Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Hà Trung - ngày ấy... bây giờ (Ghi chép)
Hà Trung - ngày ấy... bây giờ (Ghi chép)

Cuối tháng 8 năm 1973, tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh, tôi được Ty Giáo dục Thanh Hóa điều động về dạy Văn tại trường cấp 3 Hà Trung, khi mà trường vừa chuyển về địa bàn xã Hà Bình sau những năm sơ tán vì máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Đây cũng là những ngày mà Thanh Hóa triền miên mưa, mưa đến “thối đất, nhũn cỏ”. Ngày đến nhiệm sở để trình giấy tờ và nhận công việc, đứng trước cổng trường bên Quốc lộ 1A, tôi sững sờ trước đồng nước mênh mông bao bọc hai dãy lớp học, nhìn trường như một ốc đảo. Tôi đang băn khoăn tìm cách vào trường thì rất mừng bỗng thấy từ trong trường đi ra trên một cái bè được ghép bằng mấy cây luồng có hai thầy giáo, tôi được các thầy chở vào để gặp Ban Giám hiệu trình giấy tờ và nhận kế hoạch chuyên môn.
Những ngày đầu ở trường cấp 3 Hà Trung với bao nỗi niềm của một thầy giáo trẻ mới vào nghề. Phòng ở của giáo viên thì nước tràn vào, chân giường được kê gạch mà vẫn có nguy cơ bị ngập, cá tung tăng bơi lượn như giữa ao hồ. Rồi lụt lội cũng qua đi, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Tôi được phân công chủ nhiệm lớp 8E đầu cấp và dạy Văn các lớp 8D, 8E. Lớp 8E tôi chủ nhiệm là các em ở xã Hà Ngọc, Hà Lĩnh, Hà Đông và Hà Sơn, cách trường 10 đến 12 km. Đó cũng là những năm tháng thầy trò vừa lên lớp dạy và học vừa lao động (đắp nền làm thêm lán học, đóng góp tranh tre nứa lá, làm gạch ngói…). Trường học như một công trường đang xây dựng khẩn trương và sôi động. Thương các em vừa sách vở vừa cuốc xẻng, quang gánh và cơm đùm cơm nắm ở lại buổi trưa để chiều lao động. Ngoài việc lao động ở trường, thầy trò chúng tôi còn đóng góp hàng vạn ngày công đào đắp, vận chuyển đất đá để xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ và sân vận động của huyện… Rồi những lần đi kiểm tra các tổ học tập của học sinh kết hợp thăm hỏi các gia đình phụ huynh, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của đa số bà con nhân dân Hà Trung còn nghèo khó, vất vả lắm. Từ Hà Sơn vắt vẻo tận ngã ba Bông - nơi một tiếng gà gáy cả năm huyện được nghe chung, đến vùng Phú - Hải - Toại, nơi có núi Gũ và trận bom của Mỹ dội xuống trường Hà Phú những năm sáu mươi, làm chết bao em thơ mà bia căm thù mãi còn đây, là nơi giáp Nga Sơn bằng cây cầu Báo Văn và bên kia là Hậu Lộc ngăn cách bởi sông Lèn; từ Hà Long bước qua miền núi Thạch Thành chỉ cây cầu Văn Bảo gập ghềnh, đến Hà Lan để đau đáu nhìn về cửa Thần Phù… Hà Trung có Đò Lèn, từng hiên ngang, oanh liệt và hào hùng của những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Một Hà Trung có đồi núi, có sông, có ao đầm và phần lớn là ruộng sâu, lầy thụt. Người Hà Trung chăm chỉ, cần cù, yêu làng, yêu nước, biết sẻ chia, nhân hậu. Và người Hà Trung biết tôn sư trọng đạo như một cách để giữ gìn đạo lý làm người. Cho nên con em Hà Trung chăm ngoan, ham học, hiếu học, giàu ý chí và khát vọng. Khi tôi đang viết những dòng này cũng là lúc từng khuôn mặt học sinh thân yêu hiện về sao mà nao lòng đến thế! Bây giờ thế hệ các em cũng đã lên ông, lên bà cả rồi. Vậy mà trong tôi,lại chạnh lòng bởi có những lần tôi từng xử phạt cái “đám” không nhất, không nhì mà là “thứ ba” này? Ôi, cuộc sống thật muôn màu muôn vẻ để ta yêu!
Năm 1977, tôi chuyển về dạy ở trường Sư phạm 10+3 rồi cao đẳng Sư phạm và sau này là đại học Hồng Đức. Chia tay Hà Trung với bao kỷ niệm. Bốn năm ở Hà Trung để tôi thêm hiểu và thêm yêu vùng đất và con người Hà Trung. Bốn năm dạy văn dưới mái trường cấp 3 Hà Trung là hành trình tích lũy kinh nghiệm cho tôi vững tin khi giảng dạy ở trường Sư phạm. Để sau này có dịp trở lại Hà Trung dự Kỷ niệm 40, 45, 50 năm… thành lập trường, gặp lại đồng nghiệp cũ, gặp lại học sinh cũ, vẫn nguyên vẹn trong tôi một tình yêu thuần khiết với Hà Trung, không gì có thể làm nhạt nhòa. 
Lần này, trong chuyến công tác cùng Ban Lý luận - Phê bình (Hội Văn học và Nghệ thuật Thanh Hóa) tháng 8 năm 2022, tôi trở về Hà Trung trong ấm áp nồng nàn và sự trân trọng của các đồng chí Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND huyện, Ban Tuyên giáo, Phòng Văn hóa… dành cho đoàn chúng tôi. Qua nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện và đồng chí Hoàng Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện, chúng tôi thấy được những trăn trở và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân Hà Trung trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới (huyện Hà Trung đã có 14/19 xã đạt chuẩn NTM). Đặc biệt là chuyến đi thực tế cơ sở để chúng tôi tận mắt chứng kiến những bước đi vững chắc, những đổi thay căn bản của Hà Trung những năm vừa qua.
Với tầm nhìn và lợi thế của Hà Trung, từ năm 2010 trở đi, các cấp lãnh đạo đã quyết định quy hoạch huyện theo hướng công nghiệp. Đây là một hướng đi chiến lược, đúng đắn để Hà Trung bứt phá đi lên. Trước hết là phát triển các cụm dân cư mới trong dự án quy hoạch vùng với bốn khu đô thị là Hà Long, Hà Lĩnh, Cừ và Gũ; xây dựng và phát triển các trang trại, làng nghề, doanh nghiệp để khai thác tiềm năng thiên nhiên và nguồn nhân lực dồi dào tại chỗ.
Hà Trung còn một thế mạnh nữa mà không nơi nào có được. Đó là hệ thống các di tích và cụm di tích lịch sử, văn hóa. Trong số 250 di tích thì có 9 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp tỉnh. Đền Trần ở xã Yên Dương đã được trùng tu, tôn tạo; Ly cung nhà Hồ ở xã Hà Đông; Đền Lý Thường Kiệt (đền cây thị) ở xã Hà Ngọc; Đền Cô Bơ, đền Hàn Sơn ở xã Hà Sơn trong tín ngưỡng thờ Mẫu… Người xưa có câu “Đình huyện Tống, trống huyện Nga, nhà huyện Hậu” bởi Hà Trung có đến 31 đình làng, trong đó 3 đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 24 đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu là đình Gia Miêu (Hà Long), đình Quan Chiêm (Hà Giang), đình Thượng Phú (Hà Đông)… Đặc biệt, ở Hà Long, ngoài đình Gia Miêu còn có khu Lăng Trường Nguyên, Miếu Triệu Tường là không gian thiêng, là tiếng vọng của lịch sử cùng những chuyện xưa tích cũ gắn liền với câu chuyện của một dòng họ, một vương triều. Vùng đất quý hương ấy đã từng được đón Bác Hồ về thăm năm 1947, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trồng cây lưu niệm tại Gia Miêu ngoại trang. Nơi đây từng được đón các đoàn tham quan, tìm hiểu và là nơi tổ chức các hội thảo quốc gia, quốc tế về vương triều Nguyễn… Hiện tại, Hà Long đang có những dự án hấp dẫn khi đường cao tốc hoàn thành. Đó là dự án về lúa nếp cái hoa vàng (hạt cau), dự án về khu du lịch nghỉ dưỡng, sân gôn và khu công nghệ cao. Hy vọng Hà Long, nơi phát tích của vương triều Nguyễn, sẽ là một trong những điểm sáng của Hà Trung và của cả khu vực trong tương lai. 
Huyện Hà Trung có đến ba trục giao thông chính đi qua. Đó là Quốc lộ 1A, đường sắt và tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành, một lợi thế vô cùng to lớn về thông thương, giao lưu và kết nối. Cho đến bây giờ, Hà Trung có sự hội tụ của ba yếu tố Thiên - Địa - Nhân để Hà Trung quy hoạch, đầu tư, khai thác và phát triển ngành du lịch tâm linh một cách bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh du lịch tâm linh, Hà Trung còn có nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng (Hà Lĩnh, Hà Châu), du lịch sinh thái (Hà Tân), du lịch nghỉ dưỡng (Hà Long). Vấn đề là Hà Trung cần đào tạo một đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp để đáp ứng với nhu cầu của khách du lịch thời 4.0.
Chia tay Hà Trung trong bịn rịn một chiều mưa bên chiến tích cầu Đò Lèn gợi cho tôi nghĩ về truyền thống của một huyện được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1998. Và có đến 14/19 xã cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cao quý đó. Huyện Hà Trung rất đáng tự hào về quá khứ anh hùng mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân đã tạo dựng. Ngày hôm nay, các thế hệ con cháu của nhân dân Hà Trung có quyền tự hào và cùng chung sức đồng lòng để xây dựng Hà Trung ngày càng phát triển giàu đẹp! Bất giác trong tôi cứ ngân vang câu hát từ 50 năm trước “Những ngày Hà Trung mai đây ta về ta nhớ mãi”.
        

 Hà Trung - TP Thanh Hóa 
                Tháng 9 năm 2022

                L.X.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 125
 Hôm nay: 6726
 Tổng số truy cập: 7401852
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa