Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Sao xanh vùng cửa sóng (Ký dự thi)
Sao xanh vùng cửa sóng (Ký dự thi)

Khi được tham dự lễ ký kết phối hợp và phát động cuộc thi viết ký: “Biên cương một dải vững bền” năm 2023 giữa Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, tôi đã nói với bạn viết: Tôi sẽ tìm hiểu và viết về Đồn Biên phòng Đa Lộc! 
- Có cội nguồn, cơ duyên, phát hiện gì chăng? 
Tôi phấn chấn:
-  Đương nhiên! Nhưng để câu trả lời này cho bài ký... 
Làng tôi tựa lưng vào núi. Nếu trèo lên tới đỉnh, sẽ bao quát được cả một vùng ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc và Lạch Trường của huyện Hoằng Hóa. Nhìn hướng Đông Bắc có dải núi Răng Cưa(*) trải dài về phía biển. Cuối dải Răng Cưa gần với biển, núi ngắt quãng, thấp xuống rồi lại vồng lên giống hình một “con bò” đang mải miết kéo cả trập trùng phía sau. Cách một khoảng biển trống, vòng về hướng Nam là dãy núi Hà Rò(*), trông xa cũng giống như một “con trâu” kéo theo sau mình một dải núi nữa đang đi về hướng “con bò”. Có câu chuyện truyền miệng: “Con trâu kéo núi Hà Rò, con bò kéo núi Răng Cưa”, thường được người làng kể lại. Từ xa xưa, quê hương mình giặc giã nhăm nhe, xâm lấn. Thương dân xương máu chống giặc ngoại xâm, “Hồn thiêng sông núi” đã cho “con trâu, con bò” kéo hai dải núi làm phên dậu che chắn, cản bước, ngăn chặn xâm lăng. Từ đó, mỗi lần lên núi, câu chuyện “Con trâu, con bò kéo núi...” cứ làm tôi khao khát muốn được một lần đến vùng đất ấy, nơi cửa sóng mở vào đại dương bao la.
Nhìn trên bản đồ, đất liền Thanh Hóa tương tự một hình tứ giác. Đỉnh hướng Đông là vùng bờ biển huyện Hậu Lộc, Nga Sơn; Đỉnh hướng Tây Bắc là xã Tam Chung huyện Mường Lát; Đỉnh hướng Tây là xã Na Mèo huyện Quan Sơn; Đỉnh hướng Nam là thị xã Nghi Sơn. Nga Sơn, Hậu Lộc, nơi bắt đầu một tuyến ven biển dài 102 km của tỉnh Thanh Hóa với vùng lãnh hải rộng 17.000 km2. Hòn Nẹ, đảo cách đất liền khoảng 5 km như là tâm trụ quạt mở một cung vịnh biển Hậu Lộc, Nga Sơn khá phẳng lặng. Đồn Biên phòng Đa Lộc gìn giữ chủ quyền an ninh biên giới biển vùng duyên hải, lãnh hải hai huyện nơi đây. Đó là cội nguồn nhận thức và mong muốn để tôi được đến, được viết về con người, vùng đất ven biển này.
Sáng đầu hạ 2023 mưa vừa đủ mát, tôi về Đồn Biên phòng Đa Lộc. Cầu De đây rồi, một cây cầu ngắn nhưng khá cao. Xe đến giữa cầu, nhìn phía bên kia tôi nhận ra một tấm biển lớn màu xanh nước biển trên hai cột sắt bên vệ đường: “Khu vực Biên giới biển”. Tôi đã từng qua cầu De không ít lần, nhưng lần này, cây cầu vững chắc và tấm biển uy nghiêm cho tôi niềm dâng trào khôn tả. Biên giới biển, chủ quyền lãnh hải, đất đai bình dị, thân thương quá. Tôi dừng xe đến bên tấm biển, hướng bàn tay lên cao áp nhẹ da thịt mình trên những “tế bào” của đất đai “biển trời nền xanh chữ sáng”... Giọt nước mắt nhẹ rơi xuống ống kính máy ảnh. Tổ quốc tôi! Để hôm nay có những tấm biển này biết bao nhiêu người con đã hy sinh, bao nhiêu đồn biên phòng từ khi chỉ gọi tên theo những con số, hôm nay đã vững vàng, chững chạc, kiêu hãnh có tên đồn gắn với địa danh mà tôi đang đến.  
Do đã được thông tin từ khi xin giấy giới thiệu ở Bộ đội Biên phòng tỉnh đến Đồn Biên phòng Đa Lộc nên đồn đã chủ động dành thời gian tiếp tôi. Thượng tá Nguyễn Ngọc Đức - Đồn trưởng và Thiếu tá Lê Văn Chung - Chính trị viên đồn hôm nay đi công tác nên đã điện cho tôi. Người trực tiếp trao đổi với tôi là Thiếu tá Vũ Cao Cường - Phó đồn trưởng. Như rất nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng khác, Thiếu tá Cường có vóc dáng nhanh nhẹn, khoát đạt, điềm tĩnh, chín chắn và tiềm ẩn năng lực. Tôi nói rõ lý do về Đồn Biên phòng Đa Lộc để viết ký. Chúng tôi cùng thấm hiểu và nhận ra vấn đề cốt lõi khá nhanh. Thiếu tá Cường nói: 
- Trước khi trao đổi một số nét về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, biên giới biển đảo, giữ gìn biên cương một dải vững bền, mời bác gặp gỡ một chiến sĩ biên phòng đã nguyện cả cuộc đời là anh bộ đội Cụ Hồ. Anh là tấm gương về sự cống hiến, tận tụy, biết hy sinh vì dân, vì nước - Thiếu tá Mỵ Duy Quang phụ trách quân y.  
Tôi ngồi trò chuyện với Thiếu tá Quang trong phòng họp tòa nhà chính của đồn. Vẻ mặt anh hiện lên nét ham việc, cẩn trọng và kiên nhẫn. Thiếu tá Quang ở xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn. Anh từ tốn tâm sự: “Tôi vất vả từ khi còn nhỏ. Bố là giáo viên, mẹ làm nông nghiệp. Cuộc sống của cả nhà trông chờ vào đồng lương của bố và cây rau, củ khoai, bắp ngô vùng đồng bãi. Mẹ mất sớm, tôi cố học xong phổ thông rồi tình nguyện vào bộ đội. Được đi học trung cấp quân y, tốt nghiệp ra trường chuyển sang bộ đội biên phòng. Đời lính trẻ xa nhà là chuyện bình thường. Tôi ở các đồn biên phòng tỉnh Sóc Trăng hơn mười năm, đến năm 2009 mới chuyển về biên phòng Thanh Hóa. Biết hoàn cảnh vợ yếu, các con đã lấy chồng nên lãnh đạo biên phòng tỉnh tạo điều kiện cho về công tác ở các đồn miền xuôi để tiện việc hỗ trợ gia đình, nhưng cũng chả giúp được gì nhiều. Khi được về công tác gần nhà thì vợ mất. Còn một mình... Anh em vẫn phải trực đêm thay tôi để tôi được về nhà cho có người, có tiếng. Với tôi bây giờ đồn là nhà, đồng đội là người thân, nơi để mình tin cậy, sẻ chia”. Câu chuyện trầm lắng hồi lâu... Tôi chủ động nói với Thiếu tá Quang: “Chúng ta đi quanh quanh sân, vườn của đồn một chút”.
Thiếu tá Quang vừa đi vừa trao đổi: “Đây là vườn cây thuốc chúng tôi tự trồng. Ở xa các bệnh viện, nếu không có cây thuốc để sơ cứu ban đầu, không kịp thời chuyển lên tuyến trên nhiều ca sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sức khỏe của hơn năm mươi cán bộ chiến sĩ và bà con quanh đây không thể thiếu sự chăm sóc của quân y. Đồng đội gian nan, vất vả quá nhiều, mình giữ gìn sức khỏe cho họ như thế đâu chỉ là trách nhiệm mà còn là ân nghĩa, lương tri”.
Rảo bước tới sân tập thể dục, thể thao nơi các chiến sĩ rèn luyện sức khỏe. Nhìn qua có thể nhận ra Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chỉ huy đồn đã quan tâm đến sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ chu đáo đến nhường nào. Qua những vườn rau, có vườn xanh vừa độ cắt hái, có vườn lá vươn mửng non kín đất, có vườn lên luống vừa trồng. Cúi xuống một vạt mồng tơi khoe những lá nõn đầu tiên đang bắt đầu mướt xanh, khi nhìn thấy một cây bị sâu cắn rơi lìa hai lá ngay tại gốc, như chẳng biết có tôi ở bên, Thiếu tá Quang thốt lên: 
- Trời ơi! Sâu, tai hại quá! 
Nói rồi anh dùng những ngón tay của mình khẽ gạt nhẹ ngọn mồng tơi để tìm con sâu quái quỷ. Đôi mắt anh đỏ lên như xuyên vào đám đất cố tìm bằng được con sâu. Tôi hiểu sự sống với anh giờ đây quý giá thiêng liêng đến nhường nào... Nồi canh rau tươi cho đồng đội, mầm sống nguyên sinh nơi khô cằn gió biển và trái tim người lính. Trong tôi lặng lẽ một khát vọng sống thương quý sinh sôi, yên bình hiển hiện. Nhiệm vụ chăm vườn cây thuốc, đôn đốc trồng rau, vun tưới được giao cho quân y đồn. Hàng ngày Thiếu tá Quang vẫn thức khuya, dậy sớm tất tưởi qua bến đò Sung để sang đồn tranh thủ chăm chút từng cây lá thuốc, ngọn rau, mầm khoai.
Có việc cần đến Thiếu tá Quang, tôi bảo anh cứ về lo việc. Anh chào rồi trở lại phòng quân y. Tôi men lối vườn dọc tường rào sau đồn, ngỡ ngàng nhìn những dây bầu đuồn đuỗn buông quả. Hình như miền đất chang chang cát nóng ở đây cũng thương con người hơn, không phụ lòng người mà gắng mình ra hoa, tụ quả.
Đã đến giờ nghỉ trưa. Trong bữa cơm trưa tôi được nghe Thiếu tá Đinh Quang Thanh - Phó Đồn trưởng trò chuyện về những cố gắng để vượt qua vất vả đời thường. Vừa xong bữa, Thiếu tá Cường nói với tôi: 
- Hôm nay trời không nắng, ta uống trà hít thở gió biển trong lành, nói chuyện luôn ở sân được không ạ? 
- Hay quá đi chứ, mấy khi được ngồi giữa đất trời mà nói chuyện thế này!
Ngồi vào ghế đá ở sân đồn tôi chủ động gợi chuyện: 
- Trong giai đoạn hiện nay, khi mà cả nước đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới Quốc gia”, với Đồn Biên phòng Đa Lộc, Thiếu tá Cường thấy vấn đề gì cần quan tâm, chú trọng?
- Đồn Biên phòng Đa Lộc được giao nhiệm vụ quản lý biên giới biển dài 17,5 km, với 9 xã (6 xã của Hậu Lộc và 3 xã của Nga Sơn). Tổng dân số gần 23.000 hộ, hơn 100.000 khẩu. Địa bàn phức tạp về an ninh xã hội, về khai thác tiềm năng, nguồn lợi biển... Hiện nay, nổi lên một vấn đề đặc biệt quan trọng -  Khai thác thủy sản. Việc đó không đơn thuần là của địa phương, của quốc gia mà là vấn đề quốc tế. Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo và xác định: “Hoạt động đánh bắt IUU là các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý ở khắp nơi trên thế giới”. “Thẻ vàng” thủy sản được EC đưa ra đối với những nước có vi phạm quy định chống khai thác IUU. Đánh bắt thủy sản trên biển của chúng ta đã bị EC cảnh báo, áp thẻ vàng. Để gỡ được “thẻ vàng” cần nâng cao năng lực quán triệt, vận động, giám sát thực thi khai thác thủy sản. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương phải hoạt động mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm. Để có thể gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các địa phương rất cụ thể. Vận động ngư dân thực hiện các hoạt động đánh bắt hợp pháp, sự phối kết hợp giữa lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư, các địa phương là rất cần thiết. Trong đó cơ bản, thiết thực và gần gũi ngư dân chính là bộ đội biên phòng. Quán triệt quyết tâm của Chính phủ, của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, của UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Đa Lộc đã xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Mỗi xã trong khu vực quản lý, chúng tôi phân công hai chiến sĩ cùng ăn ở, hỗ trợ những công việc cần thiết cho ngư dân. Thông qua đó nắm bắt cụ thể các đối tượng có ý định làm, mua kích điện, thuốc nổ và chủ động đề phòng, ngăn chặn từ khi mới nhen nhóm. Kết quả là ý đồ manh nha dùng kích điện, thuốc nổ đánh bắt hải sản đã không xảy ra. Thực ra mấu chốt của vấn đề vẫn là nhận thức của ngư dân. Một khi chúng ta chỉ ra cho họ thấy cái được, cái mất khi khai thác thủy sản trái phép ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, lợi ích quốc gia, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam, đến sinh sôi nguồn lợi thủy sản, môi trường biển mà ông cha ta, dân tộc ta đã hàng nghìn năm bảo vệ giữ gìn, người dân sẽ nhận ra và cùng chúng ta thực hiện.
Nghe Thiếu tá Cường trao đổi tôi càng thấm thía hơn. Lòng dân, cái chìa khóa muôn thuở, ngàn đời của được, mất, thành, bại... Ai ai cũng biết thế và nhận ra thế, nhưng để có được lòng dân, dân tin, dân quý đâu chỉ cái “nhãn”, cái “danh” mà phải có những tấm lòng như các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc, cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Biết thao thức, trở mình mà nghe sóng biển, mà đẩy thuyền, vá lưới cùng với ngư dân. Đó là “quyền năng mềm” vô cùng quý giá, chỉ khi thực sự thương dân, trọng dân họ mới có được.
Trong quá trình vận động nhân dân, một vấn đề mà chúng tôi có được từ thực tiễn là: Những “tọa độ, mốc giới” trong khu vực biên giới biển, đó chính là văn hóa, nhận thức về văn hóa trong lòng dân. Vùng biển Hậu Lộc, Nga Sơn những tên đất, tên người, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng bao đời ông cha để lại, đó là niềm tự hào, nền tảng tư tưởng của cộng đồng dân cư. Bảo vệ, giữ gìn được nền tảng văn hóa ấy chính là góp phần bảo vệ biên giới biển. Vì thế chúng tôi vận động nhân dân, cán bộ chiến sĩ bằng những hành động thiết thực của mình góp phần khơi dậy niềm tự hào, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước. Trên địa bàn có đảo Hòn Nẹ tiền tiêu; Có nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung; Khu di tích lịch sử cách mạng tưởng niệm mẹ Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm); Ngôi nhà của nhà yêu nước và cách mạng kiên cường Đinh Chương Dương và vợ là Nguyễn Thị Muội, cả đời nuôi chồng, con và các chiến sĩ cộng sản hoạt động. Có chùa Vích - Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, chùa Liên Hoa thường diễn ra lễ hội cầu ngư vào đầu mùa xuân; Đền Xuân Đài thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Chợ Hói Đào, chợ  Diêm Phố, lâu đời nổi tiếng khắp vùng... - Thiếu tá Cường chia sẻ:
- Nhận thức rõ dân trí, văn hóa là nền tảng và động lực phát triển, là hải đăng soi đường cho những con tàu, bước chân tuần tra giữ gìn biên giới biển. Chúng ta đã hiện thực hóa nhận thức đó hiệu quả chứ?
- Chúng tôi đã có những việc làm hết sức cụ thể và thiết thực. Vào những ngày lễ trọng đại, dịp kỷ niệm, đoàn thanh niên đồn cùng với đoàn thanh niên các xã tổ chức giao lưu truyền thống, uống nước nhớ nguồn. Tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng kiên trung, người có công với nước, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ. Giữ gìn, phát huy giá trị tinh thần của những “địa chỉ đỏ” để giáo dục thế hệ tương lai truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng tổ chức làm vệ sinh môi trường, chăm tưới cây xanh, bồn hoa trong các khu di tích lịch sử cách mạng...
Mạch chuyện đang cuốn hút thì có một số cán bộ, chiến sĩ từ địa bàn về muộn vừa ăn trưa xong, đi qua nơi chúng tôi. Thiếu tá Cường thân tình mời mọi người ngồi uống trà: “Có bác trên Hội Văn nghệ tỉnh về tìm hiểu đồn ta đấy!”. Tất cả bên bàn trà, Thiếu tá Cường giới thiệu từng người với tôi. Nắm tay một chiến sĩ Thiếu tá Cường nhìn tôi: Giới thiệu với bác đây là đại úy Hồ Xuân Dương, đội phó đội vận động quần chúng. Hôm nay Đại úy Dương vào trường trung học cơ sở dạy cho các em học sinh theo chương trình: “Tiết học biên cương” nên nghỉ hơi muộn. Nói rồi, Thiếu tá Cường nhìn Đại úy Dương: 
- Đồng chí còn bao nhiêu tiết nữa thì xong chương trình? 
- Khoảng mươi tiết nữa, nhưng niên học tới đây, dạy cả cho các em trung học phổ thông chắc là sẽ rất vất vả. 
- Cố gắng lên đồng chí, đó là tầm nhìn chiến lược giáo dục cho thế hệ tương lai phát huy truyền thống ông cha giữ gìn giang sơn bờ cõi đấy!
Chúng tôi lặng lẽ ngước nhìn những tán cây trên sân đồn đang độ vươn nắng... Ngoài kia biển sóng rì rào. Hòn Nẹ bao đời vẫn kiên gan bền bỉ trước bão tố, ngoại xâm, tươi non cây lá, lưu giữ đời đời hương khói, bước chân, ánh mắt tiên tổ ông cha, đêm đêm vẫn sáng lên một ngọn hải đăng kiêu hãnh và tin yêu.  
Tôi bắt tay chào tạm biệt mọi người để đi đến cầu Lạch Sung xây dựng sắp hoàn thành. Cầu nằm trên tuyến đường lớn ven biển. Những móng trụ bê tông dựng lên từ lòng sông, bãi cói cao vượt hết những ngọn cây hai bên triền đê. Ngạo nghễ quá! Rồi đây cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc, trạm Lạch Sung, trạm Hói Đào sẽ đỡ vất vả nhiều lắm, khi có việc cần đi lại giữa trạm và đồn. Sẽ hết cảnh chờ đò mưa gió để biên phòng đến với dân trong thiên tai. Rời cầu Lạch Sung, tôi tới khu di tích lịch sử cách mạng tưởng niệm Mẹ Tơm. Chậm rãi đi, dừng trên từng bước gạch, bước cỏ, men bờ tường đá khu tưởng niệm, tôi như được thấm cảm khói hương, sự chăm sóc, gìn giữ của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc. Vùng đất “nắng dài bãi cát” thơm đằm mùi biển này chính là khoảng mở biển trời mà thuở nhỏ tôi đã được nhìn thấy từ xa và ước ao được đến nơi đây. Giờ tôi đã nhận ra thông điệp từ câu chuyện tuổi thơ “Con trâu kéo núi Hà Rò, con bò kéo núi Răng Cưa”, tổ tiên, ông cha muốn dặn dò, nhắc nhở hậu thế rằng: Biển là khoảng mở, là cửa sóng của đất liền cho chúng ta nhìn tới chân trời và lướt sóng đại dương đi tới năm châu. Dù bất kỳ gian khổ, khó khăn nào hãy chung tay góp sức bảo vệ cửa sông, giữ gìn biển cả, kiên gan vững bền chủ quyền biển đảo. Bất giác tôi ngước nhìn khoảng trời phía Đồn Biên phòng Đa Lộc, những ngôi sao mọc sớm đang hiện dần lên... Trí tuệ Thượng tá Đức, trái tim Thiếu tá Chung, gương mặt Thiếu tá Cường, Thiếu tá Thanh, Đại úy Dương, đôi mắt Thiếu tá Quang cùng những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc hôm nay hiện lên ngời ánh trong tôi. Tình yêu thương, tận tụy vô bờ bến của các anh với nhân dân - “Quyền năng mềm” mà khi đến với các anh tôi mới được nhận ra. Những ngôi sao mọc lên từ vùng cửa sóng, từ bầu trời biển cả mênh mông bao giờ cũng xanh và cứ xanh như thế...
         

   V.Q.T


(*) Núi bên cửa Thần Phù, và núi Lạch Trường.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 168
 Hôm nay: 10463
 Tổng số truy cập: 12831456
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa