Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Lên bờ
Lên bờ

Tháng 10 năm 2003, Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ra Chỉ thị số 08-CT/TU về việc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đời sống đồng bào sinh sống trên sông. Chỉ thị đã gieo lên mầm hy vọng trong lòng những người dân sinh sống trên sông, rồi đây cuộc đời họ sẽ được đổi vận, lên bờ sẽ kết thúc chuỗi năm tháng “cha truyền con nối” sống trong cảnh lang bạc trên sông. Năm tháng sau này họ sẽ không còn phải thấp thỏm, âu lo mỗi mùa mưa bão đến, không phải chứng kiến những cái chết thương tâm của lũ nhỏ vì ngã sông đuối nước. Những người lâu nay quen tay chèo, tay câu, tay lưới sẽ được học nghề để trở thành công nhân, thợ mộc, thợ xây, lái xe, trẻ con trong xóm sẽ được đến trường đi học như bao bạn bè cùng trang lứa... Nhưng 17 năm trôi qua giấc mơ ấy với 420 hộ sinh sống trên sông ở TP Thanh Hóa và 6 huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy vẫn chưa tròn. 
Câu chuyện về hành trình gần hai mươi năm đợi chờ “đổi vận” được lên bờ ở nhà kiên cố của đồng bào sinh sống trên sông lại thêm một lần được nhắc đến. Lần này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho người đứng đầu của từng địa phương có đồng bào sinh sống trên sông phải chịu trách nhiệm hoàn thành việc này trong 2 năm 2022-2023. Quyết tâm đưa đồng bào sinh sống trên sông lên bờ có đất, có nhà ở, cùng với cộng đồng dân cư xây dựng quê hương ngày càng phát triển; để mọi người dân được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo. Nghĩa là, nếu đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian 2 năm thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm, tinh thần quyết liệt được thể hiện ngay từ trong công tác lãnh, chỉ đạo của người đứng đầu tỉnh. Điều này không chỉ có tác dụng thổi luồng gió nóng vào tiến độ triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị mà còn tăng sự tin tưởng của người dân vào Đảng và các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Từ kết quả khảo sát phản ánh tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ dân chưa có nhà ở hoặc đang phải ở trong những căn nhà tạm bợ, dột nát (gần 50 nghìn hộ). Do nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở chưa có các chủ trương, biện pháp thiết thực để chăm lo, giúp đỡ đồng bào một cách có hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương mở cuộc vận động toàn dân hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đời sống đồng bào đang sinh sống trên sông, với mục tiêu đến hết năm 2005 ở các huyện miền xuôi và hết năm 2007 ở các huyện miền núi cơ bản không còn tình trạng nhà ở tạm bợ, dột nát hoặc không có nhà ở, đời sống của đồng bào đang sinh sống trên sông cơ bản được ổn định. Tuy nhiên vì số lượng quá lớn, tiềm lực của tỉnh vẫn còn khiêm tốn nên mục tiêu đến năm 2005 đối với miền xuôi và năm 2007 đối với miền núi chưa thể hoàn thành. Riêng đồng bào sinh sống trên sông, từ năm 2003-2021, bằng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở chúng ta đã đưa được 829 hộ dân lên bờ, số hộ này bước đầu đã ổn định đời sống, tuy nhiên vẫn còn 420 hộ cần phải hoàn thành việc lên bờ “an cư” và giúp cho bà con ổn định đời sống trong hai năm 2022-2023. Đối với vấn đề ăn ở, sinh sống của người nghèo nói chung trong đó có đồng bào sinh sống trên sông, Thường vụ Tỉnh ủy đã dành riêng một Chỉ thị, đủ để thấy quyết tâm của tỉnh là rất lớn, đúng như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, điều này thực sự đáng mừng và có cơ sở để tin tưởng, kỳ vọng vào sự đổi thay của đời sống người nghèo ở tỉnh ta.
Khi Chỉ thị số 08-CT/TU vẫn còn đang trong thời gian chạy đà thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26 ngày 05, tháng 8 năm 2008, về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn. Nghị quyết nêu rõ: Tập trung nguồn lực và tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ chiến lược về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo. Nghị quyết 26 cũng nhấn mạnh đến việc chăm lo các vấn đề thiết yếu cho người dân như việc làm, chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh ban đầu, xây dựng hệ thống an sinh xã hội... Rõ ràng Chỉ thị số 08-CT/TU đã thể hiện được tầm nhìn của Tỉnh ủy Thanh Hóa về vấn đề chăm lo đời sống của đồng bào nghèo trong tỉnh. Sự ra đời của Nghị quyết số 26-NQ/TW đã tiếp sức đường lối, định hướng rõ nét và tạo hành lang rộng mở hơn cho Chỉ thị 08-CT/TU có điều kiện để phát huy tính ưu việt và ý nghĩa nhân văn cao cả của mình đó là mang lại sự đổi thay căn bản đời sống cho người nghèo.
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã có sự kết hợp nhuần nhị, linh hoạt nội dung của Nghị quyết 26 và Chỉ thị 08 để tạo ra những bước tiến tích cực trong thực hành công tác tam nông, chăm lo tốt hơn cho người nghèo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết chung tay vì người nghèo, nêu cao tinh thần tương thân tương ái của toàn thể nhân dân, chính nguồn sức mạnh đó đã góp phần vào thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, bình quân mỗi năm Thanh Hóa giảm được 2% trong tổng số hộ nghèo. Nhờ làm tốt việc xây dựng được nguồn quỹ “đền ơn đáp nghĩa” và quỹ “ngày vì người nghèo” mà những năm qua chúng ta xây dựng được hơn bốn nghìn nhà tình nghĩa cho các hộ chính sách, gần bảy trăm nhà tình thương cho các hộ đói nghèo. Trong việc thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2011- 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 24,86% xuống còn 2,20%. Năm 2021 do chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 cộng với nội dung xét nghèo đa chiều thay đổi nên số hộ nghèo toàn tỉnh là 6,74%... Những con số đó đã thể hiện được quyết tâm xóa nghèo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ, luôn hướng đến mục tiêu “để mọi người dân được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo”, trong đó các chính sách an sinh xã hội hướng đến người nghèo, người yếu thế luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Theo báo cáo số 105-BC/BDVTU ngày 16 tháng 4 năm 2022 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về kết quả rà soát tình hình đồng bào sinh sống trên sông và công tác vận động, hỗ trợ làm nhà cho đồng bào, thì Yên Định là một trong những đơn vị có bước tiến vượt trội trong thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU giai đoạn 2020-2022, trong đó nổi bật lên là khu mới tại thôn Duệ Thôn, xã Định Tiến. 
Với 180 hộ, Yên Định là một trong những địa phương có nhiều đồng bào sinh sống trên sông nhất cả tỉnh. Trong số đó 59 hộ đã được cấp đất và tự làm được nhà, 70 hộ đã được cấp đất và được hỗ trợ tiền làm nhà, vẫn còn 52 hộ đã được cấp đất nhưng chưa có điều kiện làm nhà và 32 hộ chưa có đất, chưa có nhà. Tưởng như cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn khi đã “an cư” nhưng đối với bà con ở khu mới của thôn Duệ Thôn này hãy còn nhiều trăn trở về hai chữ “lạc nghiệp”. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến nơi đây là trong làng chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà, những người có đủ sức khỏe vẫn biền biệt xa quê cùng con thuyền của mình vất vả mưu sinh khắp các miền sông nước từ Bắc vào Nam.
Những cơn gió mồ côi hắt lên từ phía sông Mã vào không làm vơi đi hơi nóng hầm hập tỏa ra từ mặt đường và mặt sân xi măng của những ngôi nhà lợp mái bờ lô, mái tôn lạnh... Khu dân cư mới này trừ vài ba hộ chưa đủ điều kiện làm nhà còn hầu hết đã xây gần kín đất. “Vừa mới lên bờ được hai năm nay còn chân ướt chân ráo, mọi thứ chưa thể đi vào quy lát ngay được. Vẫn cần thêm thời gian để bản thân người dân trong khu mới cũng như chính quyền địa phương thích nghi...” - đồng chí Lê Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định Tiến bắt đầu câu chuyện về khu mới của Duệ Thôn với tôi như thế. Giải quyết vấn đề chỗ ở cho bà con là ưu tiên hàng đầu, trong số 75 hộ thì 40 hộ có đất, có nhà nhưng vẫn bám thuyền, đi hút cát thuê. Đánh bắt cá trên sông chỉ còn một, hai hộ, đó là những hộ không còn đủ sức để theo tàu hút cát nên mới phải bám sông, chấp nhận cuộc sống bấp bênh thả lưới bữa được bữa không. Ông Nguyễn Văn Nhâm năm nay đã 69 tuổi, một thời cũng là lão làng của nghề đánh cá trên sông, từ khi giải bản thuyền lên bờ hai ông bà ở nhà trông nom, chăm sóc 5 đứa cháu, đứa lớn nhất mười ba tuổi, đứa nhỏ nhất năm tuổi. “Bố mẹ chúng nó hùn vốn với mấy anh em trong thôn đóng thuyền hút cát vài ba tỉ, mỗi tháng kiếm ra hơn trăm triệu, đi biền biệt cả năm, khi Hải Phòng, Quảng Ninh, lúc Quảng Nam, Đà Nẵng... Khuyên chúng nó ở nhà đi làm công nhân cho gần nhà còn chăm nom con cái, nhà cửa, bố mẹ già cả. Chúng nó không nghe còn bảo thà đầu tư đóng tàu hút cát còn hơn ở nhà đi làm công nhân lui cui cả tháng bốn, năm triệu không đủ sống...”. Thế mới thấy, chỗ ở quan trọng, nhưng cái ăn cái mặc, cái nuôi sống bản thân và đảm bảo cuộc sống cho gia đình của người dân cũng quan trọng không kém. 
Gần một nửa số nhà của khu mới Duệ Thôn khóa cửa ngoài, tức là không có người ở nhà. Chị Lê Thị Liên, Phó chi hội trưởng chi hội phụ nữ Duệ Thôn không ngần ngại nói về những cái xác nhà khóa trái cửa kia: “Khóa cửa lại để nhìn cho nó ra cái nhà, có không khóa thì cũng chả sao vì trong nhà có gì đâu mà sợ mất. Nói đâu xa ngay như nhà ông Báo đấy, con chết vì tai nạn giao thông mà không có nổi cái giường để đặt thi hài con, nước mưa ngập nền nhà không đặt được quan tài, điện không có, nước không có, nhà vệ sinh cũng không. Xếp gạch cao lên để kê quan tài cho con, tối đến ôm bát hương và di ảnh con xuống thuyền…”. Nhiều nữa những câu chuyện xót xa qua lời chị Liên kể song tôi thiết nghĩ tất cả những câu chuyện ấy tựu chung lại vẫn nằm ở chữ nghèo. Cái khóa cửa trên cánh cửa của những xác nhà kia chính là hiện diện của cái nghèo. Những cái khóa ấy chỉ khóa được cái xác nhà, những cái khóa ấy chỉ giúp họ giữ được mơ ước có một chốn đi về, nó không giữ được những đôi chân đã quen ngâm trong nước sông và ham muốn sống với cái nghề duy nhất họ biết, cái nghề mang lại miếng cơm manh áo, dẫu biết rất đỗi nhọc nhằn. 
Ngày chưa lên bờ, những gia đình trong khu mới này lấy thuyền làm nhà, nay ở Duệ Thôn, mai xuống Định Công, bữa kia đi Hàm Rồng, đi lên Kiểu, chỗ nào có cá là đi, chẳng kể nắng mưa, ngày đêm, cắm sào chỗ nào là nhà ở đó. Cuộc sống vô định, vô lượng. Ngày đó “lên bờ an cư” với họ là chuyện viễn vông, thiếu thực tế như lên trời hái trăng bắt sao. Rồi khi còn chưa kịp tin mình có nhà trên bờ là truyện cổ tích có thật thì họ đã phải lao đao với chuyện miếng cơm, manh áo, xô bồ, nhốn nháo với công ăn việc làm ở trên bờ. Lên bờ rồi, sông không còn là bầu sữa, thuyền không còn là nhà, họ đằm mình vào vất vả mưu sinh, dòng đời vốn dĩ không dịu dàng như dòng sông, giờ đây họ không còn kiểu suy nghĩ đời cha trước thế nào đời con sau như thế, thay vào đó họ mong mỏi con cháu mình được học hành đầy đủ để không lặp lại cảnh thuyền là nhà, cá tôm là cứu cánh, dòng sông là chốn đi về. Họ muốn con cháu mình được học hành đầy đủ và chúng sẽ lấy sự học làm cứu cánh, các cháu sẽ có những giấc mơ màu hồng như bao đứa trẻ khác, không phải toát mồ hôi, lạnh sống lưng mỗi đêm vì giấc mơ “lên bờ”. 
Gặp gỡ ông Nguyễn Ngọc Thúy - Chủ tịch UBND xã Định Tiến tôi còn vỡ ra được nhiều điều, nhưng buồn nhất vẫn là câu chuyện tỉ lệ người mù chữ trong đồng bào sinh sống trên sông không ít. “Hầu hết những người sinh năm 1990 trở về trước trong thôn không được học hành đến nơi đến chốn, dẫn đến việc có nhiều người mù chữ. Vì thế khi đến ủy ban giao dịch công việc hành chính vì không biết chữ nên vẫn phải dùng vân tay điểm chỉ hoặc chỉ nguệch ngoặc viết được tên mình còn bảo viết đầy đủ cả họ và tên họ không làm được...”. Câu chuyện của anh Thúy nhắc tôi nhớ đến những người phụ nữ ở cầu Sâng, thành phố Thanh Hóa vì không biết chữ mà khi đi xin làm công nhân trong các khu công nghiệp đã không được nhận vào làm. Rồi đây khi lên bờ, những địa phương có người sinh sống trên sông sẽ còn rất nhiều việc phải làm, không chỉ dừng lại ở việc giải quyết chỗ ở mà cơ man những vấn đề phải lao tâm, nào là việc làm giúp người dân kiếm kế sinh nhai khi họ không còn thả lưới bắt cá, rồi giải quyết nạn mù chữ để họ hòa nhập tốt hơn với cộng đồng nơi ở mới, cho đến hỗ trợ trường lớp, sách vở, chính sách ưu tiên để giải quyết việc học hành cho con cháu của họ… Sẽ không thể giải quyết tất cả các vấn đề trong ngày một, ngày hai nhưng cũng không thể để bà con lên bờ bị rơi vào cảnh đem con bỏ chợ, lại tiếp tục phải chờ đợi trong vô vọng và ngờ vực như gần hai mươi năm qua.
“Đây là nhiệm vụ chúng ta phải hoàn thành…” mệnh lệnh của người đứng đầu tỉnh đã được đưa ra, gần hai mươi năm bà con sinh sống trên sông ở thành phố Thanh Hóa và các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy mòn mỏi chờ đợi, hơn lúc nào hết các cấp chính quyền cần phải hiện thực hóa, phải hoàn thành Chỉ thị số 08-CT/TU. 
- Hai năm, liệu các anh có xong được không? 
- Huy động mọi cách, cả hệ thống chính trị từ huyện xuống đến xã, thôn phải xắn tay áo lên cùng làm. Phải làm bằng được. Yên Định quyết tâm không xin lùi.
Đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy huyện Yên Định khẳng định dứt khoát. Yên Định ngoài 129 hộ đã lên bờ ổn định cuộc sống còn lại 84 hộ sinh sống trên sông cần hỗ trợ cấp đất, làm nhà giai đoạn 2022-2023. Trong ba năm 2020-2022, đã huy động mọi nguồn lực để cấp đất và hỗ trợ làm nhà cho 52 hộ, tương đương với hơn 60% tổng số hộ cần giúp đỡ, 32 hộ còn lại chưa có đất, chưa có nhà sẽ giải quyết trong năm 2023, rõ ràng khẳng định của đồng chí Trưởng ban Dân vận Huyện ủy là có cơ sở. Mừng hơn nữa khi thấy được sự chu toàn trong kế hoạch của những người đứng đầu huyện là đã tính đến vấn đề giải quyết việc làm cho bà con khi lên bờ. Đây có lẽ là điểm khác biệt, là biểu hiện rõ ràng nhất của việc đưa Chỉ thị vào cuộc sống một cách sinh động nhất. Không như một số địa phương khác chỉ lo bước một, qua tìm hiểu thực tế tôi thấy còn có địa phương chỉ bo bo giải quyết bề nổi của vấn đề là hỗ trợ cấp đất, làm nhà, và cho rằng giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân thì để sau vì chưa cần thiết, hay có người còn đưa ra quan điểm là người dân phải tự vận động. Thực tế cho thấy, bà con đã chủ động trong việc tìm kiếm việc làm dù là khi vẫn đang ở trên thuyền hay đã lên bờ an cư. Tuy nhiên, vì không thể tự tháo gỡ được điểm nghẽn về bằng cấp, học hành nên có không ít số hộ chọn cách tiếp tục bám thuyền kiếm kế sinh nhai. Thay vì khai thác thủy sản trên sông không đảm bảo mức sống tối thiểu, họ chuyển sang làm thuê cho các chủ mỏ khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng và kể cả chở thuê, đổ trộm chất thải công nghiệp… dù bản thân những người này biết rất rõ đôi khi hệ lụy họ gặp phải là không nhỏ, nhưng vì mưu sinh họ chấp nhận đánh đổi. 
Khi tôi đề cập đến câu chuyện giải quyết việc làm cho đồng bào sinh sống trên sông, đồng chí Trưởng ban Dân vận huyện ủy khẳng định “Yên Định không thiếu việc làm”. 129 hộ lên bờ giai đoạn 2016-2021, bà con đã bước đầu ổn định cuộc sống, nhiều người dân đã đi làm công nhân, kinh doanh, buôn bán… Riêng với những người muốn làm công nhân trong các khu công nghiệp, các ban ngành của huyện sẽ đấu mối với các đơn vị đào tạo nghề miễn phí và giúp cho bà con có thu nhập ngay từ tháng đầu tiên. Dù rằng số người đi làm công nhân còn khá khiêm tốn (40 người), nhưng rõ ràng đây là dấu hiệu tích cực cho một quá trình dài hơi, điều này sẽ góp phần thuận lợi hơn cho việc giải bản về sau. 
Yên Định cũng như nhiều địa phương có đồng bào sinh sống trên sông vẫn còn tình trạng bám thuyền, nhiều bà con chưa có ý định giải bản, nhưng với cách làm đúng tinh thần trong kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là giải bản tàu bè của các hộ sinh sống trên sông sẽ tiến hành dần dần, khi người dân chuyển đổi nghề và ổn định đời sống rồi mới tiến hành, đã tranh thủ được sự đồng thuận trong nhân dân từ đó mà uy tín của Đảng bộ và cán bộ cơ sở cũng tăng lên. Thực tiễn cho thấy việc gì liên quan đến miếng cơm manh áo, đến quyền lợi của người dân thì không thể nóng vội, chủ quan duy ý chí, không thể giải quyết theo kiểu làm cho xong. “Về vấn đề này chúng tôi vẫn phải tiếp tục thực hiện chính sách tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với việc giải bản, khi bà con hiểu được họ sẽ toàn tâm toàn ý lên bờ ổn định đời sống...” - ông Thọ chia sẻ. Rõ ràng Yên Định đang là mô hình hay để nhân rộng phần làm tốt và rút kinh nghiệm phần chưa hoàn thiện cho các địa phương có đồng bào sinh sống trên sông cùng học tập và làm theo. 
- Điều gì làm khó các anh nhất? 
- Đất. 
- Tôi tưởng các địa phương chỉ thiếu đất cho khu, cụm công nghiệp hay đất sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn thôi chứ? 
- Yên Định không thiếu đất. Cái làm khó chúng tôi ở đây là cơ chế và quy định của pháp luật về đất đai. Tìm kiếm, bố trí mặt bằng để tiến hành cấp đất và làm nhà cho các hộ sinh sống trên sông lên bờ quả thật không dễ. 
Cái sự không dễ theo như ông Thọ chia sẻ đó là quỹ đất ở không nhiều, muốn có phải chuyển đổi từ các loại đất khác sang, nhưng công tác chuyển đổi lại vướng mắc vào nhiều quy định về luật đất đai của Nhà nước, thứ nữa là cần phải cân đối tính phù hợp, vừa gần với khu dân cư, thuận tiện về giao thông, gần với các công trình phúc lợi xã hội như trường, trạm, lại phải vừa gần với bến tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản để bà con có thể tiếp tục sinh kế bằng nghề truyền thống, buộc lòng phải chấp nhận thêm một thời gian nhất định nữa tạo điều kiện cho các tàu thuyền tiếp tục hoạt động dịch vụ... Từ lãnh đạo Huyện ủy, đến Ủy ban nhân dân huyện cũng như các phòng ngành liên quan cho tới Đảng bộ chính quyền các xã phải tập trung và chủ động tham gia vào công tác rà soát quỹ đất, sàng lọc các khu đất đủ điều kiện, xin cơ chế riêng cho các phần đất đã quy hoạch làm khu tái định cư cho bà con lên bờ an cư sau đó tham mưu cho tỉnh phê duyệt. Tóm tắt lại chỉ có vài dòng nhưng đó là kết quả của hàng trăm đầu việc, từ chuyện năm lần bảy lượt đi thực địa xuống cơ sở lắng nghe ý kiến nhân dân, tìm kiếm mặt bằng thích hợp, tập hợp khó khăn, vướng mắc và xây dựng phương án điều chỉnh, khắc phục, còn chưa kể đến việc kêu gọi các nguồn xã hội hóa để có kinh phí hỗ trợ bà con làm nhà, sắm sửa vật dụng phục vụ nhu cầu cơ bản…
Tại thông báo số 129-TB/VPTU do Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành về kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh “Tiếp tục chăm lo đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống người dân… Xây dựng và triển khai các phương án đào tạo và chuyển đổi nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế lâu dài, ổn định cho các cá nhân trong độ tuổi lao động sau khi lên bờ định cư”. Nghĩa là, chính quyền các địa phương không chỉ dừng lại ở câu chuyện lo “cái ở” cho đồng bào mà bên cạnh đó phải lo cả “cái ăn” ở đây là việc làm, là sinh kế cho bà con, rồi các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Nếu Chỉ thị số 08-CT/TU gieo lên mầm hy vọng thì Thông báo số 129-TB/VPTU như động cơ hàng trăm mã lực gắn vào con tàu thép phải chèo bằng tay suốt từ năm 2003 đến nay. Tin tưởng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đoàn kết chung tay của toàn thể nhân dân trong tỉnh, người nghèo nói chung và đồng bào sinh sống trên sông nói riêng sẽ sớm được “an cư, lạc nghiệp” để “mọi người dân được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo” như ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông.
          

 27-7-2022
                N.H
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 194
 Hôm nay: 7819
 Tổng số truy cập: 12840516
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa