Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Đá hát (Bút ký)
Đá hát (Bút ký)

Một ngày cuối tháng tư. Trời trong. Nắng đẹp. Gió nhẹ. Xe vun vút trên cao tốc Quốc lộ 1A từ thành phố Thanh Hóa về Nghi Sơn. Tiếng xe êm ru. Qua cửa kính, hai bên đường, chỗ nào cũng cao tầng cao ốc nối nhau san sát. Các mảng màu đan bện cuốn xiết vào nhau. Tất cả như tranh vẽ. Tất cả như thêu hoa dệt gấm. Không nhận ra đâu là Còng. Không nhận ra đâu là cầu Ghép. Thành phố Thanh Hóa kết thúc chỗ nào không biết. Thị trấn Quảng Xương kết thúc chỗ nào không biết. Tĩnh Gia, Nghi Sơn bắt đầu từ chỗ nào không biết. Bảy tám chục cây số cùng màu sắc tươi mới, trẻ trung, năng động, thay da đổi thịt mê hoặc thế. Hình như đất đang nâng bầu trời cao hơn để hát. Trời đang rộng hơn ra để đất tỏa hương. Chỉ khi hai chữ “Anh Phát” sơn màu vàng anh hiện ra trên vách đá uốn cong dẫn vào một vòng cung núi tôi mới bừng tỉnh sau những phút đắm trong miên cảm. 
- Đến rồi ạ!
Cán bộ Chánh văn phòng thông báo ngắn gọn thế. Chẳng hiểu vì bất ngờ, vì ngạc nhiên hay vì không làm chủ được xúc cảm, tôi thốt lên: 
- Núi Xước! Mai Lâm! 
- Bác biết núi Xước? 
Có tiếng hỏi lại. Không phải chỉ mình tôi biết. Ai đã từng đi qua vùng này trong những năm chống Mỹ cứu nước (1965-1972) đều biết. Đây là vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Vùng đất chiến sự dữ dội, khốc liệt, nhiều xương máu nhất miền Trung. Bom dội đêm. Bom tấn. Bom tạ. Bom bi. Bom nổ chậm. Bom từ trường. Ngư lôi. Trên trời, máy bay B52, con ma, thần sấm thi nhau quần thảo. Tĩnh Gia, Mai Lâm nằm giữa bao bọc các trọng điểm, các nút bom đạn ấy ròng rã suốt mấy nghìn ngày. Tĩnh Gia, Mai Lâm trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt, dữ dội của giặc Mỹ. Riêng kênh Nhà Lê, 8,2km chiều dài sông Lạch Bạng, có bến đò Trại, đoạn qua Mai Lâm đã có hai trạm quản lý thuyền nan chống Mỹ. Đó là Trạm 4 và Trạm 5 (trạm 4 quản lý từ Ba Làng đến cầu Vằng, cầu Hổ; đoạn 5 quản lý từ cầu Hổ đến Quỳnh Dị, Hoàng Mai (Nghệ An). Ngoài ra, Mai Lâm còn có bốn bến bốc dỡ hàng mang tên M1, M2, M3, M4 chi viện cho miền Nam. Rồi Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn xã. Đặc biệt là tuyến đường chiến lược Lão Tiến nối ga Khoa Trường qua phà Đò Trại phía đông chân đồi 74 nối đường số 4. Hàng trăm, hàng nghìn tấn bom, rốc két của giặc Mỹ điên cuồng trút xuống mảnh đất này. Bầu trời, mặt đất Tĩnh Gia rung lên. Núi Xước, núi Mỏ Quạ, núi Ba Mặt, núi Tháp Sơn, núi Tràn, núi Cốc, núi Thung, đồi 74, bến phà Trại trở thành những trận địa pháo 12 ly 7; 37 ly; 57 ly; 75 ly và các trạm ra-đa chiến đấu của bộ đội, dân quân, tự vệ khu vực Mai Lâm, Tĩnh Gia. 
Một vùng đất không gì ngoài bom đạn. Bom dội ngày, dội đêm. Núi trắng vì bom. Đồi trọc vì bom. Đất toác ra nham nhở vì bom. Sông hồ nứt nẻ vì bom. Nhưng sau gần năm mươi năm kết thúc chiến tranh, sau một cái chớp mắt của lịch sử, sau một cái chớp mắt của đời người, không ai còn nhận ra một Tĩnh Gia, một Nghi Sơn hoang tàn trong rốn bom đạn. Tĩnh Gia trút lốt. Tĩnh Gia bừng sáng. Nghi Sơn trở thành khu công nghiệp lớn nhất miền Trung. Khu công nghiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn lớn, hiện đại nhất miền Trung. Khu nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn lớn nhất miền Trung. Cảng nước sâu Nghi Sơn đón tàu có trọng tải đến trên ba mươi nghìn tấn, năm mươi nghìn tấn, cảng lớn nhất miền Trung. Một cái nhất nữa, đó là một khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, một khu Resort phong phú, đa dạng, thơ mộng, hấp dẫn, quyến rũ bậc nhất xứ Thanh, độc đáo vào loại bậc nhất vùng duyên hải mang tên “Anh Phát”. Không chỉ có thế, ngay bên cạnh bến tàu của khu công nghiệp Cảng Nghi Sơn, có một bến tàu du lịch mang tên Anh Phát. Một đội tàu hiện đại hàng chục chiếc, to có vừa có, chở khách từ cảng Nghi Sơn ra thăm quần đảo Hòn Mê mang tên Anh Phát. Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã có quyết định chuyển một số khu vực đảo Mê và tất cả các đảo trên vùng biển Nghi Sơn như: Hòn Bung, Hòn Cháy, Hòn Ruộc, Hòn Diêm, Hòn Miệng, Hòn Buồm, Hòn Sổ,… tỉnh Thanh Hóa giao cho Tổng công ty Anh Phát thiết kế xây dựng ý tưởng phát triển kinh tế, du lịch tại đảo Mê kết hợp an ninh quốc phòng, với sự tham gia của các tập đoàn lớn và các nhà khoa học tên tuổi, uy tín trên thế giới tham gia thiết kế, toàn bộ kinh phí này do Tổng công ty Anh Phát tài trợ. Mấy năm trước, các đoàn nhà văn, nhà báo muốn ra thăm đảo Mê phải xin giấy phép của Tỉnh đội Thanh Hóa, của Quân khu IV. Ấy thế mà nhiều đoàn không ra được. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo Thanh Hóa ao ước mãi vẫn chưa một lần được đặt chân đến đảo Mê. Nay chỉ cần đăng ký tour với Anh Phát. Thế là lên tàu lướt sóng ra khơi. Ba mươi phút đi. Ba mươi phút về. Du khách thỏa chí thỏa lòng, thả hồn chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của đảo Mê với bao nhiêu huyền thoại, thần bí của thiên nhiên hoang sơ cùng kỳ tích, chiến tích của đảo Mê anh hùng cùng các đảo trong quần thể đảo Mê đầy sóng gió chưa dấu chân người. 
Nhưng khoan hãy nói đến bến tàu cầu cảng mang tên Anh Phát. Khoan hãy nói đến sự quyến rũ mãnh liệt của khu du lịch đảo Mê. Khoan hãy nói về hàng chục con tàu mang tên Anh Phát. Trước hết hãy nói về núi Xước. Sự tàn phá của bom đạn, sự khốc liệt của thiên nhiên đã làm cho núi Xước, Mai Lâm càng trở nên cằn cỗi, trọc trụi. Chỉ cách năm 2023 này chưa đầy hai mươi năm, núi Xước không gì ngoài một vòng cung đá cát kết chồng lớp xô đẩy, va đập nhau tìm vài ngọn sim mua, tìm vài ngọn đót phơ phất dưới nắng hè thiêu đốt. Không chim. Không bướm. Không mùi cây mùi lá. Nắng khét. Gió khét. Đất cháy. Đá cháy. Lòng người cháy. Hồ Quế Sơn queo lại. Đáy hồ toác ra. Ruộng há miệng ra. Lòng thung hóa thạch. Khí nóng hầm hập. Cái gì cũng như trốn chạy để tồn tại. Cái gì cũng như muốn thu nhỏ lại để tồn tại. Hạt sương nhỏ lại. Bóng cây nhỏ lại. Mái nhà nhỏ lại. Cây cỏ càng nhỏ lại, vòng cung đá núi Xước gần ba trăm héc-ta càng đồ sộ, càng rộng lớn, càng thể hiện cái sức mạnh khắc nghiệt vô cùng vô tận của nó. 
Thế mà hôm nay, núi Xước như một chiếc ghế xô pha đá rộng hơn 300 héc-ta, cao hơn trăm thước so với mặt biển như được bọc bằng nhung, bằng ngọc. Bạt ngàn một màu xanh. Xanh từ chân lên đỉnh núi. Xanh từ đất đến đá. Xanh từ con đường vào đến con đường ra. Hồ Quế Sơn được khảm nạm bằng trăm nghìn ánh điện từ khắp mọi độ cao, độ thấp chiếu tới cộng hưởng với sự lung linh huyền ảo của hằng hà sa số sao trời, làm nên một chiếc vương miện nạm muôn vàn viên kim cương đặt trên đầu một người con gái đăng quang hoa hậu vừa qua tuổi dậy thì. Sự lộng lẫy của núi Xước, sự lộng lẫy của Quế Sơn gợi ta nhớ đến câu chuyện tình huyền sử mấy nghìn năm trước. Sau gáo nước của nàng công chúa Tiên Dung, chàng Chử Đồng Tử từ trong cát hiện ra về làm phò mã. Sau tiếng gọi thị ơi của bà lão, cô Tấm từ quả thị bước ra về làm hoàng hậu. Người dội gáo nước xuống vùng hồ Quế Sơn để Chử Đồng Tử hiện lên, người mở quả thị vùng núi Xước Mai Lâm để cô Tấm hiện lên làm hoàng hậu, không ai khác, đó chính là anh Trịnh Xuân Nghiệm, Chủ tịch Tổng Công ty Anh Phát, chủ nhân khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp mang tên Anh Phát nổi tiếng bây giờ.
Cách đây gần chục năm, khi được Nhà nước giao cho thực hiện dự án xây dựng khu dịch vụ núi Xước Mai Lâm, anh Trịnh Xuân Nghiệm luôn trăn trở, bằng cách nào biến một vùng trắng thành một vùng xanh, biến một vùng đá cỗi cằn, nóng bỏng thành một vùng hoa lá xanh tốt mát rượi, biến một vùng hoang vắng thành một vùng tấp nập, đông đúc và trù phú, biến một vùng nghèo đói thành một vùng kinh tế giàu có, phồn thịnh, biến một vùng xơ xác, tiêu điều thành một vùng đầy sức sống, thơ mộng. Đứng giữa lòng chảo núi Xước chỉ có đất, đá, nắng lửa, anh chợt nhớ đến triết lý của một số triết gia cổ đại. Vũ trụ này đã được hình thành từ bốn yếu tố: Đất, nước, lửa và không khí. Từ các dải Ngân Hà chi chít các vì tinh tú, từ tháp Áp-phel ở Paris, Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành ở Trung Quốc, từ Ăng-co Thom, Ăng-co Vát ở Campuchia đến các thành phố nguy nga, tráng lệ ở Bra-xin, Ấn Độ đều từ đất, nước, lửa và không khí mà nên. Ở núi Xước này có tất cả mọi thứ đất, đá, nước, lửa và không khí. Tại sao không thể biến núi Xước thành một kỳ quan? Nhất định phải biến núi Xước thành một kỳ quan không chỉ của Nghi Sơn, Tĩnh Gia mà núi Xước phải trở thành kỳ quan cho cả một vùng.
Và cái kỳ quan, kỳ tích đầu tiên anh Trịnh Xuân Nghiệm tạo nên ở núi Xước là phủ sắc xanh, phủ màu xanh lên hơn ba trăm héc-ta núi đá bằng hàng chục nghìn cây sưa, hàng chục nghìn cây sao đen, hàng chục nghìn cây keo lá tràm, hàng chục nghìn cây thông cùng tre, dừa, mít được trồng cùng một số loài cây bản địa làm nên tấm thảm thực vật xanh nhiều tầng, nhiều lớp cho núi Xước. Bên trên tầng tầng đồi núi được cây xanh tốt um tùm cao tỏa bóng. Bên dưới là cỏ Nhật êm xốp. Một trăm phần trăm mặt đất được nuôi cấy bằng cỏ Nhật. Nhiệt độ bên ngoài khu công nghiệp bao giờ cũng chênh lệch từ ba đến bốn độ so với bên trong khu Anh Phát. Cái nóng của Nghi Sơn tìm được chỗ dịu xuống. Cái nghiệt ngã của núi Xước bị đẩy vào dĩ vãng. Hồ Quế Sơn dạt dào sóng vỗ. Mỗi ngày gần sáu mươi nghìn mét khối nước được dẫn theo một đường ống có đường kính 80cm, dài hàng năm sáu chục cây số trong dự án một nghìn hai trăm tỷ đồng đưa nước từ sông Mực huyện Như Thanh, qua hồ Yên Mỹ về lòng hồ Quế Sơn. Nhà máy nước sạch công suất lớn nhất Nghi Sơn mang tên Anh Phát. Anh Phát cung cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp, nước uống đóng chai cao cấp cho toàn khu công nghiệp lọc hóa dầu, nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng, bến tàu, cầu cảng Nghi Sơn. Từ một vùng khét lẹt đá, khét lẹt đất, khét lẹt gió, khét lẹt nắng bây giờ núi Xước được ví như một Đà Lạt của Tĩnh Gia, Đà Lạt của Nghi Sơn, một hòn ngọc của Nghi Sơn. 
Với khát vọng lớn biến núi Xước thành một thiên đường nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa, kinh tế, tài chính cho không chỉ Nghi Sơn, không chỉ xứ Thanh, anh Trịnh Xuân Nghiệm đã đi khắp tất cả các nước ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu để tìm kiếm mô hình đẹp nhất, phù hợp nhất, hấp dẫn nhất mang về xây dựng ở núi Xước. Anh tâm sự, khi đến công quốc Monaco, anh thấy đây là một thành phố cổ kính, có vẻ đẹp bậc nhất châu Âu. Monaco là một quốc gia độc lập. Một hòn đảo nhỏ được bao quanh bởi biển Địa Trung Hải. Diện tích chỉ có 202 héc-ta. Còn nhỏ hơn diện tích núi Xước Mai Lâm. Dân số chỉ có 36 nghìn người. Mặc dù một đất nước vô cùng nhỏ bé nhưng Monaco đã biết cách thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Monaco là trung tâm văn hóa, kinh tế, thương mại, tài chính, vui chơi giải trí của cả châu Âu. Xung quanh thành phố là những khách sạn siêu sang cùng với những casino nổi tiếng nhất thế giới. Những sòng bạc hào nhoáng. Những du thuyền hạng sang. Những đường đua công thức một hấp dẫn bậc nhất thế giới. Công quốc Monaco chia thành bốn khu vực rõ rệt: Monaco-Ville (thành phố cũ), Condamine (bến cảng), Monte-Carlo (trung tâm kinh doanh và giải trí), Fontvieille (nơi ở và ngành công nghiệp nhẹ). Điều đáng ghi nhận là chỉ số GDP của Monaco vào diện cao nhất thế giới.
- Tôi mê cái mô hình ấy. Anh Trịnh Xuân Nghiệm tâm sự. Những gì Monaco làm được, núi Xước Mai Lâm Nghi Sơn cũng có thể làm được. Nhất định phải biến núi Xước Mai Lâm thành thành phố Monaco ở Nghi Sơn. Cái tên “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn” đã ra đời như thế. Anh nhờ anh em bạn bè, nhờ các Đại sứ quán ở các nước như Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Mỹ, Nhật giới thiệu cho những kiến trúc sư giỏi nhất, những họa sĩ, nhà điêu khắc giỏi nhất ở các nước tiên tiến trên thế giới thiết kế, quy hoạch, xây dựng chi tiết cho “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn”. Đi qua hàng chục nước, anh tìm được bảy vị kiến trúc sư, họa sĩ, nghệ sĩ hàng đầu của các châu lục bay sang nghiên cứu, quy hoạch vừa tổng thể, vừa chi tiết cho “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn”. Tổng công trình sư cho cái thành phố đầy hoài bão này là ông Dubosc Eric - Hiệp sỹ về nghệ thuật và điêu khắc; Viện sỹ danh dự Viện kiến trúc Hoa Kỳ; Cố vấn nhà nước về kiến trúc Pháp; Chủ tịch tổ chức xưởng thiết kế các công trình kiến trúc quốc tế có tính khả thi; Giáo sư trường kiến trúc quốc gia Cộng hòa Pháp và ông Nguyễn Đức Thọ - Tiến sỹ khoa học kinh tế Trường Đại học Tổng hợp Paris, Cộng hòa Pháp. 
Ngoài một nghìn hai trăm Resort cao cấp dành cho chuyên gia khu công nghiệp Nghi Sơn thuê ở lâu dài và khu nhà dành cho khách du lịch còn lại toàn bộ không gian của “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn” được chia thành mười bảy cụm kiến tạo. Mỗi cụm kiến tạo là một quảng trường. Mười bảy quảng trường: Quảng trường Không Khí, quảng trường Đất, quảng trường Lửa, quảng trường Nước, quảng trường Cầu Ánh Sáng, quảng trường cầu Ánh Trăng (hay còn gọi quảng trường Tình Yêu), khu Đền Thần, Giếng Thần, quảng trường Khu biệt thự Kim cương, quảng trường Đua xe công thức I, quảng trường Đấu súng sơn, quảng trường Khải hoàn môn Khát vọng, quảng trường Nhà hát ngoài trời, khu vui chơi cho trẻ em, Khu vui chơi mạo hiểm trên sườn núi…
Bao nhiêu mảng kiến tạo, bao nhiêu hình khối sắp đặt, bao nhiêu ý tưởng nghệ thuật nhưng thống nhất chặt chẽ với nhau, hòa quện vào nhau, hài hòa nhuần nhuyễn với nhau trong tổng thể rộng lớn. Du khách bị cuốn hút hết quảng trường này đến quảng trường khác, hết nghệ thuật độc đáo này đến nghệ thuật độc đáo khác mà không nhận ra, không phân biệt được biên độ, không tách bạch được từng quảng trường, từng cụm nghệ thuật. Cái huyền ảo, huyền bí của cổ tích, của truyền thuyết, của thần thoại hiện lên sống động trong cái hiện đại, cái tiên tiến; cái tinh tế, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, duyên dáng của làng quê Việt, của văn hóa Việt, Văn hóa Á Đông uyển chuyển vươn lên khoẻ khoắn, mạnh mẽ, mạch lạc, khúc triết cùng phong cách xa hoa tráng lệ của châu Âu; cái cổ kính, thơ mộng, cái gần gũi, thân thương, đầm ấm, trữ tình giàu chất ca dao, tục ngữ được tôn lên, nhân sức sống lên bên những kiến trúc mang tính kỹ thuật cao, công nghệ cao bậc nhất của bốn biển năm châu về đây hội tụ. Du khách được thả hồn, thả trí trong cái trìu tượng, cái siêu hình siêu thực của mấy chục quảng trường liên hoàn nhau, kết nối nhau, tô điểm cho nhau, tôn vẻ đẹp thẩm mỹ cho nhau. Sự mẫn tiệp của người kiến thiết đan dệt giữa cái bình thường và cái khác thường, giữa cái có giới hạn và cái phi giới hạn thành một chỉnh thể trong một tổng thể hội họa và thơ. Cổ điển mà hiện đại. Đơn giản mà súc tích. Cái thấy thì ít. Cái gợi thì nhiều. Nghệ thuật kiến trúc hữu hình mở ra một trí tưởng tượng và xúc cảm mở ra mười, mở ra hai mươi. Tất cả đều nuột nà, mềm mại như nước tuôn chảy vào nhau, như sóng nâng đỡ nhau tạo nên một độ mượt hoàn hảo trong nghệ thuật cấu trúc và nghệ thuật sắp đặt. 
Mỗi quảng trường một phong cách thể hiện. Quảng trường nào cũng hấp dẫn du khách bằng một nét độc đáo, ấn tượng, không trộn lẫn. Ở quảng trường Không Khí, lòng người, hồn người sảng khoái, bay bổng, muốn giương buồm lên cùng cái mênh mang của không gian, thời gian rồi thăng hoa trên đôi cánh máy bay hiện đại tận hưởng cái vô cùng, vô tận của vũ trụ. Ở quảng trường Đất, du khách lại được trải nghiệm những triết lý đầy tính nhân bản, nhân văn về lòng nhân ái, nhân hậu, sự kết nối giữa con người với con người trong một thế giới đa sắc màu, đa cực, đa văn hóa, đa ngôn ngữ nhưng lại đồng nhất, hội tụ, gặp gỡ, sẻ chia, yêu thương nhau, gắn bó với nhau trong sự vận động mãnh liệt của trái đất. Chắc hẳn khi xây dựng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đặt trong quảng trường Không Khí, quảng trường Nước, quảng trường Đất và Lửa, nữ nghệ sĩ Paige (người Mỹ), nữ nghệ sĩ Malogorza xchodakowska (người Đức) và nữ nghệ sĩ Evelyne Galinski (người Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ) muốn minh triết thêm triết lý từ thời cổ đại tất cả mọi kỳ quan của vũ trụ này đều bắt đầu từ bốn yếu tố đất-nước-lửa và không khí. Chính vì vậy, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật vừa sơ khai, vừa hàn lâm của các nghệ sĩ bậc thầy về ấn tượng và siêu thực, ta cảm thấy vừa bước vững chãi bằng hai chân trên mặt đất vừa giang cánh bay lượn trên bầu trời.
Chiêm ngưỡng quảng trường Ánh Sáng, ta như lạc vào một thế giới thần tiên. Một nhịp cầu tiên bắc qua một con suối tiên. Dưới ánh sáng của hàng trăm ánh điện được tính toán chi ly, tỉ mỉ, khoa học, từ mọi góc độ phản chiếu, hiệu ứng ánh sáng ma thuật, huyền ảo, tạo nên một con thác tiên, một nhịp cầu tiên lung linh. Ngắm nhìn tác phẩm kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng ấy ta như được thưởng thức một bữa tiệc ánh sáng, thưởng thức một bản giao hưởng ánh sáng. Muôn nghìn cung bậc cảm xúc trào tuôn làm ta không dứt nổi, không chia tay nổi.
Thơ mộng nhất, níu kéo nhất, mê hoặc nhất với du khách, đặc biệt là đối với giới trẻ, không đâu đẹp bằng quảng trường Ánh Trăng. Cũng có người gọi đây là quảng trường Tình Yêu. Trung tâm quảng trường là nhịp cầu yên ngựa. Cầu yên ngựa cong, cao, được thiết kế cầu kỳ, thanh tú. Hai bên thành cầu ngả ra như hình cánh diều. Nhịp cầu tọa lạc ngay cửa con đập Quế Sơn cung cấp nước cho mấy chục héc-ta lúa, màu của bà con đang sống trong lòng núi Xước. Toàn bộ nhịp cầu sáng bừng lên bởi một màu sơn đỏ. Hàng nghìn bóng điện được gắn trên thành cầu, hai bên lan can cầu, dưới gầm cầu, đáy cầu. Điều đặc biệt là, khi ánh điện bừng sáng, chỗ nào du khách cũng nhìn thấy trăng. Những vành trăng. Hàng chục, hàng trăm vành trăng xung quanh thân cầu hiện lên. Đó là trăng nhân tạo. Sự thiên tài của các kỹ sư điện, kỹ sư ánh sáng tính toán khoa học tạo nên. Đứng giữa cái mê cung trăng, mê hồn trăng ấy, người chưa yêu cũng rạo rực yêu. Người yêu rồi thì yêu nồng nàn hơn, nồng cháy hơn. Thả hồn vào ánh sáng lưu ly như ngọc của ánh trăng huyền ảo về đêm, bàn tay tìm đến bàn tay, ánh mắt tìm đến ánh mắt, con tim tìm đến con tim. Sóng tình từ đó dâng lên, trào lên đơm hoa kết trái. 
Quảng trường Giếng Thần, lại hấp dẫn du khách theo một cung bậc khác. Giếng Thần nằm trên lưng chừng vách đá phía tây nam núi Xước. Ở độ cao này, ta có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh khu  Resort Anh Phát trong ánh nắng bình minh hay trong ánh hoàng hôn. Xa hơn, ta có thể bao quát trọn vẹn vẻ đẹp khu công nghiệp Nghi Sơn từ Hải Tiến đến xã đảo Nghi Sơn. Ta được soi mình xuống lòng Giếng Thần. Bao nhiêu bụi trần nóng bức, mệt nhọc của lòng ta bỗng được gột rửa thanh thản đến lạ kỳ. Giếng ở độ cao hơn trăm mét so với mặt nước biển. Trong khi các nhà dân ở dưới chân núi, chân đồi khoan ba bốn chục thước vẫn khó tìm thấy mạch nước. Giếng lúc nào cũng sâu năm, sáu thước nước. Màu nước xanh trong như ngọc. Mưa không tràn. Nắng không cạn. Quanh năm vẫn mực nước ấy. Có người gọi giếng là “Độc nhãn thạch”, “Độc long thạch” hay “Ngọc nhãn thạch”. Tên gọi có đôi chút khác nhau nhưng có chung một nghĩa, đó là: Một con mắt của đá. Ai cũng tự cật vấn sao lại có sự kỳ lạ thế? Nước ở đâu? Sao lại không cạn? Con người không làm được, không giải thích được. Chỉ có thần mới làm được. Chỉ có thần mới giải thích được. Chỉ có thần mới có phép màu nhiệm đó. Người ta gọi Giếng Thần có lẽ vì lý do đó.
Cũng là “Thần”, nhưng khi ngược mấy trăm bậc đá lên Đền Thần ta như bước vào ngôi nhà của thế giới tâm linh. Ngôi đền tọa lạc trên chót vót đỉnh cao Yên Ngựa, nơi vành đai đá núi Xước đang nhấp nhô trùng điệp bỗng võng xuống như cho thần thánh gối đầu. Nghe tiếng thông reo, trúc hát thì thầm như chùa Hương, như Yên Tử, nghe những câu chuyện nhuốm màu liêu trai chí dị ta có cảm giác đang bước vào thế giới thần thoại. Không phải mình anh Hòa Chánh văn phòng Tổng Công ty Anh Phát nói mà nhiều người chứng kiến trong dịp xây đền nói; không phải mình anh Trịnh Xuân Nghiệm, Chủ tịch Tập đoàn Anh Phát, Tổng công ty Anh Phát nói mà ông Nguyễn Văn Lợi, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa, người được mời tham dự động thổ khởi công Đền Thần, hôm nay cùng đi với đoàn cũng nói về những hiện tượng kỳ lạ, thần bí, khó lý giải. Khi chiếc máy múc múc những gàu đất đầu tiên lên, đất tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt, dịu mát, da diết. Mùi thơm như hương hoa đại, như hương hoa hồng, như hương hoa sen, như hương hoa huệ. Ai cũng bốc một nắm đất lên ngửi. Có người còn gói lại mang về. Không biết từ đâu, bỗng một đôi trăn trườn ra. Người lái máy múc bắt được. Mỗi con trên hai mươi cân. Khi mang hai con trăn đến một nơi khác thả, hàng chục người quay phim, chụp ảnh làm kỷ niệm. Nhưng lạ thay, khi mở điện thoại ra, không một điện thoại nào có ảnh đôi trăn. Ngày dựng đền cũng kỳ lạ. Mười một, mười hai giờ trưa, trời đang nắng chang chang, khi thắp hương xin Ngài đặt thượng lương, trời bỗng mù mịt cơn giông. Sấm chớp ầm ầm. Mưa như trút. Lạ nhất là mưa đổ trong bán kính một vài trăm mét quanh đền, ngay tại đền thì trời quang, mây tạnh, nắng đẹp. Ấy thế mà ngay trước cửa đền xuất hiện hai cột cầu vồng. Mọi người thi nhau chụp ảnh. Nhiều tấm ảnh được phóng to, hiện đang lưu giữ tại đền. Chưa hết, hôm rước cụ rùa đá về đặt tấm bia ca ngợi đền, khi tấm bia đặt xong, hương khói vừa được thắp lên, một luồng sáng ngũ sắc từ miệng cụ rùa xuất hiện làm sáng lóa cả sân trình. Một điều kỳ lạ nữa. Một buổi trưa mùa hè năm 2018, khoảng hai giờ chiều, trời nóng 41-42 độ C, nóng như thiêu như đốt. Một đám cháy bất chợt bùng lên ở khu vực đồi thông nằm giữa Giếng Thần và Đền Thần (đám cháy do một người đốt ong vô tình gây ra). Ngọn lửa bốc cao hàng trăm mét. Còi báo động Khu công nghiệp Nghi Sơn rú lên. Xe cứu hỏa của Khu công nghiệp Nghi Sơn, xe cứu hỏa của tỉnh từ thành phố Thanh Hóa lập tức được điều tới. Nhưng núi cao, dốc đứng, không có đường lên núi. Đoàn xe cứu hỏa đứng ngay dưới chân đám cháy mà bất lực. Không tài nào tiếp cận khu vực đám cháy được. Đám thực bì rừng thông dày. Ngọn lửa cứ thế bùng lên. Đường kính đám cháy đã rộng hàng trăm mét. Bỗng đâu, một đám mây đen kịt xuất hiện ngay phía trên ngọn lửa… và một chiếc vòi rồng khổng lồ xuất hiện. Đám mây đen từ trên trời cuộn xuống. Và mưa. Mưa dữ dội bao bọc lấy đám cháy. Đường kính của vòi rồng mưa chừng ba trăm mét. Nó lớn gấp ba lần đám cháy. Không đầy mười phút, toàn bộ đám cháy được dập tắt, không còn một ngọn khói. Hàng trăm, hàng nghìn người chứng kiến cảnh ấy không sao lý giải nổi. Nếu không được nghe chính người trong cuộc kể, không thấu hiểu cái tâm, cái đức độ của người Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát, rất nhiều người xem ảnh sẽ khẳng định những luồng hào quang chụp được ấy là do kỹ thuật vi tính. Nhưng đúng sai thật giả chưa quan trọng. Quan trọng nhất là những người ở đây tin có một sự linh ứng. Đất này có linh khí, thần khí. Rất có thể linh hồn những anh bộ đội, những người dân quân tự vệ xã Mai Lâm, Tĩnh Gia đã hy sinh trên núi Xước này thấu hiểu tâm nguyện của người muốn dâng sức mình, hồn mình, tình mình cho tương lai tươi sáng mà báo điềm tốt lành cho Anh Phát, cho sự thịnh vượng của một vùng đất. Xét cho cùng, một vùng đất không có huyền tích, cổ tích, thần tích, tình sử, huyền sử, truyền thuyết, huyền thoại, thần thoại thường không có trầm tích văn hóa, bề dày văn hóa; nó thiếu một cái trục, cái lõi về đạo, về sự hướng thiện, về đức tin. Vùng đất ấy đơn điệu, nông cạn, không phong phú, đa dạng về văn hoá, đặc biệt là văn hóa tâm linh. Nó khó trở thành một trung tâm, khó tạo nên sức hút, sức thu phục nhân tâm. “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn” có mọi thứ nghệ thuật mang tính hàn lâm, tính mỹ học cao, hiện đại lại có một cái trục, cái lõi về đạo, cái lõi tâm linh, đủ thấy, cái thành phố trong lòng núi Xước này sẽ tạo ra được một sức hút lớn trên mọi phương diện. 
Nhưng Tổng công ty Anh Phát không thu hút mọi nguồn lực bằng góc nhìn ấy. Anh Phát thu hút bằng cái mới, cái lạ, cái đẹp, tiên tiến nhất, hiện đại nhất, giàu chất nhân văn, giàu chất văn hóa, kết tinh được tinh chất, tinh túy văn minh nhân loại nhưng phải nâng tâm hồn Việt lên, làm cho tâm hồn Việt, trí tuệ Việt thăng hoa tỏa sáng. Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát luôn tâm niệm, người yêu dân tộc mình, yêu quê hương mình là người biết bổ sung cho dân tộc mình, quê hương mình những tinh hoa của nhân loại mà dân tộc, quê hương mình còn thiếu. “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn” là một bổ sung ấy. Mười bảy quảng trường nghệ thuật tươi, mới lạ, trẻ trung, đầy sức sống, năng động giữa lòng núi Xước là sự bổ sung ấy. Có người bảo, cứ nghe chim hót, ong bướm về lấy mật thì biết sức sống của một khu vườn. Dịp nghỉ lễ 30 tháng Tư, hơn một nghìn hai trăm phòng đã được được đặt kín chỗ đến gần nửa tháng năm. Trong số đó, sáu trăm phòng dành cho chuyên gia khu công nghiệp Nghi Sơn thuê lâu dài; còn lại hơn sáu trăm phòng dành cho khách du lịch. Quan sát một buổi sáng ăn buffet trong một khách sạn có diện tích 1700-1800m2 mà không còn một chỗ trống, tôi tin điều anh Trịnh Xuân Nghiệm nói là thật. Và hiện tại, mỗi năm Tổng công ty Anh Phát nộp hai nghìn tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước là thật.
Nhất là khi xem toàn cảnh Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn được chiếu trên màn hình được dựng bằng hình ảnh 3D, tôi nghĩ Anh Phát vẫn đang tạo ra sức hút lớn hơn, bền vững hơn gấp nhiều lần những gì đã thấy. Những khu Bungalow mạo hiểm trên vách núi, Bungalow nghỉ dưỡng gia đình, Bungalow dành cho giới trẻ đang dần hiện thực. Cổng Khải hoàn môn Khát vọng là một điểm nhấn, đóng vai trò là nhân tố chính của “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi sơn”. Cổng Khải hoàn môn Khát Vọng là sự tri ân sâu nặng của Anh Phát đối với tổ tiên và đất nước. Nó như bản hùng ca về sự thăng hoa của tâm hồn Việt Nam, sức mạnh Việt Nam. Cổng Khải hoàn môn là khát vọng vươn lên chinh phục bầu trời, chinh phục vũ trụ của Thanh Hóa nói riêng, dân tộc Việt nói chung. Cổng có cấu trúc hình vòm như chiếc nam châm chữ U hoa lộn ngược. Chiều cao cổng Khải hoàn môn Khát vọng lên tới 39 mét, chiều rộng đến 27 mét. Công trình vĩ đại này được bốn tập đoàn phối hợp thiết kế, thi công: Đó là Tập đoàn thi công xuyên quốc gia Coredia của Pháp chịu trách nhiệm kết cấu; Tập đoàn coredia Ma Rốc lập kế hoạch điều phối; Công ty Patrice Echasseriau chịu trách nhiệm phần ánh sáng; Công ty Equiconsiel chịu trách nhiệm điều hòa thông gió và phòng cháy, chữa cháy. Trong ánh bình minh, trong ánh điện, cổng Khải hoàn môn Khát Vọng lung linh ngời sáng hệt như công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ hiện đại tuyệt tác ấy được tạc nên từ pha lê, từ ngọc nguyên khối.
Chưa hết. Thành phố Nghệ thuật Monaco Nghi Sơn còn có siêu biệt thự Kim cương. Một cụm từ gợi lên bao nhiêu cảm xúc. Nó kỳ vĩ, sang trọng! Một tòa nhà khác thường. Từ hình dáng, cấu trúc đến vật liệu xây dựng đều khác thường. Một dạng vật liệu sáng. Lúc nào cũng phát sáng. Hào quang từ siêu biệt thự lúc nào cũng tỏa ra. Một trăm phần trăm vật liệu ấy được nhập khẩu từ Pháp. Lúc nào siêu biệt thự Kim cương cũng lung linh. Nó làm cho Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn thêm lộng lẫy, hấp dẫn và quyến rũ. Không bao lâu nữa, ngôi chùa Hoa Sen và tháp chuông chín tầng sẽ thành hiện thực ngay phía trên Đền Thần. Khách thập phương đến khu nghỉ dưỡng Anh Phát có nơi thỏa nguyện tâm linh. Tượng Đức Phật tọa thiền trên tòa sen sẽ được đúc ngay trên đỉnh núi Xước. Với chiều cao bốn năm chục mét trên đỉnh núi cao hàng trăm thước so với mặt nước biển, du khách có thể chiêm ngưỡng dung nhan Đức Phật từ xa hàng chục cây số. Đức Phật uy nghi nhưng đôn hậu, nhân từ; siêu phàm nhưng gần gũi, bao dung. Tòa Sen và tháp chuông tự phát sáng bốn phía suốt ngày đêm. Chùa Sen là nơi du khách thiền định tịnh tâm, tích đức, cầu tài, cầu lộc, cầu dân yên, nước thịnh. Chùa Sen cũng là thiền viện trúc lâm mở các khóa tu, bồi dưỡng kiến thức nhà Phật cho tăng ni, phật tử. Quảng trường Cỏ, quảng trường Không khí, quảng trường Gió sẽ là nơi Phật đường cho các võ sinh rèn thân, luyện võ.
Ngoài những quảng trường nghệ thuật, những cụm điêu khắc nghệ thuật, những siêu cổng Khải hoàn môn, siêu cầu ánh sáng, siêu biệt thự Kim cương, thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn còn có một siêu dự án, một siêu công trình nữa. Hôm dự họp với cán bộ Văn phòng Tổng công ty Anh Phát, anh Trịnh Xuân Nghiệm cho biết: Tổng công ty Anh Phát đã liên kết với Ấn Độ xây dựng một khu công nghiệp dược, bao gồm từ khâu sản xuất nguyên liệu đến mở nhà máy sản xuất thuốc tốt nhất thế giới. Hiện nay đã có nhiều hãng cùng với các công ty thuốc có uy tín nhất thế giới đã đặt vấn đề với Tổng công ty Anh Phát ký hợp đồng là đơn vị đầu tư thứ cấp về lĩnh vực này. 
Nếu không đến núi Xước, không tận mắt ngắm nhìn mọi thứ ở đây, nếu không xem những thước phim 3D về những dự án, cụm dự án, cụm tượng đài, không nghe trực tiếp anh Trịnh Xuân Nghiệm, Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát trao đổi, trò chuyện, không bao giờ tôi tưởng tượng ra một thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn, một tương lai thành phố sáng rực, nguy nga, tráng lệ giữa thung lũng đá núi Xước Nghi Sơn. Anh đã tạo nên bao nhiêu kỳ quan cho Nghi Sơn, cho xứ Thanh mà nhiều giấc mơ chưa biết cách mở cửa vào. Nhiều lần anh tâm sự: “Em chỉ đem những cái gì tốt đẹp nhất về cho quê hương chứ nhất định không lấy bất cứ một thứ gì của quê hương để đem đi”. Anh khiêm tốn, giản dị. Anh làm việc lớn mà không nói điều to. 
Cái triết lý, cái quan niệm của những triết gia từ thời cổ đại, vũ trụ được hình thành từ bốn yếu tố: Đất, nước, lửa và không khí đang đúng, rất đúng với anh Trịnh Xuân Nghiệm ở núi Xước. Từ cái xác xơ, trơ trụi của hơn ba trăm héc-ta vòng cung đá khổng lồ, núi Xước đã vụt lớn dậy thành “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn”. Đá đang viết nên một trang sử mới cho Nghi Sơn. Đá đang viết nên bản nhạc đẹp nhất, ngời sáng nhất, vang vọng nhất, siêu việt nhất của nghị lực, của trí tuệ. Niềm tin, ý chí và tương lai sán lạn của cuộc sống. Mười bảy quảng trường Đất, quảng trường Nước, quảng trường Ánh Sáng, quảng trường Ánh Trăng là những bè nổi bè trầm của đá; những vườn Nhật, khu sân khấu ngoài trời, hầm rượu châu Âu là những nốt hoa mỹ của đá; những quảng trường Ánh Sáng, quảng trường Ánh Trăng là nốt thăng, nốt giáng của đá; những cổng vòm Khải hoàn môn Khát Vọng, những siêu biệt thự Kim cương là cao độ, trường độ của đá. Có người bảo, đến “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn” để được thỏa mãn mọi trải nghiệm, mọi cung bậc của cảm xúc. Riêng tôi, tôi đến “Thành phố nghệ thuật Monaco Nghi Sơn” để được nghe đá hát. 
         

   7-5-2023
             N.M.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 166
 Hôm nay: 10441
 Tổng số truy cập: 12831434
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa