Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Lặng thầm nơi tuyến đầu (Bút ký)
Lặng thầm nơi tuyến đầu (Bút ký)

Cán bộ Trung tâm lấy mẫu xét nghiệm Covid tại huyện Nông Cống

- Tốt rồi. Cậu cho anh em tiếp tục triển khai các biện pháp khoanh vùng, thần tốc truy vết, nhanh chóng tách hết F0 ra khỏi cộng đồng…
Cuộc nói chuyện này vừa mới kết thúc thì tiếng chuông điện thoại lại reo lên... Tôi đứng lặng quan sát mà tim cũng hồi hộp theo. Qua những cuộc điện thoại, tôi biết anh đang bận bịu chỉ đạo, hướng dẫn anh em ở các phòng ban nghiệp vụ thần tốc triển khai nhiệm vụ dập dịch ở các điểm dịch mới phát sinh. Những ngày dịch bùng phát tại thị xã Bỉm Sơn như choán hết thời gian và tâm trí của anh… Người mà tôi đang nhắc tới là Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ Lương Ngọc Trương - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa. Sau những chuỗi ngày dày đặc lịch làm việc, lịch họp kín mít, anh mới dành cho tôi một cái hẹn (một cuộc hẹn giữa bao nhiêu bộn bề). Tôi hiểu ở cương vị người quản lý tuyến đầu phòng chống dịch bệnh như anh thì khối lượng và trách nhiệm công việc vô cùng lớn, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ngay từ giây phút đầu tiên, bước chân vào phòng làm việc của anh, tôi đã cảm nhận được không khí làm việc vô cùng khẩn trương, gấp rút. Căn phòng làm việc của giám đốc Trương luôn tấp nập người vào ra… Tất cả đều bận rộn, hối hả trong cuộc chiến giành giật sự sống với kẻ thù vô hình mang tên Corona. 
- Tình hình dịch ở Bỉm Sơn có vẻ căng anh nhỉ?
- Liên tục xuất hiện những ca mắc mới trong cộng đồng, không khác nhiều với Nông Cống, do đó Bỉm Sơn cũng được Ban Chỉ đạo nhận định là phức tạp và nguy hiểm, nếu không kiểm soát được tình hình sớm thì khả năng bùng phát diện rộng là rất cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã cử các đội phản ứng nhanh đến ngay khi nhận được thông báo phối hợp với các lực lượng địa phương lấy mẫu và xét nghiệm, sàng lọc nhanh nhất có thể để bóc F0 và F1 ra khỏi cộng đồng. 
- Mọi thứ đã được kiểm soát chưa anh?
- Về cơ bản những điểm chính đã được khoanh vùng nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phát sinh mới ngoài cộng đồng nên anh em phải tiếp tục bám sát địa bàn, tham mưu, phối hợp với các cấp triển khai quyết liệt hơn các biện pháp phòng chống dịch.

Trong ký ức của giám đốc Lương Ngọc Trương và cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa không thể nào quên được những ngày căng thẳng khi Thanh Hóa xuất hiện ca bệnh đầu tiên. Đó là một chiều 30 tết Nguyên đán (tức ngày 24-1-2020), ngay sau khi nhận được báo cáo của Bệnh viện đa khoa huyện Yên Định về ca bệnh nghi ngờ viêm phổi cấp do virus nCoV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Yên Định triển khai việc cách ly, theo dõi bệnh nhân và chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh. Kíp trực hội chẩn bệnh nhân, triển khai ngay các biện pháp phòng lây lan, tiêu độc khử trùng. Lập danh sách những người đã tiếp xúc với bệnh nhân để có biện pháp cách ly, theo dõi. Qua điều tra xác minh bệnh nhân mới trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) nên giám đốc Trương nhanh chóng chỉ đạo kíp trực của Trung tâm phối hợp lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm của bệnh nhân và gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm phát hiện nCoV ngay trong đêm. Đến ngày 30-1 (tức ngày mùng 6 tết Canh Tý), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo bệnh nhân dương tính với vi rút nCoV. Dù đã có kinh nghiệm “chiến đấu” với nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm, nhưng tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không khỏi lo lắng khi Thanh Hóa xuất hiện ca bệnh đầu tiên liên quan đến vi rút nCoV.
- Khi đấy anh lo lắng điều gì?
- Cũng có một chút. Mọi thứ đều mới, thiếu thông tin, chưa có kinh nghiệm… nhưng vẫn tin là mình làm được, bởi như có người đã từng nói “ở đời không có con đường cùng…”.
Để điều trị thành công ca bệnh dương tính với nCoV, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh phải theo dõi, áp dụng tất cả các kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện, điều trị sớm. Trong đó, cách ly sớm là vấn đề rất quan trọng trong điều trị nCoV và áp dụng phương pháp chăm sóc điều trị tích cực. Các y bác sĩ luôn túc trực, theo dõi tiến trình bệnh của bệnh nhân hàng ngày, hàng giờ cũng như theo dõi các xét nghiệm để điều trị triệu chứng kịp thời. Họ quan tâm, động viên tinh thần bệnh nhân; hướng dẫn bệnh nhân hàng ngày rửa tay sát khuẩn và súc họng, nhất là có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều trái cây tươi và uống sữa để nâng cao sức đề kháng... Nhờ đó, bệnh nhân đã dần có những chuyển biến tốt. Và sau 10 ngày “chiến đấu” với nCoV, ngày 3-2, niềm vui vỡ òa khi bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, và chính thức được xuất viện. Kết quả bước đầu đã nhân lên niềm tin của chính đội ngũ các thầy thuốc, nhân viên y tế trên tuyến đầu. Những nỗ lực của đội ngũ các thầy thuốc, nhân viên y tế của Trung tâm, của Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa đã được Bộ Y tế, và tỉnh đánh giá cao. Nhất là công tác ứng phó, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả khi xuất hiện trường hợp bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 do lây nhiễm từ nơi khác trở về địa phương.
-    Theo anh điều gì tạo nên kỳ tích ấy?
- “… phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới”, tôi nghĩ sức mạnh chúng tôi có được xuất phát từ năng lực và trách nhiệm.
Từ khi xuất hiện dịch đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, giám sát tình hình dịch bệnh, chú trọng ngăn chặn dịch bệnh qua biên giới tại cửa khẩu, bến cảng, sân bay. Chuẩn bị phương án đối phó trong tình huống có dịch xảy ra, đảm bảo không để dịch lan rộng, khống chế dịch tại chỗ, không để xảy ra tử vong do dịch. Trung tâm cũng đã tham mưu kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản, kế hoạch triển khai và đảm bảo công tác hậu cần. Là đơn vị tuyến đầu chống dịch, các cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm luôn xung kích, đi đầu tại các điểm “nóng” của dịch bệnh, thường xuyên đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Từ cửa khẩu biên giới, sân bay, cảng biển, cho đến các khu vực cách ly của tỉnh, khu vực cách ly phòng chống Covid-19 của bệnh viện và cả khu vực cách ly phòng chống Covid-19 tại cộng đồng, không có mặt trận nào vắng bóng những cán bộ, nhân viên của Trung tâm.
- Trước diễn biến dịch bệnh có phần phức tạp, nhất là sự xuất hiện của các ổ dịch nguy hiểm tại Nông Cống, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực…, Trung tâm đã triển khai những biện pháp gì để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh?
- Trung tâm luôn chuẩn bị sẵn các phương án, xây dựng các kịch bản để ứng phó mỗi khi xuất hiện tình huống dịch. Khi có tình huống dịch phức tạp, tôi và ê kíp của mình đều nhanh chóng có mặt để phân tích, đánh giá tình hình, khẩn trương chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, Trung tâm cũng huy động ngay các đội phản ứng nhanh để hỗ trợ công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm nhanh nhất, triệt để nhất để kịp thời kiểm soát tình hình dịch. Nhìn chung, các ổ dịch đã được giám sát dịch tễ, khoanh vùng xử lý, khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng…
Khi nghe tôi hỏi về kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19, thầy thuốc ưu tú Lương Ngọc Trương cởi mở chia sẻ: “Trong cuộc chiến phòng chống Covid-19 từ đầu mùa dịch đến nay, chúng tôi đã đúc rút ra một số kinh nghiệm quan trọng như: Phải phát hiện sớm; Cách ly nhanh; Khoanh vùng hẹp. Và bên cạnh đó, phải tiến hành công tác xét nghiệm diện rộng để truy vết, sàng lọc nhanh, tách F0 ra khỏi cộng đồng càng sớm càng tốt. Đưa những người F1 có nguy cơ cao tiếp xúc gần với F0 đi cách ly tập trung tại khu cách ly của huyện hoặc của tỉnh”. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, những cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn coi trọng tính chủ động và tính nhanh nhạy cũng như tính cấp thiết trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi đang rôm rả thì có sự xuất hiện của một người đàn ông trạc ngoại bốn mươi với dáng người nhanh nhẹn, trẻ trung. Qua lời giới thiệu của giám đốc Trương, tôi được biết đó là bác sĩ Lê Hồng Sơn - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Anh Trương vui vẻ: “Anh Sơn là một trong những cán bộ thường xuyên đi địa bàn, trực tiếp xâm nhập vào các ổ dịch nguy hiểm và phức tạp. Cần gì nhà báo cứ hỏi anh ấy nhé”. Anh Sơn vừa có những ngày vật lộn cùng với các đồng nghiệp tại ổ dịch Bỉm Sơn nguy hiểm. Bác sĩ Lê Hồng Sơn chia sẻ: “Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, không giờ giấc, tôi và anh em trong Trung tâm cũng lập tức đến để tiến hành xác minh, điều tra dịch tễ, hướng dẫn cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm các trường hợp nghi mắc hoặc có nguy cơ cao. Đồng thời phối hợp với địa phương triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng”. 
Anh Sơn kể tôi nghe câu chuyện về những tháng ngày anh cùng với đồng nghiệp trực tiếp “xâm nhập” vào các ổ dịch. Anh nhớ mãi ngày huyện Nông Cống xuất hiện ca bệnh dương tính đầu tiên trong cộng đồng tại xã Tế Nông. Bệnh nhân làm việc ở công ty may Hoàng Sơn. Ngay sau khi ghi nhận ca dương tính trong cộng đồng này, Trung tâm đã cử anh Sơn cùng với các anh em trong đội phản ứng nhanh đến ngay xã Tế Nông vào  chiều ngày hôm đó. Anh Sơn cũng đã đến tận nơi cư trú của bệnh nhân để điều tra dịch tễ học. Đây là một ca bệnh có lịch sử tiếp xúc khá phức tạp, nên bản thân anh Sơn phải trải qua một quá trình điều tra hết sức cẩn thận. Bởi nếu lơ là, chủ quan để lọt một F0 nào đó thì công tác phòng chống dịch sẽ khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, anh và đồng nghiệp đẩy nhanh công tác khoanh vùng, truy vết các trường hợp F1, F2 có liên quan, xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh lây lan. Và họ tiếp tục bám sát địa bàn Nông Cống, trải qua những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng  phòng chống dịch với nhân dân. Hằng ngày, các anh em phải nắm bắt những ca mới xuất hiện trong cộng đồng, để đưa bệnh nhân đi cách ly ngay đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Những mệnh lệnh từ quê hương, truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch nhanh là điều mà anh và các đồng nghiệp luôn ghi nhớ. 
- Anh có sợ bị nhiễm bệnh không?
- Sợ chứ. Nhưng đây là nhiệm vụ phải làm. Với đặc thù công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên chúng tôi phải luôn ý thức được việc tự bảo vệ mình, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của Bộ Y tế như khẩu trang, sát khuẩn, mặc quần áo bảo hộ; vì chỉ cần lơ là, sơ sẩy một chút thì nguy cơ lây bệnh và mang mầm bệnh về cho gia đình là rất lớn. 
Tôi cảm nhận được những hi sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh cán bộ, nhân viên của Trung tâm mặc những bộ quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang kín mít dưới thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, với tâm niệm tất cả vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân luôn là những hình ảnh đẹp, để lại trong lòng mỗi chúng ta nhiều cảm xúc. 
Khi nghe tôi hỏi về những khó khăn, anh giãi bày: “Anh em chúng tôi không nghĩ nhiều đến khó khăn mà chỉ nghĩ đến việc mỗi khi xuất hiện dịch bệnh phải làm sao để đến nhanh nhất, sớm nhất làm mọi thứ ngay khi có thể để đảm bảo công tác phòng chống dịch ở địa phương được tốt nhất”. Làm sao có thể đong đếm hết được những nỗi vất vả, khó khăn, sự hi sinh mà lực lượng tuyến đầu chống dịch đã trải qua. Chỉ có người trong cuộc mới thấm thía hết những buồn vui của nghề và cảm nhận rõ ràng nhất những mệnh lệnh từ trái tim... Khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì những “chiến sỹ áo trắng” vẫn từng ngày, từng giờ kiên cường chiến đấu. Đằng sau sự cứng rắn, kiên cường ấy là cả một bầu trời tâm sự thầm kín, là những phút giây yếu lòng, là những hi sinh thầm lặng. Bởi họ đâu chỉ mang trên đôi vai nhiệm vụ chống dịch! Họ còn có trách nhiệm với gia đình…
- Thanh Hóa địa bàn rộng, phức tạp, số lượng người trở về từ các vùng dịch là rất lớn nên khối lượng công việc hết sức nặng nề. Đặc biệt vào những đợt cao điểm của dịch, cán bộ, nhân viên Trung tâm càng phải nỗ lực nhiều hơn. Chúng tôi đã bố trí lịch làm việc trực 24/24. Cán bộ, nhân viên làm việc không có ngày lễ, ngày nghỉ. Chúng tôi luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng xông pha vào trận chiến chống “giặc Covid” bất kể ngày đêm, nắng cháy hay mưa giông… với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. 
Nghe những chia sẻ chuyện nghề của giám đốc Lương Ngọc Trương tôi càng thêm khâm phục sự hi sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch bệnh. Những cuộc họp đột xuất thông trưa, xuyên đêm; những cuộc điện thoại khẩn cấp triệu tập lực lượng thực hiện nhiệm vụ bất kể ngày đêm diễn ra thường xuyên để kịp thời đáp ứng với những tình huống cấp bách... cũng đã thành quen với giám đốc Trương cũng như các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên Trung tâm. 
Theo lời giới thiệu của anh Trương, tôi đến khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán Hình ảnh - Thăm dò Chức năng để hiểu rõ hơn về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Trung tâm. Có thể nói công tác xét nghiệm đã góp phần rất quan trọng trong chẩn đoán xác định sớm các vụ dịch tại địa phương. Đặc biệt, việc xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time PCR ngay tại trung tâm, là một bước tiến quan trọng trong phát triển kỹ thuật xét nghiệm. 
Những ngày này, cán bộ khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán Hình ảnh - Thăm dò Chức năng vô cùng bận rộn. Họ tất bật, gấp rút thực hiện nhiệm vụ được giao. Trưởng khoa Lê Phụng Đại đón tôi với nụ cười thân thiện. Là người đã có hơn 30 năm công tác trong ngành, trong đó có 17 năm làm công tác xét nghiệm, bác sĩ Đại chia sẻ: “Công tác xét nghiệm có vai trò hết sức quan trọng trong việc chẩn đoán, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 để thực hiện giám sát, cách ly, điều trị kịp thời, giúp có bằng chứng để đề xuất các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả trong từng giai đoạn. Vì thế, cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên trong khoa chúng tôi luôn phải khẩn trương, gấp rút tiến hành làm các xét nghiệm. Vào những đợt cao điểm dịch, số lượng mẫu bệnh phẩm lên đến 4000 - 5000 mẫu/ ngày, khoa phải bố trí cán bộ, nhân viên làm việc 24/24h để có kết quả sớm nhất, đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch”.
Khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì các cán bộ, nhân viên làm công tác xét nghiệm vẫn vô cùng vất vả. Họ luôn tâm niệm: “Việc lấy mẫu xét nghiệm có ý nghĩa quyết định đến công tác chỉ đạo chống dịch, dù phải tăng ca, tăng kíp, không kịp ăn, không có thời gian ngả lưng, chúng tôi vẫn tranh thủ từng giây, từng phút để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhất”. Không chỉ hỗ trợ đồng nghiệp tuyến dưới trong việc lấy bệnh phẩm, các cán bộ khoa luôn trong tâm thế sẵn sàng xông pha “trận chiến”. Chỉ cần có chỉ đạo lấy mẫu trường hợp nghi mắc Covid-19 là không quản ngày đêm, mưa gió, họ lại lên đường làm nhiệm vụ. Những ngày tháng chống dịch Covid-19 có lẽ là những ngày tháng không thể nào quên đối với họ. Những đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cả ngày mang trên mình bộ đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang kín mít, bí bách giữa cái nắng oi ả nhưng nghĩ đến sự nguy hiểm của dịch bệnh, chỉ chậm trễ một chút thôi sẽ không kịp truy vết, bóc tách ca dương tính khỏi cộng đồng khiến họ chỉ biết nỗ lực, cùng động viên nhau vượt qua và tiếp tục làm việc. 
Những cán bộ, nhân viên làm công tác xét nghiệm của Trung tâm đã quá quen với việc dành thời gian làm việc ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Họ không có ngày lễ, ngày nghỉ, làm việc xuyên đêm thấu sáng… Hầu hết cán bộ ở đây là chị em phụ nữ nên khó khăn mà họ gặp phải vô cùng lớn, công việc đòi hỏi họ luôn phải cố gắng, nỗ lực gấp hai, ba lần nam giới. Tiếp xúc với các cán bộ trong khoa, tôi thực sự ấn tượng với chị Phạm Thị Thảo, người phụ nữ đã gần 40 tuổi. Chị đã có gần 15 năm gắn bó với công tác xét nghiệm, cụ thể là phụ trách phòng sinh học phân tử. Từ khi xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2, chị đã góp phần nhỏ cùng với tập thể Trung tâm tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Thời gian đầu tiến hành làm mẫu nghi nhiễm SARS-CoV-2, bản thân chị đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đó là một loại bệnh mới, kĩ thuật hoàn toàn mới nên chị phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tìm ra những cách làm tốt nhất để cho ra kết quả chính xác nhất và nhanh nhất. Dù không là người trực tiếp đến các ổ dịch để lấy mẫu bệnh phẩm như những cán bộ khác nhưng chị lại trực tiếp làm trong phòng Labo, một môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi phải thường xuyên tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm. Và tôi biết, những cán bộ nơi tuyến đầu chống dịch như chị, thậm chí bị những người trong họ hàng, hàng xóm e ngại, xa lánh vì sợ bị lây nhiễm bệnh. Nhưng họ đã cố gắng vượt qua tất cả. Với họ, sự cảm thông, chia sẻ từ những người thương yêu trong gia đình, chính là hậu phương vững chắc nhất để họ có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Với chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp, chị Thảo tâm sự: “Có đợt cao điểm dịch, chúng tôi phải tiếp nhận làm số lượng mẫu lên đến hơn 4000 mẫu/ ngày. Để đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương, chúng tôi phải chạy đua từng giây, từng phút, gấp rút cho ra kết quả sớm nhất. Có những hôm làm đến 9 giờ tối mới tạm nghỉ để đi ra ngoài ăn tối nhưng các quán ăn chẳng còn gì để mua, ba, bốn chị em đành phải quay về chung nhau ăn một gói mì tôm. Rồi tất cả lại khẩn trương quay vào phòng làm xét nghiệm các mẫu khác. Có những ngày chúng tôi làm việc đến hơn 12 giờ đêm. Xong việc, chúng tôi bước ra khỏi phòng và mới chợp mắt được một lúc thì tầm 1, 2 giờ sáng lại nhận được số lượng mẫu bệnh phẩm mới. Mặc dù toàn thân rã rời, cơn buồn ngủ ập đến, nhưng vì nghĩ đến sự cấp thiết của công tác phòng chống dịch nên chị em chúng tôi lại tức tốc vào phòng Labo làm xét nghiệm”. Những tâm sự sâu kín tự đáy lòng của chị Thảo khiến tôi chợt nhớ đến những câu hát: “Vì bình yên cuộc sống, tạm gác hạnh phúc riêng mình/ Những bữa cơm vội vàng thương em/ Lặng nhìn em “thiên thần áo trắng” vẫn hiên ngang, kiên cường trước hiểm nguy”. Để hoàn thành nhiệm vụ, những cán bộ làm công tác xét nghiệm như chị Thảo phải trải qua những tháng ngày khắc nghiệt nhất của cuộc đời, quên đi sức khỏe của chính bản thân mình. Đó là những ngày làm việc xuyên ngày trắng đêm, ăn không đúng bữa, ngủ tính từng giây, toàn cơ thể rã rời và bí bách trong bộ đồ bảo hộ, da sạm đi, mắt thâm quầng, tóc xơ,… Mọi thứ phải gác lại phía sau, kể cả gia đình và những người yêu thương nhất. Tất cả những nỗi niềm ấy được họ gói ghém và giấu kín trong tim, để tiếp tục kiên cường đứng vững trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Trời đã sẩm tối nhưng bên trong căn phòng làm việc của giám đốc Lương Ngọc Trương vẫn còn sáng đèn. Tôi bước vào phòng định chào anh để về. Anh vẫn đang cặm cụi làm việc. Thấy tôi, anh hồ hởi: “Nhà báo đã xong việc rồi chứ? Còn điều gì chưa rõ nhà báo cứ hỏi”. Sự thân thiện, nhiệt tình, cởi mở của một người quản lý tuyến đầu phòng chống dịch bệnh khiến tôi càng thêm cảm phục và yêu quý anh. Xong công việc tôi có thể trở về nhà sum vầy bên mâm cơm ấm cúng cùng những người thân yêu trong gia đình mình. Nhưng tôi biết bên trong các căn phòng làm việc vẫn sáng đèn của Trung tâm, những cán bộ, nhân viên vẫn đang căng mình chạy đua với thời gian để hoàn thành công việc sớm nhất. Thêm niềm vui cho cộng đồng là thêm những đêm thức trắng, những bữa ăn vội vàng, và những giấc ngủ tranh thủ. Bất kể đêm hay ngày, dù nắng cháy hay mưa giông, thời gian cao điểm dịch hay không bùng phát dịch…, những cán bộ, nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Và trong cuộc chiến chống Covid-19 chưa có hồi kết đầy cam go kia, họ vẫn tiếp tục cống hiến như những ngọn nến cháy hết mình để thắp sáng cho màn đêm, ngăn dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng, đem lại bình yên cho nhân dân. Nghĩ về họ, tôi chợt nhớ tới những câu thơ của một người thầy thuốc cũng đang trên tuyến đầu chống dịch, GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Nam: “Sao yêu quá những chiến binh thầm lặng/ Từng phút từng giờ giữa sống chết bủa vây/ Mang lại màu xanh hạnh phúc sum vầy/ Cho Tổ quốc bình yên một ngày không xa nữa”.
      

 Thanh Hóa, tháng 10-2021
                 Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 130
 Hôm nay: 8017
 Tổng số truy cập: 7394222
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa