Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Những tia nắng đầu tiên (Ký sự)
Những tia nắng đầu tiên (Ký sự)

“Vào được đến Ón là đủ tiêu chí làm chiến sĩ tiên tiến rồi, làm được bốn cùng với bà con trong này thì xét tặng anh hùng luôn anh Thao ạ…”, Nhà văn Ngân Hằng mặt nhễ nhại mồ hôi, nói trong tiếng thở ngắt lên ngắt xuống sau khi leo qua con dốc đất đỏ dựng đứng trơn trượt vì trận mưa chiều qua, lởm chởm đá dăm và vết bánh xe cày thành rãnh sâu trên mặt con đường mòn, lối đi duy nhất dẫn vào bản Ón, xã Tam Chung thuộc huyện Mường Lát. Chúng tôi cứ ngỡ sẽ lỡ hẹn với bản Ón vì “mưa không vào được đâu” như lời cảnh báo của Thiếu tá Vi Văn Thao, nhân viên đội vận động quần chúng đồn Biên phòng Tam Chung, Phó Bí thư tăng cường bản. Như để lên dây cót, tăng thêm sức tò mò cho đoàn nhà văn chúng tôi, anh bồi thêm “Đi vào bản trước, trong và sau mưa một ngày thì đừng đội mũ bảo hiểm có cằm vì sẽ không nghe được tiếng đá lăn để chủ động mà tránh đâu…”. Sáng hôm sau, khi trời hửng nắng, đoàn chúng tôi lên đường vào bản Ón, nhưng chắc chắn không phải vì muốn kiểm chứng cảnh “đá lăn” như lời đồng chí Thiếu tá “dọa” hôm qua...
Người Mông thường có tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân, sống xa lánh với các dân tộc cùng trên địa bàn. Cư trú thành bản hoặc rải rác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, điều này dẫn đến việc người Mông ở khu vực biên giới ít có sự giao lưu, học hỏi trong việc phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Thêm vào đó, do mang tư tưởng là một dân tộc di cư, chưa hình thành đầy đủ tư duy “an cư lạc nghiệp” như các dân tộc khác, nên họ không đặt nặng vấn đề xây dựng và phát triển làng bản mang tính lâu bền, vững chãi, tuy nhiên tính cố kết cộng đồng lại rất cao, đặc biệt là về khía cạnh họ tộc. Người Mông ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, một bản biên giới cũng không ngoại lệ. Song, dù đồng bào Mông ở chon von trên những dãy núi cao hay nơi thung lũng thâm sâu cùng cốc giữa lưng chừng trời thì vẫn có những con người vì yêu thương đồng bào, vì tình yêu và trách nhiệm đối với sự bình yên của tổ quốc mà dấn thân, mà phục vụ, Thiếu tá Vi Văn Thao, nhân viên Đội Vận động quần chúng đồn Biên phòng Tam Chung, Phó Bí thư tăng cường bản Ón là một trong những người như thế. 
Năm 2010, thời điểm mà bản Ón “khó và khổ lắm”, anh được chỉ huy tin tưởng giao cho làm trạm trưởng trạm liên ngành, đồng thời được phân công làm Phó Bí thư tăng cường chi bộ bản Ón nhằm thực hiện chủ trương xóa bản trắng đảng viên. Đang là bộ đội biên phòng, quen với súng ống, cột mốc, đường biên chuyển qua soạn thảo, triển khai Nghị quyết, lo thực hiện chỉ tiêu ngô lúa, trâu bò, gia súc gia cầm, nương rẫy, xây dựng kế hoạch hoạt động cho các tổ chức đoàn thể chính trị trong bản, công tác phát triển đảng viên mới… thời gian đầu như anh nói cũng “mướt mồ hôi”. May “cái buổi ban đầu” ấy phía đồn có Thượng tá Nguyễn Ngọc Quý, Chính trị viên, phía địa phương thì có đồng chí Hà Minh Thiếm khi đó là Bí thư Đảng ủy xã và đồng chí Phạm Như Tâm là cán bộ đồn xuống làm Phó Bí thư tăng cường xã, luôn sát cánh giúp đỡ, động viên. “Khi triển khai công việc bạn được nhân dân ủng hộ, khi gặp khó khăn bạn được đồng chí, đồng đội giúp sức, chỉ bảo… thì không có việc gì bạn không làm được cả...”. Với chất giọng trầm ấm, truyền cảm và lối nói chuyện lôi cuốn, đúng chất cán bộ dân vận, anh bắt đầu câu chuyện của mình bằng ngã rẽ sự nghiệp từ cán bộ Đội Vận động quần chúng sang kiêm luôn làm Phó Bí thư tăng cường bản. Giờ đây bước sang tuổi 53, mười hai năm qua Thiếu tá Vi Xuân Thao miệt mài gánh vác hai vai hai trọng trách, mà trọng trách nào cũng gần dân, cần dân và được nhân dân tin yêu.
Con đường vào bản Ón vừa được trải bê tông năm ngoái, nhưng chưa xong, vẫn còn hơn ba cây số đoạn cuối dẫn vào bản là đường đất cấp phối dày đặc những ổ trâu, ổ voi, ổ gà và nham nhở vệt bánh xe, đá dăm, đá cuội, đá tảng từ trên núi tràn xuống. Di chuyển qua đoạn đường này chỉ dành cho những tay lái cứng, vừa có trái tim nóng chất chứa yêu thương và trách nhiệm với công việc, với đồng bào vừa phải có cái đầu lạnh để không nản chí sờn lòng trước một bên vực sâu hun hút, một bên vách cao và đất đá luôn trực chờ trút xuống vì sạt lở bất cứ lúc nào. Bản Ón hiện ra sau những rừng cây, sau những con dốc dựng ngược, những ngôi nhà ghép bằng ván gỗ thấp lè tè đậm chất Mông tựa lưng vào vách đất. Những đám trẻ hoang sơ và ngây dại trên đường đi học về, bản Ón lặng lẽ cũng bởi người Mông vốn lặng lẽ, những người già, những người phụ nữ ngồi bậu cửa ôm con nói cười rất khẽ, họ như sợ nói to sẽ làm rơi lá rừng. Có khi, biết đâu đấy họ lại đang lắng hồn mình nghe bài giáo huấn mà các vị thần tôn kính của mình truyền tin qua gió rừng, nắng rừng và trong cả tiếng chim muông? Bên cạnh những ngôi nhà ghép ván gỗ mái bờ lô xỉn màu, mái cọ đã mục mại vì thấm đẫm nắng mưa là một vài ngôi nhà ghép bằng tấm nhựa của Bộ Công an hỗ trợ đồng bào vùng cao vẫn còn trắng mới và thơm mùi sơn. Trong bốn năm từ 1990 đến 1993, từ vài hộ di cư ban đầu lên đến gần trăm hộ sau đó, từ nhóm nhỏ vài hộ ở rải rác đến việc hình thành 3 cụm bản, trong mỗi cụm bản lại tách nhỏ vài hộ một nhóm, thế nên mới có chuyện bản Ón ba cụm bản mà trải dài đến cả chục cây số. Năm 2007, cả bản có hơn 90 hộ, đến tháng 8 năm 2022 thì có 113 hộ với 695 nhân khẩu, trong đó 110 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo, tất cả đều là dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Nhìn sang cụm bản bên trái, nghèo. Nhìn sang cụm bản bên phải, nghèo. Nhìn lên cụm bản phía trên, nghèo. Nhìn xuống cụm bản phía dưới, nghèo. Hình như cái nghèo vẫn chưa muốn buông tha Tam Chung, “con ma nghèo” vẫn chưa chịu rời khỏi các bản làng dọc biên giới Mường Lát.
Vì là bản di cư, dân số của bản lại khá đông, trình độ dân trí thấp cộng với nguồn gốc văn hóa và tư tưởng xã hội khá phức tạp, nhiều khi là nhạy cảm, do đó để tiếp cận, phát hiện, định hướng đường lối, xây dựng chủ trương và phát huy năng lực cá nhân cho quần chúng, nhằm mục đích phát triển đảng viên cho chi bộ là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự bền bỉ của cấp ủy bản Ón và Đảng ủy xã Tam Chung. Từ tiêu chí xét duyệt đến thẩm tra lí lịch đều phải điều chỉnh. Lấy ví dụ như điều kiện sinh đẻ có kế hoạch, đảng viên không được sinh quá hai con, nhưng ở đây nhà ít nhất là ba không thì bốn, năm đứa, mà đứa nào cũng gầy còm, quặt quẹo, lấm lem. Tiếp đến là điều kiện về trình độ, người ở đây họ vốn chưa xem trọng việc học nhiều, học xong tiểu học, đọc thông viết thạo và tính toán cơ bản, là ở nhà làm nương, đi rừng, rất khó để đáp ứng đủ điều kiện theo quy định… từ thực tế đó muốn phát triển lực lượng bắt buộc phải linh hoạt. Nhưng để có được nguồn đảng viên chất lượng thì trước tiên phải thành lập các tổ chức chính trị xã hội cấp thôn bản như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân… thông qua hoạt động phong trào của các tổ chức này để thử thách, phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp đảng viên cho chi bộ. Qua 12 năm thành lập từ ba đảng viên ban đầu không phải người bản Ón, đến nay chi bộ đã có 15 đảng viên người trong bản, năm 2020 theo chủ trương của huyện ủy Mường Lát, giải thể chi bộ cơ quan cấp xã, đưa đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ thôn bản, bản Ón có thêm hai đồng chí, thế là vừa tăng thêm số lượng đảng viên vừa góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cho chi bộ. 
Giàng A Chống, sinh năm 1987, đi bộ đội nghĩa vụ ở đảo Mê, sau khi ra quân, trở lại địa phương, anh được chi bộ bản Ón tiếp nhận, chuyển Đảng chính thức và được giới thiệu bầu làm Bí thư chi bộ, sự kiện đánh dấu lần đầu tiên chi bộ bản Ón có Bí thư chi bộ là người bản địa. “Xây dựng và phát triển được nguồn Bí thư chi bộ tại chỗ mới chỉ là thành công bước đầu của chi bộ bản Ón, chặng đường dài với rất nhiều nhiệm vụ quan trọng còn ở phía trước, mà trước tiên nhất, quan trọng nhất, cần kíp nhất là thay đổi tư duy và cách thức làm ăn để người dân bản Ón thoát nghèo…”. Tôi cho rằng nhận định của Thiếu tá Thao không phải khiêm tốn mà đó là sự trải lòng của một người tận tâm với công việc. Rõ ràng ở một bản miền núi thuộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều lạc hậu để xây dựng được một người đứng đầu bản vừa có năng lực điều hành vừa có nhiệt huyết và hoài bão làm mới quê hương là không hề dễ. Giàng A Chống còn khá trẻ, dù đã được chính quyền địa phương các cấp, bộ đội biên phòng tạo điều kiện cho đi học để hoàn thiện kiến thức văn hóa, tư tưởng chính trị, phong cách làm việc… tuy nhiên, nhiều điều còn phải dìu dắt, uốn nắn. “Anh em hay nói vui bảo “Phó Bí thư uốn nắn Bí thư” nhưng sự thật là như thế, không thể “đem con bỏ chợ” được, trách nhiệm của một người đảng viên, một người lính không cho phép mình làm việc kiểu “phủi tay cho xong”. Còn gắn bó với bản Ón ngày nào thì mình còn cố gắng làm cho mọi thứ được tròn chỉnh ngày đó. Có điều…”, đang hăng say với câu chuyện về “đào tạo Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản” giọng anh bỗng chùng xuống đầy tâm tư. “Quỹ thời gian cũng không còn nhiều, mình mong muốn mai kia mình về nghỉ chế độ theo quy định nhà nước, anh em lên thay cũng yêu quý và được yêu quý, cũng chân thành và nhận lại được sự chân thành, để xây dựng chi bộ bản Ón nói riêng và đời sống bà con nhân dân bản Ón nói chung ngày càng khá hơn, tốt hơn, đặc biệt tiếp tục dìu dắt và đưa vai vào cùng gánh vác công tác chi bộ Đảng ở bản Ón với Giàng A Chống…”.
- Chắc anh còn trăn trở nhiều điều về bản Ón lắm? - Không muốn để anh chìm sâu vào dòng cảm xúc không vui khi nghĩ đến ngày chia tay, tôi cố ý đưa anh trở lại thực tại.
Thiếu tá Thao đưa ánh nhìn qua ô cửa sổ hướng về khoảng nắng đầu sớm đang nhảy múa trên cây ngọc lan phía đầu hồi dãy nhà, hàng nếp nhăn trên trán xô nhau hiện lên, đôi lông mày nhướn cao hơn như nghĩ ngợi, mái tóc vừa cắt gọn gàng làm lộ ra những chân tóc bạc. Anh bảo, cái khó khăn và làm mình mất nhiều thì giờ nhất là cân nhắc việc lựa chọn giữa phát triển kinh tế hay giữ chân đảng viên ở lại bản. “Giờ cứ giam chân đảng viên ở nhà, không cho đi làm ăn xa để lấy tiếng chi bộ nhiều đảng viên, hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ tăng cường, nghe chừng không ổn. Nhiều đảng viên mà cứ nghèo, cứ lạc hậu, cứ giữ cái tư tưởng tự cung tự cấp, cứ giữ mãi những cái hủ tục lạc hậu… thì nhiều đảng viên cũng chả để làm gì…”. Anh đã không ngần ngại, thẳng thắn trải lòng với tôi về những trăn trở, những cân đo đong đếm giữa được và mất trước khi đưa ra quyết định động viên đảng viên, thanh niên trong bản đi làm ăn xa để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Anh đã đặt niềm tin vào thế hệ trẻ của bản, rằng chỉ vài ba năm nữa họ sẽ quay về xây dựng bản làng khang trang hơn, to đẹp hơn, bớt đi nhiều những suy nghĩ và thói quen cục bộ địa phương, khi đó họ sẽ đóng góp nhiều hơn cho Đảng bộ, chi bộ. Làm việc với đồng bào bao năm anh rút ra rằng nếu cứ cứng nhắc thì dễ bị phản tác dụng. Ngay khi anh chị em đang khát khao muốn đi làm ăn xa để phát triển kinh tế mà chi bộ cứ cố thiết giữ chân họ lại, lấy hai chữ đảng viên ra để răn đe, ép buộc họ ở nhà có khi họ lại bỏ Đảng cho rộng chân để thực hiện mong muốn đi xa. “Có thực mới vực được đạo, thời buổi bây giờ làm cái gì cũng cần phải thực chất, không nên lí tưởng hóa mọi thứ rồi thành ra trói chân nhau. Mình nghĩ lúc này là lúc cần phải nêu cao tính linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh…”. Từ suy nghĩ đó anh đã đích thân đi vận động các đồng chí đảng viên trẻ cũng như thanh niên trong bản mạnh dạn đi làm ăn kinh tế, chấp nhận số lượng đảng viên và nguồn quần chúng ưu tú trong chi bộ hụt giảm, đưa nội dung phát triển đảng viên mới thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội trong bản vào Nghị quyết của chi bộ. “Hiện tại mình đang cố gắng phát triển lớp đảng viên kế cận, đặc biệt ưu tiên lớp đảng viên trẻ là các cháu vừa học xong lớp 12…”. Vài ba năm nay bản Ón cũng đã có gần trăm lao động trẻ rời bản đi làm ăn xa, bước đầu nhìn chung đều tốt cả, tới đây sẽ nhiều người đi hơn vì khi những người đi trước đã ổn định công việc và cuộc sống thì sẽ cáng đáng được cho những người đi sau. Nghe được thông tin ấy tôi cũng lấy làm mừng và ủng hộ cách làm của đồng chí Phó Bí thư tăng cường bản. Nói đến chuyên môn, nói đến tìm cách phát triển bản mình phụ trách là bao nhiêu năng lượng tích cực lại ùa về, khỏa lấp hết những tâm tư không vui. Có một bình minh rất khác ở miền núi cao này, nắng lên, khi mặt trời nhú qua đỉnh núi là cả một khối ánh sáng tinh khôi, rực rỡ tràn khắp mọi nơi, tất cả hiện lên tươi mới dưới bầu ánh sáng diệu kỳ ấy. Có thể có nhiều người sẽ ví von với bình minh trên biển, nhưng ở biển hay ở rừng, đồng bằng hay miền núi cao, khi mọi thứ từ bóng tối được soi sáng bởi ánh ban mai tinh khiết và ấm ấp thì đều toát lên vẻ đẹp riêng của nó, sẽ không có đẹp hơn hay xấu hơn, nếu khác có chăng chỉ là cách chúng ta cảm nhận, cách chúng ta dành tình yêu thương và cách chúng ta đón nhận khoảnh khắc đó.
- Điều gì ở đây mang đến cho anh hạnh phúc mà anh tha thiết như vậy? 
- Ngoài xóa bản trắng đảng viên ra thì điều làm tôi vui nhất là đã vận động được người dân trong bản thay đổi tư duy trong làm ăn, có thể đó là những thay đổi nhỏ thôi, chậm thôi, nhưng họ đã thay đổi, họ không đứng im như cả nghìn năm qua nữa, hạnh phúc đôi khi đơn giản lắm.
Giờ đây, ở bản Ón xã Tam Chung, người trẻ đã hăng hái đi làm ăn xa, người ở nhà đã biết vào rừng lấy măng đem phơi mang ra chợ bán, lấy cây chít, cây đốt, hái cây dược liệu bán cho thương lái, gia đình đảng viên tăng gia sản xuất chăn nuôi, trồng trọt… họ đã chủ động hơn trong việc giao thương buôn bán, phần đông bà con trong bản đang thay đổi. Để có được điều đó thì mọi ý tưởng, chủ trương, đường lối đều được chi bộ đưa vào Nghị quyết, xây dựng kế hoạch sau đó giao nhiệm vụ cho đảng viên làm trước, cấp ủy giám sát, khó khăn ở đâu tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ luôn ở đó, mà tiên phong trong việc “gỡ rối” là đồng chí Phó Bí thư tăng cường bản. “Thiếu cây, con giống tôi tranh thủ các nguồn hỗ trợ của chính phủ, tôi kêu gọi thêm các nguồn lực bên ngoài đem về cho bà con. Cần cán bộ kỹ thuật mỗi khi cây, con vật ốm, bệnh tôi xuống xã, lên huyện nhờ, cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn cách phòng, chống hoặc chạy chữa... Chủ động xây dựng ngay từ đầu quan điểm nhất quán là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhờ truyền lửa được quan điểm đó đến đảng viên mà chi bộ bản Ón cũng đã giải quyết được khá nhiều việc không riêng gì chuyện cây, con...”. Nghe anh khoe sự thay đổi của bản Ón, nhìn cái cách vừa nói vừa cười và ánh mắt sáng lên đủ cho người đối diện vui lây cái niềm vui rất lớn đang dâng lên trong tâm trí anh, đủ biết anh tâm huyết như thế nào. Anh có nụ cười thật đặc biệt, cái nét cười tươi rói, tưởng như không mảy may phiền muộn, hay anh cũng đã “nhiễm” cái sự vô tư, vô lo của người bản Ón nên thế? Tương lai là chuyện của ngày mai, còn hôm nay hãy sống, làm việc và tận hưởng trọn vẹn, có như thế nụ cười mới lấp lánh, tâm hồn mới tươi trẻ và nội lực mới dồi dào như cái cách đồng chí Phó Bí thư tăng cường bản đang sống.
Chuyện “đảng viên đi trước” ở bản Ón cũng có nguyên nhân xâu xa của nó. Năm 2014, bà con trong bản dưới sự động viên, khích lệ và tiên phong đi đầu của các đảng viên đã nhiệt tình tham gia vào mô hình trồng cây xoan, cây lát. Tuy nhiên, đến nay sau gần mười năm mô hình này không thành công, kéo theo sự suy giảm niềm tin của người dân vào cán bộ, quyết tâm phát triển kinh tế tại chỗ của bà con cũng vì thế mà đi xuống. Ngày chưa trồng cây xoan, cây lát, bà con trồng ngô, trồng sắn mỗi vụ cũng để ra được vài chục triệu, kinh tế vì thế mà khá lên, nhiều hộ mua được xe máy, sắm sửa đồ dùng, vật dụng trong nhà và sửa sang, làm nhà làm cửa. Cây lát, cây xoan chiếm đất ngô lúa nhưng không hiệu quả vì thế mà nhiều hộ tái nghèo, bản Ón mấy năm nay nhìn xác xơ, tiêu điều hơn. Những năm trở lại đây dưới sự động viên và “uốn nắn” của đồng chí Phó Bí thư tăng cường bản, đảng viên trong chi bộ đã phát huy tính tiên phong trong việc tiếp cận và triển khai các dự án chăn nuôi, hướng đến con lợn và con bò. Hiện tại, mô hình này đang được giao cho hai đồng chí cấp ủy và một đồng chí đảng viên, các hộ này đã nhân nuôi thành đàn, tuy nhiên vì mới triển khai nên chưa đánh giá được hiệu quả. Bên cạnh đó chi bộ bản cũng đang cho thử nghiệm mô hình trồng cây quế và cây gai xanh, hai đồng chí đảng viên trong chi bộ có người nhà trên Hà Giang, Sơn La, sau khi tìm hiểu mô hình này đã xung phong nhận trồng thí điểm hơn ba héc ta cây quế, gần ba năm rồi, chưa khai thác nhưng bước đầu cho thấy cây quế hợp đất nên đang phát triển tốt, hai đồng chí đảng viên khác cũng đang trồng thử nghiệm hai héc ta cây gai xanh năm tới đây sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên… “Sau thất bại của cây xoan và cây lát giờ không nói suông được, muốn dân tin, dân theo phải để cho họ thấy được hiệu quả, muốn có được kết quả không ai khác đảng viên trong chi bộ phải là những người tiên phong làm trước, quan điểm chỉ đạo nhất quán của chi bộ là như vậy”. Chuẩn chất lính, rất dứt khoát từ lời nói đến việc làm. Đó có lẽ cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên hình tượng và uy tín của anh đối với chi bộ và bà con nhân dân bản Ón suốt hơn mười năm qua.
- Hai năm nữa mình nghỉ chế độ, không còn được gắn bó với bà con bản Ón nữa, nghĩ đến cũng có chút hụt hẫng. Bản Ón, đồn Biên phòng Tam Chung như ngôi nhà, như gia đình thứ hai của mình, thời gian mình ở đồn, thời gian gắn bó với bà con bản Ón có khi còn nhiều hơn với vợ con, thành ra lúc sắp chia tay cũng có chút bịn rịn. Điều mình vui nhất là được trở thành một phần của bản Ón, đồng bào coi mình là người thân trong nhà đó là một món quà lớn, một sự ưu ái đặc biệt mà nhân dân bản Ón dành cho mình. 
- Bí quyết của anh là gì?
- Không có bí quyết gì cả, cứ trao đi sự chân thành thì sẽ nhận lại sự tin tưởng và yêu thương của người dân thôi. Mình nghĩ sống và làm việc với người dân dù ở đâu cũng thế đừng màu mè, cứ chân thành là đủ rồi.
Rời bản Ón khi mặt trời đang dần xuống núi, những tia nắng cuối ngày hãy còn vương đầy trên từng mái nhà, từng khuôn mặt vô ưu của người dân bản Ón, những nếp nhà thấp bé và hình ảnh người phụ nữ Mông ôm con ngồi bậu cửa nhìn đoàn khách lạ rời bản đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Họ và những ngôi nhà vẫn chọn cách sống bình lặng dưới tán rừng như thế, vẫn cứ thấp bé như cả nghìn năm qua. Nếu bản thân họ không muốn thay đổi hoặc thiếu đi những người có khả năng khuyến khích, giúp đỡ họ thay đổi thì e rằng họ sẽ tiếp tục đồng lõa với nghèo khó. Thiếu tá Vi Văn Thao đặt niềm tin vào những người trẻ sau khi anh đã dành một phần ba đời lính của mình để xây dựng nền tảng và manh nha những đổi thay ban đầu. Anh Thao và chi bộ bản Ón chắc hẳn còn trăn trở nhiều điều, nhiều việc nhưng tôi nghĩ chính yếu nhất vẫn là làm sao giúp nhân dân bản Ón tiếp tục thay đổi mình, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên khó khăn, vượt lên những lề thói cũ kỹ, như cây măng vầu, măng nứa qua thời gian ẩn mình trong đất đến lúc rũ bỏ lớp áo cũ vươn lên mạnh mẽ và kiên cường.
          

 9-2022
              N.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 156
 Hôm nay: 7629
 Tổng số truy cập: 7461860
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa