Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Trở lại thiên đường
Trở lại thiên đường

Năm sáu tuổi đã béo phì, hơn ba mươi cân, cu Chẹp về quê ục ịch. Đám trẻ con nhà quê nhằm vào cái bụng lồi to với chiếc rốn him híp mà trề môi. Vừa xấu hổ vừa nặng xác, cậu chẳng dám thò đầu ra khỏi ngõ. Họ hàng thấy cháu trai mặt bảnh bao, chỉ tội “hơi thừa cân một tí”, đã bảo bố cậu tìm cách giảm cân cho con. Nhìn cậu ngấn thịt, rụt cổ ngồi thở nặng nhọc, tội nghiệp quá. Bố cu Chẹp chỉ gật đầu để đấy.
Chẹp là tên gọi của Dũng lúc ở nhà. Cậu chưa bao giờ quan tâm đến cái tên đó đẹp hay xấu, chỉ cốt sao ăn uống cho thỏa thích, sướng cái miệng. Vừa lên lớp năm cậu đã ngót nghét sáu mươi cân. Dáng đi kềnh càng, khệnh khạng. Bận bịu lắm, năm nào bố mẹ cũng cố gắng đưa cậu con trai về quê vài ngày. Nhưng càng ngày cậu càng ngại vì cơ thể nặng nề của mình. Bố mẹ ra phố học hành, giàu xổi, cu cậu được cưng chiều thành ra thói ích kỷ ám sâu vào tận não. Cậu ích kỷ đòi gì được nấy. Nhà chỉ có mỗi mình cậu, nên bố là tướng, mà là tá thì cậu cũng phải nhận mình là… to tướng! Bố mẹ vẫn mắng con “Cỡ tuổi mày ngày xưa bố làm hết việc này đến việc khác, vậy mà đến cái rau mày cũng không nhặt nổi”. Bố mẹ lên cơn sốt con trai cũng vô cảm, vẫn đòi đưa đi chơi. Nhưng nói chỉ để nói. Nói hôm chị giúp việc nghỉ về quê thôi. Còn chị làm tuốt tuột. Chẹp đủ hình đủ cấp hành chị. Đi học về là quần áo lột ra, ném lung tung, nhảy ngay vào phòng ôm máy tính chơi điện tử. Rồi hết chơi ô tô, tàu bay lại đến xe địa hình, chiến cơ siêu hạng… Bố mẹ vẫn nghĩ giao Chẹp cho chị giúp việc chăm sóc, đưa đi học rồi lại đón về, cho tiền tiêu thoải mái, cho chơi thả phanh. Vậy là yên tâm. Họ lao đi với các cuộc kiếm tiền, những tiệc tùng bia rượu. Chẹp không biết thế giới ấy. Cậu chỉ quan tâm đến chị giúp việc. Tối chị cho đi ngủ thì đòi nắn ti. Tối chị bảo đi bộ giảm cân được một đoạn mệt lử đòi chị cõng. Cơ thể gần sáu mươi cân trút lên lưng chị bé nhỏ. Chiều cậu, chị gắng làm, nhưng lưng cong, khuôn mặt méo xệch.
Ở nhà, vì cậu “to tướng” nên thường ra lệnh cho chị giúp việc. Có khi bố mẹ vắng nhà gần một tuần, chỉ hai chị em chơi với nhau. Chị giúp việc quá nể, quá sợ cậu mà chiều theo mọi hạch sách, trở thành “cấp dưới” phục dịch cậu chủ.
Một ngày cậu chán hết mọi thứ. Chán chơi, chán ăn, chán học hành, chán cả những lời ra lệnh tai quái với “cấp dưới”. Bà nội ở quê, gọi điện ra hỏi thăm, cậu chẳng buồn nói chuyện. Bố đón bà ra chơi ít ngày, Chẹp có thời gian nói chuyện với bà nhiều hơn. Bà nội lo lắng trước tính ngang bướng của cháu, càng lo nếu cứ đà này, cháu phát phì thêm sẽ không thể di chuyển.
- Bà ơi, cháu chán nhà lắm rồi. Cháu muốn về quê. - Chẹp nói.
- Cháu còn phải học. - Bà hứa dịp hè, bà sẽ tặng cháu một món quà.
- Quà gì thế bà ơi? - Chẹp hét lên. Rồi cậu xỉu xuống - Cháu có thiếu gì. Chán tất rồi. Cháu chẳng thiết gì nữa cả.
Bà phóm phém cười:
- Không, đây là món quà đặc biệt. - Bà nội ân cần nhìn Chẹp - Nhưng cháu phải ngoan, để đến hè bà đưa cháu đến gần món quà đó.
- Quà đó là gì ạ? Bà nói cho cháu biết đi.
- Bà sẽ đưa cháu đến thiên đường.
- Ở đó thích không bà? Có nhiều đồ ăn ngon như nhà cháu không? Có ti vi to như phòng khách nhà cháu không? Hay có nhiều đồ chơi như cháu đang có không?
Bà nội gật đầu, đáp:
- Bí mật cháu ạ. Cháu cố đợi nhé, đến kỳ nghỉ hè về quê bà sẽ cho cháu thấy.
*
Công việc của bố mẹ đẩy Chẹp ra xa, đến nỗi cậu không còn cảm giác có hơi ấm của bố mẹ trong cuộc sống của mình. Đến trường học, Chẹp chẳng thèm quan tâm đến ai. Cậu dùng đồ chơi, tiền mua kẹo làm mồi lôi kéo những bạn nam làm “tay chân” cho mình. Nào bắt nạt bạn nam nhỏ, hù dọa bạn nữ, và tiếp tay cho những trò nghịch ngợm của cậu.
Từ hôm bà nói sẽ tặng cậu món quà gặp thiên đường, Chẹp đã hành hạ chị giúp việc thêm nhiều lần. Chị mệt lử cự lại thì cậu quát: “Này, chị là người giúp việc, là ô sin, chị phải chiều!”. Chị giúp việc chảy nước mắt tủi thân suýt nữa xin nghỉ. Bố Chẹp phải động viên mãi chị mới chịu ở lại. Rồi ngày được mong đợi nhất đã đến, bắt đầu nghỉ hè bố đưa về quê. Năm nay Chẹp được nghỉ dài, hơn một tháng hè đủ để cậu thỏa thích chơi đùa, nhưng cũng sẽ quá mệt đối với bà nội vì phải trông cậu. Vừa đặt chân đến sân, bà nội ra đón ôm, Chẹp đã đòi xem ngay thiên đường. Bà dỗ dành bảo: “Mấy hôm nay thiên đường đi vắng, phải đợi cháu ạ”. Chẹp ngơ ngác tin là vậy, nhưng cũng cố hỏi bà thêm một câu: có ở xa đây không hả bà?
Đầu tiên bà đưa Chẹp vào thăm ông nội. Ông ốm liệt giường năm năm nay, sống đời thực vật. Những lần trước về quê, Chẹp chỉ ghé sơ qua chứ chưa bao giờ biết thương ông. Dịp này, bà muốn cháu nội dù sinh ở phố cũng phải biết bón cho ông thìa cháo, yêu thương và cùng bà đọc kinh. Bà làm trước rồi bảo Chẹp làm đúng như vậy. Hai thìa đầu cậu làm rớt ra ngoài. Từ thìa thứ ba thì cậu làm rất gọn ghẽ. Bà cười rất tươi.
- Ông không ngồi dậy được, không nói được hở bà? - Chẹp hỏi.
- Ừ, ông ốm nặng lắm, nên chỉ nằm như thế thôi. - Bà trả lời.
- Vậy có bao giờ ông tỉnh lại không ạ?
- Có, là khi có một phép màu. Khi vào thiên đường, cháu hãy tìm phép màu giúp ông tỉnh lại nhé.
Nghe thế, Chẹp càng muốn mau chóng được vào thiên đường. Cậu hứa sẽ tìm ra phép màu giúp ông khỏe lại.
Buổi trưa hôm đó, bà nội nhờ Chẹp cùng nhặt rau. Cái bụng bệu bạo to khiến cậu rất khó ngồi, phải đặt mông lên ghế. Tuy nhiên cậu cũng cùng bà nhặt đến cọng rau cuối cùng, mồ hôi rịn ra trên trán. Trong bữa ăn, Chẹp chăm chắm gắp thịt, không ăn rau. Hai tay nhớn nháo gắp liên tiếp. Bà nhắc: “Cháu nên ăn nhiều rau và đậu. Thiên đường không thích những người ăn nhiều thịt đâu”. Nghe đến đấy, tay Chẹp muốn chĩa đũa sang đĩa thịt, cũng đành quay sang đĩa đậu.
Chiều vãn nắng, bà nội tìm cho Chẹp một chiếc mũ, rồi hai bà cháu ra đồng nhổ lạc. Chưa bao giờ Chẹp được ra đồng nhổ lạc nên cậu rất hào hứng. Chỉ được một lúc, mồ hôi tóa ra, ướt đẫm cái vai áo to nhiều mỡ của cậu. Chẹp đứng lên, gãi đầu, nhăn nhó, hỏi:
- Nóng quá bà ơi. Sao các cô chú không đi làm cho bà?
- Ừ, hôm nay còn đỡ đấy cháu ạ. - bà trả lời - Các cô chú có việc khác cả.
- Thế các cô chú có kiếm ra tiền để nuôi ông bà không ạ?
- Có chứ, các cô chú rất có hiếu.
Chẹp lại hỏi:
- Ông cứ nằm như thế, bà phải làm tất hay sao?
- Ừ, ông bệnh làm sao làm được. Vậy thì cu Chẹp phải giúp bà nhé, chịu khó vào.
Ba buổi chiều, Chẹp theo bà ra đồng, rồi về chăm sóc ông. Cậu cứ thắc mắc sao bà tận tình chăm sóc ông đến thế. Rồi các chú thím, các bác thay nhau hỏi thăm, mua quà bánh cho bà, cho ông. Ông cũng chẳng nói được lấy một lời. Ấy vậy sự tò mò vẫn thôi thúc Chẹp chốc chốc lại sốt ruột muốn tìm thấy thiên đường. Thiên đường ở đâu nhỉ? Bà đã dần dần tiết lộ đó là nơi rất vui, nhiều tiếng cười. Ngay cả trong mơ, cậu cũng thể hiện nỗi thèm khát ấy.
Bà vất vả cả ngày, chẳng có thời gian đưa cháu trai đi chơi. Hôm đó, bà Đảm em gái họ của nội ốm, bà đưa Chẹp đi cùng. Chẹp đã thắc mắc, tại sao lại phải đi thăm nhau, đi thăm là thế nào? Bà nội giải thích, đó là việc tình nghĩa, là người này quan tâm đến người kia. Chẹp gật gù cái đầu: Thì ra là vậy.
Bà nội chợt thở dài. Ắt hẳn cháu bà rất ngố với những điều đó. Nó sống ở phố, cứ như con gà công nghiệp.
Tuần thứ nhất giúp bà việc nhà và việc ngoài đồng. Tuần thứ hai kỳ nghỉ hè, Chẹp giúp bà vừa việc nhà, vừa làm vườn. Nhổ cỏ, bắt sâu, cuốc đất, hái rau… Mỗi ngày đọc những bài kinh. Cháu bà phải hiểu hơn về tình yêu. Tất cả những việc bà làm, bà đều muốn cháu trai thử sức. Nóng bức, nỗi mệt nhọc khiến Chẹp chán nản và càng muốn mau chóng thấy thiên đường. Nội đã bảo có, vậy sao vẫn chưa thấy. Ở đó có phải con người không làm vẫn có ăn không? Cậu đã nghĩ đến chuyện bà nội nói sai, chỉ lừa Chẹp thôi. Còn bà thấy cháu trai có đen đi, nhưng dáng dấp gọn hơn, nhanh nhẹn hơn. Bà mừng thầm.
*
Những hôm đầu, Chẹp không muốn chơi với đám trẻ con miền quê. Ngay cả mấy đứa con bác Khang, chú Dành, cậu cũng lạnh nhạt không bắt chuyện. Dần dà, đám trẻ con có những trò chơi mà Chẹp không có. Đánh bi và thả diều. Chẹp được bắt chuyện, quen dần nên chủ động rủ cùng chơi. Chị Duyên con bác Khang mười ba tuổi, kháu khỉnh và thông minh. Một chiều thả diều trên mương đồng, Chẹp trượt chân đã ngã xuống nước. Cái Chang bắt ốc gần đó đã chạy đến kéo Chẹp lên. Rồi Chang bỏ chạy, không nói một lời. Chẹp cũng chẳng quan tâm, cậu bỏ về thay quần áo. Một lần chị Duyên nói với Chẹp:
- Chỗ gò hoang ngoài đồng có chỗ chơi hay lắm. Chúng mình đến đó đi. Ở đó có cái Chang, hôm nọ kéo Chẹp khỏi mương nước đó.
Cu Theo, em của Duyên can:
- Người lớn không ai cho trẻ con đến đó. Nghe nói ở đó có ma, có người hủi.
Chẹp không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Cuối cùng, Duyên giải thích, rằng nơi đó là khu cây cối um tùm, xanh mướt, có chiếc lán của hai mẹ con bà hủi. Người con là cái Chang. Không ai dám đến đó vì sợ lây. Nhưng Duyên và mấy đứa em thì không. Họ quý cái Chang con gái bà hủi.
- Nếu lây bệnh thì em không đi đâu - Chẹp nói.
- Không lây mà lại - Duyên khẳng định - Chúng mình cứ đến đó chơi. Chị thấy Chẹp có tiền, cho cái Chang nhé. Ở chỗ đó gió rất mát.
Vậy là cả bọn bàn nhau bí mật đến gò hủi, nơi mẹ con bà hủi sống trong sự xa cách. Chẹp tặng Chang số tiền hôm về quê, bố đưa cậu giữ. Chang sợ sệt mãi mới chịu cầm. Bà hủi hất hàm hỏi:
- Các cháu không sợ sao mà đến đây? Người lớn biết là chửi mắng đấy.
Duyên thưa:
- Chúng cháu đi bí mật, không ai biết cả. Chúng cháu không sợ lây bệnh. Năm trước có chú nhà báo đi qua, nói bệnh không lây mà. Sao người ta lại sợ đến đây?
Bà hủi nao nao quay mặt nhìn lên tán cây. Gió thổi xào xạc. Cái Chang biết mẹ nó đang buồn. Chang đã được Duyên nói cho nghe về thế giới bên ngoài. Rất tự do thoải mái, được đi học, được chơi và cười nói. Những điều đó, Chang chỉ thấy trong mơ. Thế giới của nó là chiếc gò hoang này, với những tán cây, những cơn gió đồng bàn bạt. Nó đã luôn phải sống trong hoang lạnh.
Chẹp là người đã gợi ý cả bọn rủ Chang về làng cùng chơi. Bà hủi can. Chang thảng thốt nói người dân không ai muốn thấy sự xuất hiện của hai mẹ con nó. Từ lâu họ đã xa lánh hai mẹ con. Nhưng Chẹp đã thuyết phục được. Lần một rồi lần hai. Vậy là người trong làng ầm lên. Họ mắng Chẹp, rồi đến tận nhà tố cáo chuyện đó với gia đình. Bà nội phải xin lỗi họ. Nhưng bà không mắng Chẹp. Bà bảo Chẹp làm đúng. Chuyện vẫn bị làm ầm lên khiến chính quyền địa phương vào cuộc. Chú nhà báo ở trên phố về, nói bệnh hủi không lây cũng vào cuộc. Cán bộ cấp trên nữa đưa mẹ con bà hủi đi kiểm tra, xác minh. Kết quả họ không bị bệnh. Họ chỉ bị ghẻ lạnh, bị vu oan vì liên quan tình cảm đến ông trưởng thôn, rồi bị đẩy đuổi ra đó cô lập. Người ta buộc phải cho hai mẹ con bà về làng sống. Nhưng bà đã không làm thế, chỉ cho cái Chang đi học. Bà vẫn muốn ở lại khu gò, với những tán cây, cánh đồng. Công đầu tiên được ghi cho Chẹp. Cậu có một ý nghĩ táo bạo và hồn nhiên. Sau những lần bí mật ra gò hoang, bọn trẻ đã giúp giải nỗi oan cho mẹ con Chang. Chẹp thân hơn với Chang từ đó. Cô cậu bằng tuổi nhau.
Bà nội rất hãnh diện vì Chẹp. Cậu được khen, tung tăng rủ các chị và các em đi ngắm cánh cò trên đê. Cuối chiều tạnh nắng, Chẹp chạy ra chân đê để thả diều. Cậu vẫn ôm nỗi khát khao, không quên hỏi bà về thiên đường. Cậu nói với chị Duyên, cu Theo và cả bạn Chang về thiên đường mà bà nội muốn cậu thấy. Chị Duyên hỏi:
- Chị chưa bao giờ thấy bà nói về thiên đường.
Còn Chẹp dõng dạc:
- Chắc em là con trai. Bà chỉ nói cho cháu trai thôi.
*
Tuần thứ tư của kỳ nghỉ hè sắp qua đi. Chỉ còn ít ngày nữa Chẹp phải về lại phố. Vẫn chưa thấy thiên đường. Cậu đang thất vọng, không muốn làm việc nữa. Bà nội khuyên: Thiên đường thích những đứa trẻ chăm ngoan, chịu khó. Chẹp vì muốn thấy thiên đường nên cố gắng vâng lời. Tối đó bà sốt. Chẹp sốt sắng hỏi các chú về thuốc để bà uống giảm sốt. Chú Dành bưng nước mời bà uống thuốc. Cậu thấy cử chỉ của chú sao mà ân cần.
Mẹ ốm, bố gọi điện trước rồi về quê đón Chẹp sớm hơn dự định. Câu đầu tiên Chẹp hỏi là mẹ có ốm nặng không, con rất nhớ mẹ. Mẹ có nhớ con không? Những câu hỏi mà trước đây chưa bao giờ cậu cất lời. Người bố bất ngờ vì thấy con rắn giỏi. Thân hình cậu cũng gọn gàng, trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Chẹp nhớ mẹ, muốn ngay lúc này được gặp mẹ, nhưng vẫn muốn được thấy thiên đường, muốn sống nơi quê. Cậu đang hòa nhịp rất tốt.
- Bố ơi, hay bố cứ về với mẹ trước. Bố chăm sóc mẹ thay con. Con còn phải đợi thấy thiên đường, tìm phép màu giúp ông khỏe lại. Với lại, về phố, con sẽ rất nhớ mọi người, nhớ quê.
Người bố bất ngờ trước câu nói của con. Con trai đã biết thương người, biết nhớ quê.
Rồi Chẹp quay sang bà, nài nỉ: 
- Bà sớm khỏe bệnh bà nhé. Hay là lúc này bà đưa cháu vào thiên đường đi.
Bà lắc đầu:
- Chưa được, cháu cứ lên phố, rồi bà sẽ đưa cháu đến đó sau.
Sáng sau Chẹp sẽ lên phố cùng bố. Cậu nói với bố rằng mới quen một người bạn rất thân, và xin bố một ít tiền giúp đỡ cho Chang đi học. Tất nhiên bố đồng ý. Đêm hôm đó, Chẹp ngồi viết thư cho Chang, dù vừa gặp lúc chiều nói lời tạm biệt. Thư có đoạn: “Tớ vẫn muốn nhìn thấy thiên đường, nhưng bà bảo phải đợi. Tớ muốn cậu được đi học, học tốt, và có thời gian lên phố chơi với tớ nhé. Tớ hứa được thấy thiên đường, tớ sẽ rủ cậu cùng vào... ”.
Sau khi hôn tạm biệt ông nội trên giường, ngồi lên xe máy để cùng bố về Hà Nội, Chẹp vẫn ngoái lại nhìn bà gượng dậy tiễn cháu. Ánh mắt Chẹp vừa đầy hy vọng vừa tiếc nuối. Cậu khao khát thấy thiên đường. 
 - Bà ơi, bà giữ sức khỏe nhé, cháu về thăm mẹ, mấy hôm nữa lại xin bố đưa về với bà. Lúc đó nhất định cho cháu gặp thiên đường nhé?
Bà nội nói với hai bố con:
- Kỳ nghỉ vừa qua, cháu đã sống trong thiên đường đấy thôi. Này nhé, cháu đã giảm được bảy cân thịt, đi lại nhanh hơn mà chính cháu không biết. Rồi cháu biết làm, biết quan tâm đến người khác. Cháu đã biết thương người, sẻ chia, thuộc làu cả chục bài kinh.
Giọng bà dõng dạc hơn:
- Ôi, bà cảm ơn cháu. Cháu biết quan tâm đến người khác cơ đấy. Này, cháu đang sống ở thiên đường đây này. Thiên đường chính là nơi con người sống hạnh phúc với nhau, sẻ chia và giúp đỡ. Là nơi mỗi người có cơ hội và thật tâm làm điều tốt. Cháu không thấy là cháu đã được cười rất nhiều, có nhiều bạn mới sao... Vậy cháu hãy tạo ra những thiên đường cho mình nhé.
Người bố gật đầu vui sướng. Ông thấy con mình đã thay đổi thật. Hoạt bát hơn, và hơn thế biết yêu thương. 
Chẹp xuống xe, chạy đến ôm chặt lấy cổ bà nội, thấy hơi thở bà rất ấm. Lòng cậu cũng sảng khoái hơn. “Vâng, cháu đã thấy thiên đường”, Chẹp hét lên. Những tán lá trong vườn bà rung rinh như múa hát.
          

 N.V.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 78
 Hôm nay: 4922
 Tổng số truy cập: 9242112
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa