Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Dưới vòm trời xanh
Dưới vòm trời xanh

Mẹ nghiến răng, tay bám chặt lấy thành giường trong phòng hộ sinh. Chắc mẹ đau lắm, mặt mẹ nhợt nhạt, đầu tóc rã rượi, mồ hôi vã ra như tắm. Từng cơn đau như vậy kéo dài chừng một tiếng, sau thì… hỡi ôi, một khối thịt dị dạng không rõ hình hài được sinh ra, mọi người thất kinh lấy tay che mắt, chun mũi, nhăn mặt. Mẹ rú lên một tiếng kinh hoàng khi quay nhìn cái khối thịt vừa sinh ra rồi ngất lịm. Cha hoảng hốt, thất thần, loạng choạng ngồi vật xuống hành lang bệnh xá. Đấy là kết quả của lần sinh thứ ba mà cha và mẹ tôi đã mỏi mòn trông đợi.
Vậy đấy. Nhưng mẹ tôi vẫn là một trong số ít các cô gái gặp may mắn trên những cung đường Trường Sơn ngày ấy. Những cô gái không bao giờ có được những giây phút hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Mẹ là một cô gái xinh đẹp với cá tính mạnh mẽ, bộc lộ tình cảm yêu, ghét rõ ràng, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Trong một lần dẫn đường cho xe vượt đèo tránh bom nổ chậm, mẹ đã gặp và yêu cha. Cha tìm những giò phong lan trên ngọn cây cổ thụ đem tặng mẹ, và mẹ ngồi đọc thơ cho cha nghe…
Chiến tranh kết thúc, cha mất một chân về lại quê nhà, bàng hoàng gia đình chẳng còn ai vì bom đạn Mỹ bao năm bắn phá. Lại sợ làm khổ mẹ, cha tránh, viết thư nói lời chia tay. Mẹ nhận thư, đọc xong không khóc, lẳng lặng đi tìm cha, hỏi còn muốn lấy mình không. Hai tay quờ vào bên chân mất, cha ngồi từ đầu chiều đến chợp đêm, cuối cùng khẽ hỏi, lấy một người què em có sợ. Mẹ khóc òa, bảo không. Đám cưới diễn ra tưng bừng trong sự giúp đỡ của bà con làng xóm, lẫn niềm vui chiến thắng vẫn còn rơi rớt lại chưa tan hết. Và sau đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của cha khi mẹ sắp sinh. Nhưng không ngờ khi tôi được sinh ra cả nhà bỗng lặng đi, bởi tôi, một bé trai bụ bẫm, xinh đẹp lại thiếu mất một chân.
Ba năm sau mẹ tôi sinh tiếp em trai, nhưng em còn bất hạnh hơn cả tôi, tay chân bị khoèo lại co quắp, chỉ biết gào khóc la hét rồi ho sặc sụa từng cơn, khuôn mặt đờ đẫn ngây dại. Nhiều đêm tôi nghe mẹ khóc thút thít, cha nhắc lại những năm tháng còn chiến tranh, máy bay Mỹ rải những lớp bột màu hồng hồng, tim tím như sương mù xuống các cánh rừng, mấy hôm sau cây rụng lá trơ trọi, động vật chết ráo hết. Mẹ bảo có lẽ do chúng ta ăn ở trong thứ bột ấy lâu quá. Cha thở dài trằn trọc. Cứ thế những giọt nước mắt âm thầm lặng lẽ trong vô vàn đêm dài cha mẹ tôi thao thức…
Khi tôi được năm tuổi cha làm cho tôi đôi nạng gỗ nhỏ để tập đi. Đau đớn thay cha đi nạng, con cũng đi nạng trong ánh mắt ái ngại của mọi người. Rồi do nhiều căn bệnh quái ác kèm theo những vết thương tái phát thi nhau hành hạ, sức khỏe mỗi ngày một suy kiệt, cha ra đi vào đêm giữa đông, tháng mười một. Từ ngày cha qua đời sức khỏe của mẹ ngày một giảm khi phải chăm bẵm cả hai đứa con tật nguyền. Mẹ chưa từng được yên giấc, thi thoảng em tôi lại kêu gào, tru tréo thét lên từng chập. Tiếng khóc thất thường ấy càng về khuya càng giống tiếng ma kêu quỷ hờn chứ không phải tiếng của con người. Hàng xóm nhiều khi cũng giật mình kinh hãi. Những lúc như vậy mẹ hoảng hốt ôm em vỗ về, tiếng ru nghẹn ngào đứt quãng: “À ơi… ai làm lở bể rung ngàn… cho tổ cá vỡ cho đàn chim tan… Ai làm cho Nam Bắc phân kì… cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân…”.
*
Học hết cấp hai trường làng thì tôi nghỉ học do hoàn cảnh nhà quá khó khăn. Tôi gắng tập làm những công việc vặt giúp mẹ, nhưng thấy tôi tập tễnh xoay xở với chiếc nạng mẹ không muốn cho làm. Nhà tôi ở gần chân núi cạnh ngôi chùa Thiên Âm. Mẹ thường lên chùa cầu Phật phù hộ cho anh em chúng tôi. Sư trụ trì chùa là thầy Thích Nhân Tâm có mái tóc và bộ râu trắng như cước, nước da đỏ hồng. Thầy làm thuốc nam trị bệnh cứu người. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi nghèo mẹ lại hay đau yếu, các con thì tật nguyền nên thầy rất quan tâm. Có lần theo lên chùa tôi đã nghe được lời bộc bạch của mẹ cùng thầy.
- Bạch thầy, con chẳng xá chi nỗi khổ ải thân mình gánh chịu, chỉ thương con trẻ thơ ngây tật nguyền. Nếu chẳng may con có sớm trở về với tổ tiên, cầu xin thầy rủ lòng thương hai trẻ mồ côi. Con xin đội ơn thầy suốt kiếp.
- A di đà phật, con hãy yên tâm. Nơi cửa chùa chỉ làm điều ân đức, cứu độ chúng sinh, ta hứa với con sẽ làm hết sức mình, với tất cả những gì ta có thể.
Từ đó thầy thường ghé qua nhà tôi khi thì đưa nắm xôi, gói oản, lúc thì cho mấy thang thuốc bổ. Nhưng mẹ tôi mỗi ngày một thêm ốm yếu, hai mắt thâm quầng, trũng sâu, da nhăn nheo, trắng xanh. Thương mẹ vất vả tôi muốn tìm việc làm kiếm thêm, nhất là có thể học được cái nghề để sinh sống sau này. Khi nghe tôi trình bày nguyện vọng mẹ nói chân tay tôi thế thì làm lụng sao được, cố quá chẳng may tai nạn càng thêm khổ.
- Mẹ cứ yên tâm con tự biết sức mình, xét thấy việc gì làm được con mới làm. Hơn nữa đã mười sáu tuổi, tuy thiếu một chân nhưng sức khỏe của con rất tốt.
Tôi khăn gói lên đường tìm kiếm việc làm, lòng nung nấu ước mơ sự nghiệp…
Tôi đã đến rất nhiều nơi, nhiều cơ sở, gia đình cần thuê người làm nhưng ai nhìn tôi cũng lắc đầu. Chẳng nhẽ mơ ước của tôi đành thất bại sao? Tôi thất thểu khó nhọc với đôi nạng gỗ lê bước trên đường lòng nặng trĩu. Nhiều ngày trôi qua tôi bắt đầu thất vọng… Chẳng nhẽ cánh cửa bước vào đời mãi mãi khép lại với mình? Không. Tôi không thể bó buộc tay chân, ủ ê với hoàn cảnh khó khăn gặp phải. Tôi lại đi tiếp, và cuối cùng cánh cửa định mệnh cũng hé mở. Tôi theo lời giới thiệu đến cơ sở làm đồ mộc. Chủ xưởng, người đàn ông trạc năm mươi tuổi, có đôi mắt màu nâu, nước da trắng với mái tóc hoe vàng, trông ông giống với một người ngoại quốc hơn là người Việt Nam. Nhìn ông tôi có cảm giác khó gần, nhưng nghĩ dù sao mình cũng đang rất cần việc làm, thứ nữa học được nghề mộc thì tốt biết bao nhiêu. Tôi ngỏ lời xin học. Ông nhìn, dừng lại ở cái nạng với một bên chân mất. Tôi hiểu ông đang nghĩ gì, vội vã củng cố niềm tin.
- Thưa bác, cháu có thể làm tất cả, làm bất cứ việc gì ạ.
Có vẻ không tin tưởng lắm, ông nói:
- Cậu có thể thử việc trong hai tháng, sau đó tôi sẽ quyết định cậu có được nhận vào học việc hay không. Tất cả mọi chi phí sinh hoạt, ăn tiêu cậu không phải lo. Cậu có thể làm việc ngay từ bây giờ.
Tôi sướng rơn như người bắt được vàng.
Cùng làm việc trong xưởng mộc còn hơn chục người nữa, các anh đều nhiều tuổi hơn tôi. Họ làm việc nhiệt tình và vui vẻ. Những ngày đầu ông chủ giao cho tôi công việc đánh giấy ráp, một trong các công đoạn làm nguội của sản phẩm. Sang tháng thứ hai tôi được cầm cưa, cầm đục và sử dụng máy móc. Các công việc mang vác, vận chuyển dụng cụ, sản phẩm nặng thật khó khăn đối với tôi. Thấy vậy các anh em cùng làm đều tận tình giúp đỡ và chỉ bảo. Nhờ thế mọi công việc được giao tôi đều hoàn thành tốt.
Thấm thoát hai tháng thử việc nhanh chóng trôi qua. Ngày cuối cùng tôi hồi hộp chờ quyết định ở lại hay ra về. Tôi rất lo lắng, nếu không được nhận học nghề thì quả là một điều đau khổ. Và chẳng để tôi đợi lâu, ông chủ đến trước mặt tôi nở nụ cười, hai tay nắm vai lắc nhẹ, nói chậm từng tiếng: “Cậu chính thức được nhận học việc kể từ hôm nay”. Tôi nghe, vui mừng đến trào nước mắt. Vậy là tôi đã có thể học được một cái nghề rồi ư? Ôi! Còn vui mừng nào lớn hơn như thế đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng thật nhiều để trở thành một người thợ giỏi sớm hơn mong đợi của mẹ.
Ngày lại ngày tôi miệt mài làm việc quên cả giờ giấc. Kể cả các công việc đòi hỏi kỹ thuật cao, tinh xảo như đục, tách các đường nét hoa văn tôi đều làm được, sản phẩm làm ra trông rất có hồn. Ông chủ kiểm tra, ngắm nghía mỉm cười tỏ vẻ rất hài lòng. Hàng tháng ông trả tiền lương cho tôi rất hậu lại không lấy một đồng tiền công dạy nghề nào. Nhờ thế tôi đã gửi tiền về nhà rất đều đặn, chắc mẹ vui lắm. Đồng thời, cảm phục trước tấm lòng của ông, tôi nảy ra ý định đền đáp bằng các sáng kiến, tạo mẫu mã sản phẩm mới. Ông chủ vui vẻ đưa vào sản xuất. Những mặt hàng này đều hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Khách hàng kéo tới đặt mua rất đông, cung không đủ cầu. Anh em chúng tôi muốn tổ chức làm thêm ca đêm giúp ông chủ hoàn thành số lượng theo đơn đặt hàng nhưng ông từ chối, bảo công việc vất vả, cần tập trung cao, làm ban ngày đã đủ mệt, làm đêm nữa rất dễ xảy ra tai nạn nguy hiểm. Rồi ông quyết định tuyển thêm số lượng lớn công nhân vào làm việc. Giờ  đây xưởng sản xuất đông vui, tấp nập, các mặt hàng được vận chuyển đi khắp nơi. Tôi nghiễm nhiên trở thành nhà thiết kế, luôn luôn thay đổi các mốt mới đưa vào thị trường tiêu thụ. Nhưng đúng lúc này tôi bỗng nhận được tin mẹ ốm nặng. Tôi xin phép về thăm mẹ. Nghe thế, ông chủ mở tủ lấy ra ba mươi triệu đặt trước mặt tôi. “Trước khi nhận cháu vào làm, xin lỗi, bác cũng chỉ nghĩ thương cháu mà nhận thôi chứ chắc cháu cũng không thể theo học và làm được công việc vất vả này. Nhưng bác không ngờ cháu lại có ý chí, sức lực bền bỉ, dẻo dai đến thế. Điều làm bác bất ngờ hơn nữa là cháu đã có những sáng kiến đưa ra các mẫu mã mới làm lợi cho xưởng rất nhiều. Vì thế cháu xứng đáng được nhận số tiền này, đây là công sáng tạo bấy lâu nay. Cháu về chữa bệnh cho mẹ rồi trở lại, bác đợi”.
Tôi còn biết nói gì hơn trước tấm lòng của ông đối với tôi. Cầm xấp tiền trên tay tôi rưng rưng nước mắt nhớ lại những ngày lê bước trên đường tìm việc làm như vừa mới đây thôi. Vậy mà đã thấm thoắt hơn bốn năm trôi qua.
Thấy tôi về mẹ vui mừng khôn xiết. Còn tôi lo lắng mẹ đã ốm lại phải chăm sóc cho em, từ chuyện ăn uống, giặt giũ, tắm rửa đến đại tiểu tiện… bởi em vẫn đặt đâu nằm đấy. Trong bốn năm trời xa cách không lúc nào tôi nguôi ngoai nỗi nhớ thương mẹ và em. Giờ đây em tôi đã lớn thêm chút ít biểu hiện bằng sự dài ra của cơ thể. Cái đầu và đôi mắt mở to đờ đẫn nhìn tôi vô cảm, em cười cái cười ngây ngô theo quán tính, tay chân quờ quạng cử động một cách vô ý thức. Vậy là về mặt tinh thần và trí não em chẳng khác xưa chút nào, mặc dù mẹ tôi đã tìm tòi thầy thuốc, chữa trị các loại thuốc đông, tây y có cả. Mẹ bảo: “Các anh cán bộ bên hội bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật đến nhà muốn đưa em đến cơ sở nhà tình thương để chăm sóc và chữa bệnh. Nhưng mẹ không muốn đưa em đi chỉ vì một lí do đơn giản là mẹ nhớ và thương em, mẹ không muốn xa em một chút nào”. Thương mẹ và em quá, ước gì tôi có thể kiếm được phương thuốc tiên dược nào đó để có thể chữa trị cho em và biết bao người mắc phải thứ bệnh quái ác này. Dù thứ thuốc đó có ở xa lắc xa lơ, ở nửa bán cầu bên kia đi nữa tôi cũng phải cố tìm đến và lấy cho bằng được. Nhưng điều ấy sao mà xa vời. Biết tìm đâu cho ra thứ linh dược ấy bây giờ?
Ở nhà thêm mấy hôm, thấy mẹ khỏe lên tôi sửa soạn đi thì gặp sư trụ trì mang thuốc qua, ông nói với tôi:
- Trong những năm qua con đã học được một nghề. Ta thấy con có chí, nhưng cái nghề ấy không phù hợp với sức khỏe của con. Vì vậy ta đã nhờ mẹ gọi con về để truyền thụ cho con nghề làm thuốc của ta. Tuy không ở bên song ta vẫn theo dõi từng đường đi nước bước của con. Từ nay con có thể ở nhà làm thuốc cùng ta.
- Dạ bạch thầy nhưng…
- Con cứ làm theo ý ta, mọi việc hãy để ta lo liệu.
Tôi phân vân chẳng biết làm sao thì mẹ bảo thêm:
- Con nên làm theo lời thầy.
Tôi nghe mẹ ở nhà lên chùa làm thuốc nam với thầy cùng mấy chú tiểu! Nghĩ đi nghĩ lại thấy thế cũng tốt, tôi sẽ có cơ hội để nghiên cứu, tìm tòi về phương thuốc chữa trị cho em!
Thầy Thích Nhân Tâm tận tình chỉ bảo cho tôi từ cách nhận biết, thu hái và bào chế dược liệu, rồi cách xem mạch, chẩn đoán phải thật chính xác, khi chưa tìm ra bệnh dứt khoát không được dùng thuốc bừa bãi. Tôi thấy nghề nào cũng có những khó khăn riêng của nó, dù cho lao động cơ bắp hay trí não đều đòi hỏi sự nhạy bén, khéo léo, thông minh và sáng tạo mới có thể hoàn thành một cách xuất sắc. Riêng với nghề làm thuốc, khi sự sống và cái chết của con người chỉ cách nhau gang tấc thì những tính cách trên chưa đủ, mà còn đòi hỏi người thầy thuốc phải có lòng thương người bệnh, và tôi đã thấu hiểu điều này.
Cho đến mấy tháng sau vào một buổi trưa, tôi đang tranh thủ tắm rửa cho em thì ông chủ xưởng mộc tới tìm, ông hỏi tại sao tôi không trở lại, sau khi nghe tôi nói lí do ông gật đầu vẻ đồng tình: Nếu thế, cháu cứ làm theo những gì mình cho là đúng, khi nào thích cháu có thể quay lại xưởng, bác luôn luôn đón chờ cháu, hoặc khi nào cần tới sự giúp đỡ như vấn đề tiền bạc cháu cứ đến tìm, đừng e ngại gì cả.
Ông còn cho biết anh em trong xưởng ai cũng nhớ và họ nhắc tới tôi luôn. Riêng tôi, tôi vẫn nhớ rõ lắm tính cách của từng người, có người bộc trực thẳng thắn như chú Tư, có người nóng nảy như anh Tam, người lại dịu dàng như anh Hiền, người thì ít nói như anh Trầm… mỗi người một tính cách, vùng quê riêng nhưng ai cũng ưu ái dành cho tôi tình cảm yêu thương như ruột thịt. Tôi nói với ông chủ nhất định sẽ có dịp trở lại thăm.
Về phần công việc của chúng tôi ở chùa ngày càng thêm bận bịu, dân trong vùng đến lấy thuốc ngày một đông. Chúng tôi không lấy tiền bán thuốc mà tùy tâm mọi người công đức. Nhiều nhà có cây thuốc nam trong vườn đã đem đến hỗ trợ…
*
Thời gian thấm thoát thoi đưa, năm năm nữa nhanh chóng lướt qua, tôi đã trở thành một thầy thuốc giỏi và đã bước sang tuổi hai mươi bảy. Một tối ăn cơm mẹ bảo tôi:
- Con được như giờ mẹ rất vui mừng… mẹ chỉ còn mong điều nữa là con có thể xây dựng gia đình để mẹ sớm có cháu bồng cháu bế, được không?
Tôi thật sự bất ngờ khi nghe mẹ nói tới điều này. Chao ôi, làm việc gì dù khó khăn, vất vả tới đâu tôi cũng có thể cố gắng và hoàn thành tốt, nhưng việc này thì thật sự đã vượt quá khả năng của tôi. Ai sẽ là người yêu thương và dám lấy một người tàn tật như tôi! Ai có gan dám bước chân vào gia đình này, một gia đình chỉ có hai người con thì cả hai đều bị tật nguyền! Chính vì thế nên chưa bao giờ tôi giám nghĩ tới điều này! Tôi buồn rầu nói với mẹ:
- Mẹ biết đấy. Con không thể.
- Con hoàn toàn có thể, làm tất cả mọi thứ và mơ ước như bao người khác. Mẹ tin như vậy…
Chà, thật là gay go, tôi bắt đầu xét lại bản thân mình, suy đi tính lại tôi chỉ thua thiệt với người bình thường có mỗi cái chân, còn tất cả các mặt chẳng kém ai. Đứng trước gương tôi thấy mình chẳng đến nỗi nào: Da bánh mật, vầng trán cao, tóc rẽ ngôi gọn gàng, đôi mắt sáng, nụ cười tươi, dáng người cao ráo… vậy là tôi vẫn có hi vọng dẫu cho là một chút mong manh. Tôi điểm mặt tất cả bọn con gái trong làng, vừa điểm vừa nghĩ chẳng có đứa con gái nào chịu làm vợ  mình.
Đã mấy tuần trôi qua mà tôi vẫn chưa có cách gì để làm quen với một cô gái làng nào đó, bởi đến nhà chẳng dám, thân mật giao tiếp với chúng bạn thì rõ ràng không có điều kiện. Bọn con gái học cùng lớp trước đây đã chồng con hết cả, lớp đàn em chẳng quen ai, có lẽ tại tôi sống quá biệt lập với mọi người. Đang suy nghĩ chưa tìm ra giải pháp thì mẹ lại hỏi: 
- Sao rồi con?
Tôi trả lời nhát gừng vẻ buông xuôi:
- Con chịu thôi...
- Vậy mà có cô bé đang để ý tới con đó. Thử nghĩ kĩ lại xem xung quanh có ai thường quan tâm tới con không?
Tôi cau mày suy nghĩ, ai nhỉ, xung quanh mình ư. Có mẹ, có em, có thầy Nhân Tâm và các chú tiểu, rồi những người đi lấy thuốc hoặc lên chùa lễ Phật, họ chẳng liên quan gì tới chuyện có cô gái nào đó quan tâm tới tôi cả. Ai nhỉ!? Một cô gái ư? Thôi đúng rồi, chắc chắn là người con gái thôn trên có mẹ ốm nặng thường lên chùa lấy thuốc! Có lần nàng nói với tôi định đi tu luôn hay sao mà cứ ở trên chùa hoài vậy. Tôi ậm ừ cho qua chuyện vì cũng chẳng biết nói gì, nhưng thực ra câu nói ấy của nàng đã từng làm tôi mất ngủ nhiều đêm! Nhưng rồi tặc lưỡi, mình thế này ma nó cũng chả thèm nói chi tới người! Số phận an bài, tôi có duyên với cửa chùa lại hóa hay. Nói dại chẳng may mẹ qua đời tôi sẽ chăm sóc cho em trai, khỏi phiền hà rắc rối tới người khác…
- Thế nào, nghĩ ra chưa con?
Câu hỏi của mẹ cắt ngang dòng suy nghĩ kéo tôi về với thực tại, tôi ngượng ngùng ấp úng:
- Lẽ nào lại là cô bé có hai bím tóc xinh xinh hay đi bốc thuốc cho mẹ...
Mẹ cười nét mặt rạng rỡ:
- Đúng rồi, chính cô bé ấy. Lúc con bốc thuốc trên chùa nó thường lại nhà giúp mẹ rất nhiều việc đấy. Cô bé thật tốt nết, mẹ đã có lời gợi ý về chuyện này nó chỉ cười không nói. Từ hôm nay con phải tự mình tìm hiểu, nếu cảm thấy phù hợp yêu thương nhau thì bảo mẹ.
Tôi thật sự bất ngờ, lòng xốn xang, mới nghĩ đến nàng thôi tim đã giật thon thót, hai tai nóng bừng. Giờ làm thế nào để gần gũi và trò chuyện với nàng đây. Mình sẽ nói gì trước một người con gái? Làm thế nào để khỏi bất lịch sự lại làm cho nàng quan tâm tới mình nhỉ! Không ngờ việc này đối với tôi lại khó khăn đến thế, suốt đêm trằn trọc hết nằm lại ngồi, mình sẽ đi đứng thế nào, sẽ gặp nàng trong hoàn cảnh ra sao để dễ dàng xử trí nhất với bộ dạng này? Hay lại phải nhờ đến mẹ làm hậu thuẫn giúp nhỉ? Cho đến gần sáng thì mọi kế hoạch của tôi cũng đã cụ thể, rõ ràng, chỉ còn chờ thời cơ hành động…
Chập tối, khi mặt trời khuất núi, gió rừng lao xao. Tôi đang ngồi nghỉ dưới gốc cây hoa dẻ với một đống cây thuốc, hương thơm dịu ngọt của hoa dẻ xen lẫn mùi thơm của các loại lá thuốc khiến tôi thấy dễ chịu, huýt sáo vang lừng khi thấy nàng xuất hiện cách đó không xa. Nàng nghe tiếng quay lại reo lên:
- Ôi ! Anh Thuyên, anh đi đâu mà lại ở đây?
Tôi lúng túng mãi chẳng biết trả lời sao, dẫu cho đã có sự chủ động mà giờ đây trước mặt nàng tôi bỗng cảm thấy mình vô dụng quá, cứ thộn ra như thằng ngốc, ấp úng mãi:
- Hương… Hương làm gì? Tôi…tôi…
Ồ. Có lẽ tôi là kẻ đại ngốc mới xử sự như thế. Hương cười phá lên, tiếng cười giòn tan trong trẻo, đôi bím tóc đã được búi gọn lên hai bên đầu xinh xinh, chiếc nón lủng liểng phía sau lưng bởi sợi quai màu tím quàng qua cổ Hương sà đến bên tôi như một làn gió xuân mát rượi, cảm giác chưa từng có trong đời.
- Em đi kiếm củi, mà anh hái nhiều cây thuốc thế thì làm sao mang nổi. Thôi để em mang hộ cho.
Lại một bất ngờ nữa làm tôi càng thêm bối rối, vội xua tay rối rít.
- Ồ. Không sao tôi mang được, nay sư thầy và mấy chú tiểu đều bận nên tôi đi thay…
Rồi tôi lóng ngóng vơ vội đống lá thuốc về phía mình thì nàng đã nhanh chóng xếp gọn gàng và bó thành một bó. Nàng ôm lại chỗ củi của mình bước đi thoăn thoắt, tôi lật đật chống nạng bước theo.
- Ta về thôi. Anh vất vả quá, từ nay cứ hôm nào đi hái thuốc gọi em đi cùng em mang hộ cho, anh và thầy Nhân Tâm đã cứu sống mẹ em, em còn chịu ơn anh và thầy nhiều lắm. Giúp đỡ anh một chút thế này có đáng gì…
 Không ngờ mọi việc lại diễn ra một cách thuận lợi như vậy, nhưng mà không thể, tôi sẽ không gặp nàng nữa, dứt khoát là như vậy! Đây là một điều sỉ nhục đối với tôi. Một thằng đàn ông lại phải dựa vào sức khỏe của một người con gái liễu yếu đào tơ ư? Vì thế suốt quãng đường còn lại tôi cứ ậm ừ cho qua chuyện trong khi nàng cứ líu lo như chim họa mi. Khó chịu hơn nữa là những người trong làng thấy chúng tôi đi với nhau, họ tròn mắt chỉ trỏ rồi chụm đầu thì thầm to nhỏ khiến tôi càng thêm bực mình! Còn một quãng nữa thì về tới nhà, tôi một mực bắt nàng trả lại bó lá thuốc, nàng cẩn thận buộc bó lá chéo qua sau lưng cho tôi. Tôi không đem lá thuốc về chùa mà đem thẳng về nhà, Tôi ném bó lá thuốc rồi quẳng luôn nạng xuống sân. Tôi đổ vật xuống hè, mẹ chạy ra giật mình hốt hoảng:
- Làm sao vậy con? Mệt lắm hả, sao không lấy ít mà về sớm hơn…
Mẹ lật đật chạy đi rót cho tôi cốc nước rồi ngồi quạt như hồi còn bé. Cử chỉ âu yếm, lo lắng của mẹ làm tôi hối hận với hành động của mình, nhưng dù sao vẫn không đổi ý, tôi nói:
- Mẹ thấy con bất lực lắm không? Con, một thằng đàn ông lại phải nhờ vả vào sức lực của một người con gái chân yếu tay mềm, nhục nhã quá?
- Nhưng đã xảy ra chuyện gì, con kể mẹ nghe xem nào.
Tôi lầu bầu kể lại sự việc. Mẹ cười xòa:
- Ồ! Mẹ tưởng là chuyện gì, nó thương yêu con, nó muốn chia sẻ cùng con nó mới làm như vậy. Con cứ tiếp tục đi, đấy là những dấu hiệu tốt. Tại con cứ mặc cảm với thân phận đấy thôi, còn biết bao nhiêu kẻ lành lặn về thể xác nhưng tâm hồn, nghị lực họ còn không bằng con ấy chứ.
Nghe mẹ động viên tôi cảm thấy yên tâm hơn. Nghĩ lại cử chỉ, ánh mắt của nàng nhìn tôi lúc ấy sao mà trìu mến, sao mà thân thương khiến lòng tôi xao xuyến lạ thường. Rõ ràng nàng đã yêu tôi, hay tôi đã yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chẳng nhẽ nàng đã hi sinh biết bao nỗi niềm riêng tư, vượt qua bao rào cản vô hình để đến với tôi, tôi lại nỡ vì những suy nghĩ vô lý của mình mà phụ bỏ sao. Thế là những hôm tiếp theo cứ thấy nàng vào rừng kiếm củi là tôi cũng đi. Mặc mọi người xì xào, bàn tán. Ngọn lửa tình yêu được thổi bùng lên, cháy rụi cả những khiếm khuyết, mặc cảm, ranh giới. Sau này có lần tôi hỏi, vì hàm ơn hay lí do nào khiến nàng yêu tôi. Nàng nghiêng nghiêng đầu ghé vào tai tôi thì thầm: “Anh tưởng rằng chỉ vì mang ơn mà em quyết định lấy anh ư. Đấy chẳng qua chỉ là một phần nhỏ! Cái chính là em đã yêu anh với tất cả lòng cảm phục… chàng ngốc ạ…”. Rồi nàng di di ngón tay vào trán tôi mỉm cười mãn nguyện.
Hương trở thành cô dâu xinh đẹp trong ngày cưới… 
Còn tôi, tôi thấp thỏm lo âu về tương lai, hạnh phúc của chúng tôi khi vợ báo tin mình đã mang thai. Những giấc mơ kì dị không đầu không cuối cứ chợt đến, chợt đi khiến tôi càng thêm lo lắng! Tôi mơ thấy bầy quỷ con: con không đầu, con chột mắt, con cụt tay, con cụt chân thoắt ẩn thoắt hiện hung hãn lao vào cắn xé nhau tóe máu. Máu lênh láng phòng vợ chồng tôi, em tôi, mẹ tôi, cha tôi ngoi ngóp trong vũng máu! Tôi sợ hãi thét lên, tỉnh giấc. Những tiếng la hét của em tôi ở phòng bên dội lại, hình ảnh khủng khiếp trong lần sinh thứ ba của mẹ in sâu trong ký ức non nớt của tôi giờ hiện về mồn một! Bên cạnh vợ cũng thở dài trăn trở. Tôi bảo vợ từ nay đừng vào săn sóc em nữa, em có bầu phải giữ gìn sức khỏe, việc chăm em đã có mẹ và tôi làm, em nghe, khe khẽ nói:
- Mẹ cũng bảo thế… nhưng em là dâu con… chả nhẽ…
Tôi bảo: “Không sao, em có thể làm những công việc khác”. Dù không ai nói với ai nhưng nỗi sợ hãi luôn đè nặng tâm hồn chúng tôi.
Thế rồi vào một ngày tháng tám, trời trong xanh, Hương sinh bé gái ba cân hai bụ bẫm, kháu khỉnh và lành lặn. Lòng nhẹ nhõm, đến khi ấy tôi mới dám mỉm cười với những khóm hoa cúc vàng đang nở bung giữa bồn hoa trong sân bệnh viện…
                    

C.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 218
 Hôm nay: 1643
 Tổng số truy cập: 9243810
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa