Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Đủ nắng hoa sẽ nở
Đủ nắng hoa sẽ nở

Khi nghe tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu tình hình thực hiện Chỉ thị 681 về việc “Phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, Thượng tá Cao Xuân Tĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đồn Biên phòng Quang Chiểu khẳng định chỉ thị 681 đã tạo thêm động lực cho anh em phụ trách và đơn vị lấy đó làm căn cứ để hành động chuẩn chỉnh hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn thôi, còn cán bộ chiến sĩ trên này đã đến với dân, cùng ăn cùng làm với dân từ rất lâu rồi. Có điều, việc này không vội được, mưa dầm thấm lâu, đủ nắng hoa sẽ nở, đủ thấm ắt bà con sẽ thay đổi thôi. Quan trọng phải là cách tiếp cận.
Mường Lát mùa này hay mưa, những cơn mưa trắng trời, đến nhanh và đi cũng nhanh. Sau trận mưa đêm qua, sáng ra con đường dẫn từ đồn Biên phòng Quang Chiểu lên xã Mường Chanh mọi thứ như tươi mới và mướt mát hơn. Trên con Dream cũ mượn được của một đồng chí ở trạm kiểm soát, đại úy Nguyễn Mạnh Quyền, trạm trưởng trạm kiểm soát Biên phòng bản Cang đưa tôi đi thăm bản Na Hin và bản Cang thuộc xã Mường Chanh, huyện Mường Lát. Na Hin đã từng là bản nông thôn mới sớm nhất và duy nhất của xã Mường Chanh, nhưng trận lũ năm 2018 đã cuốn phăng đi bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt của người dân nơi đây. Nghèo khó chưa buông tha nơi này, dấu ấn nông thôn mới còn sót lại có lẽ chỉ là vài đoạn tường rào được sơn vẽ và đoạn đường liên thôn đổ bê tông ngập ngụa bùn đất vì trận mưa đêm qua cuốn theo đất đá trên núi tràn trải ra đường. “Mai nắng ráo lên anh em trạm lại xuống cùng với bà con xúc vét, dọn dẹp. Lâu nay vẫn thế mà anh…”. Quyền phân trần với vẻ ái ngại cho con đường tội nghiệp này.  
Suối Sim con suối dài hơn hai mươi cây số, bước vào mùa khô nước suối không quá gối, chảy men theo các triền núi hiền hòa và nhẹ nhàng như cô thôn nữ trong bộ váy cóm uyển chuyển, thướt tha điệu xòe. Nhưng cũng chính nó đã từng cuốn đi bao mồ hôi, nước mắt của người dân nơi đây mỗi khi nổi cơn thịnh nộ. Và sau mỗi lần “khó ở” của nó là tan hoang ruộng nương, làng bản và cả lòng người. Đi một vòng tham quan một số mô hình đồn Biên phòng Quang Chiểu đang thí điểm, Quyền đưa tôi về thăm trạm kiểm soát biên phòng bản Cang, nơi Đại úy trẻ được phân công làm Trạm trưởng. Nhấm nháp ngụm nước trà dưới bóng cây trước khu nhà làm việc thấp lè tè nhưng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp đậm chất lính, Quyền bảo “Đời sống bà con trên này còn nhiều khó khăn. Vụ lúa vừa rồi anh em trạm xuống giúp bà con thu hoạch, có hộ cả chắc cả lép không nổi ba bì. Ăn còn chả đủ lấy đâu ra mà bán hả anh. Người dân nơi đây bao đời nay đã quen lối sống dựa vào rừng, nhưng bây giờ rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đã bị cấm thì rừng sản xuất dường như chỉ cho họ khỏi “đói” cái cảm giác đi rừng còn thực chất không có gì để tận dụng cho đáng giá ngoài măng và vài con thú thuộc họ gặm nhấm...”. Không chỉ Quang Chiểu mà cả huyện Mường Lát không có xã nào được coi là nhiều ruộng. Ở đây diện tích cấy lúa chia đầu người chưa nổi một sào trung bộ, Quang Chiểu, Mường Chanh thuộc tốp thấp hơn cả mức trung bình của huyện. Quyền bảo “Ở đây vụ nào được mùa đủ lúa ăn là mừng lắm rồi…”. 
Cũng nằm trong tốp các địa phương khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, xã Yên Khương của huyện Lang Chánh, nơi có đồn Biên phòng Yên Khương đóng quân, dù đã có những đổi thay nhưng đời sống bà con nơi đây hãy còn nhiều vất vả. Cuối chiều, sau một ngày nắng mưa đan xen, như chưa thỏa, chưa hết nỗi niềm cơn ngâu tháng bảy âm lịch nên không khí hãy còn ngột ngạt lắm, Đại úy Trịnh Đình Duyên, Đội trưởng đội Vận động quần chúng, đồn Biên phòng Yên Khương đưa chúng tôi đến thăm vài hộ được đảng viên đồn phụ trách ở bản Yên Bình. Khéo khen cho người lựa được cái tên hay và phản ánh đúng chất của bản, Yên Bình là tên mới sau sáp nhập hai bản Khon và Muỗng. Khi chúng tôi xuống bản nắng chiều cũng đã ngang đầu núi, lác đác bên đường vài con trâu, con bò và mấy người phụ nữ vác gùi thong dong về bản, bóng họ đổ dài trên mặt đường, thấp thoáng sau liếp bếp vài ba người phụ nữ tụ hợp nói chuyện, mãi lúc sau Duyên nói tôi mới biết là họ đang luộc măng để bán cho các đầu nậu vào sáng mai, một nồi to đến cả trăm lít cũng chỉ bán được vài chục nghìn. Nhác thấy chúng tôi họ cười tủm tỉm, tôi có cảm giác nụ cười của họ thật nhẹ, như thể họ sợ cười to sẽ làm vỡ mất không gian rất yên bình nơi đây. Mấy đứa trẻ mặt lem nhem và ướt từ đầu đến chân vì nghịch cái ống nước dẫn từ khe về. Tất cả người dân ở đây đều ăn uống sinh hoạt từ nguồn nước khe ấy, thế nên mỗi nhà luôn có một ống nước khe chảy suốt ngày đêm. Chúng cũng chỉ chỉa vòi nước vào nhau chứ không hò hét, lùa nghịch hay cười đùa như lũ trẻ nơi khác thường làm, chắc chúng cũng được người lớn bảo phải giữ gìn không gian yên bình của bản. Theo con đường mòn dẫn đến sát bìa rừng độ chừng gần một cây số, bên cạnh ngã ba đường mòn tuần tra chúng tôi dừng thăm một ngôi nhà sàn đã cũ, màu gỗ của vách và cột đã bạc sờn bởi thời gian và mưa nắng. Sau tiếng gọi thứ ba của đồng chí Duyên, một bà cụ chạc sáu mươi tuổi và ba đứa nhỏ trong nhà đứng sau voóng nhìn ra. Bố mẹ chúng làm công nhân tận ngoài Hải Dương nửa năm nay không về được vì dịch Covid. Ông bà rau cháo nuôi ba đứa cháu nhỏ, “ông ấy đi đặt bẫy rồi, sáng mai mới về” bà nói vọng ra với chúng tôi. “Cháu vào xem ao chút bà nhé?”, chúng tôi di chuyển lại bên hông nhà sàn sau cái gật đầu khe khẽ của bà cụ. Đại úy Trịnh Đình Duyên cho biết đây là hộ ông Hoàng Văn Huyên, là một trong 15 hộ tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và là một trong 152 hộ thuộc diện khó khăn được phân công cho đảng viên của đồn phụ trách. Hộ ông Huyên là một trong những hộ đầu tiên nhận được vịt giống do đồn cấp để tìm hướng phát triển kinh tế thoát nghèo, ba mươi con vịt giống giờ chỉ còn hơn chục con, được cái con nào cũng phổng phao, béo tốt. Vịt này được mua từ nguồn đóng góp của anh em cộng với tiền tiết kiệm được từ hoạt động tăng gia sản xuất của đồn, cũng không được nhiều nên không thể hỗ trợ tất cả các hộ cùng một lúc. Đợt đầu đã hỗ trợ cho ba mươi gia đình, mỗi hộ ba chục con vịt và mười lăm cân thức ăn, từ năm ngoái đến giờ đồn đã hỗ trợ được hai đợt. Tôi tò mò hỏi đại úy Duyên tại sao lại chọn con vịt mà không phải là những thứ khác. Đội trưởng Duyên phân tích kỹ càng lắm nhưng đại ý là sức sống của con vịt khỏe hơn con gà, ít công chăm sóc, thời gian phát triển và tái đàn nhanh, phù hợp với tập quán chăn thả tự nhiên của bà con… Nhưng có một lí do tôi cho là hợp lí hơn cả đó là câu chuyện về kinh phí, vì kinh phí có hạn nên để hỗ trợ lợn, bò, dê là khó và thời gian để mở rộng và tái đàn lâu sợ bà con không đợi được. Ngoài hộ ông Huyên còn hộ anh Vi Văn Quyên, Vi Văn Tươi và nhiều hộ khác trong danh sách được hỗ trợ đợt đầu, số vịt trưởng thành giờ đây đã bị “ngót” đi quá nửa dù rằng bộ đội Biên phòng “ba bám bốn cùng” rất sát đấy nhưng không thể “quán xuyến” hết được. Bởi theo như Đại úy Duyên thì ngoài thay đổi tư duy làm ăn cho bà con các đồng chí đảng viên phụ trách phải thực hiện song song cùng với tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình thay đổi tập tục cũng như động viên khích lệ để khơi dậy được ham muốn thoát nghèo của người dân nơi đây. Duyên bảo anh em đến với bà con trước nhất là bằng cái tình, trò chuyện với họ trên tinh thần chia sẻ và thấu hiểu, người dân ở đây họ không thích cái cảm giác bị ban phát hay bố thí, vậy nên anh em nói đi đôi với làm, miệng nói tay làm, vừa làm vừa giảng giải cho bà con hiểu và làm theo. Mỗi ngày một ít, phải thực sự kiên trì, nhẫn nại, việc này không vội được, muốn nhanh thì phải từ từ, vội là hỏng ngay.
Nếu Yên Khương không còn nhiều đất cho cây thì Quang Chiểu lại bạt ngàn đồi núi. Ở Yên Khương ngoài con vịt, anh em biên phòng đang cho thử nghiệm hơn một héc ta cây vầu, nếu thành công sẽ hỗ trợ bà con cây giống để trồng xen canh với cây keo nhằm tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích vì diện tích rừng sản xuất ở Yên Khương không nhiều. Ngược lại ở Mường Chanh, Quang Chiểu, diện tích đồi núi rất lớn nhưng chưa tìm ra được cây trồng phù hợp, hợp ở đây là hợp cả với chất đất hợp cả với tập quán canh tác của bà con. Khi mà chất đất còn đang làm đau đầu các nhà chuyên môn để trả lời cho câu hỏi “trồng cây gì?” thì bộ đội Biên phòng cũng chủ động đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “nuôi con gì?”. 
Trên này có loại vịt cổ rụt thịt rất ngon, đây là giống vịt bản địa, bán rất được giá tuy nhiên chưa có hộ nào chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mỗi hộ nuôi chỉ trên dưới chục con để phục vụ nhu cầu của gia đình, cả xã cũng chỉ có mươi hộ nuôi theo kiểu thả rông. Để lấy được giống và nhân đàn vịt thuần chủng nghe chừng có vẻ khó và mất nhiều thời gian, sau khi nghe ý kiến tham mưu của các đồng chí đảng viên phụ trách hộ gia đình, Ban Chỉ huy đồn Biên phòng Quang Chiểu đã quyết định mua vịt giống sinh sản, nuôi lớn lên rồi cho lai tạo với vịt cổ rụt bản địa, như vậy sẽ nhanh và hiệu quả hơn. “Hai hộ gia đình mà mình vừa đi thăm là hai hộ khó khăn nhất của bản đấy anh ạ. Thương lắm, nhưng không thể giúp gì hơn được, chỉ có thể cho họ cái cần câu, dạy họ cách câu được cá, ngay từ đầu chỉ huy đồn quán triệt xuống anh em là có thể cầm tay chỉ việc nhưng tuyệt đối không làm thay, có thế mới bền vững được”. Qua cách nói chuyện tôi biết Quyền tâm huyết lắm và cũng gửi gắm nhiều hy vọng vào những mô hình này. Khác với cách làm của Đại úy Nguyễn Mạnh Quyền, Trung tá Nguyễn Văn Lương, Đội Phó Đội Phòng chống ma túy và tội phạm đồn Biên phòng Quang Chiểu lại chọn cách đi khác, với quan điểm tôi cho là hợp lí. Riêng anh cũng được phân công phụ trách 4 hộ ở hai bản khác nhau. Tuy nhiên, anh không cứng nhắc là đem nguồn lực hỗ trợ cho tất cả các gia đình khó khăn mà thực hiện phương án năm mươi, năm mươi. Tức là năm mươi phần trăm là hộ khó khăn và năm mươi phần trăm là hộ biết làm, đã có kinh nghiệm và kiến thức về mô hình mà anh triển khai. Từ thực tiễn hơn ba mươi năm công tác ở hầu khắp các xã khu vực biên giới, nắm bắt được điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, anh tham mưu cho đơn vị xây dựng mô hình nuôi cá ba tầng nước. Anh cho rằng mô hình nuôi cá vừa tận dụng diện tích đất mặt nước của địa phương, đặc biệt là hệ thống ao hồ, sông suối có nguồn nước ra vào rất thuận tiện sẽ rất tốt cho sự sinh trưởng của con cá. Hỗ trợ cho các gia đình có kinh nghiệm về nuôi cá và có sẵn điều kiện về ao hồ sẽ có nhiều cái lợi, đặc biệt sẽ không bị thất thoát quá nhiều về nguồn lực, thứ nữa họ làm tốt sẽ có ngay mô hình cho các hộ khác đến tham quan học tập. Họ sẽ giúp đơn vị và địa phương truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho các hộ khó khăn mới nuôi và các hộ khó khăn được hỗ trợ sau này, từ đó mức độ đảm bảo cho thành công của mô hình sẽ cao hơn và khả năng mở rộng mô hình sẽ chắc chắn hơn. Tuy không nhiều, chỉ hỗ trợ cho mỗi hộ được bảy đến mười cân cá giống nhưng đều đang phát triển tốt. Điều làm tôi băn khoăn trong cách làm của Trung tá Lương là đâu phải hộ gia đình nào cũng có diện tích ao nuôi, và câu chuyện nơi này năm nào cũng bị mưa lũ “hỏi thăm”, đặc biệt nguồn lực về tài chính của các anh không nhiều thì việc mở rộng mô hình theo hướng này có khả thi không? “Ban Chỉ huy đồn và địa phương đã có nhiều cuộc gặp gỡ và trao đổi về vấn đề này. Nếu mô hình thí điểm mang lại hiệu quả thực sự thì sẽ có cách để mở rộng nó…”. Trung tá Lương tự tin khẳng định.
Thực tiễn cho thấy Chỉ thị 681 bao hàm nhiều nội dung, nhiệm vụ chính trị và ý nghĩa xã hội. Cán bộ, chiến sĩ được phân công phụ trách hộ gia đình đã tích cực bám địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình mình được giao phụ trách để từ đó có những hỗ trợ phù hợp hơn, nhất là trong sản xuất phát triển kinh tế hộ. Đồng thời, thông qua việc phụ trách hộ gia đình mỗi đồng chí đảng viên còn có điều kiện để thể hiện được trình độ, năng lực và tính tiên phong, gương mẫu khi lãnh đạo và định hướng cho người dân không chỉ trong đấu tranh bảo vệ an ninh tổ quốc mà còn trong cuộc chiến với đói nghèo. Vì lẽ đó mà ngoài các mô hình vịt giống, cá giống còn có ngô lai, lúa cao sản, luồng, vầu, cỏ voi, cây ăn quả, cây dược liệu… đang được các đồng chí đảng viên cùng gia đình mình phụ trách xây dựng mô hình ở khắp các xã biên giới hai huyện Lang Chánh và Mường Lát.
- Cán bộ, chiến sĩ của đồn cũng trăn trở nhiều, thấy bà con nghèo khó ai chả động lòng, có điều nguồn lực có hạn, đời sống anh em cũng còn nhiều khó khăn. Với lại cũng không thể vội, không thể nhanh trong chuyện này được, để thay đổi đời sống của con người cần phải có thời gian. Cá nhân tôi nghĩ, ngoài ý nghĩa to lớn về mặt chính trị thì Chỉ thị 681 còn có ý nghĩa hết sức nhân văn, cao cả đó là nhân lên tình người, thấy bà con sống trong nghèo khó, đói kém mỗi quân nhân, đảng viên biết động lòng chắc ẩn đi đến quyết định cùng bà con quyết tâm chấm dứt những bữa cơm lá xắn, rau rừng, cá khô, muối trắng. Chỉ dạy và sắn tay làm cùng với bà con, quyết tâm cùng bà con thoát nghèo. Coi đó vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là thử thách đối với bản thân, có như vậy mỗi đảng viên của đồn mới năng động hơn, nhiệt huyết hơn, linh hoạt hơn, bản lĩnh của người lính trước khó khăn sẽ được thể hiện rõ ràng hơn.
Thượng tá Lê Duy Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đồn Biên phòng Yên Khương, người có mối quan tâm đặc biệt với Chỉ thị 681, qua những điều ông trải lòng nhất là những thấp thỏm về chuyện kinh phí, nếu cứ để anh em góp mãi cũng không ổn và khó duy trì dài lâu, nên chăng phải xây dựng một kế hoạch dài hơi cho việc này. Phải có sự vào cuộc của chính quyền các cấp kết hợp với kêu gọi các nguồn xã hội hóa, chung tay của các nhà hảo tâm, làm được như vậy mới có thể triển khai được rộng hơn, sâu hơn, nhanh hơn đến người dân không chỉ ở Yên Khương, Quang Chiểu, Mường Chanh mà tất cả người dân trong vùng biên giới, hải đảo có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, như thế cuộc chiến giảm nghèo mới thắng lợi bền vững được.
Hôm Đại úy Trịnh Đình Duyên, Đội trưởng đội Vận động quần chúng, đồn Biên phòng Yên Khương đưa tôi đi thăm một số hộ được hỗ trợ vịt đợt đầu, có hộ còn hơn chục con, có hộ chỉ còn có vài con nhưng con nào cũng phổng phao và có bộ lông mượt mà. Anh bảo chả mấy nữa mà lứa này đẻ trứng, anh em phụ trách sẽ tư vấn cho “gia đình mình” để dành trứng cho ấp lấy vịt con. Tôi thắc mắc với Duyên:
- Sao cả xóm chả có mấy người ở nhà
- Nay đang mùa măng, người dân họ ra khỏi nhà khi mặt trời chưa thức và về đến nhà lúc trăng đã lên đỉnh đồi, gặp họ khó lắm. 
- Thế rồi ngan vịt, lợn gà, nhà cửa ai chăm nom?
- “Gia đình” của đồng chí nào thì đồng chí ấy chủ động thôi anh.
Tôi tin nhất định những thí điểm mà các đảng viên của đồn đang thực hiện sẽ thu được kết quả đúng với mong đợi.
          

 N.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 122
 Hôm nay: 14800
 Tổng số truy cập: 7187380
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa