Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Những “đôi mắt thức” (Bút ký)
Những “đôi mắt thức” (Bút ký)

1. “Người mẹ” từ quả thị
Chiều bảng lãng buông dần xuống bản Cá Tớp, những ngôi nhà trầm buồn len lỏi trong màu xanh của núi rừng, vẫn đó bóng dáng dường như đã quá quen thuộc với mỗi người dân nơi đây. Cô bé Hơ Thị Tho đứng tần ngần dõi mắt nhìn xuống phía con đường đất như chờ đợi, đôi mắt em thăm thẳm, cái nhìn dọi vào không gian đang quánh lại nỗi mong nhớ không nguôi về “người mẹ” đỡ đầu của bốn anh em mình. Trước mắt em hình ảnh “người mẹ” ấy cứ hiện rõ mồn một, “người mẹ” không ngại nắng mưa, không ngại đường trơn trật, khó đi, tay xách nách mang bao nhiêu đồ đạc, lúc sách vở, khi lương thực, thực phẩm, có khi chỉ là chiếc chăn bông hay bộ quần áo, gương mặt “mẹ” lúc nào cũng thường trực nụ cười với bốn anh em Hơ Thị Tho. Có “mẹ” lòng cô bé và anh em Tho ấm lắm, ấm như ngọn lửa đêm đông giữa rừng, khiến trái tim non nớt của Tho không còn đơn độc, lo lắng và sợ hãi nữa.
Nhà bốn anh em Hơ Thị Tho nằm trên đỉnh đồi của bản Cá Tớp thuộc xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Tho là con thứ hai nhưng lại đóng vai trò chị cả trong gia đình. Cái nếp người H’Mông trước giờ vẫn vậy, nạn tảo hôn, nạn ăn lá ngón đã cướp đi bao số phận, khiến biết bao nếp nhà hoang tàn, khổ đau và bất hạnh cứ đeo bám vào những người còn sống, đặc biệt là những đứa trẻ như anh em Tho. Bố mẹ Tho cũng không nằm ngoại lệ đó. Họ lấy nhau khi tuổi chưa đủ chín. Rồi cũng vì suy nghĩ bồng bột, mâu thuẫn, bố Tho tìm đến lá ngón để kết thúc cuộc đời mình. Mẹ Tho không chịu được áp lực sau khi chồng qua đời, đã bỏ lại bốn đứa con thơ sang Sơn La lấy chồng khác. Anh trai Tho là Hơ Ta Nính do được sinh ra trong tuổi tảo hôn nên dù đã 14 tuổi, Hơ Ta Nính cũng không đủ khôn nhanh như đứa em gái của mình. Từ khi mẹ bỏ đi, mọi việc nhà và hai đứa em nhỏ là Hơ Thị Xi sinh năm 2014 và Hơ Trọng Nghĩa 2015 đều đổ lên đôi vai nhỏ của cô bé. Mỗi khi đêm về là quãng thời gian Tho phải ầu ơ hai em đi ngủ, sáng cứ nghe tiếng gà gáy đến lần thứ năm, em lại phải choàng dậy đi nấu cơm cho bốn anh em ăn để kịp đi học. Khó khăn đủ bề, bữa đói bữa no, nhất là vào mùa đông, cái lạnh như xuyên thấu qua những manh áo mỏng của các em, đôi chân trần tím ngắt vẫn phải đi tìm rau dại để mong bữa ăn đủ lót dạ. Nhà còn bà nội, nhưng bà thường ở trên chòi, dăm bữa nửa tháng mới về thăm mấy đứa cháu, để lại ít lương thực rồi đi. Hơi ấm bà không đủ xua đi sự mất mát và thiếu hụt tình thương với bốn anh em. Rồi “mẹ” đến như từ quả thị của cô Tấm bước ra, lo cho anh em Tho từng miếng ăn, lo cho anh em Tho từng con chữ, “mẹ” quán xuyến tất cả, bớt đi phần nào sự cực nhọc trên đôi vai nhỏ bé của Tho, khiến đôi mắt em sáng hơn và hồn nhiên trở lại.
Ngôi nhà của em Lò Việt Anh nằm ở bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát trống huơ trống hoắc ken đặc lỗ là lỗ, nhỏ thì như bàn tay, to thì như đầu người. Ánh nắng thi nhau chiếu qua những lỗ hổng xiên thẳng vào trong nhà, ngoài tấm đệm cũ kỹ, phần rách nhiều hơn phần sờn, đôi ba quyển vở học sinh, vài vật dụng lặt vặt thì hầu như không thêm bất cứ thứ gì. Việt Anh là người dân tộc Thái năm nay vừa tròn 14 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng lúc nào đôi mắt cũng đượm buồn hướng xuống dưới. Trên Việt Anh còn có anh trai là Lò Tiến Dũng năm nay học lên lớp 12, tranh thủ nghỉ hè Dũng ra Hưng Yên đi làm thuê để lấy tiền trang trải cho cả hai anh em sắp vào năm học mới. Năm 2017 sau sự ra đi của bố mẹ do căn bệnh ung thư quái ác, anh em Việt Anh như cây dại bơ vơ giữa rừng, dù còn ông bà nội nhưng cái nghèo như một “gia tài” truyền kiếp cứ vận hết đời này đến đời khác của gia đình em. Cái ăn lo không đủ chứ nói gì đến việc học. Chính vì vậy Lò Tiến Dũng quyết định dừng việc học khi mới ở lớp 11 để phụ giúp ông bà nuôi em. Biết hoàn cảnh khó khăn của hai anh em, “Mẹ đỡ đầu” tìm đến tận nhà, thủ thỉ, tâm tình và coi anh em Việt Anh như con mình, chăm sóc, xắn tay áo cùng các con làm việc. Mưa dầm thấm lâu, lời nói và sự phân tích hơn thiệt của việc học như tiếng suối chảy mãi của “mẹ” rồi cũng làm Lò Tiến Dũng mềm lòng và quyết định quay trở lại trường cùng bạn bè. Vì em biết ngoài ông bà nội, anh em Dũng đã có thêm một “người mẹ”, người cha bên cạnh, lo cho mình, làm mình thấy an lòng.
Đó là sáu người con trong số 18 người con của “Mẹ đỡ đầu” Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
2. “Người mẹ” mang quân hàm xanh
Nếu hỏi bất kỳ ai ở huyện Mường Lát, từ người già đến trẻ nhỏ, từ dân bản đến lãnh đạo về Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng không ai là không biết đến. Có lẽ những việc làm thiện nguyện của anh như đã ghi sâu vào tình cảm, vào sự khâm phục lẫn cảm kích của mỗi người dân nơi đây. 
Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng sinh năm 1975 ở vùng quê biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ đến hết thời gian cắp sách đi học ở quê nhà, sự năng nổ và tràn đầy nhiệt huyết như ngấm vào người thanh niên Trịnh Tứ Thắng. Anh thường xuyên tham gia các phong trào đoàn đội, vào những việc làm có ý nghĩa với xã hội. Và không biết từ lúc nào tình yêu và hoài bão muốn trở thành một người lính Cụ Hồ cứ lớn dần trong anh. Năm 1998 anh chính thức nhập ngũ trở thành chiến sỹ C19, Đồn 504 Bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là thời gian mở đầu là dấu mốc quan trọng để anh định hướng con đường binh nghiệp sau này và nơi đâu anh đi qua dường như anh đều để lại ấn tượng sâu đậm với nhân dân bản địa. Năm 2009 sau khi hoàn thành việc chuyển đổi cấp Đại học Biên phòng tại Học viện Biên Phòng, Trịnh Tứ Thắng nhận công tác về Đồn 681, Đồn Biên phòng Trà Vinh, sau đó năm 2012 đến 2017 anh lại chuyển công tác về Đồn Cà Roòng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình với vai trò là Chính trị viên phó. Ở đây anh có quãng thời gian công tác 5 năm nhưng dường như đến tận bây giờ những việc làm của anh luôn được người dân Cà Roòng nhắc nhớ với lòng biết ơn sâu sắc. Anh không chỉ tìm ra cách làm hay như xóa nạn mù chữ cho dân vùng biên giới bằng cách “nhử” họ hát karaoke, anh còn tham gia trợ cấp cho 4 em học sinh mà đơn vị đỡ đầu, anh vận động các nguồn hỗ trợ đỡ đầu thêm cho 6 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bản thân nhận đỡ đầu 3 em với mức hỗ trợ 300.000 đồng/em/tháng. Để có kinh phí anh tranh thủ làm video clip cho các chủ nhà hàng, trồng cây cảnh, phục chế xe Honda 67 bán kiếm thêm tiền làm từ thiện.
Đến cuối năm 2017 anh nhận lệnh trở lại quê hương công tác tại Bội đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, và câu chuyện về “Mẹ đỡ đầu” của Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng với núi rừng Mường Lát cũng bắt đầu từ đây.
Tôi gặp Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Lát Hà Thị Nhơn trong cái nắng đã có phần dịu nhẹ, gió hanh hao trên những tán cây xanh mát của tiết trời thu. Thời tiết giao mùa đỏng đảnh như gái đôi mươi, nắng đến cháy mặt người nhưng bỗng chốc lại nổi mưa giông trắng trời, cứ mỗi lần ngấm cái nắng mưa miền sơn cước, tôi như thấm hơn sự bền bỉ, dẻo dai và kiêu hùng của những người phụ nữ nhìn mảnh mai, mỏng manh như Nhơn trên vùng đất gian khó này. Hà Thị Nhơn trẻ hơn cái tuổi bốn mươi mà cô giới thiệu với tôi, nước da trắng, dáng người cao mảnh, cả khuôn mặt toát lên sự nhiệt huyết và tươi tắn. Khi được biết mục đích chuyến đi của tôi tìm hiểu về chương trình “Mẹ đỡ đầu” của huyện cũng như về Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, Nhơn không khỏi bùi ngùi:
- Mường Lát là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, địa bàn hiểm trở, nhiều hủ tục, lại đa phần là người dân tộc nên nghèo và khó, chính vì vậy các bạn nhỏ ở đây thiệt thòi và thiếu thốn lắm. Có những trường hợp éo le bố mẹ đều mất để lại các em một mình, rồi có những em gái vì hủ tục tảo hôn mà không đủ nhận thức vội đi lấy chồng khi cơ thể chưa hoàn thiện dẫn đến tương lai của mình và của những đứa trẻ kế tiếp mù mịt. Chưa kể từ sau đại dịch Covid vừa qua, Mường Lát cũng là một trong những địa phương rơi vào tâm điểm khiến những đứa trẻ con ở đây phải oằn mình chống chọi. Cũng rất may, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự chung tay của cả cộng đồng và nhất là những người có tấm lòng thiện nguyện đẹp như Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã đồng hành, chia sẻ và góp công sức với tập thể cán bộ của phụ nữ huyện. Đặc biệt hơn khi Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã như một ngọn lửa thắp sáng con đường tương lai cho các em! 
Để như minh chứng cho những lời nói của mình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hà Thị Nhơn gợi ý mời tôi về thăm bản Cân và bản Tân Hương. Con đường vào hai bản chỉ chừng 18 ki lô mét, có khoảng 2/3 đã được rải bê tông chắc chắn nên đi khá suôn sẻ. Gần đến bản con đường càng trở nên hốc hác, nham nhở, mỗi lần đến khúc cua, chiếc xe máy của Nhơn lại gằn lên như hất tung người ngồi sau xuống vực, bụng tôi xốc lên xốc xuống rồi râm ran đau dọc lưng. Bản Cân hiện ra xinh xắn, yên bình trong bóng núi. Khu trường tạm chỉ có 4 lớp học đơn sơ và mốc thếch sau những trận mưa rừng. Những đôi mắt trẻ thơ sáng trong, thấy người lạ cứ mở to nhìn ngơ ngác. Tôi ngước lên tấm giấy dán cao trên một phòng học có dòng chữ “Lớp 1 + lớp 3” và tiến vào bên trong. Ở đây lớp chỉ có hai dãy bàn ghế cũ, một chiếc bảng sứt mẻ. Trường chỉ dạy đến lớp 4, nếu muốn học lớp 5 thì phải ra trường chính ở trung tâm huyện. Mỗi lớp chỉ được dăm ba đứa trẻ theo học, nên trường cứ phải gom lớp nọ với lớp kia để giáo viên dạy học cho tiện. Cả khuôn viên trường có lẽ có giá trị là chiếc sân trường được trát xi măng, sân không rộng nhưng khá sạch sẽ và cao ráo. Như đoán được ý tôi, Nhơn hồ hởi giới thiệu:
- Sân chơi này là do anh Thắng làm cho trường đấy chị ạ. Trước đây sân là một khoảng đất trống, cỏ và cây dại mọc đầy hai bên, mỗi lần mưa xuống là ướt nhoẹt và trơn lắm, các em cứ ra chơi là vào đẫm mình trong bùn đất. Thấy vậy nên anh Thắng đã chủ động xin nguyên vật liệu, rồi vận động dân hai bản Cân và Tân Hương cùng làm. Từ khi có sân mới, các em học sinh ham đến trường, các thầy cô dạy cũng phấn khởi hẳn.
Có lẽ đối với ai đó một sân trường nhỏ sẽ không đáng để nhắc nhớ, nhưng với một bản miền núi như bản Cân còn khá nhiều khó khăn, đường sá đi lại không hề dễ dàng thì chỉ một chiếc sân chơi nhỏ thôi cũng sẽ thay đổi rất nhiều số phận và nếp suy nghĩ của nhiều người ở đây. Cũng qua Nhơn tôi được biết thêm, không chỉ là việc huy động và quyên góp xây dựng, để cho các em học sinh có điều kiện học hành tốt nhất, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng còn nhận đỡ đầu cho 18 em nhỏ trên địa bàn huyện, với mức hỗ trợ mỗi tháng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/em/tháng từ nguồn của cá nhân hoặc nguồn vận động. Vẫn đâu đó hình ảnh người lính mang quân hàm xanh mỗi lần về vùng quê Sầm Sơn lại mang theo “hương vị nhà” lên với núi rừng trao lại cho các con đỡ đầu. Lúc thì ít cá biển, khi dăm ba bao moi khô, đôi khi lại là nước mắm, gạo, muối, mỳ chính, quần áo… Mỗi lần nhận được quà từ người lính ấy, đôi mắt những đứa con thơ lại ánh lên niềm vui, lấp lánh sự hồ hởi và mong ngóng “người mẹ” của mình trở về. Có lẽ bóng dáng của anh như in vào lòng, vào sâu trong những đôi mắt ngày đêm mong đợi ấy, khiến anh luôn đau đáu niềm thương cảm, thúc đẩy bản thân phải cố gắng hơn để đem đến cho con mình cuộc sống được ấm no.
3. Những “đôi mắt thức”!
Dường như muốn tôi hiểu hơn về thành viên tích cực trong phong trào “Mẹ đỡ đầu” của huyện nhà, Hà Thị Nhơn giới thiệu cho tôi chị Hoàng Thị Cam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Chung. Cam vừa bước vào cái tuổi mặn mà của người phụ nữ có một gia đình ấm êm. Qua những lời nói ngắn gọn từ Nhơn tôi biết Cam là người có thể gọi là “đồng đội” của Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng trong những cuộc hành trình từ thiện nhận trẻ em đỡ đầu. 
-  Là người “kề vai sát cánh” cùng Thiếu tá Thắng, có lẽ Cam sẽ có nhiều kỷ niệm và câu chuyện sâu đậm phải không?
Bằng chất giọng trầm buồn, người con gái Thái hướng ánh mắt ra phía dãy núi trước mặt. Trời đang rầm rĩ những đám mây đen kéo đến gần, gió thổi nặng hơn lên những tán cây, có lẽ lại sắp mưa, những cơn mưa rừng như vị khách không mời mà đến cứ thông thốc lao vào những mái nhà đang vẹo mình để hứng chịu, tiếng Cam dỏn dẻn vào núi:
- Nhiều lắm các chị ạ. Trước khi có chương trình “Mẹ đỡ đầu” của bên em, anh Thắng đã chủ động điện nhờ em tìm cho một số cháu mồ côi để nhận đỡ đầu rồi. Khi có thông tin, anh đến tận nhà từng em, hỏi han rồi tìm cách giúp đỡ hiệu quả nhất. 
Lời của Cam nói khiến tôi nhớ đến câu chuyện của anh em Lò Tiến Dũng và Lò Việt Anh khi tôi tìm đến nhà ông bà nội em. Ở cái tuổi 62 ông Hà Văn Dự già hơn cái tuổi của mình, nước da ông đen sạm, đôi mắt trũng sâu xếp đầy vết chân chim, đôi tay gầy nổi đầy những đường gân xanh. Ông chỉ lên khoảng đất được cải tạo thành một vườn sắn mơn mởn, trên đó là ao cá của con ông, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng với lời hứa sẽ lên để cùng ông cải tạo lại thả cá, rồi ông chỉ cho tôi con bò cái đang trong thời kỳ sinh sản mà anh Thắng đã cất công đi tìm nguồn về trao lại cho nhà ông. Bởi anh Thắng biết ông bà thương hai đứa cháu côi cút nên muốn tự tay chăm sóc và nuôi hai đứa ăn học thay bố mẹ chúng. Nên chỉ có cách anh tạo điều kiện và giúp ông bà có một cơ sở kinh tế cơ bản, là con giống và kỹ thuật ao vườn vượt qua khó khăn hiện tại đảm bảo tương lai mà không phải trông chờ vào bất kỳ ai nữa. Anh đến nhà ông bà, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc như chính con trai của gia đình. Hai cháu Dũng và Việt Anh cũng vì thế ngày càng yêu thương và quý trọng người “mẹ đỡ đầu” của mình. Có chuyện gì hai anh em cũng đều tâm sự, có khó khăn hay vướng mắc gì đều được anh Thắng tận tình chỉ dạy, bảo ban. Khi được hỏi về những lời dặn dò của “Mẹ đỡ đầu” với anh em mình, vẫn đôi mắt với hàng mi dài đen thẳm nhưng luôn phảng phất nỗi buồn, Lò Việt Anh không hết sự e dè trong câu trả lời dành cho tôi:
- Bố Thắng chỉ nhắn con cố gắng học giỏi rồi hôm nào cho về Sầm Sơn quê bố chơi với mẹ và các em…
Những câu cuối cùng của Việt Anh như gượng lại nơi cổ họng, có cái gì đó đắng chát và u uẩn hơn trong đôi mắt em khiến người đối diện nhói lòng. 
Theo chân Thao Thị Dua, cô gái bản Mông, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pù Nhi lên nhà 4 anh em Hơ Thị Tho, con đường vừa mưa xong nên có phần lầy lội, dốc thẳng và khó đi vô cùng. Nhà bốn anh em nằm trên đỉnh đồi bản Cá Tớp, nên chúng tôi phải đi bộ, có đoạn vì không quen đường tôi buộc phải bỏ cả dép lội chân đất cho có lực ma sát. Như để làm tôi khỏi áp lực vì đoạn đường trước mắt, Dua một tay cầm túi đồ trong đó chứa đủ thứ gia vị nấu nướng, một tay gạt bớt vài cây dại chắn ngang lối đi rồi nói chuyện rôm rả. Trong câu chuyện của người con gái Mông ấy, vẫn là hình ảnh người “mẹ đỡ đầu” mang quân hàm xanh Trịnh Tứ Thắng hiện lên. Nào là hàng tháng anh tự đặt lịch cho mình để xuôi về Pù Nhi lên Cá Tớp thăm anh em Tho. Thấy mọi nhà quanh bản có điện, bốn đứa nhỏ đêm về chỉ đủ soi mặt nhau qua đống lửa sắp tàn ở bếp, anh đã cất công tìm mọi cách để kéo điện về cho bốn anh em. Rồi những lần anh lên sửa lại những chỗ dột, che chắn thêm những tấm liếp cho gió mùa lạnh không thể thổi qua, lo cho ngày mai bốn anh em có ăn đủ no để đi học… Ở quanh ngôi nhà ấy giờ ở đâu vẫn ghi dấu chân anh, vẫn đậm hơi ấm của người “mẹ đỡ đầu”. Nhìn Hơ Thị Tho ngồi lặng im, hướng cái nhìn xuống con đường phía xa như vẫn chờ đợi một phép mầu sẽ đến, tôi khẽ xót xa trong lòng. Cả tôi, Dua và bốn anh em Tho cứ ngồi sít lại gần nhau như vậy. Cũng một câu hỏi như với Lò Việt Anh, nhưng Hơ Thị Tho trả lời tôi có phần dày dặn hơn, sự dày dặn của một đứa bé giờ đây lại đóng vai trò làm mẹ, tất bật lo toan cho cả nhà:
- Giờ cháu chỉ mong có một phép mầu cho bố Thắng sống lại để mỗi ngày cháu lại đứng chờ bố không còn vô vọng nữa. Nếu không được cháu chỉ mong một lần nào đó được xuống nhà bố Thắng thắp cho bố nén hương và thăm mẹ với các em thôi ạ.
Ngày 28 tháng 07 năm 2022, người “mẹ đỡ đầu”, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã đột ngột qua đời khi đi nhận chuyển hàng từ thiện từ phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn để thực hiện chương trình trên huyện Mường Lát. Anh bỏ dở mọi dự định, bỏ dở mọi ước mơ của đàn con trẻ, bỏ vào sâu thẳm trong đôi mắt các con là sự mất mát và nhớ thương, những đôi mắt ấy vẫn hàng ngày, hàng đêm thao thức mong ngóng sự trở về của anh. Dù đã chuẩn bị tâm lý cho mình khá kỹ khi đặt chân lên mảnh đất ghi dấu tên Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, nhưng những cái nấc nghẹn của Hoàng Thị Cam khi bỏ dở câu chuyện vì xúc động không thể kể hết, những cái xót xa phải gói lại để tiếp tục cuộc sống của những đứa con mà anh Thắng nhận đỡ đầu khiến tôi lặng người. Cái lặng người cho sự ngưỡng vọng và cho cả tiếc nuối. 
- Anh Thắng mất là chúng em cũng mất đi một người “mẹ đỡ đầu” đắc lực, người có thể còn nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi nhiều hơn con số hiện tại anh đang nhận. Nhưng để không phụ công anh, hiện nay bên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và bên các đồn biên phòng huyện đã kịp thời đấu mối tìm các nhà hảo tâm, các tập thể tiếp tục đỡ đầu cho các con của anh Thắng, để các em có một tương lai tươi sáng nhất. Và chắc rằng trong một thời gian ngắn nữa thôi mong muốn của các con được trở về Sầm Sơn thắp cho anh Thắng nén hương và thăm gia đình anh sẽ được thực hiện. Em tin dù ở đâu với các con anh Thắng sẽ luôn là người mẹ đỡ đầu tuyệt vời nhất, vẫn là người ru cho các con vào giấc ngủ để những đôi mắt ấy không còn thức nữa chị ạ.
Đó là những lời chia sẻ ngậm ngùi của Hà Thị Nhơn, và tôi tin vào những điều Nhơn nói, đó không chỉ là niềm tin ở tinh thần và còn là niềm tin vào những người phụ nữ luôn có một trái tim nóng như em, để tiếp tục hành trình “Mẹ đỡ đầu” của mình ngày càng có nhiều giá trị cao đẹp hơn nữa.
                

Y.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 118
 Hôm nay: 1522
 Tổng số truy cập: 7437649
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa