Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Dự thi sáng tác văn học trẻ   /   Bị nhốt - Bùi Việt Phương
Bị nhốt - Bùi Việt Phương

Hiền có cái tật làm gì cũng rào trước đón sau. Mỗi sáng chủ nhật cô đi chợ lại làm chồng mất ngủ đến gần một tiếng đồng hồ trước khi giao lại cái nhiệm vụ đóng cửa cổng. Đáng ra, anh chồng cũng chẳng khó chịu gì với sự mất ngủ ấy nếu không có một sự khác biệt so với mọi hôm: Sáng nay chẳng có ai đến mời anh đi ăn sáng và mào đầu một câu chuyện xin xỏ như mọi khi. Vậy là, nhân thể, Tiến đã có cớ để cáu vợ. Thói quen mà anh vẫn giữ hồi nhỏ để vòi cha mẹ cho kì được căn nhà mặt tiền này. Với nhân viên dưới quyền, nó chuyển thành sự nhớ lâu và trả đũa bằng những chiêu trò... Đang mải úp mặt xuống gối hậm hực, Tiến nghe tiếng khóa cửa lách cách, chạy ra thì bóng chiếc xe của Hiền khuất sau góc phố.
 Cơn gió từ mặt hồ phía sau nhà thổi lên lạnh buốt càng làm Tiến tỉnh táo và lạnh lùng hơn. Nó thổi một bức tranh lụa bay lên méo mó như một miếng vàng mã đang hóa trong lò. Nhưng cái kết của nó thì thật tai quái. Cánh cửa phòng khách đóng sập một cách ma quái, cái chốt cửa - từ thời ông cụ thân sinh làm nhà - đã dở chứng giáng xuống một tiếng lạnh sắc. Tiến bất lực đẩy mạnh cánh cửa gỗ lim thâm đen. Thứ gỗ đã từng được mấy ả nhân viên trong phòng nức lời khen mỗi dịp đến nhà anh biếu quà tết. Bỗng dưng, cứ như là một kịch bản định sẵn cho cái sáng chủ nhật ngáo ngơ này. Lũ trẻ con trong khu phố từ đâu xuất hiện ngay cửa cổng nhà anh. Nếu không kịp nấp vào sau mấy giò phong lan đuôi cáo mà thằng lái xe đã kì công mang từ Điện Biên về (nhưng lại chỉ trực chạy lên chức trưởng phòng hành chính) biếu tặng thì chúng đã nhìn thấy anh rõ mồn một. Có một đứa bảo:
- Nhà này đi vắng hết rồi, chơi được chúng mày à, không sợ bị đuổi nữa.
Lếu láo. Tiến gắt thầm trong cổ họng. Giáo dục đổi mới cập nhật đến vậy mà lại để lũ trẻ quay về gọi nhau mày tao như lũ vô học à. Những giọt sương sớm qua kẽ lá bắt đầu thấm vào da thịt Tiến. Anh đã cố nhưng cũng chỉ kìm được không phát ra thành tiếng rên bất lực với độc chiếc quần đùi trên người. 
Nhưng, chính lũ trẻ lại làm Tiến quên được cái lạnh:
- Nhà bác Tiến chả thấy có em bé chúng mày nhỉ. Chẳng vui tẹo nào.
Ơ, anh phải dán mắt vào kẻ hở của những kẽ lá phong lan như con mãnh thú rình mồi để xem rõ mặt con cái đứa nào trong cái xóm này vừa thốt ra câu ấy. 
- Không phải đâu chúng mày ạ, (suỵt), lại đây tao nói thầm...
Một đứa có cái cằm lưỡi cày tỏ vẻ già dặn và am tường bảo:
 - Cậu tao bảo nhà bác ấy không để em bé ở nhà đâu, vì nhà này có ma đấy sợ ma bắt mất em bé.
- Ai bảo. Đứa bé choắt lên tiếng.
Trong cơ quan, Tiến ghét bố nó nhất vì luôn săm soi từng kiện hàng mà phòng vật tư hay mang về cho anh. Mang tiếng trong xóm, nhưng anh cũng chưa lần nào ngó sang nhà nó. Nhưng hôm nay, đứa con nó lại đang đứng vào vai luật sư bào chữa cho anh: 
- Em thấy bố em bảo chú ấy ăn nhiều thịt lợn rừng nên có lông chân nhiều lắm ý. Mà người nhiều lông chân dễ đẻ em bé nhưng tại cô Hiền đi làm suốt không chịu ở nhà nên chú ấy nhờ một cô cao cao ở ngoại ô đẻ hộ rồi. 
Tiến đã định bật ra khỏi chỗ nấp để giải tán lũ trẻ. Đến nước này thì chẳng còn sự ẩn nấp nào an toàn được nữa. Bí mật tưởng như chôn chặt trong vùng cấm của anh bỗng dưng bị bại lộ. Nhưng kìa, một bà cụ đang đi ngang qua. Phải bình tĩnh một chút, dẫu sao chỉ là miệng lưỡi con nít nói rồi quên. 
- Tao nghe bảo sắp không được chơi ở đây nữa rồi. Hết hè nhà tao chuyển lên tít trên nhà ông ngoại cơ. Lên đấy chán lắm, toàn bọn trẻ con chăn trâu đen xì thôi.
- Tao còn biết trước mày. Thằng bé áo kẻ đầu cắt cua hổn hển nói như một đứa đầy tớ ngốc:
- Khu này sẽ bị đập hết xây chợ nhá. Anh tao cũng làm đấy nhưng anh tao là kĩ sư chỉ vẽ thôi không phải xây đâu. 
Thế là thế nào nhỉ. Cái dự án đấu thầu của công ty anh sao lại không phải là chỗ này. Thằng áo kẻ kia là con một ông trưởng phòng sở tài chính chắc nói không ngoa. Cứ nghĩ đến cảnh anh em họ hàng nhà nó kéo đến bao thầu từ vật liệu, đường nước, mạng điện là Tiến đã thấy dần dật hai bên thái dương. Lão thầy tướng bảo năm nay anh vượng từ sau rằm tháng Tám âm mà là thế này đây... Càng ngày càng thấy lộ mặt lắm đứa lừa đảo. Nhưng mà mụ vợ giờ này sao đi đâu lâu thế không biết. Chả có đồng hồ để biết bao lâu nhưng chỉ riêng cái tội để chồng ra nông nỗi này cũng đủ để mắng cho một trận té tát. 
Bỗng dưng, có một đứa to xác hơn có mặt. Nhìn nó từ đầu đến chân khiến Tiến nhồn nhột bụng dưới. Cái thân hình căng mẩy nấp trong áo phông, quần lửng trẻ con khiến anh ngỡ ngàng như đứng trước một vật thể lạ. Chưa bao giờ, cái thằng đàn ông trong con người anh được ngắm một thiếu nữ mới lớn kĩ đến thế. Ngắm trộm mới thú, cái thú vui bất ngờ ấy khiến anh phút chốc quên béng những bực dọc và thấy mình may mắn. Nhưng con bé thì vẫn hồn nhiên chơi trò đuổi bắt với lũ trẻ như vờ không hay biết bản thân cái thân hình của nó đã đủ làm trò vui mắt cho bao kẻ mà nó phải gọi là chú, là bác rồi. Cái phần lọm khọm, hay ốm vặt trong con người anh biến đâu hết, nhường chỗ cho sự hừng hực và tráng kiện. Chúng lại chơi cái trò mà ngày xưa anh chơi. Có gì lạ nhỉ. Nhưng sao chúng như bị ai thôi miên mà cứ chạy, cứ cười mặc kệ ngoài đầu ngõ là đại lộ inh ỏi còi xe của một chủ nhật nghỉ làm nhường chỗ cho những toan tính riêng tư. Chả đi cùng đường nhưng thằng nào như cũng muốn hằm hè nhau. Đến lạ.

Minh họa: Hải Anh

Bọn trẻ bắt được con bé trong tiếng kêu và thân hình rũ rượi, cười sặc sụa. Nó vui vì bọn kia bắt được nó quá khó hay nó muốn được đụng chạm vào người. Bọn trẻ ngố ở khu phố toàn con cán bộ này và đứa con gái ngờ nghệch chắc ở quê ra bỗng hòa đồng với nhau sướng thật. Lâu lắm rồi Tiến không được nghe cười. Vợ anh tắt cười đã hơn chục năm từ ngày tay bác sĩ khoa sản ném phịch xuống bàn cái giấy xét nghiệm. Họ hàng ở quê ra cười như vớ được vàng khi được anh miễn cưỡng mời rượu thịt. Còn lại chỉ là tiếng cười hềnh hệch của vợ sếp mỗi lần Tiến đến cung phụng. Tiếng bọn nhân viên cười với nhau khi trốn việc đi mua hàng giảm giá.  Tất cả chỉ có thế. Mà tự dưng Tiến bị ép xác vào góc tường này lại hay, như thể đã bị một trận cuồng phong thổi dạt đến chân trời. Tiếp tục lại là những chuyện nhà này, nhà nọ lọt qua kẽ môi tươi mọng, non tơ của lũ trẻ mà trở nên mềm đi, đơn giản đi biết chừng nào. Ôi hàng xóm của anh, đồng nghiệp cùng công ty của anh và biết bao nhiêu gia đình êm ấm mà anh có lúc đã từng thèm khát nữa. Mỗi nhà một chuyện với biết bao sự thật phũ phàng.
- Dê cụ là gì hả anh? 
- Tao không biết, hỏi bố tao, bố tao bảo chưa đến tuổi. Rồi bố tao hằm hằm bỏ vào bếp uống một chén rượu bìm bịp.
- Tao được ăn thịt dê rồi nhé, bố tao đưa tao đi nhà hàng ăn. Nhìn nó có cái sừng kinh lắm, râu dài, trước khi ăn phải buộc lại đánh cho nó vã mồ hôi rồi mổ thịt mới ngon.
- Ơ sao thế thì lại gọi bác Hùng là dê cụ nhỉ? Bác ý làm gì có râu?
- Nghe bảo bác ấy dê với tất cả các cô ở cơ quan. Cô nào bác ấy thích là những hôm mưa to còn lâu mới được về. Hay bác ấy sợ mưa nhỉ.
- Người lớn không sợ mưa đâu. Phét đấy.
- Thật mà, hôm nọ nghe mẹ tao kể cô Hiền đi về muộn là có vấn đề với bác ấy đó. Mà vấn đề tế nhị lắm. Tao thấy cô Hiền hôm ấy cứ thế nào ấy chả giống cô Hiền mọi ngày tẹo nào. 
Tiến sững người suýt nữa đổ gục vào những giò phong lan tiền triệu. Nhưng bản lĩnh của một gã “ăn chả” giúp hắn đủ bình tĩnh để hiểu ra sự thật của một ả “ăn nem”. Ra thế, hôm nay không nhờ cái cảnh mắc kẹt ở đây thì đâu biết bộ mặt thật của cô vợ luôn làm như mình là hiền thục. Mà đúng rồi. Sao đi chợ mà nó đi lâu vậy, lại còn trang điểm nữa. Sao mọi lần mình không nghĩ ra. Nhưng mà suy cho cùng thì mình cũng ngờ được từ cái lần ôm ghì con nhân viên tập sự vào góc tường. Nó cũng là cú đánh úp mà mình đã rờn rợn từ lâu. Luật bù trừ, thằng khác lại lấy của nhà mình đi. Đến giờ thì Tiến mới thật sự có cảm giác như mình đã chết, ép sát người vào bức tường đá ốp lạnh như dưới mồ. Những cơn gió cuối thu thổi lảnh như ngoài nghĩa địa. Chợt có tiếng xe máy quen thuộc. Cái mặt của Hiền hiện ra giả tạo và trơ tráo nhưng lại làm Tiến sợ hãi. Gần đến cổng mà vẫn còn một tay cầm điện thoại buôn chuyện. Tiếng cửa sắt kêu ken két khi nàng mở cổng, anh co rúm lại tựa như đang nằm dưới mồ nghe tiếng ai đang quật mả mình lên. Mà có khi mình vừa bị chôn sống cũng không chừng.
          

 B.V.P


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 74
 Hôm nay: 4406
 Tổng số truy cập: 9241596
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa