Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Trò chuyện cùng “Thủ lĩnh” kiểu mẫu (Ghi chép)
Trò chuyện cùng “Thủ lĩnh” kiểu mẫu (Ghi chép)

- Thị trấn rộng nhỉ, đi mãi chưa hết.
- Mình sang địa phận Ngọc Phụng cả nửa cây số rồi anh. Đi thêm chút nữa là đến thôn Xuân Lập.
- Vậy à. Mình cứ tưởng vẫn đang ở trung tâm thị trấn.
Đồng chí Lê Đình Quyền, một chuyên viên mẫn cán của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thường Xuân đi cùng với đoàn chúng tôi đang vào mạch, thao thao giới thiệu về Ngọc Phụng, về Xuân Lập... tôi không để tâm lắm vì mãi ngắm bên đường qua cửa kính ô tô. Ngọc Phụng hôm nay đẹp, gọn gàng, vừa sang vừa sáng như phố huyện vậy. Tôi đã nghe đến Ngọc Phụng, biết đến Xuân Lập từ lâu, nấn ná mấy lần tính lên thăm để kiểm chứng xem thông tin báo đài truyền thông bao lâu nay nói có “chuẩn” không, nhưng mãi đến nay mới có dịp tới được và khi tận mắt thấy thì phải thừa nhận là “không phải chỉnh”. Bảy mươi lăm năm trước, trong lần đầu Bác Hồ về thăm xứ Thanh, khi nói chuyện với quân và dân Thanh Hóa, Người đã căn dặn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu…”. Nghe, thấy, trải nghiệm và cảm nhận từ chuyến đi tôi nghĩ nhân dân Xuân Lập đã có thể báo công với Bác một cách đầy tự hào và hãnh diện về thành quả kiểu mẫu ngày hôm nay có được sau bảy năm quyết tâm làm theo lời Bác.

Trang trại trồng bưởi diễn áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp cao             Ảnh: Liên Nam


Trong khuôn viên nhà văn hóa thôn, một không khí khá ồn ào khác lạ, ít nhất lạ với một người mới như tôi, còn với các khổ chủ chắc đã thành quen. Hăng say nói, hăng say viết và tranh luận cực kỳ sôi nổi, nhiệt tình. 
- Trưởng thôn đang trong nhà, anh chị cứ vào làm việc, ngoài này mọi người đang rà soát đối tượng tiêm vét vắc xin - Hình như đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã có ý giải thích với chúng tôi về sự ồn ào.
Gần chục người vẫn đang hăng say: các cụ tám chín mươi tuổi ngồi nhà có tiếp xúc với ai đâu mà tiêm/ các cụ không tiếp xúc nhưng con cháu họ tiếp xúc, các cụ không tiêm không được bảo vệ, nhiễm bệnh vô tình lại thành vật chủ truyền bệnh/ con cháu họ tiêm đầy đủ rồi làm sao mà nhiễm bệnh được/ thấy các tỉnh phía Nam chưa, tiêm đủ mà vẫn mắc như thường đấy… câu chuyện tưởng như không có hồi kết.
Trưởng thôn Nguyễn Thế Huy là người có thâm niên làm Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn mười ba năm, chắc chắn sẽ là người hiểu, biết và nằm lòng những đổi thay, được, mất, hay, dở, điểm tích cực và hạn chế của Xuân Lập từ lúc trước, trong và sau khi thôn này được công nhận là kiểu mẫu, đúng người tôi cần tìm. Nhưng…
- Xuân Lập là một… thôn chúng tôi đã…
Rất thuộc bài. Tôi hiểu ngay ra vấn đề. Ông đã tiếp xúc và làm việc với quá nhiều cánh báo chí, truyền thông cũng như thuyết trình giới thiệu mỗi khi đón tiếp các địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm nên đến tôi ông cũng “nói theo bài”.
- Xuân Lập có gì đặc biệt mà lại được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vậy anh? 
Tôi hí hửng trong bụng vì nghĩ mình làm khó được ông trưởng thôn và tưởng như câu hỏi của mình không có đáp án trong “văn mẫu”. Nhưng không, anh vẫn rất rành rọt, xong không phải là bài soạn sẵn mà câu chuyện của anh hoàn toàn lẫy ra từ những trải nghiệm của một người cán bộ thôn có thâm niên. Dân chủ, đoàn kết, không cục bộ, tự giác, trách nhiệm và có sẵn đôi chút về tiềm lực kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng. Anh bắt đầu rất ngắn gọn, chất giọng chắc nịch như thêm sức nặng về độ tin cậy cho câu nói. “Anh cứ để ý mà xem, ở đâu cũng thế, không đoàn kết, chia bè kết phái, so bì hơn thiệt là không làm được cái gì đâu”. 
Thôn Xuân Lập của xã Ngọc Phụng là một thôn miền núi, thuộc vùng khó khăn, chưa nói làm nông thôn kiểu mẫu, làm nông thôn mới thôi cũng đủ mướt mồ hôi, ấy thế mà họ chỉ mất bốn năm để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới và hai năm để hoàn thành 14 tiêu chí thôn kiểu mẫu, họ thực sự là những kiểu mẫu trứ danh. Mười ba tổ dân cư, mỗi tổ tự bầu ra một ông tổ trưởng, có trách nhiệm triển khai chủ trương, định hướng công việc cần làm và kết luận các cuộc họp, phần còn lại là việc của bà con trong tổ. Vậy, thử hỏi nếu không đoàn kết, nhà nào cũng bo bo, ngõ nào cũng lo hơn thiệt với các ngõ khác, đại loại như nhiều khẩu hơn, ít hộ hơn, đóng nhiều hơn, góp ít hơn… Cứ mãi như vậy không mảy may nghĩ cho mục tiêu chung thì bàn đến bao giờ?! Cả thôn có tới tám kilomet đường nội thôn nghĩa là cũng ngần ấy mét rãnh thoát nước, từng ấy mét bồn hoa cây cảnh hai bên đường, chưa kể chôn cột điện, lắp đèn chiếu sáng, sơn sửa khuôn viên và nhà văn hóa thôn… nếu không đoàn kết, rơi vào cảnh chín người mười ý thì thật sự là không làm được.
Trước năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Xuân Lập không nổi một triệu đồng mỗi người mỗi tháng, nhưng tính đến cuối năm 2021 bình quân thu nhập đã tăng gấp 4,7 lần. Sự thay đổi về thu nhập phản ánh rõ nét sự thay đổi về tư duy kinh tế của người dân nơi đây. Họ đã sớm nhận thức ra rằng cây sắn và cây mía chỉ giúp họ xóa đói, giảm nghèo, cây lúa chỉ giúp họ giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ, phải thay đổi mới có thể làm giàu được. Hơn bốn mươi hộ có người đi xuất khẩu lao động, nhà một, nhà hai, có nhà bốn năm người đi. Người đi Nhật, người đi Hàn, rồi Đài Loan, Malaysia… cuộc sống của nhiều gia đình đã dần thay đổi. Những người không đi xuất khẩu lao động thì đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện, số ít lao động làm ở các tỉnh xa. Nhiều gia đình không còn điều kiện để tiếp tục làm nông nghiệp đã tạo điều kiện cho các cá nhân khác tham gia tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn, thành lập các trang trại, gia trại quy mô và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trang trại của chị Bùi Thị Nga, trồng 5 ha bưởi diễn theo mô hình canh tác hữu cơ, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, biến vùng đất trồng mía, trồng ngô kém hiệu quả, bỏ hoang trước đây thành trang trại cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm là một trong những điển hình, đi tắt đón đầu cho xu hướng đó.
Ở đây nhà nào cũng có vườn, nhỏ có, to có, vừa vừa cũng có, nhà thì linh trăm mét vuông, nhà có cả nghìn mét vuông, trước đây chỉ trồng vài ba khóm chuối, ít cây ăn quả, một hai luống rau phần nhiều để cỏ dại mọc hoang nhưng hôm nay đến Xuân Lập mọi người sẽ thấy khu vườn nào cũng xanh mướt mát. Quy hoạch và phát triển vườn hộ, câu chuyện không chỉ làm đau đầu các nhà quản lí của xã Ngọc Phụng hay cán bộ, người dân thôn Xuân Lập, mà của rất nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, bằng quyết tâm chính trị mạnh mẽ của chính quyền, sự đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình của người dân thì Xuân Lập đã làm tốt vấn đề này. Để có được bức tranh nông thôn quy củ hôm nay là kết quả của ba tháng ròng rã cán bộ từ xã đến thôn đi từng ngõ, gõ từng nhà, tham gia tất cả các cuộc họp ngõ, họp thôn, thường xuyên, liên tục tuyên truyền, vận động và có khi xắn tay áo cùng cầm cuốc, cầm cào làm vườn với người dân. Từ những khu vườn tạp, bỏ hoang đến nay nhiều khu vườn đã có cây chuyên canh sản xuất hàng hóa với đa dạng các loại rau xanh an toàn, nhãn, thanh long, dưa vàng… đủ điều kiện được công nhận là sản phẩm VietGAP, chuẩn từ đầu vào cho đến tay người tiêu dùng, nhà ít thì thu hoạch vài triệu đến vài chục triệu, nhà nhiều thì thu về vài trăm triệu mỗi năm. Đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân bước đầu đã tìm ra lời giải.
Năm 2018 thôn Xuân Lập về đích nông thôn mới kiểu mẫu, cuối năm 2019 thôn Hòa Lâm, năm 2020 thôn Xuân Thắng, năm 2021 thôn Xuân Thành lần lượt được công nhận là thôn kiểu mẫu. Sức lan tỏa mạnh mẽ của Xuân Lập tạo thêm niềm tin để lãnh đạo chính quyền xã Ngọc Phụng tự tin đề ra mục tiêu quyết tâm đến năm 2025 sẽ hoàn thành kiểu mẫu 3 thôn còn lại là Hưng Long, Quyết Tiến, Phú Vinh và khi đó Ngọc Phụng sẽ là xã kiểu mẫu. Vì là ba thôn khó khăn nhất xã do đó cần nhiều nguồn lực hơn, nhiều thời gian hơn để vừa huy động sức dân trong thôn đồng thời vừa kêu gọi các nguồn xã hội hóa và tập trung điều phối ngân sách địa phương. Tuy nhiên Ngọc Phụng hoàn toàn có cơ sở để đạt được mục tiêu này bởi lẽ những kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn xây dựng bốn thôn hoàn thành kiểu mẫu trước đó. Cộng với tinh thần đoàn kết của người dân trong toàn xã, đời sống kinh tế của bà con ngày một được cải thiện, quan trọng nhất là quyết tâm đủ lớn của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, đặc biệt là tinh thần người dân đang lên cao, từ đó có thể chắc chắn rằng mục tiêu về đích xã kiểu mẫu của Ngọc Phụng sẽ sớm trở thành hiện thực. Sinh thời Hồ Chủ tịch từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền…”. Chính quyền xã Ngọc Phụng đã tập trung nguồn lực cho Xuân Lập làm bằng được kiểu mẫu, lấy đó làm “tấm gương”, làm đòn bẩy tâm lí để tạo ra làn sóng lan tỏa, thổi hơi nóng vào gáy các thôn còn lại. Hơi nóng ấy sẽ góp phần tạo ra động lực đủ mạnh, tư tưởng quyết tâm đủ lớn, tinh thần tự lực tự cường, chủ động và trách nhiệm của người dân trong toàn xã dâng cao khi đó “Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
- Từ xây dựng nông thôn mới đến xây dựng thôn kiểu mẫu anh thấy tiêu chí nào khó nhất? 
- Vệ sinh môi trường. Với một thôn ở xã thuộc khu vực miền núi thì tiêu chí nào cũng khó, mỗi cái khó mỗi kiểu, nhưng tiêu chí vệ sinh môi trường hoàn thành được thì thực sự đó là một cuộc cách mạng, đến hôm nay tôi khẳng định với anh là cách mạng thực sự triệt để.
Năm 2012, xã Ngọc Phụng bắt tay vào xây dựng 19 tiêu chí nông thôn mới, năm 2015 hoàn thành, được công nhận là xã nông thôn mới. Năm 2017, Xuân Lập được chọn làm đơn vị thí điểm xây dựng thôn kiểu mẫu, cuối năm 2018 nhân dân thôn Xuân Lập hoàn thành các tiêu chí, năm 2019 được công nhận là một trong ba thôn kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Đó thực sự là kỳ tích, là quả ngọt được gieo từ những hạt mầm đoàn kết, dân chủ, thống nhất một lòng vì mục tiêu chung; là vụ mùa bội thu sau những ngày tháng nhọc nhằn chăm bón bằng tinh thần tự giác, quyết tâm cao độ, khoan thư sức dân đúng lúc, đúng chỗ. Chúng ta thán phục họ không chỉ bởi kết quả được viết nắn nót trên tấm bằng công nhận, mà còn bởi cái cách họ vượt lên hoàn cảnh, cách họ thay đổi cả về thái độ sống và tư tưởng sống. Tôi có may mắn được đi và đến nhiều địa phương thuộc các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh, được gặp gỡ và trải nghiệm cuộc sống của nhiều đồng bào dân tộc, có một điều phải thú thật rằng vẫn có nơi, có người hãy còn cũ kỹ, bừa bộn đôi khi có phần bản năng, cổ hủ không muốn hoặc có thì cũng thay đổi rất chậm. Nhưng Xuân Lập thực sự khác biệt với phần còn lại đó, họ nhận diện được vấn đề của mình và quyết tâm thay đổi. Hai năm 2017-2018, đây chính là thời điểm tạo ra bước ngoặt, tạo nên tên tuổi của Xuân Lập khắp trong và ngoài tỉnh. “Chỉ tính riêng họp thôn, đã có 63 cuộc họp được tổ chức, không kể sáng, trưa, chiều hay tối, vướng mắc ở khâu nào, ở tổ nào họp để giải quyết ngay khâu đó, tổ dân cư đó. Có những ngày họp tới 3 lần, không có chuyện quá bán, số ít, số đông như các nơi khác. Tất cả người dân trong thôn đều phải thông suốt, đều phải hiểu rõ, đều phải đồng thuận khi đó mới tiến hành làm, thực hành dân chủ một cách triệt để. Việc của dân, dân phải làm chủ, đem sức dân để phục vụ nhân dân, không có chuyện nhà này xắn tay áo còn nhà kia đút tay túi quần ngó lơ, ai cũng phải làm, nhà nào cũng phải có người tham gia...”. Và quá nửa số cuộc họp được tổ chức đó có thời lượng dành riêng cho câu chuyện vệ sinh môi trường, đủ để thấy độ khó của vấn đề. “Nhà nào cũng có vườn, bà con xưa nay có thói quen tập trung rác thải sinh hoạt ở góc vườn rồi đốt. Nhiều người dân trong thôn còn có thói quen tiện tay bạ đâu bỏ đó, rác thải vứt đầy ven đường, góc vườn, cống rãnh, chỗ nào cũng thấy bao tải, bao ni lông, vỏ bao bì, đồ dùng hỏng… ỉ nhà mình có vườn rộng không cần mang rác đi tiêu hủy, đỡ tốn tiền thuê xe chở rác ra khỏi địa phương…”, tôi có thể cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc trong giọng nói của ông Huy, chủ đạo vẫn là gay gắt, bức xúc và rất cương quyết, dù rằng câu chuyện này đã trôi qua gần ba năm nay, thời điểm đấy tôi đoán chắc ông ăn không ngon, ngủ không yên sau mỗi cuộc họp.
- Các anh đã “vượt khó” như thế nào?
- Sau khi tranh thủ ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo xã, lại có đồng chí phó chủ tịch xã phụ trách xây dựng nông thôn mới xuống tận nơi hỗ trợ, chúng tôi quyết định chuyển từ họp thôn sang họp từng tổ dân cư. Đại diện các tổ chức đoàn thể của thôn, cùng với mặt trận thôn đến họp với từng tổ, chi bộ thôn kêu gọi các đồng chí đảng viên ở mỗi tổ phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu. Ba tháng sau, mọi khúc mắc được giải quyết, người dân đồng thuận với chủ trương của chính quyền địa phương. Bây giờ thì như anh thấy đấy, sạch bong từ đường thôn đến ngõ xóm, mọi thứ đi vào nề nếp đâu ra đấy, tuần một lần xe đến tận cổng các hộ trong thôn thu gom rác đưa ra khỏi địa phương, mỗi hộ hai mươi nghìn một tháng…
Mỗi hộ hai mươi nghìn một tháng, tôi dám chắc đây không phải là mấu chốt vấn đề, nút thắt có thể ở hai đầu dây: một là thói quen khó bỏ của một bộ phận người dân trong thôn, hai là sự rõ ràng, minh bạch và lòng tin giữa người dân với đơn vị đảm nhận công tác thu gom. Khi các nút thắt được tháo gỡ, tư tưởng được đã thông ắt mọi việc sẽ thuận.
- Ngoài mục tiêu hoàn thành kiểu mẫu cho ba thôn còn lại, chính quyền xã còn trăn trở nào lớn hơn không, thưa đồng chí Bí thư?
- Dịch dã cứ kéo dài mãi thế này e là không giữ được tiêu chí thu nhập đầu người. Khi đó sẽ khó cho cả thôn đã hoàn thành và cả cho các thôn đang trong tiến trình xây dựng. Thế mới nói xây đã khó giữ vững và phát triển tinh thần kiểu mẫu càng khó hơn. - Đồng chí Hà Thị Nguyệt, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Phụng giãi bày.
Tôi hiểu được những nỗi niềm chất chứa trong câu nói của chị Nguyệt. Tuy nhiên, với Ngọc Phụng nói chung và thôn Xuân Lập nói riêng họ có lí do để lạc quan hướng về phía trước bởi như chị nói “bí quyết thành công của chúng tôi là đoàn kết và thống nhất”. Với việc lựa chọn hướng đi đúng đắn cùng sự quyết tâm, năng động của một thế hệ lãnh đạo trẻ, nhất là sự tin tưởng, thống nhất trong nhân dân thì chắc chắn Ngọc Phụng sẽ sớm hoàn thành và giữ vững được “tấm gương” kiểu mẫu. Rồi đây, từ Xuân Lập, từ Ngọc Phụng sẽ mang lại cho Thanh Hóa những gam màu tươi tắn, góp thêm làn gió mới, sức sống mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ nhận định: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt…”.
                

 N.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 127
 Hôm nay: 3116
 Tổng số truy cập: 7398242
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa