Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Biển là phía mặt trời lên (Ký dự thi)
Biển là phía mặt trời lên (Ký dự thi)

Đại úy Hồ Văn Dương, Đội phó Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đa Lộc, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cầm trên tay tờ giấy nghỉ phép mà đồng chí Chính trị viên vừa trao trong niềm cảm xúc mừng vui khôn xiết. Thế là anh được ở gần vợ con những một tháng trời để bù cho những tháng ngày phải xa gia đình thực hiện nhiệm vụ của người chiến sỹ biên phòng nơi miền biên giới biển Hậu Lộc. Đại úy Hồ Văn Dương nhìn kỹ tờ giấy nghỉ phép của mình và nhẩm tính “Thế là mình có ba ngày để sắp xếp, bàn giao công việc, địa bàn cho người tạm thời thay mình trong thời gian nghỉ phép”. Niềm vui đang lúc dâng ngập tràn nhất thì bất chợt trên khuôn mặt hay cười của người sĩ quan trẻ thoáng hiện lên một nét trầm tư với nỗi niềm “Vậy là mình sẽ xa đơn vị, xa anh em đồng đội, xa bà con địa bàn, xa cu Phát những một tháng cơ à?”. Thế đó, lính biên phòng tình nghĩa lắm, được về vui vẻ cùng gia đình trong dịp nghỉ phép nhưng lòng vẫn hướng về đơn vị, về với người dân nơi địa bàn phụ trách, chắc chắn rằng hàng ngày Dương vẫn sẽ liên lạc về đơn vị để vơi đi chút nhớ đồng chí, đồng đội cũng như liên lạc với cu Phát để theo dõi tình hình học tập của cháu.
Đêm trước khi chia tay đồng đội về nghỉ phép, nằm mãi mà không tài nào ngủ được, Dương lặng lẽ đi về phía biển. Đêm lặng gió, vầng trăng trên cao thả xuống trùng khơi luồng ánh sáng tựa như đang phủ một lớp áo choàng cho biển, hắt lên màu sáng bạc, lấp lánh như tấm lưng con cá gắn vảy trắng lập lờ giữa biển. Dương ngồi xuống bờ cát và dõi đôi mắt nhìn xa ra biển, Dương chợt nhớ lại lúc chiều, trong bữa liên hoan chia tay anh về nghỉ phép do mấy anh em trong Đội Vận động quần chúng tổ chức, một người bạn đã nói với anh “Ông cứ yên tâm về nhà mà ôm vợ, công việc ở đây bọn tôi gánh team cho, còn mỗi khi nhớ đơn vị, nhớ biển, nhớ bà con địa bàn và muốn nghe tiếng biển hát thì hãy cứ úp hai bàn tay vào tai rồi hướng về phía biển là ông sẽ nghe được tiếng biển đấy”. Bất chợt, Dương làm theo lời của người bạn và quả thật, anh nghe từ rất xa tiếng ầm ầm, ù ù của gió, của sóng. Dương nở nụ cười và cảm nhận biển đang hát, bài hát muôn đời ầm ầm, ù ù, lúc xa, lúc gần, lúc trầm, lúc bổng như muốn giữ trái tim của người chiến sĩ biên phòng mãi mãi nhớ về biển. Rồi Dương nhớ lại và nhẩm đọc những câu thơ của một tác giả viết về biển. Đoạn thơ ấy viết rằng: “Biển đâu chỉ mặn mòi hạt muối/ Còn đầy vơi bao nỗi khát khao/ Biển như lời Mẹ ngọt ngào/ Biển chờ trăng khuyết, trăng hao tháng ngày/ Biển ôm bờ một vòng tay/ Dẫu không men rượu cũng say cánh diều/ Dù cho nắng sớm, mưa chiều/ Trong ta - Biển mãi tình yêu trọn đời”. Cũng như lúc ra với biển, Dương lặng lẽ trở về đồn khi vầng trăng đã nghiêng ánh sáng về phía biển như lưu luyến, như vấn vương, như gửi xuống tầng con sóng nỗi nhớ mênh mang dẫu biết rằng tối mai vầng trăng sẽ lại được nhìn, được đùa vui cùng với biển.
*
Lần đầu tiên nghỉ lại với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc, nằm trong căn phòng nhỏ, tiếng gió, tiếng sóng biển trôi tuột thăm thẳm vào bóng đêm đã làm tôi trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ. Chẳng phải đơn vị chuẩn bị cho tôi không chu đáo, cũng chẳng phải do xa nhà, lạ nơi nằm, chưa quen với thời tiết, khí hậu nơi đây… Điều làm tôi thao thức chính là trong lồng ngực mình dường như đang có một nỗi niềm cảm xúc rất vô hình nhưng cũng rất hiện hữu cứ mỗi lúc dâng đầy. Bỗng nhiên một cơn gió từ biển thổi vào, bước qua cánh cửa sổ rất khẽ, phả lên cơ thể tôi mùi vị mằn mặn của muối làm tôi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng và đang tan vào từng con sóng, từng cồn cát nhấp nhô giữa đêm bình lặng của miền quê biển khi thủy triều tràn dâng từng nhịp sóng vỗ bờ. Trong căn phòng nhỏ, trong màn đêm thanh tịnh, trong làn gió mang mác thổi, tôi cứ suy nghĩ là tại sao người cổ xưa lại đặt cho vùng biển này tên gọi Đa Lộc và sao huyện lại được gọi là Hậu Lộc? Những địa danh này xuất phát từ lý do gì?... Tôi không giỏi về ngôn ngữ Hán Việt nên chẳng thể lý giải nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của Đa Lộc và Hậu Lộc nhưng tôi hiểu người Hậu Lộc là chủ nhân của văn hóa Cồn Chân Tiên thời kỳ đồ đá đồng (khoảng 5.000 tới 3.500 năm trước Công Nguyên), đây là nơi cư trú lâu đời của người Việt cổ. Thời nhà Lý, Hậu Lộc được chọn làm trung tâm hành chính của quận Cửu Chân (tên cũ của tỉnh Thanh Hóa). Vì thế, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như di chỉ khảo cổ học văn hóa Hoa Lộc, khu di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Cam Lộ, chùa Vích, cụm di tích Nghè Diêm Phố, chùa Ngọc Đới, Nghè Vích, đền thờ Lê Doãn Giai. Hậu Lộc cũng là vùng đất sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, văn sĩ và các nhà hoạt động chính trị xã hội như: Lê Doãn Giai (Đông các đại học sĩ), Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Lê Hữu Lập; Đinh Chương Dương; Nguyễn Chí Hiền,... Phát huy truyền thống người xưa, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người con của Hậu Lộc đã lên đường tòng quân vào chiến trường, để rồi không ít những người mẹ, người vợ vò võ đợi chồng, con trở về. Nơi hậu phương, cán bộ và nhân dân đã “tay cày, tay súng”, “tay chèo, tay súng” bám biển, bám ruộng đồng, kiên cường, anh dũng chiến đấu với bọn “giặc trời”, đoàn kết lương - giáo, đoàn kết toàn dân cùng chia ngọt sẻ bùi, vượt qua mọi khó khăn thử thách để viết nên những bản anh hùng ca góp phần tô điểm thêm truyền thống của quê hương Thanh Hóa anh hùng.  
Tôi thả nhẹ bước chân mình hướng về phía biển. Trên trời cao những ánh sao khuya nhấp nháy như ngàn vạn ngọn đèn nhỏ đang đùa vui với sóng biển. Đang mải mê hồn mình trong cơn gió và tiếng sóng thì bất chợt có tiếng hỏi:   
- Sao khuya rồi mà anh chưa ngủ? 
Tôi quay về phía vừa phát ra câu hỏi và thấy Đại úy Hồ Văn Dương cũng đang dõi đôi mắt mình nhìn ra khơi xa, nơi có vô vàn ngọn đèn của ngư dân đang khai thác thủy sản.  
- Hình như biển làm cho tôi khó ngủ hay sao ấy - Tôi trả lời Dương.
- Em cũng vậy, sắp được nghỉ phép về với vợ con mà cứ thao thức hoài không ngủ được nên em ra với biển để ngắm biển về đêm bình yên và trong trẻo - Dương giãi bày với tôi về lý do anh có mặt tại đây vào giờ này.
- Lính biên phòng dạn dày với vất vả, gian khó mà cũng có những phút giây xao lòng vậy à?  
- Đôi khi em lại có cảm giác như vậy mà chẳng thể lý giải, cắt nghĩa được, nhất là khi phải sắp xa biển, xa đơn vị, xa bà con nơi mình công tác dẫu chỉ là một khoảng thời gian nghỉ phép ngắn ngủi. 
Dương trả lời tôi bằng âm lượng giọng nói chất chứa nỗi lòng. Và anh tâm sự tiếp khi hai chúng tôi cùng nhau đi bách bộ dọc theo bờ cát. Đêm của biển, mảnh trăng ngày thượng tuần không còn tròn trịa nhưng cũng đủ để làm những con sóng ánh lên màu sáng bạc, lẫn trong tiếng vi vu của rừng phi lao, lời tâm sự của Hồ Văn Dương: Tháng 10 năm 2021, em chuyển về Đa Lộc từ Đồn Biên phòng Quang Chiểu và được Ban Chỉ huy đơn vị giao phụ trách địa bàn xã Nga Tân, huyện Nga Sơn. Dăm ba tháng em mới ghé về thăm vợ con vài ngày, lúc ấy em cứ mong sao thời gian đừng trôi để được ở với gia đình nhiều hơn song trách nhiệm và cả kỷ luật của quân đội đã không cho phép người lính chậm có mặt tại đơn vị dù chỉ vài tiếng đồng hồ. Cách đây hai tháng, em được Chỉ huy giải quyết cho về tranh thủ hai ngày, hôm trở về đơn vị, cháu đầu đang bị ốm, lúc em đội mũ bảo hiểm, mặc dù còn mệt nhưng cô bé vẫn đưa tay vẫy chào tạm biệt bố, lúc ấy em cứ muốn ở nhà để chăm sóc con song trách nhiệm người chiến sỹ đã không thể cho phép em ở lại. Suốt cả quãng đường từ nhà đến đơn vị, trong đầu em cứ lưu giữ hình ảnh đứa con gái của mình vẫy tay chào tạm biệt bố khi cơn sốt chưa lui. Nhưng mà thôi, một khi đã chọn con đường “lấy binh làm nghiệp” thì việc xa nhà, xa gia đình cũng là chuyện rất đỗi bình thường đối với người chiến sĩ quân hàm xanh anh nhỉ?
- Sáng mai em về Nga Tân để chào bà con và bàn giao một số công việc, anh có đi cùng em không?
- Có chứ, thế thì còn gì bằng - Tôi vồn vã trả lời Dương.
Hai chúng tôi cùng nhau nhìn ra địa tầng con sóng. Biển! Những con sóng bạc đầu vẫn căng tràn sức sống ầm ào đập vào bờ. Hùng mạnh là thế, oai phong là thế nhưng khi va vào bờ cát là ngã xoài, là vỡ tung tóe muôn phương rồi quay về nằm lại lòng biển mặn. Qua bao năm, bao chục năm, bao trăm năm, bao nghìn năm, sóng biển vẫn bạc đầu, vẫn hùng mạnh rồi lại yếu mềm, vẫn ầm ào vẫy vùng trong lòng mẹ biển bao la. Tôi không sinh ra từ biển nên không được là đứa con của biển. Lọt lòng mẹ, tôi không được gội sạch nhau thai bằng bọt biển. Có phải vậy không mà lúc này đây, đứng trước biển, được gặp gỡ và nói chuyện với Đại úy Hồ Văn Dương, một người cán bộ biên phòng nặng lòng với biển, tôi lại cảm thấy mình vừa khỏe khoắn, rắn rỏi song lại vừa yếu mềm như con sóng nghìn năm? Hai chúng tôi trở về đơn vị để lại phía sau lưng sự thao thức của gió và biển. 
*
Buổi sáng đẹp trời, tôi và Đại úy Hồ Văn Dương rời đồn trên chiếc xe gắn máy, men dọc theo tuyến đê biển, căng ngực hứng cơn gió sớm thổi từ biển vào để thỏa sức hít thở bầu không khí trong lành. Sau khi qua bến đò Ghành của con sông Lèn, chúng tôi chạm vào địa giới hành chính của huyện Nga Sơn. Những cánh đồng cói vừa qua mùa thu hoạch, người dân đang làm cỏ, bón phân để cây cói mọc vụ tiếp theo. Dọc trên triền đê, lẫn trong làn gió là mùi hăng sắc của bùn, mùi ngai ngái của vùng nước lợ nhưng lại là miền đất lý tưởng cho cây cói phát triển để người đời được ngả lưng trên chiếc chiếu cói mà đắm chìm trong giấc ngủ bình yên
Vượt qua chặng đường hơn 8 ki lô mét, chúng tôi rẽ vào ngôi nhà cấp 4 nép mình khiêm tốn giữa cảnh làng quê yên bình. Tiếng máy chẻ cói, xe sợi vang lên trong mỗi gia đình càng làm cho nhịp sống thôn quê thêm niềm vui no ấm. Gạt chân chống chiếc xe máy, tay cởi mũ bảo hiểm, Đại úy Dương cất tiếng chào cụ già đang cặm cụi xe sợi cói:
- Con chào bà. Cháu Phát đi đâu rồi bà?
- Nó mới vừa học bài xong, chắc là chạy đi chơi với mấy đứa bạn trong xóm rồi - Cụ bà trả lời Dương trong khi đôi tay vẫn miệt mài xe từng sợi cói nhỏ.
Dương bước vào ngôi nhà nhỏ như thể người trong gia đình. Nhìn bao quát một vòng, anh lắc đầu “Chà cu Phát lại để sách vở với quần áo bừa bộn rồi”. Nghe thế, bà cụ nói thêm “Tính nó đoảng lắm, nhắc mãi mà vẫn không thay đổi”. Vừa giúp bà cụ xe sợi cói, Dương vừa kể cho tôi nghe câu chuyện về tình cảm giữa anh và gia đình cháu Phát. Giọng Dương trầm lại trong cơn gió từ cánh đồng cói mơn man thổi vào ngôi nhà khá đặc biệt này. 
Tháng 3 năm 2022, Dương được Ban Chỉ huy đơn vị giao phụ trách địa bàn xã Nga Tân thay cho một đồng chí chuyển công tác đến đơn vị khác, đồng thời Dương tiếp nhận việc chăm lo, hỗ trợ cháu Mai Văn Phát trong chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Cháu Phát có hoàn cảnh rất đáng thương, bố cháu lâm bệnh nặng và mất từ khi cháu còn rất nhỏ. Mẹ cháu dẫu vừa mới sinh cháu chưa hết thời gian ở cữ đã phải gắng gượng làm việc thuê để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Công việc nặng nhọc, vất vả, ăn uống kham khổ đã làm mẹ của Phát bị ung thư và bỏ lại em cùng người chị gái và người bà gần 80 tuổi khi em Phát vừa bước vào học lớp 6. Chán cảnh gia đình đói khổ, cộng thêm nỗi buồn không còn mẹ nên Phát thay đổi tâm lý, lầm lỳ, chẳng chịu giao tiếp cùng ai, bà và chị khuyên can thì Phát hờn dỗi bỏ ăn, ít chịu khó học hành, theo những bạn lười học để chơi điện tử. Người chị gái của Phát cũng vì gia cảnh mà phải nghỉ học dở chừng, xin đi làm công nhân mãi tận ngoài Hà Nội để kiếm thêm nguồn kinh phí phụ bà nuôi em ăn học. Người bà của Phát năm nay đã 89 tuổi, cái tuổi đáng lý ra đã được nghỉ ngơi dưỡng tuổi già, thế nhưng ngày ngày bà vẫn phải ngồi bên chiếc máy, tay quay những guồng quay xe từng sợi cói, sức yếu, châm chậm, lưng đau lại xe bằng tay nên hôm nào làm cả ngày thì thu được 120 nghìn đồng, những hôm trái gió, trở trời thì giảm xuống chỉ còn 70 đến 80 nghìn đồng. Kinh tế khó khăn bà phải ăn uống tằn tiện, ốm đau cũng chỉ dám đến quầy thuốc tư nhân mua vài viên về uống chứ chẳng dám lên bệnh viện huyện hay tỉnh để khám vì sợ không có tiền mua thuốc điều trị.
Dương dừng câu chuyện và nhẹ nhàng hỏi bà cụ:
- Bà ơi, lúc sáng bà đã đi chợ chưa, nếu chưa thì để con chạy ra mua ít thức ăn về nấu cơm.
- Lúc sáng cu Phát có chở bà ra chợ mua được một ít thức ăn rồi, con vào xem nếu thiếu thì mua thêm để tiếp đón khách - Bà cụ thong thả trả lời. 
Nghe thế tôi cười nói với Dương và bà cụ: “Không cần đâu, con ăn gì cũng được, hôm nay về đây được ăn cơm cùng với bà, với Dương và cháu Phát là vui lắm rồi ạ!”. “Thế thì tý nữa em sẽ vào nấu cơm”. Và Dương kể tiếp cho tôi câu chuyện còn dang dở. Sau khi mẹ cháu Phát qua đời, thấy hoàn cảnh của cháu quá khó khăn, đơn vị đã báo cáo lên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương xin nhận đỡ đầu cháu Phát đến khi cháu học xong lớp 12 theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” và giao trực tiếp cho đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Thiện, nhân viên đội Vận động quần chúng phụ trách xã Nga Tân quan tâm đến đời sống và theo dõi kết quả học tập của cháu Phát. Tháng 1 năm 2022, đồng chí Thiện chuyển công tác, Hồ Văn Dương về tiếp nhận địa bàn và tiếp nhận luôn nhiệm vụ đỡ đầu cháu Phát.
Kể đến đây, Dương vào bếp để chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà, chỉ còn tôi với bà cụ Nậy ngồi lại bên chiếc guồng xe sợi cói. Bà cụ Nậy kể tiếp cho tôi nghe về câu chuyện của gia đình bà: Bà cháu tôi nếu không có mấy chú biên phòng ở Đồn Biên phòng Đa Lộc đỡ đầu thì chắc cu Phát cũng giống như chị gái nó phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm sống. Trước đây, gia đình cũng có được vài sào đất để trồng cói nhưng khi mẹ cu Phát lâm bệnh nặng đã phải bán đi lấy tiền lo thuốc thang điều trị tại bệnh viện. Khi mẹ nó qua đời, gia cảnh lại càng túng bấn hơn, ngôi nhà này cũng nhờ chính quyền địa phương quan tâm xây dựng cho từ chương trình “Nhà ở cho người nghèo”. Lúc mẹ cu Phát mất, nhà đã buồn, khi nghe các thầy cô trên trường phản ánh cháu Phát có lúc trốn tiết theo bạn bè chơi điện tử mà nẫu cả ruột. Già này cứ nghĩ, nhà mình như thế này là không còn gì nữa rồi, thôi thì cứ cố gắng làm lụng kiếm chút tiền trang trải cho cháu cố học hết cấp 2 rồi theo chị nó đi làm công nhân. Thế nhưng ông trời đã rủ lòng thương đến gia cảnh của bà cháu tôi khi cu Phát được các chú trên Đồn Biên phòng Đa Lộc nhận làm con nuôi, đỡ đầu cho việc học hành. Hôm địa phương và đơn vị tổ chức nhận đỡ đầu, mấy chú bảo già lên phát biểu nhưng già chẳng nói được lời nào, lúc ấy nước mắt cứ chảy ra nên già chỉ nói được mỗi câu biết ơn các chú biên phòng. Từ khi có chú Thiện và chú Dương kèm cặp, cháu Phát đã tiến bộ, chăm học và bớt lêu lổng hơn. Ngoài số tiền hỗ trợ cho cháu hàng năm, chú Thiện và chú Dương còn bỏ tiền túi mua thêm cho cháu sách, vở, giày dép... Vậy là cháu Phát đã chẳng phải như chị nó, nghỉ học để đi làm công nhân mà nó sẽ được học hết cấp 3 rồi cố gắng vào đại học, chẳng biết già này còn sống được bao lâu nữa để xem nó trưởng thành như thế nào.
Câu chuyện bà Nậy kể tôi nghe vừa kết thúc thì cũng lúc cháu Phát chạy vội từ ngõ vào hỏi bà cụ:
- Chú Dương đến chưa bà? Cháu vào nấu cơm đây.
Cu Phát chợt đứng khựng lại khi nhìn thấy khách lạ trong nhà. Cậu chào tôi rồi hỏi tiếp bà cụ:
- Chú Dương đến rồi hả bà? Đây là khách của chú Dương à?
Bà cụ mắng yêu cháu trai “Cha bố anh chứ đi chơi không biết lối mà về. Đợi được anh về nấu cơm, chắc cả nhà chết đói mất. Ham chơi cho lắm vào rồi bỏ bê việc học”.
- Đâu, cháu chơi đá bóng với mấy đứa trong thôn, lỡ trận đấu nên về hơi muộn. Thôi cháu vào giúp chú Dương nấu cơm đây.
Cu Phát chạy vào nhà, bà cụ Nậy tiếp lời:
- Chú thấy đấy, lớn thế rồi mà chưa biết lo nghĩ gì cả, còn ham chơi lắm.
Bữa cơm trưa được dọn ra, chúng tôi cùng quây quần trong cảnh ấm cúng gia đình. Dẫu bữa cơm với những món ăn đạm bạc vùng thôn quê song tôi ăn thấy ngon miệng đến lạ lùng. Từ lâu lắm rồi tôi mới được ăn những món đặc trưng của miền quê thuần khiết nông thôn Việt Nam. Một đĩa tép rang, một đĩa thịt luộc, một tô canh rau khoai nấu với tép phơi khô cùng mấy quả cà pháo muối thế nhưng lại thấm đẫm từng giọt mồ hôi lam lũ, tảo tần của bao người nông dân nơi miền quê đồng cói Nga Tân. Bữa cơm đã lưu giữ trong tôi nguồn cảm xúc dâng tràn về miền đất Nga Tân, nơi lần đầu tôi đặt chân đến, về gia cảnh của một gia đình bà, cháu nương tựa vào nhau để vượt lên khó khăn, hòa mình vào cùng dòng chảy cuộc sống tình nghĩa xóm làng và về cả những việc làm của người chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc vì cuộc sống bình yên của người dân.
Buổi trưa, cảnh làng quê vẫn nét thanh bình và tĩnh lặng. Ngoài mái hiên nhà, bà cụ Nậy sau bữa cơm lại ngồi quay máy xe sợi cói. Tiếng kêu rè rè, tiếng cót két của trục quay cứ đều đều se từng sợi cói nhỏ bện thành sợi dây lớn hơn rồi qua bàn tay của nghệ nhân để trở thành những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống thường nhật. Cây cói cũng như đời người nông dân, lam lũ vươn lên từ bùn đất, trải qua những ngày nắng rát, mỗi nhánh lá bị chẻ ra làm đôi, làm ba, đớn đau phận thân cành, sau đó lại đưa vào máy bện lại, rồi bị nhúng vào thùng nước màu đang sôi trên bếp lửa để nhuộm màu, sợi cói tiếp tục được đem phơi dưới trời nắng to cho đến khi khô sạch nước mới trở thành những sợi cói đẹp để dệt ra những sản phẩm làm đẹp cho cuộc sống. Nghiệt ngã là thế, gian truân là thế nhưng đời cói vẫn rạng rỡ nụ cười khi cói hiểu rằng người đời sẽ trân trọng, nâng niu giá trị bao sản phẩm do mình dâng hiến.
Tôi miên man suy nghĩ về đời cói, về người nông dân làm cói, rồi lại quay về với câu chuyện mà tôi được nghe từ ngôi nhà của bà cụ Nậy. Bất chợt, tôi nhớ đến câu chuyện của cháu Nguyễn Thị Huyền ở thôn Nam Dương, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc và Thiếu tá Hoàng Văn Trường mà đồng chí Thiếu tá Lê Văn Chung, Chính trị viên đơn vị đã kể cho tôi nghe trước khi tôi về Nga Tân cùng Đại úy Hồ Văn Dương.
Huyền sinh ra đã là một đứa trẻ tật nguyền, do khi còn là bào thai trong bụng mẹ đã bị dây rau thai quấn nên Huyền bị liệt đôi chân từ lúc mới lọt lòng. Cuộc đời cô bé lớn lên trong sự cô đơn, buồn tủi vì không có bạn bè cùng chơi, nhà nghèo, bố mẹ phải đi làm thuê nên ước mơ có được một cái xe lăn là điều vượt quá điều kiện của Huyền. Trường làng không có lớp riêng cho trẻ em khuyết tật nên em chỉ biết nhìn bạn bè đến lớp trong sự thèm muốn tột cùng. Cứ như vậy, Huyền lớn lên lủi thủi một mình trong căn nhà của chính mình. Thời gian trôi dần và Huyền cũng dần cam chịu số phận cuộc đời tật nguyền dẫu trong em vẫn tràn đầy những ước mơ như bao bạn bè cùng trang lứa. Niềm vui đến với Huyền khi cô giáo Nguyễn Thị Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc về nghỉ hưu và mở lớp dạy thêm cho trẻ em nghèo tại địa phương. Thương hoàn cảnh của Huyền, cô đã nhận em vào lớp học tình thương của cô. Điều làm cô Thông bất ngờ là mặc dù không được đến lớp nhưng Huyền nhận biết mặt chữ rất nhanh, chỉ một thời gian ngắn, em đã đọc và viết thành thạo nhiều bài học, việc làm toán đối với em cũng chẳng mấy khó khăn. Tuy nhiên tuổi của em đã lớn, nếu không rút ngắn thời gian học cấp Tiểu học thì em sẽ không được tiếp tục học lên cấp Trung học cơ sở. Thương em, cô đã lặn lội đến Phòng Giáo dục của huyện để trình bày hoàn cảnh và xin cho em hưởng chế độ đặc cách nếu em thi đạt kết quả tốt. Được Phòng Giáo dục huyện đồng ý, cô Thông đã không quản ngày đêm dạy em về kiến thức văn hóa, khi nhận thấy Huyền đã đủ mọi điều kiện, cô xin cho em thi sát hạch để học lên cấp Trung học cơ sở. Niềm vui vỡ òa với cô giáo và cô học trò tật nguyền là mọi bài kiểm tra của em đều không thua kém gì các bạn cùng trang lứa.
Lên lớp mới, học trường mới phải đi xa mà đôi chân em lại bị tật nguyền, bố mẹ bận đi làm thuê nên chẳng có ai ngày ngày đưa em đến trường. Việc học của em tưởng chừng như thêm một lần bị đóng lại thì đúng lúc đó Thiếu tá Hoàng Văn Trường về nhận công tác phụ trách địa bàn xã Ngư Lộc. Trong ngày đi nắm tình hình địa bàn, vô tình anh nghe được câu chuyện hoàn cảnh của bé Huyền, anh đã đến tận nhà tìm hiểu ngọn ngành, sau đó anh về báo cáo với Ban Chỉ huy đơn vị nhận đỡ đầu cho cháu qua chương trình “Nâng bước em đến trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động. Thế là em được các chú biên phòng đỡ đầu từ năm lớp 6 cho đến năm hết lớp 12 và mua cho em một chiếc xe lăn đẩy tay. Không phụ lòng các chú bộ đội, Huyền đã luôn cố gắng, nỗ lực học tập, năm học lớp 11, em là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh và em đã đạt giải Nhất môn hóa học. Kết thúc năm học lớp 12, em thi đạt 25,25 điểm và đậu vào Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Hà Nội. Suốt mấy ngày em đi thi, Thiếu tá Hoàng Văn Trường đều luôn có mặt, cõng em lên tận phòng thi, ngày em ra Hà Nội nhập học, hai chú cháu cứ ôm nhau và cả chú lẫn cháu đều giàn giụa nước mắt chia ly. Để giúp em có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình học tập, Thượng tá Nguyễn Ngọc Đức, thông qua quan hệ của mình đã kêu gọi bạn bề hỗ trợ cho em chiếc xe lăn chạy bằng điện hơn 10 triệu đồng. 
Cũng bằng tấm lòng của mình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc đã nhận đỡ đầu 02 cháu trong mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” với mức 10 triệu đồng cho mỗi cháu một năm học và 03 cháu thuộc chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức tiền hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho mỗi cháu. Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện mô hình và chương trình đều do cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự nguyện đóng góp lương, phụ cấp của mình. Những việc làm, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc dành cho các cháu thông qua chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” và “Nâng bước em tới trường” đã và đang thắp lên niềm tin cho cuộc đời 06 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để mai này lớn khôn các cháu sẽ là những công dân tốt của quê hương, đất nước.
*
Thời gian tôi tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc rồi cũng đến. Buổi sáng trước khi rời đơn vị, tôi dậy sớm và thả bàn chân mình dọc theo bờ cát ngút dài của biển, những cây phi lao cất tiếng reo vi vu trong từng cơn gió, trên mặt biển xanh ngắt, một đàn chim hải âu đang đùa giỡn với sóng và tôi nghe trong làn sương sớm có pha lẫn vị mặn của muối lành lạnh, phảng phất, mơn man khắp cơ thể, làm cho làn da của tôi cũng mằn mặn nước biển. Tôi hít thật sâu vào vòm ngực mình làn gió ban mai của biển, nghe âm thanh mỗi con sóng đùa nghịch từ ngoài khơi xa vỗ nhẹ vào bờ cát rồi vội biến tan như cơn gió kia lưng lửng mùi biển. Lúc này đây, tôi có cảm giác biển thật yên bình, yên bình đến nỗi tôi không muốn đánh rơi hay phá vỡ những gì đang hiện diện trong cảm xúc của mình và tôi cảm nhận được rằng: Biển dẫu mặn, nhưng những sản vật của biển cũng đều ngọt ngào cả. Nắm chặt bàn tay tôi trước lúc tiễn tôi ra bến xe, Thiếu tá Lê Văn Chung, Chính trị viên đã nói với tôi rằng “Ai đã ăn sản vật của biển một lần là sẽ nhớ biển, ăn hai lần thì yêu biển, ăn ba lần sẽ muốn sống cùng biển trọn đời”. Dẫu thời gian không dài nhưng tôi đã được hơn ba lần ăn những sản vật của biển nơi đây, phải chăng vì thế mà tình yêu biển trong tôi cứ lớn dần, lớn đến nỗi khi xa biển, xa những người cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc, lòng tôi vẫn rưng rưng niềm cảm xúc. Tôi biết rằng, cho dẫu thời gian có trôi đi như thế nào, mỗi khi nhớ lại thì tôi vẫn chẳng thể nào quên được. Chỉ cần nghĩ như vậy thôi, bất chợt có những giọt nước nóng hổi, mằn mặn từ đôi mắt lăn dài xuống khóe môi của tôi. 
*
Rất lâu rồi, cứ vào mỗi buổi sáng, khi tôi thức dậy, theo phản xạ, tôi đưa mắt nhìn về phía mặt trời mọc, nơi ấy có biển, có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc và họ đã hát cho tôi nghe những câu hát thật hay rằng “Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi. Thênh thang trên biển rộng lòng ta như biển trời. Buồm thẳng ra khơi quăng chài tay chung kéo lưới. Vượt sóng trở về thuyền ta khoang cá đầy... Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi. Ta dân quân sẵn sàng vì quê hương súng chẳng rời. Miền biển quê ta có rừng phi lao bát ngát. Cồn cát tươi vàng điểm tô bao hàng dừa. Yêu đất nước xóm làng nặng biết bao tình....”. Tôi biết phía biển xa ấy, những người lính biên phòng không chỉ đang ngày đêm dõi mắt nhìn khơi xa, chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng cho Tổ quốc mà các anh còn thắp lên niềm tin và nâng bước cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ngày ngày được đến trường. Trong cảm xúc của mình, tôi thấy không còn nỗi sợ hãi dẫu mỗi khi biển động.
                  

  N.T.P 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 120
 Hôm nay: 4787
 Tổng số truy cập: 7624668
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa