LINH CHÂU
Trong ký ức của tôi, những ngày tháng tiểu học hiện lên như một bức tranh sống động, với những gam màu tươi sáng và khoảnh khắc vui vẻ bên bạn bè. Trong số những người bạn ấy, có một cậu bạn đặc biệt tên Hoàng. Không phải vì Hoàng học giỏi, luôn đứng đầu lớp, hay nghịch ngợm, bày ra những trò đùa tinh quái mà là vì đôi mắt màu xanh hiếm có, sáng trong như bầu trời mùa thu của cậu. Đôi mắt ấy như chứa đựng cả một đại dương sâu thẳm và bí ẩn. Việc sở hữu một gương mặt bụ bẫm, đẹp trai và đôi mắt xanh tuyệt đẹp đã khiến Hoàng trở thành tâm điểm sự chú ý của tất cả mọi người. Ngay từ ngày đầu tiên gặp nhau, tôi đã bị cuốn hút bởi ánh mắt kỳ diệu của cậu. Đôi mắt ấy mang một màu xanh tựa như màu của bầu trời trong những đêm không trăng sao, vừa huyền bí, vừa lôi cuốn. Mỗi khi Hoàng cười, đôi mắt ấy như sáng lên, ánh lên những tia sáng lấp lánh khiến cả thế giới quanh cậu trở nên rực rỡ hơn.
Còn nhớ ngày ấy, tôi luôn bị cô giáo nhắc nhở về việc nói chuyện riêng, cuối cùng bị buộc phải tách khỏi Linh - cô bạn hợp cạ nhất lớp, thay vào đó được sắp xếp ngồi cùng bàn với Hoàng - cậu bạn có vẻ ngoài ưa nhìn nhưng lại có phần nhút nhát, kiệm lời. Có phần bực bội vì quyết định của cô giáo chủ nhiệm nên ngày đầu Hoàng chuyển đến ngồi sát kề bên, tôi cầm viên phấn và gạch một đường ranh giới rõ ràng trên bàn học, kèm theo một cái liếc mắt đầy đanh đá. Từ đó, bàn học cuối lớp chúng tôi trở thành chiến trường ngầm, nơi luôn diễn ra những cuộc chiến tranh lạnh giữa hai đứa. Chỉ cần Hoàng lỡ tay chạm vào vạch kẻ thôi là đã bị tôi lấy thước đánh vào tay bôm bốp. Dù vậy, Hoàng vẫn lặng lẽ, chỉ tập trung vào việc học và không tham gia vào những cuộc trò chuyện sôi nổi của tôi. Điều này càng khiến tôi khó chịu hơn, ghét lắm cái kiểu lầm lì của cậu. Mỗi lần trò chuyện, tôi lại cảm thấy mình như đang nói với một bức tường. Tuy nhiên, dường như chiến thuật của cô giáo đã phát huy tác dụng. Khi tôi không còn ai để buôn chuyện cùng, lớp học trở nên yên bình hơn. Không còn những tiếng cười đùa, những câu chuyện thì thầm rúc rích bất tận trong giờ học, tôi dần nhận ra sự tĩnh lặng có cái hay riêng của nó. Tôi đã có chút thời gian lặng ngắm Hoàng, để ý cái cách cậu tập trung vào bài vở, ngắm nghía đôi mắt xanh sâu thẳm và những khoảnh khắc ngắn ngủi khi cậu cười. Dù vẫn còn những lúc bực bội, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng, Hoàng không phải là người nhút nhát, lầm lì như tôi từng nghĩ. Cậu ấy chỉ đơn giản là khác biệt, có cách sống và cách nhìn nhận thế giới riêng.
Ghen tỵ với vẻ bề ngoài ưa nhìn của Hoàng, một nhóm bạn nam trong lớp thi thoảng lại bày trò trêu chọc cậu bạn hiền khô này. Lúc thì giấu đi chiếc dép, lúc lại vẽ bậy lên chiếc áo trắng tinh mà cậu mới mua. Những trò đùa ấy khiến Hoàng ấm ức nhưng cậu chẳng biết phải làm gì ngoài việc âm thầm chịu đựng. Một buổi chiều nọ, khi lớp học đã tan, tôi nhìn thấy dáng đi lủi thủi của Hoàng với đôi mắt đỏ hoe như sắp khóc. Bỗng dưng, một cảm giác hối hận trào dâng trong lòng tôi. Tôi chợt nhận ra rằng, thời gian qua mình đã quá đáng với Hoàng chỉ vì không được ngồi cạnh Linh. Những lần lấy thước đánh vào tay Hoàng, những cái liếc mắt đanh đá và cả sự im lặng lạnh lùng của tôi đều chẳng khác gì những trò đùa ác ý của nhóm bạn kia. Hoàng là người luôn lau chùi lại bàn ghế sạch sẽ trước khi tôi đến lớp, nhắc bài mỗi khi tôi đang ấp úng vì bị cô kiểm tra và đôi lúc tôi lại tìm thấy vài chiếc kẹo ngọt trong ngăn bàn, những món quà nhỏ bé nhưng đầy ấm áp mà cậu lén bỏ vào đó. Cậu ấy đã cố gắng hết mình để hòa nhập, dù bị trêu chọc, dù phải ngồi cạnh một cô bạn khó chịu như tôi. Cảm giác tội lỗi khiến tôi muốn làm gì đó để bù đắp cho Hoàng.
Sáng hôm sau, đi học sớm hơn thường lệ, tôi đứng chờ sẵn ở cửa lớp. Được một lúc, từ xa tôi đã thấy lũ bạn nghịch ngợm vây quanh Hoàng, vừa gõ lên đầu vừa trêu chọc: “Thằng khác người này, mày là quỷ đúng không?”, “Buổi tối mà nhìn vào mắt nó, chắc nhiều người ngất luôn ấy nhỉ?”, “Nghe bảo mẹ mày ngoại tình khi cha mày đi biển nên mới sinh ra đứa con dị hợm như mày đó…”. Nghe những lời lẽ ác ý, tôi càng thêm tức giận. Cầm chiếc thước kẻ của cô giáo, tôi tiến về phía cửa lớp, chắn ngang lối đi và tuyên bố mạnh mẽ: “Nam, Sơn, Dương! Xin thông báo, ba bạn đã vào tầm ngắm của tôi. Hành vi của các bạn đã được tôi báo cáo với cô giáo một cách chi tiết nhất có thể. Từ nay, ai dám đụng đến Hoàng là không yên với con Yến này đâu nhé!”. Nói xong, tôi không ngần ngại dùng thước phết cho mỗi thằng một cái vào mông đau điếng. Cả ba đứa đều sững sờ và không dám phản kháng, chỉ biết đứng im nhìn tôi với ánh mắt hoảng sợ.
Khi nhóm bạn nghịch ngợm rời đi, tôi quay lại nhìn Hoàng. Cậu đứng đó, đôi mắt xanh sâu thẳm tràn đầy sự ngạc nhiên và xúc động. Chưa bao giờ tôi thấy Hoàng bối rối đến vậy. Tôi tiến lại gần, nhẹ nhàng nói: “Từ nay, mình sẽ không để ai bắt nạt cậu nữa. Chúng ta là bạn mà, đúng không?”. Hoàng gật đầu, nụ cười hiền lành nở trên môi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cậu cười với sự nhẹ nhõm và hạnh phúc đến vậy. Kể từ hôm vùng lên “bảo vệ công lý” ấy, tôi quyết định lặng lẽ xóa đi đường ranh giới trên bàn, chính thức trở thành bạn thân của Hoàng. Từ đó, bàn học cuối lớp không còn là chiến trường ngầm nữa, mà trở thành nơi đầy ắp tiếng cười và những câu chuyện vu vơ không đầu không cuối.
*
Một ngày mưa tầm tã, hẳn là bị tắc đường nên bố mẹ của chúng tôi đều đến đón muộn. Hoàng lúi húi xếp gấp rồi lại tô vẽ gì đó, còn tôi thì mải ngắm những giọt mưa rơi đang loang thành vệt dài trên cửa kính mà cảm thấy bình yên đến lạ.
- Ê! Yến!
Đang thả hồn theo mưa gió, tiếng gọi cùng cái vỗ vai làm tôi giật mình. Định quay lại mắng vài câu cho bõ tức thì chợt thấy một chú ếch xanh trước mặt.
- Tặng Yến. Cảm ơn vì đã làm bạn với một kẻ khác người như tớ.
Đang ngoác miệng cười hớn hở, tôi nhíu mày nhìn Hoàng. Cậu ấy thật ngốc nghếch, nghĩ mình khác người chỉ vì đôi mắt xanh đặc biệt.
- Hâm vừa thôi, mắt xanh thì đã sao? Nó chứng tỏ cậu là đặc biệt, là duy nhất. Tự tin lên!
Nói xong, tôi lại mân mê cầm chú ếch nhỏ trên tay, thầm khen thằng bạn cùng bàn nhìn vậy mà khéo tay.
*
Hoàng, một cậu bé nhút nhát và ít nói, mang trong mình nhiều nỗi buồn và mặc cảm. Qua chuyện trò, tôi mới biết Hoàng phải sống trong một gia đình không mấy hạnh phúc. Cha của Hoàng là ngư dân nổi tiếng lắm tài nhiều tật của xóm chài ven biển. Mỗi chuyến ra khơi của ông đều mang về những mẻ hải sản đầy ắp, tươi ngon, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi biển trở về, thay vì dành thời gian ở nhà để phụ giúp vợ con, ông lại lao vào các quán nhậu, say sưa từ sáng tới tối. Khi men rượu ngấm vào người, ông biến thành một con người khác, hung hãn và dữ tợn. Ông thường xuyên tìm cớ để đánh đập vợ mình, bất chấp sự cố gắng không ngừng của bà trong việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Nhiều lần, Hoàng phải đứng ra đỡ đòn giúp mẹ, thân thể cậu bé gầy gò chịu nhiều vết thâm tím đau đớn. Có lần, trong cơn say, cha đã vung gậy đánh trúng tay Hoàng, khiến cậu gặp khó khăn trong việc cầm bút viết. Nhìn thấy đôi tay run rẩy, đau buốt của Hoàng mỗi khi viết chữ, lòng tôi không khỏi xót xa và thương cảm. Cứ thế, Hoàng lớn lên trong sự giằng xé giữa tình thương và nỗi sợ hãi. Mỗi ngày trôi qua với cậu là một cuộc đấu tranh để tìm lại niềm vui, để vượt qua những nỗi buồn và tổn thương mà gia đình mang lại.
Một chiều cuối tuần, tôi ngồi bên hiên nhà, chăm chú tập gấp con ếch giấy dưới sự hướng dẫn của Hoàng. Tay tôi cứ loay hoay, lóng ngóng, gấp đi gấp lại mãi, rồi lại bực bội xé nát tờ giấy vì chẳng ra hình hài con gì cả. Chợt nghe thấy những bước chân chạy dồn dập ngoài cổng cùng tiếng kêu cứu thất thanh vọng vào. Bất ngờ và lo lắng, tôi ngơ ngác ngẩng lên nhìn ra ngoài vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chân không kịp xỏ dép, tôi vội vàng lao ra khỏi nhà, hòa mình vào dòng người đang hối hả chạy về phía biển. Không khí náo động, tiếng nói chuyện xôn xao, tiếng gọi nhau í ới, tất cả hòa quyện thành một âm thanh hỗn loạn đầy căng thẳng. Nhận thấy thấp thoáng trong đám đông những bóng áo cam của đội cứu hộ, tôi hiểu ngay rằng có ai đó đã gặp nạn. Bỏ mặc những vỏ sò bén nhọn đâm vào chân và cát bỏng rát, tôi lao về phía trước, cố gắng chen lấn qua biển người. Cuối cùng, tôi cũng đến gần đủ để nhìn rõ một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Người đang nằm bất động trên bãi cát chính là Hoàng. Như một cú sốc mạnh giáng vào tâm trí, tôi không thể tin vào mắt mình. Người bạn vừa mới đây còn cười nói bên tôi, giờ đây nằm đó, thân thể đầy thương tích và đã ra đi. Tôi cảm thấy đôi chân mình như không còn sức lực, ngồi sụp xuống, nước mắt trào ra không kìm nén được. Xung quanh tôi là những tiếng khóc đau đến xé lòng và tiếng mắng chửi người bố vũ phu của Hoàng. Tất cả mọi người đều phẫn nộ và đau đớn trước bi kịch vừa xảy ra.
Thì ra, sáng nay, sau một đêm uống rượu say mèm, ông ta trở về nhà và như thường lệ, định kiếm chuyện với vợ để trút giận. Lần này Hoàng đã đứng chắn ở cửa, quyết ngăn cản cơn thịnh nộ của cha mình. Tức tối và mất kiểm soát, ông đã đánh Hoàng một trận nhừ tử rồi lăn ra đất trong cơn say mèm. Hoàng chạy ra biển, nước mắt lăn dài trên gò má, lòng đầy đau đớn và uất ức. Những lời nói của cha như ngàn mũi dao cứa vào trái tim cậu: “Mày là con thằng nào? Tao đâu có mắt xanh như mày! Đồ con ngoài giá thú! Cút…”. Những lời lẽ tàn nhẫn ấy cứ vang vọng trong đầu, khiến Hoàng không thể ngừng tự căm ghét bản thân. Cậu trách mình là lý do để cha lấy cớ đánh mẹ, cảm thấy mình là gánh nặng, là nguồn cơn của mọi đau khổ trong gia đình. Cậu chỉ muốn ra biển, mong đại dương bao la sẽ vỗ về, an ủi và rửa trôi đi những nỗi buồn, bất hạnh, cho cậu một khoảnh khắc bình yên giữa những sóng gió cuộc đời. Trong lúc cậu tìm đến biển để trốn thoát khỏi thực tại đau thương, một dòng nước xoáy tử thần lại âm thầm kéo dần cậu ra xa bờ. Những con sóng dữ dội đã nhấn chìm Hoàng trong vùng vẫy tuyệt vọng, mang theo cả nỗi đau đớn và những giọt nước mắt mặn đắng, hòa vào biển cả mênh mông.
Tiếng khóc thương và sự phẫn nộ của mọi người vang vọng khắp bãi biển, hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rào, tạo nên một khung cảnh đau buồn và tang tóc. Trái tim tôi như thắt lại khi phải nhìn người bạn thân yêu nằm đó, bất động và lạnh lẽo. Tôi cũng không bao giờ còn được nhìn thấy đôi mắt xanh của cậu ấy nữa. Nhiều ngày sau đó, đầu óc tôi như trống rỗng, mỗi khi nhìn vào chỗ trống một bên bàn, lòng quặn đau: “Hoàng bảo sẽ học giỏi, kiếm nhiều tiền để đưa mẹ đi xa khỏi đây mà… Hoàng ơi!”.
Sau cái chết của con trai, không chịu được những lời oán trách và lên án mạnh mẽ của mọi người, bố Hoàng đã bỏ xóm chài mà đi. Những ngày sau đó, cuộc sống ở xóm chài dần trở lại nhịp điệu bình thường, nhưng trong lòng mỗi người, sự mất mát và nỗi đau vẫn âm ỉ. Mỗi lần đi qua căn nhà nhỏ của Hoàng, tôi không thể không dừng lại, nhớ về người bạn có đôi mắt xanh đầy mơ mộng. Căn nhà giờ đây im ắng lạ thường, chỉ còn lại mẹ Hoàng với nỗi đau đớn khôn nguôi. Một chiều nọ, khi tôi ghé thăm thấy mẹ Hoàng đang ngồi bên bờ biển, đôi mắt nhìn xa xăm về phía chân trời. Bà cầm trong tay chú ếch xanh mà tôi đã gửi tặng lại bà trong tang lễ của Hoàng ngày ấy, nhẹ nhàng vuốt ve như đang ôm ấp những ký ức về con trai. Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên bà, cùng cảm nhận nỗi buồn và tình yêu thương không bao giờ phai nhạt.
Thời gian trôi qua, những vết thương dần lành, nhưng những ký ức về Hoàng sẽ mãi mãi ở lại. Tôi tiếp tục cuộc sống của mình, mang theo tình bạn và những bài học mà Hoàng đã dạy. Mỗi lần nhìn thấy biển, tôi lại nhớ đến cậu, nhớ đến đôi mắt xanh và nụ cười rạng rỡ. Mỗi năm vào ngày giỗ Hoàng, cả xóm chài lại cùng nhau tụ họp, thắp hương và kể lại những câu chuyện cũ về cậu còn tôi và mấy đứa bạn cùng nhau gấp những chú ếch xanh gửi vào sóng biển, với hy vọng những tình yêu và ký ức ngọt ngào sẽ đến nơi mà cậu đã tìm được sự bình yên.
L.C