CAO TỴ
Tôi và Thanh sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, nhưng trời lại phú cho nó có nước da trắng như trứng gà bóc, dáng người thon thả, giọng hát rất hay. Trông thấy nó là bọn con trai đứa nào cũng như bị ma hốt hồn. Nhất là khuôn mặt, đôi mắt và cái miệng của nó thì càng nhìn càng thấy thích. Đôi mắt trong veo lúc nào cũng mở to ngơ ngác, cái miệng như cánh hoa hồng vừa hé nở còn ướt đẫm sương mai. Nhìn nó mà tôi phát ghen. Vì thế cái lũ con trai cứ xoắn xít lấy nó khiến tôi càng ghét hơn. Nhất là trong đám con trai ấy lại có cả thằng Tình con trai người cậu bên họ ngoại nhà tôi. Mà mới bực làm sao, cứ hôm nào tới nhà Thanh là thằng Tình lại ghé vào nhà tôi chuyện trò một lúc rồi mới sang đó. Chả là nhà Thanh và nhà tôi chỉ cách nhau cái bờ chè mạn hảo.
Thuở còn bé hai đứa tôi suốt ngày quấn quýt bên nhau. Nó rất khéo tay, chỉ có một cái kéo và vài tàu lá chuối là chúng tôi đã có đủ thứ đồ chơi mà nó làm ra cùng với những chuỗi vòng xâu bằng hoa thị và những bông hoa đại xinh xinh, chúng tôi trang điểm cho nhau như những cô công chúa. Chúng tôi chơi trò đám cưới, bán hàng, đi chợ, nấu ăn, v.v... hết trò này đến trò khác suốt cả buổi không chán. Có hôm mẹ tôi gọi vào ăn cơm hai đứa vẫn mê mải chơi, mẹ phải cầm roi ra chúng tôi mới chạy cuống quýt. Mẹ tôi kể lại: Thuở bé Thanh phải bú nhờ mẹ tôi suốt, vì mẹ nó bận đi làm đồng xa không thể về cho nó bú. Bà nội thì ốm yếu, ông nội đã qua đời. Bố nó đi bộ đội. Tất cả mọi công việc đều chồng chất lên đôi vai mẹ nó. Ngược lại gia đình tôi thì ông bà nội còn khỏe, rất thương con, chăm cháu. Bố tôi làm Chủ tịch xã. Mẹ tôi được mọi người trong gia đình chiều chuộng, thương yêu, vì vậy mẹ tôi sinh tôi đã ba tháng vẫn được ở nhà chăm sóc tôi. Có hôm Thanh đói khóc khản cổ anh nó mới bế sang xin bú nhờ. Nó bú một bên, tôi bú một bên. Cứ thế chúng tôi cùng lớn lên theo năm tháng, nhàn nhạ, sung sướng đối với mẹ tôi, và cực nhọc, lam lũ đối với mẹ nó. Cùng bú chung một dòng sữa mẹ vậy mà càng lớn nó càng mũm mĩm, trắng như cục bột, còn tôi thì đen thui như than hồng gai thế mới tệ chứ. Chúng tôi cùng học một lớp, Thanh thông minh, học giỏi, tôi thường xuyên phải nhờ nó giải hộ những bài toán khó. Còn tôi thì chia sẻ cho nó đủ thứ quà bánh mà chỉ tôi mới có. Thế rồi nó thi đậu vào trường cấp ba còn tôi thì không. Từ đó tôi có cảm giác chúng tôi xa nhau hơn. Thanh một buổi đi học, một buổi bận làm việc giúp mẹ, tối đến bận học nên ít sang nhà tôi. Còn tôi thì mặc cảm với thân phận nên tránh gặp nó. Nhưng cứ có cơ hội là nó lại sang với tôi. Nó vẫn hồn nhiên, vô tư và trong sáng. Chúng tôi thường lên núi kiếm củi. Tôi thì đem về đun, còn nó thì vừa đun vừa bán giúp mẹ nó kiếm tiền đong gạo, đóng học phí. Thoáng cái đã hết cấp ba, nhưng một căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mệnh của mẹ nó. Vậy là nó không thể đi học tiếp cho dù đã thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa. Từ đó đôi mắt mở to mơ màng ẩn một nỗi buồn. Nó hay ngồi một mình nhìn ra khoảng trời xa xăm qua khung cửa sổ. Nhưng nó lại có thêm rất nhiều bạn mới, chủ yếu là các chàng trai. Khổ nỗi hai gia đình chúng tôi cùng chung một ngõ, nên tối nào cũng vậy. Con Mực nhà tôi và con Vàng nhà nó cũng thi nhau sủa vì những tốp bạn trai kéo vào nhà nó. Tôi giận con Mực lắm. Nhiều hôm tôi phải gọi con Mực vào, nhưng tôi thấy mẹ tôi còn giận hơn cả tôi. Bà cầm roi vụt con Mực mấy cái và mắng: “Ai thèm vào nhà mày mà mày sủa?”. Tôi không giận mà lại thấy thương mẹ hơn. Nhiều hôm tôi mở đài thật to để át đi tiếng cười nói bên nhà nó và bớt vắng lặng bên nhà mình. Rồi một hôm thằng Tình với vẻ mặt rạng rỡ khoe với tôi:
- Chị Liên à! Chị có biết gì không, em đã chinh phục được trái tim của Thanh rồi.
Tôi tròn mắt bán tín bán nghi:
- Thật à... hay... hay lại bốc phét?
- Em xin thề là thật mà. Chị không tin ư. Em cho chị xem cái này.
Rồi nó thò ra cho tôi xem cái khăn hồng mà Thanh đã hý hoáy thêu một đôi chim câu có ngậm dải yếm đào đang tung cánh giữa bầu trời có lồng chữ “hạnh phúc” trông thật đẹp. Ngắm nghía chiếc khăn tôi thầm phục nó thật là khéo tay. Tại sao trời lại ưu ái ban cho nó tài sắc vẹn toàn như vậy chứ? Thời gian này Thanh vui vẻ hơn, mắt long lanh, má ửng hồng và rất hay cười, hay hát một mình. Tôi chưa biết tình yêu như thế nào nhưng tôi đoán chắc chắn tình yêu làm cho con người ta xinh đẹp hơn, yêu đời hơn. Thằng Tình lại hớn hở cười nói với tôi:
- Hôm nay em dẫn Thanh về cho gia đình anh em họ hàng biết mặt con dâu tương lai.
Chao ôi! Thanh chỉ ăn mặc tươm tất một chút mà trông giống y như nàng tiên giáng trần vậy. Cô cậu đèo nhau trên chiếc xe pha, ai trông thấy cũng trầm trồ ngợi khen. Thật là đẹp đôi. Hai người đi từ sáng đến trưa đã thấy về. Chẳng hiểu sao mà trông mặt Thanh buồn như người đi đưa đám. Tôi phân vân, đợi thằng Tình sang nhà, tôi hỏi. Thằng Tình ỉu xìu như quả bóng xì hơi:
- Tại bà cô nhà em. Lúc Thanh vừa bước vào nhà, hai mắt bà cô mở tròn rồi bà soi mói nhìn từ đầu tới chân cái Thanh. Sau đó bà kéo em vào nhà trong và nói: “Này Tình. Trông cái ngữ ấy thì sau này biết làm gì để mà ăn hả? Mày nên nhớ mày là cháu đích tôn của cái nhà này. Mày rước cái ngữ ấy về để cái nhà này phải hầu hạ nó à? Cha mày thì đang ốm đau, đã hàng năm nay chẳng đi lại được. Đến như mẹ mày lo cho cha mày còn không xong nữa là cái ngữ ấy!”. Bà ấy làm một tràng như pháo nổ, em phải chắp tay vái bà ấy mới chịu im miệng cho. Nhưng giọng bà ấy nói nhỏ cũng bằng thiên hạ nói to nên những gì bà ấy nói Thanh đã nghe hết.
Tôi bật cười hỏi lại:
- Tính nết bà cô nhà mày thì tao đã biết cả rồi. Thế còn ý kiến cha mẹ mày thì sao? - Cha mẹ em thì có vẻ quý cái Thanh lắm, điều quan trọng là em sợ cái Thanh phật lòng cơ. Có gì mai chị nói với cô ấy giùm em. Trên đường về đây em cũng đã nói rồi. Thanh buồn lắm, cô ấy chẳng nói năng gì cả.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi như đã trút được nỗi ghen tuông bực tức với Thanh từ bấy lâu nay, hôm sau hai đứa đi kiếm củi, tôi làm ra vẻ chưa biết gì. Tôi hỏi:
- Này mình hỏi thật. Có chuyện gì mà hôm nay trông cậu buồn thế?
Thanh cố làm như không có chuyện gì:
- Có gì đâu, là do mấy hôm nay mình hơi mệt.
- Mệt thật hay lại cãi nhau với người yêu?
- Đâu có.
Rồi Thanh nói lảng sang chuyện khác. Mấy hôm sau thằng Tình giận dữ nói với tôi:
- Trông cái Thanh bên ngoài có vẻ hiền lành thế mà ghê gớm thật!
- Có chuyện động trời gì vậy?
- Thanh bắt cá hai tay.
- Sao?
- Chị biết không hôm qua em đi may áo, thằng Thìn thợ may nói với em: “Mày có biết cái Thanh làng Đông không?”. Em bảo có. Nó lại hỏi: “Cái Thanh mày thấy thế nào. Trông được đấy chứ? Thanh là vợ sắp cưới của tao đấy. Chẳng tối nào tao may mà Thanh chẳng tới đây đơm khuyết áo hộ tao”. Ôi trời! Em xây xẩm mặt mày. Sự thể nó thế đấy chị ạ. Chị đưa hộ bức thư này cho Thanh giùm em. Em về đây.
Chao ôi! Một cái tin “giật gân”. Trông Thanh có vẻ hiền lành, tử tế thế mà lại như vậy thật sao? Có lẽ nào. Mình phải tìm hiểu cho ra nhẽ xem đầu đuôi chuyện này thế nào mới được. Nghĩ thế tôi không đưa ngay bức thư cho Thanh mà giữ lại để ngầm theo dõi Thanh. Nhưng cả ba hôm tôi đã theo dõi kỹ nhất cử nhất động mà vẫn tuyệt nhiên không thấy Thanh bước chân ra khỏi ngõ cùng với ai, mặc dù bạn bè vẫn kéo tới nhà nó không ngớt. Thanh chỉ đưa chân các bạn trai ra tới sân và quay vào. Mất toi ba hôm mà tôi vẫn “mù tịt” chẳng biết được chút manh mối gì. Tôi đành đưa “toẹt” bức thư cho Thanh. Xem xong thấy Thanh nước mắt lưng tròng, tôi vội hỏi:
- Thằng Tình viết gì mà cậu khóc vậy?
Thanh đưa bức thư cho tôi. Càng đọc tôi càng ngạc nhiên đến không ngờ. Thằng Tình còn ghê gớm hơn cả tôi tưởng. Nó dùng toàn những từ ngữ văn thơ bay bướm để chửi Thanh ngọt xơn xớt, hèn gì Thanh khóc là phải. Giờ đây tôi lại thấy thương cho Thanh hơn cả thằng Tình, dẫu cho chưa biết sự thể như thế nào. Tôi gạn hỏi thì Thanh nói:
- Hai đứa mình thân nhau như hai chị em ruột, có bao giờ cậu thấy mình ăn ở hai lòng không. Tính nết mình như thế nào chắc cậu hiểu cả. Mình cũng có điều gì giấu cậu đâu. Mà có giấu cũng làm sao qua khỏi được mắt cậu! Giờ đây anh ấy xem mình là con người như vậy, mình khổ muốn chết mất Liên ơi!
Thấy Thanh đau khổ trình bày sự việc như vậy, tôi bỗng giận thằng Tình vô cùng. Tôi đành an ủi Thanh và bảo nó:
- Khi nào mày gặp thằng Thìn thì chửi cho nó một trận để nó chừa cái kiểu chơi đểu đi. Mày không chửi được thì bảo tao, tao trị cho.
Tối hôm ấy biết Thanh buồn tôi sang chơi an ủi nó. Chúng tôi đang ngồi chuyện trò thì nghe tiếng chó sủa rồi thấy Thìn “lù lù” đi vào. Thanh đẩy tuột tôi vào nhà trong và dặn không được ra. Thìn nhăn nhở cười nói:
- Thanh, sao hôm nay trông em buồn thế?
Thanh nghiêm sắc mặt đi ngay vào vấn đề chính.
- Em đang có chuyện muốn hỏi anh đây.
- Chuyện gì mà trông em có vẻ căng thẳng vậy?
- Anh đã nói những gì với anh Tình?
Thìn cười trừ:
- A… hà… có gì đâu, chỉ là bọn anh nói chuyện đùa cho vui vậy thôi.
- Đùa, anh đùa chết người như vậy được sao?
- Ồ anh tưởng chuyện gì ghê gớm lắm chứ chuyện đùa ấy thì có gì quan trọng mà em phải căng thẳng thế?
- Em chỉ muốn từ nay chúng ta không nên tiếp tục quan hệ tình bạn nữa!
Thấy thái độ của Thanh có vẻ cương quyết, dứt khoát, khuôn mặt hắn đột ngột chuyến từ niềm vui đắc thắng sang vẻ ngạc nhiên rồi buồn bã trông thật thảm hại. Hắn hạ giọng năn nỉ:
- Thôi anh lỡ đùa quá trớn, chẳng may đã xúc phạm tới em. Em cho anh xin lỗi. Ý anh muốn trước sau gì thì chuyện ấy cũng sẽ xảy ra mà. Thanh à. Tình cảm của anh dành cho em từ bấy tới nay em không hiểu sao?
- Em cảm ơn những tình cảm mà anh đã dành cho em, nhưng em còn nhỏ, chưa nghĩ đến chuyện này. Thôi anh về đi. Em mệt, em muốn được yên tĩnh một mình.
- Thanh à, anh xin em đấy. Thực tình anh không có ý xấu, xin em tha cho anh lần này!
- Thôi, em muốn được yên, xin anh hãy hiểu cho.
Thìn cúi đầu lủi thủi bước ra khỏi nhà, Thanh không tiễn. Tôi hả hê. Giờ đây tôi mới hiểu rõ đầu đuôi sự việc. Tôi thầm nghĩ, lúc nào Tình tới nhà tôi sẽ trị cho nó một trận để nó chừa cái tính hồ đồ đi. Ai ngờ sự việc xảy ra ngoài dự tính khiến tất cả chúng tôi đều bất ngờ.
Bố Thanh tuyên bố sẽ gả chồng cho nó vào tháng tới. Có một điều khiến cả ba chúng tôi đều bất bình. Chồng Thanh lại là cái anh chàng tên là Toàn ở tận vùng biển xa xôi mà nó ghét cay ghét đắng. Cứ mỗi lần anh ta đến nhà là Thanh tìm đủ mọi lý do viện cớ để tránh mặt. Thanh cầu xin bố đừng bắt nó lấy anh ta, nhưng bố nó chửi và còn nện cho nó một trận: “Lấy nó thì chỉ có việc ăn và đẻ, việc kiếm tiền đã có chồng. Nó đi biển, thuyền về tới bến là vợ chỉ việc vén váy đứng bán cá ngay tại chỗ, chẳng mất giọt mồ hôi công sức nào, lại được ăn sang mặc đẹp”. Thế mà hôm trước tôi đã chửi Tình một trận, nó còn xin lỗi Thanh và hứa từ nay sẽ không làm bất cứ chuyện gì khiến Thanh buồn nữa. Hai đứa đã hứa hẹn, thề thốt với nhau đủ điều. Giờ Thấy Tình khóc sưng cả mắt tôi nghĩ mà giận bố cái Thanh. Trước ngày cưới, Thanh trao lại cho tôi cái nhẫn có khắc lồng hai chữ (T) nhờ tôi gửi lại cho Tình. Thế là từ đây tôi phải xa người bạn thân thiết nhất của mình. Ý nghĩ đó làm tôi cay cay nơi sống mũi.
Thanh lấy chồng đã gần một tháng. Cũng ngần ấy ngày Tình ốm liệt giường. Nó lôi thư từ của Thanh ra đọc rồi khóc. Nó bảo không muốn sống nữa. Mặc cho bà cô nó hò hét, chửi rủa, rồi động viên và hứa sẽ tìm cho nó một cô vợ to khỏe, nó cũng mặc. Tôi thương thằng Tình mà chẳng biết làm gì. Nếu biết nó đau khổ đến thế thì ngay hôm lại mặt, Thanh về quê, tôi đã gọi Tình để nó trông thấy mặt Thanh một lần cuối cho đỡ nhớ. Nhưng tôi lại nghĩ, còn gặp nhau để làm gì khi vĩnh viễn phải xa nhau. Tôi không hiểu tại sao khi yêu, nó lại làm cho con người ta đau khổ đến như vậy khi mãi mãi mất nhau! Tôi chạnh lòng nghĩ đến phận mình chưa có một mảnh tình. Nhưng cứ trông cái cảnh Thanh và Tình cũng đủ để tôi phát ớn đến tận cổ rồi.
Từ ngày Thanh lấy chồng, cái ngõ vào nhà chúng tôi vắng ngơ vắng ngắt, chẳng mấy khi còn nghe thấy tiếng chó sủa, hay tiếng bọn con trai cười nói mỗi khi bọn chúng kéo tới nữa. Lòng tôi buồn trống vắng. Mà tôi thấy lạ hơn nữa là trước đây khi tôi còn bé, bố tôi còn làm Chủ tịch xã thì khách khứa kéo đến nhà tôi rậm rịch, hết kẻ sang đến người hèn. Khi thì họ biếu xén thứ nọ, lúc thì họ cầu cạnh điều kia… và những lời hứa, lời khen huyễn hoặc. Nào là: “Nhà anh có cháu gái ngoan quá, khá quá, sau này để dành cho thằng cháu nhà tôi nhé. Cháu nhà tôi mà được làm rể nhà bác thì hết ý rồi. Sau này chắc chắn tôi và bác thông gia với nhau nhé. Bác nhớ để dành cho tôi cô con dâu tương lai đấy…”. Rồi họ cười, họ nịnh đủ điều, họ biếu xén đủ thứ quà bánh và của ngon vật lạ… và nhất là vào các dịp lễ, tết hoặc gia đình tôi có công việc lớn thì phong bao to, nhỏ các loại nhiều vô kể. Thế mà từ ngày bố tôi về hưu là thôi, tịnh chẳng thấy bóng dáng ma mãnh nào đến biếu xén cũng chẳng thấy ông nào, bà nào tới đòi gả con dâu. Buồn hơn nữa là từ dạo bố tôi bị tai biến mạch máu não rồi qua đời tới nay, chỉ còn lại hai mẹ con trong nhà càng trở nên vắng vẻ. Rồi bạn bè cùng trang lứa cũng lần lượt ra đi, mỗi người một ngả đời, một chí hướng. Lác đác đã có các lớp đàn em cũng đến tuổi xây dựng gia đình. Tôi thành người bị lãng quên. Tôi càng buồn, càng nhớ Thanh, càng nghĩ cuộc đời sao chua chát quá! Vì hoàn cảnh trói buộc mỗi năm Thanh chỉ về quê một đôi lần. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Hai đứa chuyện trò thăm hỏi đôi câu, ôn lại kỷ niệm quá khứ rồi Thanh lại vội vã ra đi. Nghe giọng nói của nó đã pha tiếng vùng biển mặn mòi nằng nặng tôi đùa:
- Mày đã trở thành con mẹ hàng cá đanh đá, chua ngoa rồi cơ đấy?
Thanh nhìn tôi cười:
- Con mẹ hàng cá thì đích thị rồi, nhưng đanh đá, chua ngoa thì… mình vẫn còn bị người ta ăn hiếp!
Tôi hỏi cuộc sống gia đình, chồng con. Thanh cười buồn:
- Từ ngày bước chân theo chồng, xem như mình đã chết rồi. Cuộc sống bây giờ chỉ còn là trách nhiệm, là nghĩa vụ đối với mình mà thôi.
Tôi thấy thương cho một kiếp hồng nhan như Thanh. Thanh có bầu người gầy tọp, cổ cao da xanh. Thanh nói ốm nghén không ăn được thứ gì, chỉ thèm mỗi đu đủ xanh chấm muối. Tôi ra cây lấy cho Thanh mấy quả. Nhìn Thanh ngồi ăn ngon lành mà tôi thương cho nó. Chồng Thanh tuy chiều vợ nhưng ghen vợ tới mức lập dị. Cứ thấy Thanh cười, nói chuyện với người đàn ông nào là về nhà anh ta mắng nhiếc xỉ vả Thanh. Một bước giám sát, hai bước quản lý vợ. Nhất là những thời gian đi biển lâu, khi về tới nhà là anh ta sục sạo tìm kiếm và vặn hỏi bất cứ những điều gì thấy khả nghi. Một tàn thuốc lá, một đôi dép lạ, một chiếc mũ bỏ quên… bất kỳ thứ gì cũng làm cho anh ta có thể nghi vấn. Rằng những thứ ấy là tang vật của những kẻ đã quan hệ bất chính với vợ mình. Thế là những cuộc cãi vã, chửi bới nổ ra. Thanh sống như một kẻ bị tù giam lỏng. Thanh sinh được bốn thị mẹt thì chồng Thanh giở chứng. Anh ta xem Thanh như người giúp việc trong nhà. Vất vả lam lũ, tinh thần lại không ổn định Thanh gầy sút hẳn. Từ đó cứ có bầu là chồng Thanh bắt Thanh đi siêu âm để xem trai hay gái. Nếu trai thì để, gái thì bỏ. Nhưng lần nào cũng gái. Vậy là thêm bốn lần nạo thai nữa người Thanh như tàu lá héo.
Năm năm sau khi Thanh cưới chồng thằng Tình mới chịu cưới vợ, nhưng cứ có dịp gặp tôi là nó lại hỏi thăm tin tức của Thanh. Tôi nói:
- Thanh vẫn thường hỏi thăm sức khỏe của mày và bảo tao động viên mày sớm lấy vợ cho bố mẹ vui lòng đấy thôi.
Khi ấy nó mới yên tâm. Nhưng khi nghe tôi kể chuyện về Thanh thì Tình tỏ thái độ bực tức, nó vung tay lên:
- Em xin thề nếu em mà gặp thằng Toàn em sẽ tương cho nó mấy quả đấm vào mặt!
Tôi bật cười:
- Mày lấy cương vị gì mà đe đánh người ta?
Tình cười tủm tỉm:
- Trả thù tội cướp người yêu của em.
Rồi nó xị mặt xuống, giọng buồn buồn tâm sự:
- Nói thật với chị cả cuộc đời này em chỉ yêu mỗi mình cái Thanh thôi. Vợ em bây giờ, em chỉ thương cô ấy chứ không yêu như Thanh đâu. Thật tội cho Thanh quá.
Thấy thằng Tình lại rân rấn nước mắt, tôi phải động viên an ủi nó mới thôi. Còn cái thân tôi thì đã ba mươi tuổi đầu mà vẫn chẳng có ma nào thèm ngó tới. Mẹ tôi bắt tôi siêng đi chùa lễ Phật mong cho tôi có người thương tới kiếm tí con để sau này còn có chỗ nương thân. Xem trong quẻ thì cái số tôi hợp bóng nhà chùa, có căn tu lại bị bà cô tổ giữ nên khó lấy chồng. Tôi bảo mẹ để tôi đi tu luôn thể, bà bảo:
- Những người đàn bà nào bất hạnh, tâm hồn họ bị tổn thương tới mức như bị chết hẳn, không còn vương vấn với cõi trần tục này nữa, họ mới phải nương thân vào chốn cửa Phật chứ chị tưởng đi tu là sung sướng lắm đấy phỏng?
Thế rồi mãi đến năm ba tư tuổi trời cũng run rủi để tôi có được một tấm chồng. Đấy là vào dịp làng tôi đi dân công đột xuất, đào mương đắp đập. Tôi đã trọ ở nhà anh, và gia đình cũng như anh đã để ý đến tôi. Tôi chẳng dám chê anh rằng gầy yếu lại bị thần kinh do vết thương sọ não từ chiến trường B trở về. Bởi cái phận mình đã vậy còn chê ai. Thôi thì lấy để có chồng, có gia đình như người ta, để mẹ tôi vui lòng. Vả lại tôi cũng thấy thương anh. Gia đình anh có hai người con trai và một người con gái, anh là con thứ hai. Vì thấy hoàn cảnh nhà tôi neo người nên gia đình nhà chồng cho anh ấy đến ở rể. Năm sau tôi có mang và cuộc vượt cạn của tôi quả thật là đầy gian nan sinh tử. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng sinh được một mụn con gái, cục cưng của tôi cũng nhỏ bé, yếu ớt như bố nó. Vợ chồng ăn ở với nhau được ba năm thì anh càng yếu ốm hơn, lại phát bệnh thần kinh nặng do vết thương tái phát. Thuốc thang hết Đông đến Tây y cũng chẳng ăn thua. Có hôm vợ chồng đi làm đồng, anh lên cơn ngã lăn ra bất tỉnh, tôi phải cõng anh về. Từ đấy tôi thường tránh xa lũ trẻ chăn trâu bởi có lần tôi đã từng nghe bọn chúng hát bài đồng dao: “Bồng bồng cõng chồng đi chơi, cõng đến cái nổ đánh rơi mất chồng, chị em ơi cho tôi mượn cái gầu sòng, tôi tát nước để vớt chồng tôi lên”.
Về phần chồng tôi anh càng trở nên trái tính, hay cáu bẳn. Mẹ tôi thì một tí cũng con, hai tí cũng con, chiều anh hết mức. Vậy mà tôi chẳng có tội gì anh cũng cáu gắt. Vợ chồng có chuyện bé lại xé ra to, rồi anh vùng vằng khăn gói bỏ về quê. Tôi đành thu xếp đưa con về thăm quê nội và khuyên chồng trở về một thể. Ai ngờ về quê bệnh tật anh ấy càng nặng hơn. Tôi đưa chồng đi viện, nhưng anh ấy đã qua đời. Tôi thương cho cái kiếp chồng tôi đoản mệnh, cái duyên tôi đứt đoạn. Tính kỹ ra chúng tôi mới sống với nhau được ba năm hai tháng. Tôi giận ông trời sao lại quá khắt khe đối với tôi như vậy... Thanh lại về thăm tôi, hai đứa ôm nhau khóc. Thanh nói:
- Quan niệm của dân vùng quê ấy còn cổ hủ lắm. Họ bảo sinh ra con trai là sinh ra vàng ra bạc, nó nối dõi tông đường, nó lại đi biển hốt được tiền. Sinh con gái chẳng được lợi lộc gì.
Và không đạt được ý định vợ sinh con trai, chồng Thanh gần như bỏ mặc mẹ con Thanh. Hắn quan hệ với một người đàn bà khác, Thanh biết nhưng chẳng nói gì. Mỗi lần đi biển về hắn tự bán cá ngay tại bến. Về đến nhà hắn quẳng cho Thanh một ít tiền, còn thì hắn giữ cả. Hắn bảo:
- Cô ốm yếu thế. Thôi, từ nay không phải xuống bến nữa. Tôi tự lo liệu được.
Thanh cay đắng nuốt nước mắt vào trong. Từ đó Thanh tự ra chợ buôn bán chút hàng khô cá để kiếm thêm tiền mẹ con sinh sống.
Nhìn cô gái xinh đẹp nổi tiếng một thời giờ đây đã trở thành người đàn bà tiều tụy, tôi nghĩ giá như ngày xưa Thanh quyết không nghe lời bố, quyết lấy bằng được người mình yêu thì cuộc đời của Thanh đã khác đi chăng. Có loài hoa nào mà chẳng úa tàn, hương sắc nào mà chẳng nhạt phai. Nhưng sớm tàn rũ như nhan sắc của Thanh thì quả thật là oan uổng.
C.T