Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Biên ải mù sương... (Ký dự thi)
Biên ải mù sương... (Ký dự thi)

Ở phần nhô ra của Tổ quốc xa xôi nơi cực Tây xứ Thanh, sương mù mùa này bao phủ ngày qua ngày. Sương ken quánh như ôm trọn cả một vùng biên ải. Khi mọi vật còn chưa được định hình bởi thứ ánh sáng nhờ nhợ, mờ ảo thì tiếng kèn hiệu lệnh từ Đồn Biên phòng Quang Chiểu vang lên, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Tiếng kèn báo như lời nhắn nhủ đanh thép về chủ quyền Tổ quốc; lời răn đe, cảnh tỉnh với kẻ tội phạm.
Bác tài hối: “Dậy! dậy! Sắp đến nơi rồi đồng chí!”. Bác gọi tôi là đồng chí, còn bác là một quân nhân, một cựu binh khoác trên mình bộ kaki cũ, đậm chất người lính. Hóa ra tôi đã chạm Mường Lát, dải đất vùng giáp biên với nước bạn Lào. Mảnh đất diệu vợi, xa xôi, nghèo khó, đầy cách trở năm nào, giờ đã đặt chân đến chỉ non nửa ngày đường! Bác tài với chất giọng hào sảng như lý giải cho sự thẫn thờ ấy của tôi, rằng: Hơn hai thập niên ông tự hào là người chiến sỹ biên phòng nơi cổng trời xứ Thanh, không biết đã có bao nhiêu bận hành trình ngược xuôi trên tuyến đường đầy khó nhọc này. Ông vỗ đùi mà tấm tắc khi nói về sự đổi thay của chính nó: “Phải nói rằng, chủ trương phát triển hạ tầng giao thông đi trước luôn là đúng đắn, hợp với lòng dân. Đường có thông thì giao thương kinh tế, văn hóa xã hội mới phát triển được”. Lời người cựu quân nhân ấy phân tích không sai, nhưng cái chất giọng cứng rắn chẳng khác nào một chính trị gia thứ thiệt, khiến ai cũng chăm chú nghiêm mình. Bỗng một vị khách phá tan cái bầu không khí trầm lắng: “Bác tài bỏ nghề lái đi, bác làm lãnh đạo hợp nhẽ!”… 
Sau phút rôm rả, chiếc xe bỗng gằn máy, bác tài cài số, xe lao qua “cổng trời” xuống dốc, đi vào vùng trũng sương mù, tầm nhìn chừng 10 -15 mét. Mọi người dừng chuyện, bám đai ghế giữ yên chỗ ngồi. Ai cũng có chút sợ hãi trước con dốc với những khúc cua tay áo liên hồi. Bác tài hiểu ý, cho xe di chuyển chậm lại, đủ để trấn an hành khách. Qua ô cửa mờ đục, tôi dễ dàng nhận ra những bản làng người Mông đang chầm chậm lướt qua như một thước phim quay chậm. Ở trong thước phim ấy, cái nghèo, cái khó bao năm vẫn hằn hiện qua những nếp nhà cũ kỹ, xám bạc, những đứa trẻ lấm lem, nhỏ còi đương địu sau lưng mẹ. Nhắc tới người Mông ở Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi… đến nay vẫn còn hằn sâu vào tiềm thức của nhiều người về những hủ tục ma chay, cưới hỏi, tảo hôn, hôn nhân cận huyết.  
Mới đây thôi, câu chuyện cô bé nữ sinh lớp 9 Sùng Thị T. và hành trình vượt thoát khỏi cuộc tảo hôn với người cậu họ do bị ép buộc, ở xã Mường Lý hãy còn là câu chuyện để lại cho chúng ta nhiều trăn trở. May sao nhà trường, chính quyền địa phương, cán bộ biên phòng… đã kịp thời vào cuộc ngăn chặn để em tiếp tục đến trường. Và, còn đó rất nhiều trường hợp con em người Mông tôi biết, những bé gái làm mẹ khi tuổi đời mới 13, 14. Dẫu đây không còn là những trường hợp phổ biến, số nhiều như hơn chục năm về trước, nhưng có thể thấy, nhiệm vụ tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục nơi “cổng trời” vùng biên vẫn còn là cuộc chiến dai dẳng chưa hồi kết. Nhiệm vụ ấy không phải của riêng ai. Nói như Chẹo Văn Xế, người chiến sỹ thuộc Đồn Biên phòng Quang Chiểu, từng khẳng khái với tôi: “Vai trò của người lính biên phòng nơi phên dậu Tổ quốc không chỉ ở nhiệm vụ bảo vệ quê hương, đất nước, đấu tranh phòng chống tội phạm mà việc góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng phát triển kinh tế; tuyên truyền pháp luật, xóa bỏ hủ tục, luôn là một trong những nhiệm vụ cốt cán. Bản làng có bình yên, phát triển, người dân có ấm no, hạnh phúc thì khi đó người chiến sỹ biên phòng mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhắc tới Thiếu tá Chẹo Văn Xế, đương nhiệm Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Quang Chiểu, người chiến sỹ biên phòng vùng biên có nhiều điều đặc biệt, người để lại nhiều ấn tượng với tôi trong mỗi chuyến ngược biên. Nhớ lần đầu biết đến Thiếu tá Xế là chuyến hành trình cách đây 10 năm về trước, lần ấy anh giúp tôi thực hiện phóng sự về “Những mối tình xuyên biên giới nơi phên dậu xứ Thanh”. Đó là câu chuyện về những cuộc hôn nhân giữa trai gái hai bên Việt - Lào, họ lấy nhau sinh con đẻ cái, chung sống một nhà. Với họ, dường như không tồn tại một lằn ranh biên giới, chỉ là “ưng cái bụng” mà về ở với nhau nên vợ nên chồng. Như trong câu chuyện tình giữa cô gái dân tộc Thái, người Việt, tên Lục Thị Yến (bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) với người con trai nước bạn Lào, tên Lương Văn Ke (bản Phiềng Khạy, cụm Cum Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn) đến nay vẫn đượm nồng. Yến và Ke quen nhau vào một buổi sáng đầu đông cách đây 25 năm về trước, nơi vùng biên giới với con suối Xim róc rách, rì rào. Ke thổi khèn lá, Yến ngân lời khặp Thái. Nhịp nhạc, lời hát hòa vào nhau như chính ánh mắt chàng trai, cô gái chạm tiếng sét ái tình. Ưng cái bụng Yến, Ke về một nhà… 
- Giờ Ke được cấp quốc tịch Việt Nam rồi. Hai vợ chồng vừa làm đăng ký kết hôn, họ làm sau đám cưới của cô con gái út vài tháng. Thật mà như đùa nhưng mừng cho hai vợ chồng, đồng chí ạ! 
- Vậy những cặp vợ chồng khác thì sao? Tôi hỏi vội.
- Còn một số ít trường hợp đang tiếp tục làm hồ sơ, chờ đợt cấp quốc tịch tiếp theo. Phải công nhận, việc người dân ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào được nhập quốc tịch Việt Nam thể hiện tinh thần nhân văn cao cả của Đảng, Nhà nước ta. Từ đó, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, tạo thuận lợi cho người di cư tự do, kết hôn không giá thú có điều kiện ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng và được hưởng các chế độ, chính sách. Với an ninh vùng biên, điều này góp phần ngăn chặn tổ chức, cá nhân hoặc nhóm người xấu lợi dụng, gây ảnh hưởng không tốt đến chính sách dân tộc vùng biên, cũng như mối quan hệ thắm thiết giữa hai nước Việt Nam - Lào anh em. 
Lời Thiếu tá Xế nói không sai, đó cũng chính là những trăn trở mà phóng sự năm xưa tôi đã viết. Nói chưa dứt câu chuyện, Thiếu tá Xế trực tiếp dẫn tôi thăm căn nhà của đôi vợ chồng năm ấy, cách đồn biên phòng chừng gần cây số. Căn nhà sàn nay đã được tân trang vững chắc, rộng rãi. Lúc tôi đến Ke vẫn vóc dáng vạm vỡ như con trâu rừng đương mải miết với chiếc máy xay xát mới mua, nghiền từng mẻ cám cho lợn, gà. Bên khung cửi, Yến với đôi tay thoăn thoắt ném con thoi liên hồi qua lại, cố dệt cho xong tấm váy mới. Ngồi trong nếp nhà sàn khang trang, Yến chỉ tay vào bức ảnh cưới của cô con gái treo bên hông nhà mà gương mặt không giấu được niềm vui mừng: “Các con của Yến, Ke đều đã lập gia đình hết rồi! Giờ nhà rộng mà chỉ hai vợ chồng ở thôi à!”. Yến có phần e ngại, cô xe xe vạt váy, trong khi Ke với cái giọng lơ lớ, tiếng Kinh chưa sõi nhưng nói liên hồi khi cầm trên tay tờ giấy đăng ký kết hôn và quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam. Ke bảo: “Vợ chồng làm được đăng ký kết hôn rồi, vui cái bụng lắm! Cảm ơn cán bộ biên phòng, cũng như bài báo năm xưa đã góp phần giúp những cặp vợ chồng Việt - Lào như Ke, Yến làm được thủ tục”.  
Nhìn cái cách đôi vợ chồng luống tuổi e ấp nụ cười trên môi khi cầm trên tay tờ giấy đăng ký kết hôn, niềm vui, sự hạnh phúc ấy cũng phần nào giúp tôi mường tượng được về cảm xúc của hàng trăm trường hợp khác dọc dài nơi biên ải. Đó không chỉ là sự đầm ấm trong gia đình mà nói như đồng chí Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu thì, hạnh phúc gia đình chính là nền tảng văn hóa, an ninh trật tự của bản làng. Để bản Sáng “cán đích” bản Nông thôn mới thì vai trò của những hộ dân như gia đình Yến, Ke là cốt yếu. Bên cạnh đó, sự tương trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành mà đặc biệt là vai trò của bộ đội biên phòng đồn trú tại địa phương là không thể thiếu. Phó Chủ tịch Vi Văn Thứ dẫn chứng với tôi rằng: Đơn cử, chủ trương chỉ đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa về việc điều động cán bộ về xã biên giới làm Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường là một ví dụ. Khi có cán bộ biên phòng về cùng tham gia nhiệm vụ chính quyền, các đồng chí luôn thể hiện được vai trò của mình trong công tác tham mưu trong phát triển kinh tế, xây dựng nhiều mô hình, phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã biên giới. Bên cạnh đó, các đồng chí cũng luôn thể hiện được vai trò tiên phong, tạo sự sôi nổi trong các phong trào bài trừ, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới tại địa phương. Giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, mâu thuẫn, bức xúc trong quần chúng nhân dân cũng như xây dựng đoàn kết trong cấp ủy, chính quyền; mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với nhân dân các bản giáp biên với nước bạn Lào. Nhờ đó, mảnh đất biên cương mỗi ngày một khởi sắc, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Ở thời bình, những người chiến sỹ quân hàm xanh luôn đồng hành, sát cánh với bà con trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự. Mùa mưa lũ, thiên tai thì các anh luôn sáng ngời tình quân dân “cá nước”. Trước sự tàn phá của đận mưa lũ vào cuối tháng 8-2018, lực lượng những chiến sỹ biên phòng luôn chiếm một số lượng đông đảo ở khắp các bản làng bị thiệt hại. Sự góp mặt, chung sức sẻ chia đó của các anh góp phần xoa dịu đi những đau thương, mất mát của người dân. Với tôi, một phóng viên trực tiếp có mặt ở vùng lũ năm ấy, đến giờ vẫn văng vẳng đâu đó những câu nói của Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu trong tâm thế đứng ngồi không yên, đầy gấp gáp bấy giờ: “Phải nhanh chóng thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn, phối hợp cùng chính quyền các địa phương Quang Chiểu, Mường Chanh khắc phục hậu quả thiên tai, không để ai bị bỏ mặc, không một ai bị bỏ đói”. Giờ thì những bản vùng lũ năm nào như bản Qua, bản Pọng (xã Quang Chiểu)… đã “thay da, đổi thịt”, trở thành những bản Nông thôn mới. Người dân không còn sống rải rác ở những triền đồi, bên những con suối có nguy cơ mất an toàn mùa lũ mà đã “an cư lạc nghiệp” ở những khu tái định cư mới.    
Đêm đó, tôi có dịp cùng Thiếu tá Xế hàn huyên tới tận canh ba, khi con gà trống mới lớn nhà ai tập gáy le te, chưa tròn vành, rõ tiếng. Thiếu tá Xế sau khi nhận được tin tố giác từ quần chúng nhân dân về một đối tượng có dấu hiệu vận chuyển ma túy, anh cùng đồng đội ngay lập tức lên đường. Vậy là một đêm không ngủ với các anh! Ngoài trời đêm tĩnh mịch bỗng nổi lên những cơn gió rít liên hồi. Trời đổ mưa. Cơn mưa bất chợt ấy sao khiến lòng tôi quặn thắt, thương cảm. Thương các anh, giữa thời bình vẫn phải đội mưa, cầm súng băng rừng để bảo vệ sự bình yên của bản làng, Tổ quốc!… 
Thiếu tá Xế, người đội trưởng tiên phong ấy, ít ai biết được rằng, anh lại có một tuổi thơ hết sức dữ dội, đầy thương cảm. Xế mồ côi bố, mẹ từ khi mới lên 6 tuổi, lớn lên trong vòng tay nuôi nấng của người anh trai và sự đùm bọc của bản làng. Xế được đi học. Sự học của Xế giữa cái thời mà người Mông, người Dao… chỉ lo lên nương, lên rẫy để trồng cây thuốc phiện, còn con chữ thì không làm no cái bụng. Trong bối cảnh ấy, hình ảnh người chiến sỹ biên phòng đi dẹp bỏ cây thuốc phiện, hướng dẫn bà con trồng lúa năm xưa đã ăn sâu vào tiềm thức Xế như những hình ảnh đẹp nhất về người lính Cụ Hồ. Cũng từ đó mà hun đúc ước mơ, nuôi lớn ý chí giúp Xế nỗ lực băng núi, vượt rừng học con chữ. Sau 12 năm ngồi ghế nhà trường, Xế không thi đại học mà đăng ký lên đường nhập ngũ, tôi rèn trong môi trường quân đội. Nghị lực và sự quyết tâm của Xế được đền đáp khi anh được phân công về Đồn Biên phòng Quang Chiểu (tháng 2-2001). Tháng 9-2002, chiến sỹ Chẹo Văn Xế được cử đi học tại Học viện Biên phòng. Đến 9-2008, Xế được phân công trở lại Đồn Biên phòng Quang Chiểu công tác, với cấp hàm Thiếu úy, chức vụ Đội trưởng Đội phòng chống ma túy. Xế đã chạm được ước mơ. Thiếu tá Chẹo Văn Xế - cái tên trở thành nỗi khiếp đảm của tội phạm ma túy. 
Vốn là đồn vùng biên, Đồn Biên phòng Quang Chiểu được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46,7km đường biên giới, với 22 mốc quốc giới, trên địa bàn 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh, tiếp giáp với 9 bản ngoại biên thuộc 2 huyện Viêng Xay và Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Với tuyến biên giới dài, nhiều đường mòn lối mở nên tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, trong đó tập trung ở các bản Pùng, Con Dao, Suối Tút, Pù Đứa thuộc xã Quang Chiểu và các bản Chai, Cang, Na Hin thuộc xã Mường Chanh. Tại đây, các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy được các đối tượng thực hiện với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Tuy nhiên, bằng sự can trường, gan dạ cùng các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn sâu trong đấu tranh phòng chống tội phạm, người Đội trưởng Đội phòng chống ma túy, Thiếu tá Chẹo Văn Xế đã cùng đồng đội triệt phá hàng loạt những vụ án lớn. Phải kể đến như: Tháng 5-2017, triệt phá thành công vụ án vận chuyển ma túy, bắt giữ 2 đối tượng là Phạm Thị Q. (xã Trung Thành, huyện Quan Hóa) và Nguyễn Xuân T. (xã Định Tiến, huyện Yên Định) thu giữ 2 bánh heroin với trọng lượng hơn 700g. Tháng 10-2019 phối hợp triệt phá thành công vụ vận chuyển trái phép chất ma túy do đối tượng Lâu Chứ D. (bản Na Khao, cụm Xiềng Mèn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào), thu giữ 1.386 viên ma túy tổng hợp, 0,362g heroin.
Mới đây, trong năm 2022 Thiếu tá Xế cùng đồng đội liên tiếp triệt phá 2 vụ án mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy lớn. Đó là ngày 21-6-2022, các chiến sỹ của ta đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Lương Văn H. và Lương Văn L. (trú tại bản Phiềng Khạy, cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào) đang mua bán trái phép chất ma túy, với tang vật thu giữ 5.846 viên ma túy tổng hợp, 458,11g nhựa thuốc phiện. Cùng ngày 21-6-2022, tiếp tục triệt phá thành công vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, bắt giữ đối tượng Lâu Văn D. (bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu), thu giữ 7,447g nhựa thuốc phiện và 4,677g sái thuốc phiện… Tất cả các vụ án trên đều đưa ra khởi tố, giao cho cơ quan điều tra. 
- Vậy trong quá trình phá án, khó khăn nhất là gì? Tôi hỏi. 
Thiếu tá Xế nghiêm nghị: Khó nhất là các đối tượng cầm đầu không trực tiếp lộ diện mà hoạt động mua bán, giao dịch thường được chúng giao cho đám đàn em ở nhiều tầng, cấp. Trong quá trình giao dịch, liên lạc, vận chuyển, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau, thậm chí lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số, sinh sống hai bên biên giới Việt Nam - Lào tham gia, gây không ít khó khăn trong đánh án, sàng lọc đối tượng. Có thể kể đến như: Tháng 2-2020, phát hiện bắt giữ đối tượng Thạo M. (bản Bó, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào) vận chuyển trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 5.988 viên ma túy tổng hợp. Tháng 5-2021, phát hiện bắt giữ đối tượng Tặng Văn S. (bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, Mường Lát) và đối tượng Tặng Văn Ú. (bản Suối Tung, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào) mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 204 viên ma túy tổng hợp và 1,117g heroin. 
Thành quả có được từ những đêm thức trắng mật phục, ăn lương khô, uống nước suối rừng và sự hiểm nguy tính mạng mà những người chiến sỹ biên phòng như Thiếu tá Xế cùng đồng đội, đã góp phần to lớn vào thành tích chung của lực lượng biên phòng tỉnh Thanh Hóa trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy trên biên giới. Tôi nhớ không nhầm, tại một bản báo cáo gần đây của Bộ đội Biên phòng tỉnh có nói, trong năm 2022 đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác lập và tổ chức đấu tranh được 05 chuyên án, 41 kế hoạch nghiệp vụ, phát hiện, bắt giữ và xử lý 147 vụ, với 184 đối tượng vi phạm pháp luật. Trong đó có 49 vụ với 58 đối tượng tàng trữ, buôn bán và vận chuyển ma túy, thu giữ 1630 gam heroin, trên 171 nghìn viên ma túy tổng hợp, 500g nhựa thuốc phiện, 52kg quả thuốc phiện và nhiều tang vật khác. 
Cũng tại một bản báo cáo khác gần đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, từng khẳng định tính hiệu quả từ Chỉ thị 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc triển khai phân công đảng viên các đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Sau 4 năm triển khai, đến nay, đã có 542 đảng viên được phân công phụ trách giúp đỡ trên 2.700 hộ, trong đó gần 1.800 hộ là người dân tộc thiểu số; 2.179 hộ chính sách, khó khăn; 352 hộ có mối quan hệ chính trị, xã hội phức tạp; 256 hộ có mối quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới. Các đảng viên biên phòng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho các hộ gia đình về tham gia giữ gìn an ninh biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết các vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, các vấn đề nóng vùng giáp biên. Các Đảng viên biên phòng cũng tích cực hướng dẫn các hộ gia đình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới. 
… Ôi đây chẳng phải là những con số biết nói hay sao!
Tôi miên man và chìm vào giấc ngủ tự bao giờ không hay, cho tới khi tiếng kèn hiệu lệnh từ Đồn Biên phòng Quang Chiểu vang lên, báo hiệu ngày mới bắt đầu. Sau những âm thanh sôi động, với giọng hô vang dõng dạc “1-2, 2-1…” đều đặn trong buổi tập thể dục đầu giờ của các chiến sỹ. Thiếu tá Nguyễn Quang Huy, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quang Chiểu bật mí với tôi rằng: “Nay các anh em chiến sỹ đang tất bật đồ đoàn để xây dựng góc học tập cho một trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở bản Pù Đứa, nhà báo tham gia cùng”. Kể từ khi triển khai mô hình “góc học tập biên cương, vì tương lai tươi sáng”, Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã thực hiện trao tặng được 22 bộ bàn ghế cho 22 cháu học sinh trên địa bàn hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Mỗi cháu học sinh nghèo sẽ có một bộ bàn ghế; bộ dụng cụ học tập, đèn chống lóa, cặp sách… Đến và chứng kiến góc học tập của cháu Hà Thị Chi, học sinh lớp 3, bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu mới thấy được ý nghĩa cao cả từ chương trình. Hoàn cảnh gia đình bé Chi thật đặc biệt, bé lớn lên không rõ mặt bố, ở với mẹ thì mẹ bị bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động. Bước vào căn nhà vách gỗ tối thui của hai mẹ con bỗng sáng rực lên bởi ánh điện từ góc học tập mới. Qua ánh điện, tôi thấy được nụ cười, ánh mắt của hai mẹ con đầy cảm xúc, hi vọng. Bé Chi thì e thẹn núp sau lưng mẹ với câu nói đầy hồn nhiên: “Cháu có bàn ghế đẹp sẽ chăm làm bài tập, học giỏi để sau này làm cô giáo”. Với các chiến sỹ Đồn Biên phòng Quang Chiểu, tôi thấy rõ niềm khát khao, mong mỏi có thêm nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ cho con em học sinh nghèo vùng biên. Còn đó, có cả trăm, nghìn trường hợp cần sự giúp đỡ. 
Trở về Đồn Biên phòng Quang Chiểu khi mặt trời dần đứng bóng, cũng lúc Thiếu tá Xế cùng đồng đội trở về. Nhìn gương mặt nhễ nhại mồ hôi của các anh, tôi xin phỏng lại một chuyên án khó. Thiếu tá Xế xin khước từ không nói gì thêm vì liên quan đến bí mật nghiệp vụ. Anh nhìn đăm chiêu, mải miết vào bức ảnh gia đình treo trong phòng, anh bảo một kỳ nghỉ hè của con lại sắp đến. Nếu chuyên án này không sớm triệt phá, có lẽ anh thêm một lần nữa thất hứa đưa cậu con trai đi tắm biển. Thằng bé khao khát được nhìn thấy biển lắm! Nó nói ước mơ ấy từ lần sinh nhật cách đây cũng mấy mùa rồi. Ấy vậy mà…
Chia tay dải đất vùng biên Mường Lát, chuyến trở lại ngắn ngủi nhưng ý nghĩa với nhiều cảm xúc đan cài. Nơi đó có nụ cười đầy hạnh phúc của cặp vợ chồng Việt - Lào khi cầm trên tay tờ đăng ký kết hôn; của cô bé Chi được các chú bộ đội tặng “góc học tập”; của người chiến sỹ biên phòng Chẹo Văn Xế với những chiến công hiển hách trong đấu tranh phòng chống ma túy, cũng như sự kỳ vọng của Phó Bí thư huyện ủy Triệu Minh Xiết, rằng Mường Lát sẽ thoát huyện nghèo vào năm 2030 như chính những mảng sương mù đang tan dần trước ánh mặt trời chiếu rọi. 
                

Đ.G


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 164
 Hôm nay: 1082
 Tổng số truy cập: 7629991
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa