VŨ TÂM MAI
Bao đêm rồi, bà Hà không ngủ và đêm nào bà cũng nhớ về quãng đời quá khứ của mình, những hình ảnh như trong phim lần lần hiện lên không mờ, không sót một nét nào.
Quê bà không phải ở đây mà là ở giữa đồng bằng Bắc Bộ, nơi chẳng có đồi, cũng không có núi, phẳng lỳ những cánh đồng. Quê nghèo lắm, cấy vụ lúa nào nếu ông trời ngoảnh mặt làm ngơ thì được gặt về những bông lúa gầy gò như bông cỏ may… Thế rồi hết kháng chiến chống Pháp, lại đến kháng chiến chống Mỹ. Cuộc chiến với đế quốc Mỹ vô cùng gay go, ác liệt, chẳng nhìn thấy mặt mũi thằng giặc ở đâu mà chỉ nghe tiếng gầm rít như xé gió trên đầu rồi ùng oàng bom nổ đinh tai, nhức óc, và sau đó là tiếng la hét, tiếng ống luồng nổ, tiếng gọi nhau đem thùng, chậu, múc nước dập lửa đang hừng hực thiêu đốt mái nhà tranh, người bị thương, người bị vùi trong đổ nát… Tàn khốc và khổ đau. Đường giao thông huyết mạch chạy qua quê bà là trọng điểm đánh phá của lũ giặc trời Mỹ. Xóm làng tan tác, mỗi người mỗi phương chạy loạn, gia đình bà gồng gánh bồng bế nhau vào Thanh Hóa, năm ấy bà chừng mười bảy, mười tám tuổi. Đất khách quê người, mỗi người hai bàn tay trắng, vài bộ quần áo, vài cái nồi, vài cái bát, làm gì để sống đây? Cũng còn may dân bản xứ thông cảm cho mượn đất làm túp lều tranh vách đất để ở, đúng là “ăn nhờ ở đậu”. Là lao động chính, bố mẹ dần già yếu, các em còn nhỏ, làm sao có thể kiếm được miếng ăn cho cả nhà năm miệng ăn? Bạn bè cùng quê vào đây chung cảnh ngộ, ba bốn chị em nhiều lần tụ bạ nhau lại tìm cách gỡ khó, nhưng khó cứ khó! Một buổi chiều ngồi bên bờ sông nhìn con sóng đưa đẩy bè củi xuôi dòng, bỗng cái Nhài reo lên:
- Chúng mày ơi, tao nghĩ ra rồi, sao chúng ta lại không đi lấy củi về bán cho kiểm lâm?
Cả bọn ngỡ ngàng rồi như thấy có lý cùng cất tiếng:
- Ừ, phải đấy, sao chúng ta lại không làm?
Cái Lan phản bác:
- Rừng rú là chuyện của đàn ông!
Cả bọn cùng yên lặng, rồi bỗng nhiên Hà đứng phắt dậy nói mạnh mẽ, khẳng định:
- Đàn ông làm được thì đàn bà cũng làm được, sợ gì?
Nói là làm. Ngày hôm sau, mỗi đứa một con dao rựa cùng nhau vào rừng. Đường trường mới gập ghềnh làm sao? Đã biết rừng xanh núi đỏ thế nào mà cả gan? Không đứa nào nói ra, nhưng trong lòng đứa nào cũng chờn chợn sợ đủ mọi thứ, nào là thú rừng, nào là ma rừng, nào là… mà cụ thể nhất là những con vắt, con trong lá khô mục, rễ cây thì nó bám vào bất cứ chỗ nào ở chân, con ở trên cành cây thì nó bắn tanh tách vào cổ, vào mặt. Eo ôi là khiếp! Nhưng không có bát cơm manh áo còn khiếp hơn. Cả bọn đang phát cây vạch lối đi, bỗng cái Lan hét lên:
- Ối chúng mày ơi, cái gì thế này?
Cả bọn xúm lại, thì ra một con vắt bám ở sau vành tai nó hút no nê máu lủng lẳng như quả hồng quân chín mọng. Bắt xong con vắt cho cái Lan, bất chấp sợ hãi, cả bọn cứ tiếp tục phát cây xông thẳng vào rừng. Cuối cùng cũng gặp được củi, gặp được cây bương, cây luồng chặt hạ xuống, lôi kéo ra bờ sông bó củi, kết bè. Thành công ấy khiến cả bọn quên cả vất vả, bao nỗi sợ hãi cũng vơi đi. Cả bọn rửa chân tay qua quýt rồi cùng ngồi mở nắm cơm độn sắn với tý muối trắng ra ăn ngon lành, tiếng cười nói lại rôm rả vang vọng rừng xanh.
Với tinh thần phấn chấn các cô cùng nhau gò lưng đẩy bè ra giữa dòng, bè theo dòng nước êm xuôi như một sự kết bạn đã hẹn trước. Chưa kịp xả hơi cho giãn gân cốt một chút thì lại gặp điều bất ngờ, bỗng nhiên đầu bè chúc xuống, đuôi dựng lên, chưa kịp nghĩ ra chuyện gì cả bè củi và người bị nhấn chìm xuống nước, phút chốc bè lại ngóc đầu lên đuôi bè lại chìm xuống. Cả bọn cùng dựng đứng theo chiều của bè, trong ầm ào nước xối, trong trắng xóa bọt nước phủ kín người trông các cô cứ như thuỷ thần hiện hình. Định thần lại mới biết cả bè và người vừa gặp một con thác, may là con thác không quá lớn nhưng cũng đủ làm cho các cô kinh hồn bạt vía. Hà như người đứng đầu cả nhóm, cô bình tĩnh, hay cố tỏ ra bình tĩnh, lấy lại tinh thần cho chị em, tiếng Hà quát át cả tiếng nước đang réo ào ào:
- Không sao đâu, hãy đứng vững, cầm chắc sào rồi sẽ qua thôi!
Sợ, rất sợ nhưng giữ thân, giữ bè là điều không thể không vững vàng. Gan dạ hay liều lĩnh lúc này đều như nhau.
Mặt nước dần phẳng lặng, bình yên như không có chuyện gì xảy ra, cả bốn chị em vuốt nước trào qua mặt, chưa kịp định thần thì phía trước những mỏm đá nhô lên, hòn thì nhọn hoắt, hòn thì phẳng lỳ cứ như thể có người đang bày trò hù dọa các cô gái và cái bè bé nhỏ. Hà hết sức tỉnh táo gọi chị em né bên này, tránh bên kia để bè không va vào đá. Phải chăng sự mềm mại, dẻo dai của những cánh tay con gái cộng với lòng quả cảm đã né tránh đưa bè vượt qua sự bao vây của đá chìm, đá nổi trên dòng chảy? Bè đã về đến khúc sông phẳng lặng, tạm thời yên ả, mặc cho bè trôi, bốn tấm thân con gái ướt sũng, quần áo dán chặt vào người lồ lộ những đường cong tuyệt mỹ của cơ thể thanh tân. Bây giờ chả còn gì để sợ, đứa nào, đứa ấy lăn ra ngủ. Làng bản ở xa lắm, nơi gần nhất cũng chừng cây số, chỉ có những chiếc chòi canh rẫy là gần nhưng cũng chẳng mấy khi có người ở đó. Bè củi lặng lẽ trôi trên bồng bềnh nhấp nhô lượn sóng.
Thế rồi bè củi cùng bốn cô gái cũng về đến bến, cha mẹ các cô đang đứng ngồi không yên, bỗng mừng vui còn thiếu nhảy lên reo hò khi nhìn thấy bè củi và bốn đứa con gái thấp thoáng giữa dòng ở cửa rừng. Bận ấy cả bốn cô đều bị bố mẹ mắng cho một trận nên thân, nào là con gái con lứa chân yếu tay mềm mà dám đi vào rừng sâu núi thẳm… Riêng các cô kiếm được tiền đem về cho bố mẹ là niềm vui khôn tả, bố mẹ sẽ có tiền đong gạo, bát cơm đỡ phải độn sắn, độn khoai. Nghỉ ngơi dăm bữa, các cô lại nháy nhau đi làm “thợ sơn tràng” bất đắc dĩ.
Lần thứ hai, lần thứ ba có kinh nghiệm các chuyến đều trở nên bình thường, đến lần thứ tư thì có chuyện. Đó là khi bè củi đã xuôi về đến cửa rừng khi màn đêm dần buông xuống. Trêu chọc nhau một lúc, các bạn đã lăn ra ngủ, bỗng Hà cảm thấy như có chuyện gì bất thường, nhỏm đầu nhìn về phía trước, cô bỗng thầm hỏi mình “Cái gì thế nhỉ?”. Hà dụi mắt, định thần lại và tự xác định rõ ràng bên mỏm đá gần giữa dòng có vật gì đó đang chuyển động rồi lại biến mất, rồi lại nhô lên. Cô khẳng định đó không phải ma, mà cũng không phải rều rác, nếu là rều rác thì phải trôi theo dòng nước chứ sao nó lại ngược dòng? Một lát sau, gần bè nhô lên một cái đầu, Hà không nhìn nhầm, đúng là một cái đầu của con người thực sự, Hà vùng dậy tay cầm chắc luôn cây sào:
- Ai, lên bè làm gì?
Vừa quát, Hà vừa vung cây sào đập mạnh xuống mặt nước, cái đầu chìm nghỉm rồi lại nhô lên phía đuôi bè rồi mất hút vào bóng cây, sóng nước. Cùng lúc cái Lan, cái Nhài, cái Hạnh cũng giật mình bật dậy, hỏi dồn dập:
- Cái gì thế?
- Chuyện gì thế?
Ném cây sào xuống đống củi, Hà nói cộc lốc:
- Ngủ đi.
Rồi bè củi cao chất ngất cũng về đến bến, chuyến củi này khá hơn những chuyến trước, các bạn thì vui còn Hà thì im lặng! Một tuần, rồi hai tuần, không thấy Hà đả động gì đến chuyện đi bè, lấy củi, ngồi chơi như mọi khi, không đừng được, Nhài đưa mắt nhìn Lan và Hạnh, ba đứa ngầm hiểu ý nhau. Nhài lên tiếng:
- Sao chúng ta lại không đi lấy củi, đang quen thung, quen thổ, quen cả công việc?
Không đợi Nhài nói hết câu, Hà lên tiếng, cụt lủn:
- Không đi nữa!
Cả Nhài, Lan và Hạnh cùng ớ ra lắc đầu, khó hiểu.
Trạm kiểm lâm nhập củi, nhập luồng nứa chỉ có khoảng bốn, năm người, thi thoảng có người đi vắng nên cũng chẳng bao giờ đủ con số ở trạm. Có một chàng thanh niên trong xóm chừng hai tư, hai nhăm tuổi hay lui tới trạm và như là người của trạm, anh ta ít nói, đôi khi bắt gặp cái nhìn của anh ta Hà lại thấy bối rối. Vực sâu, núi thẳm vật lộn với ghềnh thác mà Hà còn không sợ, sao cứ gặp con người ấy Hà lại lúng túng? Những câu hỏi về chàng trai cứ diễn đi diễn lại trong đầu óc Hà. Một hôm Hà đi vào trạm, trạm vắng lặng như không có ai, Hà lên tiếng:
- Có ai ở nhà không?
Không một tiếng trả lời, bỗng dưng từ trong buồng chàng trai bước ra, anh ta lên tiếng:
- Có tôi đây, cô Hà vào đi.
Hà giật mình, thì ra “anh ấy”, cô toan đi ra nhưng chàng trai nói như ngăn cô lại:
- Hà cứ vào, không sao đâu.
Hà ngập ngừng rồi mạnh dạn bước vào. Với giọng nói và nét mặt trầm tĩnh, anh nói:
- Hà ngồi xuống đi, tôi có chuyện muốn nói với Hà.
Hà rụt rè ngồi xuống nghĩ thầm “Chuyện gì nhỉ?”. Cô chợt ngại ngùng: “Nhỡ có ai bắt gặp chỉ có hai người ở đây?”. Nhưng rồi Hà vẫn khép nép ngồi xuống. Cái ghế ngắn ngủn mỗi người ngồi mỗi đầu mà như đang ngồi sát bên nhau, và còn cảm nhận được hơi thở của nhau. Chàng trai nói:
- Anh gặp Hà ở đây, dẫu là hôm nay mới được nói chuyện với Hà.
Anh ta xưng hô với Hà thật tự nhiên, giọng nói điềm đạm, thân tình nên Hà cũng thấy yên tâm. Ngừng một lát anh nói tiếp:
- Anh biết hoàn cảnh của Hà, hiểu Hà qua cuộc sống, lao động hôm nay anh muốn ngỏ lời yêu Hà và muốn cùng Hà xây dựng hạnh phúc…!
Chẳng biết anh ta nung nấu ý định ấy từ bao giờ mà nói trôi chảy thế? Hà ngỡ ngàng rồi cố trấn tĩnh lại, trong khi bàn tay cô cứ như bị thôi miên bấm vào nan nứa rải trên các thanh tre cô đang ngồi. Chàng trai cũng không nói được gì thêm. Ngồi mãi ích gì, nhỡ có ai?... Cô lấy lại bình tĩnh rồi nói nhanh một câu:
- Em không biết, hỏi bố mẹ em ấy!
Hà vụt đứng dậy chạy ra ngoài, thiếu chút nữa đâm sầm vào người đang đi vào.
Thế rồi chàng trai ấy, tên là Giang, đưa bố mẹ sang nhà Hà chơi, thưa chuyện với bố mẹ Hà. Bố mẹ Hà tính toán, đất khách quê người, thân cô thế cô, người ta là người bản địa, đông đúc họ hàng anh em, kết thân với người ta mình cũng mong có chỗ nương tựa, với lại con gái lớn rồi giữ làm gì? Suy đi tính lại, hôm sau bố mẹ Hà sang chơi nhà Giang đồng ý để nhà Giang sang dạm ngõ, bỏ trầu và ít lâu sau đám cưới Hà, Giang được tổ chức.
Nên vợ nên chồng rồi cũng phải có công ăn việc làm nuôi nhau chứ? Làm gì bây giờ nơi rừng rú hoang vu, dân cư thưa thớt, thiếu thốn đủ bề, cái kim sợi chỉ cũng phải đi xa vài ba cây số đường rừng mới có mà mua. Nảy ra ý định Hà bàn với chồng mở hiệu tạp hóa nho nhỏ trước hết là giúp người sau đó cũng là gỡ thế bí cho mình, chồng Hà vốn lành tính nên anh đồng ý với vợ, nhưng vốn liếng thì làm sao đây? Hà lại bàn với chồng vay mượn cô, dì, chú, bác người dăm chục, kẻ một trăm, xoay quanh rồi cũng đủ mua chút ít hàng về bán. Cửa hàng tạp hóa nhỏ của Hà mở ra ít nhiều cũng làm thay đổi không gian khu dân cư, rồi người lui, kẻ tới, thêm nhiều bước chân, thêm nhiều lời nói tiếng cười bớt đi sự hoang vắng của vùng sơn cước, gia đình Hà cũng bớt đi chút ít khó khăn. Hà bươn chải đi lấy hàng cách xa vài chục cây số, thêm thắt thứ này, thứ khác tuy cũng nhỉnh hơn chút ít về đồng tiền bát gạo nhưng cái khó vẫn cứ quấn lấy người. Rồi đứa con gái đầu lòng ra đời, hai năm sau thêm đứa con thứ hai cuộc sống thêm khó khăn, Hà cũng không hề kêu ca chỉ biết im lặng, nhẫn nhịn. Bỗng dưng chồng Hà đi đâu Hà không biết. Một ngày, hai ngày… rồi một tuần, hai tuần không thấy Giang về, Hà lo lắng nói chuyện với bố mẹ hai bên, ai cũng nói Giang đi chơi đâu đó ít hôm sẽ về. Một tháng, hai tháng cũng không thấy Giang về, hai bên nội ngoại đều chia nhau người lên ngược, người xuống xuôi, kẻ vào Nam, người ra Bắc, càng tìm càng vô vọng. Trong đầu mọi người có cùng một câu hỏi: “Giang ở đâu?”. Đầu óc Hà rối như tơ vò, mọi suy nghĩ đều hướng về Giang, nghĩ hết điều lành lại nghĩ đến điều gở. Không đêm nào Hà nguôi nỗi nhớ chồng. Ôm hai con trong lòng, vuốt mái tóc tơ của con Hà nghĩ đến mái tóc của Giang ngày nào, mùi sữa thơm từ miệng con, Hà lại càng nhớ hơi ấm và mùi mồ hôi nồng ngái của Giang, nước mắt Hà lặng lẽ rơi ướt tóc con, đứa rúc đầu vào bầu vú tìm sữa, đứa ú ớ nói mơ. Con lớn đang tập nói đôi khi ngọng nghịu hỏi mẹ: “Bố đâu?”. Hà dỗ dành con: “Bố đi làm, ít hôm nữa bố về”. Chẳng ngờ câu nói với con lại cũng là điều Hà nói với chính mình và bỗng dưng câu nói ấy trở thành niềm tin, nguồn động viên trong Hà: “Anh ấy sẽ về, Giang sẽ về”.
Một nách hai con thơ, bố mẹ già, hai em của Hà người đi bộ đội, người đi công nhân, cực chẳng đã Hà xin bố mẹ chồng cho gia đình Hà về xuôi, với lại cuộc chiến đã chấm dứt, mọi người đi sơ tán nay cũng đã gồng gánh về quê. Được bố mẹ chồng đồng ý, Hà thu xếp đưa bố mẹ đẻ và hai con nhỏ tay bế, tay bồng dắt díu nhau về một thị trấn dưới xuôi. Đến nơi ở mới, lại không nhà cửa, không vốn liếng sống dạ dật, rồi cũng gặp may, có gia đình từ tâm gọi cho ở nhờ căn nhà bếp. Tiếng là nhà bếp nhưng nó xiêu vẹo, dột nát người ta dùng làm nơi nuôi nhốt gà vịt, chủ nhà cùng giúp bố Hà quét dọn, che chắn rồi căn nhà cũng được gọi là kín trên bền dưới, như vậy cũng có chỗ che nắng, che mưa. Chỗ ở coi như tạm ổn, nhà gần chợ, Hà bươn bải mua bó rau, con cá đầu chợ đem vào bán cuối chợ. Mối lái loanh quanh Hà biết một nhà máy trên địa bàn có đến hàng mấy trăm công nhân rất cần rau xanh cho bữa ăn, nhờ chị em giới thiệu, Hà được nhận cung cấp rau xanh cho nhà máy. Thật là may mắn, Hà lấy làm hưng phấn dẫu xác định rằng sẽ vất vả hơn nhưng dù sao mối hàng cũng ổn định, thế là một mình một xe đạp cà tàng Hà lên nơi ở cũ gom mua quả bầu, quả bí, mớ rau về cung cấp cho bếp ăn của nhà máy, quen dần Hà đặt mối hàng nơi mua lên chỉ việc giao tiền nhận hàng không phải mất công gom hàng. Công việc tưởng chẳng khó khăn gì nhưng lại gặp khó về thời tiết, ngày nắng ráo còn đỡ, hôm mưa gió thì chỉ còn thiếu khóc dọc đường. Gặp nước mưa, đường đất nhão nhoét quấn vào vành xe phải gò lưng đẩy xe rau củ quả nặng gần tạ, mệt muốn đứt hơi, cực khổ nhưng vì bát cơm manh áo, vì cuộc sống... Không còn cách nào khác! Tự nghĩ, tự động viên, cứ thế Hà vượt lên chính mình. Rau nhập cho nhà máy người ta yêu cầu phải thật hoàn hảo, bầu bí phải gọt sẵn cho nhà bếp, mà gọt lâu nhất là mướp, cũng may là bố Hà lại nghĩ ra cách lấy lưỡi dao cạo râu ghép vào thanh tre, gọt vừa nhanh lại vừa đẹp (ngày ấy chưa có dao gọt trái cây như bây giờ). Vốn chịu khó lại hiền lành, thật thà, Hà được chị em nhà bếp tin tưởng, quý mến, mọi việc đều trôi chảy, thuận tiện. Hà thường giúp mọi người làm việc vặt. Một lần Hà nhìn thấy trên bàn ăn của công nhân có suất cơm ăn không hết, Hà đứng nhìn tần ngần và nghĩ cơm ấy đổ đi thì phí quá trong khi con gái Hà không có gì ăn sáng để đi học. Bắt được sự tiếc nuối trên gương mặt của Hà, cô nấu bếp nói:
- Chị có lấy cơm ấy thì cứ lấy, không sao đâu.
Hà giật mình luống cuống vì ý nghĩ của mình bị người khác biết. Cô nấu ăn nhìn Hà với cái nhìn thông cảm nên Hà bớt đi sự tự ti, nói:
- Vậy cô cho tôi xin nhá!
Từ đó thành thói quen cơm công nhân ăn còn các cô nhà bếp đều dồn cho Hà đem về, mừng vì cả nhà không phải nhịn ăn sáng cũng là điều Hà yên tâm. Nhặt nhạnh nhon góp Hà tìm mua được mảnh đất nho nhỏ Hà mong muốn làm được căn nhà, dẫu nhỏ bé cũng được nhưng đó là nhà của mình. Không ngờ bệnh tật từ đâu ập đến bố Hà ra đi đột ngột. Hà một mình chăm lo cho mẹ già và hai con nhỏ, hai con của Hà cũng chăm ngoan, chả mấy chốc chúng đã là thiếu nữ. Con gái đầu học chưa hết cấp ba đã xin Hà nghỉ học để đi làm với mong muốn chia sẻ gánh nặng với mẹ, và thế là nó đi học nghề rồi theo bạn vào mãi trong thành phố xa xôi tìm việc. Con gái thứ hai học xong cấp ba xin làm việc ở một doanh nghiệp gần nhà rồi lấy chồng. Thế là trong nhà chỉ còn lại Hà với mẹ già hơn chín mươi tuổi và Hà cũng đã bảy mươi tuổi rồi, người đời thường ví “thời gian như bóng câu qua cửa sổ”. Tự bao giờ người ta gọi Hà là bà chứ không phải là cô Hà hay chị Hà trẻ trung ngày nào nữa. Thế rồi mẹ Hà cũng về với tổ tiên… Qua giỗ đầu bà cụ, hai đứa con gái Hà bàn nhau chuyện gì đó kín kín, hở hở rồi con gái đầu nói chuyện với bà:
- Mẹ ạ, bây giờ ở nhà một mình mẹ cũng buồn, chi bằng mẹ đi với con ít ngày cho khuây khỏa mẹ nhá!
Nó tỉ tê như rót vào tai, bà Hà nghe theo con. Dặn dò con gái thứ hai đi lại trông nhà, gửi gắm hàng xóm mọi điều chu tất rồi bà cất bước theo con. Vào được đến nơi, nghỉ ngơi vài hôm, con gái bà mới kể cho bà nghe chuyện nó giấu bà:
- Mẹ ạ, con vào đây cũng đã được bốn năm rồi, công việc dẫu là làm thuê giúp việc cho người ta nhưng cũng không đến nỗi kiếm miếng ăn khó khăn. Con cũng không hề nhận sự giúp đỡ nào của người khác, ngoài sự chân tình, trong sáng, mẹ tin con đi, vì con là con gái mẹ mà (nó nhìn bà nũng nịu). Rồi một hôm, một ông nói tiếng ngoài Bắc đến tìm, con tự hỏi: “Có chuyện gì đây? Lành hay dữ?”. Con nhìn ông khách thấy ngờ ngợ như đã gặp ở đâu? Như đã quen ở đâu? Cái nhìn hiền từ của ông khách khiến con bình tĩnh lại.
- Ông ở đâu đến đây? Tôi không quen biết ông, ông cần gì ạ?
Con hỏi dồn dập, còn người đàn ông ấy cứ nhìn con trân trân đôi mắt dần dần nhòa lệ khiến con bối rối. Ông khách đưa tay dụi mắt như lau đi giọt nước mắt đang trào ra, ông giang tay về phía con, nói:
- Con ơi, ta là bố của con, bố Giang đây con, con đã lớn thế này rồi, hồi bố đi con mới có hai tuổi em con còn đang bế ngửa mà nay…
Ông ngừng lời, những tiếng nói tiếp theo như không thể qua nổi cổ họng ông. Con cũng ngồi lặng đi với bao câu hỏi quay cuồng: “Người này là ai? Sao bỗng dưng đến đây xưng bố và nhận mình là con?”. Như cố nuốt trôi vật vô hình vướng mắc trong cổ, ông khách nói tiếp:
- Bố có lỗi rất lớn với mẹ con, với các con, với ông bà nội ngoại, và anh em cô dì chú bác, bố biết…
- Ông…
Con định cắt ngang lời nhưng ông phẩy tay, không cho con nói.
- Con nghe bố đã: Từ bấy cho đến nay, gần hai mươi năm rồi, năm nay con hai mươi hai tuổi, đúng không?
Ông dừng lại như để khẳng định trí nhớ của mình là chính xác, rồi tiếp tục:
- Thời gian dài, rất dài, và rồi nó cũng trôi nhanh, rất nhanh.
Ông chậm rãi kể lại: Bước chân ra khỏi nhà bố cũng không nghĩ là mình sẽ đi xa, đi lâu như vậy, hôm ấy ra đầu xóm bố gặp chiếc xe ô tô chở củi họ cho bố đi xuống phố chợ, rồi xuống thị xã. Bố không có ý định đi xa nữa, nhưng cứ như có sự xui khiến, bố không thể cưỡng lại… Rồi một chiếc ô tô chạy đường xa dừng ngay trước mặt, người tài xế thò đầu qua ô cửa buồng lái hỏi: “Có đi ô tô không?”. Không nói, không rằng bố trèo lên xe ngồi cạnh anh ta. Xe tiếp tục đi, chiếc xe và người tài xế đưa bố vào thành phố xa lạ này. Bắt đầu kiếm miếng ăn của bố là những công việc vặt vãnh, dạ dật đầu đường xó chợ, khổ sở và buồn tủi, bố muốn quay về, nhưng đã muộn, mọi nẻo đường về đã bị khóa rồi. Đành chịu vậy và bố đổ lỗi cho số phận! Nhưng rồi một hôm người cho bố đi xe ngày nào dừng xe trước mặt bố, anh ta mừng cuống quýt nhảy xuống xe, bố chưa kịp nói dù nửa lời trách móc, anh ta lôi tuốt bố lên xe và nói: “Bắt được ông đây rồi, tôi tìm ông khắp thành phố!”. Bố chưa hết ngỡ ngàng thì xe đã bon nhanh trên đường phố phồn hoa đô hội. Anh lái xe ấy tên là Chung, cũng xấp xỉ tuổi bố. Chung đưa bố về nơi anh ta làm việc, đó là một cơ sở sửa chữa ô tô. Chung giao bố cho ông chủ rồi lại biến mất nhanh chóng cũng như khi anh ta gặp và đưa bố về đây. Ông chủ trông có vẻ dữ tướng nhưng qua tiếp xúc lại thấy ông rất hiền từ và chân thành, ông gọi cô gái lấy cho bố bộ quần áo và chỉ nơi tắm rửa cho bố. Cầm bộ quần áo, đi theo cô gái, bố nghĩ mình bắt đầu cuộc sống mới là từ đây sao? Công việc dần quen, ông chủ tin tưởng vừa xem bố như một công nhân của xưởng, lại xem bố như người trong nhà, ông tận tình khuyên nhủ, dìu dắt bố cả trong cuộc sống và trong công việc. Dăm năm sau thấy bố đã vững vàng nghề nghiệp, ông chủ cho bố cửa hàng riêng lấy tên là công ty Thịnh Vượng. Nhiều lần ông ngỏ ý muốn bố làm con rể ông, nhưng bố đều từ chối và bố kể lại gia cảnh của mình cho ông nghe, ông cảm kích, nói: “Người có đức như anh rồi sẽ gặp lại gia đình”. Và ngày ấy là hôm nay bố được gặp con.
Mọi điều ông nói đều rất đúng, con thực sự xúc động thiếu chút nữa con đã ôm chầm lấy ông mà khóc nhưng con cố dằn lòng lại, hỏi vặn ông với tâm trạng giận dỗi:
- Sao bấy nhiêu năm ông không có tin tức gì về nhà? Ông không biết cả gia đình nội ngoại cũng lo lắng, buồn phiền? Ông bà nội quá rầu rĩ, ốm đau mà chết...
Con nói như tra tấn ông vì tủi thân, con không thể nói được gì thêm!
Bên tai con, giọng ông bây giờ đã đỡ nghẹn hơn:
- Bố biết hết chuyện trong nhà vì bố có một người bạn tâm phúc cùng quê cũng vào trong này lập nghiệp, thi thoảng ông ấy về quê và đem vào cho bố mọi điều bố muốn biết về gia đình ta.
- Tại sao bố lại như thế?
- Vì bố đi quá xa, quá lâu nói với gia đình chỉ thêm nhiều điều phiền phức, chi bằng cứ để mọi người tin là bố mất tích, bố nghĩ đến lúc nào đó no cơm ấm áo, thành đạt bố sẽ về. May sao bạn của bố có được mối manh, chỉ đường cho bố đến gặp con.
Càng nghe bố nói, càng thấy có lý, cử chỉ ánh mắt của bố khiến con khẳng định đúng là bố rồi! Con nức nở ôm chầm lấy bố, mùi mồ hôi, mùi của đấng sinh thành từ khi con được bố bế ẵm, con nhớ... Con dụi đầu vào ngực bố và gọi thành lời: Bố ơi!
Con gái đã dừng lời từ lâu mà bà Hà vẫn không hay. Bà lặng im như pho tượng. Bỗng dưng bà thở dài với câu tự vấn: Cuộc đời là vậy sao?
Một ngày cuối đông 2023
V.T.M