Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Xôn xao Bá Thước vào xuân (Bút ký)
Xôn xao Bá Thước vào xuân (Bút ký)

Tôi may mắn được cùng các nhà văn Ban Văn xuôi của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa tới thực tế tại huyện vùng cao Bá Thước vào một ngày đẹp trời. Cái nắng cuối đông làm cho chúng ta có cảm giác tươi mới để chuẩn bị cho mùa xuân tới. Với tâm thế đón chờ chuyến đi sau một thời gian “bất động” trong trạng thái “giãn cách xã hội” vì đại dịch Covid-19 khiến tôi vô cùng hào hứng. Bá Thước là vùng đất xinh đẹp với những cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, ba dân tộc người Thái, Mường và Kinh sống đoàn kết, quần tụ bên nhau đã lưu giữ được nhiều nét văn hóa riêng, giàu giá trị. Bản sắc văn hóa nơi đây được thể hiện qua kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục, lễ tục cưới xin, ma chay, tín ngưỡng thờ cúng thần linh, văn học dân gian, tiếng nói chữ viết, lễ hội, trò chơi trò diễn… Đặc biệt là công cuộc xây dựng đời sống nông thôn mới đang làm sống dậy một vùng quê vốn nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch và nông, lâm nghiệp. Hơn thế, những lớp người nơi đây đã gắn bó từ đời này sang đời khác đã góp phần xây dựng nên một vùng quê trù phú. Chính vì những điều ấy đã thôi thúc lòng tôi tới với miền đất Bá Thước hôm nay. 
Chuyến xe khởi hành với những dư vị của nắng, gió và cái se sắt của của cái lạnh, trưởng đoàn là nhà văn Nguyễn Văn Đệ - Trưởng Ban Văn xuôi, nhà văn Viên Lan Anh và nhà văn Ngân Hằng là hai phó ban đồng thời cũng là người kết nối các chặng hành trình trong chuyến công tác này. Con đường lên miền Tây Thanh Hóa hôm nay trải nhựa phẳng lỳ. Hai bên đường là những cánh rừng xanh miên man nối nhau chạy dài theo những dòng sông. Nơi này rừng keo đã đến kỳ khai thác, nơi kia thung ngô đang trổ bông cờ, cả cánh đồng mía trải dài ra tận bến sông nơi có những triền cải vàng đang lao xao trước gió. Câu chuyện đường lên La Hán, Cành Nàng xe xóc ổ trâu, ổ voi chỉ còn trong dĩ vãng. Nhà cửa hai bên đường đa phần là nhà sàn nhấp nhô dưới những tán rừng hoặc ruộng bậc thang xếp nếp tựa mâm xôi. Những nơi tập trung đông người đã thành phố xá đông vui, nhộn nhịp phản ánh hơi thở đời sống công nghiệp và thương mại đang làm cho huyện Bá Thước giàu lên nhanh chóng mỗi ngày.
Trong lúc đang ngồi trên xe ô tô di chuyển tới bản Hiêu thuộc địa phận xã Cổ Lũng thì có người bạn nhắn tin hỏi tôi: Đến Bá Thước thì có những gì là “đặc sản”, tôi trả lời: Mỗi mét đất Bá Thước với tôi đều là đặc sản. Nếu hỏi về danh thắng thì có các thác nước thiên nhiên ban tặng cho Bá Thước như thác Hiêu, thác Muốn, các điểm du lịch còn có đỉnh Pù Luông, Kho Mường, bản Đôn,… Di tích lịch sử có Đồn Cổ Lũng. Khi xưa thực dân Pháp muốn đánh chiếm miền Tây nhằm uy hiếp vùng đồng bằng trung du Thanh Hóa. Trong đó, Cổ Lũng là nơi có đầu mối giao thông rất thuận lợi nên thực dân Pháp đã chiếm đóng hai lần và có ý định chiếm đóng lâu dài. Hiện tại, nơi đây vẫn còn nhiều dấu tích của các công sự chiến đấu, hệ thống giao thông hào, lũy tre tường thành, ụ súng và các nền móng của nhà ở, nhà kho của sỹ quan chỉ huy Pháp sử dụng trong thời gian chúng chiếm đóng cũng như những tội ác của chúng đã gây ra. Tháng 1-2005, Đồn Cổ Lũng được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Chiến thắng Đồn Cổ Lũng, sân bay Cổ Lũng”. 
Ngoài ra huyện Bá Thước còn có Di tích khảo cổ Mái Đá Điều, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước. Mái Đá Điều đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích khảo cổ học vào năm 2005. Ðây là một di tích được phát hiện năm 1984, với 4m2 hố thám sát đã thu được hơn 300 hiện vật thuộc thời đại đồ đá cũ. Trong các năm 1986 - 1989, do tầm quan trọng của di tích này, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã hợp tác với các nhà khảo cổ học Bulgaria tiến hành khai quật 3 lần. Kết quả thu được hàng ngàn hiện vật đá gồm công cụ kiểu văn hóa Sơn Vi.
Lễ hội Mường Khô, Bá Thước là một lễ hội đặc sắc. Cứ đến ngày mùng 10 âm lịch hằng năm, người dân làng Muỗng Do, xã Điền Trung và các vùng lân cận huyện Bá Thước lại tổ chức lễ hội Mường Khô để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Tại lễ hội năm nay, nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra như: Dâng hương tri ân công lao của Quận công Hà Công Thái, rước kiệu, biểu diễn cồng chiêng… và các hoạt động văn hóa - thể thao thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.
Chúng tôi phải đi bộ chừng một cây số để vào bản Hiêu (danh lam thắng cảnh thác Hiêu được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 15-01-2016). Thật ngạc nhiên bởi chỉ một chòm bản quanh năm nghe tiếng suối reo, không khí nơi đây mát rượi như Đà Lạt đã có tới gần mười hộ gia đình tham gia kinh doanh đón khách theo hình thức Homestay. Anh Ngại chừng trên ba mươi tuổi chạy xuống con dốc đón đoàn với khuôn mặt tươi tắn mời chúng tôi vào nhà. Cái cổng đập ngay vào mắt tôi bởi nó giản dị như chất chân mộc của con người nơi đây. Cổng chỉ dẫn là một thanh gỗ to bằng hai gang tay, dài chừng một mét đóng trên chiếc cọc ngay lối vào với hàng chữ “Homestay Ngại”. Căn nhà sàn to lớn chạy dài nhìn ra thung ngô xanh rười rượi. Trước khi chúng tôi đến đây cũng đã có mấy hộ gia đình đến nghỉ cuối tuần ở các nhà lân cận. Dưới sàn nhà rộng lớn, anh Ngại kê những chiếc bàn rộng nối nhau cho khách ngồi ăn cơm hoặc uống nước.
Đất có đẹp bao nhiêu mà lòng người hờ hững thì cảnh cũng không làm say lòng người. Đoàn chúng tôi may mắn có nhà thơ Trương Thị Mầu, quê gốc huyện Bá Thước làm hoa tiêu đưa chúng tôi tới những miền danh thắng tươi đẹp của huyện để chúng tôi được trải nghiệm những vẻ đẹp đặc sắc nơi đây. Nhà thơ Trương Thị Mầu cho biết: Huyện Bá Thước đã được tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, nước sạch... Và mở nhiều lớp tập huấn và du lịch cho bà con. Du khách đến đây sẽ được ở nhà sàn, tắm suối, tham quan những danh lam, thắng tích và trải nghiệm cuộc sống lao động hằng ngày với bà con nơi đây. 
Cả đoàn nghỉ ngơi tại homestay nhà anh Ngại sau buổi chiều lên chơi thác và thị sát những thung lũng chứa bao điều bí mật của rừng dọc theo những con đường quanh co. Theo lời anh Ngại chia sẻ thì trước đây bố mẹ anh đông con nên nhà rất nghèo. Anh phải tới các thành phố đi làm thuê. Anh đến các vùng kinh doanh du lịch và nhận ra quê hương mình đẹp không kém cạnh họ và anh đã nuôi giấc mơ về một homestay nhỏ giữa xứ sở Mường này, ấy thế mà cơ duyên cũng đến với anh và gia đình mình. Sau vài năm bôn ba xứ người, anh học được ít vốn, chắt chiu dành dụm và về thế chấp nhà để vay ngân hàng, họ hàng, anh em giúp thêm và rồi cơ ngơi chẳng mấy chốc đã hình thành như hiện tại. Khu nhà sàn trải rộng phóng tầm mắt nhìn về thung lũng, xen lẫn những chòi nhỏ gác lửng mái lá bao quanh thiết kế rất tiện nghi nhưng vẫn giữ nguyên nét dân dã mang tính đặc thù của người dân xứ này. 
Ở nơi đây, khoảng sáu giờ là trời đã nhá nhem tối, lũ con nít khắp làng hò nhau ra sân chơi bắn bi, thổi vòng làm xôn xao cả xóm nhỏ. Tiếng suối róc rách buổi chiều đã chuyển dần thành âm thanh thác đổ càng lúc càng vang dội.
Chúng tôi đã được thưởng thức những món ẩm thực ấn tượng như ốc núi hấp sả, gà ốp xôi, cá trắm sông hấp lá đu đủ, lợn cắp nách bảy món… Và giao lưu văn nghệ với những cô gái Thái, Mường với những điệu múa sạp, tiếng khèn cùng hương men rượu cần trong ánh lửa làm mùa đông ấm lại.
Sáng sớm hôm sau, men theo con đường đất đỏ cùng với tiếng suối chảy quanh co róc rách bên đường, chúng tôi cứ thế đi, mọi người không quên tranh thủ chụp cùng nhau những bức ảnh kỉ niệm, các cô các chú kể với tôi đã từng ghé nơi đây, nhưng bây giờ cảnh vật đổi thay xinh đẹp. Xứ Mường đã khác xưa thật nhiều - Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh thốt lên như vậy. Ông còn được mệnh danh là cây hài chính hiệu của đoàn, không những là nhà văn còn giỏi đọc thơ kèm những câu chuyện vui dọc đường vượt dốc khiến người trong Đoàn cũng phải dừng lại phá lên cười làm tiêu tan mệt mỏi. Địa danh chúng tôi đang tới là thác Hiêu, con thác nổi tiếng cả vùng với trữ lượng nước đủ cung cấp cho một vùng rộng lớn. Thác Hiêu đẹp như mái tóc dài của nàng sơn cước len lỏi qua những vòm rừng rồi đổ ào ạt xuống vực tạo nên thứ âm thanh rộn ràng tươi vui. Chúng tôi vớt lên tay làn nước mát để cảm nhận hương rừng đang thấm vào từng giọt nước trong lành. Những bức ảnh chụp bên thác là những kỷ vật quý trong chuyến đi này.
Trạm dừng chân kế tiếp của chúng tôi là khu Resort cao cấp “The Palm - Pù Luông” có tiếng với đặc sản “view” bao núi rừng sang trọng, hiện đại do một nữ doanh nhân người Bá Thước gây dựng nên. Có ai ngờ cô chủ khi xưa chỉ là một hộ buôn bán nhỏ nhưng thấy được xu hướng phát triển của quê hương nên cô đã kêu gọi họ hàng đầu tư cùng cô làm nên khu nghỉ dưỡng sang trọng này. 
Đi tiếp trên con đường nhỏ, len lỏi mãi rồi chúng tôi cũng vào tới bản Đôn. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì có nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội đã đem cái sang, cái hiện đại pha trộn nét văn hóa bản địa để làm nhiều Homestay lạ mắt và hấp dẫn.
Địa điểm cuối cùng trong chuyến đi mà chúng tôi ghé thăm là trang trại cam canh, bưởi Cành Nàng thuộc xã Bái Thượng của gia đình anh Đỗ Văn Lương sinh năm 1960. Trước mắt tôi hiện ra một trang trại mênh mông bạt ngàn, xứ sở của những cam, quýt, bưởi, mít và nhiều cây giống khác. Trang trại nhà anh chị đã có sẵn từ lâu, trước đây chị cho em gái mượn để trồng mía, và hiện tại sau khi hoàn thành công tác của cán bộ Nhà nước được nghỉ chế độ, anh chị mới quyết định về quê hương chăn nuôi, trồng trọt góp phần làm giàu cho quê hương. Vậy là anh chị về hưu sớm hơn quy định để gắn bó với trang trại canh tác cam, bưởi, mít tại quê nhà xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh với diện tích hàng chục ha. Anh chị cho trồng cam đặc thù là giống cam canh và cam lòng vàng. Giống cây cam, bưởi được anh chị chọn lọc ở Hưng Yên, còn mít thì ở Bến Tre. Được tận mắt tham quan thực tế sản phẩm của những người nông dân yêu nghề, chúng tôi ai nấy đều háo hức nếm hương vị thanh ngọt của bưởi da xanh, vị ngọt đậm của cam lòng vàng và vị thanh mát của cam canh.
Thật vui mừng, vì vụ bói quả đầu tiên anh chị dự kiến xuất ra 6 nghìn quả bưởi khoảng gần 200 triệu - 300 triệu/ vụ. Đầu ra hiện đã được các tiểu thương trong và ngoài tỉnh đặt trước. Trang trại anh chị còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 người với mức lương 4,5 triệu/ người/ tháng tuỳ vào thời vụ. 
Tạm biệt Bá Thước và hẹn ngày quay lại với những cái ôm, cái bắt tay nồng đượm, tất cả chúng tôi gửi lời chào thân thương nhất đến mảnh đất và con người nơi đây… Ai nấy cũng đều đã thấm mệt, nhưng vẫn không quên đưa ánh mắt qua khung cửa xe nhìn ngắm bức tranh Bá Thước vào xuân sao hôm nay bỗng xinh đẹp đến vậy. Trong mỗi chúng tôi, Bá Thước như đang đón chào xuân sớm bởi tâm thế, không khí và cuộc sống sôi động vào những ngày này thật náo nức, xôn xao.
              

 L.L.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 16145
 Tổng số truy cập: 7188725
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa