Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   “Bông hoa đỏ” nơi miền biên viễn (Bút ký)
“Bông hoa đỏ” nơi miền biên viễn (Bút ký)

Ở nơi biên viễn cực Tây của xứ Thanh, huyện Mường Lát, nhắc đến cô gái người Mông Thao Thị Dua có lẽ không ai là không biết. Dua sinh năm 1994, là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Pù Nhi. Là đảng viên tiến bộ, một trong những người Mông tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Dua được đánh giá là “luồng gió mới” ở Chi bộ Pù Toong, dẫn dắt thế hệ thanh niên bản trong các hoạt động phong trào. Điều đặc biệt, “bông hoa” xinh đẹp của núi rừng bản Mông cũng được toàn thể cử tri huyện Mường Lát gửi gắm, tiến cử là Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026).
1. Từ cô gái Mông ham học
Trời vùng biên mùa này đổ mưa liên tục. Những đỉnh núi, ngọn đồi như bị cào cấu, tróc da, chảy máu với những vết sạt trượt loang lổ. Phía dưới dãy đại ngàn, con sông Mã cũng đang đổi sắc, gầm gừ như một con “quái thú” phát ra những thanh âm rùng rợn. Tất thảy những đe dọa từ “mẹ thiên nhiên” khiến cho Dua lo lắng! Cả đêm qua Dua không ngủ. Dua bảo: “Không lo sao được, khi nỗi đau trời xé từ đận bão lũ hồi cuối tháng 8-2018 hãy còn chưa lành. Cái bụng Dua không yên”. Từ khi con gà còn chưa kịp cất tiếng gáy, Dua đã lay tôi dậy cùng một vài chị em chi hội phụ nữ bản Pù Toong, đồ đoàn, lương thực, thực phẩm (gạo, cá khô, khoai lang và một ít rau củ…) mang lên cho 4 anh em nhà Hơ Ta Nính (bản Cá Tớp). Chuyện là, mấy chị em phụ nữ bản, xã thành lập mô hình câu lạc bộ “mẹ đỡ đầu” nhằm giúp đỡ, chở che cho những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Mô hình này cũng mới được thành lập, duy trì hơn một năm nay. Nói như Dua, cái khó là chưa vận động, kêu gọi được các mạnh thường quân hỗ trợ, nên kinh phí còn eo hẹp. Chủ yếu là chị em phụ nữ, các đảng viên đóng góp, hỗ trợ. Nói về hoàn cảnh nhà 4 anh em Hơ Ta Nính, Dua tâm sự: “Thương lắm! Bốn anh em côi cút trong căn nhà nhỏ nằm giữa lưng chừng đồi. Đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ mới tròn 7 tuổi. Mùa mưa bão này, để các con tự lo, bụng Dua và chị em phụ nữ không yên”.
Con đường dẫn đến bản Cá Tớp, cơn mưa đã dịu hạt. Dua kể thêm cho tôi nghe về hoàn cảnh của 4 anh em nhà Nính. Hệ quả từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ. Bố Nính chỉ vì cùng quẫn đã tìm đến lá ngón để giải thoát. Mẹ Nính vì nghèo đói mà bỏ đi làm ăn xa, biệt tích. Bốn anh em Nính bơ vơ trong căn nhà xơ xác giữa lưng chừng đồi. Từ dưới chân đồi, ngước mắt lên, căn nhà nhỏ của 4 anh em nhà Nính như một chấm đen lọt thỏm giữa không gian rộng lớn. Lại gần, căn nhà thu lại xám bạc đến tuềnh toàng. Mấy đứa nhỏ mặt lấm lem với trò chơi đất nặn, bỗng vui ra mặt. Chúng túm tụm lại bên đống đồ đoàn các mẹ mang lên. Dua lấy từ trong bao gạo một ít hoa quả và vài phong kẹo lạc đưa cho Nính, chia cho các em. Nính thắc mắc: “Sao lần này các mẹ mang nhiều đồ thế! Chỗ này phải ăn cả tháng mới hết!”. Dua xoa đầu bảo: “Mang nhiều mà dự trữ, nhỡ mai kia bão gió còn cái mà ăn”. Nói rồi Dua căn dặn: “Năm học mới, sách vở đủ cả rồi thì phải lo mà học, đừng phụ công các mẹ nghe chưa!”. Cái Tho, em gái sau Nính nhanh nhảu: “Các mẹ yên tâm, mấy anh em vẫn tự bảo ban nhau học. Học để sau này làm cán bộ như mẹ Dua chứ!”…
Hơn 10 năm về trước, không nhiều đứa trẻ người Mông như Dua được đi học, đặc biệt là nữ giới. Dua là cô gái Mông hiếm hoi của đất bản Pù Toong được học hết lớp 12 và đại học. Bấy giờ, nhà Dua, bố mẹ Dua cũng là những hộ người Mông tiến bộ của bản. Dù nhà nghèo, có tới 7 người con, nhiều khi cái ăn không đủ, thế nhưng bố mẹ Dua vẫn quyết tâm cho con cái đến trường. Trước Dua có anh trai cả là Thao Ca Dính, học ra trường, giờ làm cán bộ văn hóa bên xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Sau Dua có em trai Thao Văn Ly, học xong giờ làm cán bộ biên phòng, bảo vệ biên giới. Dua là con gái nhưng có nhiều điều đặc biệt. Dua ham học, học giỏi và tháo vát việc bản, việc làng. Khi mới học hết lớp 9, bố mẹ Dua bảo, bà con người Mông cứ xúi: “Cho con Dua học lắm làm cái gì, cái chữ có làm no cái bụng đâu! Sao không bắt con Dua lên rẫy trồng cây ngô, cây sắn, vào rừng đào củ mài, có cái mà ăn, có hơn không!”. Dua không để ý nhiều, bởi Dua biết bố mẹ yêu thương Dua. Dua hứa với gia đình, sẽ học giỏi để sau này làm cán bộ, giúp cho con em Pù Toong biết cái chữ, biết làm ăn, buôn bán… 
Dẫu là vậy, thế nhưng ít ai biết, để có thể theo đuổi được con chữ bấy giờ với Dua là chuyện không hề dễ dàng. Số ít những đứa trẻ được đi học như Dua phải băng rừng, lội suối, đi cả nửa ngày mới tới điểm trường để học. Lên cấp 2 Dua đã phải xa nhà, dựng lán nuôi con chữ. Để không cho cái bụng bị đói, con chữ vào được cái đầu, Dua nhớ, cứ vào ngày cuối tuần được nghỉ học lại cuốc bộ hàng chục cây số về nhà, gùi gạo đến trường. Học xong tự về nấu ăn, ăn xong lại ngồi vào bàn để học…  
Sau khi học hết lớp 12, thi đậu và tốt nghiệp một trường đại học Văn hóa, Dua từ bỏ những cơ hội việc làm ở phố thị, trở về bản Pù Toong như lời hứa từ nhỏ, để tham gia các phong trào phát triển kinh tế cũng như xã hội tại địa phương. Với tinh thần nhiệt huyết và những nổi bật trong các hoạt động phong trào của bản, năm 2018 Dua được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng và sinh hoạt tại bản Pù Toong. Sau đó, nhanh chóng Dua được điều chuyển lên xã Pù Nhi làm cán bộ Hội LHPN xã. Dua bảo, dù làm cán bộ ở xã nhưng sinh hoạt ở bản Pù Toong. Chi bộ bản có 28 đảng viên, trong đó có 4 nữ, 24 nam. Câu lạc bộ “mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN xã thành lập bao gồm một số đảng viên ở Chi bộ Pù Toong như Dua tham gia. Dua đánh giá đây là một trong những chương trình hoạt động nhân văn, ý nghĩa. Dù trước đó, những trẻ em mồ côi, khó khăn vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ. Nhưng thành lập câu lạc bộ rồi sẽ hoạt động bài bản, có quy lát hơn. Đồng thời xây dựng được địa chỉ để tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức, lo cho các con.
2. “Luồng gió mới” ở Chi bộ Pù Toong!
Là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi nhưng Dua sinh hoạt tại Chi bộ Pù Toong. Chi bộ Pù Toong cũng được đánh giá là một trong những Chi bộ dẫn đầu trong các phòng trào thi đua của xã. Hiện Chi bộ có 28 đảng viên sinh hoạt. Dua được đánh giá là một trong những nữ đảng viên trẻ năng nổ, có nhiều thành tích trong hoạt động. Đặc biệt, với mô hình câu lạc bộ “mẹ đỡ đầu” mà Dua là một trong những thành viên nòng cốt, chương trình đã tạo ra được những hiệu ứng xã hội tích cực, giúp đỡ được cho nhiều hoàn cảnh éo le, đơn cử như trường hợp của 4 anh em nhà Hơ Ta Nính. Nói về điều này, đảng viên Thao Thị Dua trăn trở: “Cả xã qua thống kê có tới hơn 20 trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Nguyên nhân một phần dẫn đến những hệ quả trên là tình trạng tảo hôn, hôn nhân không hạnh phúc. Muốn giải quyết căn cơ của vấn đề, chính là công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật trong hôn nhân đến với người dân”. 
Bởi thế, mỗi lần có đoàn đến bản tuyên truyền pháp luật là không thể thiếu Dua. Đây là một trong những điểm mạnh của Dua. Nếu với các anh cán bộ biên phòng thì đa phần chỉ nói được tiếng Kinh, nhưng Dua thì tuyên truyền bằng cả 2 thứ tiếng (tiếng Kinh và tiếng Mông). Dua nói, cũng tùy từng chuyên đề mà có những hình thức tuyên truyền khác nhau. Nếu kết hợp với cán bộ biên phòng thì thường là tuyên truyền pháp luật, về an ninh biên giới, về phòng chống ma túy. Với kiểm lâm thì phòng cháy, chữa cháy rừng… Với phụ nữ thì chủ yếu là về luật gia đình, vấn đề tảo hôn và quyền trẻ em… Dua nói mà gương mặt hiện rõ nét u buồn, khi mà tình trạng tảo hôn ở đây vẫn còn nhiều. Chỉ tính trong năm vừa qua (năm 2021), Hội LHPN xã Pù Nhi nói riêng đã phải can thiệp, xử lý 22 trường hợp tảo hôn. Nhiều trường hợp chưa đến tuổi, các cháu mới học đến lớp 7, 8 đã kết hôn, có những em mới học lớp 10 đã sinh con. Dua chia sẻ: “Sở dĩ tình trạng này vẫn còn bởi một phần là do phong tục bắt vợ của người Mông còn nhiều biến tướng. Nhiều trường hợp, người dân tổ chức bắt vợ vào ban đêm, bắt trộm... Một khi con gái đã bị bắt, gả đi rồi thì nó giống như bát nước đã hắt đổ đi. Họ giấu giếm cho tới khi “gạo nấu thành cơm”, bụng con to ễnh ra thì người dân, thôn bản mới biết, báo đến chính quyền. Đây là bất cập, là hạn chế cần có thời gian, truyên truyền dần dần chứ không phải nói một lúc thay đổi, dẹp bỏ hẳn được”.
Trong phong trào phát triển kinh tế, với trăn trở để cây mận, cây đào trở thành cây trồng chủ lực ở dải đất vùng biên, hướng đến xây dựng thành sản phẩm OCOP. Dua phân tích, mặc dù đã hơn 20 năm kể từ khi cây mận hậu, cây đào từ Sơn La về “định cư” tại địa phương, những tưởng đây sẽ là loại cây trồng chủ lực, là “cây thoát nghèo” của bà con dân bản nhưng bao năm qua, niềm hy vọng ấy vẫn chưa thành hiện thực. Khi cây mận, cây đào mới về đất bản, được cán bộ tuyên truyền trồng loại cây này. Cán bộ bảo cây mận là cây thoát nghèo, bà con ai cũng phấn khởi. Có ai mà chẳng muốn thoát nghèo. Và phong trào trồng mận, trồng đào trên đất Pù Toong ngay lập tức diễn ra sôi động. Nhà nào ít cũng vài chục gốc, nhiều thì vài trăm, cả nghìn gốc. Thế rồi, mồ hôi, nước mắt đổ xuống những gốc mận, đến kỳ thu hoạch không biết bán cho ai, bởi nhà nào cũng trồng. Mận chín nhanh, rụng ngập gốc, bà con mất niềm tin, chặt bỏ dần để trồng ngô, sắn…
Vài năm trở lại đây, giao thông thuận lợi, việc bán mận, bán đào dễ dàng hơn khi có thương lái dưới xuôi lên bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt mận, đào ở Pù Toong nức tiếng gần xa, với quả to, mọng, ăn giòn nên được thị trường ưa chuộng. Dua đã tiên phong vận động những đảng viên, đoàn viên, thanh niên trẻ trong bản Pù Toong gây dựng phong trào phục hồi loại cây trồng đang cho giá trị này. Vụ mận, đào vừa qua, Dua nhẩm, mỗi hộ ít thì cũng thu được mươi, mười lăm triệu đồng. Trong đó, Dua thì bán được đôi, ba chục triệu do biết cách quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… Thấy được hiệu quả đó, xã, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn, tìm kiếm thị trường, khuyến khích người dân mở rộng diện tích và xây dựng theo hướng sản phẩm OCOP nhằm khôi phục lại loại cây trồng hiệu quả này. Gia đình Dua, mà chính cô là người hăng hái tham gia chương trình. Ngoài việc duy trì hơn 60 gốc mận, 30 gốc đào có tuổi thọ cả chục năm tuổi đang cho thu hoạch thì Dua cũng đã mạnh dạn trồng mới thêm 300 gốc mới. Dua hăng hái, các đoàn viên, đảng viên trẻ trong bản cũng làm theo, tạo thành phong trào sôi nổi. Hiện, bản Pù Toong có khoảng 15-20 hộ đăng ký trồng mận (mỗi hộ từ 3 đến 5 ha), số còn lại các hộ trồng có diện tích ít hơn. 
Trước đó, để phát triển mô hình trồng mận, đào hiệu quả, đúng định hướng, thì Chi bộ Pù Toong đã đưa ra bàn bạc, tiến hành họp dân, hộ nào đăng ký trồng, đăng ký bao nhiều héc ta. Dua cho rằng, để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì mọi Nghị quyết, mà đơn cử như phong trào phát triển cây mận, cây đào, sau khi xã triển khai, phát động về thôn, bản, Chi bộ sẽ đưa ra bàn bạc, thống nhất phương án, hướng giải quyết, cách triển khai… rồi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, phát triển rộng rãi…
Những trăn trở…
Với vai trò là đảng viên trẻ, để xây dựng nguồn, bồi dưỡng thế hệ trẻ tại địa phương, Dua không khỏi trăn trở khi suốt một thời gian dài việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn đảng viên trẻ tại chỗ gặp nhiều khó khăn. Một phần tâm lý người dân “ngại vào Đảng” còn khá phổ biến. Với bà con, vào Đảng là phải có mục đích phát triển bản thân, hoặc tham gia công tác của thôn, bản thì mới vào. Trong khi, đối với thế hệ trẻ, lực lượng nòng cốt thì đa phần sau khi học xong có xu hướng “ly hương” đi làm ăn xa. Để thay đổi được thực trạng trên, Dua đã nhiều lần đưa ra luận điểm về phát triển kinh tế địa phương với các mô hình, phong trào kinh tế. Một khi kinh tế địa phương phát triển sẽ tạo tiền đề thu hút nguồn lao động trở về quê hương. Nói về vấn đề này, Dua cho biết, khi đợt dịch Covid-19 bùng phát, một lực lượng lớn thanh niên về địa phương tránh dịch và có xu hướng ở hẳn để phát triển kinh tế tại quê nhà. Đây chính là nguồn lực để bồi dưỡng, phát triển nguồn đảng viên trẻ tại chỗ. “Một khi Chi bộ vững mạnh thì các phong trào phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương cũng sẽ phát triển hơn” - Dua tin tưởng.
Với những gì mà một “bông hoa” của bản làng người Mông đã làm, Dua xứng với niềm tin, sự gửi gắm cùa toàn bộ cử tri bản Pù Toong nói riêng, nhân dân huyện Mường Lát nói chung trong việc tiến cử vào vị trí Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa qua, với khả năng thuyết trình của mình Dua đã dõng dạc đứng lên trước nghị trường nói về những khó khăn của ngành giáo dục Mường Lát, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên. Dua vui mừng khi những trăn trở đã phát biểu tại phiên chất vấn được giải quyết bằng việc huyện Mường Lát có đợt tuyển dụng bổ sung lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu trước năm học 2022-2023. 
Chia tay Mường Lát khi những tia nắng ngày mới ló rạng trên đỉnh Pù Toong, sau lưng tôi vẫn còn đâu đó hình ảnh người con gái bản Mông tiêu biểu, giàu nghị lực. Người được xem là đại diện cho những “hạt giống đỏ” vùng biên qua lời nhận xét của Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, ông Triệu Minh Xiết khi nói về vai trò của thế hệ trẻ trong việc sát cánh, đồng hành và tiên phong góp phần đưa huyện Mường Lát sớm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
                 Đ.G
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 120
 Hôm nay: 3793
 Tổng số truy cập: 7458024
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa