Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Hành trình khát vọng - Bút ký
Hành trình khát vọng - Bút ký

Năm 1988, kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Tam đang làm Phó trưởng ty Nông nghiệp Thanh Hóa được điều động làm Giám đốc nhà máy đường Lam Sơn, giữa lúc nhà máy đang đứng trên bờ vực phá sản, chuyên gia nước bạn bỏ về, vốn liếng của nhà máy hầu như không có, đã vậy đến vụ sản xuất thì nguyên liệu chỉ đáp ứng được 10% công suất, nên có tin đồn rằng ông bị “đẩy đi”... Nhưng với ông Tam, sự ra đi ấy được ông coi là cơ hội để mở đầu cho một cuộc hành trình đầy khát vọng mà ông đã ấp ủ từ lâu, khát vọng cải tạo bằng được vùng đất sỏi đá vùng trung du và miền núi phía Tây Thanh Hóa thành một vùng mía xanh tốt, mang lại ấm no, hạnh phúc cho hàng chục vạn cư dân ở đây.

Dưa vàng, sản phẩm của Trung tâm.sản xuất công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng của công ty mía đường Lam Sơn                                                                                                Ảnh: Trương Bá Vinh

Vốn là kỹ sư ngành nông nghiệp, ông Lê Văn Tam thấu hiểu cảnh vất vả, nhọc nhằn của người nông dân ở vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” của trung du và miền núi Thanh Hóa. Ông càng xót xa hơn bởi hàng chục triệu đô la nhà nước đầu tư xây dựng nhà máy ép mía công suất 1.500 tấn/ngày, hiện nay vẫn đắp chiếu nằm đó vì thiếu nguyên liệu. 
Bây giờ, khi đã trải qua gần 35 năm làm “thuyền trưởng” ngành mía đường trên vùng đất Lam Sơn, người được cả vùng trung du và miền núi phía Tây Thanh Hóa gọi bằng cái tên thân mật, “ông Tam”, được hỏi về những ngày đầu lên đây, “Đại lão Doanh nhân” liền chắp hai lòng bàn tay vào nhau, đặt trước ngực, lầm rầm khấn vái trời đất, thần linh, rồi mới nói:
- Tôi cũng không hình dung được, việc đầu tiên trong hành trình của mình lên vùng mía đường xứ Thanh, không phải là lo cho cây mía mà là lo lương thực chống đói cho dân vùng mía, đúng như cha ông ta ngày xưa từng nói “có thực mới vực được đạo”.
Rồi ông cho biết, vào thời điểm những năm cuối của thập kỷ 80, thế kỷ XX, cả nước đang rơi vào nạn thiếu lương thực. Để vận động bà con nông dân phá ngô, sắn trồng mía cho nhà máy là vô cùng khó khăn. Biết được điều ấy, vị “tân giám đốc” bàn với lãnh đạo nhà máy ra Bộ Nông nghiệp xin chỉ tiêu, rồi chính ông trực tiếp đi vay tiền ngân hàng, cử người vào miền Nam mua gạo về cho nông dân vay và trừ dần vào tiền bán mía khi thu hoạch. 
Ngoài việc đổi gạo lấy mía, ông Tam còn cùng cán bộ, công nhân kỹ thuật của nhà máy xuống từng làng bản, thực hiện “ba cùng’’ với nông dân. Đồng thời ông ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng mía, các chính sách đó được phổ biến rộng rãi đến từng hộ dân.
Sự tận tình chăm lo đến miếng ăn, cái mặc của ông Tam và cán bộ nhà máy đã được người dân vùng mía ghi nhận. Họ bắt tay vào trồng mía nguyên liệu cho nhà máy của ông Tam với hy vọng thoát ra khỏi cảnh nghèo đói quanh năm không biết đã ngự trị bao đời nay trên mảnh đất này. 
Để tăng cường niềm tin của người trồng mía với nhà máy, ông Tam đã sáng tạo ra mô hình kết nghĩa Công - Nông. Ông cho soạn thảo nội dung kết nghĩa với những điều khoản có lợi cho người trồng mía, rồi cùng ban lãnh đạo nhà máy đến từng địa phương vận động nông dân “kết nghĩa” với nhà máy để hai bên gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với nhau hơn.
Nhờ có mô hình kết nghĩa Công - Nông này, trong lúc nhiều nhà máy đường trên cả nước đang phải khốn đốn về mía nguyên liệu, thì trên khắp các nẻo đường nối về nhà máy do ông Tam làm giám đốc, vẫn ùn ùn những đoàn xe ô tô mía được xếp cao chất ngất chạy suốt ngày đêm. Cây mía đã trở thành cây chủ lực mang lại sự giàu có cho hơn 30 vạn hộ nông dân với gần một triệu lao động ở vùng Trung du và miền núi phía Tây Thanh Hóa. Do nhu cầu mở rộng diện tích, bà con nông dân trồng mía đã cải tạo 10 nghìn ha đất trống, đồi trọc, 6 nghìn ha vườn tạp thành vùng đất trồng mía. Mía vươn đến đâu đường giao thông mở rộng đến đó, về tận các làng bản. Cùng với giao thông, điện thắp sáng, trường học cao tầng, trạm xá, thị trấn, thị tứ, các ngành dịch vụ cũng phát triển theo. Bộ mặt nông thôn vùng mía phía Tây Thanh Hóa đổi thay từng ngày. Cuộc sống của người nông dân từ khi kết nghĩa với nhà máy đường của ông Tam không chỉ thoát cảnh nghèo đói mà đang vươn lên làm giàu.
Những việc làm của ông Tam và nhà máy đường Lam Sơn đã gieo vào lòng người nông dân trồng mía niềm tin vào công cuộc đổi mới của Đảng và nhà nước. Họ tin vào ông Tam đến mức, mỗi vụ thu hoạch mía, buổi sáng thức dậy, nhìn về nhà máy, thấy khói của lò luyện đường vẫn tỏa ra nghi ngút, mang theo mùi thơm ngậy ngậy của nước mật mía đang sôi ùng ục trong lò, là họ vững tin vào sự đổi đời do ông Tam và nhà máy mang lại. Ngày đó “mía ông Tam”, “đường ông Tam” đã trở thành câu nói cửa miệng của người dân tỉnh Thanh. Ông Tam còn là cách gọi gần gũi, thân thiết pha lẫn biết ơn của cư dân vùng mía với người “Thuyền trưởng” đã cùng với họ lăn lộn trên vùng đất “cày lên sỏi đá” như một “Lão nông chi điền”, để cải tạo nó thành vùng mía xanh tốt bạt ngàn hôm nay. 
Có lần trong câu chuyện với cánh văn nghệ sỹ, ông Tam nửa đùa nửa thật: “Nghề trồng mía, làm đường của chúng tôi là một nghề ăn may. Khi mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi, thì cho cây mía bội thu, còn khi nào trời đất có thiên tai hạn hán triền miên thì hãy coi chừng, nguy cơ phá sản dễ như chơi”.
Nhiều người, trong cánh văn nghệ sỹ chúng tôi đã từng đến vùng nguyên liệu mía Lam Sơn từ thời còn bao cấp nên thấm thía nỗi nhọc nhằn của của kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Tam và những cộng sự của ông đối với cây mía ở đây. Chúng tôi cũng thấu hiểu, vì cây mía ông Tam không hề ngần ngại việc gì, kể cả việc xắn quần lội vào ruộng mía cao lút đầu người để tận mắt nhìn thấy cây mía đang sinh trưởng thế nào. Nhiều lần ông tâm sự: “Chăm cây mía như chăm đứa con, phải biết nó sài đẹn thế nào để chữa trị mới khỏe mạnh được”.
Khi cây mía đã phủ xanh vùng Trung du và miền núi phía Tây xứ Thanh, ông Tam lại dồn sức cho công cuộc đổi mới doanh nghiệp. Ông là người đi tiên phong trong việc liên kết hợp tác với các nhà khoa học, các trường đại học có uy tín để đưa công nghệ cao vào sản xuất mía đường, hình thành mối quan hệ Công - Nông - Trí thức, một mô hình hợp tác kinh tế xuất hiện đầu tiên ở nước ta, được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Chính dựa vào mô hình này ông Tam đã đưa công ty cổ phần mía đường Lam Sơn mang tên Lasuco không ngừng phát triển. Hiện nay Lasuco có 2 nhà máy đường với tổng công suất 7.000 tấn mía/ngày trở thành một trong 10 công ty nổi tiếng trong nước được Hội đồng giải thưởng Quốc gia bình chọn và tặng giải thưởng mang tên “Quả cầu vàng Việt Nam”.
Khi trên thị trường, đường mía gần như bão hòa, ông Tam lại là người đi tiên phong trên hành trình chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho công ty mía đường Lam Sơn. Năm 2015 Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn Sao Vàng ra đời. Nơi đây ông Tam đã đầu tư 200 tỷ đồng để quy hoạch thiết kế lô thửa, san ủi đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, mương tiêu thoát nước, cải tạo hồ sinh thái, xây dựng khu nhà kính, nhà lưới bài bản để trồng nhiều loại cây mới như hoa lan, dưa Kim Hoàng Hậu, cam không hạt. Mới đi vào hoạt động từ năm 2015, nhưng trung tâm đã có những thành tựu quan trọng, tạo dựng được thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sức lan tỏa đến nông dân các vùng miền trong tỉnh. Lúc này sản phẩm của công ty không chỉ có “đường ông Tam” mà còn có “dưa vàng ông Tam”, “cam không hạt ông Tam”, “hoa lan ông Tam”…
Trong khuôn viên của trung tâm, ông Tam cho xây dựng tòa nhà chuyên để nuôi cấy mô công nghiệp, rộng 2,500 mét vuông, đầu tư thiết bị các phòng phân tích đất, bảo vệ thực vật, nuôi cấy vi sinh và quản lý bệnh bằng sinh học phân tử. Bên cạnh đó, ông còn hợp tác với các viện nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài nước để đào tạo và tiếp nhận công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thuê chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nhân giống, nuôi cấy mô, phân tích hóa sinh và quản lý sản xuất rau, hoa quả trong nhà kính, nhà lưới về trung tâm để điều hành sản xuất. 
Từ những nỗ lực trên, bước đầu trung tâm đã sản xuất được trên 1 triệu cây mía sạch bệnh, cung cấp 20 - 25 nghìn tấn giống mía tốt, đủ trồng mới 3.000 ha mía nhiên liệu. Đối với cam giống và cam thương mại ông đã xây dựng được hệ thống sản xuất giống cam không hạt, sạch bệnh và trực tiếp tổ chức nhân giống được 12 nghìn cây giống chất lượng cao. Theo đó là việc sản xuất các loại rau quả cao cấp, rau an toàn chất lượng cao trong hệ thống nhà lưới, nhà kính với 300 tấn sản phẩm dưa vàng, ớt ngọt một năm được thị trường chấp nhận và đánh giá cao...
Không dừng lại với thành công trong ngành mía đường, ông Tam còn mở rộng đầu tư của Lasuco sang lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, phát triển tối đa giá trị của nông sản trên mảnh đất Lam Sơn với nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe cộng đồng.
Những năm gần đây, ông đã đầu tư gần 600 tỷ đồng xây dựng 3 nhà máy là Nhà máy Nước dinh dưỡng tế bào mía (Thương hiệu Mijita), Nhà máy Sữa gạo lứt giàu Protein (Thương hiệu Otaji) và trung tâm chế biến nông sản lúa gạo Tâm Phú Hưng tại huyện Thiệu Hóa công suất giai đoạn 1 là 30 nghìn tấn/năm, điều có ý nghĩa nữa là các nhà máy trên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa chọn làm công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Giờ đây các sản phẩm đồ uống của Lasuco đã có mặt trên khắp mọi miền của cả nước.
Ngoài việc điều hành một doanh nghiệp lớn như công ty Mía đường Lam Sơn, ông Lê Văn Tam còn coi việc được cử lên làm Giám đốc nhà máy đường Lam Sơn, nơi Đức vua Lê Thái Tổ làm nên nghiệp lớn, là một cơ hội để ông tri ân các bậc tiền bối. Hơn 30 năm lăn lộn với vùng đất này, ông đã phát triển vùng mía theo dấu chân của nghĩa quân Lam Sơn năm xưa, chạy suốt từ Lam Kinh qua Ngọc Lặc, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh đến tận đỉnh Pù Rinh, đỉnh cao nhất ở miền Tây Thanh Hóa, nơi Lê Lợi hai lần ém quân khi bị giặc Minh vây ráp. Mía vươn đến đâu đời sống người dân trồng mía được cải thiện đến đó. Âu cũng là một cách tri ân với đồng bào ở những vùng đất năm xưa đã che chở cho nghĩa quân Lam Sơn mỗi khi lâm nạn.
Ông Tam cũng là người đề xướng và cùng với công ty mía đường Lam Sơn cung tiến xây dựng những di tích lịch sử trên vùng mía Thanh Hóa với số tiền từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Đó là việc tài trợ làm con đường dài hơn một cây số từ quốc lộ 45 vào khu lăng mộ để kịp nghênh rước thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại quê nhà; việc tài trợ toàn bộ công trình xây dựng Ngọ Môn đồ sộ bằng gỗ lim trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh; việc đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng đền thờ và lăng mộ Quốc mẫu Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, một công trình bằng đá xứ Thanh được trạm khắc hoa văn, rồng phượng theo nguyên mẫu kiến trúc thời Hậu Lê; và tượng đài Bình Định Vương Lê Lợi, đứng sừng sững trên đỉnh núi cao, sau lưng là dòng sông Mã (xưa gọi là sông Lương) nước chảy cuồn cuộn quanh năm, mặt tượng nhìn về núi Chẩu như đang chào đón những hiền tài về với nghĩa quân Lam Sơn năm xưa. Từ đường Hồ Chí Minh nhìn lên như thấy Bình Định Vương Lê Lợi từ trong nguồn bước ra, lồng lộng giữa trời cao. Cả hai công trình này đều nằm trong khuôn viên của “Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam”, một trong những dự án đi tiên phong trong việc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh của công ty mía đường Lam Sơn.
Bên cạnh đó, ông cũng đã xây dựng được đề án: “Tái cơ cấu sản xuất vùng mía đường Lam Sơn theo hướng công nghệ cao và phát triển bền vững, gắn với xây dựng vùng nông nghiệp tập trung đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030” trên nền tảng xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông, công nghiệp bền vững; Xây dựng một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, có hàm lượng công nghệ cao mang thương hiệu xứ Thanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân trong vùng.
Hiện nay Công ty có 21 đơn vị thành viên, có đội ngũ cán bộ, công nhân được đào tạo chuyên nghiệp chính quy với trên 200 kỹ sư, cử nhân các ngành nghề, 9 thạc sỹ và trên 1.000 công nhân kỹ thuật đáp ứng mọi yêu cầu sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Hiện nay công ty Mía đường Lam Sơn đang sở hữu vùng mía với diện tích 13.500 ha, trên phạm vi của 10 huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, hàng năm cung cấp 800-900 nghìn tấn mía nguyên liệu, giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Công ty đang cùng nông dân vùng mía không chỉ làm giàu mà còn chung sức xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, ông Tam luôn vận động cán bộ, công nhân, viên chức trong công ty tham gia các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương, như xây dựng 18 trường học 2 tầng, 12 trạm điện cho các xã khó khăn, làm mới, nâng cấp 186 km đường giao thông nội vùng, phụng dưỡng 100 bà mẹ Việt Nam anh hùng và gần 500 gia đình liệt sỹ, thương binh, xây dựng gần 600 ngôi nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ Khuyến học mía đường Lam Sơn, quỹ này đã trao học bổng cho trên 14.800 học sinh là con em người trồng mía học giỏi.
Với những thành công mang đậm dấu ấn của một người mở đường, sáng tạo, ông Lê Văn Tam được Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. 
Đến nay, dù tuổi đã ngoài 80, nhưng sức nghĩ và sức làm việc của ông vẫn khiến nhiều người phải kính nể. Hình ảnh một Đại lão doanh nhân tóc bạc, mắt sáng và năng động, với phong cách xử lý công việc nhanh gọn, thấu đáo và quyết liệt, với khát vọng làm nông nghiệp công nghệ cao, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc bền vững cho người nông dân trên vùng đất Lam Sơn, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam là hình ảnh kiểu mẫu của người cộng sản chân chính, hết lòng vì Đảng, vì dân trên quê hương Thanh Hóa anh hùng.
 

 Thanh Hóa, tháng 12 năm 2021
           L.X.G


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 132
 Hôm nay: 7792
 Tổng số truy cập: 7393997
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa