Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Về Hậu Lộc (Ghi chép)
Về Hậu Lộc (Ghi chép)

Buổi sáng cuối xuân nhưng khí trời vẫn còn tươi mát, xe đưa đoàn chúng tôi - Ban Lý luận phê bình, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa về thăm huyện Hậu Lộc. Trên con đường Quốc lộ 10 láng bóng, rộng rãi, xe cộ đi lại nhộn nhịp, tấp nập. Các loại xe từ huyện tỏa ra, từ các nơi đổ về huyện, mới thấy vai trò to lớn của giao thông vận tải, như máu chảy về tim, lưu thông kinh tế, mở mang văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Hai bên đường, lúa đương thì con gái xanh mướt mát trải dài, mơ màng trong sương sớm. Xe nhịp nhàng qua cầu Sài, một cây cầu cổ xưa làm đường biên với huyện Hoằng Hóa. Ở đây có đặc sản dắt, phi nổi tiếng một thời, đã từng là quà tiến vua, niềm tự hào của người dân Hậu Lộc. Qua chợ Phủ, dấu tích của huyện lỵ thời xưa, người mua bán sầm uất, tấp nập. Có nhà kinh tế học đã nói rằng, đánh giá kinh tế một vùng quê, hãy nhìn vào cái chợ sẽ biết.
Trục đường 10 nối dài từ huyện Hoằng Hóa đi các huyện vùng Đông Bắc tỉnh Thanh, Hậu Lộc, Nga Sơn. Dân cư hai bên đường, biệt thự ken dày đẹp như phố thị. Sự phong lưu, sáng sủa trong cuộc sống của người dân lộ ra cả hai bên đường, thật đáng mừng. Các siêu thị, cửa hiệu, hàng hóa tràn ngập, bắt mắt tràn cả ra bên đường. Trong niềm vui lâng lâng, xe đưa chúng tôi vào sân huyện ủy Hậu Lộc, một khuôn viên rất hiện đại tọa lạc ngay bên dòng kênh nước hiền hòa, trong xanh tạo nên vẻ đẹp nên thơ, trữ tình. Công sở khang trang, thanh thoáng, là điều kiện rất quan trọng giúp cho công việc được trôi chảy, hanh thông. Và cũng tạo ấn tượng đẹp trong lòng khách. 
Tiếp chúng tôi là ba “Nữ tướng” xinh đẹp, năng động của cơ quan huyện: Đồng chí Phạm Thị Hường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Đồng chí Vũ Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện; Đồng chí Chung Thị Đài - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, cùng các đồng chí trưởng ban ngành như: Văn hóa - xã hội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ba đồng chí lãnh đạo nữ làm tôi liên tưởng đến Bà Triệu Thị Trinh, nữ anh hùng dân tộc của xứ Thanh, với ý chí kiên cường, mạnh mẽ, Bà đã cưỡi voi ra trận đánh tan giặc phương Bắc xâm lấn bờ cõi nước ta. Các nữ lãnh đạo tài ba, quyết đoán, tác phong làm việc khoa học nhưng cũng không mất đi vẻ mền mại, duyên dáng của phái đẹp, thât xứng đáng là con cháu của Bà Triệu. 
Từ thời Trần, Hậu Lộc có tên là Thống Bình, thời thuộc Minh có tên là Tống Ninh, sang thời Hậu Lê đổi ba lần Thuần Hựu, Thuần Lộc, Phong Lộc. Từ thời Minh Mạng thứ hai (1811), đổi thành Hậu Lộc cho đến nay. Hậu Lộc chia thành ba vùng: vùng đồi, vùng đồng bằng và vùng biển; được tưới tắm bởi bốn con sông chính: sông Lèn, sông Lạch Trường, sông Trà Giang và sông De. Diện tích 114,6 km2, có 12 ki lô mét bờ biển, với cửa biển Lạch Sung, Lạch Trường, thân tựa vào dãy núi Trường. Cửa Lạch Trường, thời cổ đã là một thương cảng lớn của Ái Châu, một thắng cảnh có tiếng trong khu vực. 
Huyện Hậu Lộc ngoài khu công nghiệp Đa Lộc với quy mô khoảng 250 héc ta và 9 cụm công nghiệp. Đây là điểm nhấn về kinh tế công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho con em trong và ngoài huyện. Một vùng quê với sức vóc trẻ tráng đang vươn mình, tiếp nhận cái mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 
Đó là những thông số biết nói, tạo nên diện mạo một vùng địa lý kinh tế đang ăn nên, ngành nghề phương trưởng có tác dụng lớn trong việc an dân. Nguyện ước của người dân là được tạo công ăn việc làm và có một cuộc sống tốt đẹp cùng gặp gỡ khát vọng chăm lo, vỗ về nhân dân của các cấp lãnh đạo. Đó là điều đáng mừng. Người Hậu Lộc vốn có truyền thống yêu nước, trọng nghĩa, thuần hậu, siêng năng, cần cù trong lao động. Bên cạnh đó người dân nơi đây cũng rất hiếu học, những thành tích trong học tập của các cấp học của Hậu Lộc luôn được duy trì ở tốp cao của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác y đức chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, xây dựng nông thôn mới của huyện cũng đạt được nhiều thành quả tiêu biểu,...
*
Xe đưa đoàn chúng tôi mục sở thị một số địa chỉ kinh tế, văn hóa, quốc phòng của huyện nhà. Điểm đầu tiên là thăm khu tưởng niệm Mẹ Tơm ở xã Đa Lộc. Đây là địa chỉ văn hóa trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa và quê hương Hậu Lộc. Mẹ Tơm, người phụ nữ vùng biển nghèo khổ, giác ngộ cách mạng, đã bảo vệ, che chở cán bộ hoạt động cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp trước 1945. Mẹ là biểu tượng cao đẹp về tình quân dân “cá - nước”. Địa phương đã dành một quỹ đất vuông vức, cao ráo để xây cất lăng mộ Mẹ và những người thân của Mẹ. Trong không khí thành kính thiêng liêng, khói hương thơm ngát, mọi người nghiêm trang cúi đầu tưởng niệm, tri ân sâu sắc trước mộ Mẹ. Chúng tôi thật sự xúc động khi đứng trước mộ Mẹ và những người thân của Mẹ...
Bên hàng cây cao tỏa bóng mát rượi, bầy chim non ríu rít, cách đó không xa là trường tiểu học, giờ ra chơi, các cháu nô đùa vui vẻ. Cuộc sống thanh bình quá! Bên mộ Mẹ, chúng tôi càng thấm thía công đức, sự hy sinh của Người. Nhà tưởng niệm Mẹ bên lối đi đối diện. Ngôi nhà khiêm nhường nép mình dưới tàng cây cổ thụ xanh mát. Bức tượng Mẹ mới được các nhà văn, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội tặng. Bức tượng sống động, gần gũi và rất có hồn. Mỗi hiện vật đều như nhắc lại cuộc đời yêu nước của Mẹ, lịch sử quê hương, một tình cảm thân thương trào dâng trong lồng ngực khi mọi người đứng trước bài thơ “Mẹ Tơm” của nhà thơ Tố Hữu, người cán bộ hoạt động cách mạng trong những tháng ngày gian khổ được Mẹ Tơm nuôi giấu dưới hầm bí mật. 
Rời khu tưởng niệm Mẹ Tơm, chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng Đa Lộc cùng nằm trên địa bàn xã Đa Lộc. Đường ven biển lộng gió, những cánh đồng tôm, cua lấp loáng ánh bạc dưới nắng sớm. Ngư dân nuôi trồng hải sản bằng công nghệ hiện đại mang lại năng suất cao. Xen kẽ là rừng phi lao mát rượi vừa có tác dụng giữ đất chống xói mòn vừa bình ổn môi sinh. 
Đồn Biên phòng Đa Lộc thật khang trang, sạch đẹp. Khu nhà hai tầng to đẹp tọa lạc trên khu đất thoáng đãng, tầng một là nơi hội họp, tầng hai là các phòng làm việc của Ban Chỉ huy. Nhà ăn, nhà sinh hoạt, nhà kho khí tài... lại có cả một vườn rau xanh tươi, chuồng trại nuôi gà, lợn,... cải thiện đời sống bộ đội. Tất cả đều gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Chúng tôi được Ban Chỉ huy Đồn báo cáo nhanh một số điểm chính về công tác bảo vệ an ninh, chủ quyền biển... Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đồn trưởng, người sĩ quan chỉ huy với cặp kính cận dáng trí thức cho biết, Đồn Biên phòng Đa Lộc được giao nhiệm vụ quản lý biên giới biển dài 17,5 ki lô mét, với 9 xã vùng biên giới ven biển thuộc hai huyện Hậu Lộc và Nga Sơn. Biển đảo thẳm xanh, dịu êm, nhưng đó là vào những ngày trời yên biển lặng. Mỗi khi bão tố, biển động, những người lính mang quân hàm xanh phải đối mặt với biết bao gian khổ, thử thách, hiểm nguy luôn rình rập. Công việc của những người chiến sỹ tuyến biên giới biển luôn tồn tại nhiều phức tạp. Các anh vừa bảo vệ khoảng trên trăm tàu cá ngư dân bám biển vừa ngăn chặn các loại tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tiếp lời Đồn trưởng, Trung tá Lê Quang Hân, Chính trị viên đồn, với dáng người chắc đậm, đen giòn vì nắng gió biển khơi, còn cho đoàn chúng tôi biết thêm: Tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ rất ổn định, mọi người đều yên tâm công tác, coi đồn là nhà, thân thuộc với địa bàn, có mối quan hệ gần gũi với nhân dân, đặc biệt là ngư dân bám biển. Tự khi nào, ngư dân coi bộ đội biên phòng như là người nhà của mình. Họ trở thành “tai mắt”, nối dài “cần ăng ten” của đồn biên phòng…
Được đến thăm, làm việc với những người lính quân hàm xanh nơi tuyến biển, chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống, về công việc của các anh. Dù biển lặng hay bão tố, những người chiến sĩ biên phòng vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng của Tổ quốc, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. 
Theo lịch trình sắp sẵn, đoàn chúng tôi theo chân anh cán bộ văn hóa huyện đến thăm một “Ô Cốp” là xưởng nước mắm ông Náo ở xã Minh Lộc cũng nằm ngay bên bờ biển, cách đồn biên phòng không xa. Văn minh đô thị hiện rõ hai bên đường, những khu biệt thự hiện đại, sang trọng ăn sát ra biển, đường phố rộng thoáng. Hàng hóa buôn bán ngập tràn, cuộc sống của người dân có vẻ giàu có, dư dả. Cách xa hàng trăm mét, mùi thơm lừng rất đặc trưng của nước mắm đã lan tỏa trong không gian. Cơ sở sản xuất nước mắm ông Náo nằm trên một khuôn viên rộng rãi. Nhà xưởng được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, đúng tác phong công nghiệp. Khu ủ mắm chược là hai dãy những chiếc chum to có thể đựng hàng trăm lít được đậy kín để tránh ruồi bọ. Khu chế xuất dành riêng một nơi thanh thoáng. Rồi cửa hàng bày bán đủ các chủng loại phục vụ khách: nước mắm tinh chế, mắm tép, mắm chua... Chủ xưởng, ông Náo, một cái tên rất thuần Việt, người đàn ông khoảng trên năm mươi tuổi, khuôn mặt chữ điền, cơ bắp khỏe mạnh và cũng rất rành rẽ khi nói về công việc sản xuất nước mắm truyền thống. Nước mắm với cái tên “Nước mắm ông Náo” của ông đã có mặt trên nhiều thị trường trong nước và cả nước ngoài theo chân các Việt kiều. Xưởng nước mắm của ông đã làm giàu cho gia đình, đóng góp xây dựng quê hương. Đứng trên con đê cao, nhìn ra biển, thủy triều đang xuống, thuyền cá đậu san sát nổi nênh. Phía trước là hòn Nẹ xanh rì, sừng sững như người khổng lồ đang ưỡn tấm ngực lớn bảo vệ quê hương. 
Xe đưa đoàn đến thăm “Ô Cốp” thứ hai trên cánh đồng “Vi Zat” nuôi trồng thủy canh xã Phú Lộc. Nơi đây là hình ảnh tiêu biểu Nông thôn mới của huyện Hậu Lộc. Với diện tích khoảng hơn nghìn mét vuông, hệ thống giàn ống nước trồng rau, tưới tiêu, nhà lưới, máy bơm... hoàn toàn bằng công nghệ hiện đại. Mô hình nuôi trồng cây thủy canh hiện nay đã được nhân ra cả nước nhưng tỉnh ta còn rất khiêm tốn. Sản xuất bằng công nghệ cao, cần ít nhân lực, sản phẩm rau sạch đầu ra giá cao, dao động từ ba mươi lăm ngàn đồng đến một trăm ngàn đồng. Nhìn thảm rau xanh rời rợi, tươi tốt thật bắt mắt, một số giàn đến tuổi thu hoạch bán tại chỗ, các giàn khác đang ươm. Chủ vườn rau là một thanh niên còn rất trẻ, anh hồ hởi trò chuyện cùng mọi người và vui vẻ biếu tặng đoàn một túi rau lớn. Đó là hình ảnh của người trẻ, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng công nghệ sản xuất mới, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần xây dựng quê hương. 
Với sự nhanh nhẹn, vui vẻ và rất hóm, anh cán bộ văn hóa còn đưa đoàn chúng tôi đến những địa chỉ văn hóa khác của Hậu Lộc. Đó là nhà thờ Lê Hữu Lập, người thanh niên yêu nước hoạt động, chiến đấu và hy sinh trong thời kì trước 1945. Đoàn dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công đức nhà cách mạng. Chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh ở xã Thuần Lộc, một trong những ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lý. Hiện nay, các di chỉ văn bia vẫn còn được lưu giữ đặt nơi tôn nghiêm trang trọng. Chùa được tọa lạc nơi đất đẹp, nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, tạo không khí thanh tịnh, an yên. Các phật tử và nhân dân đến thăm chùa vãn cảnh, tìm lại sự yên bình thư thái. 
Người xưa có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đến với các địa chỉ văn hóa, kinh tế, quốc phòng của huyện Hậu Lộc, tôi đã rạn vỡ ra nhiều điều mới mẻ, muốn cầm bút để chia sẻ về vùng quê giàu trầm tích này. Đất và người Hậu Lộc quý khách, nghĩa tình. Có thể, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, công cuộc đổi mới còn nhiều thử thách nhưng tôi tin rằng, với đội ngũ lãnh đạo trẻ, nhiệt huyết, đoàn kết và sáng tạo, sẽ đưa huyện Hậu Lộc ngày một phát triển, giàu đẹp hơn.
            

Ngày 16-4-2023
                           L.X.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 148
 Hôm nay: 7307
 Tổng số truy cập: 7627188
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa