Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   “Cánh chim” không mỏi (Bút ký)
“Cánh chim” không mỏi (Bút ký)

Tổ quốc ghi nhận công lao to lớn của ông với những vinh danh vô giá: Huy chương kháng chiến hạng nhất, Huy chương chiến sỹ vẻ vang, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp văn hóa, Huy chương đường 559... Hơn 70 năm làm nghề, ông được đồng nghiệp và  công chúng ghi nhận qua các ca khúc nổi tiếng như: Xe anh lại đi (1968), Khi tiếng khèn ngân vang (1985), Dòng sông quê hương (1986), Hương quế Thường Xuân (1990)... Đó là tất cả những gì tôi biết về ông - Nhạc sỹ Văn Hòe, người nhạc sỹ được coi như cánh chim đầu đàn trong ngành Âm nhạc Thanh Hóa.
“Nốt nhạc” của quá khứ 
Vào một buổi sáng tháng 5, tôi tìm về số nhà 48, ngõ Đặng Tất, đường Lê Lai, nhà nhạc sỹ Văn Hòe - Trưởng đoàn văn nghệ sĩ xứ Thanh phục vụ kháng chiến. Con ngõ nhỏ vào nhà ông mang đến cho tôi cảm giác bình yên đến lạ, những bức tường rêu phong, cổ kính như chứng kiến bước đi của thời gian. Nhạc sỹ Văn Hòe với khuôn mặt phúc hậu và giọng nói ấm áp đón tôi vào nhà. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, mái tóc và đôi lông mày của ông đã ngả màu trắng như cước nhưng trông ông vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe khoắn lắm. Phòng khách giản dị và được bố trí rất gọn gàng, ngăn nắp, có bộ bàn ghế sofa để tiếp khách và 1 chiếc bàn nhỏ được đặt ngay cạnh, nơi ông làm việc mỗi ngày. Thấy tôi chăm chú nhìn vào bức ảnh được treo ở vị trí trang trọng nhất phòng khách, ông kể bức ảnh này chụp khi ông 90 tuổi và 4 câu thơ trong bức ảnh là anh trai Lê Văn Hợp viết tặng ông "Chín chục xuân thu những dặm trường/ Chiến chinh hai cuộc trải phong sương/ Tay đan tay bút luôn lưu luyến/ Nghĩa nước tình nhà mãi vấn vương". Những câu thơ ấy khiến tôi vô cùng xúc động và khâm phục trước một người nghệ sĩ với 95 năm tuổi đời và 75 năm tuổi Đảng cùng những đóng góp không mệt mỏi cho quê hương, đất nước. 
Nhạc sỹ Lê Văn Hòe, sinh năm 1929 ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (nay là phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn). Vùng quê nghèo ven biển đầy nắng và gió. Sinh ra trong một gia đình Nho học nghèo. Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Lê Văn Hòe đã kế thừa truyền thống ham học của cha ông. Năm 1945, khi cuộc đại chiến lần 2 diễn ra với tiếng gọi của Tổ quốc anh tham gia vào quân đội làm liên lạc viên cho Mặt trận Việt Minh. Năm 1959 được đưa về Thanh Hóa làm Trưởng đoàn kiêm Chỉ đạo ca múa Thanh Hóa đầu tiên, trong những năm kháng chiến, anh đưa đoàn đi nhiều chuyến lưu diễn từ Bắc vào Nam phục vụ bộ đội. Trong cuộc kháng chiến lấy "Tiếng hát át tiếng bom", "Tiếng loa hòa tiếng súng". Đời người nghệ sĩ, cứ nơi nào Tổ quốc cần là tới. Anh đưa đoàn vào chiến trường, đi khắp nẻo đường Trường Sơn, đem tình cảm, niềm tin chiến thắng của các văn nghệ sĩ gửi gắm qua từng lời ca, tiếng hát đến với các chiến sĩ và nhân dân nơi trận tuyến. Đúng với câu nói của Hồ Chí Minh "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Đã góp thêm sức mạnh tinh thần không thể nào đo đếm được cho cuộc chiến đấu của quân dân ta đến ngày toàn thắng. 
Năm 1965, nước ta mở con đường sang Lào dài 80 kilomet, khi đó anh làm Toán trưởng đưa đoàn 7 người sang phục vụ cho kháng chiến trong vòng 3 tháng. Tới nơi cả đoàn được đưa vào hang ở, trước cửa hang bày la liệt quan tài của những chiến sĩ đã hy sinh, những con rắn xanh, đầu đỏ bao quanh khiến các văn nghệ sĩ vô cùng sợ hãi. Với vai trò là người thầy, người anh đã động viên, tiếp thêm sức mạnh cho học trò của mình vững tin, anh nói "Thầy và các em sang nước bạn là đại diện cho văn hóa, ý chí con người Việt Nam, không cho phép buồn chán, Tổ quốc cần là ta đi, đó chính là sứ mệnh của người nghệ sĩ...". Từ chiến trường ác liệt chúng tôi cứ đi giữa những người lính quên mình ấy, vừa nắm lấy tay họ vừa hát. Chiến trường càng ác liệt, lời ca tiếng hát của chúng tôi càng vang lên mạnh mẽ. Kể cho tôi nghe mà đôi mắt ông ngân ngấn lệ. Ông chậm rãi nhấm nháp ngụm nước chè, nói tiếp để tôi hát cho cô nghe bài ca "Vẳng tiếng mẹ ru" được tôi sáng tác khi ở trong Trường Sơn: Con của mẹ không về đã yên nằm bên đỉnh cao chóp núi/ Mây trắng vờn bay thay làn nhang khói/ Ánh sao trời như ngọn nến lung linh/ Con hiến tuổi thanh xuân giữ bình yên non sông đất nước/ .../ Con nằm lại nơi đây hồn hòa vào cỏ cây, sông núi/ Nỗi nhớ không nguôi lời mẹ ru vẫn đợi.
Thông thường các ca khúc sáng tác hát về liệt sĩ nơi tiền tuyến là để người còn sống hát về người đã hy sinh. Năm tháng làm Trưởng đoàn văn công du kích Trường Sơn, được ở cạnh những chiến sỹ sắp rời xa cõi đời, ông thường hỏi họ đang nghĩ gì? và nhớ tới ai? Họ đều nhớ về gia đình, nhớ về lời ru của người mẹ. Câu trả lời đó khiến ông như bị "ám ảnh", từ sâu bên trong trái tim người nghệ sỹ thôi thúc ông phải sáng tác. Nét giai điệu trầm lắng, tha thiết, bài ca thuyết phục người nghe từ sự xúc động chân thành. Ca từ giản dị, mộc mạc như chính con người tác giả vậy. 
Để thay đổi không khí cuộc trò chuyện, ông đưa tôi ra thăm vườn cây sau nhà. Giữa cái nắng chói chang của ngày hè, một màu xanh mướt mát của cây cối như làm dịu đi tất cả. Cây bưởi được trồng lâu năm thân xù xì, điểm xuyết vài mảng mốc trắng, thoang thoảng hoa bưởi khiến căn nhà ông như được ướp hương thơm. Dường như đã thành thói quen, mỗi sáng thức dậy hoặc sau thời gian sáng tác nhạc ông lại ra vườn với dao kéo, cắt tỉa cây cối. Cái công việc tưởng chừng như đơn giản ấy lại là niềm đam mê, đầu óc ông được thư giãn sau mỗi giờ làm việc căng thẳng. Vườn cây đầy ắp những kỷ niệm, gợi nỗi nhớ về người vợ tảo tần của ông. Dẫu biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của đời người nhưng mỗi khi nhắc về người vợ hiền, trong lòng ông vẫn dấy lên niềm thương xót. Năm1949, ông xây dựng gia đình với bà Lê Thị Nhạn, ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ ông bà đã thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Khi nên vợ nên chồng, cả hai không có gì ngoài tình yêu thương nhau chân thành. Ông thường xuyên phải đi công tác, nên vợ thay chồng, vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi dạy, bảo ban các con. Giờ đây ông chính là cây đại thụ của gia đình, nhìn 5 người con đã thành đạt; các cháu, các chắt... đã khôn lớn ông rất vui. Các con của ông mỗi người một ngành nghề khác nhau, không ai theo con đường nghệ thuật như ông, nhưng ông luôn dạy dỗ các con: "Làm công việc gì cũng được miễn sao các con phải có đam mê, sống và làm việc phải đặt cái tình lên trên hết, không bon chen, tranh đấu. Nhưng đã học là phải tìm tòi, học hỏi cho đến nơi, đến chốn, nghiêm cấm việc học nửa vời, không tìm ra gốc rễ của vấn đề". Khi được biết ông sống một mình khiến tôi không khỏi bất ngờ, vì nghĩ rằng tuổi ông đã cao cần có người bên cạnh chăm sóc. Ông cười và chia sẻ: "Trong đời sống hàng ngày tôi ăn uống rất thanh đạm, ở với các con ăn uống không hợp khẩu vị. Tối đến không ngủ được là tôi dậy làm việc, sáng tác nhạc. Việc gì có thể tôi đều tự làm, không nhờ con cháu giúp, còn khỏe là còn phải làm việc. Con cháu ở gần đây ngày nào cũng vào thăm tôi". Có sâu sắc trong tư tưởng, có trong sáng nơi tâm hồn, có trong sạch đạo đức, lại có trải nghiệm phong phú trong đời sống, trong đấu tranh cách mạng thì mới có được lối sống giản dị và thanh tao đến như vậy. Với giọng điệu vui vẻ, phấn khởi, ông nói với tôi tháng 10 năm nay đại gia đình sẽ tổ chức chúc thọ cho ông cùng người anh trai và người em trai của ông là Lê Văn Hợp (97 tuổi), Lê Văn Hảo (91 tuổi). Ở cái tuổi này điều ông thích nhất là cảnh gia đình sum vầy bên nhau cùng trò chuyện, hàn huyên.
“Cánh chim” không mỏi!
Nhạc sỹ Văn Hòe là người duy nhất còn sống trong số những hội viên khóa đầu tiên của Hội VHNT Thanh Hóa. Ông từng giữ chức vụ là Phó Chủ tịch Hội khóa III. Còn nhớ Đại hội lần thứ nhất diễn ra vào ngày 27-06-1947 với sự tham gia của 92 hội viên thuộc các ban chuyên ngành. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, trong điều kiện còn nhiều khó khăn song ông cùng với các hội viên khác đã cùng nhau nỗ lực, cố gắng tạo nên một vùng văn học nghệ thuật có đặc trưng, sắc thái riêng lại vừa góp phần vào sự phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa, văn nghệ nước nhà. Chính bằng tâm huyết, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm trong công việc nhạc sỹ Văn Hòe đã trao truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ tiếp nối để giờ đây có các học trò đã thành danh như: NSND Hoàng Hải, nhạc sỹ Thanh Nhung, nghệ sỹ Uyên Phi,... được thấm nhuần tư tưởng của người thầy, đem hết sức lực của mình cống hiến cho nền âm nhạc Thanh Hóa nói riêng, cho đất nước Việt Nam nói chung.
Nhạc sỹ Đỗ Hoài Nam - Trưởng ban Âm nhạc Hội VHNT Thanh Hóa đã từng nói với tôi: "Bác Hòe là người có rất nhiều cống hiến về âm nhạc dân gian xứ Thanh, lấy vốn dân gian làm hồn cốt để sáng tác. Con người bác sống rất gần gũi, mộc mạc, giản dị và luôn luôn trăn trở với mong muốn được truyền lại vốn liếng âm nhạc cho thế hệ sau. Đó là điều mà những nhạc sỹ như chúng tôi rất trân quý". Tôi hiểu được sự cảm kích lẫn khâm phục của nhạc sỹ Đỗ Hoài Nam đối với bậc "tiền bối" của mình và anh Nam chia sẻ Ban Chấp hành ban Âm nhạc khóa X, năm 2022-2027 đã có kế hoạch, dự định mời bác Hòe truyền đạt lại âm nhạc dân gian cho thế hệ sau qua những buổi nói chuyện, trao đổi về công trình mà bác đã dày công nghiên cứu, sưu tầm. 
Khi về nghỉ hưu theo chế độ, nhạc sỹ Văn Hòe trở về với cuộc sống đời thường nhưng không hề ngơi nghỉ, ông tập trung hiệu đính lại các độc bản và dị bản ký âm vô số những giai điệu cũ, các mô tả sinh hoạt múa hát còn thấp thoáng nơi này nơi kia, để biên soạn thành những tổng phổ dầy dặn cho thấy các sinh hoạt ấy vốn không giản đơn và quá mộc mạc; xác định các trình thức biểu diễn, phân định vai trò các nhạc cụ. Đặc biệt là trong cuốn sách “Âm nhạc dân gian Thanh Hóa” (Nxb Thanh Hóa, 2015) ông đã dành hết công sức và tâm huyết nghiên cứu cơ cấu khúc thức rành rọt của hò - một hình thức hát ca tập thể cơ bản phác nên chân dung tình cảm người Thanh Hóa. 
Đặc biệt ông rất mê và chuyên tâm tìm hiểu hò sông Mã. Xứ Thanh phong phú và đa dạng hệ thống giao thông đường thủy. Chính điều kiện địa lý ấy đã xuất hiện rất nhiều con đò dọc chuyên chở hành khách và lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền trong tỉnh. Từ những con đò dọc ấy thì tiếng hò xuất hiện. Ông giải thích cho tôi, nếu hò sông Hương là chèo để hò thì hò đò dọc sông Mã là hò để chèo. Nghĩa là để thay đổi cách chèo chống thì phải thay đổi điệu hò. Chẳng hạn, đang chèo xuôi nhịp chèo khoan thai, ngắn gọn, hoặc gặp đoạn sông nước chảy xuôi rất xiết mà con thuyền lại phải lên ngược dòng không thể dùng chèo được trai đò phải dùng sào để chống ngược... thì người chỉ huy phải hò chống sào. Thường xuyên thay đổi cách chèo, khiến hò sông Mã được chia thành nhiều loại, như: Hò rời bến, hò nhịp đôi, hò đường trường, hò làn ai, hò làn văn,...
Đi nhiều nơi là thế nhưng điểm hội tụ quay về nơi gốc rễ sinh ra mình bao giờ cũng chộn rộn, thao thức trong trái tim ông. Vì tự hào mình là người Thanh Hóa, ông dành hầu hết 100 ca khúc của mình để viết về quê hương. Bác Hồ từng nói: “Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng/ Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên”. Vùng  đất địa linh, nhân kiệt với những giá trị lịch sử, văn hóa trải qua hàng nghìn năm đã góp phần hình thành tạo nên bản lĩnh, khí phách con người Thanh Hóa anh hùng, vượt lên gian khó để chiến thắng thiên tai và các thế lực thù địch nhưng thấm đẫm tính nhân văn và đức hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích và sự trường tồn của non sông, gấm vóc. Chính vì thế mà ông một đời sống liêm khiết, làm việc mà không màng vật chất. Âm nhạc là nguồn sống, là điệu tâm hồn, khi sáng tác được một câu hát, một điệu nhạc, con người bỗng trẻ trung hơn.
- Mọi người thường hay so sánh âm nhạc hiện nay với âm nhạc trong thời chiến, ông nghĩ thế nào về sự so sánh này?
- Tôi quan niệm, âm nhạc là nghệ thuật động, tiết tấu của âm nhạc là tiết tấu của đời sống. Vì thế, ở từng giai đoạn của đời sống, tiết tấu của âm nhạc cũng có sự thay đổi. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, hòa nhập với cả thế giới, con người cũng phải sống gấp, sống vội vàng, vì thế tiết tấu âm nhạc hiện nay nhanh, mạnh. Âm nhạc hiện nay thiên về giải trí. Về nhạc xưa, khi con người sống trong thời kỳ nghèo đói, chiến tranh nên tiết tấu chậm rãi, ca từ dung dị, đơn giản mà sâu lắng, người nghe như cảm nhận được chính mình trong giai điệu bài hát. Vì vậy không thể đem ra so sánh được, với vai trò của người nhạc sỹ thì hãy nghĩ làm thế nào để tiếp tục cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Chia tay nhạc sỹ Văn Hòe, trong tôi lâng lâng những cảm xúc bịn rịn, lưu luyến. Những làn điệu hò tha thiết trữ tình như vẫn còn văng vẳng đâu đây bên tai tôi. Được gặp ông, được nghe ông kể về cuộc đời, sự nghiệp và phương châm sống khiến tôi thuộc thế hệ trẻ sau này vô cùng cảm phục. Ông không ngại hiểm nguy, gian khó. Tư tưởng của người lính văn nghệ luôn hướng về nhiệm vụ phục vụ tiền tuyến, phục vụ nhân dân đã găm vào con người ông. Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cái cách ông hăng say làm việc, cái cách ông tận tình chỉ bảo, truyền dạy, thắp lửa cho học trò tình yêu với âm nhạc càng cho thấy được sức lao động dẻo dai và tấm lòng, tâm huyết của ông với nghệ thuật. Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhạc sỹ Văn Hòe vẫn ngày đêm lặng lẽ âm thầm lao động sáng tạo, cống hiến, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam.
              

 L.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 7767
 Tổng số truy cập: 7452899
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa