Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Dự thi sáng tác văn học trẻ   /   Tình sông - Song Ninh
Tình sông - Song Ninh

Những buổi sáng, dù nắng hay mưa, người ta vẫn thấy gã mình trần, vắt chiếc áo cộc qua vai lang thang ở khu chợ ấy, mình mẩy xăm trổ đủ các hình thù, nhưng có lẽ hình xăm về một gương mặt đã mờ dần ngay bắp tay của gã lại khiến người ta tò mò hơn. Người thì bảo đó là hình một cô gái, người khác thì chắc chắn là hình của một gã đàn ông “nhìn cái dáng nó mảnh khảnh, ngoe nguẩy như đuôi cá mại cờ thế kia, “bóng” là cái chắc”. Có người thì chắc như đinh đóng gỗ lim bảo rằng đó là hình một bà lão, hay một người phụ nữ nào đó... Họ đua nhau nói về gã, về những hình xăm, về nguồn cơn đưa gã đến khu chợ, để át đi cái nắng đầu ngày mùa rát bỏng như muốn cháy xuyên qua lớp quần áo khiến mồ hôi tuôn ra nhễ nhại. 
Gã nghe nhiều những lời nói như thế, nhưng có bao giờ thèm để ý đâu. “Bóng” thì sao, cũng là người, cũng có những mưu cầu hạnh phúc riêng, miễn là sống tốt và chẳng đụng chạm đến ai thì sao phải xấu hổ. ấy thế mà miệng đời tanh tưởi, sắc hơn những mũi dao thường ngày người ta lia qua, lia lại trên phiến đá mài để xắt cho nhanh những miếng thịt dày cả đốt ngón tay. Đó cũng là lý do khiến cậu Năm phải buông mình xuống dưới khúc sâu nhất của con sông Chanh chảy về làng Yên Hòa thuở nọ chỉ vì những lời lẽ phán ra từ miệng đời chua chát.
Năm đó gã còn rất nhỏ, nhưng đủ hiểu được sự mất mát của một người thân đau đớn đến thế nào. Ngoại ặt ẹo khóc bên khúc quan tài thiếu đi một tấm gỗ đặt ở phía dưới, người ta bảo người chết trôi sông thì sẽ khuyết tấm gỗ đặt dưới lưng nơi chiếc quan tài, sông đã là giường, nước sông êm hơn miếng đệm mút mùa đông người ta thường đặt lên tấm giường để vẹn nguyên giấc ngủ. Chỉ có điều, ngoại vẫn không thể nghĩ rằng cậu Năm ngốc nghếch đến vậy, chỉ vì một câu nói xúc phạm khiến cậu dại dột nghĩ đến cái chết nơi bến sông bao đời lẳng lặng trôi đi. Để rồi sau bao năm, mỗi lần ngang qua đoạn sông quê ngầu đục ấy, ngoại vẫn ngằn ngặt rơi nước mắt rồi nấn ná chẳng nỡ bước chân đi.
Sau cái chết của cậu Năm, ngoại nằm li bì trong căn buồng thoang thoảng mùi ẩm mốc, từng lớp bồ hóng bám rít trịt trên mái nhà, bốn góc buồng chung quanh hễ cứ gặp gió là đong đưa. 
Thi thoảng lại thấy ngoại mân mê những bức ảnh cũ, chụp lại cảnh cậu Năm lúc cậu đỏm dáng, cài lên tóc nhành hoa dâm bụt đỏ chóe, thướt tha trong tà áo dài đã cũ sờn sau mỗi bận tham gia hội làng. Tay ngoại mân mê còn khóe mi thì rưng rức. ở cái thời của ngoại, những người như cậu chịu nhiều tai tiếng, họ áp đặt lên những thân phận chịu nhiều thiệt thòi ấy những danh xưng bễu cợt, nặng nề của sự kì thị, dè bỉu. Ngoại thương cậu, nhưng ngoại không thể hiểu được đứa con ngoại dứt ruột đẻ ra mong muốn điều gì. Mà thời ấy, miếng cơm còn chưa đủ no, hơi đâu mà người ta quan tâm xem những đứa con của mình muốn gì nữa.
Ngoại mất sau những chông chênh đời mình lênh đênh như đám lục bình trôi sông. Lúc mẹ phát hiện ra, toàn thân ngoại đã cứng đơ trong căn buồng vào một sáng bình thường, trên tay ngoại vẫn ôm ấp tấm hình của cậu Năm, không nỡ buông khỏi đôi tay đã gầy guộc chỉ trơ những khúc xương như thân tre già khẳng khiu, kẽo kẹt trong gió. Ngoại nhắm mắt thanh thản sau một cơn cảm gió đột ngột. Nhưng hình ảnh ngoại ôm khư khư bức hình đó, cứ ám ảnh mẹ hoài cho đến khi đưa ngoại ra bãi tha ma đầu làng. Mẹ bảo ngoại nhắm mắt nhưng trong ngoại còn nhiều trăn trở lắm. Chẳng ai biết được lý do đã mang ngoại đi xa, có thể vì cô đơn hay vì lý do nào đó không ai đoán được.
Gã bỏ Yên Hòa đi khi trận bão lúc nửa đêm vừa kịp lắng xuống, bỏ con sông Chanh bao năm chở đời người dâu bể sau những chuyến đò dọc ngang, bỏ cả tiếng mẹ khản giọng níu bước chân gã ở lại để mẹ có chỗ nương tựa những năm cuối đời ngắn ngủi. Sau lũy tre làng, tiếng bìm bịp à uôm át cả tiếng bước chân của mẹ ngã dúi dụi đâu đó trên con đường đất chòng chành sỏi đá. Gã ngoảnh mặt làm ngơ, quyết đi tìm cho mình một quãng sông để làm của riêng mình, để có thể thỏa sức vùng vẫy trong dòng nước trong trẻo, thỏa sức sống đúng với những thứ thuộc về mình mà không ai có thể dị nghị.
Phố dập dìu những xa hoa, giang đôi tay ẩn chứa đầy hứa hẹn chào đón những kẻ dân quê chân ướt chân ráo. Như những người lạc chân trong giấc mơ đêm đầy mê hoặc, muốn ở mãi trong giấc mơ ấy mà không phải tỉnh lại. Tựa như gã lúc này, đâu đâu cũng hiện lên những khung cảnh đáng sống để rồi cứ thế úp mặt vào những dập duềnh phố thị mà chẳng quan tâm đến những lời cảnh tỉnh của những gã xe ôm, những thím bán hàng nước ngay bến xe, khi thấy gã lang thang một mình ở đó cả ngày trời rồi hỏi tìm một công việc có bao ăn ở.
Ngày đi, gã chỉ kịp trao cho Huệ một chiếc hôn vụng về. Đôi bàn tay gã nắm chặt lấy đôi tay đã hằn lên những sạn chai của cô, nước mắt Huệ không đủ níu kéo gã ở lại bên mình, chỉ có mặt sông ánh lên những hận thù, giận dữ những kẻ bội tình, những kẻ dứt bỏ bao lời hứa hẹn, những phận đời trôi nổi đã từng được sông cưu mang hết lòng. 
Đêm ấy gã đã ngồi ở đó thật lâu, ngay chỗ đoạn người ta tìm thấy đôi guốc mộc mà cậu Năm để lại trước khi gieo mình vào lòng sông thăm thẳm. Sau cơn bão, sông bỗng trắng bệch và tan hoang, những bụi lau sậy ven sông đổ ập về tứ phía, những cánh lục bình sấp ngửa trôi đi như những phận người quê yếu đuối. Gã ngắm mình dưới dòng sông, qua ánh trăng chuếnh choáng như người ngà say bởi những cuộc rượu bù khú để quên đi những tháng ngày. 
Khi người ta tìm thấy xác cậu Năm rồi đưa về, trên người cậu vẫn dịu dàng bằng tà áo tứ thân, môi vẫn đỏ tươi, có cánh hoa vẫn bám chặt trên búi tóc cậu, dù sóng có dùng dằng xô cái dáng người nhỏ thó của cậu ra tận đầu nguồn, nhưng tình sông vẫn còn, neo xác cậu bám vào những bụi cỏ sậy tốt um để cho người ta tìm thấy. Tựa như những bậc làm mẹ cha, dù những đứa con của mình có ương bướng, lì lợm đến nỗi phạm phải những sai lầm, ngoài miệng thì nằng nặc đòi từ con, nhưng trong lòng thì thương yêu vô độ. Sông cũng như vậy, tình sông vẫn còn nên cứ dạt dào đong đầy chẳng bao giờ khô cạn.
*
Ngày mẹ chết, gã đang mê mải trong bốn bức tường để chuộc lại những lỗi lầm nên không thể về chịu tang. Mà lỗi đó đâu phải do gã gây ra, chỉ vì cả nể, chỉ vì những thật thà bao lâu nay vẫn còn tồn tại trong con người gã. Phố thị đầy rẫy cạm bẫy và thị phi, vô tình cuốn những thật thà đổi chác thành man trá. Gã phải đánh đổi cho những tháng năm tù tội ấy, bằng chính cuộc ngã giá chớp nhoáng cho một món hàng mà gã không thể ngờ nó chính là chìa khóa đưa gã đến với bốn bức tường, đưa gã tới với những trận đòn thập tử nhất sinh từ chính bạn tù của mình trong trại giam ấy. Để khi gã nghĩ đến những giọt nước mắt, những cái nắm tay bịn rịn, những dòng chảy êm đềm trong tiềm thức của khúc sông quê, gã thấy ân hận cho quyết định một thời nông nổi.
Nhưng biết làm sao được khi hình bóng cậu vẫn hiện về trong giấc mơ mệt nhoài của gã, gương mặt cậu hiền lành, phúc hậu. Gã nhớ đến những ngày tháng sống cùng mẹ mà không biết cha mình là ai, mỗi bận đi xa lâu ngày trở về, cậu Năm luôn mua cho gã những món quà gã thích, đêm ngủ, cậu hát ru gã bằng những câu hát dân ca ngọt bùi, giọng hát chất chứa những nỗi buồn của người nhiều tâm sự. Giọng hát ấy hay đến nao lòng. Mà nếu như thời ấy phát triển như bây giờ, biết đâu cậu Năm sẽ trở thành quán quân của một cuộc thi hát bolero nào đó, hoặc sẽ trở thành hiện tượng mạng bằng những clip livestream được chia sẻ chóng mặt. Dĩ nhiên trong những bình luận, sẽ có người chỉ trích về một người con trai, nhưng ăn vận như đàn bà, nhưng có gì sai, miễn họ có tài thì ắt sẽ được đón nhận.
Gã nhớ đến lời cậu kể về những mối tình ngang trái, về ước muốn được sống như cuộc đời của một người phụ nữ, có những đứa con, để sau những giờ giấc gồng mình trong vỏ bọc của một gã đàn ông nhưng mang trong mình tâm hồn của một người phụ nữ, cậu sẽ trở về tổ ấm của mình, tháo vỏ bọc cứng ngắc mà cậu dù có cố gắng khoác trên mình thì cử chỉ, hành động vẫn khiến người ta châm chọc khiến cậu bẽ bàng, tủi hổ. Cậu sẽ nuôi những chú chó nhỏ, những chú mèo bị bỏ hoang, sẽ chăm những chậu xương rồng, những chậu lan cho cảnh nhà khỏi cũ mốc đơn độc. Những thứ mà sau ngày cậu mất, cứ thế đua nhau lụi tàn, chỉ trơ lại những gốc cây khô khốc, dù cả ngoại và gã đều cố gắng chăm sóc cho chúng mỗi ngày.
Tám năm sau khi bị kết án vì tội cố ý tàng trữ cái chết trắng, gã ra tù, người đời nhìn gã bằng những ánh mắt dè chừng, xa lánh. Tám năm trong bốn bức tường để nhìn nhận lại những lỗi lầm oan trái, gã nghĩ đến mẹ đầu tiên, nhưng gã không khóc, hệt như lúc quản trại báo tin cho gã biết về sự ra đi bất chợt của bà, gương mặt gã ráo hoảnh, hệt như một kẻ giang hồ máu lạnh không còn chút tình người. Nhưng mấy ai biết được đã bao đêm gã thao thức, chỉ để lấy nước mắt chôn vùi đi những nhớ nhung. Chôn vùi đi hình ảnh người đàn bà giành giật đứa con từ tay người đàn ông năm xưa đòi mang gã đi theo những chuyến tàu trên dòng sông vắng. Chôn vùi mùi hương trên mái tóc của người con gái gã thầm thương trộm nhớ, không biết trong thời gian không gã, Huệ sống ra sao, làm gì, quen ai, đã tìm cho mình một bến đỗ hay vẫn cứ mông lung đợi chờ một người nhẫn tâm như gã trở về.
*
Chợ phố mỗi sáng mỗi đông đúc hơn, tự lúc nào người ta đã thôi khắt khe với một kẻ vào tù ra tội như gã đến bốc vác thuê tại khu chợ đầu mối này. Người ta nghĩ nhiều hơn đến cảnh gã xả mình lao theo chiếc xe wave tàu của mấy thằng giang hồ, cướp giật giữa ban ngày ban mặt chiếc túi xách của mụ thương lái buôn rau mãi tận Hà Giang xuống dưới khu chợ, mụ già có cái mỏ dảnh và cặp môi như hai miếng thịt bò thái vội, đanh đá thô tục nhất cái xóm chợ khiến ai cũng khiếp đảm. Tiếng mụ oang oang như cái chuông báo cháy trong mấy căn chung cư ở khu chợ ấy, chẳng ai dám xáp lại gần, ấy thế mà gã ra tay nghĩa hiệp, “coi bộ người gã õng a, õng ẹo chứ cũng đàn ông ra trò”.
Khu chợ tụ tập ngồi quanh quán nước chè nghe gã kể chuyện, họ thấy gã gần gũi hơn cái bộ dạng bặm trợn xăm trổ những hình thù quái dị. Mỗi hình xăm là một câu chuyện, chỉ duy nhất hình xăm trên bắp tay, về một gương mặt lạ lẫm không rõ gái trai khiến nhiều người đồn đoán thì gã không nói, bởi gã muốn giữ lại cho riêng mình những kỉ niệm để nhớ, để buồn cho một thời gã từng sống chết cho những nông nổi của bản thân.
Gã tìm về Yên Hòa sau những mệt mỏi, bon chen. Những hình xăm đã kín đầy cơ thể, một vài cái tên, một vài hình ảnh đã góp phần chạm trổ vào kí ức sống của gã những giày vò, những hệ lụy, những đau khổ, những nhớ nhung. Từng vết xăm như những kí ức khó phai nhòa, đủ để bất cứ ai chỉ vào bất cứ hình xăm nào, gã đều có thể kể lại một cách rành rọt.
Quãng sông quê vẫn êm đềm như cái tên gọi của làng quê bao bọc xung quanh. Yên bình, hài hòa. Nhưng phải là người sống trong sự bao bọc của sông mới hiểu sông giận thì sẽ thế nào, sông tưởng như hiền hòa, tựa vào sông có thể sống yên bình mà không phải. Sông như những sợi dây vô hình trói buộc những phận người vào sông, sự sống, cái chết phó thác vào sông. Sông sẽ đối đãi tử tế với những con người gắn bó với sông, biết trân trọng sông như chính bản thân mình. Bằng không, sông sẽ cuốn đi tất thảy, sẽ trừng trị những con người phản bội lại những đùm bọc, che chở và cưu mang của sông. Như chính số phận của cậu Năm, người đã nhẫn tâm chối bỏ sông để tìm kiếm cho mình một cuộc sống khác, để rồi phải trả giá bằng những buông bỏ, dập duềnh dưới dòng sông, để kết liễu cho những hoài bão dở dang mà bản thân cậu đã đành lòng đánh đổi.
*
Ngôi nhà thuở nào đã ngủ gục bằng những lãng quên. Những rêu phong, cỏ úa mọc chen chúc lẫn nhau. Những mùa hoa trái rụng lại xác xơ sau những đợi chờ. Sự hờn giận phủ đầy trên mái nhà đã hóa thành cũ xưa, lối đi đã thấp thoáng bởi đám cỏ gai bám víu, cào xước những bàn chân tứa máu. Gã ngập ngừng trước căn nhà đã một thời trở thành hồi ức, nước mắt đã cạn nay khơi nguồn tuôn chảy như những ngày xưa phạm lỗi bị mẹ đánh đòn.
Ban thờ những người thân thích trong gian nhà gần như đã nguội lạnh sau khá nhiều năm, nhưng gần như không gợn chút bụi nào. Gã bước vào trong nhà, hình ảnh ngoại, hình ảnh cậu và mẹ còn vẹn nguyên ở đó, nhìn gã bằng cặp mắt chất chứa những hận thù, những mong chờ và cả những bao dung. Chỉ có đôi mắt cậu Năm vẫn buồn đến đáng sợ, đôi mắt như biết kể chuyện, dù chẳng cần phải nói ra, nhưng đôi mắt ấy đủ để người ta hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện về cuộc đời của cậu, của con người chịu nhiều điều tiếng dè bỉu của miệng đời, chẳng thể giải thích cho bất cứ ai để họ hiểu về bản thân nên phải chọn cách buông bỏ vào sông, với hy vọng nước sông sẽ rửa sạch những oan ức cho phận đời ngang trái.
Gã quỳ rạp xuống dưới ban thờ ngay trước ba bức ảnh thờ. Những giọt nước mắt của sự ăn năn, sám hối, hay của sự van lơn, cầu khẩn cứ thế giàn giụa tuôn rơi. Hay chính là nước mắt cho ngày tương phùng sau những mỏi mệt, bon chen của dòng đời xô đẩy, của những bồng bột tuổi trẻ đổi chác thành những vỡ lẽ muộn mằn? 
Không ai biết được ý nghĩa sâu xa đằng sau những giọt nước mắt ấy là gì, chỉ biết rằng có thể lần trở về này sẽ là lần cuối cùng của gã, hoặc cũng có thể là sự trở về để thay mặt những người quá cố trả nợ cho tấm lòng bao dung của dòng sông Chanh vẫn ngày ngày uốn quanh ngôi làng Yên Hòa thuở nọ.
Gã còn đang mải mê lau chùi ban thờ bằng tấm khăn vải trắng ngần lăn qua gương mặt bằng sự chậm rãi từ tốn, có khi là ngập ngừng thì có tiếng chân người khe khẽ bước vào. Gã xoay người lại, như phản xạ tự nhiên khi thấy bóng nắng xế chiều hắt xuyên qua vòm cây xô bóng người vỡ đổ. Là Huệ, người con gái năm nào gã nhẫn tâm bỏ lại để chạy theo tiếng lòng, theo những bồng bột của bản thân để thực hiện di nguyện năm nào của cậu, là tìm lại người tình ngang trái của đời mình, bằng một căn nhà với đầy những con vật bé nhỏ đáng thương. Nhưng có ngờ đâu, di nguyện ấy vô tình biến gã trở thành con người tù tội, lầm lỗi để rồi phải trở về tạ lỗi cùng sông, cùng những người quá cố mà chưa thể thực hiện được gì.
Huệ bước vào trong nhà, trên tay cô là những cành huệ trắng. Nước mắt của sự chờ đợi trong một ngày tương phùng giàn giụa tan loãng vào nhau. Hai mái đầu cùng đổ về một phía, những ngón tay héo hon gượng gạo tìm nhau thay cho tiếng lòng òa vỡ.
            

S.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 644
 Hôm nay: 5522
 Tổng số truy cập: 9251433
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa