Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Giao hưởng mùa xuân (Ký dự thi)
Giao hưởng mùa xuân (Ký dự thi)

Trong công việc đi, gặp gỡ, viết, có những “cơ duyên” mà chính người cầm bút chưa bao giờ nghĩ tới. Và còn hơn thế nữa, khi “gặp gỡ”, có vấn đề lại xuất hiện bất ngờ, tự nhiên, cuốn hút đến mức phải tư duy, ngẫm ngợi... 
Tôi đến với Tập đoàn Tiên Sơn từ háo hức muốn tìm hiểu hiệu quả sản xuất kinh doanh của một tập đoàn may mặc xuất khẩu có tiềm lực cơ sở vật chất đủ để sử dụng đến hàng vạn lao động. Nhưng rồi câu chuyện mà Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Trịnh Xuân Lâm trao đổi khiến tôi không thể không tìm hiểu về những bước đi trong công tác xây dựng và phát triển Đảng của tập đoàn. Đó là nền móng chủ đạo của tầm nhìn xây dựng nguồn lực, định hướng và khai thác sức mạnh tổng hợp, năng lực quyết định, nhất quán trong phát triển bền vững. Tất cả hòa phối ngân lên bản giao hưởng mùa xuân đang tới độ cao trào. Đã từng được trực tiếp nghe ông nói vài lần về hoạt động của tập đoàn, ông đặc biệt chú trọng đề cao công tác xây dựng, phát triển Đảng. Với ông đó là sự hòa quyện giữa tâm huyết, tầm nhìn, trí tuệ và tình đời. Những bắt gặp tưởng như phải soi rọi từ quyết định mang tầm vĩ mô thì ông lại tìm ra “mấu chốt” ở ngay chính sự vận hành của hệ thống chính trị đối với công việc thường xuyên của tập đoàn. Với thấu cảm đó, tôi mong muốn được tìm hiểu sâu thêm. Ông đã dành cho tôi một buổi chỉ để trao đổi, tâm sự về công tác xây dựng và phát triển Đảng trong tập đoàn kinh tế 100% vốn tư nhân. 
Bầu trời công nghiệp thị xã Bỉm Sơn đầu mùa xuân trong trẻo, tinh khôi và ấm áp. Ông tiếp tôi trong phòng khách của Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch tập đoàn. Sau vài lời thăm hỏi, ông vào thẳng vấn đề mà tôi mong muốn tìm hiểu. Xa xăm hồi tưởng lại một thời... 
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước vừa trải qua chiến tranh, đời sống vô cùng khó khăn. Để thoát nghèo, phát triển theo kịp xu hướng thời đại, nhiều cán bộ, đảng viên muốn làm kinh tế nhưng đều gặp phải những ràng buộc. Trong bối cảnh ấy, là một đảng viên, thương binh, ông đã mạnh dạn suy nghĩ và quyết tâm phải thành lập được một công ty do chính mình quản lý, điều hành. Buổi đầu khó khăn chồng chất khó khăn, khó nhất vẫn là những quy định quản lý mà chưa có căn cứ để tháo gỡ. Nhưng đã quyết tâm làm phải làm bằng được. Doanh nghiệp tư nhân - Công ty Tiên Sơn, do đảng viên là chủ doanh nghiệp, công ty TNHH đầu tiên ở thị xã Bỉm Sơn ra đời. Từ thời điểm ấy, suốt trong một thời gian dài vẫn chưa có quy định cụ thể nào mở lối, tạo điều kiện cho đảng viên được phát triển kinh tế tư nhân. Công ty sản xuất kinh doanh trong giới hạn cho phép, luôn luôn cẩn trọng, tự xem xét, nhìn nhận mọi hoạt động vì ông là một đảng viên phải làm đúng những quy định của tổ chức Đảng. 
Cho đến năm 2006, Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về đảng viên làm kinh tế tư nhân được ban hành. Đây là một quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng. Cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô, gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương. Tạo điều kiện thuận lợi cho những đảng viên có vốn, khả năng tạo vốn, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh yên tâm phát huy tiềm năng để làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. 
Sau khi thành lập, chỉ duy nhất Giám đốc công ty là đảng viên. Gần mười năm, ông vẫn phải sinh hoạt với chi bộ địa phương nơi gia đình đã từng sinh sống trước đó. Chấp hành Điều lệ Đảng, sinh hoạt để giữ gìn kỷ cương của Đảng nhưng thực ra chất lượng sinh hoạt chưa cao. Chi bộ địa phương không nắm bắt được hoạt động của công ty, ngược lại đảng viên ở công ty cũng không gắn bó là bao với công việc của địa phương nơi mình sinh hoạt. Trong bối cảnh ấy, ông suy nghĩ dứt khoát công ty phải có tổ chức Đảng thì chỉ đạo điều hành mới có hiệu quả thiết thực. Khó khăn là làm thế nào đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ. Nhận thức của người lao động về Đảng còn rất hạn chế. Người lao động chưa có ý thức phấn đấu để vào Đảng. Họ suy nghĩ đảng viên là thiệt thòi, vất vả, phải biết hy sinh, sống nhân cách gương mẫu, hay bị phê bình, mất thời gian sinh hoạt... Một vấn đề không nhỏ về tư tưởng, nhận thức mà muốn giải quyết cần phải có lộ trình thích hợp. Bước đầu, ông vận động hai đồng chí đảng viên là đồng đội cũ của ông vào làm việc ở công ty để thành lập chi bộ.
Tuy đã có chi bộ nhưng địa phương nơi công ty có trụ sở và cơ sở sản xuất, nhận thức chưa rõ lắm về hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Một số cán bộ Đảng chưa sâu, chưa sát, tư duy máy móc, hành chính đơn thuần. Cần phải chủ động xây dựng chi bộ phát triển đó là nhiệm vụ không thể chậm trễ. Khi đó, trách nhiệm của đảng viên trong việc phát triển Đảng được xác định rất cụ thể, đặt ra thành mục tiêu trong từng nhiệm kỳ. Trước hết vận động những người có nhận thức, tri thức, tâm huyết, vào Đảng. Từ các đối tượng này, tuyên tuyền, tạo niềm tin cho những nhân tố tiếp theo. Song song với trách nhiệm, quan tâm tới quyền lợi, tạo mọi điều kiện để họ được nâng cao năng lực, trình độ, tay nghề, kỹ năng quản lý, xứng tầm với những vị trí chủ chốt của bộ máy quản lý, điều hành trong dây chuyền sản xuất. Bằng cách làm này, chi bộ công ty đã phát triển đúng theo mục tiêu đặt ra.
Từ một công ty tư nhân gần 10 năm chưa có tổ chức Đảng, năm 2010 đã thành lập Đảng bộ, có 3 chi bộ trực thuộc và 30 đảng viên. Khi ấy, đó là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có Đảng bộ trực thuộc Thị ủy thị xã Bỉm Sơn. Đến thời điểm hiện nay Đảng bộ Tập đoàn Tiên Sơn đã có 64 đảng viên. Họ đã thể hiện được vai trò và trách nhiệm trong mọi lĩnh vực hoạt động của tập đoàn. Lập trường, tư tưởng vững vàng, tin tưởng, hứng khởi, lan tỏa sâu rộng trong quần chúng lao động. Hầu hết cán bộ chủ chốt đều là đảng viên. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 100 đảng viên. Tất cả cán bộ từ tổ phó sản xuất trở lên đều phải là đảng viên. Đảng bộ phải hỗ trợ thật hiệu quả cho sản xuất kinh doanh. Tạo được mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa tìm hiểu, rút kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng để thành lập và phát triển tổ chức Đảng trong đơn vị mình. 
Ông say sưa trao đổi. Tôi như được cùng ông ngồi trên một con thuyền căng buồm lộng gió thẳng hướng tới chân trời, một chân trời mà trong bình minh rựng đỏ, đang rung ngân tha thiết những âm hưởng nước non vững bền rộng dài đất mẹ yêu thương. Nhìn lên tấm bản đồ Thanh Hóa, gần hai chục nhà máy may của Tập đoàn Tiên Sơn đã và đang phát triển đến các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa của tỉnh, niềm tin yêu khi lao động của vùng cao đang trở thành những công nhân nhà máy, đời sống bà con nơi khó khăn đang khá lên rõ rệt. Phấn chấn quá, tôi hỏi luôn:
- Theo ông, muốn xây dựng và phát triển tổ chức Đảng nơi các nhà máy của tập đoàn ở tận vùng sâu, vùng xa thì điều cốt yếu là gì?
- Để phát triển Đảng phải có các đoàn thể mạnh. Đoàn thể muốn mạnh phải có được sức sống mạnh mẽ và sự chung tay từ mỗi thành viên trong đoàn thể đó. Đây là điều kiện cơ bản, tiên quyết rất lô gíc trong quá trình xây dựng phát triển Đảng nói chung và Đảng trong doanh nghiệp nói riêng. Tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ là nơi giáo dục nhận thức, cung cấp, giới thiệu nguồn cho Đảng. Và chính nguồn lực này góp phần làm gắn kết, hỗ trợ, nâng cao đời sống và trình độ của người lao động, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống chính trị.
Muốn tạo được sự phát triển đồng bộ, bền vững của đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng, rất cần có cơ chế chính sách bình đẳng cho cán bộ của các tổ chức trong doanh nghiệp tư nhân và các đơn vị khác, đặc biệt quan tâm các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa. Bình đẳng về đào tạo nguồn, về quy hoạch phát triển, cơ cấu cán bộ trong hệ thống chính trị. Cần có sự chuyển biến về nhận thức, đổi mới tư duy trong tư tưởng chỉ đạo và quá trình thực hiện. Một vấn đề nữa cũng cần được chú trọng đó là: Khi mà những người đứng đầu của các doanh nghiệp là đảng viên thì việc thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp đã có nòng cốt và điều kiện thuận lợi để thành lập. Nhưng khi doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, người đứng đầu doanh nghiệp ấy chưa phải là đảng viên thì khởi động từ đâu, lộ trình như thế nào để giáo dục nhận thức, quan tâm theo dõi, uốn nắn, giới thiệu họ với tổ chức Đảng? Đây chính là “điểm mở” thực sự khó khăn khi thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp. Vấn đề này cần được nắm bắt, đi sâu đi sát, có giải pháp và hướng dẫn cụ thể.
Tôi ghi chép liên tục những điều ông nói. Hàng loạt vấn đề căn cốt, đường lối, bài bản mà ông chiếu rọi, tìm cách thực hiện trong tập đoàn thật hiệu quả. Tất cả như đang tự tấm lòng, con tim và khối óc của ông chín nhuyễn vào thực tế cuộc sống sôi động, phong phú muôn màu. Được cuốn hút vào mạch đời, mạch sống của ông, tôi mạnh dạn tìm hiểu sâu hơn tâm huyết, tầm nhìn của ông với xã hội, với cộng đồng:
- Với những thành công bước đầu trong công tác xây dựng và phát triển Đảng ở Tập đoàn Tiên Sơn, ông sẵn sàng chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm cho gần ba vạn doanh nghiệp ngoài quốc doanh của tỉnh mình chứ?
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 đã mở đường khai sáng không chỉ cho Đảng bộ Tập đoàn Tiên Sơn mà từ Nghị quyết này các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng đường lối phát triển công tác Đảng cho doanh nghiệp của mình. Những năm gần đây, do xu hướng phát triển kinh tế nên phần lớn đoàn viên thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông đều đi học tiếp đại học, cao đẳng, học nghề hoặc tham gia lao động tại các công ty, nhà máy. Lực lượng đoàn viên thanh niên còn lại ở địa phương hầu như không đáng kể. Vì thế đối tượng phát triển Đảng chủ yếu là ở khu vực lao động thoát ly khỏi nông thôn. Tỉnh Thanh Hóa hiện nay có khoảng gần ba vạn doanh nghiệp. Giả sử chỉ cần một phần ba trong số doanh nghiệp đó có tổ chức Đảng và mỗi tổ chức Đảng có vài chục đảng viên là chúng ta đã có khoảng gần hai mươi vạn đảng viên. Một số lượng rất đáng suy ngẫm trong công tác phát triển Đảng. Đây không chỉ là hạt nhân tư tưởng, giữ vai trò chủ đạo trong doanh nghiệp mà còn là hạt nhân của cộng đồng, của xã hội để ổn định, vận động quần chúng xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay, rõ ràng sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng là hạt nhân cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, và là lòng tin gắn bó mật thiết giữa Đảng với người lao động. Từ đó mà có được những quan điểm, xác định cơ chế, định hướng phù hợp với thực tiễn vận hành kinh tế. Cũng chính từ đó làm nền tảng cho công tác xây dựng Đảng ở cơ sở có chiều sâu, nâng cao tầm nhận thức và tri thức của người lao động. Vì thế phải hết sức chủ động, sáng tạo, linh hoạt. Với đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân có khi học chỉ mới “có một” nhưng phải từ bề dày thực tiễn đã trải nghiệm mà tư duy sáng tạo “đến mười”. Khi mà nhận thức cơ bản chưa sâu sắc, người lao động thường so đo được mất, đó cũng là lẽ đương nhiên. Cái được, cái mất tùy thuộc vào suy nghĩ của từng cá nhân. Nhưng khi được gần gũi, phân tích, cởi mở họ sẽ nhận ra mục tiêu chung. Nếu như trước đây người lao động trong doanh nghiệp thường hỏi: Vào Đảng được gì? Thì sau khi vào Đảng lại là câu hỏi: Vào Đảng mất gì? Qua thăm dò thực tế, đa số đều có câu trả lời: Vào Đảng không mất gì! Vào Đảng được nâng lên về nhận thức, năng lực, trình độ, nhân cách con người. Được hạnh phúc khi là người biết quan tâm, chăm lo cho đồng nghiệp, cộng đồng. Được tự hào trong truyền thống gia đình, họ hàng, dòng tộc, dân tộc. Đó là thực tiễn từ Đảng bộ Tập đoàn Tiên Sơn. Tin rằng đây là bài học cho những doanh nghiệp đang mong muốn làm tốt công tác thành lập, xây dựng và phát triển Đảng trong đơn vị mình và cho các cơ quan Đảng, người làm công tác Đảng, cán bộ Đảng ở các cấp.
Căn phòng như nghiêm trang hơn, chúng tôi cùng lặng lẽ. Tôi thấu cảm sâu sắc những điều vừa được nghe. Tôi cảm phục nhìn ông. Hình như trong tâm tư người Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Tập đoàn này đang dâng lên những mầm nụ sinh sôi tươi non lắm, tin yêu lắm... Tiếng vọng đều đều từ các phân xưởng may êm nhẹ lan lan nhịp điệu khơi mở thao thiết của mùa xuân. Ông nhìn tôi, cái nhìn như đang nói với lòng mình: Mỗi thực thể, hệ thống được sinh ra, thiết lập, tồn tại và phát triển chính là biết tự ý thức, phối sinh và vận động không ngừng trong một hợp giao chỉnh thể. Dù là bộ nhạc cụ nào đi nữa, khi trong dàn giao hưởng, phải luôn luôn vang được nét riêng của âm giai bản thể trong cung bậc thăng trầm của hiệu ứng hòa âm. Ông sinh ra, lớn lên trong nghèo khó và chiến tranh nên bây giờ ông đau đáu khát vọng lo cuộc sống của từng người lao động, dành cho họ gần ngàn tỷ đồng thu nhập hàng năm, góp phần dựng xây quê hương, đất nước mạnh giàu. Ông, người đảng viên “chỉ huy dàn nhạc giao hưởng”. Hơi thở hàng vạn lao động trong ông, hơi thở ông trong hàng vạn lao động. Đó là bản giao hưởng mùa xuân cảm hứng nhất, sức sống nhất, tin yêu nhất mà mỗi thực thể, hệ thống luôn luôn ươm dưỡng trong mình.
Cảm ơn, tạm biệt Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch tập đoàn Trịnh Xuân Lâm, trên đường trở về thành phố quê hương, tôi cứ dâng dâng tâm tưởng mạch đời: Giao hưởng mùa xuân sức mới Tiên Sơn, đang vẫy gọi những niềm tin bờ bến...
                

T.P Thanh Hóa, 1-2023
            V.Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 815
 Tổng số truy cập: 7484671
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa