Từ “công vụ đặc biệt” của người lính biên phòng (Ký dự thi)
1. Tại cái chòi thống gió mát rượi, tọa cạnh ao trong khu vườn rộng rãi, cây cối quanh năm tươi tốt của nhà tôi dường như tuần nào, cha tôi, một cựu chiến binh, một nhà thơ cũng có những cuộc gặp gỡ bạn bè. Khách của ông, khi là bạn văn chương, thơ ca xướng họa; khi là các đồng đội cũ gặp nhau, ôn cố tri tân cùng với việc dùng trà và thưởng thức quả chín, mùa nào thức ấy, sẵn hái trong vườn. Từ hồi nhỏ, tôi đã được làm một tiểu bảo phục vụ trà nước, hoa quả để cha đãi khách, đôi lần còn được sai đi lấy ly, chén để các bậc phụ huynh uống rượu tăm nút lá chuối, với món mồi dắt biển mẹ tôi xào hành răm khế chua, xúc bánh đa vừng làng Mậu nổi tiếng. Nhờ được “hóng” những cuộc chuyện trò của các cụ mà khi lớn lên, tôi đâm mê mẩn văn chương và quyết dấn thân vào cái cõi “đầy nhọc nhằn nhưng rất thú vị” như cha thường dạy. Từ cuối xuân Quý Mão vừa rồi, gia đình tôi có thêm một vị khách mới, đó là đồng đội vong niên của cha tôi, Trung tá Mai Thiên Hải. Trước đây, anh Hải là cán bộ biên phòng “trấn nhậm” ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát. Anh giờ thuộc quân số đồn Biên phòng Tam Chung và đang được nghỉ dưỡng trước khi nhận sổ hưu theo chế độ. Trung tá Hải gọi cha tôi là dượng, được cha thân quý như một người bạn trước cả khi anh vào lính. Nhà anh cách xa nhà tôi cả cây số nhưng lần nào anh đến chơi cũng đi bộ cùng vợ, chị Kim Dung, một cô giáo dạy văn cấp 2 trường làng cùng với chị gái tôi. Mẹ tôi cứ luôn miệng khen: “Vợ chồng nhà Hải - Dung quấn quýt nhau chẳng khác vợ chồng sam tí nào. Đi đâu cũng có nhau từng bước”. Anh Hải cười tươi và thưa: “Đã từng vắng nhau như vợ chồng Ngâu gần hai mươi năm đấy dì ạ. Bây giờ cháu cố bù cho cô giáo Dung, được tí nào, đỡ xót tí ấy, dì ạ”. Mẹ tôi đồng cảm: “Từng làm vợ bộ đội chiến trường nhiều năm, dì hiểu! Cảm ơn anh đã biết xót cho nỗi thiếu vắng của những người vợ lính chúng tôi!”… Nhân cơ hội mọi người đang có vẻ hồi cố tâm tư, tôi liền hỏi ông anh họ xem có kỷ niệm nào sâu sắc nhất trong đời lính biên phòng liên quan đến phu nhân xa vắng Nguyễn Thị Kim Dung của anh không? Nghe thế, Trung tá Hải liền đỏ mặt và tủm tỉm cười kiểu có vẻ khó nói về một sự tế nhị nào đó. Tôi liền giục. Còn anh thì hết nhìn cha mẹ tôi, nhìn vợ anh và tôi, mặt càng đỏ lên. Chị Dung liền động viên chồng: “Bố nó cứ kể cho dì dượng và em Trang nghe đi, em không lăn tăn gì đâu mà!”. Anh Hải bất giác đưa tay lên gãi gáy rồi nói: “Kỷ niệm thì nhiều và chẳng giấu bà xã tí nào nhưng có một chuyến công tác mà cấp trên bảo là chuyến “công vụ đặc biệt”, tình tiết tế nhị, khó nói nên đâm ra cứ phải giấu đến hôm nay mới dám kể”…
2. Gieo vấn đề là thế nhưng anh Hải chưa kể vào “tình tiết tế nhị, khó nói” vội mà lại bắt đầu câu chuyện về Đồn 485, tên gọi của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn mà anh là người lính biên phòng có “thâm niên” phục vụ gần hai mươi năm. Anh coi Tén Tằn là quê hương thứ hai của mình, một vùng non xanh nước biếc, kéo dài bốn mươi cây số trên đường biên giới Việt - Lào. Anh cứ tiếc mình không có khiếu văn chương để tả lại bằng ngôn từ, vẻ đẹp thơ mộng đến nao lòng của vùng sông nước núi non biên cương, nơi sông Mã đổ vào xứ Thanh, nhất là vào các tháng cuối xuân đầu hạ. Khi ấy, dòng nước sông Mã xanh biếc, soi hình các vách núi cũng biếc xanh, trông chẳng khác nào một bức toàn cảnh sơn thủy hữu tình khổng lồ.
Mỗi khi đi cơ sở, lúc nghỉ chân giải lao đường trường bên dòng xanh sắc biếc đó, Thiếu úy trẻ Mai Thiên Hải thường vúc nước sông uống ừng ực như cách uống nước dừa tại quê nhà Hiền Tây, Quảng Lưu cố hương. Anh kể, hồi tuổi đang yêu, không ít lần, ngồi bên bờ sông Mã nhìn dòng nước lững lờ mải miết trôi xuôi, bài học thuộc lòng thuở thiếu thời lại bừng lên trong ký ức của chàng lính biên phòng trẻ tuổi. Đã không ít lần, chàng trai Thiếu úy biên phòng đã ngắt vài ba cánh lá có hình quả tim, thả xuống dòng trôi với hy vọng chúng sẽ vượt 242 cây số về cửa Lạch Trào, biển Đông hùng vĩ, nơi cách đó không xa, sau bãi cát trắng mịn và rừng dương có ngôi làng Hiền Tây cổ kính và người yêu của anh là một cô giáo dạy văn cấp hai xinh đẹp, đảm đang.
Công việc nhà binh của người lính đồn trú nơi chân mây cuối trời biên giới thật nghiêm cẩn và gấp gáp. Trong đó năm cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng bảo vệ Biên giới) là căn tính đã ngấm vào cốt tủy, đã thuộc nằm lòng trong từng động tác, từng cách ứng xử. Nó giống như cơm ăn, nước uống và khí lành ban mai... Kể đến đây, Trung tá Mai Thiên Hải bình luận một cách hình tượng: “Người lính biên phòng được coi như viên thuốc Tetraxicline chữa đủ bách bệnh: Từ gặt hái, dựng nhà, chăn nuôi, dạy xóa mù, bảo vệ biên giới, chống buôn bán ma túy đến hòa giải gia đình, họ mạc, thôn bản, thậm chí đỡ đẻ”.
Nghe hai từ “đỡ đẻ” trong “toa thuốc Tetraxicline” của bộ đội biên phòng và Trung tá Mai Thiên Hải, tôi rất lấy làm ngạc nhiên.
Như đoán được tâm trạng người đang nghe với tâm thái hiếu kỳ, Trung tá Hải hướng câu chuyện về chuyến công tác mà anh gọi là “công vụ đặc biệt”.
Có một buổi chiều muộn, Thiếu úy Mai Thiên Hải, khi ấy mới hai mươi lăm tuổi từ suối tắm về, lưng cõng hai ống bương và còn xách thêm một xô nước về đổ vào bể nước chung thì được quân y sĩ của đồn là Đại úy Vũ Ngọc Những bảo đi “công vụ đặc biệt” với anh. Thiếu úy Hải vội hỏi Đại úy Những: “Đi đâu, đi bao lâu và phải mang theo những gì, thủ trưởng?”. Vị Đại úy quân y nghiêm nghị, bảo: “Đi bản Chiềng Cồng. Đi bao lâu chưa biết được. Ngoài vũ khí, tư trang cần thiết cho một chuyến công tác thường nhật còn phải chuẩn bị tinh thần thật tốt, vì đây là “công vụ đặc biệt” chưa từng có của đồn Tén Tằn”… Hải định hỏi thêm cho rõ hơn nhưng kỷ luật nhà binh không cho phép có sự tò mò hơn nữa.
Năm phút sau, Mai Thiên Hải đã nai nịt gọn ghẽ, ngoài tư trang đèn pin, dao, gậy mang theo để hộ thân và bảo vệ Đại úy thầy thuốc Vũ Ngọc Những, anh còn đeo thêm hai bi đông nước và tất nhiên là phải cáng đáng cái phần “vận tải” bộ dụng cụ chữa bệnh giúp cho bác sĩ nữa.
Tén Tằn là một xã lớn, với tổng diện tích tự nhiên là 12059.37 ha(*). Từ đồn biên phòng, nơi hai người xuất phát đến địa chỉ “công vụ đặc biệt” ở bản Chiềng Cồng xa hơn hai cây số đường rừng, đi bộ leo núi phải mất mấy giờ. Chiều biên cương tối khá nhanh. Hai anh em đi được chừng nửa đường thì trời tối sập xuống.
Đến đầu bản Chiềng Cồng thì thấy có một người đàn ông trẻ đã đứng đợi. Anh ta chỉ nói được tiếng Thái, tự giới thiệu là chồng của một sản phụ đau bụng đã ba ngày rồi mà không đẻ được. Các thầy mo đã được mời đến cúng vái, các lão bà trong họ đã cho ăn thứ lá mà con ngựa thích ăn khi đau đẻ nhưng đứa trẻ không chịu… ra cho. Nói được thế rồi, anh ta khẩn khoản mời mọc hai bộ đội biên phòng và xăm xăm dẫn đường đưa khách về nhà mình.
Trước khi vào ngõ, người chồng ra vẻ lúng túng nói, vẫn bằng tiếng Thái: “Các bộ đội biên phòng đừng cười nhà mình nhé. Con vợ mình, nó cứ cơn đau lên là nó réo tên mình, nó chửi xấu mình. Nó chửi, tại mình “làm” nó đau mà không đẻ được! Nó không có lỗi đâu, vì đau quá nó chửi, chứ nó không ghét mình đâu!”.
Đại úy Những cười cười bảo với anh ta bằng tiếng dân tộc: “Nó còn biết chửi, biết đau là còn may cho cậu đấy!”.
Anh chồng sản phụ dường như không hiểu hỏi lại: “Ấy dà, nó đau là nó khổ nhiều lắm chứ, sao bộ đội còn bảo là may?”.
Bác sĩ Những vội nói thêm: “Vợ cậu còn biết đau, còn biết chửi cậu, tức là cô ấy còn tỉnh. Chứ mà nếu cứ lịm đi là gay go đấy! Đừng thắc mắc việc nó chửi nữa, nhanh chân lên”.
Nói thế rồi, Đại úy Những đưa mắt cho Hải. Hải bước dấn, tay soi đèn pin. Chồng của sản phụ liền vượt bứt lên trước, cắm cúi… dẫn đường trong ánh đèn pin loang loáng của Hải.
Khi cả ba đến nhà sản phụ thì không thấy gì ngoài ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn leo lét từ phía trong hắt ra. Đại úy, quân y sĩ Những và Thiếu úy Hải được đưa vào đến chỗ sản phụ nằm. Theo cách sắp đặt của người Thái, bước lên cầu thang của cái nhà sàn dài khoảng hơn mươi mét, phòng đầu tiên là phòng khách, tiếp đến gian giữa (thường là gian của các cặp vợ chồng), gian tiếp theo được chia cho con gái (gian này cạnh gian bếp để thuận tiện cho việc dậy sớm nấu ăn sáng cho cả nhà). Vì biết được cách sống của người Thái nên Thiếu úy Hải vội đưa mắt nhìn gian giữa. Anh thấy cạnh ngọn đèn leo lét là cảnh sản phụ nằm ở cái thảm thổ cẩm, trải trên sàn làm từ luồng đập bẹp. Sản phụ đã bất động, mặt mày tím tái, cái bụng bầu đội cong lên cao đến gần nửa mét. Mặc dù đã được đắp chiếc chăn vải thổ cẩm đến nửa thân người nhưng ở sản phụ vẫn lộ ra cái bụng cao ngồn ngộn ấy.
Đây là lần đầu tiên, chàng trai hai lăm tuổi Mai Thiên Hải thấy cảnh một phụ nữ trẻ sinh nở trong tình thế hiểm nghèo như thế nào? Sự mang nặng đẻ đau phải chịu đựng cùng cực như thế nào? Trong anh miên man hiện về những câu nói mà các cụ dưới xuôi thường ví như “bụng chửa vượt mặt” và thấu cảm với cảnh huống người sản phụ sinh nở khó khăn đang chịu đựng như một cơn thập tử nhất sinh đe, dọa đến sự mẹ tròn con vuông trước tiếng khóc chào đời của một sinh linh!
Đại úy, quân y sĩ Vũ Ngọc Những làm các động tác đo huyết áp, đo nhịp mạch tim khá nhanh. Anh phát hiện ra Hải có vẻ đang rất lúng túng và tâm tư, liền gắt gỏng, bảo phải kéo hẳn váy sản phụ ra… Nghe “lệnh” thế, Hải càng thêm lúng túng, hai tay anh lóng ngóng và run bắn.
Đại úy Những như hiểu được tâm lý của người lính trẻ “ngoại đạo” nên anh chủ động làm việc tế nhị này và bảo Hải đi lên phía đầu sản phụ giữ vững hai vai chị ta.
Thiếu úy Hải quỳ hai đầu gối đang run lên bần bật xuống sàn, tổng lực dồn vào đôi tay ghì lấy vai của sản phụ. Lưng áo anh ướt đẫm mồ hôi, chỉ sợ, cảnh tượng xảy ra theo chiều nguy kịch, kiểu “cửa sinh là cửa tử” mà các cụ đã nói.
Quân y sĩ Những dùng cánh tay phải khéo léo luồn vào hai khuỷu gối của sản phụ nâng gập chân của sản phụ lại, vội lôi chiếc chăn thổ cẩm cuộn tròn, kê vào mông sản phụ để xương chậu được mở rộng. Nhìn cảnh quân y sĩ Những thò tay vào vùng kín của sản phụ quan sát kỹ lưỡng vị trí bấm ối, Hải đỏ hết cả mặt.
Dường như sự “tự vệ” nữ tính tiềm tàng đã khiến sản phụ tỉnh lại. Chị ta cố nghển lên “Ấy dà! Nhà anh này không biết thẹn à”. Đại úy Những vội bảo Hải, giữ chặt hai vai sản phụ. Sản phụ vẫn tiếp tục “quẫy” mạnh. Quân y sĩ Những phải gắt lên: “Nằm im nào, Hại - hại… cái cục c…! Tôi đang hết sức để cứu mẹ con chị đây”.
Sản phụ như hiểu ra, không sợ bị thẹn nữa. Sản phụ lúc này như không còn chút sinh lực nào, đầu rời khỏi gối, rơi xuống sàn nhưng phần bụng thì cứ luôn hồi oằn lên như con giun bị trúng phải nhát cuốc của người làm vườn. Nước mắt, nước mũi giàn dụa, có lẽ chị quá đau mà không còn sức để kêu rên.
Thiếu úy Hải vừa hoang mang, vừa thẹn phải quay mặt ra phía phòng khách thì bị sản phụ cắn vào cổ tay trái. Anh hét toáng lên khiến quân y sĩ Vũ Ngọc Những giật bắn người. Trong sự đau đớn về vết cắn sâu đến hàng centimet ấy anh càng thêm thấu cảm với nỗi đau của người đang vượt cạn…
Bằng các thao tác của người thầy thuốc chuyên nghiệp nơi biên cương, quân y Vũ Ngọc Những đã đưa được đứa trẻ ra khỏi cơ thể mẹ, có điều đứa trẻ không khóc được, người nhũn như sứa, tím ngắt. Quân y Những cầm hai chân dốc ngược lên, vỗ mạnh vào mông chín cái và bé gái này đã bật ra tiếng khóc đầu tiên.
Cuối cùng ca đẻ khó khăn cũng thành công, Thiếu úy Hải vỡ òa hạnh phúc quên luôn cả vết thương đang rỉ máu.
Đứa trẻ khóc chào đời trong ánh mắt hân hoan của sản phụ đã tỉnh lại, gương mặt đã dần hết tím tái…
3. Như được thở phào khi câu chuyện kết thúc có hậu, tôi vội hỏi Trung tá Mai Thiên Hải: “Sao anh zai đến bây giờ mới kể công vụ đặc biệt này với cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Kim Dung?”. Chị Dung cười: “Anh Hải giấu kỹ thế để dành cho cô viết văn đấy!”.
Tôi nhìn sang anh Hải định nói lời cảm ơn nhưng bỗng thấy trên gương mặt anh hiện lên những nét ưu tư rất lạ. Tôi đang định hỏi thêm về câu chuyện vượt cạn của sản phụ trẻ ở bản Chiềng Cồng và số phận hiện nay của họ như thế nào thì Trung tá Hải trải lòng: “Cô giáo ạ, anh đã mấy lần định kể câu chuyện này với bà xã anh…. Nhưng rồi chưa dám kể, vì cứ nghĩ, bà ấy đã sinh cho mình hai đứa con, một trai, một gái, nếp, tẻ đủ cả thế mà không lần nào anh có mặt ở nhà để đưa vợ đi đẻ, nấu cho vợ món cá bống biển dành cho bà đẻ của Quảng Lưu mình hay giặt cho bọn nhóc mớ tã, bỉm… Càng nghĩ càng thương bà ấy, làm vợ lính thua thiệt và hy sinh thế đấy, kể cả khi đất nước thái bình!”. Tôi nhìn người anh họ và bật lên: “Nói chính xác ra là vợ lính biên phòng!”. Trung tá Mai Thiên Hải khẽ gật đầu.
Sau đó là thời khắc lặng đi, hẳn trong tâm tư mỗi người đang có những liên tưởng về công việc của người lính “năm cùng” nơi biên cương và người thân của họ ở hậu phương. Họ xa nhau về khoảng cách địa lý và năm tháng biền biệt nhưng là ở bên nhau trong tâm khảm, trong từng công việc…
Làng Mậu Đông, dịp 30-4
T.Đ.T
(*) Theo số liệu năm 2010.