Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Những “ngọn đèn” thắp sáng biên cương (Ký dự thi)
Những “ngọn đèn” thắp sáng biên cương (Ký dự thi)

Tháng tư thời tiết đỏng đảnh như cô gái dậy thì, lúc mưa lúc nắng, đang nóng như trong lò nung, bỗng chốc trời trở gió xua cái lạnh ở đâu đột ngột ùa về làm chúng tôi phải xuýt xoa co rúm trong những chiếc áo cọc tay mỏng mảnh. Song, nếu như ở dưới thành phố thì sự thay đổi thời tiết này cũng chỉ là dịu mát thôi, nhưng vì chúng tôi đang ở một nơi biên cương xa xôi, hẻo lánh, nơi bạt ngàn rừng xanh núi thẳm, thời tiết luôn lạnh hơn dưới xuôi là phải thôi. Nơi đó là xã Na Mèo, một xã miền núi phía Tây của huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Na Mèo là xã biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, là vùng núi non hiểm trở, là nơi đầu nguồn con sông Luồng đổ về xuôi hợp với sông Lò rồi hòa vào dòng sông Mã.
Tôi đến Na Mèo thật ngỡ ngàng vì cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. Cách đây gần 20 năm tôi đã đến đây, khi đó Na Mèo còn là vùng núi hoang vu, đường đất lổn nhổn gạch đá, lác đác vài căn nhà cấp bốn nằm rải rác hai bên đường với những hàng quán sơ sài. Vậy mà bây giờ khu thị tứ Na Mèo đã san sát những ngôi nhà cao tầng lớn bé. Đường rải nhựa phẳng lỳ êm ái những làn xe qua. Chợ Na Mèo khi xưa chỉ là một bãi đất trống, mỗi phiên chợ hàng tuần dân hai bên vùng biên tụ họp nơi đây bán mua những sản vật cần thiết cho cuộc sống, họ thường trải ni lông bày hàng hóa ngay dưới mặt đất gồ ghề, phiên chợ chỉ nhộn nhịp khoảng vài tiếng đồng hồ rồi thưa dần khi mặt trời leo lên gần đỉnh núi. Còn bây giờ chợ là một khu nhà xây rộng lớn, đủ các loại sạp hàng phong phú, ngăn nắp như chợ dưới xuôi. Dân hai vùng biên có thể thoải mái tụ họp, ăn chơi mua bán đến tận trưa mà không sợ nắng nôi mưa gió. Và bây giờ người ta cũng không cần phải đợi đến phiên chợ nữa, họ có thể mua bất cứ thứ gì ở ngay những cửa hàng tạp hóa ven đường. Quả là Na Mèo đã thay da đổi thịt, đã khác xưa quá nhiều rồi.
Cũng đúng thôi vì Na Mèo là nơi có cửa khẩu quốc tế, là nơi giao thương đi lại của hai nước Việt - Lào và một số nước lân cận trong khu vực. Chính vì thế sự hiện diện của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo là điều tất yếu và vô cùng quan trọng ở nơi đây. Thực ra khi nắm được vị trí xung yếu của địa bàn xã Na Mèo trong công cuộc giữ gìn an ninh quốc phòng thuộc tuyến biên giới, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định thành lập đồn biên phòng tại nơi đây từ khá lâu rồi, mang tên là Đồn 22, đến 1-5-1959 thì được đổi tên là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Hiện nay Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, biên giới Việt - Lào dài 37,376 kilomet, với 15 cột mốc quốc giới, quản lý địa bàn 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy.
Na Mèo và Sơn Thủy là vùng núi cao, suối sâu, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nguy hiểm, có nơi độ cao lên đến nghìn mét, sông suối hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, mùa hè có lúc nhiệt độ lên đến 39 độ C, mùa đông có khi lạnh tới 0 độ, người dân sống còn vô cùng khó khăn và lạc hậu, có hai xã nhưng có tới 5 dân tộc anh em sinh sống là Thái, Mông, Mường, Cao Lan, Kinh. Do quá trình di cư của mỗi dân tộc khác nhau nên đã tạo ra sự phức tạp trong quan hệ giữa các dân tộc. Nhiều gia đình còn tồn tại mối quan hệ đồng tộc, dòng tộc gây hạn chế đến nhận thức quốc gia, quốc giới, dễ bị kẻ thù móc nối lợi dụng. Song, đó cũng là một yếu tố thuận lợi cho việc xây dựng mối tình đoàn kết hữu nghị biên giới giữa hai nước Việt - Lào. Đời sống người dân nơi đây từ lâu chỉ phụ thuộc vào nương rẫy, trong điều kiện thời tiết lại hết sức khắc nghiệt nên sản xuất khó khăn, dân trí lại thấp và còn tồn dư nhiều tập tục lạc hậu ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế và đời sống văn hóa.
Chính vì vậy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo từ khi thành lập đến nay đã khoác lên mình một trọng trách vô cùng lớn lao khi đứng chân trên vùng đất đầy cam go, thử thách này.
Khi chúng tôi tới Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thì trời đã ngả về chiều, những tia nắng hanh vàng chỉ còn sót lại mờ nhạt trên những đỉnh núi cao, không gian nhuốm màu trầm tư của núi rừng miền biên ải. Các chiến sĩ biên phòng đã vào giờ nghỉ, cởi bỏ quân phục, mặc áo may ô, quần cộc đang tất bật chăm sóc mấy luống rau xanh, cho lợn gà ăn hoặc í ới gọi nhau ra tập thể thao. Nhưng Trung tá Đồn trưởng Trương Văn Hải vẫn kiên trì ngồi đợi chúng tôi trong gian phòng tiếp khách khá khang trang của trụ sở đồn biên phòng. Một cảm xúc bâng khuâng dâng trào trong tôi khi được quay trở lại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo lần này, nhớ những người ngày xưa quá, chắc giờ họ cũng đã da mồi tóc bạc, họ ở đâu, ai còn ai mất. Những chiến sĩ biên phòng hồi ấy còn rất trẻ, cũng như tôi thời ấy. Tôi đã từng cùng họ trò chuyện, tưới rau, nấu cơm. Được ăn bữa cơm đạm bạc đậm vị núi rừng của họ. Được họ giới thiệu ăn món xôi nếp Lào đựng trong cái ếp, ăn với cá suối nướng. Tôi đã tròn mắt ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy ai ăn xôi với cá cả. Nhưng đồng chí Đồn trưởng đã cười giòn tan bảo rằng cứ ăn thử cá ở đây mà xem, ngon tuyệt, ở thành phố không bao giờ có loại cá này đâu. Cá này sống ở vùng đầu nguồn con suối, nước rất sạch, nên cá không hề tanh. Đúng như vậy, và tôi còn thòm thèm cho đến tận bây giờ. Trung tá Trương Văn Hải cũng rất trẻ như các chiến sĩ tôi gặp ngày xưa ấy, và họ cũng rất giống nhau ở cái chất lính xởi lởi, mộc mạc, chân tình. Trung tá Hải cứ khẩn khoản mời chúng tôi ăn bữa cơm tối với anh em trong đồn, nhưng vì chúng tôi đi đông người, nên chị trưởng đoàn từ chối vì sợ làm phiền đến anh em trong đơn vị. Tôi thì hơi tiếc, không phải vì bữa cơm mà vì tôi muốn được trò chuyện cùng các chiến sĩ biên phòng để được cảm nhận lại ký ức năm xưa. 
“Không ăn cơm chiều thì ăn sáng, cháu mời các bác, các cô ăn trưa ở bên biên giới nước Lào vậy”. Trung tá Trương Văn Hải vẫn không thôi cái sự nhiệt tình hiếu khách, khiến đoàn cũng khó từ chối, với lại được đi qua cửa khẩu quốc tế cũng có cái hay. Thế là chúng tôi đều ồ lên đồng ý. 
Sáng hôm sau chúng tôi được đích thân Đồn trưởng đưa qua cửa khẩu để sang bên nước bạn Lào ăn sáng. Quán ăn cũng chỉ cách cửa khẩu Nậm Xôi bên nước Lào khoảng vài trăm mét. Món ăn đặc trưng của Lào là xôi, phở thì có lẽ là của Việt Nam rồi. Nơi đây thuộc huyện Viêng Xay của tỉnh Hủa Phăn, một tỉnh có nhiều gắn bó với Thanh Hóa và nước ta trong các thời kỳ cách mạng và chống giặc cứu nước. Chính lúc này ký ức của tôi lại ùa về, tôi lâng lâng bước qua cửa khẩu bắt gặp những ánh mắt, nụ cười thân thiện của cả hai bên Việt - Lào, lòng bỗng chạnh nhớ ngày xưa, hồi đó cửa khẩu quốc tế Na Mèo chỉ là một căn nhà lá đơn sơ có một vài chiến sĩ biên phòng ngồi trực và làm thủ tục xuất nhập cảnh, cũng ngay bên cạnh là con sông Luồng, con sông được bắt nguồn từ hai con suối lớn của Lào là Nậm Xôi và Nậm Pùn hợp vào nhau rồi đổ về Việt Nam, hoang sơ đến mức có thể nghe được cả tiếng nai tác, tiếng chim rừng ríu rít đùa nhau, tiếng những con chồn, con sóc nhảy nhót trong các lùm cây cao lớn. Bây giờ khu vực cửa khẩu là một khoảng sân rộng mênh mông, có các dãy nhà làm việc của các chiến sĩ làm nhiệm vụ xuất nhập cảnh. Sừng sững ngăn cách giữa đường biên là một tòa nhà hai tầng khang trang với hàng chữ vàng trên nền đỏ thắm: CỬA KHẨU QUỐC TẾ NA MÈO. Tiếp đó là một cột mốc đại quốc giới được xây uy nghi giữa địa phận hai bên cửa khẩu bằng đá hoa cương: VIỆT NAM 327. Đứng tại nơi đây cho ta cảm giác tự hào khó tả. 
Chúng tôi vừa ăn sáng xong, thì gặp một tốp chiến sĩ biên phòng Lào cũng vào ăn sáng. Trung tá Hải và mấy chiến sĩ Việt Nam bắt tay chào hỏi các chiến sĩ biên phòng Lào thật thân thiết như anh em một nhà. Khi chúng tôi tấm tắc về sự thân thiện giữa hai bên biên giới thì Trung tá Hải đã giải thích: Việc tạo mối quan hệ thân thiết để thắt chặt tình đoàn kết giữa hai nước Việt - Lào là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc phòng biên giới quốc gia. Từ lâu đơn vị đã tham mưu cho địa phương tổ chức phong trào kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới, cụ thể là năm 2014 đơn vị cùng với huyện Quan Sơn đã tổ chức kết nghĩa giữa bản Na Mèo (Quan Sơn, Việt Nam) với bản Lơi, cụm Mường Pùn của huyện Viêng Xay (CHDCND Lào), và đến cuối năm 2014, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cũng kết nghĩa với Đại đội 215 (Lào). Việc mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị và thắt chặt tình đoàn kết giữa 2 cụm dân cư hai bên biên giới là một yếu tố quan trọng cho công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc phòng, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trên biên giới vừa nhanh chóng, vừa mềm dẻo, linh hoạt lại đảm bảo đúng luật pháp quốc tế.
Để thắt chặt tình đoàn kết hai bên biên giới Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã thường xuyên tổ chức những đợt trao tặng quà cho các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn của cả hai bên biên giới. Vào những dịp kỷ niệm của cả Lào và Việt, đơn vị đã tổ chức những đêm giao lưu văn nghệ, để ôn lại truyền thống đoàn kết kề vai sát cánh của hai dân tộc, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn, củng cố mối quan hệ giữa Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa với Bộ Chỉ huy Quân sự và Ban Chỉ huy An ninh tỉnh Hủa Phăn. Ngoài ra Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo còn cử cán bộ chiến sĩ sang tận Mường Xô, Mường Pùn thuộc huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn để hướng dẫn người dân cách trồng cây lúa nước, nuôi cá… Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồn đã xây được một nhà văn hóa và 4 nhà tình nghĩa cho người dân bản Lơi, thuộc cụm Mường Pùn, đơn vị cũng đã nhận đỡ đầu 2 em học sinh cấp 1-2 ở bản Lơi với số tiền là 500 000 đồng/tháng. Ông Sỏn Mạ Ny Lợi Bủa My Xay, Trưởng bản kiêm Bí thư Chi bộ bản Lơi, cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn đã từng xúc động nói rằng: “Người dân bản Lơi được bộ đội biên phòng, nhân dân bản biên giới huyện Quan Sơn hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp đỡ các cháu học sinh ở bản theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Hai bên cũng thường xuyên mời nhau sang chơi trong những dịp lễ tết. Bà con yêu quý các đồng chí biên phòng Na Mèo như con em một nhà và cùng chung sức bảo vệ biên cương, giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới”. Ông Khăm Hôm Mi Vay, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn cũng đã từng phát biểu: “Trong những năm gần đây, thực hiện chương trình đối ngoại, nhân dân giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nói chung và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo nói riêng đã tăng cường thông qua các hoạt động thăm chơi, động viên giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Đặc biệt các chiến sĩ của đồn đã thường xuyên qua thăm chơi, hỗ trợ các bản kết nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là hỗ trợ bà con thay đổi tập quán sản xuất từ đó thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn”. 
Trở lại trụ sở của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo tôi được Đồn trưởng Trương Văn Hải giới thiệu một chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền vận động bà con dân bản trong địa bàn, đó là Trung tá Nguyễn Văn Sĩ, anh bảo vừa từ bản về theo lệnh của chỉ huy. Gương mặt anh vẫn còn bợt bạt vì gió bụi đường xa, nhưng nụ cười thì vẫn tươi rói. Anh hồ hởi kể cho tôi nghe về công việc của một chiến sĩ làm công tác tuyên truyền. Tuy không va chạm với súng ống đạn dược, không đối mặt trực tiếp với kẻ thù nguy hiểm, nhưng nhiệm vụ lại rất gian nan, vất vả và phức tạp. Xã Na Mèo và Sơn Thủy có 3 bản người Mông là bản Mùa Xuân, Ché Lầu và Xía Nọi, đây là các bản nằm trên vùng núi cao, đường sá đi lại rất khó khăn, hiểm trở, mà đa số dân ở đây vẫn sống theo những tập tục riêng biệt của người Mông. Trước kia dân ở các bản này chủ yếu sống bằng việc đi rừng, phát nương làm rẫy, họ quen sống kiểu du canh du cư, cứ trồng cấy một thời gian, đất bạc màu lại bỏ đi nơi khác, lại tiếp tục phá rừng làm rẫy. Để thay đổi nếp sống của đồng bào Mông, bộ đội biên phòng đã phải thay phiên nhau qua từng thời kỳ xuống tận bản tuyên truyền về nếp sống mới, vận động bà con bỏ những tập tục cưới xin, tang lễ lạc hậu, hủ tục bắt vợ, tảo hôn, tục du canh du cư, v.v… khuyến khích bà con xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, trồng lúa 2 vụ/năm, đào ao dẫn nước về nuôi cá cho đến nay về cơ bản các bản có người Mông sinh sống đã được thay da đổi thịt, các tập tục lạc hậu của người Mông đang dần được bãi bỏ. Đồng bào Mông đã thực hiện theo nếp sống mới, tích cực sản xuất và phát triển kinh tế theo đường lối chủ trương của Đảng. Nhờ đó đã góp phần thay đổi bộ mặt biên giới như hiện nay. Tuy nhiên công việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện những chỉ thị của Đảng và Nhà nước không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhiều khi, do trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, đồng bào Mông tuy thật thà nhưng lại rất bảo thủ và hay bị lung lay trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch luôn xúi giục, kích động. Có một sự việc xảy ra vào tháng 8 năm 2015, tại bản Mùa Xuân xã Sơn Thủy và bản Ché Lầu xã Na Mèo bỗng xuất hiện và lan truyền một đoạn video clip của một người đàn ông người Mông tự xưng tên là Xơ Dư đang định cư ở Mỹ với nội dung: Người Mông phải sống lưu vong trên khắp thế giới vì không có đất riêng; ca ngợi Vàng Pao là người đã có công xây dựng vương quốc Mông nhưng chưa thành lập vương quốc Mông… và kêu gọi mỗi người Mông phải đóng góp 20 đô la vào tài khoản trong video để thành lập nhà nước và đào tạo cán bộ quản lý, nếu ai đóng góp thì được làm cán bộ. Sau khi nắm tình hình và biết rõ âm mưu xảo quyệt của kẻ thù, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã phối hợp với các cấp ủy và chính quyền địa phương, cử cán bộ chiến sĩ đến tận bản và nhà trường để tuyên truyền, giải thích, vận động các em học sinh xóa đoạn video trên, đồng thời giáo dục nâng cao nhận thức cho các em thấy rõ những luận điệu lừa bịp của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc để chia rẽ khối đại đoàn kết, đi ngược lại với lợi ích quốc gia dân tộc mà Đảng và Bác Hồ đã nhiều năm dày công vun đắp. Cuộc vận động tuyên truyền của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã thành công nhanh chóng ổn định tình hình trong địa bàn.
Trong công tác tuyên truyền, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo còn phải thường xuyên tới các bản, cắt cử nhau cắm bản với phương châm 5 bám (bám cơ sở, bám dân, bám tình hình, bám đối tượng, bám mục tiêu) và 5 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng bảo vệ biên giới)  để nắm bắt tình hình một cách sát sao vừa giúp dân, vừa phát hiện những mầm mống tội phạm đang tiềm ẩn. Nói về công tác phòng chống các loại tội phạm của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thì không sao kể xiết được, vì đây là nhiệm vụ quan trọng chủ yếu mà bất cứ đồn biên phòng nào cũng phải đảm nhận để giữ yên biên cương Tổ quốc. Trong hơn 60 năm qua Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã bắt giữ và phát hiện hàng nghìn vụ tội phạm, nào là buôn bán chất ma túy, hàng lậu, lâm thổ sản trái phép, gian lận thương mại qua biên giới, nhập cảnh trái phép, v.v… trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể liệt kê ra hết được, chỉ biết rằng, các chiến sĩ biên phòng đang là những lá chắn thép trên miền biên cương Tổ quốc. 
Ngoài nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, đồn biên phòng còn có trách nhiệm giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bằng cách hướng dẫn người dân sản xuất lúa nước, trồng vầu và nuôi nhốt gia súc, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân. Để tạo nên niềm tin trong lòng dân, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng”, hiện tại đồn đang giúp đỡ cho 6 cháu học sinh với số tiền hỗ trợ 27 triệu đồng, và nhận nuôi 1 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là em Vi Việt Khang sinh năm 2007. Em Khang cha mất sớm, mẹ bỏ đi biệt tích, em sống với ông bà nội đã già yếu không còn sức lao động, nên không đủ ăn. Em có nguy cơ bỏ học. Nhận thấy tình hình gia cảnh của em không thể tiếp tục đến trường được, các chiến sĩ biên phòng đưa em về nuôi, cho ăn ở tại đơn vị. Hiện nay em đang học tại trường nội trú của huyện và học khá, em có ước mơ học xong sẽ được về làm việc ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.
Ngoài việc giúp dân xóa đói giảm nghèo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo còn giúp đồng bào trên địa bàn xóa mù chữ. Các chiến sĩ biên phòng đã không ngại khó khăn, vất vả đến tận nhà người dân kèm cặp giảng dạy cho họ học chữ phổ thông, giúp đỡ những học sinh tiếp thu chậm, đơn vị còn vận động được 70 em học sinh bỏ học trở lại trường, hỗ trợ đồ dùng học tập cho các em, giúp sửa chữa trường lớp cho các em khi vào mùa mưa bão.
Đến nay các bản khó khăn và có đông người Mông nhất là bản Mùa Xuân, Ché Lầu và Xía Nọi đã từng bước được khởi sắc, không còn những hộ đói, hộ nghèo cũng đã giảm, hộ khá đang tăng dần. Có nhiều gia đình đã mua được ti vi, xe máy, đồ dùng đắt tiền… Ông Thao Văn Dính bản Mùa Xuân cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con rất phấn khởi, cho đến hôm nay đời sống của bà con vừa là phát triển, vừa là đổi thay, ruộng nước làm 2 vụ, nhà cửa khang trang, nhiều bà con cảm ơn các đồng chí biên phòng, cảm ơn Đảng và Nhà nước”. Có thể ví các chiến sĩ biên phòng Na Mèo như những ngọn đèn đang thắp sáng cho những vùng đất còn tăm tối nơi biên cương.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo còn là lực lượng nòng cốt giúp dân trong những biến cố thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt các năm 2019, 2021 do ảnh hưởng của cơn bão gây ra mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày, gây nên tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở nghiêm trọng ở các bản Cha Khót, Sa Ná… nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề. Đơn vị đã cử các chiến sĩ của đồn đi xuống tận bản để giúp dân khắc phục khó khăn, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đồng thời đưa người và tài sản của dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đơn vị đã hỗ trợ cho dân bản Sa Ná hơn 20 tấn gạo, 100 thùng mì tôm và 20 kilogam cá khô.
Trong mấy năm vừa qua dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi và diễn biến phức tạp trong nước và toàn thế giới. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã thực sự làm tốt nhiệm vụ là một tấm lá chắn trong công tác đấu tranh phòng chống Covid, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới cửa khẩu, ngoài việc kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế, đơn vị còn lập 7 chốt chặn, 1 trạm kiểm soát liên hợp kiên cố, 1 tổ kiểm soát lưu động, 1 khu cách ly… Huy động toàn bộ chiến sĩ của đơn vị thay phiên nhau bám trụ tại các điểm chốt 24/24 giờ. Các chiến sĩ tuần tra thường xuyên, vừa ngăn chặn dịch bệnh vừa bảo vệ an ninh biên giới. Chắc không ai là không nhớ khi xem truyền hình thời đó, trong cái rét cắt da cắt thịt, những chiến sĩ biên phòng vẫn đốt lửa thức thâu đêm trong rừng sâu lạnh giá để canh gác biên giới, ngăn chặn những kẻ vượt biên trái phép vào Việt Nam đem theo dịch bệnh từ bên ngoài vào. Hình ảnh đó hoàn toàn là sự thật đối với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thời đó.
Trở lại với Trung tá Nguyễn Văn Sĩ, được biết anh vốn là sinh viên Đại học Văn hóa, nhưng sau khi ra trường anh lại phục vụ trong lực lượng biên phòng, và anh đã từng công tác ở Đồn Biên phòng Quang Chiểu nhiều năm. Giờ đây ở tuổi gần 50 anh cũng đã có một thâm niên kha khá phục vụ trong biên phòng. Tâm sự với anh, tôi được biết quê anh ở tận vùng biển Hậu Lộc, nhưng cả đời anh lại gắn bó với miền rừng núi. Vợ và các con vẫn ở quê, vợ anh là giáo viên tiểu học, hàng tháng anh mới về nhà được một lần. Hiện nay con nhỏ nhất của anh mới 3 tuổi. Cũng may là giờ có điện thoại thông minh nên thỉnh thoảng anh vẫn được trò chuyện với vợ con, nhưng nỗi nhớ vẫn không nguôi từ cả hai phía, khiến anh luôn trăn trở vì không giúp được gì cho vợ con. Công việc của anh thì vất vả mà không có thành tích cụ thể, rõ ràng. Việc tuyên truyền vận động bà con phải bằng cả lời nói và việc làm, hàng ngày anh phải đi lại đến vài chục cây số với những cung đường gập gềnh, nguy hiểm trên đèo cao suối sâu, khó khăn nhất vẫn là sự bất đồng về ngôn ngữ. Mặc dù anh cũng đang được học tiếng Mông nhưng nói vẫn còn chưa thạo, đồng bào nghe không rõ nên câu được câu chăng, tuy nhiên anh đã dùng mọi cách để bà con hiểu được và làm theo những điều anh tuyên truyền, căn dặn. Người Mông ở Na Mèo hiện nay đã văn minh lên rất nhiều, một phần cũng có công của anh và các chiến sĩ quân hàm xanh làm công tác tuyên truyền vận động qua nhiều thế hệ. 
Thấm nhuần tinh thần coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để bảo vệ biên cương Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh vùng biên giới, kết hợp với chính quyền địa phương giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài sản và tính mạng cho nhân dân, và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào. Với những thành tích trên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị xuất sắc thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa”, và Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới Việt - Lào, và nhiều Bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành, sở, UBND tỉnh trao tặng về thành tích cống hiến của đơn vị cũng như cá nhân trong nhiều năm qua. Tất cả những thành tích ấy đã tô thắm cho trang sử vẻ vang của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thêm rực rỡ, xứng đáng là đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Chia tay với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo trong buổi sáng tiết trời se lạnh, nhưng trong lòng chúng tôi lại ấm áp vô cùng bởi tấm lòng nhiệt tình, chân thành của các anh, những chiến sĩ quân hàm xanh ở đâu cũng là những anh bộ đội Cụ Hồ “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Các anh thực sự là những ngọn đèn soi sáng cho vùng biên cương xa xôi, hẻo lánh. 
          

 N.C.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 200
 Hôm nay: 11238
 Tổng số truy cập: 12832231
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa