Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Vượt lên “sóng cả” (Ký dự thi)
Vượt lên “sóng cả” (Ký dự thi)

Bộ đội biên phòng nơi núi rừng trập trùng, là điểm tựa để bà con xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chung lòng bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc. Còn với bộ đội biên phòng biển, vượt qua những gió to sóng cả, có khi họ chấp nhận đánh cược mạng sống của mình, vì sự bình yên, an toàn của nhân dân, Tổ quốc. Để hiểu hơn về công việc thầm lặng của những người lính biển chúng tôi về với đồn Biên phòng Sầm Sơn vào một ngày cuối tháng ba giữa tiết trời oi ả nắng.
Gần ba mươi cây số bờ biển trải dài từ Sầm Sơn đến Quảng Xương, bộ đội biên phòng Sầm Sơn từng ngày, từng giờ đảm bảo an ninh trật tự trên bờ khi “trời yên bể lặng”, vượt qua sóng to gió lớn cứu hộ, cứu nạn khi biển làm mình làm mẩy mỗi đợt thiên tai. Với gần ba nghìn phương tiện hoạt động đánh bắt trên biển cùng với đó là cả nghìn con người đang phiêu lưu mưu sinh, rủi ro chưa lúc nào buông tha kiếp người kẻ biển. Hơn sáu mươi năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Sầm Sơn luôn sát cánh cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, cùng vượt qua bao lần “sóng cả”, để hôm nay khi trở lại tôi vẫn cảm nhận được một Sầm Sơn yên bình với hình ảnh hàng trăm con tàu nằm gối đầu vào bờ thiêm thiếp mùa nước sinh, vẫn một Sầm Sơn trong trẻo và an nhiên đến lạ.
Đồn Biên phòng Sầm Sơn được bao quanh bởi những hàng phi lao xanh ngắt, một vị trí đắc địa không chỉ đầy nắng, gió và tiếng sóng dập dìu mà từ đồn phóng tầm mắt sẽ cho một góc nhìn bao quát đảm bảo về nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Trung tá Lê Anh Sơn - Trưởng đồn đón tiếp chúng tôi với nụ cười tươi rói. Tôi ngỏ ý muốn nghe bí quyết nào giúp các anh cùng lúc vừa đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên bờ vừa lo toan công việc cứu hộ, cứu nạn ngoài khơi. 
Với chất giọng sang sảng của một người lính biển, Trung tá Sơn ví von: “Chúng tôi là những con người hai trong một”. Việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn luôn được đồn biên phòng ưu tiên hàng đầu. Đồng thời đồn luôn chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đơn vị đã xây dựng và tập luyện những tình huống giả định sát với tình hình thực tế để khi có sự việc xảy ra, luôn sẵn sàng trong mọi tình huống, tránh không để bị “đánh úp” hay bất ngờ. “Đấy có phải là “hai trong một” không phóng viên?” - Anh Sơn hỏi lại chúng tôi.  
- Anh nói chuyện nghe hay quá. 
- Sao bằng các nhà báo được. Lính chúng tôi nghĩ sao nói vậy. Bão đến, đó là lúc bộ đội biên phòng biển vất vả nhất. Trạm, đồn, phối kết hợp với chính quyền địa phương, với gia đình có người đi biển, kêu gọi tàu thuyền về nơi cư trú bão. Phải biết từng tàu thuyền đang đánh bắt ở tọa độ nào để hướng dẫn họ không đi vào vùng nguy hiểm. Giữ vững liên lạc với các tàu thuyền, trực chỉ huy, trực sẵn sàng ứng cứu 24/24 giờ trong suốt thời gian có bão. Vào những ngày không có mưa bão, đồn giao cho cán bộ địa bàn nắm bắt tình hình hoạt động của ngư dân, nếu có trường hợp tai nạn lao động trên biển cần phải ứng cứu lập tức báo về đồn để Ban Chỉ huy chỉ đạo, lên phương án ứng cứu… 
Như để dẫn chứng cho lời mình nói, đồng chí Đồn trưởng vồn vã với dáng người vừa xuất hiện, Thiếu tá Trương Xuân Thanh, nhân viên đội vận động quần chúng, là người thường xuyên tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. 
Thanh sinh ra ở vùng đất Hoằng Hóa, nổi tiếng là đất học, là nơi có nhiều nhân tài xứ Thanh. Năm 1998 Thanh nhập ngũ, một năm sau đó nhận công tác tại Tiểu đoàn cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa. Năm 2000 được điều về đồn Biên phòng Sầm Sơn. Năm 2018 công tác tại Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn. Năm 2019 quay lại đồn Sầm Sơn thuộc biên chế đội vận động quần chúng cho đến nay. Hoằng Phụ, Sầm Sơn hay Nghi Sơn thì đều có sóng, có gió, có vị mặn mòi của biển, có lẽ Thanh không thể rời xa biển quá lâu được, bởi từ sâu trong trái tim Thanh như thấy biển luôn vẫy gọi anh về. 
- Trải qua nhiều vị trí, đơn vị công tác, vậy theo Thanh nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn có điều gì đặc biệt hơn so với các nhiệm vụ khác? 
- Cứu hộ, cứu nạn thì bất kể giờ giấc, ngày đêm, không có khái niệm nghỉ ngơi, mùa biển lặng cũng như mưa bão, chỉ cần nhận được yêu cầu kêu cứu là chúng tôi lên đường làm nhiệm vụ. Mà nhiệm vụ thì không phải lần nào cũng giống lần nào. Đặc thù của cứu nạn, cứu hộ là phải nhanh, chính xác, bởi phải giành giật sự sống từng giây, từng phút mà trên biển đôi khi không thể lường trước được mọi vấn đề có thể xảy ra. Đối với việc cứu nạn, cứu hộ ngư dân hoạt động trên biển, một mặt bộ đội biên phòng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình. Mặt khác phải dựa vào tai mắt của ngư dân khi có vấn đề tàu thuyền gặp nạn, nhận được tin báo nhưng chưa thể ra ứng cứu kịp phải liên hệ với tàu gần nhất để kết nối giúp đỡ nhau. Cứu hộ, cứu nạn là công việc nguy hiểm, do đó, không riêng gì tôi mà mỗi cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Sầm Sơn đã trang bị cho mình bản lĩnh vững vàng, lòng dũng cảm, ý chí vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, cứu dân như cứu chính người thân của mình. Với tinh thần đó, nhiều vụ việc ngư dân gặp nạn trên biển đều được đơn vị ứng cứu kịp thời…
- Vụ việc nào mà Thanh nhớ nhất? Tôi thấy khá ấn tượng với những câu trả lời kiểu báo cáo soạn sẵn của các đồng chí bộ đội.
Dạo quanh khuôn viên đơn vị một vòng chúng tôi quay trở lại điểm xuất phát nơi chiếc ghế đá đặt dưới gốc cây vú sữa bên trên lúc lỉu những quả và cành lá xum xuê, những nhánh phong lan rừng đung đưa trong gió như mời gọi. Là người gắn bó với công tác cứu hộ, cứu nạn đã nhiều năm, có lẽ vụ việc mà Thanh nhớ nhất là lần đầu tiên suýt chết đuối, cũng may là “con nhà nòi”, lại có “võ biên phòng” không thì đã thành người thế vai. Hè năm 2005 được đơn vị cử ra tăng cường trong nhiệm vụ vừa đảm bảo an ninh trật tự trên bờ vừa trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có người tắm biển gặp sự cố. Chiều Sầm Sơn đầy nắng và gió, người đông như nêm, người ta thi nhau lao mình ra biển, đắm mình vào những con sóng bạc đầu. Trong hàng vạn người chen chúc nơi bờ biển vẫn hiện hữu những người lính mang quân hàm xanh luôn mang tâm thế “phòng xa” điều bất trắc nào đó xảy ra với những người thích thử sức mình trước những con sóng lớn, những vũng nước sâu. Như mọi ngày, những sải chân đang bước đều trên cát, bỗng anh đứng khựng lại, nhoài người về phía trước, ánh mắt chăm chăm nhìn về phía cột phao giới hạn, có một người cách cột phao độ chục mét đang chới với, dập dờn theo từng đợt sóng lên xuống và ngày một ra xa hơn. Không đắn đo suy đoán gì thêm, anh bỏ giày lao mình xuống nước, bơi hết lực vượt qua đầu những ngọn sóng. Bơi ra đến nơi thì không thấy người nữa, anh đoán chắc nạn nhân đang chìm. Sau ba hơi lặn anh đã phát hiện ra nạn nhân, một người phụ nữ, tay chân vẫn đang quẫy đạp nhưng có vẻ yếu dần. Không thể tiếp cận trực tiếp được do mực nước sâu nên phải lặn xuống, định đưa tay đỡ lấy lưng và chân nạn nhân đẩy vào. Nhưng người bị đuối nước trong cơn hoảng loạn đã bám được vào ống quần và ra sức kéo anh xuống để có đà ngoi lên mặt nước. Anh bị kéo chìm cùng nạn nhân, buộc phải bỏ quần vì nạn nhân túm rất chắc. Anh vội vàng ngoi lên để thở, nhưng không bỏ cuộc vì chứng kiến cảnh một người ngay trước mắt mình vẫy vùng giành giật sự sống, lương tâm anh không cho phép mình từ bỏ. Trong chốc lát anh lại lặn xuống và lần này thì nạn nhân đã không còn vùng vẫy nữa, trên tay vẫn nắm chặt ống chiếc quần của anh. Nhanh chóng lại gần anh túm tóc và kéo nạn nhân lên khỏi mặt nước. Vừa kéo vừa cố bơi vào bờ nhanh nhất có thể nhưng vì mất sức quá nhiều nên khi bơi qua phao giới hạn được vài chục mét thì anh thấy khó thở và đuối dần, may thay lúc đó những du khách tắm gần đó đã lao ra đưa anh và nạn nhân vào bờ, cả hai được cấp cứu kịp thời nên nghỉ ngơi vài hôm là khỏe lại. Thanh kể với chúng tôi còn có thêm một cái may nữa là không bị kỷ luật, vì theo nguyên tắc nếu cán bộ chiến sĩ để mất quân trang, quân dụng, súng ống, đạn dược thì tội rất nặng. Bộ đội họ thế đấy, kể chuyện sống chết mà vẫn lạc quan, hài hước, cứ nhẹ như không vậy. Có lẽ chỉ tính mạng nhân dân, lãnh thổ quốc gia, dân tộc mới là quan trọng nhất. 
Tôi hỏi thêm:
- Lao mình ra biển vào những ngày sóng to gió lớn như vậy Thanh sợ không? 
- Khi phải nhiều lần trực tiếp chứng kiến những ánh mắt cầu cứu của ngư dân bị nạn, hay nước mắt của người thân các ngư dân, tôi cũng như đồng đội không cho phép bản thân bỏ cuộc, càng không được có một giây phút nào sợ hãi. 
Có lẽ, với Thanh điều gây ám ảnh nhất chính là việc phải chứng kiến những người gặp nạn ngay trước mắt mà bản thân “Lực bất tòng tâm”. Đơn giản anh cũng như những người lính nơi biển cả chỉ có một nguyện vọng: “Biển lặng sóng, người đi biển được bình an, du khách đến tắm biển được an toàn” quả thật sự bình yên của biển cả, sự an toàn của ngư dân chính là nỗi mong ngóng hàng ngày, hàng giờ, là tâm niệm của bất cứ người lính nào làm công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Chưa kể, ngoài cứu ngư dân gặp nạn trên biển các anh còn lai dắt tàu hỏng chết máy vào bờ, sơ cấp cứu tai nạn nghề nghiệp trên biển cho các thuyền viên… còn nhiều, nhiều nữa những hoạt động cứu hộ, cứu nạn mà những năm qua cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Sầm Sơn đã và đang làm góp phần củng cố lòng tin để nhân dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Dọc theo quốc lộ ven biển, Thanh đưa chúng tôi tới nhà một ngư dân khu phố Hồng Hải, phường Quảng Vinh, thăm anh Văn Đình Quý, một trong những người được các chiến sĩ đồn Biên phòng Sầm Sơn kịp thời cứu giúp trong một lần vỡ bè. Anh Quý bồi hồi nhớ lại ngày định mệnh đó, ngày 22 tháng 6 năm 2022, một ngày như bao ngày khác tôi cùng một người anh lên bè mảng của gia đình ra khơi vào lúc bắt đầu một ngày mới. Anh em ngư dân chúng tôi ra khơi với một tâm thế vô cùng phấn khởi, lòng phơi phới niềm tin về một chuyến bội thu. Bốn đến năm tiếng vật lộn với biển cả, sáng sớm hôm sau trở về không ngoài sự mong đợi thu hoạch được rất nhiều hải sản, chúng tôi háo hức chạy đua với thời gian để về kịp chuyến chợ buổi sáng. Bỗng cách bờ khoảng 200m nhìn từ phía đông, mây đen ùn lên, bầu trời phút chốc đen kịt. Gió rít ào ào trên mặt sóng, rồi một cơn mưa ào tới rất nhanh. Những giọt mưa to quất ào vào mặt, vào người đau rát. Mặt biển gầm gào liên tiếp những cột sóng dựng ngược. Bè mảng lắc mạnh trườn lên trên cơn giận của biển. Chiếc bè mảng vốn nhỏ nhoi, trước cơn cuồng nộ của sóng nó lại càng trở nên yếu ớt, mỏng manh, lúc đó tiếng sóng át cả tiếng động cơ rồi âm thanh “Bùm… bùm” vang lên chiếc bè mảng bị phá tan nát ra từng mảnh, chúng tôi rơi xuống biển. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” tôi thực sự không biết tiếp theo sẽ phải làm gì, trong đầu hoàn toàn trống rỗng. Thấy bình đựng nước ngọt trôi trước mặt tôi vội vàng ôm ngay lấy làm phao cứu sinh cho mình và tiếp tục tìm người đi cùng, tôi gọi tên nhưng không đọ lại được với âm thanh của sóng cả, 30 phút lênh đênh trên biển chúng tôi mới tìm thấy nhau. Gặp được nhau không cần biết sẽ sống hay chết nhưng chúng tôi phần nào được an ủi, không phải lẻ loi. Tôi hỏi xem anh có bị thương chỗ nào không? Trên gương mặt phờ phạc của anh toát lên sự lo lắng và sợ hãi, anh sợ đội cứu hộ sẽ không tới kịp, vậy ai sẽ cứu tôi và anh? Tâm trạng tôi lúc đấy cũng không khác gì anh và chân tôi có những lúc tưởng chừng như tê liệt, nhưng lý trí không cho phép tôi được một phút giây nào yếu đuối. “Bám chắc vào” - tôi cố nói to như hét nhằm át đi sự bấn loạn đang hiện rõ trên mặt người anh của mình. Khi thấy bè có hiện tượng bị sóng đánh dồn dập không chạy được vào bờ, tôi hoảng loạn và lập tức gọi về cho đồn Biên phòng Sầm Sơn nhờ ứng cứu. Nhận được tin báo các anh khẩn trương lên phương án ứng cứu cụ thể, cho tàu ra ngay và liên hệ với các tàu thuyền đánh bắt gần đó ứng cứu kịp thời. Tàu vừa ra khỏi đã bắt đầu tăng tốc, chiếc tàu xé sóng lao về phía trước, các chiến sĩ đồn Biên phòng Sầm Sơn không mất nhiều thời gian đã tới nơi. Nhìn phía trước xa xa thấy bóng dáng các anh nỗi bấn loạn trong tôi dường như tan biến, nhất định bằng mọi cách các anh sẽ cứu được, các anh như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Do sóng to nên việc tiếp cận ngay được chúng tôi là không thể, các anh lập tức quăng áo phao, dây thừng xuống để chúng tôi có chỗ bám không bị chìm rồi dùng xuồng cao su để giải cứu chúng tôi. Nhưng sóng quá to, xuồng bị lật cứu hộ không thành các chiến sĩ bơi quay trở lại tàu và lên phương án khác. Sau hơn hai giờ đồng hồ với nhiều lần tiếp cận không thành, hai chiến sĩ phải trực tiếp bơi ra chỗ chúng tôi để tiếp cận và huy động máy kéo tời cùng sự giúp sức từ các phương tiện gần đó mới có thể đưa chúng tôi lên tàu cứu nạn, lai dắt phần bè mảng có gắn đầu máy vào bờ được. Đưa lên tàu cứu hộ các anh tiến hành sơ cứu, khám xét tổng thể, ủ ấm, bổ sung dinh dưỡng và không quên động viên chúng tôi, rồi nhanh chóng đưa vào bờ an toàn. Sóng đánh vỡ bè mảng không thể sửa chữa, hải sản và ngư lưới cũng mất hết, thiệt hại của gia đình lên tới một trăm năm mươi triệu đồng, nhưng “còn người là còn của” tôi thấy mình vẫn còn may mắn lắm. Hôm nay còn sống, còn tiếp tục được đi biển, còn sum vầy được với gia đình tôi mang nặng ân tình của Bộ đội Biên phòng Sầm Sơn, thực lòng tôi biết ơn các anh ấy vô cùng. Có lẽ tôi cũng như ngư dân miền biển vẫn đủ can đảm để tiếp tục vươn khơi, bám biển một phần vì trong thâm tâm luôn tin tưởng có sự đồng hành của Bộ đội Biên phòng. 
Nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của ngư dân luôn có tư tưởng bám trụ lại tàu bảo vệ tài sản mỗi khi có sóng to, gió lớn, trước và sau thiên tai, đồn Biên phòng Sầm Sơn thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi cho ngư dân; Cử cán bộ đến tận các tàu, thuyền để tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ gấp; Phối hợp với lực lượng quân sự, công an tuyên truyền về nội dung tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển; Tới các nhà trường tuyên truyền cho các cháu học sinh… Chính bằng sự nhiệt tình của các chiến sĩ giúp ngư dân dần thay đổi nhận thức và thói quen. Ngư dân sớm đưa tàu thuyền đi tránh trú bão, bảo đảm an toàn mỗi mùa mưa bão, trước mỗi chuyến đi biển còn kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện và đi đúng lạch, đúng tuyến. 
Trung tá Lê Anh Sơn, nhấn mạnh: “Để ứng phó với mùa mưa bão sắp tới, năm nay khác với những năm trước đồn thực hiện đề án của UBND tỉnh “Nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển”. Đồn tham mưu cho thành phố Sầm Sơn và huyện Quảng Xương thành lập hai đội thường trực, hai đội tàu thuyền tìm kiếm cứu nạn và 14 đội xung kích, trong đó bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt. Ngoài ra các xã, phường thành lập hai đội du kích, trong đó có cán bộ địa bàn của biên phòng tham gia vào đội trong phạm vi cấp phường, xã trên biển. Khi có thiên tai cán bộ của đồn thông tin tình hình mưa bão và kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện vào nơi tránh trú an toàn, cùng với địa phương kiểm đếm. Cấm phương tiện xuất lạch trong thời tiết nguy hiểm. 
Chia tay những người lính đồn Biên phòng Sầm Sơn, trong tôi chộn rộn những cảm xúc. Dù phải đối mặt với biết bao khó khăn, gian nan, hiểm nguy nơi “đầu sóng ngọn gió” nhưng những người lính quân hàm xanh vẫn luôn dũng cảm, kiên cường vượt qua “sóng cả”, trở thành điểm tựa, ngọn hải đăng cho ngư dân trong những chuyến vươn khơi bám biển. Với phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, các anh đang thầm lặng ngày đêm chắc tay súng canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, đem lại sự bình yên cho cuộc sống của người dân. Nghĩ về những người lính biên phòng tuyến biển, bất chợt trong tôi ngân nga những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thuỳ Dương: “Giữa gió mây, giữa biển cả xa vời/ Chắc tay súng anh ngày đêm đứng gác/ Vẫn rì rào muôn trùng con sóng bạc/ Khúc quân hành biển cả hát cùng anh”. 
          

     L.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 2448
 Tổng số truy cập: 7486304
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa