Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Chuyên Lam Sơn Thanh Hóa thời kỳ chiến tranh chống Mỹ (Hồi ký)
Chuyên Lam Sơn Thanh Hóa thời kỳ chiến tranh chống Mỹ (Hồi ký)

Trường PTTH Đào Duy Từ

Cuối tháng 5 năm 1972 tốt nghiệp khoa Toán đại học Sư phạm Vinh thì đầu tháng 9 tôi được điều về dạy ở trường cấp III ở Hoa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa cạnh quê Nga Sơn mình. Được gần nhà, gần mẹ, tôi cảm thấy may mắn quá. Mới làm quen được với học trò và các đồng nghiệp, chưa kịp thân thiết thì đùng một cái tháng 11 có lệnh điều động của Ty Giáo Dục Thanh Hóa, tôi lên trường Vĩnh Lộc dạy cho các lớp chuyên Toán. Tôi vội nói lời chia tay với các đồng nghiệp, kéo nhau ra hiệu chụp một kiểu ảnh đen trắng, chia tay với học trò và hai ngày nghỉ ở nhà ăn cơm với mẹ, rồi lên đường. 
Tôi không có xe đạp. Một cô giáo trẻ ở trường, xung phong đèo tôi đi. Thật cảm động và hơi ngại nhưng tôi được cô ấy động viên: “Em người thị xã Thanh Hóa, em là học trò thầy Dương Vinh, em sẽ nói cho anh làm quen”. Không biết thế nào nhưng tự nhiên tôi cũng cảm thấy vui khi đến môi trường mới có người quen dẫn lối. Chúng tôi chọn đường tắt men theo bờ sông Mã vừa gần vừa để tránh máy bay địch. Xe phượng hoàng xích hộp của cô ấy chắc chắn lắm không hề trục trặc dọc đường nên chỉ một buổi sáng chúng tôi đã vượt qua hơn 40 cây số để đến bản địa của Thành Tây Giai Vĩnh Lộc. Tôi cũng đã đến đất này từ năm 1968 khi lên đây tập huấn để dự thi học sinh giỏi Toán, Văn toàn miền Bắc. Hồi đó thầy Công và thầy Chức luyện cho đội Toán còn cô Cúc luyện đội Văn. 
Chúng tôi gặp các anh Dương Tiến Vinh, Đỗ Khắc Vinh và Nguyễn Ngọc Liễn ở thôn Phú Lĩnh, xã Vĩnh Tiến đúng bữa cơm trưa. Các anh ấy mời ăn cơm luôn, nhưng ngày ấy chúng tôi biết cơm đã có suất nên vội bỏ đùm cơm nắm muối vừng ra cùng ăn. Cô bạn tôi và anh Dương Vinh nhận thầy trò, mấy người nói chuyện rất nhiều về thị xã Thanh Hóa. Tôi thì mù tịt về những Lò Chum, Bến Cốc, rồi đầu ve nọ, ngã tư kia. Được cô bạn môi giới làm quen, nhưng tôi vẫn cảm thấy mấy ông này không dễ gần gũi thân thiết như đồng nghiệp dưới Hậu Lộc. Cơm nước xong cô bạn muốn về ngay, mọi người gàn muộn rồi nhưng cô quyết về. Cô ấy bảo em về Thị xã, nhà chỗ Bến Ngự rồi mai xuống trường. Cô bạn đi rồi, tôi vừa thấy lo cô ấy dọc đường đến Phà Kiểu, Phà Vạn lỡ gặp máy bay thì sao, vừa cảm thấy cô đơn vì mấy ông bạn mới này khó hòa đồng quá.
Sáng hôm sau tôi phải nhận lớp chủ nhiệm và dạy ngay vì có 2 anh mà những 3 lớp Toán 8, 9, 10. Riêng Văn chỉ có một lớp 8, một mình anh Liễn dạy. Học sinh với thầy thì quá mau gần gũi. Chỉ cần một buổi sáng, chỉ cần mấy bài hình khó, thầy đưa ra phương pháp hệ phương trình bỏ qua những mò mẫm trực giác là trò thấy sướng ngay, những ánh mắt sáng lên làm tôi thấy vui, ấm cúng trong lòng hơn. Tôi cảm thấy như đã quen các em từ thuở nào. Hình như với những cái đầu thông minh ham hiểu biết thì tri thức kéo con người ta lại gần nhau nhanh hơn nhiều so với những xử sự khác trong đời. Những đôi mắt thơ ngây nhưng lanh lợi của học trò chuyên Toán cuốn hút tôi trong từng giờ lên lớp. Những thiếu niên mới lớn phải xa gia đình, xa bố mẹ đi ở trọ, tự lo mọi thứ trong cuộc sống làm tôi thấy thương, thương nhất là lúc các em ốm sốt, thầy càng phải quan tâm hơn cả việc dạy. Nhưng nghị lực của những học trò này cao lắm. Hết sốt là lên lớp ngay và khi giải xong bài toán khó, vẫn thấy nở nụ cười rất dễ thương trên làn môi khô, trên nước da còn xanh xao, yếu ớt. Ở tuổi các em, có thời tôi chỉ ở trọ đi về một tuần một mà đã thấy nhớ nhà lắm rồi. Nghĩ lại tôi càng thấy thương và quan tâm các em hơn, nhất là những lúc khó khăn thiếu thốn hay ốm đau, xa bố mẹ. Yêu quý học trò tự nhiên tôi cảm thấy mình như người nhà của các em vậy.
Tôi và hai anh Vinh không bao giờ có buổi họp tổ chuyên môn chính thức nào, mà bàn nói về chuyên môn bất cứ lúc nào nảy ra vấn đề, sau buổi lên lớp, lúc xuống bếp đi ăn hay cả lúc nửa đêm vùng dậy. Hai anh Vinh bắt đầu thân thiết với tôi hơn qua một lần tranh luận về một bài toán hình khó mà học trò lớp 10 hỏi. Đó là bài toán tìm điểm trong tam giác có tổng khoảng cách đến 3 đỉnh nhỏ nhất. Tôi đưa ra phương pháp biến hình đưa 3 đoạn thẳng nối nhau thành một đường gấp khúc có 2 đầu cố định, còn anh Khắc Vinh giải bằng phương pháp biến đổi lượng giác. Cách nào cũng hay nhưng Dương Vinh thì khoái cách biến hình hơn vì hợp với tính lãng tử tài hoa ngại chi tiết. Vẫn là tri thức làm con người thấy gần gũi quý mến nhau nhanh hơn. Sau lần này chúng tôi trao đổi với nhau thường xuyên hơn, lúc thì sử dụng hàm số trong phương trình, bất phương trình vô tỷ, lúc thì cực trị trên một miền là đa giác lồi của báo Toán học và Tuổi trẻ. Anh Đỗ Vinh phân công chung nhau dạy cả 3 lớp, chỉ chủ nhiệm là riêng thôi.    
Nhớ mãi một hôm có mặt cả bốn anh em sau buổi ăn tối, Đỗ Vinh vỗ vai tôi bảo: “Thọ này, mày thông cảm cho bọn tao nhé, buổi đầu cứ tưởng mày do Ty cử lên để lãnh đạo bọn tao, vì có mấy cánh hay nói về Ty là mấy ông dạy chuyên này cá biệt lắm ít chịu đi họp, không chịu soạn giáo án”. Tôi đỡ lời: “Họ không hiểu đặc thù của dạy chuyên nên họ nói thế thôi, chứ họ vào cuộc họ thấy ngay là lúc nào cũng phải làm việc. Soạn giáo án theo mẫu của Bộ thì có tác dụng gì với dạy lớp chuyên. Những kiến thức nâng cao ở các tài liệu tự tìm kiếm ngoài sách giáo khoa, làm cầu nối học trò với báo Toán, giải quyết ngay những bài toán khó nảy sinh trong giảng dạy hay từ thắc mắc của học sinh mới là vấn đề”. Dương Vinh tiếp: “Giải xong còn mở rộng nữa chứ. Mệt mà có ai biết”. 
Nguyễn Ngọc Liễn, với đôi kính cận, không chịu ngồi cứ đi đi lại lại rồi bỗng dừng lại, nói vẻ giảng giải của ông anh cả: “Hồi đầu chúng nó bảo hãy ra dáng lãnh đạo là sẽ cô lập mày Thọ ạ”. Rồi lão đi lại gần ôm vai tôi nói giọng xứ Quảng ngọt lịm: “Tao yêu mày nhất là những chủ nhật biết nấu canh trứng và biết xào su hào với cà chua rất ngon, chuyện này hai thằng Vinh tao cho zero”. Tôi ngồi lặng không nói gì. Hơi ấm của lão tỏa xuống cùng cái giọng chân thật của người miền trong nghe cũng dễ chịu. Khắc Vinh kết luận: “Thôi, giờ hiểu nhau rồi, lo mà dạy tốt vào là quan trọng, còn kệ họ nói gì thì nói. Cậu có ưu điểm là từng nhiều lần có tên trên báo Toán học và Tuổi trẻ nên bọn học trò khoái đấy”. Dương Vinh nhảy sang chuyện khác: “Này cái cô người yêu hôm nọ sao rồi, không thấy lên, mấy hôm nữa tao cưới dẫn đến ra mắt làng đi”. Tôi cười: “Bạn đồng nghiệp quý nhau thôi, không có gì đâu anh à, còn kém tuổi anh xa lắm”. 
Hôm cưới anh Dương Vinh và chị Liên, cả mấy anh em dậy rất sớm đèo nhau đi. Vì sợ bom đạn, không cho học sinh đi. Tiếng bom B52 vẫn ình oàng lúc gần lúc xa khắp nơi không thể định hướng được mạn nào, cứ vượt phà, vượt đò mà đi thôi. Đám cưới thời chiến tranh đơn giản nhưng cô dâu và chú rể đều rất đẹp và đẹp đôi.
Lại nói về chuyện dạy dỗ lớp chuyên. Các thầy cô được phân dạy các môn không chuyên tâm sự: “Vừa thích lại vừa ngại. Thích là chúng nó tiếp thu rất nhanh, ngại là dễ cháy giáo án hết bài trước trống vì không cần nói đi nói lại và ngại hơn cả là những câu hỏi đến bất ngờ từ học trò”. Có giáo viên Vật lý tâm sự: Mình dạy Định luật Ôm trong toàn mạch có học trò chuyên hỏi “Thưa thầy điện trở ngoài bao nhiêu thì công suất sử dụng đạt lớn nhất ạ”. Tớ không giải quyết được ngay, định trả lời là khi đoản mạch nhưng không chắc nên không giám, đành hẹn hôm sau. Về nhà suy nghĩ kỹ thấy câu hỏi rất hay, phải nhờ anh Phán tổ trưởng tổ Toán giải hộ. Anh ấy vận dụng bất đẳng thức Cosi mới ra R ngoài bằng r trong. 
Còn một cô dạy Sinh phàn nàn: Hôm em dạy bài liên quan đến các giác quan có đứa hỏi: “Thưa cô, tại sao con người ta chỉ có 5 giác quan mà không có 7, 8, 9, 10 giác quan ạ. Có ý nghĩa tối ưu gì đó không ạ”. Tôi bí phải hẹn về cô sẽ nghiên cứu. Nhưng nghiên cứu rồi mới thấy cả thế giới cũng bí chứ không phải tôi. Câu hỏi của chuyên Toán có khác, quá sâu xa. Thế mới biết, mấy thầy cô dạy môn không chuyên ở đây cũng mệt đấy chứ không phải mình các thầy dạy môn chuyên.
Năm 1973 Hiệp định Pari đình chiến trên toàn Việt Nam được ký kết, khối chuyên Văn, Toán lại được trở lại trường Lam Sơn của mình. Gọi là được về Thị xã nhưng cũng bội phần khó khăn. Thầy trò phải đi tìm nhà trọ mới, nhà trọ ở đây chật chội và khó tìm hơn ở vùng nông thôn nhiều. Hàng ngày lại phải cùng các lớp phổ thông dọn dẹp những đống đổ nát ở sân trường và hình thành các phòng học. Thế rồi mọi chuyện cũng qua mau, để quay về việc dạy, việc học là chính. Lớp tôi chủ nhiệm không tìm đủ chỗ trọ nên thầy Thọ, em Lộc và em Phúc cùng ở trọ trong một nhà, ngủ chung trên một tấm phản của gia chủ. Ba thầy trò nhưng chỉ có một cái bàn nhỏ. Học trò cứ nhường cho thầy còn viết trên mặt phản hoặc bàn uống nước lúc vắng khách. Một hôm bác Ngọc Ấn chủ nhà reo lên: “Ôi bà ơi, nhà ta gặp may rồi có 3 ông Phúc, Lộc, Thọ đến nhà, phải liên hoan thôi”. Sự việc vui vẻ này làm ba thầy trò chúng tôi gắn bó mãi cùng gia đình. Sau này khi đã trưởng thành, thầy đi Hà Nội rồi, anh Viên Đình Phúc và anh Đồng Đại Lộc vẫn hay qua lại giúp đỡ được ít nhiều cho con cháu nhà bác Ấn lúc hai bác đã mất.  
Khi đã về hưu rồi, tôi ra Hà Nội, nơi đông đúc phồn hoa muôn vẻ đua chen tôi vẫn thấy dân gian tôn trọng cái tên “Học sinh chuyên”. Bạn bè chơi với nhau chỉ cần biết anh ấy, chị ấy đã từng học chuyên là đã thấy có sự tôn trọng rồi. Đó là con người học hành tử tế, là con người có trí tuệ. Sự tuyển chọn vào các công ty cũng thế, từng là học chuyên, đó đã là một tham số ưu ái đầu tiên rồi. Xã hội rất tinh tường đấy, những con người đó từng được các Sở, Ty Giáo dục lựa chọn qua bao kỳ sát hạch gắt gao và đã được các thầy cô giỏi giang rèn giũa bài bản nghiêm khắc. Còn ở mọi nơi nếu thêm từ Lam Sơn Thanh Hóa nữa thì họ ngưỡng mộ vô cùng vì Lam Sơn mình đã đào tạo ra bao nhiêu nhân tài ở khắp nơi trong đất nước của nhiều thế hệ đã qua. Lam Sơn Thanh Hóa mình đã có những thành tích Quốc gia, Quốc tế làm bừng sáng nền giáo dục xứ Thanh. 
Chuyên Văn, Toán trong chiến tranh thời Vĩnh Lộc thế mà đã gần 50 năm trôi qua. Những cậu bé, cô bé học sinh chuyên đáng yêu của xứ Thanh thời đó, nay cũng đã 64, 65 tuổi rồi. Nhiều lần hội ngộ, các em vẫn nhớ về cội nguồn, đã lên thăm nơi trọ cũ, tặng quà cho các gia đình và UBND xã Vĩnh Tiến. Cả khối tiếc thương thầy Dương Tiến Vinh và thầy Nguyễn Ngọc Liễn đã đi xa chúng ta mãi rồi. Chỉ còn lại tôi và anh Khắc Vinh. Lần hội khóa 2018 học sinh mới mời được đồng thời thầy Đỗ Khắc Vinh từ Sài Gòn ra và tôi từ Hà Nội vào. Anh em, thầy trò gặp nhau cứ ôm nhau mãi giữa sân trường chuyên Lam Sơn.  
            

 Hà Nội, 6-5-2021
             M.D.N
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 191
 Hôm nay: 6627
 Tổng số truy cập: 7196386
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa