Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Làng Thượng Đại chuyển mình (Ghi chép)
Làng Thượng Đại chuyển mình (Ghi chép)

Có lẽ, tôi sẽ không biết đến làng Thượng Đại nếu như tôi không có ông bạn vàng từ Canada mỗi năm về dăm sáu tháng. Hễ về đến nhà hôm trước, y là hôm sau ông bạn đã áo xanh, mũ cối, đầu tắt mặt tối, bận bịu như “phải bả”, suốt ngày say sưa với núi công việc của làng. Để rồi, ngay chính tôi từ chỗ chỉ biết lắc đầu, chép miệng cũng bắt đầu sinh ra tò mò, dần dà thấy có gì đó hay hay, là lạ, rồi thấy quý, thấy nhớ, thấy yêu mến cái làng nhỏ bé nếu lâu lâu không được về thăm.
Làng Thượng Đại, thuộc xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có 149 hộ với 533 khẩu, cách đây chừng mươi mười lăm năm vẫn còn nghèo lắm nếu không nói là nghèo nhất nhì vùng Hoằng Hóa. Thượng Đại nằm biệt lập, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, nếu muốn đến được làng, từ Quốc lộ 1A phải men theo con đường sỏi nhỏ gồ ghề, hai bên là những cánh đồng chiêm trũng, xe đạp tránh nhau còn khó, hoặc phải đi vòng từ ga Nghĩa Trang, ngoằn ngoèo qua vài ba làng bạn mới đến được Thượng Đại. Cũng như nhiều làng quê Việt thời kinh tế thị trường buổi đầu với bao hoang mang, bối rối, xấu tốt trăm thứ ảo mờ như con nghiện, làm nhiễu loạn bao thiết chế làng xã tồn tại ngàn đời; đồng tiền lên ngôi, đạo đức xuống cấp, thanh niên vào hùa du nhập lối sống thực dụng; một số người già không quen nêu gương, chỉ biết bo bo “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, v.v…
1. Bước chuyển mình đầu tiên
Bắt đầu là việc quy hoạch, phục hồi, làm mới lại khu trung tâm văn hóa tâm linh. Tiến tới, tìm cách khôi phục các lễ hội truyền thống, các hương ước đã mai một, đề cao các giá trị văn hóa của làng, tạo một bước chuyển biến về nhận thức, lòng tự hào trong cộng đồng dân cư, hình thành lối sống có đạo lý “tình làng, nghĩa xóm” nhằm xây dựng một tấm khiên chắn đủ sức miễn nhiễm, ngăn chặn và từng bước vô hiệu hóa sự xuống cấp và sự xâm lấn văn hóa độc hại. Đó là ý tưởng đầu tiên được thống nhất sau bao đêm bức xúc quanh bàn trà của một số các cụ cao niên trong làng.
Ý tưởng là vậy, vấn đề triển khai, hiện thực nó ra đời sống thế nào lại là chuyện không đơn giản. Nan giải đầu tiên là tiền, lấy đâu ra để thực thi khi mà Thượng Đại là một làng thuần nông, quanh năm người dân đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Các cụ bàn tính, trưởng thôn, chi bộ, mặt trận bàn tính. Vẫn biết là phải huy động sức dân, nhưng bằng cách nào, bắt đầu từ đâu, liệu có được dân hưởng ứng, đồng tình không… luôn là bài toán hóc búa với những người có trách nhiệm, những người tâm huyết. Khó khăn này không chỉ tồn tại với riêng làng Thượng Đại mà với tất cả làng xã Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng nông thôn mới.
Thế rồi vận may đến! Trong một lần ngồi thưởng trà mừng ông Trịnh Độ, Việt kiều về thăm quê, câu chuyện trên lại được mang ra, Trịnh Độ nghe cảm kích và ủng hộ nhiệt tình, không những đóng góp tiền mà còn góp ý, hoàn thiện ý tưởng và tham gia trực tiếp để hiện thực hóa ý tưởng đó. Vậy là, một Ban Vận động xây dựng khu tâm linh được thành lập: Hộ nào có tiền thì ủng hộ tiền, hộ nào không có tiền thì góp công góp sức, người có điều kiện góp nhiều, anh em, bạn bè thân quen trong làng, ngoài làng, doanh nhân, chính khách… gọi là đủ hết. Ai có tấm lòng thơm thảo thì trước là cung tiến, sau là để phúc cho con cháu. Công việc đầu tiên phục dựng lại miếu thờ Thành hoàng làng thế là diễn ra suôn sẻ. Thuận đà, Thượng Đại triển khai xây dựng tiếp đền thờ Bác Hồ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ. Đây là nguyện vọng, là mong mỏi có từ lâu của đa số người dân ở đây.
Sau khi xây dựng được đền thờ Bác Hồ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ, công việc tìm mẫu tượng Bác cho phù hợp cũng rất công phu. Đi nhiều nơi, đến nhiều chốn, nội tỉnh có, ngoại tỉnh có, mẫu tượng Bác thì nhiều, nhưng để phù hợp với thiết kế đền thì không dễ. Khó vậy, nhưng rồi cũng tìm được mẫu phù hợp, không những tìm được mà tác giả còn tặng lại làng. 
Sau khi có tượng, làng cử một phái đoàn gồm đủ các thành phần: Đại diện từ thanh thiếu niên, đến các vị bô lão trong làng, dẫn đầu là Bí thư chi bộ và trưởng thôn mang tượng Bác ra Đền Hùng nhờ Ban quản lý khu di tích lịch sử tiến hành thủ tục “gọi hồn nhập tượng”, xin chân nhang về thờ. Trong lần đi này, Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng đánh giá cao khu trung tâm văn hóa tâm linh làng Thượng Đại và công nhận hội đủ các điều kiện, các yếu tố cho phép lập bàn thờ các vua Hùng. Ban quản lý khu di tích lịch sử đã trao 18 chân nhang thờ các vua Hùng cho Thượng Đại.
“Phải nói làng Thượng Đại xây dựng khu trung tâm văn hóa tâm linh bằng tất cả cái tâm trong sáng của mình, nghiêm túc bài bản, có đầu có đũa, đâu ra đấy, không tư túi, vụ lợi… bởi nó là nét đẹp văn hóa, là hồn cốt của làng, để thiên hạ nhìn vô, con cháu dân làng hôm nay ai còn lấn cấn nhìn vô, rồi cả con cháu mai sau nữa, tự soi mình mà sống cho đúng, cho hợp đạo lý, như thế mới có tác dụng giáo dục, chứ làm cho có, làm theo đua đòi, không khéo vô tình thành mê tín dị đoan, trật tiêu chí là hỏng” - Ông Vê, người cao niên có uy tín trong làng Thượng Đại tâm sự.
2. Xây dựng nông thôn mới thực chất 
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi không tìm ra phương cách khoan sức dân, tạo động lực cho cuộc cách mạng để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,... dẫn đến sau thời gian phát động, hô hào ầm ĩ, địa phương bắt đầu sinh nợ nần, đời sống nhân dân sa sút, trở lại cảnh nghèo vẫn hoàn nghèo, chạy ăn từng bữa ảnh hưởng xấu đến chủ trương chung của Đảng và Chính phủ trong phong trào xây dựng NTM cả nước. Nhận thức sâu sắc tác hại nguy hiểm của bệnh thành tích, đồng thời rút kinh nghiệm qua cách làm ban đầu xây dựng khu trung tâm văn hóa tâm linh, Thượng Đại bắt tay vào giai đoạn hai tiến trình xây dựng NTM bằng việc mở rộng, làm mới cách huy động sức dân, những đóng góp của các nhà hảo tâm trong cũng như ngoài nước để tiến hành xây dựng thư viện của làng; cải tạo, chỉnh trang đường sá, mương rãnh thoát nước: 350m2 đất đã được hiến tặng, 400 triệu tiền quyên góp cùng hàng trăm ngày công tự nguyện cho việc mở rộng đường sá trong thôn, 200 triệu cho việc xây mới tuyến kênh mương vừa phục vụ sản xuất vừa làm cống thoát nước, rồi sửa chữa trường học, trạm xá, cải tạo khu nghĩa địa…, cùng với phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, thực hiện nhà sạch, thôn xóm sạch, nói không với trộm cắp, nghiện hút… là hai quá trình song hành làm mới thôn xóm, tạo xương sống cho diện mạo một làng văn hóa thời kỳ đổi mới. 
Năm 2021, mặc dù dịch Covid còn diễn biến phức tạp, Thượng Đại vẫn tiến hành thi công, khánh thành cổng làng trị giá gần nửa tỷ đồng, cùng hệ thống đèn đường, hệ thống camera được lắp đặt, bên những luống hoa ven đường vào làng được trồng mới. 
Sau hơn một năm thực hiện phong trào “khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, thôn Thượng Đại đã có 100% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình có công trình vệ sinh; 100% số hộ chăn nuôi đều có bể chứa phân an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người; vận động nhân dân trồng mới hơn 3.000 cây keo ở khu đất trống của thôn... Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm. Hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng, hộ nghèo, cận nghèo giảm; trên 95% hộ trong thôn đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Thượng Đại thay đổi từng ngày, từng giờ một cách “không cưỡng lại được”.
Phải nói đến với Thượng Đại là đến với những cảm xúc khó tả, là đến với những hàng cây xanh mát với những chiếc ghế đá nhìn ra cánh đồng mơ mộng. Đến với Thượng Đại là đến với những ngày làng mở hội, những lần giỗ chạp,… đầu thôn cuối xóm tấp nập, rộn ràng, nào tập dượt văn nghệ, nào gói bánh, đồ xôi tất bật cỗ bàn. Thôi thì mùa nào thức nấy, bánh chưng, bánh tét, xôi, thịt, cá, rau,… đủ cả, toàn thực phẩm “cây nhà lá vườn” làng làm ra, tươi sống, an toàn, sạch sẽ. Thượng Đại mê hoặc và cám dỗ với những con người thuần khiết, biết cách tự làm mới mình bằng những tiêu chí giản đơn, bình dị: “Làng mỗi ngày thêm một điều mới, dân mỗi ngày thêm một điều tốt”, để tiến về phía trước. Cái cảm giác tối tối thấy người làng Thượng Đại ghé vào nhà ông bạn vàng tôi (giờ đã thành địa điểm văn hóa của làng) ngồi uống chén trà, hút điếu thuốc, trao đổi dăm ba câu chuyện hoặc vui hơn cùng nhau hát vài bài karaoke, để rồi xem ngày mai làng có công việc gì còn xin được tham gia, xin được tự nguyện góp sức mình cứ làm tôi xốn xang, trân trọng như muốn bay lên, bay cao lên mãi cùng những gương mặt quê bình dị, chất phác ấy…
3. Xây dựng Thượng Đại theo mô hình Tam nông
Năm 2020 thôn Thượng Đại được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen, và là một trong 4 khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh lựa chọn để xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Mô hình được thành lập với mục đích tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu dân cư phát triển bền vững. Với những kết quả ngày càng tích cực, nhân dân và cán bộ thôn Thượng Đại cùng nhau đoàn kết, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để trở thành thôn kiểu mẫu vào cuối năm 2022, làm tiền đề cho mục tiêu xây dựng thôn Thượng Đại theo mô hình Tam nông: Nông nghiệp hiện đại, Nông thôn đổi mới và Nông dân thân thiện.
“Có lẽ cách đây mươi mười lăm năm, tôi không nghĩ làng Thượng Đại có được đổi thay như bây giờ, dù rằng còn bao nhiêu dự định, bao nhiêu công việc vẫn chưa kết thúc; bao nhiêu ước mơ, khao khát tốt đẹp còn chờ phía trước. Nhưng tôi tin, cũng như cả làng Thượng Đại của tôi tin chúng tôi sẽ tiến về tới đích” - Ông bạn vàng tôi hồ hởi.
        

 Thượng Đại, 9-2022
            L.Q.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 1561
 Tổng số truy cập: 7455792
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa