Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Tiếng gọi của biển (Bút ký)
Tiếng gọi của biển (Bút ký)

Đã nhiều lần đi công tác, dù lên miền Tây xứ Thanh hay dọc theo bờ biển, ra đảo; lần nào trong tôi cũng dấy lên những cảm xúc khó tả. Tôi thực sự bị cuốn hút trước vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng chốn mây ngàn gió núi, nơi biển cả quanh năm sóng vỗ… Sau mỗi chuyến đi đó, hình ảnh những người lính biên phòng đã in đậm trong tâm trí tôi. Như đã hẹn với lòng mình, lần này tôi trở lại Nghi Sơn để hiểu thêm về những người lính. Giữa cái mênh mang, ầm ào của biển cả, giữa khói bụi và sự ồn ã, náo nhiệt của khu công nghiệp, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn đang lặng thầm cống hiến vì sự bình yên của vùng kinh tế biển, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn là đơn vị đóng quân trên địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, được giao quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển phía Nam thị xã Nghi Sơn với chiều dài 21km đường bờ biển, phụ trách 6 xã, phường với tổng số dân 14.624 hộ/53.726 khẩu, trong đó 535 hộ/2.284 khẩu theo đạo công giáo. Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn được tổ chức thành 15 bộ phận, trong đó có 6 trạm (2 trạm ở xa là Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hòn Mê và Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thanh Hóa). Có thể coi đây là những cánh tay nối dài của Ban Chỉ huy, trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý đường biên giới biển do đơn vị phụ trách. 
Tiếp tôi tại phòng làm việc, Trung tá Trương Ngọc Tùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, một người con của mảnh đất Yên Định, trong màu áo xanh quân phục với nụ cười luôn thường trực trên môi. Mười lăm năm trong nghề cũng là từng ấy năm anh gắn bó với mảnh đất Nghi Sơn nồng nàn hương vị biển. Vì vậy, anh thuộc lòng những con đường ngang dọc nơi đây, hiểu tính cách bộc trực, ăn sóng nói gió của người dân vùng biển. Biển cả rèn luyện cho những người dân nơi đây tính can trường, vượt qua khó khăn, đối mặt với bão tố… Tiếp xúc với anh chưa lâu nhưng tôi cảm nhận được ở con người anh một tình yêu tha thiết với biển. Cái chất mặn mòi hương vị biển cứ thấm ngấm mà làm nên cái hào sảng trong giọng nói của anh khi được tôi hỏi về những khó khăn mà những chiến sĩ biên phòng ở đây đang từng ngày trải qua:
- Vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển với chiều dài 21km đường bờ biển; kiểm soát, giám sát hoạt động xuất nhập cảnh ở cụm cảng biển lớn vừa đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 6 xã, phường phía Nam thị xã Nghi Sơn. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện với những diễn biến phức tạp, đơn vị lại thêm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Việc cũng nhiều mà lực lượng thì mỏng nên đôi khi anh em có phần vất vả đấy nhà báo ạ.
Sự đằm xuống trong cái âm cuối cùng của anh Tùng khiến tôi đồng cảm xen lẫn chút nao lòng về những gian khó và hy sinh của các anh. Dù thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, nhiệm vụ nào cũng quan trọng nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tôi được biết Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn là một trong bốn đơn vị tiêu biểu được tuyên dương tại hội nghị Sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2014-2019) do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tổ chức. Kết quả học tập và làm theo lời Bác đã góp phần tích cực giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Kể từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ liên tục giữ vững Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị 3 năm liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.
Nhấm nháp ngụm nước chè còn ấm nóng, tôi tiếp tục đặt câu hỏi:  
- Để đưa đơn vị trở thành lá cờ tiên phong trong việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chắc các anh có nhiều cách làm hay lắm nhỉ?
Trung tá Trương Ngọc Tùng khẽ nở nụ cười hiền. Chưa vội trả lời câu hỏi của tôi, anh dẫn tôi thăm phòng truyền thống của đơn vị. Những tủ sách được cán bộ, chiến sĩ ở đây sắp xếp, bày trí gọn gàng, ngăn nắp theo từng chủ đề. Tôi ấn tượng nhất với tủ sách được đặt ở vị trí trang trọng nhất với những cuốn sách, những mẩu chuyện… về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Trong việc lãnh đạo thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phát động, đơn vị đã triển khai với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đơn vị đã kết hợp và đa dạng hóa nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách quân nhân, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu cặn kẽ và sâu sắc về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, từ đó trân trọng, tự hào, giữ gìn và phát huy mạnh mẽ. Hằng năm, đơn vị tổ chức cho các tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, quần chúng xây dựng kế hoạch hành động làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với chức trách nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế tại địa bàn, đơn vị, đồng thời duy trì việc học tập và làm theo trở thành nhiệm vụ, công việc thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Đánh giá, phân loại cán bộ, cấp ủy, chi bộ hằng năm theo các tiêu chuẩn cụ thể, đề cao những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả và công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến ở đơn vị... Trên cơ sở đó, tích cực đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xứng đáng là đội quân chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong thời kỳ mới.
Đối với Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn nếu như công tác tuần tra vũ trang, kiểm soát hành chính, quản lý xuất nhập cảnh là cơ bản thì công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân là mũi nhọn. Trung tá Trương Ngọc Tùng và các chiến sĩ trong đơn vị luôn tâm niệm rằng tất cả những việc mình làm, trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tổ quốc đều xuất phát từ cuộc sống của nhân dân. Lấy dân làm gốc, phát triển đời sống cho nhân dân, làm tốt công tác dân vận, tạo được lòng tin tuyệt đối của nhân dân là yếu tố quan trọng để bộ đội biên phòng hoàn thành nhiệm vụ. 
  Sinh thời Bác Hồ từng dạy: “Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được”, những năm qua, việc tổ chức nhân dân, nhất là ngư dân đang hoạt động, sinh sống trên biển, đảo thành các “cột mốc sống”, tạo nên “bức tường nhân dân” trên các khu vực biển, đảo được Ban Chỉ huy quan tâm, chú trọng. Theo đó, cùng với việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp Quốc tế,… về chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển, xây dựng tinh thần, trách nhiệm, ý thức, tự tôn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho nhân dân, Ban Chỉ huy còn chú trọng tổ chức, xây dựng họ thành lực lượng tin cậy để tham gia thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Bằng việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” trong tình hình mới. Đơn vị đã xây dựng được tổng số 136 “Tổ tự quản an ninh trật tự” và 45 “Tổ tàu thuyền an toàn”. Thông qua hoạt động của các tổ, địa phương và lực lượng chức năng đã được nhân dân thường xuyên cung cấp thông tin giúp nắm chắc tình hình âm mưu, ý đồ, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm xâm phạm chủ quyền an ninh biên giới; nâng cao nhận thức cho nhân dân về việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ an toàn địa bàn và các mục tiêu; đặc biệt là ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng sử dụng chất nổ, xung kích điện để khai thác hải sản trái phép và bảo vệ hành lang an toàn cho các công trình biển của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Phối hợp ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền được 18 buổi/1336 người nghe. 
Cũng như các đơn vị biên phòng khác, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn đã triển khai thực hiện những mô hình, việc làm hết sức nhân văn, ý nghĩa. Thực hiện “Nâng bước em đến trường”, đơn vị đã đỡ đầu 06 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, hàng tháng hỗ trợ 500.000 đồng/cháu; nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm đơn vị tổ chức tặng quà cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn trị giá 30.000.000 đồng. Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 80 lượt người, cấp phát thuốc miễn phí trị giá 5 triệu đồng. 

Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đi thực tế tại cảng Nghi Sơn                   Ảnh: Liên Nam


Những tia nắng vàng ươm tinh nghịch nhảy nhót trên những khóm hoa thược dược khoe sắc hương trong gió. Để thay đổi không khí, Phó Chỉ huy trưởng Trương Ngọc Tùng dẫn tôi đi dạo một vòng quanh đơn vị. Gần chục năm trước lần đầu tiên đến thăm đơn vị khi đó là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, đồng chí Lê Thanh Nha là Đồn trưởng, tôi - một cô nhà báo mới vào nghề với sự trẻ trung, nhiệt huyết luôn khát khao được đặt chân đến những vùng đất của quê hương. Và hình ảnh những người lính trang nghiêm trong bộ quân phục luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với tôi. Lần đầu đặt chân đến đơn vị tôi có cảm giác mình như lạc vào một miệt vườn Nam Bộ với đủ các loại cây ăn quả. Cây nào cũng sai trĩu quả ngọt, những chùm nhãn chín lúc lỉu, những trái bưởi vàng ươm lúc lắc cành chạm đất… Lần này trở lại thăm đơn vị không còn những hàng nhãn đung đưa mời gọi, vị đồn trưởng Lê Thanh Nha hiền lành, dí dỏm cũng đã nghỉ hưu… So với cách đây chục năm, khuôn viên của đơn vị giờ đây đã được đầu tư xây dựng, chỉnh trang khang trang, sạch đẹp. Sau những ngày lênh đênh trên biển, các cán bộ, chiến sĩ lại mang tâm huyết, sức lực xây dựng môi trường quân đội. Khuôn viên của đơn vị được các anh bố trí khoa học, đẹp mắt. Học tập và làm theo nếp sống cần, kiệm, tinh thần tự lực, tự cường của Bác, đơn vị luôn trăn trở, nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, góp phần nâng cao bữa ăn hằng ngày cho bộ đội. Hiện nay, đàn lợn của đơn vị luôn có tới vài chục con, hàng trăm con gà, vịt… các loại. Ngoài ra, đơn vị còn tận dụng mặt nước sẵn có để nuôi cá, nuôi ếch thương phẩm. Hàng năm thu hoạch rau củ quả, thịt các loại trên chục tấn…
Trời đã ngả sang chiều, các chiến sĩ trong đơn vị đưa chúng tôi xuống thăm một số trạm biên phòng và cảng biển trên địa bàn. Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn là trạm đầu tiên chúng tôi đến thăm. Lúc này ở trạm chỉ có đồng chí Trạm trưởng cùng một vài chiến sĩ biên phòng túc trực, còn các chiến sĩ khác đang làm nhiệm vụ ở các cảng biển. Sau một hồi trò truyện cởi mở, thân tình, Trạm trưởng Hoàng Văn Minh dẫn chúng tôi đến cảng tổng hợp Long Sơn. Không khí ở cảng tổng hợp Long Sơn thật sầm uất và náo nhiệt. Hoạt động tàu thuyền ra vào tấp nập, tiếng động cơ vang rền hòa lẫn trong tiếng sóng, tiếng gió biển và những con tàu có trọng tải lớn đang nằm chờ bốc xếp hàng hóa để rẽ sóng ra khơi, tiếng người gọi nhau í ới vang động khắp bến cảng. Cái nắng, cái gió Lào bỏng rát quyện với hương vị nồng nồng, mặn mòi của biển khiến làn da của những người lính biên phòng như sạm dần, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng các anh vẫn hăng say thực hiện nhiệm vụ của mình. Trung tá Hoàng Văn Minh chia sẻ cho tôi nghe về công việc, nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ ở đây. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý cửa khẩu, các anh luôn cố gắng làm tốt công tác xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp, xong vẫn đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ và đúng quy định của pháp luật. Các anh cương quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.
Tôi hiểu thêm về nỗi vất vả của cán bộ, chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ ở các cảng biển. Đặc biệt, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện với những diễn biến phức tạp, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn lại căng mình trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thành lập 8 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có 5 chốt trên bờ và 3 chốt dưới biển. Năm 2021, đơn vị đã phối hợp làm thủ tục xuất nhập cảnh cho hơn 800 phương tiện trong và ngoài nước với hơn 12.000 thuyền viên bảo đảm an toàn, đúng quy định, đưa đi cách ly 189 thuyền viên trên các tàu nước ngoài do hết hạn hợp đồng phải thay đổi lao động. Đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh để hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đến nay, 100% doanh nghiệp, đại lý hoạt động xuất nhập cảnh đều thực hiện khai báo, giải quyết thủ tục biên phòng điện tử. Cùng với quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cảng biển, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới biển”.
Rời cảng tổng hợp Long Sơn ồn ã, náo nhiệt, chúng tôi đến thăm Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Biện Sơn. Trạm nằm sát bên vụng biển Nghi Sơn nên thơ. Giữa mênh mang màu sóng nước, màu trời biếc xanh, chấm phá những con thuyền nối đuôi nhau… Nhìn từ xa vụng Nghi Sơn như một bức tranh sơn mài với đủ sắc màu huyền ảo, cuốn hút vô cùng. Phong cảnh thiên nhiên chốn này mang vẻ đẹp hoang sơ, trong lành. Một chút thư thái của thiên nhiên, một chút thư thái của khí trời, chút vị mặn của biển cả… khiến lòng người khoan khoái, dễ chịu.
Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Biện Sơn (trước là Trạm kiểm soát đảo Nghi Sơn thuộc Đồn 82 Công an nhân dân vũ trang tỉnh Thanh Hóa) được phong tặng Anh hùng vào ngày 06 tháng 11 năm 1978. Trạm có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các phương tiện nghề cá xuất nhập bến, các phương tiện cảng chuyên dùng Nhà máy xi măng Nghi Sơn.
- Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, công việc nhiều, vậy mà bao năm qua vẫn phát huy được tinh thần đơn vị Anh hùng. Chắc các anh phải có bí quyết thượng thừa? Tôi hỏi Trạm trưởng Trung tá Ngô Quang Hòa.
Câu trả lời là dựa vào dân là chính, bởi như Bác Hồ có câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhân dân chính là lực lượng thực thi chủ quyền trên biển, là “tai mắt” cho bộ đội biên phòng. Giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc là của toàn dân, không chỉ của riêng bộ đội biên phòng. Trên địa bàn trạm quản lý có đến hơn chục “Tổ tàu thuyền tự quản”. Đây là mô hình đặc biệt quan trọng, không những hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt xa bờ, là chủ nhân khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, mà còn là hệ thống “đài quan sát” rộng khắp, nhanh chóng cung cấp mọi thông tin trên biển cho lực lượng chức năng kịp thời xử lý. 
Biển hiền hòa, nên thơ nhưng đó chỉ là khi trời yên bể lặng. Còn mỗi khi bão đến biển cuồn cuộn sóng gió, gầm thét, hung dữ như muốn nuốt chửng, như muốn cuốn trôi tất cả. Mùa bão là lúc bộ đội biên phòng biển vất vả nhất. Trước khi bão đến, đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm đếm tàu thuyền, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, các anh còn phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên vùng biển mình phụ trách để không cho bất cứ tàu thuyền, ngư dân nuôi trồng thủy hải sản nào còn ở trên biển. Trên địa bàn Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Biện Sơn quản lý có đến 60 hộ nuôi cá lồng với 1559 ô lồng với đủ các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá giò,… Có nhiều trường hợp khi gặp bão, ngư dân nấn ná không chịu di dời, nhất quyết ở lại trên biển để bảo toàn tài sản mà cả đời họ dành dụm, gom góp mãi mới có được. Những người lính biên phòng phải cố gắng vận động, thuyết phục ngư dân, thậm chí phải cưỡng chế để họ đi tránh trú về nơi an toàn. Những con tàu của ngư dân bị hỏng máy, các anh phải cứu hộ, phải lai dắt vào nơi trú ẩn an toàn. Các anh làm hoa tiêu dẫn đường cho tàu thuyền đi vào đúng luồng lạch, nhất là các tàu ở vùng khác đến. Đi sai luồng, tàu sẽ mắc cạn, hoặc sẽ đi vào khu nuôi trồng thủy hải sản làm hư hại tài sản của ngư dân. Sự có mặt của các anh không chỉ khẳng định chủ quyền thiêng liêng mà còn là niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho nhân dân. Những việc làm giúp dân, vì dân của các anh đã góp phần tô thắm hình ảnh người lính Cụ Hồ trong lòng nhân dân, từ đó góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ gắn bó “quân với dân như cá với nước”.  
Nghi Sơn về đêm trở nên yên bình đến lạ, chỉ còn tiếng sóng biển vỗ êm đềm. Màn đêm buông xuống, ánh trăng lung linh, huyền ảo, những con thuyền ngoài khơi xa như đang bay giữa không gian trong một đêm thủy tinh tuyệt đẹp. Đứng trước biển, trong tôi lại miên man suy nghĩ về những người lính biên phòng. Mỗi tấc đất, sải biển nơi đây đều mang đậm dấu ấn của những người lính Cụ Hồ. Làm theo lời dạy của Bác: “Ngày trước ta có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn luôn can trường, chắc tay súng canh giữ chủ quyền vùng biển thiêng của Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, biển lặng hay bão tố. Tiếng gọi của biển, tiếng gọi của tình yêu,… âm vang lời dạy của Bác là lời hiệu triệu, giục giã để mỗi người lính quân hàm xanh không chùn bước trước mọi khó khăn, hiểm nguy để viết nên khúc hoan ca thời bình.
                

Q.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 128
 Hôm nay: 5946
 Tổng số truy cập: 7451078
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa