệt, ở trong bệnh viện. Cô gái có cái tên thật đẹp, Hoài Hương, đẹp như người cô vậy. Hoài Hương có mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to sáng lấp lánh và khuôn miệng nhỏ xinh.
Sau mấy ngày ở viện chăm cha ốm, câu chuyện qua lại, hai con người trẻ tuổi biết thêm ít nhiều về hoàn cảnh của nhau. Và dường như hai người ở hai thế giới hoàn toàn khác xa nhau. Gia đình Hoài Hương có một cửa hàng lớn ở thị xã. Anh trai cô là sỹ quan cấp úy trong quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày giải phóng anh trai cô phải trình diện Ban quân quản địa phương và đang phải đi học tập cải tạo chưa biết ngày nào được về. Cửa hàng của gia đình sau ngày giải phóng vẫn còn mở nhưng chỉ bán cầm chừng. Một thời gian sau do không còn nguồn cung cấp hàng, cha cô lại đau ốm luôn nên cửa hàng cũng phải đóng cửa. Hoài Hương mới tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn hồi cuối năm 1974 và được phân công về dạy văn cho trường cấp ba của tỉnh nhà. Đơn vị của ông tôi đóng quân không xa nhà của Hoài Hương là bao.
Câu chuyện của cô giáo viên dạy văn và chàng lính pháo binh dần thân thiện, dễ dàng trao đổi hơn. Dường như ai cũng có điều muốn hỏi, muốn nói. Dường như mới gặp mặt không lâu nhưng cả hai đã có thiện cảm với nhau rồi. Cô có nhiều điều muốn hỏi về cuộc sống của những người lính Bắc Việt mà cô chỉ biết qua những lời kể. Có lẽ là một cô giáo dạy văn và do sự tò mò mà cô muốn biết nhiều hơn về cuộc sống của người lính phía bên kia chiến tuyến. Hoài Hương rất ngạc nhiên khi biết rằng những người lính Bắc Việt đi chiến đấu mà không được nhận lương tháng như anh trai của cô. Họ đi chiến đấu, không tiếc máu xương, vì niềm tin vào một ngày mai độc lập thống nhất nước nhà. Sau ngày giải phóng, dù là sỹ quan làm công tác huấn luyện nhưng cuộc sống của người lính cũng còn nhiều vất vả. Nhìn vào khẩu phần ăn của ông tôi hàng ngày, Hoài Hương thấy được phần nào sự vất vả đó. Trong bệnh viện mọi người dễ thông cảm nhau hơn vì cùng hoàn cảnh ốm đau. Qua những câu chuyện về cuộc sống, Hoài Hương có một tình cảm thân thiết hơn với anh lính Bắc Việt. Hơn một tuần sau, ông tôi đã thấy trong người khỏe hơn. Cha của Hoài Hương cũng đã xuất viện. Cô và cha mời ông tôi khi nào rảnh thì tới nhà chơi. Cô cũng hẹn sẽ tới thăm đơn vị của ông tôi.
Tình cảm người lính trẻ Bắc Việt và cô giáo dạy văn cứ vậy mà tự nhiên lớn dần lên theo những hẹn hò sau giờ lên lớp, sau những giờ đổ mồ hôi trên thao trường, sau những chiều đi dọc bờ sông Hàm Luông dạo mát, nghe sông hát, nghe gió reo khúc nhạc vui. Một chiều bên bến sông, ông tôi ngỏ lời và được sự đồng ý của Hoài Hương. Tình yêu của những người trẻ thật đẹp và thật đáng yêu. Với cả hai đều là những tình yêu đầu đời, nên tình yêu ấy trong sáng vô ngần và mãnh liệt, tha thiết. Trong mắt những người trẻ tuổi, tình yêu là tất cả, là bầu không khí mát lành hít thở hằng ngày. Mà thiếu không khí thì làm sao họ sống nổi.
Nhưng hai người trẻ tuổi ấy chưa lường trước được những khó khăn đang chờ đợi họ. Chính ủy và chỉ huy của đơn vị khi biết chuyện tình yêu của ông tôi và Hoài Hương đã có lời khuyên can nên thôi. Hồi đó vấn đề lý lịch ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của người lính sau này. Yêu đương còn phải báo cáo với tổ chức. Thế nhưng khi đang yêu một mối tình đầu nồng thắm thì đâu còn điều gì lớn lao hơn. Tình yêu trong ông ngày càng lớn dần lên và lúc ấy chỉ có tình yêu mới là quan trọng hơn cả, quan trọng hơn mạng sống của chính bản thân mình. Từ ngày rời mái trường cấp ba, bước vào cuộc đời chiến trận, ông tôi chưa có một ngày bình yên để có cho riêng mình một tình yêu, một cuộc đời riêng. Cuộc đời ông cũng như cuộc đời bao người lính khi đó là cuộc đời chung của cả dân tộc, là tình yêu nước lớn lao mà sẵn sàng hi sinh máu xương vì mỗi tấc đất quê hương. Sau ngày giải phóng, ông cũng như bao người đều nghĩ rằng hai miền Bắc - Nam thống nhất thì đâu còn phân biệt người Nam - người Bắc, đâu đâu cũng đều là con người Việt Nam. Vì vậy thì hà cớ chi mà còn xét đoán lý lịch, xét thăng tiến sự nghiệp. Mà dù có xét thì người con trai lần đầu biết yêu và với một tình yêu đẹp cũng bất chấp tất cả mà tiến bước.
Một dịp được nghỉ phép ngắn ngày, ông tôi cùng Hoài Hương lên Sài Gòn hỏi thăm tình hình anh trai của Hoài Hương đang trong trại cải tạo. Người chỉ huy đơn vị pháo binh cũ của ông tôi hiện đang làm trong Ban quân quản Sài Gòn. Ông tôi vừa vào thăm thủ trưởng cũng xin nhờ thủ trưởng quan tâm giúp cho trường hợp anh trai của Hoài Hương. Ông xin được giấy giới thiệu để Hoài Hương vào trại thăm nuôi cho anh trai. Tin vui với Hoài Hương khi anh trai bảo do học tập cải tạo phê bình tốt nên có thể chỉ vài tháng nữa anh sẽ có tên trong danh sách được kết thúc cải tạo và trở lại với gia đình. Sau khi rời trại cải tạo về, Hoài Hương vui vẻ nói cười. Cả hai dạo chơi khắp phố phường Sài Gòn. Thật may thành phố vẫn còn nguyên vẹn sau ngày giải phóng. Ông tôi nhìn thành phố và nghĩ về quê nhà, không biết liệu rồi mai sau quê hương có phát triển được như một góc Sài Gòn này không. Đang miên man trong nghĩ ngợi thì Hoài Hương kéo ông tôi vào một tiệm chụp ảnh. Bức hình đen trắng ghi lại hai mái đầu tuổi trẻ chụm vào nhau với nụ cười tươi của cô giáo và nét mặt có phần cứng nhắc của anh bộ đội. Bức ảnh này về sau là một bức ảnh ông tôi trân quý nhất trong cả cuộc đời.
Qua năm 1976 anh trai của Hoài Hương được trở về nhà. Gia đình mở tiệc ăn mừng. Ông tôi là khách quý của cả nhà. Cái tết năm đầu tiên sau ngày thống nhất thật vui và tràn đầy ý nghĩa. Dù phải xa gia đình nhưng ông đã có Hoài Hương ở bên, và cùng với đơn vị và gia đình Hoài Hương đón một cái tết đầm ấm hạnh phúc. Thị xã Bến Tre như bừng lên một sức sống mới, để vui cùng cuộc đời mới, cờ và hoa giăng khắp lối. Hoài Hương mặc một chiếc áo dài thướt tha tới chúc tết đơn vị. Rồi ông chở Hoài Hương trên chiếc xe đạp dạo chơi tới nhà các bạn quanh thị xã. Ngồi sau yên xe, Hoài Hương tựa mái đầu vào bờ lưng vững chắc, vòng tay ôm nhẹ, miệng hát một bài hát gì đó không rõ lời. Những người đang yêu nhau nhìn cuộc đời thật rạng rỡ.
Thế nhưng sau những ngày tết vui vẻ thì những ngày gặp lại sau đó ông tôi thoảng thấy Hoài Hương có nét gì đó không được vui nữa. Những hôm đi dạo dọc bến sông cùng ông mà đôi mắt biết cười của cô đôi lúc lại nhìn dòng sông u hoài nghĩ suy. Trong cô đang có những điều thật khó nghĩ khi phải đưa ra lựa chọn mà cuộc đời có thể thay đổi theo hướng chẳng hề đoán định được. Cuộc sống của gia đình Hoài Hương sau ngày anh trai trở về không còn dễ dàng nữa. Cửa hàng đóng cửa, gia đình chưa có việc gì làm để có nguồn thu nhập ngoài khoản tiết kiệm và đồng lương giáo viên ít ỏi của cô. Những đồ đạc trong nhà cũng dần phải bán nốt. Gia đình Hoài Hương được Ủy ban thị xã khuyến khích đi làm kinh tế mới. Nhưng nhìn hàng xóm và những gia đình đã đi làm kinh tế mới thì thấy cuộc sống ở những vùng đất hoang sơ đó quá vất vả, cực khổ. Nhiều gia đình không chịu được khổ, sau khi ăn hết gạo trợ cấp của nhà nước thì cả nhà lại rồng rắn kéo nhau trở lại cố hương. May cho những gia đình còn giữ lại ngôi nhà cũ, chứ có những gia đình đã bán tất cả gia sản đi để làm kinh tế mới thì khi trở về họ không có một mái nhà để nương thân. Gia đình Hoài Hương đã tính tới chuyện vượt biên. Cuộc sống khó khăn kéo theo phong trào vượt biên ngày càng tăng mạnh. Để vượt biên thành công cần bỏ ra một số tiền lớn cho tài công, phải bỏ tiền để chính quyền làm ngơ và cả trông chờ vào sự may mắn. Rủi ro trên biển cả mênh mông với gió to sóng dữ và cả cướp biển là điều có thể đánh đổi bằng cả mạng sống. Rồi cả khi vượt biên thành công thì lại phải đối mặt với cuộc sống thiếu thốn, bệnh tật trong các trại tị nạn. Miền đất hứa đâu dễ tìm tới. Thế nên điều này chỉ mới bàn bạc trong gia đình mà chưa quyết định. Cả nhà vẫn đang cầm cự được và hi vọng tình hình kinh tế sẽ cởi mở hơn để lại được tự do buôn bán.
Sang năm 1977, sau hai năm tham gia công tác huấn luyện pháo binh và hỗ trợ công tác an ninh cho tiếp quản miền Nam, ông nội tôi nhận được quyết định trở lại miền Bắc để theo học hệ trung cấp của Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội). Được trở về miền Bắc sau gần mười năm chiến đấu và tiếp quản miền Nam, là mong mỏi của ông nội tôi. Nhưng ông có một nỗi niềm đau đáu là làm sao có thể rời đi khi ở đây có Hoài Hương, tình yêu đầu đời ngày một sâu nặng của ông. Hoài Hương không thể bỏ lại bố mẹ già để theo ông tôi ra miền Bắc được. Đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan đó đôi trẻ không biết phải làm sao. Cuối cùng ông hẹn sau hai năm học ông sẽ trở lại. Lời hẹn ước hai năm của đôi trẻ nghe sao như lời hẹn ước tha thiết của đất nước sẽ thống nhất sau Hiệp định Geneve, để rồi sau đó là hơn hai mươi năm với bao máu và nước mắt, non sông Việt Nam mới liền một dải. Ông nội tôi động viên người yêu tin tưởng vào tình yêu với lời hứa của một quân nhân. Với ông tình yêu lúc đó có thể vượt qua muôn ngàn sóng gió.
Ông tôi trở về thăm quê hơn một tuần rồi ra thủ đô bắt đầu những ngày tháng sinh viên. Những lá thư giữa hai miền Bắc - Nam mang theo nỗi nhớ và tình yêu trao gửi của ông và Hoài Hương. Bốn năm là bao lâu? Là hơn 1.460 ngày nhớ và mong. Mỗi ngày qua đi là rút ngắn được một ngày trong quãng thời gian chờ nhau. Sao thời gian dài đằng đẵng, dài như nỗi nhớ khôn nguôi. Thế nhưng cuộc sống sau ngày giải phóng ngày một vất vả thêm. Thư tới thư đi không còn được thường xuyên như trước. Xung đột biên giới ở Tây Nam ngày càng căng thẳng và đẫm máu. Xung đột biên giới với Trung Quốc cũng gia tăng. Quân đội được động viên sẵn sàng chiến đấu. Rất có thể Tổ quốc với đầy vết thương chưa liền da non lại phải căng mình cho một cuộc chiến mới. Cuối năm 1977, ông nội tôi có giấy điều động của quân đội, tạm gác việc học, quay trở lại chiến trường Tây Nam phục vụ công tác chuẩn bị chiến đấu cho đơn vị pháo binh trực thuộc Quân khu 9. Trên đường trở lại chiến trường, ông xin đơn vị nghỉ phép ba ngày để về lại Bến Tre thăm Hoài Hương và gia đình cô. Đi đi về về đã mất gần hai ngày đường nên chỉ còn một ngày cho đôi trẻ gặp nhau. Ngày gặp lại, cảm xúc như vỡ òa. Hoài Hương gục đầu vào vai ông mà khóc nức nở. Dù vui ngày gặp lại nhưng ông tôi vẫn thấy buồn vì gia cảnh của Hoài Hương đã trở nên khó khăn hơn mà ông không thể giúp được gì. Bố mẹ già không thể lao động chân tay. Anh trai sau khi đi cải tạo về vẫn chưa tìm được công việc. Đồng lương giáo viên của Hoài Hương không đủ trang trải cuộc sống.
Tháng 4 năm 1977 Khmer Đỏ tràn sang các xã biên giới chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và sát hạt dân thường. Tháng 9 cùng năm, bốn sư đoàn quân Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở tỉnh Tây Ninh. Các tỉnh biên giới Tây Nam được đặt trong trạng thái chiến tranh. Cuối năm 1977, trong một trận đánh khốc liệt đẩy lui quân Pôn Pốt, đơn vị của ông nội tôi đã đánh vào tận bến đò Neak Luong sâu trong đất Campuchia. Tuy nhiên cũng trong trận chiến này, khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ và rút quân về nước thì bất ngờ bị địch phục kích, ông tôi bị thương nặng. Khi đưa về trạm quân y thì ông đã mất nhiều máu và tưởng chừng không qua khỏi. Kíp phẫu thuật gắp ra hai đầu đạn đâm xuyên qua phổi găm sát gần tim. Ông cao số nên còn giữ được mạng. Hai viên đạn này sau đó ông được bác sỹ đưa lại giữ làm kỷ niệm. Ông tôi được chuyển về Quân y viện 195 tại Sài Gòn và nằm điều trị ở đó gần nửa năm mới dần hồi phục.
Sau khi ra viện, ông trở lại Bến Tre. Nhưng khi tìm tới nơi thì gia đình Hoài Hương đã không còn ở đấy nữa. Hỏi người hàng xóm kế bên thì được biết gia đình Hoài Hương đã vượt biên ra đi được gần một tháng. Người hàng xóm đưa cho ông tôi một bức thư Hoài Hương để lại. Đọc những dòng thư của người yêu mà ông buồn thương trào nước mắt: “Anh thương nhớ! Khi anh nhận được bức thư này thì có lẽ em đã ở một phương trời rất xa. Em gửi lại quê nhà tình yêu với ngàn nỗi nhớ. Em thương anh và thương cả tình yêu của chúng mình nữa. Anh còn học hành, còn sự nghiệp dài lâu. Em tin anh của em sẽ làm nên một sự nghiệp rạng rỡ. Em chỉ là một cô giáo, một người con với chữ hiếu làm đầu. Em có thể chờ, bao lâu em cũng có thể chờ, nhưng gia đình em không thể chờ. Cuộc sống khó khăn nên gia đình em đã quyết tâm ra đi. Hãy cầu chúc cho em và gia đình anh nhé! Nếu sau này có cơ hội gặp lại, em mong sẽ nhìn thấy anh của em chững chạc và thành công hơn. Ngàn lần thương nhớ anh, chú bộ đội Bắc Kỳ của em…”.
Đêm nằm với ông nghe ông kể chuyện, tôi có hỏi ông: “Sau đó ông có gặp lại cô ấy không?”. Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, ông bảo: “Ông bặt vô âm tín với Hoài Hương từ dạo đó. Ông có tới Bộ Chỉ huy Biên phòng của tỉnh để hỏi về những chuyến vượt biên gần đây. Người chỉ huy ở đó bảo rằng dòng người vượt biên ngày một gia tăng, nhiều chuyến bị bắt giữ, nhiều chuyến trốn thoát, nhưng một số chuyến vượt biên đã không tới được điểm đến mong đợi mà nằm lại giữa lòng biển khơi bởi sóng to gió dữ. Ông cầu mong bình an cho Hoài Hương và gia đình”.
Tôi khép lại cuối nhật ký, nhìn lại bức ảnh cũ ông và Hoài Hương. Một người con gái thật đẹp, một mối tình thật đẹp. Tôi nhìn hai viên đạn, tôi đặt mối tình ấy trong những năm đầu giải phóng. Dường như tôi thấy được những giằng xé trong cuộc tình mà ở đó là bao cách trở, của bên thắng và bên thua, của khó khăn sau ngày giải phóng, là lựa chọn của tình yêu và sự nghiệp, là lựa chọn ra đi và ở lại, là lựa chọn chữ hiếu và chữ tình. Thật quá nhiều điều đè nặng lên mối tình của hai con người trẻ tuổi. Có lẽ cũng tại bởi chiến tranh. Chỉ còn lại mãi là tiếc nuối và bao nhớ mong. Chỉ còn lại những dòng hồi ức này, mà tôi viết lại như lời tạ từ cho những điều ông giữ kín trong lòng tới tận cuối cuộc đời.
            L.N.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 32
 Hôm nay: 179
 Tổng số truy cập: 9266715
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa