Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Mật âm thầm (Truyện ngắn dự thi)
Mật âm thầm (Truyện ngắn dự thi)

Làng ấy nằm giữa hai con sông Hoài giang và Vân giang. Từ xưa làng như được trời đất ưu ái mà có cái tên thật mát trong mềm mại, làng Song Giang. Dù là giữa hai con sông nhưng làng tọa trên một cung đồi thấp thoai thoải về mọi hướng. Chính giữa làng là đình. Khuôn viên đình phải đến mấy mẫu ta, quá rộng rãi, khác hẳn với các đình trong vùng này. Sau đình là vườn nhãn rộng, trồng đã mấy chục năm. Vào vụ hoa, cách xa vài cây số đã nhìn thấy màn hoa nhãn giăng giăng như tấm chăn màu ngà xanh, tươi tươi phơi mướt nắng thơm như chờ đón đôi uyên ương khi trời trở lạnh. Người làng trước kia thường gọi là đình vườn nhãn nhưng từ khi Tân nuôi ong mật khắp vườn, làng lại gọi là đình vườn ong. 
Bây giờ đang tiết tháng ba, nắng xuyên trong vườn tạo thành những thanh sáng ngậm hơi sương xanh mờ như khói bếp. Hôm nay nhà Tân quay mật hoa nhãn đầu vụ. Hai thùng quay tay đặt giữa vườn. Cứ mỗi lần quay mật, làng xóm thông tin cho nhau rộn rã hẳn lên. Người lớn, trẻ con, đàn ông, đàn bà, rỗi thì đến góp vui câu chuyện, mừng cho nhà Tân đận này mật thơm, mật sánh. Trong tiếng ro ro, nhịp ngắt đều đều của thùng quay, vẫn chiếc mũ tai bèo bạc xác, bộ quần áo lính kiểu bu dông màu xanh lá cây, Tân xăng xái, gọi với:
- Cô Dịu, cô Hậu đâu? Tôi có việc cần đây!
Từ chỗ thùng quay mật, có tiếng đáp:
- Dạ! Dạ!
*
Phải mấy năm sau ngày giải phóng miền Nam, vào cuối buổi chiều một anh bộ đội dáng người cao gầy, mũ tai bèo, ba lô cóc tần ngần bước lên cầu Đợi theo lối về làng Song Giang. Bọn choai choai mách nhau: “Chú Tân về! Chú Tân về!”. Chúng rúm rít theo Tân, mấy đứa áo xả cánh két chạy vọt lên trước... 
Lối vào nhà Tân vẫn lặng lẽ như chín năm về trước. Mái đình rêu phong trầm mặc trong hoàng hôn sau chiến tranh. Chim sẻ lích chích gọi nhau trên bờ mái, đầu đình. Vườn sau đình còi cọc vài đám cây sắn, cây dong riềng trên đất cằn cỗi, lơ vơ cỏ dại. Tân bước vào cổng nhà mình, mẹ anh đang đứng giữa sân, tay cầm rá thóc cúc cúc gọi đàn gà. Bất ngờ nhìn thấy anh, mẹ khóc òa lên rồi chạy lại: “Tân ơi! Sao bây giờ con mới về, con có bị làm sao không? Con được về hẳn hay chỉ về qua nhà?”. 
Ôm chầm vai mẹ, nước mắt rơi lã chã... Hồi lâu, Tân nghẹn ngào: 
- Không sao mẹ ạ, con về phép thôi, con vào thắp hương cho bố đã! 
Tân bỏ mũ, cởi ba lô đặt xuống hè bước vào nhà quỳ xuống trước ban thờ bố...
Đêm ấy, Tân thao thức miên man. Ở giường bên mẹ biết Tân còn thức quay sang: 
- Con về phép lần này phải lấy vợ đấy nhé, cứ cho mẹ cô con dâu xong đi đâu thì đi!
Tân dạ rồi yên lặng. Mẹ ở nhà thui thủi từ khi bố mất đến giờ, may mà Tân còn sống trở về. Mẹ già yếu, lại không có ai ở cùng, đúng là anh phải lấy vợ thôi. Nhưng một kỳ nghỉ phép, liệu có đủ thời gian cho Tân vừa tìm hiểu, vừa lo cưới hỏi? Sáng dậy, anh xin phép mẹ ra triền đồi cuối làng thăm mộ bố. Qua lối mòn cũ lòng Tân nôn nao. Sự sống thật bền bỉ, bao nhiêu năm Tân đi xa, hòn đá bến to phẳng, bằng bịa như chiếc chõng tre, dấu mốc giới đoạn sông Vân của làng lại là nơi rửa ráy mà các cụ xưa để lại vẫn còn nguyên kia. Tân đến mộ bố. Giọt nước mắt rơi xuống những cụm cỏ gừng nhọn lá. Làng quê trong Tân bỗng chốc hiện thêm ngọn khói nhang ngoằn ngoèo, thầm thào hơi thở núi đồi.
Tân trở về nhà, khi đi qua hòn đá bến, anh nhìn thấy một người con gái đang lom khom rửa hai rổ sắn củ. Mái tóc dài cặp ngang thả buông trước ngực vừa chấm nước mặt sông. Anh bước xuống gần bến. Nghe động, cô gái ngẩng lên sững sờ:
- Ôi anh Tân! Nghe mẹ em nói anh về chiều qua mà nay đã ra đồi sớm thế!
- Ô... anh chào Dịu! Anh ra mộ thắp hương cho bố, bây giờ em làm gì?
- Em tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp mà đang phải ở nhà trồng sắn đây! Bố em mất rồi anh ạ, anh được về lâu không?
- Anh nghỉ phép nửa tháng. Thời gian có thế mà mẹ đang bắt anh tìm và lấy vợ ngay... Gay go quá em ạ!
Dịu nhìn lướt mặt sông sang mãi bờ bên kia. Những vòng nước sóng sánh tròn quanh hai bắp chân trần trắng nõn của cô loang loang, lấp lánh trong nắng ban mai. Cô mủm mỉm khẽ khàng:
- Có gì mà gay go anh, con gái xóm ta tầm tuổi em còn ứa ra!
Tân bất ngờ táo bạo hóm hỉnh:
- Vậy em giúp anh nhé! Bây giờ chúng mình thỏa thuận thế này: “Nếu em đồng ý giúp anh thì anh xin mấy củ sắn để làm tin!”.
Cùng xóm với nhau Tân biết Dịu khi còn tuổi chăn bò, Dịu cũng biết quá rõ tính nết và gia cảnh của anh. Cô mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt Tân: “Anh có bưng hết cả hai rổ sắn em cũng cho...”. Dịu khúc khích bước lên, đi lại bờ dứa gần đó lấy đoạn dây leo, chọn hai củ sắn to nhất kèm ba củ nhỏ buộc lại dủm dỉm đưa cho Tân. Yêu cầu thỏa thuận đầy ngỡ ngàng, lại rất lính của Tân đã mở ra mầm nụ ân tình non mướt trong lòng Dịu. Dịu tự tin, sắc sảo quá. Cô đã đẩy mấy củ sắn lên thành mở lòng, thành mong muốn có một gia đình xum xuê hạnh phúc. Xua tan hết những năm tháng vắng xa của hai người con cùng xóm, cùng làng. Bây giờ gặp lại, Tân được tự nhiên bước qua bỡ ngỡ khó nói ban đầu...
Giữa kỳ nghỉ phép, Tân và Dịu tổ chức đám cưới. Làng xóm vui lắm, vui nhất vẫn là hai bà mẹ của Tân, Dịu. Có Dịu ở nhà chăm mẹ, Tân yên tâm trở lại đơn vị. 
*
Đã dăm năm từ ngày cưới, Tân thêm mấy lần phép nữa nhưng Dịu vẫn son đuột... Hai mẹ sốt ruột. Tân, Dịu lặng lẽ thương cảm an ủi nhau. Tân cố tìm những lý do để mong ước, hy vọng có được mụn con. Nghĩ rằng do mình cứ đi xa biền biệt, chuyện gối chăn non hiếm dịp may, chiến tranh biên giới kết thúc, Tân quyết định xin giải ngũ. Phải xa đơn vị thật buồn, nhưng anh tin được sống gần nhau, anh và Dịu sẽ có con. Chập chờn, thắc thỏm... Khi hy vọng đã mỏi mòn, hai người đến các bệnh viện, cơ sở chuyên môn. Tân gặp riêng bác sĩ... Anh quá choáng váng khi biết mình bị nhiễm chất độc da cam không thể có con.
Trời buồn ụp xuống. Tân không biết nên đi đâu, làm gì nữa. Anh ngơ ngẩn hàng tháng trời... Ngày ngày như từ bản năng, vô thức anh thất thưởng ra mộ bố, ngồi khóc như một đứa trẻ. Lang thang dọc đê Hoài giang, Vân giang nhìn những bờ cây dại, anh lại về ngồi dưới gốc bồ đề trước sân đình. Anh lững thững quanh khu vườn đình khum hai bàn tay cào vốc từng vốc đất khô rang, mười đầu ngón tay đỏ lừ tướp máu. Anh trầm trầm nhìn từng hạt đất vô tri rồi thả buông ngửa mặt nhìn trời... Nắng mưa, thiếu đói, bom đạn chiến trường như cùng lúc dữ dội ào về đớn đau, xót xa thâm quầng trong mắt.
Tân xọp đi khủng khiếp. Vợ, mẹ anh đã nhận ra, họ cố gặng hỏi, động viên nhưng Tân chỉ chung chung: “Cả đời lính chiến trường, thương binh, bệnh binh, sáu năm ở rừng, sốt rét hành hạ, sức khỏe kém là đương nhiên, có gì đâu ạ”. Miệng nói thế nhưng lòng Tân buồn nản, trống rỗng kiệt cùng. Không thể có con, anh đau đớn đã đành một nhẽ nhưng còn Dịu...? Dịu đến với anh, vì anh, thật hồn nhiên, vô tư như củ sắn, ngọn rau, không đắn đo hơn thiệt, tảo tần, chịu đựng, lại có cả ân tình làng xóm, nghĩa nhân, trân trọng hy sinh máu xương của người đã vì dân, vì nước... Không thể thế này mãi, Dịu phải được làm mẹ, được nương cậy người chồng khỏe mạnh, cùng Dịu nuôi dưỡng ươm mầm hy vọng mai sau...
Nghĩ thế, một hôm nhân khi mẹ đi đám giỗ ở làng bên, Tân nói với Dịu:
- Anh bị di chứng chiến tranh, không thể có con cho em được, em còn trẻ còn tương lai, phải lấy chồng khác em ạ... Chúng mình ly hôn!
Dịu sững sờ giây lát rồi nghiêm mặt nhìn thẳng vào Tân: Anh nói gì thế? Vợ chồng đâu phải chuyến đò lỡ gặp qua sông, chả lẽ em hèn đốn, ích kỷ vậy sao? Biết đâu hiếm muộn là do em, có bệnh thì chữa bệnh, không sinh con thì đã sao, xin con nuôi. Vợ chồng đầu gối tay ấp, em buồn vui sống chết cùng anh, không rời xa anh được. 
Tân cúi mặt, lặng yên một lúc anh nhìn Dịu kiên quyết:
- Do anh! Anh đã nghĩ kĩ rồi, em nghe lời anh đi. Nếu thương anh, em nên lấy chồng khác, con em sau này cũng là con anh!
- Đó là ý anh, em không chấp nhận!
Dịu đổ gục xuống vai giường... Mái tóc cô xõa ra đen nhói lòa xòa trên nền nhà gạch bát nhợt nhạt màu gạch cua.
Những ngày sau đó Dịu thường lên đồi sắn, khi về rẽ xuống ngồi hòn đá bến. Vô chừng xa xăm nơi bờ bên kia. Thỉnh thoảng chim bói cá từ lùm cây bất ngờ bay ra bổ nhào xuống dòng sông lặng mờ nước cũ. Hôm nào cũng thế, chỉ đến khi nghe tiếng ho khúng khắng của Tân ở đầu lối rẽ, cô mới đứng dậy vô hồn bước theo anh...
Đêm đêm Dịu ngồi ở cuối giường mặt quay về phía bàn thờ bố như một pho tượng cựa quậy. Tân nói thế nào, Dịu vẫn ngồi... Cho đến một đêm đã quá khuya, khi Tân trở mình, Dịu đanh tiếng:
- Ngày mai em thắp hương cho bố!
Nói rồi, cô đi ngâm nếp ngay. Mờ sáng hôm sau Dịu dậy bóc mấy củ sắn tươi nạc bộn đồ với nếp. Thêm dăm lạng thịt, bẻ mấy chùm nhãn đặt lên ban thờ, Dịu nghẹn ngào:
- Bố ơi! Con về làm dâu nhà ta khi bố đã mất... Mẹ thương con, anh Tân thương con, cho con vinh phận dâu nhà được dịp giỗ chạp, tết nhất thắp hương cho bố... Bố đã thương chúng con... nay vì khó đường con cái, anh Tân kiên quyết ly hôn để con đi bến khác cậy nhờ nhưng con không thể... Bố ơi con đau lòng lắm, con phải làm thế nào bây giờ...
Trong nhòe nhòe nước mắt của Dịu, ba que nhang cháy ba tim lửa vàng trầm. Dịu đâu biết từ lúc cô khấn, mẹ vẫn đứng lặng im, tay vịn đố cửa nhìn lên ban thờ, lắng theo lời Dịu. Nhìn ba que nhang lửa chưa chịu tắt, bà nhẹ nhàng bước vào kéo vạt áo Dịu, lau nước mắt cho cô rồi xa xót: “Tân nó nghĩ phải đấy con ạ, con nghe nó đi, bố con cũng hiển linh rồi đấy!”. Dịu gục đầu vào vai mẹ nghẹn nấc lên liên hồi...
Sau ly hôn, Tân xây cho Dịu một căn nhà lợp ngói ngay trên đất nhà mình. Sân chung hai nhà ngăn tạm thời bằng một đoạn tường gạch thấp dưới đầu gối. Ngày ngày họ vẫn chăm chút cho nhau khi trái gió trở trời, khi chất độc da cam, sốt rét, viêm gan, vết thương trong người Tân hành hạ. Tuy không nói ra nhưng cả hai đều ao ước cho nhau, Tân rất mong Dịu sẽ được làm mẹ, thầm nhủ sẽ coi con của Dịu là con của chính mình. Dịu cũng hy vọng sức khỏe Tân sẽ khá lên, biết đâu... biết đâu... 
*
Cuộc sống, có những bất ngờ thật khó lường. Khi Dịu đã một mình một căn nhà, Hậu là gái chưa chồng ở cùng xóm, kém Dịu mấy tuổi vẫn thường qua lại chơi với Dịu. Hai người tưới vườn rau, chăm con gà con ngan, căng sợi dây phơi, lau chùi hai chiếc xe đạp cọc cạch. Thường khi ấy Tân ở sân phơi nắm lá thuốc, ngồi dưới gốc nhãn nhâm nhi chén trà. Anh hay bị Hậu từ sân bên kia bạo mồm:
- Anh Tân ơi! Em xin chị Dịu rồi, em sang ở với anh nhé!
Nói xong Hậu nhìn Dịu, lại ý tứ nhìn Tân. Mấy lần như vậy, Tân chỉ đáp một câu chân thành xa xót:
- Các cô biết sức khỏe khốn khổ của tôi rồi còn gì!
Cứ thế, chả biết Hậu có thầm thì gì với Dịu không nhưng một hôm nhân lúc Dịu lúi húi nấu ăn trong bếp, thấy Tân đang ngồi một mình bên chiếc bàn cạnh gốc nhãn già, Hậu bước qua bức tường ngăn sân, ngồi đối diện với Tân. Cô mở lời:
- Anh Tân! Anh không thể cứ ở mãi thế này được, nhiễm chất độc da cam như anh cũng nhiều chứ, bồi dưỡng tốt người ta vẫn có con đấy thôi. Em tin khi khỏe dần lên anh vẫn...
- Tôi biết các cô rất thương tôi, nhưng điều đó là không thể. Cuộc đời thế rồi, phải chấp nhận thôi!
Gương mặt Hậu quyết liệt:
- Vậy đành chịu à? Em tin sức sống đàn bà trong em. Em đã tâm sự với chị Dịu... Em sẽ đến với anh, chả lẽ vì dân, vì nước mà anh chịu thiệt thòi. Em tin ở em nên anh cũng phải tin ở em. 
Tân thở dài hai tay chống gối, lầm thầm vừa đủ nghe: “Không thể! Không thể... ”.
Tháng ngày này tâm trí Tân tập trung hết vào lo cuộc sống gia đình. Sức khỏe của anh không cáng nổi những việc thôn quê nặng nhọc. Chất độc da cam nặng, lại thương bệnh binh, nghỉ ngơi trụ được đã khó nói gì đến việc này, việc nọ. Nhưng không làm lấy gì nuôi thân, nuôi mẹ? Tiền trợ cấp chính sách chỉ đủ thuốc thang cho Tân, cho mẹ lúc yếu đau, trái gió trở trời. Biết làm gì bây giờ...?
Sát ngay đường làng trước nhà Tân là vườn sau đình. Mấy nhà quanh quanh rủ nhau trồng vài vạt sắn, mấy bầng dong riềng cho đỡ tiếc đất. Nhưng rồi chả ai dám mang phân tro đến vườn đình làm màu cho đất nên cây cối thưa dần, bỏ hoang cỏ mọc. Không biết Tân đã âm thầm những gì nói với ai, vào sáng mưa phùn sau tết năm ấy, một chiếc xe “cub” mình lấm như trâu đất chở hai sọt cây nhãn giống dựng ở cạnh vườn đình. Đương nhiên mình Tân không thể trồng một ngày cả trăm cây nhãn. Phải nhờ Dịu, Hậu giúp sức. Mẹ ở nhà nấu ăn, cả ngày hôm ấy Dịu, Hậu ăn cơm bên nhà Tân.
Tiết xuân năm sau, khi những cây nhãn vào độ mởn lớn, các loại hoa nở khắp triền đồi, mé sông như những tấm giăng đủ màu bập bềnh trong nắng sớm, dân xóm đình gặp Tân và Hậu đẩy hai chiếc xe máy vào cổng nhà Tân, trên xe là mấy thùng ong mật. Thấy Tân và Hậu về, Dịu vội bước qua tường ngăn sân đẩy xúm xe tươi cười:
- Phải cho tôi chung với hai người đấy nhé!
Hậu mủm mỉm nhìn Dịu rồi liếc nhanh Tân...
*
Là người rất trân quý, giữ gìn những gì mình có, được giúp đỡ những công việc cần thiết hàng ngày, lại ở giữa miền đồi mát mẻ trong lành hương sắc thiên nhiên, mấy thùng ong như cũng thương Tân mà san đàn, chia tổ. Vụ xuân hè ấy, Tân quay được dăm chục lít mật. Cả xóm kéo nhau đến chung vui. Vui nhất là mẹ Tân, Dịu và Hậu. Họ biết với Tân bây giờ, nuôi ong không chỉ kiếm thêm đồng ra đồng vào mà còn là đam mê công việc, giúp Tân vượt qua những buốt nhức, yếu đau, tổn thương, nhiễm độc trong anh, có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua tất cả. Tân đã nhân thêm được mấy chục thùng ong. Những chai mật hương nhãn, vải, tràm, sen từ ong nhà Tân thơm ngon có tiếng trong vùng. Sức khỏe Tân cũng khá hơn nhiều. Nhờ bận rộn với ong mà Tân, Dịu, Hậu cứ tự nhiên sống bên nhau nhân nghĩa, ân tình. Cái ranh giới, ước lệ xã hội chỉ thoang thoảng đâu đó và hầu như không ảnh hưởng đến lòng tin, sự kính trọng, nỗi thương cảm mà họ dành cho nhau. Hậu quan tâm chăm sóc Tân nhiều hơn... Nhưng có hy vọng, yêu thương nhau bao nhiêu, cái ác độc man rợ của chiến tranh đã hủy hoại mầm sinh trong Tân dù cho có những lúc gió mưa, Tân đã quên tiếng thở dài để Hậu gần gụi bên anh... 
Nhiều lần Tân nhỏ nhẹ, giận dỗi lại kiên quyết, gắt gỏng để Dịu, Hậu không vì anh mà từ bỏ quyền làm mẹ nhưng hai người dứt khoát không nghe. Họ vẫn ngày ngày cơm cháo, nâng giấc mẹ Tân, phụ việc theo dõi, khám bệnh ong, chăm sóc vườn cây, khóm hoa cho ong tìm đến. Họ tìm thuốc, tìm lá cho Tân qua cơn yếu đau, vật vã. Không ai bảo ai nhưng cứ thế họ thương Tân đến mức quên cả mình đang còn rộng đường làm mẹ.
Vào một đêm trăng, mẹ Tân đã đi ngủ, lấp lóa dưới gốc cây nhãn già, vẫn là bóng của ba người, Tân dứt khoát:
- Tôi sẽ xin con nuôi, tôi không thể làm khổ hai người mãi được!
Những tưởng nói thế Dịu, Hậu sẽ yên tâm xa anh nhưng không ngờ Hậu nói ngay:
- Đạo lý quá, chúng mình sẽ có con nuôi!
Dịu đồng tình: 
- Tôi cũng nghĩ như thế mấy năm nay rồi!
Dịu, Hậu đã vậy khiến Tân vừa áy náy, vừa an lòng, anh còn biết nói gì nữa.
Lần lượt các cháu có hoàn cảnh éo le trong vùng đã ấm áp trong vòng tay gia đình Tân... 
Năm tháng qua đi, Tân gầy đét, da bủng tái nhưng anh vẫn gan góc chịu đựng, chống lại đớn đau của chất độc da cam và chứng bệnh âm ỉ. Các con khôn lớn nên người. Chúng thương Tân đến mức xin bố để được lắp các “cam” trong nhà, ngoài cổng, lắp tràn sang khắp vườn ong rồi phân công nhau theo dõi sức khỏe của bố từng ngày. Tân nói:
- Biết các con thương bố, mẹ nhưng các con không phải lo sức khỏe của bố. Bao năm chiến trường ác liệt, quen dạ củ chuối rừng, uống nước hố bom đầy những phân voi nồng khẳm, cho qua ngày đói khát, bố còn qua được nữa là!
Mẹ Tân qua đời ở tuổi ngoài chín mươi. Khi biết sắp phải xa con, bà nói với Tân:
- Con ạ! Ở đời không phải lúc nào cũng giày vò, khư khư cao cả cho mình. Dịu, Hậu quá tốt đấy, thương nhau mà sống con nhé... 
Mẹ nói đúng, ai biết được cái tình chung loài giống của những con ong nhỏ bé, chúng gió sương nhụy phấn âm thầm sống bên nhau chắt chiu mật ngọt... chả lẽ cứ con người là dây vướng tham sân si, toan tính, lợi lộc, mưu mô... Không sống với nhau ân tình nhân nghĩa được sao? 
*
Sau tiếng dạ, dạ... 
Trong khi chờ Dịu, Hậu đi tới, Tân xởi lởi:
 - Bà con ai thích, biết nuôi ong tôi cho mỗi nhà một thùng về nuôi nhân đàn. Mật tôi bán giữ đủ vốn, còn lại làm từ thiện cho nạn nhân chất độc da cam, trẻ em bại liệt và anh em thương bệnh binh trong vùng. Có tiếng lao xao:
- Tình ong trong tình người, ham ong, siêu ong như bác Tân mới nuôi được hơn trăm đàn chứ “ông kễnh” bọn tôi nuôi buổi sáng, chiều ong bỏ đi hết!
Tiếng cười râm ran. Tân mời mọi người xơi nước rồi quay sang Dịu, Hậu vừa đứng bên cạnh:
- Các cô tính xem lượng mật sáng nay làm từ thiện bao nhiêu, khách đến lấy bao nhiêu để còn quay tiếp!
- Dạ! Dạ!
Hai thùng quay vẫn ro ro nhịp ngắt đều đều. Mùi mật nhãn đầu mùa đằm thơm đến lặng người. Nắng rọi qua tán lá, đậu trên vai áo lính chút màu vàng ươm xôm xốp, mơ mơ... Hương hoa âm thầm cuốn bước chân Tân trong vo vo quạt cánh bầy ong miên mải vườn làng. Anh ngước nhìn vòm cây, nơi những cành nhãn vươn hết mình giao tán bung hoa. 
Thầm cảm ơn trời đất, Tân bước giữa các thùng ong chưa quay, những con ong bay theo anh như mang trên đôi cánh mỏng manh bền bỉ tiếng mùa ngọt thương sương gió. 
- Mẹ nói đúng! Sao những con ong sống ân tình đến thế...?
            

V.Q.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 111
 Hôm nay: 4401
 Tổng số truy cập: 7440528
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa