Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Ngàn cánh hạc
Ngàn cánh hạc

Tôi hứa với Bo là sau này tôi phải kiếm thật nhiều tiền để đưa em ấy đi sở thú lớn nhất nước và đi phẫu thuật thẩm mỹ. Mới hơn bốn tuổi nhưng Bo đã phải trải qua mấy ca mổ sửa hàm ếch và uống bao nhiêu thuốc chống động kinh. Mọi người thường nhìn em ấy bằng ánh mắt thương hại, đôi lúc dè chừng con nhỏ khi chúng chơi cùng Bo. Họ gọi Bo là cậu bé có đôi mày sâu róm và chiếc miệng ếch. Nhưng đối với tôi, Bo là một thiên thần. Đôi mắt em ấy đen tròn mỗi khi không trụp xuống. Chiếc mũi em ấy hơi tẹt nhưng thính hơn cả một chú chó. Nhờ thế, dù chơi ở ngoài đường cái, Bo có thể đánh hơi mẹ đang làm bánh xèo và kéo tay tôi chạy ù về đánh chén. Ngày ngày, sau giờ tan trường, tôi cõng Bo ra vườn sau. Đó là sở thú đẹp nhất mà tôi có thể đưa em ấy đi. Ở đó có rất nhiều ngựa, chim chóc, đà điểu, lợn lòi và cả báo đen. Có lần, anh Quân nói nhỏ gì đó với Bo và em ấy hỏi tôi:
- Có phải anh là đồ nói dối không?
- Sao em lại nói như vậy?
- Những con kia là gà không phải đà điểu và còn cả con mèo đen của bà Ngạn chứ chẳng phải báo đen báo điếc gì đúng không?
- Em đừng để những lời của anh Quân làm ảnh hưởng chuyến đi của chúng ta. Nào, hãy leo lên lưng ngựa và ôm chặt lấy anh. Chúng ta sẽ đi dạo quanh sở thú…
Bo ngoan ngoãn leo lên cành ổi, ôm chặt vào bụng tôi và cười ha hả thích thú. Những lúc không chơi cùng Bo, tôi lang thang khắp nơi kiếm trò. Thi thoảng bà nội cho tôi vài nghìn tiền lẻ mua bi. Bộ sưu tập bi của tôi ngày một nhiều vì tôi khá lanh lẹ, như lời mẹ thường nói. Nhưng tôi cũng là đứa luôn mang phiền phức đến cho gia đình. Nhà tôi ở gần nông trường cao su và tất cả buổi trưa tôi đều không ngủ mà tìm cơ hội lẻn vào vườn cao su nhặt nhạnh mủ thừa còn sót lại trong bát. Tôi lột những dây mủ còn dính cả trên cây để cuộn lại thành quả bóng cao su có độ bật tuyệt vời. Bọn trẻ trong làng chạy theo tôi xin được chơi ném bóng. Cảm giác được làm chủ một đồ chơi thật sung sướng. Nhưng cái giá phải trả cũng rất chua xót khi không ít lần tôi bị ông bảo vệ rượt đuổi. Có lần ông ta đã tìm đến nhà và bố tôi đã cho tôi một trận nhừ đòn. 
Một thời gian dài bố thất nghiệp do bị tai nạn ở chân. Một mình mẹ đi làm, lúc thì phụ việc ở quán ăn, lúc thì phụ hồ, vác gỗ không khác gì đàn ông. Mẹ thực sự vất vả khi phải gánh vác tất cả. Rồi bố thường đi theo lão Tam và lão Quyển, những bậc thầy trong làng uống rượu đứng. Bà tôi hay nói như vậy. Tôi cũng học lỏm những câu nói tục từ bố và những bạn nhậu của ông. Thi thoảng anh Quân bảo tôi vào trận đánh nhau thay anh để trả công những lần anh dạy tôi gấp thuyền, làm lồng đèn và xếp hạc giấy. Ông trời ban cho anh ấy sự khéo léo. Anh ấy có thể làm mọi thứ từ giấy, còn tôi chỉ biết đánh nhau và tôi luôn thua vì tụi nó quá to con. Chửi tục là cách trả đũa duy nhất tôi có thể làm khi không đủ sức đánh trả. Có lần tôi bị ăn một nắm đấm vào miệng, rách môi. Bố đã đánh tôi một trận và tôi đã đứng ôm cột nhà nghiến răng chịu đựng những đợt roi tứa máu của bố. Anh Quân sợ tái mặt dọt lẹ ra cửa sau. Có lẽ những trận đòn của bố khiến tôi trở nên lì đòn hơn. Những lúc như thế, con quỷ trong tôi cười khanh khách. Nó thường rủ tôi làm những điều quỷ quái lúc tôi chán nản, những lúc không ai muốn ngó ngàng đến tôi. 
Thường vào năm mới, mọi đứa trẻ đều có quần áo mới. Nhưng nếu tôi nhớ không nhầm thì từ khi tôi nhận thức được chuyện quà cáp, chưa bao giờ tôi nhận được món quà Tết nào. Quần áo của tôi thừa hưởng từ anh Quân và phần lớn quần áo của anh Quân là đồ cũ của các anh họ. Tôi còi cọc nên hầu như quần áo không chật mà chỉ có sờn rách. Ngày mùng bốn Tết mẹ mới đưa chúng tôi đi thăm ông bà ngoại. Anh Quân bảo mùng bốn là hết Tết rồi, không ai mừng tuổi vào ngày này nữa và mẹ chúng tôi cũng đỡ áy náy vì không có phong bì đỏ để lì xì cho bọn trẻ. Chúng tôi cũng được dạy là không được nhận bao lì xì của ai. Mẹ chỉnh sửa quần áo và chải tóc cho ba anh em. Tôi xỏ chân vào giày. Hơi chật. Mẹ bảo cũng không đến nỗi chật đâu, nhất thiết phải trụ được đến hết năm học. Tôi liếc nhìn bố rồi lập tức chạy tới chỗ ông đang ngồi hút thuốc: “Bố ơi! Giày của con chật rồi. Bố mua cho con đôi mới đi!”. “Đừng nói chuyện tiền với bố lúc này…”. Mặt tôi xìu lại quay đi, miệng lằm bằm “Thật xui xẻo vì có một ông bố nghèo!”. Bố đưa mắt nhìn tôi vẻ giận dữ. Ông vứt cái đầu lọc xuống sân rồi đứng dậy bỏ đi. Anh Quân chạy tới xô ngã tôi: “Mày đúng là đồ quỷ thật mà. Mày không nhớ bố đang thất nghiệp à?”. Hôm đó tối mịt bố mới trở về và sặc mùi rượu. Bố ngồi trước cửa đốt thuốc hết điếu này đến điếu kia. Tôi lân la đến sau lưng bố. Tôi muốn xin lỗi bố vì lời buột miệng của mình. Vô tình tôi dẫm phải chiếc điện thoại đen trắng của bố. Xong, tôi nghe thấy tiếng kêu răng rắc dưới dép mình. Lập tức bố đứng vụt dậy, cánh tay to dài vung vào mặt tôi kêu “bốp”. “Mày lại muốn đòi cái gì? Tiền hả? Tiền đấy, dưới chân mày đấy. Cả ngày nay tao đợi một cuộc gọi trả lời của người ta để đi làm kiếm tiền cho chúng mày mà không có đấy. Thôi, hết.”. “Sao anh lại đánh con đến nỗi chảy máu thế này!” - Mẹ lao từ nhà bếp lên, hốt hoảng ôm lấy tôi. “Nhìn này! Gãy mất một cái răng rồi. Môi cũng bị chảy máu…”. Tôi nhìn bố rưng rưng, chờ một cái ôm hay đại loại như thế. Nhưng không, bố vắt áo lên vai rồi bỏ đi. Mẹ chạy xuống bếp, lạch đạch bê lên ca nước muối thần thánh bảo tôi cố gắng chịu đau ngậm một ngụm. Xong rồi, mẹ lấy khăn ấm lau mặt cho tôi. 
Trở lại trường học, một số đứa bạn khoe quần áo mới hoặc tiền mừng tuổi. Còn tôi thì nhìn xuống đôi giày sờn cũ của mình và nghĩ đến chiếc răng bị gãy. Rồi mùa bi, mùa chơi gụ đến, tôi không còn bận tâm chuyện đôi giày cũ nữa. Để có tiền mua bi, tôi nhổ tóc bạc cho bà. Nhưng phải mất mấy buổi trưa bà mới cho tôi vài nghìn tiền lẻ. Khi số bi trong túi vơi dần và nhận thấy công chuyện làm ăn với bà không thuận lợi, tôi lang thang nghĩ cách. Khi đi ngang vườn cao su, con quỷ trong tôi lại cười khanh khách: “Cơ hội đến rồi, lão bảo vệ đã ngủ say trong lán”. Tôi lập tức lẻn vào nông trường với ý nghĩ sẽ mót mủ cao su đi bán. Tôi hăm hở vét sạch mủ trong bát bỏ vào túi nilon. Có lúc mãi mê tung tăng, đùa nghịch giữa rừng cao su bạt ngàn xanh ngắt, tôi quên mất mình có thể bị tóm bất cứ lúc nào. Và kết quả là tôi đã bị xách tai kéo về nhà. Sau khi vét sạch túi đền tiền mười hai chiếc bát tôi lỡ làm vỡ, bố bảo tôi đứng ôm cột nhà đợi ông đi lấy roi mây. Ngửi thấy mùi nguy hiểm, tôi chạy một mạch đi trốn đến tối mịt mới mò về. Hôm ấy mẹ đi làm thêm ở quán ăn đến tận khuya nên tôi không dám vào nhà. Mọi người nháo nhác đi tìm tôi khắp nơi. Bà nội soi đèn và thấy tôi ngồi ngủ quên sau chuồng gà. Bà dắt tôi vào nhà, xoa dầu vào những chỗ muỗi đốt. Bố túm lấy tai tôi kéo ra sân và phụt roi không trượt phát nào. Mặc bà can ngăn, bố dồn tất cả tức giận lên những nhát roi. Tôi cũng không nhớ bố đã đánh bao nhiêu roi, chỉ biết rằng đứa lì đòn như tôi cũng phải gục xuống vì đau và đói. Trước mắt tôi là một con quỷ dữ “Đồ độc ác”, tôi cố hết sức hét lên rồi lịm đi… 
 - Tại sao bạn lại nói với bố mình như thế, Phúc? Ắt hẳn ông ấy đã rất buồn bực và không kiểm soát được cảm xúc. Tôi tin ông ấy cũng đang rất khổ tâm.
- Nếu biết khổ tâm chắc hẳn ông ấy đã không làm vậy. Không ai yêu thương tôi cả. Mỗi lần đánh tôi, ông ta đều gọi tôi là “đồ quỷ”. Nhưng tại sao ông ấy lại sinh ra tôi có quỷ trong người và còn là “đồ rẻ rách” , sao tôi không biến mất đi cho khuất mắt để bố mẹ tôi không phải nghe những lời trách móc, càm ràm của hàng xóm mỗi khi tôi gây rắc rối? Dường như mỗi khi xảy ra chuyện gì không hay, người đầu tiên mà họ nghĩ đến là “thằng Phúc con trai ông Thân chứ ai vào đó nữa…”.
- Tôi không tin được những điều bạn nói. Từ khi tôi biết bạn, tôi chỉ nhìn thấy một cậu bé luôn nhiệt tình với bạn bè, vui vẻ và lạc quan. Bạn cũng thông minh, nhanh nhẹn và quan tâm người khác.
 Có lẽ đây là lần đầu tiên có ai đó khen tôi hết lời như vậy. Tôi rất tò mò. Nhưng bố tôi từng nói đàn ông thì phải giữ lời hứa. Tôi sẽ không cố tìm hiểu người bạn viết thư để trong bàn học của mình mỗi ngày là ai. Có một người bạn bí mật cũng thật thú vị. Ngoài kia tôi không có được một người bạn thật sự. Bởi vì tôi quá nghèo và người lớn cũng không ai muốn con cái họ chơi với một đứa tinh quái như tôi. Cô Quỳnh đến chủ nhiệm lớp tôi từ cuối tháng chín thay cho thầy Nam. Thầy Nam đã từng lắc đầu khi nói chuyện với mẹ tôi, rằng: “Phúc là học sinh cá biệt cần phải có sự giáo dục nghiêm khắc”. Mẹ tôi cố gắng thanh minh: “Tôi biết Phúc rất hiếu động nhưng cháu cũng là một đứa trẻ tình cảm”. Ngay lập tức thầy nhăn trán lại, dẫn chứng những lỗi lầm của tôi. Vụ thứ nhất là đái vào giày của bạn vì bạn không cho chơi chung. Lần đó thầy đã búng vào chim tôi và bắt tôi tự đái vào giày của mình trước mặt các bạn. Tiếp đến vụ thứ hai là đánh nhau trong lớp. Khi ấy các bạn trêu đùa Linh vì nhà bạn ấy nghèo đến nỗi đi mãi một đôi giày hở mũi và tôi đã cảnh báo không nên làm như vậy. Nhưng tụi nó còn cố gán ghép, trêu chọc chúng tôi và tôi đã cho tụi nó một bài học. Lúc ấy tôi thầm cảm ơn những trận đòn của bố và cả những lần ra trận thay anh Quân đã giúp tôi trở thành đứa cứng đầu, đánh nhau không biết đau. Kết quả là thầy Nam đã véo tai tôi xách lên phê bình trước toàn trường vì đánh các bạn. Mặc dù lúc ấy mới tám tuổi nhưng tôi đủ hiểu được điều tệ hại của việc bắt nạt và dè bỉu bạn bè là như thế nào, đặc biệt là đối với một bạn gái. Sau lần đó, tôi không muốn đến lớp nữa. Tôi thường la cà dọc đường và trễ học, thậm chí cúp học vài lần. Ngồi trong lớp học nhưng đầu óc tôi chỉ đầy hình ảnh những quả bóng cao su nhảy nhót và những viên bi thi nhau lăn tròn trên sân. Những tiết học nhồi nhét nhàm chán. Thời gian tắc nghẽn. 
Cho đến khi cô Quỳnh xuất hiện dịu dàng trong tà áo dài màu xanh ngọc. Cô đến gần, cúi thấp người hỏi han từng bạn để làm quen. Hành động đó của cô khiến tôi đánh giá cao, bỏ qua chuyện cô có mái tóc xù trông thiếu thẩm mỹ. Một lần, khi tôi đang hí hoáy vẽ vời lên bàn, cô đến gần hỏi tôi làm xong bài chưa. Thấy đáp án bài toán sao của tôi giữa một loạt chữ số nguệch ngoạc, cô đã hét lên. Cô đưa tay xoa hai má tôi, vuốt vuốt mái tóc mì tôm của tôi rồi kéo tôi lên bảng trình bày cách giải. Cô yêu cầu cả lớp vỗ tay khen tôi. Mũi tôi phổng lên khi những đứa thường hay chế giễu tôi giờ đang tròn xoe mắt nhìn. Giờ ra chơi, khi các bạn chạy ra sân ăn quà vặt, tôi bỏ tay vào túi quần sờ soạng đếm mớ bi và thẻ bài của mình. Tính lân la ra bãi đất trống chơi thì cô Quỳnh gọi tôi đến bàn giáo viên. Cô chìa ra cho tôi hai nghìn đồng: “Em đi mua bánh ăn đi!” - Tôi thích thú đến lồi mắt ra nhưng vẫn giả vờ từ chối. Cô nói: “Cô thưởng cho em vì bài toán sao đấy. Nhớ viết chữ và số rõ ràng, trình bày ngay ngắn nhé!”. Tôi mừng ran, nhảy chân sáo đi mua bánh. 
Từ ngày đó, tôi thích học toán đến lạ. Cả tiết đạo đức của cô tôi cũng say sưa nghe cô giảng bài và kể chuyện. Giọng cô ấm áp truyền cảm, ánh mắt cô trìu mến nhìn chúng tôi. Cô dạy chúng tôi phải biết chia sẻ và đoàn kết. Cô không thiên vị bạn nào cả nhưng cách cô trách phạt rất nhẹ nhàng, nó khiến tôi thấy mình được quan tâm và muốn tốt hơn mỗi ngày trong mắt cô. Ngày 20-11 đến, đó là dịp để tôi thể hiện sự kính trọng và biết ơn đối với cô. Tôi đến lớp từ sớm, chùi bảng đen bóng và trải lại khăn bàn cho cô thật vuông vắn, sạch sẽ. Lát sau các bạn ùa vào lớp, ai nấy đều mang theo gói quà nhỏ. Tôi tránh ra cho các bạn đặt chúng lên bàn của cô. Rồi đôi chân kéo tôi chạy một mạch sang vườn nhà bà Xuân và quay trở lại với một bông hồng trong tay. Tôi mang nó đến cắm vào bình hoa nhỏ trên bàn của cô. Khi cô bước vào tôi thấy ánh mắt cô tràn ngập hạnh phúc. Cô vừa dứt lời cảm ơn thì bóng bà Xuân khệnh khạng bước tới trước cửa lớp: “Thằng con trai ông Thân vừa lẻn vào vườn nhà tôi hái trộm hoa, đề nghị cô giáo xem lại cách dạy dỗ học trò của mình. Quân trộm cắp này phải xử phạt thật nghiêm”. Cả lớp ồ lên chế giễu tôi. Còn nỗi buồn thì rưng rưng trong mắt cô. Cuối giờ học, cô gọi tôi lại tường thuật sự việc. “Đã từ lâu chiếc bình trên bàn cô chưa có bông hoa nào. Và hôm nay em muốn mình là người đầu tiên cắm hoa vào đó. Nó chắc hẳn là bông hoa đẹp nhất…” - tôi vừa thanh minh vừa đưa mắt lén nhìn cô. “Em có thể tự mua một bông hoa bằng tiền mà cô thường cho em mua bánh mà.” . “Nhưng còn Linh thì sao cô? Thỉnh thoảng bạn ấy cũng không có quà vặt và em đã mua hai chiếc bánh nhỏ để chia cho bạn ấy thay vì một chiếc bánh to”  - Cô nhìn lên trần nhà, chỗ chiếc quạt trần già nua đang uể oải xoay và đưa tay áo chấm mắt. Tôi biết con gái hay cảm động khi ai đó tặng hoa cho mình và cô cũng vậy. Tôi hứa với cô sẽ không bao giờ làm sai nữa. Lúc ấy cô đã ôm tôi vào lòng và bảo rằng: “Đối với cô, em là bông hoa đẹp nhất rồi!”. Hôm ấy cô chở tôi về nhà bằng chiếc xe máy Dream cũ. Tôi từ chối vì trái đường nhưng cô bảo trưa nắng rồi để cô đèo về. Trên đường về tôi cứ bảo cô cho tôi xuống vì sợ tốn xăng của cô. Cô mỉm cười: “Sao em lo nhiều quá vậy, Phúc?”. Tôi nhanh nhảu: “Mẹ em làm việc rất nhiều để nuôi gia đình vì bố em bị tai nạn ở chân nên rất khó xin việc. Mẹ dạy chúng em là phải biết tiết kiệm mọi thứ như thức ăn, nước, điện, xăng dầu…” . Đến đây, cô không nói gì nữa, chỉ tập trung lái xe. 
Tôi thích đi chân trần. Bắt gặp tôi nhảy nhót trên đường sỏi, cô dừng xe lại: “Đi chân trần là một cách tốt để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, khi đến trường học em nên đi giày dép nghiêm chỉnh và cũng để tránh tai nạn không may xảy ra nếu lỡ dẫm phải mảnh thủy tinh hoặc vật nhọn nhé!”. Từ đó tôi không đi chân trần khi tới trường nữa. Thấy tôi vất vả đi đôi giày chật chội, cũ kỹ, cô đã mua cho tôi một đôi khác và bảo: “Đây là món quà ứng trước vì thành tích học tập tốt cuối năm học của em”. Tôi như vỡ òa vì sung sướng, không nói nên lời. Mặc dù đôi giày không phải loại đắt tiền nhưng chúng vừa chân và quan trọng là cô giáo tôi yêu quý nhất đã tặng chúng cho tôi. Về nhà, tôi khoe ngay với Bo. Tôi móc tất cả bi, thẻ bài bỏ vào một cái túi buộc lại rồi đem nhét vào góc tủ quần áo. Tôi đặt đôi giày lên một bên bàn học và nhìn ngắm chúng mỗi khi buồn ngủ hay con quỷ trong tôi rạo rực ý định bày trò. Tôi cũng viết thư cho người bạn nhỏ kể về đôi giày. Bạn ấy tỏ ra rất ngưỡng mộ món quà của tôi. Chúng tôi thường xếp thư thành những con hạc giấy để dưới gầm bàn học của tôi. Vì thế, tôi gọi bạn ấy là Hạc giấy. Khi tôi bảo rằng muốn “giết” chết bố trong trái tim mình, Hạc giấy đã viết cho tôi những dòng sâu sắc như thể một người trưởng thành: “Mong rằng bạn sẽ không bao giờ để bố bạn phải nghe thấy những lời đó. Không một cha mẹ nào ghét bỏ con mà lại sớm hôm dầm mưa dãi nắng làm lụng để nuôi con, và cũng chẳng cha mẹ nào đánh con vì ghét con cả. Chỉ là vì họ chưa biết cách dành thời gian gần gũi chia sẻ cùng con cái của mình thôi. Và một phần cũng vì cái nghèo khiến họ mải mê lo cơm áo, gạo tiền mà quên mất việc làm bạn cùng con. Họ nghĩ con cái phải có nghĩa vụ hiểu nỗi khổ của cha mẹ. Còn con cái lại nghĩ cha mẹ không yêu thương mình. Và khoảng cách ngày một xa…”. Bố mẹ tôi thậm chí không biết đến sự hiện diện của đôi giày mới mà cô giáo tặng cho tôi. Họ còn không có thời gian tắm rửa cho tôi và vách tai tôi bây giờ đã dày cộm đất. Mỗi lần tắm cho Bo, tôi thường nói: “Em là cậu bé xinh nhất anh từng thấy. Em phải luôn sạch sẽ, thơm tho để mọi người thích em, muốn cho em quà. Còn anh là đồ bỏ đi rồi...”. 
- Bạn là một người anh trai tốt. Bạn cũng rất quan tâm bạn bè. Như lời kể của bạn, tôi thấy bạn chỉ gây chuyện khi mọi người phớt lờ bạn, không quan tâm đến bạn. Bạn chỉ mới là một đứa trẻ nhưng người lớn để bạn phải lo lắng và chịu trách nhiệm quá nhiều. Tôi nghĩ nhiệm vụ của bạn bây giờ là học thật tốt, chơi ngoan ngoãn và quan tâm đến mọi người xung quanh. Dần dần mọi người sẽ chú ý và hiểu bạn hơn.
 Nghe lời người bạn bí mật của mình khuyên bảo, những ngày sau đó tôi để dành tiền ăn bánh mà cô Quỳnh thưởng để mua ba điếu thuốc Jet cho bố. Trở về sau ngày làm việc mệt nhọc, thấy tôi rón rén xòe tay ra với ba điếu thuốc ngon, bố kéo tay tôi ngồi vào lòng mình và âu yếm hỏi:
- Tiền đâu mà con mua thuốc cho bố?
- Tiền cô giáo cho con ăn bánh khi được điểm tốt ạ.
- Cô giáo tốt quá! Sao con lại để tiền mua thuốc cho bố? Chẳng phải con từng bảo bố hút thuốc không tốt sao?
- Đúng là cô giáo dạy con thế. Nhưng con thấy bố không bao giờ mua gì cho mình cả, ngoài thuốc lá. Và bố cũng chỉ hút những loại thuốc rẻ tiền…
- Tóc dài rồi. Ngày mai bố cắt tóc cho nhé! - nói rồi bố ôm lấy đầu tôi. 
Còn tôi thì áp mặt vào ngực bố hít hà mùi mồ hôi còn ấm. Chưa bao giờ tôi thấy mùi mồ hôi lại thơm đến thế. Tối hôm đó mẹ đi làm về muộn. Đợi mẹ tắm giặt xong, tôi bê lên một chậu nước gừng ấm bảo mẹ ngâm chân. “Ngâm chân nước gừng ấm sẽ giúp dễ ngủ lắm, bà nội bảo vậy” - tôi nhanh nhảu. Mẹ ôm và thơm lên trán tôi. Đêm hôm đó mẹ bảo tôi qua ngủ cùng mẹ và Bo. Hôm sau, cô Quỳnh đến nhà tôi thăm và trò chuyện cùng bà và bố. Tiếc là tôi không có mặt ở nhà nên không nghe lỏm được cuộc nói chuyện. Những ngày sau đó, mọi người trong gia đình hay hỏi han tôi. Bố đã rất cố gắng để hiểu tôi và đã chỉ ra cho tôi những điều đúng sai thay vì đánh đòn. Cứ vài hôm mẹ lại về sớm tắm cho hai anh em tôi sạch sẽ. Tôi cũng thường đi lấy tăm và nhổ tóc bạc cho bà nhưng không vòi vĩnh đồng nào. Thỉnh thoảng bà mua bánh cho chúng tôi. Hàng xóm cũng ít khi phàn nàn về tôi. Không nghịch phá, tôi lại đâm ra chán nản. Tôi là đứa trẻ không thể ngồi yên. Tôi có hàng ngàn câu hỏi và không ai đủ kiên nhẫn ngồi giải đáp cho tôi cả. Rồi một ngày cô Quỳnh mang đến lớp rất nhiều sách, trong đó có cả sách khoa học, toán và văn. Tôi bước vào những chuyến phiêu lưu kỳ thú đi tìm lời giải cho những điều thắc mắc về thế giới xung quanh mình. Và từ đó tôi phát hiện mình rất mê đọc. Dường như sách đã khiến tôi cư xử tốt hơn và không thích tham gia vào những cuộc chiến sau giờ học nữa. Tôi còn phát hiện tôi rất yêu văn học. Tôi mơ ước sau này trở thành một nhà văn nhỏ nhưng tôi không dám nói điều đó với ai ngoài người bạn Hạc giấy. Cô Quỳnh bảo với chúng tôi rằng: “Sống là phải có ước mơ. Ước mơ giúp chúng ta sống có hy vọng và nỗ lực mỗi ngày” . 
Kết quả học tập của tôi ngày một khá lên. Và tôi xứng đáng với món quà đôi giày mà cô đã tặng. Nhưng rồi tôi cũng phải lên lớp rồi chuyển cấp. Không được học cùng cô nữa nhưng ngày nào tôi cũng đến đón Bo và đợi để chào cô. Có những ngày mưa như trút nước rồi giá lạnh băng kín những con đường sũng nước. Người ta chỉ lướt qua nhau mà chẳng kịp thấy mặt. Rồi bẵng rất lâu tôi không còn thấy cô dắt chiếc xe Dream cũ đi ra cổng trường nữa. Một cô giáo nói với tôi: “Cô Quỳnh bị bệnh mấy tháng nay rồi em ạ. Cô đang điều trị hóa chất ở bệnh viện”. Tôi từng nghe người lớn nói chuyện, những người bị ung thư sẽ phải điều trị hóa chất. Chân tôi như nhũn ra không thể bước tiếp. Nghe tin cô về nhà, mẹ và tôi đến thăm. Khuôn mặt cô gầy gò, tiều tụy nhưng nụ cười hiền vẫn thường trực trên môi. Cuộc sống của cô không hề dễ dàng khi chồng thường xuyên đi làm xa, một mình chăm mẹ chồng già, hai đứa con và nuôi thêm một đàn lợn. Vậy mà lúc nào đến trường trông cô đều vui vẻ, tràn đầy năng lượng và lan tỏa đến mọi người xung quanh. Trước đây tôi cũng từng đặt câu hỏi “Hễ có chuyện gì người ta lại gọi ông trời. Vậy tại sao ông trời không giúp họ, không giúp những người nghèo như chúng tôi. Nếu cho rằng tôi là đứa trẻ hư, vậy thì em Bo thì sao? Em Bo quá đáng yêu nhưng kém may mắn. Và cả cô Quỳnh nữa. Một giáo viên tốt như vậy sao lại bị bệnh?” . “Thật may là phát hiện kịp thời, nếu điều trị tốt sẽ qua khỏi”, cô bảo với mẹ tôi như thế nhưng mẹ nói với tôi quá trình điều trị sẽ rất gian nan. Tôi đến bàn làm việc của cô. Những bông hoa điểm tốt cô đang cắt dở. Tôi ngồi xuống làm tiếp cho cô, bỗng nhiên trong chiếc hộp có những con hạc giấy nhỏ. “Là chữ của mình”, tôi hét trong im lặng và Hạc giấy chính là cô. Mỗi ngày tôi gấp được mười con hạc giấy. Tôi đạp xe năm cây số, mang đến bỏ vào những chiếc chai thủy tinh trên bàn làm việc của cô. Sau đó tôi ra vườn tưới cây và quét nhà cửa giúp cô. Tôi còn năn nỉ nội khâu giúp tôi một chiếc mũ vải hoa để tặng cô. Cô xoa đầu tôi âu yếm: “Em không cần ngày nào cũng đến đây đâu. Còn phải để dành thời gian học bài nữa. Ngày mai cô vào bệnh viện lại rồi…”. “Cô nhớ đội chiếc mũ này nhé. Ngày nào em cũng đến và bỏ đầy những cái chai kia cho đến khi nó đủ ngàn cánh hạc. Khi ấy điều ước của em sẽ thành hiện thực”. “Điều ước gì cơ?”. “Là… cô sẽ nhanh khỏi bệnh và sống thật khỏe mạnh, vui tươi. Em muốn lại nhìn thấy mái tóc xù của cô”.
Lần này bụi lại rơi vào mắt cô.
- Cô đã bảo rồi, em là một cậu bé tuyệt vời!
Những chiếc chai thủy tinh ngày một đầy thêm với những cánh hạc sắc màu. Tôi còn thêm vào đó những ngôi sao lấp lánh. Khi màn đêm căng phình bao trùm lấy vạn vật, dải ngân hà lại phát sáng đầy sao cùng ngàn cánh hạc bay. Và rồi… điều ước của tôi cũng trở thành hiện thực. 
Cô nói rất đúng. Sống là phải có ước mơ. Dù cuộc sống có khó khăn và hiện thực đôi khi nghiệt ngã nhưng ước mơ giúp ta đạp lên những khó khăn để vươn tới những điều tốt đẹp nhất. Lúc bấy giờ, nếu tôi là bông hoa đẹp nhất trong mắt cô thì cô chính là cánh hạc đẹp tuyệt trần dẫn lối cho những cánh chim nhỏ từ từ bay lên chạm đến ước mơ của mình. Và cũng chính cô là người dạy tôi biết sự trìu mến là gì. Cuộc sống này nếu không có tình yêu thương và sự trìu mến thì sẽ trở nên vô vị, bế tắc. Tôi đã nhận sự trìu mến đó từ cô và trao sự trìu mến của mình cho mọi người xung quanh. Đó là cách chúng ta dìu nhau bước đi trong cuộc đời này.
            

N.D.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 3674
 Tổng số truy cập: 7389879
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa