Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   “Bông hồng thép” xứ Thanh và ký ức đẹp về Bác Hồ (Bút ký)
“Bông hồng thép” xứ Thanh và ký ức đẹp về Bác Hồ (Bút ký)

Vào một chiều cuối năm, tôi tìm về căn nhà số 310 Trường Thi, nằm nép mình bình yên giữa phố xá ồn ã, gặp nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển - người đã đi vào lịch sử như một huyền thoại với câu chuyện vác 2 hòm đạn nặng 98 kg để tiếp tế cho trận địa trong cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ để bảo vệ "tọa độ lửa" Hàm Rồng - Nam Ngạn, đặc biệt bà đã vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ, được tặng Huy hiệu của Người. Những ký ức đẹp về Bác luôn vẹn nguyên, tươi rói trong tim bà, nhắc nhở bà làm theo lời dạy của Bác, hết lòng phục vụ nhân dân.
Tôi chỉ mới biết đến nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển qua những trang báo và phóng sự truyền hình, với tấm lòng cảm phục. Và mãi đến bây giờ tôi mới có dịp quan sát trực tiếp dung nhan người từng được mệnh danh là “nữ anh hùng tải đạn”, “nữ dân quân khỏe nhất Việt Nam”. Người phụ nữ có tầm thước khiêm tốn, mái tóc đã ngả màu muối tiêu, nước da ngăm ngăm, trên khuôn mặt chữ điền đã xô nhiều nếp nhăn nhưng từ ánh mắt đến nụ cười vẫn toát lên vẻ cương nghị, thân thiện của một nữ anh hùng xứ Thanh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện nữ dân quân Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển (đội mũ) tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua Toàn quốc lần thứ IV  (Ảnh tư liệu)


Căn phòng giản dị của nữ dân quân Nam Ngạn năm nào vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ một thời. Thấy tôi chăm chú ngắm nhìn những bức ảnh bà chụp từ khi còn trẻ cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà kể như "chú thích" cho những kỷ niệm vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức: "Bức ảnh chụp với Bác Hồ là lần đầu tiên tôi gặp Bác trong Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội". Bức ảnh quý ấy được bà treo trang trọng ở ngay chính giữa phòng khách. Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời bà là 3 lần được gặp Bác Hồ. Những lần được gặp Bác và những lời căn dặn của Người là kỷ niệm đẹp nhất và đáng tự hào nhất trong cuộc đời bà. 
Nhấp ngụm nước chè phảng phất hương ổi, giọng bà chậm rãi đưa tôi trở về ký ức khó quên khi bà được gặp Bác Hồ. Sau trận đấu ác liệt với không quân Mỹ diễn ra ngày 25-6-1965, nữ dân quân làng Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Kết nạp Đảng ít ngày, cô gái trẻ vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ. Với những thành tích xuất sắc trong suốt quá trình chiến đấu và phục vụ cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ để bảo vệ "tọa độ lửa" Hàm Rồng - Nam Ngạn, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển đã đại diện cho cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội diễn ra cuối năm 1966. Cũng tại Đại hội này, Ngô Thị Tuyển đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là lần đầu tiên cô dân quân Ngô Thị Tuyển được gặp Bác Hồ và cũng là lần gặp để lại trong trái tim cô gái trẻ nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Không chỉ được đón Bác tới dự Đại hội, nữ dân quân còn được ưu tiên ngồi cạnh Bác lúc Đại hội giải lao, được Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, chuyện gia đình, chuyện của dân quân tự vệ Nam Ngạn… Cho đến bây giờ, trong lòng bà vẫn lâng lâng niềm hạnh phúc xen lẫn cảm giác hồi hộp khó tả. 
- Đã được nghe kể về Bác nhiều nhưng cảm xúc lần đầu tiên được gặp Bác Hồ thì không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được. Hình ảnh Bác lúc ấy vừa giản dị, vừa ân cần, trìu mến qua từng cử chỉ, lời nói. Được gặp Bác, được Bác quan tâm, hỏi thăm, động viên là niềm vinh dự và cũng là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi - Bà Tuyển bộc bạch.
Hình ảnh vị cha già của dân tộc đọng mãi trong trái tim nữ anh hùng xứ Thanh. Bà bồi hồi nhớ lại: Giữa tiết trời rét căm căm mà Bác Hồ vẫn chỉ mặc bộ kaki giản dị. Thấy vậy, tôi phân vân hỏi: “Bác ơi, Bác mặc vậy không bị lạnh ạ?”. Bác cười trìu mến, giọng ấm áp: “Bác có mặc áo len bên trong nên không rét”. Bác hỏi lại tôi: “Cháu Tuyển học lớp mấy?”. Lúc này tôi tỏ ra luống cuống. Thấy thế, bác Phạm Văn Đồng đỡ lời: “Thưa Bác, cháu Tuyển chưa được đi học. Bây giờ mới được cử đi học trường Văn hóa Trung ương ạ”. Biết thông tin tôi chưa được đi học, nét mặt Bác thoáng buồn.
- Lần đầu tiên được gặp Bác, điều gì khiến bà nhớ nhất?
Giọng xúc động xen lẫn hạnh phúc, bà Tuyển chia sẻ: Tôi nhớ nhất là sau khi Đại hội bế mạc, tôi cùng mọi người được đến Văn phòng Chủ tịch nước. Khi mọi người quây quần quanh Bác, Bác chia kẹo, rồi ân cần hỏi chuyện. Bác nhìn một lượt tất cả các cán bộ, chiến sỹ rồi hỏi: “Cháu nào biết Hai chớ, Hai nên là gì nào?”. Mọi người chưa kịp suy nghĩ thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi cạnh tôi, nói: "Thưa Bác có cháu Ngô Thị Tuyển trả lời ạ". Mặc dù khá bất ngờ, nhưng không hiểu sao khi ấy tôi rất tự tin trả lời Bác: “Thưa Bác, Hai chớ là chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng; Hai nên là nên khiêm tốn học tập, nên gần gũi quần chúng”. Bác khen: “Cháu Tuyển nói đúng rồi”. Rồi Bác dặn: "Các cô, các chú phải làm được Hai chớ, Hai nên như cháu Tuyển vừa trả lời. Các cô, các chú có làm được không?”. Mọi người lúc đó cùng đồng thanh: “Thưa Bác, cháu làm được ạ!”. Không khí cuộc gặp gỡ thật ấm cúng lạ thường.
Ở độ tuổi 75 có những chuyện nhớ nhớ, quên quên nhưng duy cái cảm xúc những lần được gặp Bác Hồ là vẫn còn vẹn nguyên tươi rói. Khác với lần đầu tiên gặp Bác, lần gặp gỡ tiếp theo trong hoàn cảnh thật đặc biệt, để lại nhiều cung bậc cảm xúc đối với nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển. Năm 1969 bà bị ốm và được điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội. Nhưng bản thân bà vô cùng bất ngờ khi được đón đi đo quần áo và đưa về nhà khách Bộ Quốc phòng cùng một số cán bộ cấp cao. Đến đây, bà mới biết mình là một trong số ít người được gặp Bác lúc Bác ốm nặng. Lần này được gặp Bác, bà vừa mừng lại vừa lo vì thấy sức khỏe Bác đã yếu đi nhiều so với trước. Trong thời gian túc trực bên Bác, bà cùng mọi người được lắng nghe từng hơi thở của Bác và thường xuyên được thông báo tình hình sức khỏe của Bác. Trên khuôn mặt ai nấy đều hiện hữu sự bồn chồn, lo lắng. Lần thứ hai gặp Bác đã để lại trong lòng bà Ngô Thị Tuyển những kỷ niệm khó quên.
Lần cuối cùng nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển được nhìn thấy Bác, đó là giây phút lâm chung, Bác về với cõi người hiền. Đôi mắt rưng rưng, giọng bà run run: Sau khi nghe tin Bác đã ra đi, những người túc trực bên Bác đã òa khóc. Ngay lập tức, chúng tôi được Tổng cục Chính trị làm công tác tư tưởng, quán triệt rằng các đồng chí phải cố gắng nén đau thương thành hành động, kiềm chế cảm xúc, không được khóc. Sau đó, chúng tôi nhận nhiệm vụ túc trực bên linh cữu Bác trong ngày đại tang của dân tộc. Mỗi ca trực có 4 người, mặc trang phục quân đội và chỉ trực 15 phút để ca khác vào thay thế. Trong khi làm nhiệm vụ, tôi tự động viên bản thân mình phải thật bản lĩnh, cố nén nỗi đau lại trong tim. Nhưng quả thực tôi thực sự chỉ chịu đựng được 15 phút... Sau đó, tôi còn vinh dự được dự lễ truy điệu Bác tại Quảng Trường Ba Đình lịch sử.
- Bác Hồ đã ra đi nhưng hình bóng Người luôn sống mãi trong trái tim tôi. Cả cuộc đời tôi nhớ về Bác. Mỗi khi nhớ Bác tôi không sao cầm được nước mắt.
Cho đến bây giờ, chiếc huy hiệu Bác tặng vẫn được nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển cất giữ cẩn thận như một báu vật trong cuộc đời mình. Mỗi khi nhớ lại tuổi thanh xuân và nhất là nhớ lại hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu bà lại mở ra ngắm nhìn thật lâu. Đó là chiếc huy hiệu hình tròn bên ngoài là hình Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nổi bật ở giữa nền đỏ tượng trưng cho màu cờ đất nước là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía dưới có dòng chữ Huy hiệu Bác Hồ. Huy hiệu Bác Hồ không chỉ là một kỷ vật thiêng liêng mà còn là nguồn động viên để bà có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 
Anh hùng Ngô Thị Tuyển rất ít khi nhắc đến những chiến công năm xưa của mình nhưng kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ thì bà luôn giữ mãi trong tim. Bà tâm sự: "Cả 3 lần vinh dự được gặp Bác là 3 lần tôi khắc cốt ghi tâm. Cho đến bây giờ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng với tôi mọi thứ như vừa mới hôm qua đây thôi". Kể từ khi gặp Bác, được Bác nhắc nhở phương châm sống và làm việc “Hai chớ, hai nên”, bà luôn tâm niệm, phải cố gắng phấn đấu, rèn luyện và giữ vững phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Sau khi học xong khóa học tại trường Văn hóa Trung ương, bà về công tác tại Thị Đội Thị xã Thanh Hóa (nay là Ban Chỉ huy Quân sự TP Thanh Hóa) và được đảm nhận chức Thị Đội phó. Bà chẳng quản mưa bom, đêm ngày hay mưa nắng, giông bão, lặn lội đến từng gia đình các cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt để động viên, thăm hỏi. Những đợt tuyển quân, nơi nào khó khăn là có mặt bà. Bà cũng là người rất năng động, xông xáo khi tổ chức phối kết hợp chiến đấu giữa lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội các binh chủng phòng không, hải quân đóng trên địa bàn. Thời ấy, Thị Đội Thị xã Thanh Hóa luôn là đơn vị hoàn thành xuất sắc về huy động thanh niên nhập ngũ cũng như các hoạt động phục vụ và sẵn sàng chiến đấu. Sau này, bà chuyển công tác, làm Phó Ban Chính sách thuộc Tỉnh Đội Thanh Hóa (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa). Bà luôn là người sâu sát đời sống thực tiễn, gắn bó mật thiết với người dân và thân nhân cán bộ chiến sỹ địa phương. Nhiều chế độ, chính sách đối với người có công, các gia đình quân nhân, thương binh, gia đình liệt sỹ được bà và đồng đội chăm lo chu toàn. 
Năm 2000, bà Ngô Thị Tuyển về nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương. Bà đã có 4 khóa liên tiếp giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh phố Trường Thi. Mang trong tim phẩm chất người lính Cụ Hồ, bà luôn hăng hái tham gia các công việc chung của cộng đồng, các phong trào thi đua yêu nước,… Mỗi độ tháng tư, tháng năm về người ta lại thấy người phụ nữ đôn hậu thường nhật khoác lên mình màu áo lính, lấp lánh cồ vai, lấp lánh ngực áo và lấp lánh ánh mắt tươi vui đầy vẻ tự hào tham gia vào các cuộc gặp mặt tri ân, các buổi nói chuyện truyền thống… Ở đó một giọng nói thân quen lại “truyền lửa”, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ, trong mỗi câu chuyện, mỗi lời nói của người nữ anh hùng năm nào đều chất chứa mong muốn rằng thế hệ trẻ sẽ luôn tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, và hiểu hơn về cuộc đời giản dị của Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam..., từ đó tiếp bước thế hệ cha ông, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Tôi đã được trải nghiệm, đã may mắn được nghe nữ anh hùng trải lòng mình về vị cha già dân tộc, người mà bà đã có may mắn được gặp gỡ, chuyện trò, được quan tâm, yêu thương và chỉ bảo. Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc trong trái tim bà luôn là người cha nhân từ. Một con người quá lớn mà cũng quá đỗi bình dị thân thương với tất cả mọi người. Hình ảnh ấy đã đi theo suốt cuộc đời bà, nhắc nhở bà phải sống sao cho xứng đáng với lòng tin yêu của Bác. Dù làm bất cứ việc gì, lớn hay nhỏ, nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển cũng luôn nhớ tới lời căn dặn của Bác, cố gắng học tập và phấn đấu trong công việc, luôn nêu gương Người. Bà là người sống lạc quan, rất mực khiêm tốn với lòng tự trọng cao và niềm tin yêu chân thành đối với người thân, đồng ngũ, với quê hương, đất nước.
“Chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng; Nên khiêm tốn học tập, nên gần gũi quần chúng. Câu nói của Bác đã ngấm sâu vào tôi ngay từ ngày đầu. Đôi khi để nhớ một câu nói người ta chỉ mất một giờ, nhưng để sống đúng và trọn vẹn với câu nói ấy có khi phải mất cả một đời…”. Bà nói với tôi hay tâm tình với chính mình, và câu nói ấy sao cứ ám ảnh tôi mãi. Đi giữa phố đông giờ tan tầm ồn ã mà tâm trí tôi vẫn không nguôi nghĩ về người nữ anh hùng ấy. Cuộc đời bà gắn liền với cây cầu Hàm Rồng huyền thoại và dòng sông Mã anh hùng. Trở về cuộc sống đời thường, “bông hồng thép” xứ Thanh ngày nào vác hai hòm đạn 98 kg băng qua mưa bom để "tiếp lửa" cho trận địa, giờ đã bước sang độ tuổi “xưa nay hiếm” với mái tóc pha sương, mỗi bước chân ngày một chậm dần. Song, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà cũng luôn cố gắng vượt qua, giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Với 75 năm tuổi đời và 57 năm tuổi Đảng nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác, sống có ích và làm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.                                                                                                                                                                 
                

Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 129
 Hôm nay: 8169
 Tổng số truy cập: 7453301
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa